Pháp ký thành luật hôn nhân đồng giới


Cập nhật: 10:17 GMT - thứ bảy, 18 tháng 5, 2013

Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới ở Pháp
Lễ kết hôn đồng giới đầu tiên có thể được tổ chức10 ngày sau khi luật được ông Hollande ký.
Tổng thống Pháp đã ký thành luật một dự luật gây nhiều tranh cãi và đưa Pháp thành nước thứ chín ở châu Âu, trong tổng số 14 quốc gia trên toàn cầu, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Hôm thứ Sáu, Hội đồng Hiến pháp đã bác bỏ thách thức phản đối của phe đối lập cánh hữu và mở đường cho ông Francois Hollande ký dự luật này.

Ông nói: "Tôi đã có quyết định, và nay đã tới lúc tôn trọng pháp luật của nước Cộng hoà."
Đám cưới đồng tính đầu tiên có thể được tổ chức 10 ngày kể từ ngày luật được ký.
Nhưng Bộ trưởng phụ trách Quan hệ Quốc hội, ông Alain Vidalies, nói với truyền hình Pháp rằng ông cho là các cuộc hôn nhân đầu tiên sẽ diễn ra "trước ngày 1 tháng Bảy".

Thách thức hiến pháp

Ông Hollande và Đảng Xã hội cầm quyền của ông đã chọn luật này làm ưu tiên hàng đầu trong các cải cách xã hội của họ kể từ khi thắng cử cách đây một năm.
Sau một cuộc tranh luận gay gắt, luật hôn nhân đồng tính và nhận con nuôi đã được Thượng viện Pháp và Quốc hội thông qua vào tháng trước.
Dự luật này đã ngay lập tức bị phe đối lập cánh hữu chính của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, UMP, thách thức trên cơ sở hiến pháp.
Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp phán quyết hôm thứ Sáu rằng hôn nhân đồng tính "không đi ngược lại bất kỳ nguyên tắc hiến pháp nào," và rằng nó không vi phạm "quyền cơ bản hay quyền tự do hay chủ quyền quốc gia".
Hội đồng Hiến pháp nói lợi ích của trẻ em là tối quan trọng trong trường hợp nhận con nuôi, và cảnh báo rằng hợp pháp hóa việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính sẽ không nghiêm nhiên có nghĩa là "quyền có con".
Diễn viên hài Frigide Barjot, người trở thành nhà phát ngôn hàng đầu cho phong trào chống hôn nhân đồng tính, đã lên án quyết định này là "một sự khiêu khích" và kêu gọi tiếp tục vận động phản đối.

Quan ngại Công giáo

Các mốc chính

Hôn nhân đồng giới ở Pháp

Tháng Năm 2012: Bầu cử Tổng thống, ông Hollande trúng cử, và chọn hôn nhân đồng giới là ưu tiên hàng đầu trong các cải cách xã hội
Tháng Giêng 2013: Ít nhất 340.000 người tham gia biểu tình phản đối tại Paris khi Quốc hội bắt đầu thảo luận dự luật hôn nhân đồng giới.
Tháng Tư: Thượng viện thông qua dự luật hai tháng sau khi Quốc hội thông qua
17 tháng Năm: Tòa Hiến pháp bác bỏ thách thức pháp lý chống lại luật này
18 tháng Năm: Dự luật được Tổng thống Hollande ký thành luật
Rất đông người biểu tình đã xuống đường tại thủ đô Paris lên tiếng phản đối quyết định hôm thứ Sáu. Trước đây các cuộc biểu tình chống dự luật này đã thu hút hàng trăm ngàn người xuống đường và đôi khi xảy ra bạo lực.
Chủ tịch đảng UMP, ông Jean-Francois Cope, nói ông lấy làm tiếc trước quyết định của Hội đồng Hiến pháp, nhưng sẽ tôn trọng quyết định này. Một nhân vật cao cấp của đảng UMP, ông Herve Mariton, nói đảng này sẽ đưa ra các đề xuất thay thế vào năm 2017 mà theo đó sẽ "tôn trọng các quyền của trẻ em hơn".
Nhóm vận động chống hôn nhân đồng tính, được Giáo hội Công giáo và phe đối lập bảo thủ hậu thuẫn, lập luận rằng luật này sẽ làm suy yếu một nền tảng thiết yếu tạo nên xã hội.
Các cuộc thăm dò dư luận thì cho rằng khoảng 55-60% người Pháp ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhưng chỉ có khoảng 50% chấp thuận cho phép người đồng tính nhận con nuôi.
Pháp hiện là nước thứ 14 đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, sau khi New Zealand thực hiện việc này vào tháng trước.
Pháp cũng là quốc gia thứ chín tại châu Âu cho phép hôn nhân đồng tính sau việc hợp pháp hóa ở Hà Lan và Scandinavia vốn dĩ là các nước có truyền thống tự do hơn, cũng như tại các quốc gia theo Công giáo mạnh như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Luật này cũng đang được chuyển qua Quốc hội tại Vương quốc Anh.
Tuy nhiên nó đã dấy lên những phản đối mạnh mẽ hơn dự kiến ở Pháp - một đất nước mà Giáo hội Công giáo được cho là đã mất đi phần lớn ảnh hưởng của mình trong dân chúng.
Hồi tháng Giêng, một cuộc biểu tình ở Paris chống lại dự luật này thu hút khoảng 340.000 người, theo cảnh sát cho biết, và là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Pháp trong nhiều thập niên qua. Những người tổ chức biểu tình nói con số này lên tới 800.000 người.
Kể từ đó, phe ủng hộ và phe phản đối đã thường xuyên tổ chức cuộc biểu tình trên đường phố.
Ông Hollande đang gặp khó khăn với những đánh giá về mức được ưa chuộng đang xuống thấp nhất so với bất kỳ Tổng thống Pháp nào trong thời gian gần đây, trong khi những hứa hẹn của ông về tăng trưởng kinh tế cho đến nay vẫn không có kết quả và thất nghiệp hiện đang ở mức trên 10%

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?