Biển Đông: Việt Nam cần mạnh dạn tại Đối thoại Shangri-La


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
IISS
Trọng Nghĩa
Kể từ ngày 31/05/2013, hội nghị thường niên về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương - Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) - sẽ mở ra tại Singapore trong ba ngày (31/05-02/06). Đặc biệt năm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được mời đọc một bài « diễn văn đề dẫn - Keynote speech » ngay ngày khai mạc hội nghị.
Trong bối cảnh tình hình khu vực đang bị khuấy động do vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước lân bang, đặc biệt là tại Biển Đông với Việt Nam, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để xem nhân vật lãnh đạo này sẽ phát biểu những gì, nhất là khi trong những tuần lễ gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường những hoạt động – nếu không muốn nói là thủ đoạn – ngoại giao để quảng bá quan điểm Trung Quốc về Biển Đông.
Quan điểm này đã được trình bày như là một đường lối rất hiếu hòa, trong lúc qua những hành động cụ thể trên « hiện trường », Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp đặt các đòi hỏi đã được họ nêu bật trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn – tức là đường lưỡi bò –đồng thời tìm cách cô lập Việt Nam và Philippines, hai nước đã không ngừng phản đối các yêu sách quá đáng của Trung Quốc về Biển Đông.
Biển Đông không chính thức nằm trong chương trình nghị sự Shangri-La
Vấn đề là Biển Đông không chính thức nằm trong sáu chủ đề chính sẽ được bàn bạc tại cuộc Đối thoại Shangri-La năm nay, do đó trách nhiệm nặng nề đối với thủ tướng Việt Nam là làm sao trong bài diễn văn đề dẫn của mình, nêu bật được những vấn đề thiết yếu của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông, nhằm phản bác một cách có lý lẽ các lập luận của Trung Quốc.
Trong một nhận định công bố ngày 23/04/2013, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á và Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, đã nêu bật tính chất quan trọng của người được mời đọc bài keynote speech, diễn văn mở đầu cuộc Đối thoại. Ông viết :
« Nếu thủ tướng Việt Nam đưa ra được một bài diễn văn đề dẫn thật hay tại bữa tiệc tối khai mạc hội nghị, ông sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định hình các cuộc thảo luận sau đó. Uy tín Việt Nam sẽ gia tăng vì lẽ Việt Nam sẽ được xem là một quốc gia đóng góp vào nền an ninh khu vực ».
Đó cũng là quan điểm của giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông tại trường Đại học Maine (Hoa Kỳ). Giáo sư Long đã ghi nhận rằng Đối thoại Shangri-La là một cơ may hiếm hoi để Việt Nam nêu bật được các vấn đề cốt lõi liên quan đến Biển Đông mà quốc tế cần quan tâm giải quyết để bảo đảm an ninh cho khu vực.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long xác định : một trong những vấn đề thiết yếu mà thủ tướng Việt Nam cần nói lên - vừa trong bài diễn văn đề dẫn của mình, vừa trong các cuộc tiếp xúc bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La - là tính chất tai hại đối với an ninh khu vực và thế giới của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang áp đặt để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ
20/05/2013
by Trọng Nghĩa

Vấn đề chính của Việt Nam : Bảo vệ an ninh cho Việt Nam và khu vực
Ngày 31/05 tại cuộc Đối thoại Shangri La (ở Singapore), Thủ tướng Việt Nam sẽ đến dự… cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Theo tôi được biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người được đọc diễn văn đề dẫn – tiếng Anh là Keynote speech – tức là bài diễn văn đầu tiên...
Tôi nghĩ rằng khi được đọc diễn văn đầu tiên, ông nên trở thành chính khách quốc tế, phải nói cho thế giới biết rằng an ninh trong khu vực là một vấn đề rất lớn, rằng việc Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò để đe dọa an ninh khu vực và an ninh toàn thế giới là vấn đề thế giới phải suy nghĩ và bắt tay với Việt Nam để tạo an ninh cho khu vực.
Như vậy sẽ có lợi cho Việt Nam rất nhiều bởi vì đường lưỡi bò chiếm lãnh hải của Việt Nam nhiều nhất, cho nên Việt Nam phải đưa vấn đề này ra cho thế giới biết, và khi đưa ra như vậy, không những là bảo vệ quyền lợi của mình, mà cũng là trở thành một người đi đầu cho cả khu vực và thế giới…
Đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam nói chung và cho Thủ tướng Dũng nói riêng, để đưa vấn đề ra trước thế giới. Theo tôi biết, Thủ tướng Việt Nam cũng sẽ bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel trong bữa ăn trước khi đọc Keynote speech. Tôi nghĩ rằng ông cũng nên dùng cơ hội đó để nói chuyện với bộ trưởng Hagel.
Và tôi cũng biết là trưa 31/05, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ăn cơm với Thủ tướng Singapore để nói về quan hệ song phương. Theo tôi, Thủ tướng Việt Nam cùng lúc cũng nên nói về vấn đề an ninh chung của khu vực và quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nêu vấn đề (Biển Đông) thì sẽ không ai khác nói đến vì vấn đề đường lưỡi bò, vấn đề an ninh trên Biển Đông không có trong chương trình nghị sự. Không có trong chương trình nghị sự, mà Thủ tướng Việt Nam lại không nói đến những vấn đề này, thì người ta sẽ đề cập đến những vấn đề khác.
Người ta có thể đề cập đến các vấn đề Trung Quốc đã đưa ra, chẳng hạn như việc nên trở lại với Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông (DOC), xong rồi mới nói đến Quy tắc Ứng xử (COC)..., tất nhiên là đi lùi lại rất xa, lùi lại mười mấy năm.
Cái Trung Quốc đang làm là bước lùi rất xa, ý muốn nói rằng Biển Đông là vấn đề (riêng) giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, chứ nước ngoài không có lý do gì để can thiệp vào. Tuy nhiên, tất cả các hành động của Trung Quốc trong 4, 5 năm qua là gây bất an ninh cho khu vực và toàn thế giới, cho nên Biển Đông không là vấn đề riêng của một số nước ASEAN với Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn ASEAN ép Philippines thôi kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò
Vấn đề Tuyên bố Ứng xử DOC không quan trọng bằng việc làm sao đi đến Quy tắc Ứng xử COC, nhưng Trung Quốc lại không muốn nói đến Quy tắc Ứng xử, cho biết là chỉ bàn về Quy tắc Ứng xử khi nào ASEAN đồng ý rằng trong vấn đề Tuyên bố Ứng xử, hiện có một số nước, đặc biệt là Philippines, đang gây rối vì đã đưa Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc UNCLOS.
Trung Quốc muốn các nước ASEAN khác ép Philippines bỏ vụ kiện, rồi sau đó mới nói đến nói đến chuyện Quy tắc Ứng xử. Chỉ cần có một nước ASEAN… đồng ý với với chuyện này, thì đó là một sự nguy hại rất lớn cho tất cả các nước trong khu vực…
Nếu vì những lý do chính trị mà Philippines bị ép trên vấn đề này, thì những nước bị hại nhiều nhất vì đường lưỡi bò này như Việt Nam sẽ gặp khó khăn, và lúc đó Việt Nam không còn cách nào khác để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và an ninh của mình.
Thành ra theo tôi, ngay bây giờ, tất cả các nước ASEAN - hay ít nhất là 4 nước Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia - phải thúc đẩy làm sao cho thế giới công nhận rằng vụ kiện của Philippines là chính đáng, và bắt Trung Quốc phải bỏ đường lưỡi bò. Chỉ khi nào Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò rồi mới có thể nói vấn đề Quy tắc Ứng xử.
Về Quy tắc Ứng xử, các nước ASEAN phải đồng ý trước, xong rồi mới nói chuyện với Trung Quốc, chứ không nên để Trung Quốc nhẩy vào rồi cứ phá mãi, làm cho có thể là mấy chục năm nữa cũng không xong.
Âm mưu trì hoãn việc hình thành COC bằng ‘Nhóm Nhân sĩ ASEAN-Trung Quốc’
Hiện bây giờ Trung Quốc còn đưa ra cái mà họ gọi là Eminent Persons Group (tạm dịch là Nhóm Nhân sĩ) - 10 thành viên ASEAN mỗi nước một đại biểu, Trung Quốc 10 đại biểu. Hai mươi đại biểu đó sẽ ngồi lại với nhau. Theo tôi, tự nhiên một nước trong khu vực lại muốn có một nửa số người để bàn chuyện với 10 nước bên kia, vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được.
Thành ra ASEAN phải họp riêng, và phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế về vấn đề này. Đối thoại Shangri-La sắp tới là dịp may rất lớn và Việt Nam nên đóng một vai trò tích cực ở đó bằng cách đưa vấn đề này ra trước thế giới.
Indonesia đã làm suy yếu vai trò ASEAN khi chấp nhận đề nghị của Trung Quốc
Gần đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có sang Indonesia gặp Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nói rằng Trung Quốc sẽ chịu nói chuyện với các nước ASEAN về vấn đề Quy tắc Ứng xử, nhưng ông không cho bất kỳ chi tiết gì.
Mặt khác ông Vương Nghị còn nói với Indonesia là nên chấp nhận – và Indonesia đã chấp nhận - tổ chức Nhóm Nhân sĩ để bàn cãi vấn đề Quy tắc Ứng xử, cùng lúc với các Ngoại trưởng trong khu vực.
Trung Quốc như vậy cố tình dùng Indonesia bởi vì đây là nước lớn, muốn thành lãnh tụ của ASEAN, và không muốn gây rắc rối đối với Trung Quốc. Bắc Kinh muốn dùng Indonesia để chia rẽ ASEAN và nhất là làm áp lực, bắt Philippines phải bỏ vấn đề đưa Bắc Kinh ra trước tòa án của Liên Hiệp Quốc.
Lẽ dĩ nhiên là Indonesia sẽ không làm được việc này, nhưng sự đồng ý của Indonesia đã phần nào làm yếu đi vai trò của ASEAN trong vấn đề này, và cũng là một cách cô lập Philippines.
Đã đến lúc Việt Nam phải tuyên bố ủng hộ vụ kiện Trung Quốc của Philippines
Vì thế cho nên, là nước bị ảnh hưởng nhất vì đường lưỡi bò, đã đến lúc Việt Nam phải nói rõ ràng cho thế giới rằng Việt Nam đồng ý với Philippines trong vấn đề đưa Trung Quốc ra Tòa án của Liên Hiệp Quốc, và việc này sẽ tạo cho Việt Nam một khí thế rất mạnh không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới
Theo tôi, tại Đối thoại Shangri-La tới đây, nếu Việt Nam suy nghĩ kỹ thì đây là một dịp rất tốt không những cho Việt Nam mà cho cả khu vực và toàn thế giới.
Phải nêu bật việc Trung Quốc dùng võ lực để củng cố đường lưỡi bò
Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa phải dính liền với vấn đề an ninh khu vực, và vấn đề là an ninh khu vực đã bị Trung Quốc đe dọa bằng nhiều cách.
Thứ nhất là Trung Quốc đã dùng võ lực để chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa. Cái đó là cách làm của Trung Quốc và hiện giờ họ đang chiếm Scarborough. Có nghĩa là lối hành động đó của Trung Quốc sẽ tiếp tục nếu thế giới không có phản ứng rõ ràng.
Thứ hai là Trung Quốc đã đưa đường lưỡi bò ra và bây giờ tìm cách củng cố bằng võ lực.
Chúng ta phải nói đến những vấn đề này. Đây là những vấn đề cốt lõi chứ không phải là những vấn đề xa vời mà thế giới cho là “không dính gì đến tôi, tại sao tôi phải can thiệp làm gì ?”
Nhưng những chuyện đã và đang xẩy ra ở trong khu vực Biển Đông là vấn đề của thế giới, và thế giới có quyền can thiệp, chứ Trung Quốc không thể nói rằng là Philippines và Việt Nam làm cho Mỹ xoay trục trở lại khu vực này nên phải làm sao mà kềm chế Việt Nam với Philippines…
Phải yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ rõ ràng hơn
Mỹ có lợi ích với Trung Quốc cho nên rất dè dặt. Khi Mỹ nói xoay trục lại Á đông, họ đưa 2000 lính thủy quân lục chiến đến Darwin ở Úc, cách Biển Đông cả ngàn hải lý, trong khi đó thì Trung Quốc có 20.000 thủy quân lục chiến ở đảo Hải Nam, ngay tại vùng Biển Đông. Rõ ràng là Mỹ rất dè dặt.
Mỹ nói với Trung Quốc : “Chúng ta có quan hệ cộng sinh, đừng nên quấy rối quá !”, nhưng Trung Quốc đã lợi dụng điều đó để ‘quậy’ thêm. Tôi nghĩ là đã đến lúc, không những là các nước trên thế giới, mà ngay cả Mỹ, cũng phải nói cho Trung Quốc biết là không nên tiếp tục nữa.
Nhân cuộc họp sắp tới ở Đối thoại Shangri-La, khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam gặp đồng nhiệm Mỹ, và Thủ tướng Việt Nam cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Việt Nam nên nói rõ vấn đề này cho Mỹ biết, và yêu cầu Mỹ phải rõ ràng trong thái độ của mình thì mới có thể làm cho các nước trong khu vực an tâm.
Chứ còn bây giờ, mặc dù bị Trung Quốc tố cáo rất nhiều, nhưng Mỹ vẫn còn rất dè dặt, mà sự dè dặt của Mỹ làm cho nhiều nước không an tâm, thành ra có một số nước, trong đó có Việt Nam, không biết là thái độ của mình nên như thế nào.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?