Cộng sản Việt Nam -- Kẻ buôn người lỗi lạc


Chia sẻ bài viết này Diên Vỹ chuyển ngữ
04.05.2013
Việt Nam hiện đang nắm giữ danh hiệu đầy quang vinh “Quốc gia Vi phạm Nhân quyền Tồi tệ Nhất Đông nam Á,” theo lời điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ. Các công ty xuất khẩu lao động có liên quan đến chính quyền là những nhà cung cấp chính về nam, nữ và trẻ em cho các thị trường cưỡng bức lao động và buôn bán tình dục, trong khi các quan chức chính quyền kiếm lợi từ việc lại quả.
Dữ kiện thống kê về nạn buôn người của Việt Nam thì có nhiều dạng, mặc dù thông tin chính xác về quốc gia cộng sản thì khó mà tìm được. Bộ Công an Việt Nam công bố con số chính thức 2.935 người Việt là nạn nhân buôn người trong giai đoạn 2004-2009. Tuy nhiên các tổ chức quốc tế lại cho biết con số này cao hơn nhiều, có đến hơn 400 nghìn nạn nhân kể từ năm 1990. Ngay cả con số này chỉ bao gồm những nạn nhân được ghi nhận, chưa kể hàng chục nghìn trường hợp bị lạm dụng không được lưu ý, đặc biệt là trong giới lao động.
Xuất khẩu lao động không là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Sau khi cộng sản chiếm đóng vào năm 1975, hàng trăm nghìn lao động đã bị gửi đi Liên Xô và những quốc gia thuộc khối Đông Âu như một hình thức trả nợ chiến tranh. Nhiều người lâm vào cảnh mất việc, nợ nần và cùng quẫn. Việt Nam nhanh chóng chuyển từ tình trạng cung cấp lao động cưỡng bức sang việc mua bán phụ nữ và trẻ em như những nô lệ tình dục.

Buôn bán nô lệ tình dục được nhà nước cho phép

Việt Nam là nhà cung cấp chính cho công nghệ khai thác tình dục cũng như cưỡng bức lao động -- và một số người xuất thân là lao động rồi trở thành nô lệ tình dục. Hôn nhân giả hiệu hoặc lường gạt là một phương pháp được dùng để lợi dụng phụ nữ Việt. Viễn cảnh của một cuộc hôn nhân với một người đàn ông tại một quốc gia tương đối giàu có, cộng thêm lời hứa chi trả đến 5 nghìn Mỹ kim (gấp mười lần mức lương trung bình tại Việt Nam) thì thường quá hấp dẫn đối với phụ nữ miền quê cũng như gia đình nghèo khổ của họ. Phụ nữ và trẻ em bị đưa sang Cambodia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Macau, Trung Đông và châu Âu. Ngược lại trẻ em Cambodia bị buôn sang những trung tâm thị tứ ở Việt Nam. Ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch tình dục trẻ em, nơi những kẻ lạm dụng tình dục đến từ Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Úc, châu Âu và Hoa Kỳ. Phụ nữ cũng bị đưa đến những quốc gia khác để mang thai hộ. Một số bị cưỡng ép để sinh con cho các gia đình hiếm muộn, trong khi những con những người khác bị bán làm con nuôi cho người nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia phương Tây.
Nga: một trường hợp điển hình
Vừa qua cô Danh Hui đã ra điều trần về đường dây buôn bán tình dục và tống tiền chuyên lôi kéo thiếu nữ Việt đến Nga với lời hứa sẽ có những công việc tiếp viên với lương cao (theo tiêu chuẩn Việt Nam). Thay vì thế họ bị bán vào các nhà chứa ở Moscow. Đường dây này được điều hành bởi những công ty môi giới lao động có giấy phép nhà nước, chuyên đưa tiền lại quả cho quan chức chính quyền. Những thiếu nữ này bị giữ hộ chiếu, bị trả lương rẻ mạt, không được chăm sóc y tế và không có cách nào để quay lại quê nhà. Một số cô gái bị giữ lại Nga hơn 4 năm, họ bị đánh đập tàn nhẫn nếu tìm cách thoát khỏi nhà chứa. Ngay cả khi bị giam giữ ngoài ý muốn, họ vẫn phải trả tiền trọ cũng như tiền khẩu phần và quần áo ít ỏi.
Bé Hương, em gái của cô Danh, là một nô lệ tình dục. Sau vài tháng, cha mẹ nghèo khổ của cô nhận được điện thoại yêu cầu họ phải trả tiền cho chi phí y tế. Họ thu vén được 300 Mỹ kim và gửi sang cho cô. Vài tuần sau cô gọi lại bảo rằng cơ quan môi giới việc làm tại Việt Nam đồng ý để cô về nước, nhưng cô phải cần 2000 Mỹ kim mua vé máy bay. Cô Danh, lúc ấy đang sống tại Hoa Kỳ, đã mượn tiền và gửi cho cơ quan môi giới. Không bao lâu sau, số tiền này được nâng lên đến 4000, sau đó lên đến 6000; rõ ràng đây là một vụ tống tiền.
Vào tháng Hai năm nay, 13 tháng sau khi bị cầm giữ, Bé Hương đã trốn khỏi nhà chứa cùng với ba nạn nhân khác. Cô đã tìm cách tiếp xúc với Đại diện Sứ quán tên Nguyễn Đông Triều tại Đại sứ Quán Việt Nam ở Moscow và năn nỉ được giúp đỡ. Triều nói với cô rằng nghề mãi dâm thì hợp pháp ở Nga, và “Ai đưa sang thì kêu người đó đưa về.” Hai ngày sau, Bé Hương và ba nạn nhân kia đã bị bảo vệ nhà chứa bắt lại, và ba cô gái đi với cô bị đánh đập tàn nhẫn. Sau đó Bé Hương biết được rằng tú bà của nhà chứa ở Moscow là bạn thân của viên Đại diện Sứ quán, người đã phụ lòng tin của các cô gái.
Khi cô Danh biết tin về tình cảnh của em mình, cô đã liên lạc với hai tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ là Ủy ban Cứu trợ Thuyền nhân và Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, họ giúp cô liên lạc với Dân biểu Al Green và Bộ Ngoại giao. Với nỗ lực của họ và sự giúp đỡ từ giới truyền thông, Bé Hương đã quay về Việt Nam, nhưng với những cái giá phải trả. Trước tiên, cô bị ép buộc rút đơn tố cáo công ty môi giới lao động với công an Việt Nam. Cô Danh cũng phải viết một thư xin lỗi đối với tú bà vì đã vu cáo bà ta tội buôn bán tình dục. Cuối cùng, cô bị ép buộc phải viết một lá thư gửi cho các quan chức đại sứ Việt ở Moscow để cám ơn họ đã giúp Bé Hương về nước. Lúc ấy cô mới được về nước.
Cuối cùng, Bé Hương được phép đến Đại sứ Quán Việt Nam; ông Kiên tại sứ quán bảo cô rằng cô được tự do với vài điều kiện. Cô phải viết thư nói rằng những gì cô kể với thân nhân về tú bà Thuý An là sai sự thật, và một lá thư khác cám ơn các nhân viên sứ quán và tú bà Thúy An đã giúp đỡ cho cô hồi hương.
