Kim Jong Un : Hiếu chiến và tham vọng hơn người cha


Kim Jong-Un trước ảnh chân dung của ông nội Kim Nhật Thành (REUTERS /KCNA)

Kim Jong-Un trước ảnh chân dung của ông nội Kim Nhật Thành (REUTERS /KCNA)

Thụy My
Bài viết trên trang Diễn đàn của thông tín viên Le Figaro tại Seoul hôm nay nhận định : « Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên còn lâu mới chấm dứt ». Tác giả dẫn lời một chuyên gia, cho rằng Kim Jong Un hiếu chiến và tham vọng hơn người cha, anh ta thích chơi trò gây sợ hãi cho người Mỹ.

Bài báo mở đầu bằng nhận xét, mùa xuân cuối cùng cũng đã đến với bán đảo Triều Tiên. Từ vài tuần qua, những cây anh đào đã nở hoa, và Kim Jong Un đã dịu hẳn giọng điệu hiếu chiến của hai tháng trước đây, khi đe dọa « tấn công nhiệt hạch » Hoa Kỳ. Thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi này, nhưng các chuyên gia về Bắc Triều Tiên thì đã dự đoán trước.
Hàng năm, Bình Nhưỡng lại cao giọng vào cuối mùa đông, lúc diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên Foal Eagle, được Bắc Triều Tiên mô tả như một cuộc xâm lăng. Và mỗi năm, căng thẳng lại tan biến với một sự chính xác máy móc, khi cuộc tập trận chấm dứt – năm nay là vào ngày 30/4. Những ngày đẹp trời đã đến, những người lính của đội quân cồng kềnh Bắc Triều Tiên bị huy động ra đồng làm nông, và anh thanh niên Kim Jong Un có thể khoe khoang là đã bảo vệ 23 triệu thần dân trước sự xâm lược của « bọn đế quốc ».
Một hành động được lặp đi lặp lại. Con trai của Kim Jong Il dường như sử dụng lại các biện pháp xưa cũ mà người cha đã áp dụng thành công trước Washington, theo một chu kỳ đã biết rõ : gây ra một cuộc khủng hoảng để dẫn dụ cường quốc số một thế giới đến bàn thương lượng, và đạt được những nhượng bộ. Một kỹ thuật được Kim Jong Il nâng lên tầm nghệ thuật, đã kiếm chác được viện trợ kinh tế từ George Bush, sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ nhất vào năm 2006.
Bảy năm sau đó, người con trai trẻ tuổi nhất của ông ta đã ứng dụng cực điểm phương pháp của cha mình, khi cho thử nghiệm một tên lửa có vẻ như là hỏa tiễn đạn đạo, rồi đến một vụ nổ nguyên tử và đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cheong Seong Chang, thuộc Viện Sejong giải thích: “Kim Jong Un hiếu chiến và tham vọng hơn người cha, anh ta chơi trò làm cho người Mỹ sợ hãi”. Nhưng sau khi trêu ngươi Lầu Năm Góc, nhà lãnh đạo ở độ tuổi ba mươi đã biết cách giảm nhiệt – như một chính khách lão luyện – vào lúc mà căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt khỏi vòng kiểm soát.
Thái độ này làm an lòng các nhà chiến lược ở Washington, Seoul và Tokyo. Bruce Klingner, cựu nhân viên CIA, chuyên gia của Heritage Fondation tổng kết : « Chúng ta không biết được giới hạn cuối của họ là gì ».
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên nâng lên một ngưỡng mới
Theo kịch bản truyền thống, thì sẽ có những lời kêu gọi tái lập thương thảo trong những tháng tới. Tuy vậy kịch bản quen thuộc này không còn được đảm bảo nữa. Bởi vì cuộc khủng hoảng lần này đã đánh dấu một ngưỡng mới trong quan hệ xung khắc giữa triều đại họ Kim với Washington, mang những mầm mống của các cuộc đối đầu mới.
Có hai nhân tố đã làm thay đổi bàn cờ. Trước hết, là cái chết của nguyên tắc giải trừ hạt nhân. Từ nay, chế độ Bình Nhưỡng cao giọng khẳng định sẽ « không bao giờ » từ bỏ vũ khí nguyên tử « một khi phần còn lại của thế giới không giải trừ hạt nhân » - như bài xã luận gần đây của tờ Rodong Simmun, cơ quan của Đảng. Rút ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Kadhafi, Kim Jong Un không còn tìm cách sử dụng kho vũ khí nguyên tử khiêm tốn của mình làm lá bài thương lượng để kiếm viện trợ, như cha mình đã làm.
Mục tiêu của anh ta là được mặc nhiên nhìn nhận như một cường quốc nguyên tử, giống như Pakistan, và chỉ thương thảo về « giải trừ » cục bộ. Một thực tế hiển nhiên nay đã được công khai. Một thái độ không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ và ngay cả với người bảo hộ là Trung Quốc, và làm bế tắc hẳn quá trình thương lượng sáu bên – công cụ duy nhất của cộng đồng quốc tế để buộc Bình Nhưỡng đưa ra những cam kết.
Nhân tố đáng ngại thứ hai, là các tiến bộ nhanh chóng của các chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo Bắc Triều Tiên. Các nhà chiến lược Lầu Năm Góc nhìn nhận là đã bất ngờ trước các bước tiến của Bình Nhưỡng, như việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12/2012. Bận dõi theo Iran, Washington bỗng dưng nhận ra Bắc Triều Tiên đang tiến rất nhanh về mục tiêu sở hữu hỏa tiễn đầu đạn hạt nhân. Cho đến nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel quyết định đưa thêm 14 công cụ chống hỏa tiễn đến căn cứ Fort Greely ở Alaska.
Klingner nhận định : « Tại Washington, người ta đã ý thức được rằng Bình Nhưỡng đang trở thành một mối đe dọa thực tế ». Kịch bản một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên một ngày nào đó đe dọa lãnh thổ Mỹ không còn là khoa học viễn tưởng. Hahm Chaibong, Viện trưởng Asan Institut ở Seoul lo ngại: « Nếu không hành động gì từ nay đến 5 năm tới, Bắc Triều Tiên sẽ sở hữu được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Họ bắt đầu bằng các vũ khí chiến thuật, rồi đến các tàu ngầm. Và thế là không thể nào ngăn trở họ được nữa ».
Thời khắc đã điểm, nhưng chính quyền Obama vẫn loay hoay chưa tìm ra được cách đối phó. Washington máy móc lặp lại hướng chiến lược chính : gây áp lực lên Bắc Kinh để đòi hỏi phải tạo áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng. Nếu bản thân Trung Quốc nay cũng phải buồn lòng vì đàn em, thì phương cách này cho đến nay vẫn chưa mang lại được hiệu quả rõ rệt. Trên thực tế, Nhà Trắng có rất ít phương án chiến lược, và từ chối nói về việc « thay đổi chế độ ».
Ngoại giao rơi vào ngõ cụt, chạy đua nguyên tử tiến nhanh, thái độ do dự của Mỹ - thách thức Bắc Triều Tiên có đủ các yếu tố để gây ra quan ngại ngày càng cao về an ninh Đông Bắc Á, một trong những lá phổi kinh tế của thế giới. Tác giả kết luận : sự hòa dịu của mùa xuân có thể chỉ trong ngắn hạn. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?