Treo thịt cừu, bán thịt chuột : Chuyện cơm bữa ở Trung Quốc


Một cửa hàng bán que thịt nướng tại Bắc Kinh 06/05/2013 (REUTERS)

Một cửa hàng bán que thịt nướng tại Bắc Kinh 06/05/2013 (REUTERS)

Lê Vy
Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới với hàng loạt các vụ bê bối thực phẩm. Bàn luận về vấn đề này, báo Le Monde hôm nay, 06/05/2013, lại cho biết cảnh sát đã bắt giữ 900 người tình nghi liên quan trong một đường dây buôn bán thịt cừu mà hoá ra là thịt chuột, thịt cáo hay là thịt ôi.

Tờ báo nhắc lại một số vụ là vào tháng 3 năm 2008, sữa bột nhiễm mélanine đã làm cho 6 trẻ em thiệt mạng và gần 300 000 trẻ khác lâm bệnh mãn tính. Năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ 32 người vì tội bán lại dầu ăn pha trộn, lấy từ cống rãnh thải ra từ các nhà hàng. Sau đó là vụ báo chí đăng tin vào năm 2012 người trồng rau đã tẩm formol, một chất gây ung thư, lên bắp cải nhằm kéo dài việc bảo quản rau quả trong thời gian vận chuyển.
Bắt đầu ngày 25/01, chính quyền đang tiến hành một chiến dịch truy quét gian lận trong đường dây buôn bán thịt trong vòng 3 tháng. Hơn 200 tấn sản phẩm trái phép bị tịch thu trong 382 vụ khác nhau. Tại Ngô Tích, phía Bắc Thượng Hải, 63 nghi phạm bị bắt vì đã bán thịt chuột và thịt cáo dưới dạng thịt cừu. Họ còn tẩm cả keo động vật và chất nitrát vào thịt để bán ra trên thị trường.
Đối với anh Ngô Hằng, một sinh viên thành lập trang web để thống kê các vụ gian lận thực phẩm, thì sự việc này không có gì mới mẻ. Trang web này ra đời vào tháng 6 năm 2011. Anh Ngô Hằng vừa phát hiện ra một số nhà công nghiệp đã bán thịt heo khi pha thêm chất hoá học để làm đỏ thịt, rồi đem ra bán như là thịt bò. Anh lấy làm tiếc vì thiếu nguồn gốc thông tin đáng tin cậy và độc lập về hồ sơ này.
Anh còn cho biết vụ giả mạo thịt cừu có từ 7 năm nay. Năm 2006, báo chí địa phương tại đây đăng tin các quán ăn vỉa hè tại Phúc Châu đã bán những que thịt cừu với giá 5 nhân dân tệ (0,6 euro) nhưng thực chất đây là thịt mèo sau khi đã được tẩm formol. Anh chua chát lên án : « Hai năm qua, tôi chẳng thấy thay đổi gì mấy. Ngày mai, hiện tượng gian lận này sẽ vẫn tiếp diễn. »
Đầu năm 2013, dư luận Trung Quốc lại chú ý đến nhiều vụ xì căn đan có liên quan đến người tiêu dùng. Hồi tháng Tư là vụ 15 000 xác heo trôi trên sông Hoàng Phố. Sau đó, là dịch cúm gia cầm H7N9 hoành hành. Một số nhà sản xuất không ngần ngại kiếm tiền một cách vô ý thức. Một số còn tung ra thị trường thịt heo chết như thực phẩm ăn được, với giá rẻ mạt.
Hiện nay giá bất động sản, sự chênh lệch giàu nghèo, an toàn thực phẩm là những chủ đề mà người Trung Quốc luôn luôn trăn trở. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một cuộc họp báo ngày 17/03 đã hứa sẽ trừng phạt nặng các đường dây buôn bán thực phẩm gian lận và các nhà sản xuất sẽ phải trả giá đắt nếu không quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Luật hình sự Trung Quốc cấm buôn bán thức ăn độc hại. Toà án Tối cao khẳng định rằng sẽ kết án hình sự cho những hành vi buôn bán thực phẩm chứa chất hoá học và bán thịt động vật chết vì bệnh.
Trừng phạt Bắc Triều Tiên : hoạt động của các tổ chức nhân đạo thêm trở ngại
Sau một thời gian tin tức về Bắc Triều Tiên tạm lắng trên các trang báo Pháp, hôm nay, báo Le Monde vừa đưa tin ngày càng có nhiều ngân hàng phương Tây và Trung Quốc từ chối giao dịch với ngân hàng của Bình Nhưỡng.
Một trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã từ chối các giao dịch ngân hàng với Bình Nhưỡng. Đây chính là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã quá mệt mỏi trước đồng Minh Bắc Triều Tiên. Trung Quốc không giải thích gì thêm về quyết định này nhưng theo lời một quan chức bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì quyết định trên có liên quan đến thái độ ngoan cố gây hấn của Bình Nhưỡng.
Tờ báo đặt câu hỏi : phải chăng Trung Quốc làm như vậy là để buộc Bình Nhưỡng phải xuống nước, dịu giọng, hay là để bảo vệ các quan hệ giao dịch với quốc tế mà đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã thông báo vào ngày 11/03 vừa qua các biện pháp trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương của Bắc Triều Tiên vì nghi ngờ ngân hàng này đã hỗ trợ tài chính cho chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Từ đó, ngày càng có nhiều ngân hàng từ chối các giao dịch ngân hàng với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu muốn tránh bị Hoa Kỳ lên án.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo tại Bắc Triều Tiên, lại gặp thêm khó khăn, khi các ngân hàng quốc tế chối chuyển tiền cho ngân hàng Bắc Triều Tiên. Các tổ chức phi chính phủ tìm một cách chuyển tiền tài trợ khác qua ngõ của một ngân hàng Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc, Ngân hàng Trung Quốc cũng từ chối và các tổ chức phi chính phủ không có cách nào để xoay sở.
Từ lâu, Hoa Kỳ và châu Âu luôn đề nghị Trung Quốc phải cứng giọng với Bắc Triều Tiên. Và dường như Bắc Kinh đã bắt đầu có thái độ không khoan nhượng đối với Bình Nhưỡng. Vấn đề ở đây là biện pháp tẩy chay ngân hàng Bắc Triều Tiên khiến cho các tổ chức nhân đạo bị vạ lây.
Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định : « Không thể cho rằng hành động tẩy chay của Trung Quốc là tệ nhưng việc đó sẽ gây ra một tác động nhân đạo ». Các tổ chức phi chính phủ thì nói thẳng : trong trường hợp không có chuyển ngân thì rất khó thể nào mà duy trì các chương trình nhân đạo trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên
Nga tiếp tục đả kích phương Tây
Một năm sau khi đắc cử tổng thống, tổng thống Putin đã bịt miệng được những người đối lập ». Đó là nội dung bài viết đăng trên tờ báo Le Figaro hôm nay Tờ báo đăng ảnh chụp cuộc biểu tình vào ngày 06/05 năm ngoái, một ngày trước khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức. Năm này, do thiếu giấy phép biểu tình, phe đối lập chỉ kêu gọi người dân tối nay tụ họp.
Đúng một năm sau ngày ông Putin đắc cử tổng thống « nhiệm kỳ thứ ba », tờ báo Le Figaro trích dẫn nhận định của tổ chức Human Right Watch : theo đó, về mặt nhân quyền, « đây là thời kỳ tệ nhất trong lịch sử Nga đương đại ». Điển hình như một số biện pháp cải cách do ông Medvedev khởi xướng, cũng bị xét lại. Đồng thời, chính quyền Putin phạt nặng các nhà tổ chức biểu tình.
Các tổ chức phi chính phủ bị tình nghi được tài trợ bằng các nguồn vốn ngoại quốc, trong đó có tổ chức Alliance Française, hiện đang là mục tiêu của chiến dịch thanh tra của ngành tư pháp. Về khuynh hướng bài phương Tây, hạ viện Douma đã cấm các cặp người Mỹ nhận con nuôi người Nga. Các biện pháp chống tham nhũng còn rất mờ nhạt trong khi những người dám lên tiếng phản đối thì lại bị truy tố.
Giữa hai lựa chọn là con đường tự do theo trường phái của Gorbatchev và khuynh hướng trấn áp đối lập, ông Putin đã lựa chọn khuynh hướng thứ hai.
Tờ báo cho biết theo kết quả một cuộc thăm dò thì có từ 48% đến 57% người Nga tin tưởng vào ông Putin. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông ngày càng ít. Người dân đã quá mệt mỏi vì ông đã cầm quyền quá lâu : chỉ có 22% dân Nga muốn ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 (2018-2024).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?