Đương nhiên là Đại sứ Quán Việt Nam cũng như tú bà Thúy An đã chẳng làm gì cả, vì chỉ qua áp lực ngoại giao và truyền thông mà Bé Hương đã được phép về nước. Qua áp lực liên tục, sáu nạn nhân khác cuối cùng cũng được trả tự do và quay về Việt Nam. Tám người khác vẫn còn bị tú bà Thúy An giam cầm với sự tiếp tay của Đại sứ Quán Việt Nam ở Moscow.
Xuất khẩu lao động
Việt Nam bắt đầu quá trình xuất khẩu lao động của mình bằng cách học hỏi từ Thống chế Tito, người từng dùng xuất khẩu lao động thặng dư như là chiếc van xả để xoa giảm phản kháng trong giới trẻ Nam Tư. Tito là một kẻ độc tài cực đoan và tàn bạo (mặc dù rất nổi tiếng ở phương Tây), người đã mang chức “Chủ tịch vĩnh viễn” cho đến khi ông qua đời vào năm 1980.
Giờ đây Cộng sản Việt Nam xuất khẩu một phần lớn lực lượng lao động của mình nhằm cố gắng giảm thiểu sự bất ổn đang âm ỉ trên đất nước ngày cũng như để tăng cường thu nhập. Năm 2007 người Việt lao động ở nước ngoài đã gửi lượng tiền tương đương với 2 tỉ Mỹ kim. Việt Nam có một lực lượng lao động hơn 51,4 triệu và 70% dân số dưới tuổi 30. Bất chấp việc xuất khẩu lao động, vẫn có 12% -- 10 triệu người lao động Việt Nam vẫn không có việc làm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.
Chính quyền Việt Nam đặt mục tiêu đưa 500 nghìn lao động ra nước ngoài vào năm 2005, và con số này đã không ngừng tăng lên. Năm 2008, Việt Nam đã đạt được thoả thuận với Qatar để tăng con số lao động gửi sang Trung Đông từ 10 nghìn lên gấp 10 lần vào năm 2010.
Nghệ thuật xuất khẩu lao động
Nhiều công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam là bộ phận của các đường dây băng đảng buôn người và tống tiền đầy phức tạp, và các quan chức chính quyền và các nhà băng cũng thường xuyên dính líu. Những người nộp đơn bị lừa gạt hợp đồng -- còn được gọi là hợp đồng nội, trong đó nêu rõ loại công việc, điều kiện làm việc tốt và lương bổng phải chăng; tuy nhiên, họ có thể phải trả đến 10 nghìn Mỹ kim chỉ để được nộp đơn. Những người nộp đơn thường được khuyến khích vay tiền, ví dụ như từ một ngân hàng nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để trả cho chi phí, dùng tài sản của cha mẹ mình để thế chấp. Nếu số tiền vay vẫn không đủ, cha mẹ họ phải cầm cố hoặc bán đi phần tài sản còn lại.
Sau khi món tiền lệ phí không hoàn lại đã được đóng, các lao động thường được nhận một hợp đồng thực để ký vào một ngày trước khi lên đường. Hợp đồng này thường đưa ra các điều kiện khác với hợp đồng gốc với những từ ngữ pháp lý mà họ không hiểu được. Sau khi đặt chân đến nước ngoài (có thể không phải là quốc gia mà họ đồng ý), họ bị tịch thu hộ chiếu và giấy tờ tuỳ thân và bắt buộc phải ký một hợp đồng khác, hợp đồng ngoại bằng thứ tiếng nước ngoài mà hoàn toàn không hiểu. Vì thế họ lâm vào hoàn cảnh phải làm việc nhiều giờ hơn trong điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn với số lương thấp hơn nhiều so với lời hứa trước đây và có rất ít hoặc không được chăm sóc y tế. Nhiều khi người lao động không được trả hết lương và bị trói buộc vào nợ nần, trong khi bị bắt buộc hằng tháng phải trả tiền góp cho công ty môi giới. Hệ quả là người lao động không thể trả dứt được số nợ vay, không có tiền để về nước và gia đình họ bị mất đất đai và tài sản.
Các Đại sứ Quán Việt Nam chỉ giúp đỡ rất ít hoặc không giúp gì đối với những con người bị lợi dụng này. Đúng là nhà nước Việt Nam đã thông qua các luật lệ chống nạn buôn người, thỉnh thoảng cũng truy tố vài trường hợp; nhưng đây chỉ là kiểu tô vẽ bề ngoài. Thật là một tấn trò trước việc lừa gạt Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và những quốc gia viện trợ ngây thơ để họ tin rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đang giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, nạn buôn bán lao động và tình dục vẫn tiếp tục với cú nháy mắt gật đầu của các quan chức ăn hối lộ. Nhân tiện, bạn có biết là việc tố cáo hối lộ là bất hợp pháp ở Việt Nam không?

Và ban nhạc vẫn tiếp tục chơi...


Michael Benge từng là nhân viên ngoại giao tại Việt Nam 11 năm và là người nghiên cứu chính trị Đông nam Á. Ông rất tích cực trong việc khuyến khích nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ cho người dân trong khu vực và đã viết rất nhiều về những vấn đề này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện