Truyền hình K+ ngưng phát BBC và CNN


Cập nhật: 11:47 GMT - thứ năm, 16 tháng 5, 2013

Một thảo luận ở Ngân hàng Thế giới của BBC World, kênh phát vào hơn 200 nước
Đài BBC đang ‘tiếp tục thảo luận’ với chính quyền Việt Nam sau khi có tin một dịch vụ truyền hình vệ tinh ở nước này bỏ một loạt kênh quốc tế gồm BBC World News và CNN vào ngày 16/5/2013.
Văn phòng của đài truyền hình BBC World News tại London vào giờ sáng cùng ngày, giờ London ra thông báo nói:

“BBC World News cam kết tiếp tục cung cấp tin tức bất thiên vị có chất lượng cao cho người xem trên toàn Việt Nam và chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với chính quyền Việt Nam về vụ việc.”
BBC World News đã từng cử đại diện về làm việc và đối thoại với nhà chức trách tại Việt Nam từ năm 2011 để làm sao đảm bảo kênh tiếng Anh của họ tiếp tục vào được thị trường trên 90 triệu dân này.

'Dịch thuật không khả thi'

Theo hãng tin AP từ Hà Nội trong ngày, ít nhất có một kênh truyền hình vệ tinh ở Việt Nam (K+) đã bỏ chương trình của BBC và CNN.
"Quyết định 20 áp đặt việc dịch nội dung sang tiếng Việt là không khả thi, gây tốn kém ghê gớm, và mang tính kiểm duyệt"
CASBA
Được biết đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV có cổ phần trong kênh K+, một nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh do một công ty Việt Nam và đài Canal Overseas cùng lập ra.
Công ty K+ trích dẫn lý do ngưng phát BBC và CNN và 19 kênh khác là vì một quyết định của chính phủ Việt Nam. Quyết định này vốn đang bị các chính phủ nước ngoài cảnh báo là có thể khiến tin quốc tế và các kênh giải trí ngưng phát hình vào Việt Nam.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh quốc gia này “đang ngày càng trấn áp tự do biểu đạt”, theo lời của hãng tin Hoa Kỳ đánh đi từ Hà Nội.
Cùng lúc, vẫn theo AP, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp vẫn tiếp tục truyền tải những kênh nước ngoài một cách bình thường.
Chính phủ Hoa Kỳ và các nước khác, nhất là các nước có kênh truyền hình vào Việt Nam đã liên tục kêu gọi chính phủ Việt Nam bỏ hoặc sửa luật có hiệu lực hôm Thứ Tư tuần này.
Hồi tháng 11/2012, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ông Christopher Hodges được Bấm Bloomberg trích lời nói Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Việt Nam về Quyết định 20.
Vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam đã cho hoãn lại việc áp dụng quyết định này.
Vẫn theo AP, mọi kênh truyền hình nước ngoài phát vào Việt Nam “đều hiện phải bị chậm lại 30 phút" và các nội dung "tế nhị đều bị chặn ngay".
CASBA, Hiệp hội các đài truyền hình cáp và vệ tinh có trụ sở ở Hong Kong lại bày tỏ thái độ về tác động của văn bản "có vẻ như ngăn không cho nhiều kênh truyền hình tiếp cận thị trường Việt Nam".
Ông John Medeiros, giám đốc chính sách của CASBA nói khi so sánh chuyện này ở Việt Nam với các nước khác:
"Người tiêu dùng ở các nước khác trong vùng Đông Nam Á hoàn toàn có quyền hưởng cơ hội được xem truyền hình nội địa cùng truyền hình quốc tế."
"BBC World News cam kết tiếp tục cung cấp tin tức bất thiên vị có chất lượng cao cho người xem trên toàn Việt Nam và chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với chính quyền Việt Nam về vụ việc"
Alissa Rooney, Chủ nhiệm Văn phòng Truyền thông, BBC World News
Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ hồi 2011 đã yêu cầu các đài truyền hình nước ngoài phải dịch hết nội dung sang tiếng Việt, điều mà CASCA cho rằng "không khả thi, gây tốn kém ghê gớm, và mang tính kiểm duyệt".
Tuy nhiên, một quan chức Việt Nam được trích lời cho hay điều sửa đổi hôm 29/3 năm nay cho luật này "không buộc các kênh tin tức như BBC và CNN phải dịch nội dung truyền hình sang tiếng Việt".
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Giám đốc Cục Phát thanh và Truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng nói Bộ sẽ giám sát việc thực hiện Quyết định 20 của chính phủ.
Quyết định 20 cũng yêu cầu việc dịch thuật và biên tập lại nội dung để phát hình bằng tiếng Việt phải do một công ty do chính phủ cấp giấy phép.
Quyết định cũng yêu cầu mọi nội dung quảng cáo phát trên các kênh nước ngoài "phải được sản xuất tại Việt Nam".
Theo báo Bấm Saigon Times cùng ngày, không chỉ K+ mà nhiều kênh khác tại Việt Nam cũng tạm ngưng phát sóng hàng loạt chương trình nước ngoài.
Tờ báo này viết văn bản của nhà nước Việt Nam nói "các kênh chương trình truyền hình nước ngoài chỉ được phát sóng khi đã được biên tập, biên dịch và kiểm duyệt bởi cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền hình".
Theo BBC tìm hiểu, đây là những điều chưa từng xảy ra với các kênh quốc tế khi họ vào làm ăn ở các quốc gia khác trong vùng hoặc trên thế giới.
Ngoài ra, các kênh phát hình của chính quyền Việt Nam như VTV4 chuyển tại nội dung ra nước ngoài cũng không hề bị yêu cầu phải làm điều tương tự bằng ngoại ngữ.
BBC World News hiện được phát ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ 300 triệu hộ gia đình và có mặt ở 1.8 triệu phòng khách sạn.
Kênh truyền hình này cung cấp tin quốc tế, kinh doanh, thể thao và thời tiết cùng các chương trình thời sự, giải trí và phim tài liệu của BBC.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?