Barack Obama khen Tổng thống Miến Điện


Cập nhật: 10:02 GMT - thứ ba, 21 tháng 5, 2013

Hoa Kỳ kêu gọi Miến Điện ngưng bạo động
Tổng thống Mỹ thúc giục Miến Điện chấm dứt bạo động nhắm vào người Hồi giáo nhân chuyến viếng thăm Mỹ của Tổng thống Thein Sein.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ Tổng thống Miến Điện Thein Sein trong nỗ lực cải tổ, nhưng yêu cầu ngừng đợt sóng bạo lực chống người Hồi giáo.
Tại buổi tiếp ở thủ đô Washington hôm 20/5, ông Obama khen ngợi tiến trình tách khỏi chế độ quân sự của Miến Điện và hứa cung cấp thêm hỗ trợ kinh tế và chính trị.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Miến Điện đến Mỹ sau gần 50 năm.
Tổng thống Mỹ nói quan hệ hai nước đã tốt hơn nhờ “sự lãnh đạo mà Tổng thống Sein chứng tỏ khi đưa Miến Điện theo con đường cải tổ chính trị và kinh tế”.
Nỗ lực 'chân thành'
Ông Obama nói ông Thein Sein có “nỗ lực chân thành” để giải quyết các cuộc chiến sắc tộc.
Nhưng ông bày tỏ “lo ngại sâu sắc” cho cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc chính phủ Miến Điện làm ngơ trước các vụ tấn công người Rohingya, không được xem là công dân nước này.
Ông Thein Sein nói với Obama rằng ông quyết tâm cải cách, và trong một diễn văn sau đó, nói ông muốn xây dựng “một bản sắc dân tộc gắn kết hơn”.
Tổng thống Miến Điện nói những cải cách ông thi hành là “chưa từng có” và kêu gọi “ủng hộ tối đa của quốc tế”.
Vào cuối ngày thứ Hai, Tổng thống Thein Sein có bữa ăn tối với các doanh nhân Mỹ.
Đọc bài diễn văn bằng tiếng Anh, ông nói Miến Điện là cửa ngõ để đi vào thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
“Chúng tôi muốn để lại nền tảng cho một tầng lớp trung lưu lành mạnh. Chúng tôi muốn mời các công ty Mỹ đến đầu tư,” ông nói.
Chính phủ Obama đã ngừng phần lớn biện pháp trừng phạt với Miến Điện.
Dự kiến hôm thứ Ba, Mỹ sẽ ký thỏa thuận đối thoại về thương mại, để chứng tỏ có những lợi ích cụ thể khi Miến Điện cải tổ.
Tháng 11 năm ngoái, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Miến Điện.
Ông Thein Sein đã gây ngạc nhiên khi thả hàng trăm tù nhân chính trị, có ngừng bắn với các nhóm phiến quân, giảm kiểm duyệt và để lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi vào quốc hội.
Thử thách quan trọng nhất sẽ đến vào năm 2015, khi Miến Điện tổ chức tổng tuyển cử.
Trong khi đó, một thượng nghị sĩ Mỹ từ bang Florida thuộc đảng Cộng hòa, Marco Rubio, phê phán ông Obama bình thường hóa quá nhanh với Miến Điện.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?