Các học giả Mỹ kêu gọi Trung Quốc bỏ đường 9 đoạn


Việt Hà, phóng viên RFA

2013-05-08

Bản đồ khu vực hình lưỡi bò mà Trung Quốc công bố chủ quyền trên biển Đông.
Bản đồ khu vực hình lưỡi bò mà Trung Quốc công bố chủ quyền trên biển Đông.
AFP
Nghe bài này
Với sự kiện Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế vào hồi tháng 1 vừa qua, vấn đề tranh chấp biển Đông đã cho thấy có những khía cạnh đáng quan tâm liên quan đến các đảo và bãi đá tại khu vực, vốn là trọng tâm của các tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Nhân dịp này, Trung tâm Stimson tại Washington DC đã tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề này vào ngày 6 tháng 5 vừa qua.
Đường 9 đoạn (lưỡi bò) chưa hẳn có lợi cho TQ
Cuộc thảo luận do Trung Tâm Stimson tổ chức vào sáng ngày 6 tháng 5 quy tụ nhiều chuyên gia về luật biển của Hoa Kỳ, với nội dung chính là những đòi hỏi chủ quyền với các đảo và bãi đá chồng lấn lên nhau giữa các nước trong khu vực biển Đông làm phức tạp thêm tình hình. Cuộc thảo luận được tổ chức giữa lúc Philippines mang vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước về luật biển của Liên hiệp Quốc (UNCLOS).
Phát biểu mở đầu cuộc thảo luận, ông Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson nhấn mạnh sự phức tạp của vấn đề tại khu vực biển Đông khác hẳn với các tranh chấp biển khác như giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Điều mà ông cho rằng khó khăn hơn cả chính là đường 9 đoạn của Trung Quốc. Thêm vào đó là sự kiện Trung Quốc chiếm giữ khu vực bãi cạn Scaborough shoal của Philippines, đã khiến nước này không còn lựa chọn nào khác phải đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế vào tháng 1 vừa qua.

Trung tâm Stimson tại Washington DC
Trung tâm Stimson tại Washington DC. stimson.org

Philippines chỉ muốn tòa phán quyết xem đường 9 đoạn và các vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền có đúng theo định nghĩa của của UNCLOS hay không.
Richard Cronin: Trung Quốc đang chiếm đóng vùng Scaborough shoal, và Philippines bị đẩy ra ngoài, trong khi đó vùng này nằm trong vòng dưới 100 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines không còn cách nào để đẩy Trung Quốc ra và chỉ còn trông vào tòa án trọng tài quốc tế. Nhưng Philippines không yêu cầu tòa xác định ai làm chủ của Scaborough shoal, mà Trung Quốc cũng nói trước là họ không chấp nhận phán quyết chủ quyền đó. Philippines chỉ muốn tòa phán quyết xem đường 9 đoạn và các vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền có đúng theo định nghĩa của của UNCLOS hay không.
Chuyên gia John Moore, giáo sư luật, Giám Đốc Trung tâm Luật an Ninh Quốc gia thì cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra tại biển Đông hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc về lâu dài. Ông đưa ra dẫn chứng về câu chuyện của Liên Xô trước kia vốn cũng không muốn ủng hộ UNCLOS nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm vì lợi ích của tự do hàng hải của một cường quốc trên thế giới.
GS. John Moore: tôi nhìn lập trường của Trung Quốc trên biển Đông tôi thấy có điều tương tự giống Liên Xô trước kia. Trung Quốc đang trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới, không có gì quan trọng hơn cho các nước lớn là tự do hàng hải trên các vùng biển, và tôi thấy quyền lợi của Trung Quốc bây giờ cũng giống như Liên Xô trước đây... Tôi không nghi ngờ là quyền lợi lâu dài của Trung Quốc nằm toàn bộ trong những nhượng bộ đã được đưa ra bởi UNCLOS, vốn bảo vệ quyền tự do hàng hải trên toàn thế giới.
Thêm vào đó, với việc Philippines đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế, những lập luật vốn đã không rõ ràng của Trung Quốc với đường đứt khúc 9 đoạn sẽ càng bị lung lay vì không có cơ sở pháp lý. Theo giáo sư Moore, với việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài, Trung Quốc sẽ bắt buộc phải tham gia hợp tác tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề theo luật quốc tế.

Nhiều tàu cá của Trung Quốc đánh bắt hải sản ở vùng biển Philippines bị tàu hải quân Philippines ngăn chặn.
Nhiều tàu cá của Trung Quốc đánh bắt hải sản ở vùng biển Philippines bị tàu hải quân Philippines ngăn chặn. Files photos

Đường đứt khúc 9 đoạn mà TQ đưa ra tại biển Đông hoàn toàn không có lợi cho TQ về lâu dài. Ông đưa ra dẫn chứng về câu chuyện của Liên Xô trước kia vốn cũng không muốn ủng hộ UNCLOS nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm vì lợi ích của tự do hàng hải của một cường quốc trên thế giới
Chuyên gia John Moore
GS. John Moore: đây là cách làm rất sang tạo để đẩy Trung Quốc vào sự chú ý của thế giới liên quan đến vấn đề công ước luật biển và đòi hỏi họ phải hợp tác hơn trong vấn đề này theo luật quốc tế trong khuôn khổ với ASEAN.
Điều trước tiên là bỏ đường đứt khúc 9 đoạn…
Cho đến lúc này tòa trọng tài quốc tế với 5 thành viên đã được lập với chánh án người Nhật Bản. Trung Quốc từ chối không tham dự tòa. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về phán quyết của tòa. Liệu phán quyết này sẽ có lợi cho Philippines hay không? Nhưng điều quan trọng là liệu Trung Quốc sẽ có thái độ thế nào đối với các phán quyết của tòa. Giáo sư Jonathan Pollack, Giám đốc Trung Tâm Trung Quốc John Thornton thuộc Viện Brookings nhận xét:
GS. Jonathan Pollack: nếu phán quyết của tòa là rõ rệt, chắc chắn Trung Quốc cũng vẫn sẽ khẳng định phán quyết của tòa không có tính bắt buộc. Trung Quốc sẽ từ chối không chấp nhận phán quyết của tòa nếu nó đi ngược lại những gì mà Trung Quốc muốn.
Tuy nhiên giáo sư Pollack cũng nói đến một lạc quan thận trọng về những thay đổi về ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây lên tiếng nói nước này luôn cởi mở trong việc đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử trên biển Đông và muốn thảo luận vấn đề này với ASEAN.
Để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, điều trước tiên cần phải làm là bỏ hẳn đường đứt khúc 9 đoạn vì đây là điều chưa từng có trong các tranh chấp về chủ quyền trên biển từ trước tới nay
Giáo sư Moore
Cũng theo giáo sư Pollack, ngay chính các học giả, và luật sư của Trung Quốc cũng thấy sự không chắc chắn của đường đứt khúc 9 đoạn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đến cuối năm nay các nước có thể hy vọng có được một tuyên bố rõ ràng của Trung Quốc về đường 9 đoạn này hay không.
Theo chuyên gia luật, cố vấn pháp lý của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chỉ huy hải quân đã về hưu Ashley Roach, tranh chấp trên biển Đông hiện giờ hết sức phức tạp bởi không chỉ đường đứt khúc 9 đoạn mà còn bởi định nghĩa về đảo và các bãi đá. Vì vậy phán quyết của tòa liên quan đến các định nghĩa về đảo và bãi đá tại khu vực này là rất quan trọng.
Capt. Ashley Roach: liên quan đến việc ai là chủ của những đảo, bãi đá ở đây, điều quan trọng mà tòa có thể cho chúng ta biết là những đảo, bãi đá này được định nghĩa ra sao, đâu đảo là thực sự, đâu là bãi đá. Sau đó là đường 9 đoạn, liệu đây có bao hàm cả chủ quyền, đấy là quyết định của tòa.
Các học giả cũng nói đến hướng tiếp cận giải quyết các xung đột xảy ra tại khu vực do tranh chấp về chủ quyền. Đàm phán đa phương được cho là hướng tiếp cận hợp lý nhất do tính chất phức tạp của vấn đề. Giáo sư Moore cho rằng để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, điều trước tiên cần phải làm là bỏ hẳn đường đứt khúc 9 đoạn vì đây là điều chưa từng có trong các tranh chấp về chủ quyền trên biển từ trước tới nay. Theo ông nếu phán quyết của tòa trọng tài khẳng định đường 9 đoạn này không đúng theo Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc, thì đó là điều đáng mừng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện