Hoa Kỳ và đồng minh



Chẳng nên chống Mỹ mà cũng đừng vội phục Mỹ
Thứ Ba mùng bảy này, khi hội kiến tổng thống Hoa Kỳ, hiển nhiên tổng thống Nam Hàn là bà Phác Cận Huệ đã nhớ đến một quy luật về đối sách của nước Mỹ: thêm bạn bớt thù. Với hậu quả là bạn thù gì đều thấy ngại... Ngẫu nhiên lý thú, ngày này cũng là kỷ niệm trận Ðiện Biên Phủ năm 1954 của “phe chiến thắng”!


Hoa Kỳ có một quy luật bất thành văn về đối ngoại. Bất thành văn vì chẳng ghi trong Hiến pháp hay các pho sách hàn lâm của nhiều đời về chiến lược an ninh.
Ðó là sau khi bảo vệ được sự vẹn toàn của một lãnh thổ phì nhiêu, vuông vức mênh mông, rồi kiểm soát được hai đại dương ở hai hướng Ðông Tây, ai lên lãnh đạo cũng đều trước sau đảm bảo là không cường quốc nào trên địa cầu có thể thách đố hay uy hiếp quyền lợi của nước Mỹ. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải có sức mạnh quân sự khả dĩ can thiệp được ở mọi nơi. Mà đó chỉ là phần tiêu cực. Phần tích cực là chánh sách kết ước với đủ loại đồng minh bằng kinh tế, ngoại giao và quân sự để bớt hao tốn công sức.
Mặt trái đầy tính chất thực tiễn của chánh sách kết ước đó là không cho phép hình thành những liên minh có thể đe dọa chiến lược và quyền lợi Hoa Kỳ. Ði vào vận hành trong một thế giới nhiều thay đổi là sự biến hóa vô lường, hay sự lật lọng vô đạo, ngược với lý tưởng của nước Mỹ.
Trên mặt địa cầu, đại lục địa Âu Á tiếp cận với Trung Ðông, Phi Châu và Úc Châu, là khu vực rộng lớn, đa diện và phức tạp, nơi duy nhất mà một đại cường có thể xuất hiện với tiềm năng trở thành đối thủ của Hoa Kỳ. Nôm na cho dễ nhớ có bốn nước là Ðức, Nga, Trung Quốc và Nhật. Chung quanh là một chuỗi quốc gia hạng nhì, có mối hiềm khích hay lo ngại về các lân bang. Chính là loại mâu thuẫn địa phương ấy được Hoa Kỳ vận dụng để hoàn thành mục tiêu của mình.
Xin rất sơ lược nhắc lại các trường hợp tiêu biểu về mâu thuẫn này: Pháp và Ðức, Nga và Ðức, Georgia với Nga, Turkey với Nga, Israel với khối Á Rập, Saudi Arabia và Iran, Iran với Iraq, Jordan với ba lân bang Israel, Syria, Iraq, hai hệ phái Sunni và Shia trong khối Hồi Giáo, Pakistan với Ấn Ðộ, Mông Cổ giữa Nga và Trung Quốc, Thái Lan với Trung Quốc, Miến Ðiện và Việt Nam, Nam Hàn bên Bắc Hàn, Trung Quốc và Nhật Bản, Ðài Loan với Trung Quốc, Úc với Nam Dương (Indonesia) và Trung Quốc, v.v...
Nói cho đơn giản - nên sai - đấy là chuyện “chia để mà trị”.
Hoa Kỳ khỏi cần chia vì các nước trên đã sẵn chia rẽ và không khắc phục nổi mâu thuẫn riêng. Mà hầu như nước nào cũng cần đến Mỹ để giải quyết nhu cầu của họ. Hoa Kỳ thì cần thêm bạn bớt thù nên kết ước với mọi phe. Lâu lâu thì đổi để khi nào nước Mỹ cũng giữ thế thượng phong.
Thuần về lý trí, Hoa Kỳ có cách hành xử như một đế quốc nhưng không là đế quốc theo lối nhìn thông tục và tiêu cực.
Trong nỗ lực mở vòng giao kết, nước Mỹ không có chánh sách xâm chiếm và khai thác như các đế quốc thời “hiện đại”, từ thế kỷ 15 đến sau này. Hoa Kỳ đề cao tự do và phát huy phong cách làm ăn như Mỹ, để xứ nào cũng thấy có lời khi kết ước với Hoa Kỳ. Mối lợi của họ có thể là kinh tế, ngoại giao hay an ninh, nhưng là loại mục tiêu đồng quy, cùng hướng vào điểm chính là quyền lợi của Hoa Kỳ. Mặt lý tưởng của chiến lược đó là những giá trị tinh thần của tự do kinh tế, chính trị dân chủ và cởi mở xã hội theo hướng đa nguyên.
Nhưng lâu lâu nước Mỹ lại đổi ý vì những chuyển biến trong tương quan quyền lợi.
Hoa Kỳ có thể đề cao dân chủ mà lại liên minh với Liên Bang Xô Viết để chống Ðức Quốc Xã trong Thế Chiến II. Sau Thế Chiến II, nước Mỹ cổ xúy phong trào giải thực để xóa bỏ chế độ thực dân của Âu Châu, nhưng lại ủng hộ Âu Châu khi Liên Xô bành trướng thời Chiến Tranh Lạnh và yểm trợ các chế độ độc tài. Hoa Kỳ có thể cùng Pháp be bờ chống cộng, nhưng ngồi trên đôi tay khi Trung Cộng yểm trợ Bắc Việt trong trận Ðiện Biên Phủ 1954. Nghi ngờ Ngô Ðình Diệm là người của Pháp xong lại đề cao ông Diệm là anh hùng chống cộng Á Châu, rồi Kennedy cũng lật ông Diệm...
Trước đó, nước Mỹ là đồng minh của Trung Hoa Dân Quốc, mà bỏ rơi Trung Hoa Quốc dân đảng trong nội chiến quốc-cộng tại Hoa Lục. Mà sau này cũng vậy, khi giải vây Trung Cộng để làm suy yếu Liên Xô thì Mỹ sẵn sàng cho Ðài Loan hay Việt Nam Cộng Hòa vào loại “trương mục lời lỗ” - xóa sổ cho tiện việc sổ sách của một chiến lược lớn lao và quan trọng hơn... Nóng hổi là việc dẹp bỏ phe Sunni tại Iraq hay Taliban tại Afghanistan xong thì Mỹ có thể lại đàm phán với hai đối thủ cũ và ồn ào công kích đồng minh là làm không nên chuyện, tham nhũng, hoặc lãnh tụ nằm trong sổ lương của CIA!
Một trong các động lực thay đổi này chính là nền dân chủ của Hoa Kỳ.
Từ một siêu cường có sức mạnh rất lớn qua lịch sử quá mỏng, dân Mỹ có sự hồn nhiên của trai trẻ. Họ thực tin vào định mệnh ưu việt của quốc gia, nghĩ rằng xứ nào cũng phải học gương Hoa Kỳ và việc gì nước Mỹ cũng thực hiện được. Tinh thần lạc quan đến độ chủ quan có thể dẫn họ đến sự kiêu mạn ngây thơ và nhất là máu nóng vội. Họ muốn chính quyền phải can thiệp ngay và sớm có kết quả trong nỗ lực kết ước trên thế giới.
Vì vậy, cả nước có thể ủng hộ việc can thiệp vào Việt Nam hoặc tấn công Iraq, nhưng đổi ý trong vòng bốn năm! Phản ứng của lòng dân là một mệnh lệnh trong bầu cử khiến lãnh đạo mà không lật lọng là mất lòng.
Nhưng cũng người dân lạc quan đó lại hốt hoảng khi gặp chấn động bất ngờ và lập tức phản ứng cũng thái quá như sự hồ hởi ban đầu. Vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng năm 1941 hay vụ khủng bố 9-11 của al-Qaeda là hai thí dụ kinh hoàng nhất trong ký ức tập thể. Người tin vào sức mạnh vô biên của nước Mỹ đòi hỏi một cuộc tổng phản công rồi sau dăm ba năm thì hoài nghi thế giới bên ngoài và hết muốn Hoa Kỳ cáng đáng thiên hạ sự!
Cũng vậy, chấn động chính trị tại Bắc Phi được dán nhãn Mùa Xuân Á Rập và sự trỗi dậy tất yếu của phong trào dân chủ. Chế độ độc tài bị lật đổ mà cây dân chủ chưa mọc, chỉ có phong trào Hồi Giáo quá khích nổi lên xây dựng một chế độ độc tài thần quyền của đạo Hồi. Nếu tuột tay thì chơi trò khủng bố, và coi Mỹ là thủ phạm chính! Người ta tái diễn cuộc Cách mạng Iran năm 1979...

* * *

Tháng Tư vừa qua, người Việt nơi nơi đều nhớ đến biến cố 1.9.7.5 và ngậm ngùi hoặc hồ hởi về cái lẽ thắng bại oan uổng. Kẻ thắng hay người bại đều không đáng. Một trong nhiều lý do chứ không duy nhất lại là đối sách của Hoa Kỳ. Vào hay ra đều vì các động lực bất ngờ - và thay đổi.
Bài học ở đây là... không nên chống Mỹ.
Là siêu cường ở xa, Hoa Kỳ không có chủ đích xâm lược hoặc chiếm đóng Việt Nam theo lý luận có dụng ý kiểu Lenin hay Mao. Hoa Kỳ chỉ can thiệp và đổ quân vì tai nạn nội bộ của chính trường Mỹ, rồi khi đã vào thì sớm nghĩ đến ngày ra! Vì vậy, phục Mỹ hoặc phó thác sinh mệnh quốc gia cho chính trường Hoa Kỳ cũng là điều dại dột. Hay hơn cả có lẽ là phát huy những giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ cho sự thịnh vượng của chính mình. Nhưng cực kỳ thận trọng để không thành quân cờ trên bàn cờ của thiên hạ - rồi lại trông chờ vào việc nước Mỹ “chuyển trục” về Ðông Á.
Quá trễ rồi chăng?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện