Tin Việt Nam – 14/02/2017

Tin Việt Nam – 14/02/2017

Dư luận Việt Nam nghi vấn

khối tài sản khổng lồ của gia đình một thứ trưởng

Dư luận trong nước những ngày qua đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh khối tài sản hàng trăm tỷ đồng mà gia đình thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu.
Các tờ báo lớn cũng như mạng xã hội nêu lên những nghi vấn về sự minh bạch trong việc kiểm tra thông tin tài sản của Thứ trưởng bộ Công Thương. Theo tin của truyền thông trong nước, bà Thoa hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 672 tỷ đồng tại công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang.
Bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bộ Công Thương vào năm 2010 và trước đó công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang trong 18 năm, theo VTC News. Bà Thoa từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
Trước những nghi vấn của dư luận, bộ Công Thương hôm 10/2 đã chính thức thông tin liên quan đến khối tài sản khổng lồ của bà Thoa. Bộ này cho biết “số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi bà được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Công thương.”
Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, nghi vấn của công luận có phần đúng bởi người dân cần được biết các công chức nhà nước, và nhất là các lãnh đạo đang sở hữu những tài sản nào, và nguồn gốc tài chính của tài sản đó.
“Ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng nên có việc là kiểm tra xem xét và đề nghị bà (Thoa) giải trình. Với tiền lương thì chắc chắn không thể nào mua được khối cổ phiếu như vậy. Vậy thì từ những nguồn nào và bằng cách gì mà bà (Thoa) lại có được một số lượng cổ phiếu lớn như thế. Ngoài ra thì gia đình nhà bà ấy cũng có một số (lượng) cổ phiếu rất lớn ở công ty Điện Quang. Vậy thì việc cổ phần hóa đã thực hiện như thế nào và cổ phần đó đã được mua đi bán lại ra làm sao.”
Theo cựu viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương Lê Đăng Doanh, luật cổ phần hóa quy định “ưu đãi bán cho lao động trong doanh nghiệp” và cần xem xét liệu việc mua đi bán lại cổ phần của doanh nghiệp này.
Bà Thoa bị chú ý sau khi báo chí phanh phui rằng thứ trưởng Thoa có liên quan tới việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, người đang bị truy nã quốc tế. Trong thời gian ông Thanh làm chủ tịch PVC từ 2009 đến 2013, công ty này đã thua lỗ 150 triệu đô la.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:
“Với tư cách là 1 thứ trưởng lãnh đạo bộ Công Thương và cả lãnh đạo xí nghiệp Điện Quang mà bà (Thoa) có một khối lượng cổ phiếu lớn như vậy thì theo điều mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói là phải đề phòng, phải đấu tranh với những hiện tượng suy thoái, thoái hóa, biến chất. Thế thì đây là một hiện tượng gì? Và sẽ phải xử lý việc này như thế nào? Hay là cứ để việc đó coi như là bình thường và không ai có ý kiến gì cả hay sao? Đấy là điều mà tôi nghĩ là hiện nay dư luận rất quan tâm.”
Việc kê khai tài sản cá nhân của các viên chức và lãnh đạo nhà nước luôn được coi là một thủ tục không minh bạch. Báo chí trong nước đồng loạt nêu lên mối quan tâm của dư luận về những hạn chế trong việc kiểm soát tài sản của các quan chức và tính minh bạch trong việc kê khai, giám sát tài sản của cán bộ nhà nước.
Ông Doanh nhận định:
“Trong tình hình ở Việt Nam thì thu nhập ở đâu và nguồn gố như thế nào thì hiện nay là chưa rõ ràng. Và nếu mà chưa rõ ràng như vậy thì từ trường hợp này có nên rút kinh nghiệm để có sự quản lý nguồn thu và tài sản hay không? Hiện nay có kiểm soát gì đâu. Người ta cứ kê khai như thế còn thì tại sao người ta lại giàu đến như thế thì không có ai xem xét nguồn gốc tại đâu cả.”
Theo VnEconomy, một người anh trai của bà Thoa, ông Hồ Đức Lam, đang nắm giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Báo điện tử của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cho biết người Ông Hồ Đức Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng, và có các con trai giữ những chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.
Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tâm sự người phu xe thời khủng hoảng

