Ngoại trưởng Mỹ công du Nga lần đầu tiên để làm dịu căng thẳng

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị NATO ở Bruxelles ngày 23/04/2013.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị NATO ở Bruxelles ngày 23/04/2013.
REUTERS/Yves Herman

Đức Tâm
Ngày mai, 06/05/2013, ông John Kerry lên đường, thực hiện chuyến công du đầu tiên sang Nga trong tư cách Ngoại trưởng Mỹ, vào lúc quan hệ giữa Washington và Matxcơva ngày càng có nhiều chủ đề gây bất đồng. Do vậy, nhiệm vụ của ông Kerry là làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương.

Trong hai ngày làm việc, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ sẽ thảo luận với quan chức Nga nhiều hồ sơ như tình hình Syria, vụ khủng bố ở Boston, vấn đề giải trừ quân bị, chương trình hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên, tình trạng nhân quyền và xã hội dân sự tại Nga…
Trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry thường xuyên sang Nga. Ông thừa nhận, chuyến công du chính thức lần này là « chậm trễ ». Mặt khác, bản thân ông quen biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Kể từ đầu tháng Hai đến nay, ông Kerry đã gặp ông Lavrov ba lần, trong các cuộc họp tại Berlin, Luân Đôn và Bruxelles.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Kerry có thể hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, nhưng Matxcơva không cho biết thông tin gì về khả năng này.
Quan hệ Mỹ-Nga đã xấu đi kể từ hồi tháng Năm 2012, khi ông Putin quay lại điện Kremlin, làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tái khởi động quan hệ với Nga, mà Tổng thống Obama đưa ra năm 2009.
Ông Obama và ông Putin sẽ gặp nhau vào đầu tháng Chín tới, tại Matxcơva trước khi có Thượng đỉnh G20. Một cố vấn Nga cho biết, nguyên thủ hai nuớc đã quyết định gia tăng nỗ lực hợp tác song phương trong cuộc chiến chống khủng bố, sau vụ nổ bom ở Boston, Hoa Kỳ ngày 15/04, do hai anh em Tsarnaev, người gốc Tchetchenia thực hiện.
Tuy nhiên, hai nước lại có những quan điểm đối lập nhau về chiến tranh tại Syria. Là một trong những đồng minh cuối cùng, giúp đỡ quân sự cho chế độ Damas, Nga đã ngăn chặn mọi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trong hồ sơ này.
Bà Fiona Hill, giám đốc chương trình Mỹ và châu Âu của viện Brookings, Hoa Kỳ, nhận định, cho dù Washington nêu ra việc chế độ của Tổng thống Barchar Al Assad sử dụng vũ khí hóa học - bản thân Matxcơva cũng coi đây là giới hạn đỏ mà Damas không nên vượt qua – nhưng ít có khả năng là ông Kerry thuyết phục được Nga có bất kỳ một nhượng bộ nào. Chuyên gia này giải thích, « Nga không thấy có lợi ích để đồng thuận với phe đối lập » Syria và cũng « không thấy có bất kỳ triển vọng ổn định nào qua việc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ».
Syria là thị trường vũ khí quan trọng của Nga. Đồng thời, Matxcơva lo ngại sự hình thành một chế độ Hồi giáo quá khích mà không ai có thể ngăn cản nổi, một khi Tổng thống Assad ra đi.
Thế nhưng, Nga và Mỹ vẫn tiếp tục có đồng thuận trên một số hồ sơ quốc tế khác, như giải trừ vũ khí hạt nhân, hồ sơ Iran, Bắc Triều Tiên.
Ngược lại, những bất đồng nghiêm trọng trên vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự đã làm cho quan hệ Mỹ-Nga xấu đi, giống như thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây.
Matxcơva đã cấm các công dân Mỹ được nhận con nuôi Nga, nhằm trả đũa vụ Hoa Kỳ đưa ra « danh sách Magnitski » một danh sách đen bao gồm những quan chức Nga bị coi là có dính líu đến cái chết trong tù của luật sư chống tham nhũng Serguei Mangnitski.
Mặt khác, Matxcơva cũng không cho phép cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hoạt động tại Nga, cáo buộc tổ chức này can thiệp vào chính trị Nga.
Với những khó khăn như vậy, giới phân tích ít hy vọng là chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry đạt được những kết quả quan trọng. Chuyên gia Hill có nhận định thực tế hơn : Chỉ cần lãnh đạo hai cựu thù trong chiến tranh lạnh tỏ ý muốn « cố gắng làm cho mối quan hệ hữu hảo hơn, thế đã là một thành công ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?