Ngày Lễ Lao động : châu Á chống bất công, châu Âu chống khắc khổ


Tại Pháp, các công đoàn lớn xuống đường để "bảo toàn" công ăn việc làm (REUTERS)

Tại Pháp, các công đoàn lớn xuống đường để "bảo toàn" công ăn việc làm (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Vào hôm nay 01/05/2013, công nhân trên khắp thế giới đều xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày lễ Lao động Quốc tế. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khác biệt nhau, đòi hỏi của những người biểu tình không giống nhau tùy theo châu lục.

Nếu tại châu Á, công nhân chủ yếu chống lại tình trạng bất công xã hội, thì tại Châu Âu, giới lao động tập trung phản đối các chính sách khắc khổ đang được nhiều nước áp dụng như giải pháp chống khủng hoảng.
Nổi bật tại châu Á hiện nay là tình cảnh của công nhân ngành dệt may tại Bangladesh, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ để gia công cho các tập đoàn may mặc phương Tây. Tại thủ đô Dacca, hàng chục ngàn người biểu tình tức giận đã đòi công lý sau cái chết cách đây một tuần của hơn 400 công nhân, trong khu công nghiêp có 5 xưởng dệt may bị sụp đổ.
Họ mang theo những biểu ngữ và cờ đỏ đòi « treo cổ các kẻ sát nhân, treo cổ chủ nhân các xưởng may ».Một lãnh đạo công đoàn Bangladesh giải thích là công nhân nước ông cho rằng đồng nghiệp của họ đã bị sát hại và muốn thủ phạm bị trừng trị đích đáng.
Còn tại Cam Bốt, người lao động đã tiến về Quốc hội để đưa lên kiến nghị đòi tăng lương tối thiểu, tăng lương tháng lên thành 150 đô la trong ngành may mặc.
Tại Indonesia, theo nguồn tin cảnh sát, có khoảng 55.000 người đã tụ họp ở thủ đô Jakarta. Đây là một kỷ lục trong ngày 01/5 từ rất nhiều năm qua.
Tại Philippines, hàng ngàn người cũng xuống đường đòi tăng lương và phân chia đồng đều hơn thành quả tăng trưởng. Họ phản đối các chính sách « tư nhân hóa và làm gia công », đòi tăng thêm 3 đô la vào lương tối thiểu, hiện được ấn định ở mức 11 đô la / ngày.
Ngay tại Hồng Kông, một trong những trung tâm tài chính lớn thế giới, 5000 người diễn hành trong tinh thần liên đới với công nhân bốc xếp, hiện đang đình công đòi cải thiện điều kiện lao động.
Nếu tại Châu Á, khẩu hiệu chung là chống bất công, thì tại châu Âu ưu tư của giới lao động thợ thuyền lại chính là các chủ trương thắt lưng buộc bụng để chống khủng hoảng đang được chính quyền nhiều nước áp dụng.
Tại Hy Lạp, giao thông giữa các hòn đảo của nước này hầu như tê liệt do các đình công nhân ngày lễ lao động. Tại trung tâm thủ đô Athens, hai cuộc biểu tình lớn đã diễn ra, theo lời kêu gọi của hai công đoàn chủ chốt. Đòi hỏi của họ là công ăn việc làm và quyền xã hội « dân chủ ».
Đối với ông Ilias Iliopoulos, Tổng thư ký công đoàn Adely của khu vực công tại Hy Lạp : « Chính phủ phải rút lại các biện pháp khắc khổ vì người dân không chịu đựng được nữa ».
Tại Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức kỷ lục là 27%, hai công đoàn lớn cũng kêu gọi người lao động xuống đường biểu tình chống khắc khổ tại 80 thành phố trên toàn quốc
Tại Pháp, vấn đề công ăn việc làm cũng sôi động. Hai công đoàn lớn CGT và CFDT diễn hành riêng rẻ, biểu hiện khác biệt trên quan điểm, nhất là trên thỏa thuận « Bảo toàn công ăn việc làm »mà công đoàn CGT không chấp nhận trong lúc mà CFDT xem đấy là một bước tiến để tạo công ăn việc làm.
Tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đã cấm mọi cuộc tập họp do quảng trường lớn tại đây đang được sửa sang, nhưng đã không tránh khỏi những vụ xung đột giữa người xuống đường và cảnh sát chống bạo động. Nhân viên công lực đã phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn cay để giải tán các cuộc tập họp ở khu vực Besiktas ở trung tâm thành phố Istanbul.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?