Việt Nam, Nga và Belarus tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí


Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (REUTERS /RIA Novosti)

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (REUTERS /RIA Novosti)

Trọng Nghĩa
Vào sáng nay, 18/05/2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã về Hà Nội, kết thúc vòng công du hai nước Nga và Belarus từ ngày 12 đến 17/05/2013. Ngoài các hồ sơ chính trị, ngoại giao, hay năng lượng, kinh tế, chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam còn là dịp để Hà Nội thúc đẩy hợp tác với Mátxcơva và Minsk trong địa hạt nhạy cảm là vũ khí, đặc biệt là sản xuất vũ khí, không chỉ để sử dụng trong nước, mà còn để bán qua một nước thứ ba.

Quan hệ hợp tác trong lãnh vực vũ khi giữa Việt Nam với Nga và Belarus được gói trong một khái niệm rất ôn hòa « hợp tác kỹ thuật quân sự ». Trong phần trả lời phỏng vấn của báo chí, nhân dịp ông Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến công du Nga và Belarus, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nêu bật sự kiện Hà Nội và Mátxcơva thúc đẩy hợp tác trong lãnh vực này là một trong năm kết quả nổi bật của chuyến đi :
« Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh được mở rộng, không chỉ dừng ở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà đi vào các hợp tác rất cụ thể. Trong quốc phòng an ninh, Liên bang Nga coi Việt Nam là một đối tác rất tin cậy và chuyển giao những kỹ thuật quân sự rất hiện đại cho chúng ta. Trên tinh thần đó, các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự cũng được hai bên bàn thảo và triển khai theo đúng tinh thần của đối tác chiến lược toàn diện đã được triển khai thời gian qua ».
Theo báo chí Việt Nam, trong lãnh vực này, các cuộc hội đàm giữa các lãnh đạo Nga Việt tại Mátxcơva, hai bên cũng khẳng định là sẽ tiếp tục các biện pháp nhằm chuyển sang hợp tác liên doanh sản xuất, bảo trì vũ khí và khí tài, đáp ứng nhu cầu hợp tác trong tình hình mới.
Quan hệ hợp tác Nga-Việt vũ khí không còn là một bí mật gì ghê gớm, với một động thái biểu tượng của chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Nga lần này khi ông đích thân ghé thăm nhà máy đang cho thử nghiệm chiếc tàu ngầm quân sự lớp Kilo đầu tiên sắp được bàn giao cho Việt Nam.
Nếu hợp tác « kỹ thuật quân sự » Nga Việt đã trở nên bình thường, thì việc Việt Nam và Belarus thúc đẩy lãnh vực này là yếu tố mới lạ hơn, và được chính quyền Minsk công khai nhắc đến.
Đây là nội dung của một trong 12 điểm nêu lên trong bản thông cáo chung của hai chính quyền Việt Nam và Belarus được công bố hôm qua sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm Belarus (15-17/05/2013) :
« Hai bên hoan nghênh việc tiến hành trong khuôn khổ chuyến thăm khóa họp thứ 13 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Belarus về hợp tác kỹ thuật quân sự... Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, khẳng định tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm từng bước đưa quan hệ phát triển toàn diện hơn, chuyển sang hợp tác liên doanh sản xuất, bảo dưỡng vũ khí và khí tài, đáp ứng nhu cầu hợp tác trong tình hình mới. »
Không những thế, theo báo chí Belarus, Minsk còn đề nghị Hà Nội thiết lập một liên doanh để sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, và không loại trừ việc bán các sản phẩm này cho các nước thứ ba. Đề nghị này đã được nêu ra nhân phiên họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Belarus về hợp tác kỹ thuật quân sự tại thủ đô Belarus hôm 16/05.
Thông cáo báo chí của Ủy ban Công nghiệp Quân sự Nhà nước Belarus công bố sau cuộc họp nói rõ : « Phía Belarus đề nghị đối tác Việt Nam đề ra các hình thức hợp tác mới tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp quân sự Belarus cũng như cho các đối tác Việt Nam trong lãnh vực hợp tác quân sự.
Một cách cụ thể, (phía Belarus) đã đề cập đến sự cần thiết phải chuyển từ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa hạt chia sẻ công nghệ học trong việc sản xuất các thiết bị dùng trong quân sự, thu hút thêm công nghệ tiên tiến và thành lập liên doanh để sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, kể cả cho các nước thứ ba ».
Việt Nam không phải là nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á được Belarus đề nghị liên doanh sản xuất vũ khí. Tháng Ba vừa qua, nước này đã ký với Indonesia một thỏa thuận về việc cùng sản xuất một loại thiết bị dùng cho xe thiết giáp Anoa do chính Indonesia chế tạo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?