Hà Nội là thành phố có lượng dân cư nhiều tương đương với thành phố Hồ Chí Minh nếu tính luôn những người tỉnh lẻ đến tá túc để làm ăn, sinh sống. Họ làm đủ các công việc lao động phổ thông để kiếm tiền trang trải hằng ngày và gởi về quê giúp cho gia đình.
Đất chật người đông, công việc không thể nở ra kịp với lượng người lao động từ các tỉnh kéo lên thủ đô. Những người bám trụ lâu năm, có kinh nghiệm và rành đường thì chọn nghề phu xe, miền nam còn gọi là xe ôm để sống.
Nhưng dường như đời sống của người phu xe ngày càng ngột ngạt, khó thở và họ phải oằn vai gánh nỗi khổ năm sau cao hơn năm trước. Giá xăng dầu quá cao, cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện khác, dường như đời sống của các ông xe ôm Hà Nội rơi vào bế tắc.
Ông Hùng, phu xe ôm ở Hà Nội chia sẻ: ‘Tất cả mọi cái đều ảnh hưởng lẫn nhau. Với tình hình như hiện tại, xe ôm không cần phải dẹp, sẽ tự chết.’
Một người phu xe ôm có thâm niên hơn 20 năm ở Hà Nội cho hay: ‘Chính cái thời bây giờ cơ chế nhiều xe quá nên chúng tôi làm ăn ngày càng khó khăn hơn. Cuộc sống của người dân cũng ngày càng khó, thất nghiệp nhiều nên đời sống của người phục vụ nhu cầu của mọi người càng khó khăn hơn. Như tôi đã chạy xe ôm, xích lô gần 20 năm rồi. Nhưng năm ngoái đã kém rồi, năm nay còn kém hơn. Suy thoái của đất nước làm ảnh hưởng mọi thứ. Đời sống của người dân càng ngày càng khó, giá mọi thứ càng ngày càng lên, người kiếm từng đồng để trang trải càng khó hơn. Chi phí mọi thứ thì lên, giá xăng tăng, giá áo tăng mà giá quần chẳng giảm cho.’
Hiện tại, ngoài hàng trăm tuyến xe buýt công cộng, thành phố Hà Nội còn có thêm 129 hãng taxi. Trong đó, hãng lớn nhất có gần 5000 chiếc, hãng nhỏ nhất có trên 50 chiếc. Tính luôn mô hình taxi Uber và Grab, cả thành phố có hơn 27,000 chiếc taxi, chưa kể đến xe điện công cộng. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng taxi nhanh chóng xô dạt dịch vụ xem ôm.
Có thể nói rằng tương lai của các phu xe ôm là một tương lai bế tắt và khó lòng trụ vững trước trận gió xô bạt. Mọi số phận lao động nghèo trong guồng xoáy xã hội đang đối mặt với một tương lai mù mờ, không định dạng.
Một người phu xe ôm có thâm niên hơn 20 năm ở Hà Nội ca thán: ‘Một đất nước mà khoa học phát triển chậm thì đời sống của người dân sẽ thấp kém. Bởi khoa học phát triển thì các nhà máy hiện đại sẽ mọc lên, người ta sẽ có công ăn việc làm, sẽ không còn thất nghiệp nữa, giải phóng đầu ra cho người lao động. Cụ thể, mỗi năm ra khỏi đại học khoảng mười ngàn thì giải quyết bảy ngàn, tám ngàn vào các nhà máy, cơ quan lớn. Nhưng như hiện tại, chỉ một hoặc hai ngàn đi làm công chức, số còn lại không có công ăn việc làm thì phải ra ngoài, đi làm thuê, làm mướn cho những người giàu có. Cho nên đời sống luẩn quẩn, gặp nhiều khó khăn!’

FTA Mỹ-Việt không thay thế được TPP

Một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không thể nào thay thế được thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì giá trị chiến lược của nó, theo lời của một cựu cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama về chính sách Châu Á tại một cuộc hội luận của những chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới chính quyền Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23 tháng 01, ngày làm việc đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống, đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức từ bỏ thỏa thuận thương mại đầy tham vọng mà người tiền nhiệm của ông đã thương thuyết với 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương. Hành động này phần nào hiện thực hóa cam kết của ông Trump lúc vận động tranh cử là chấm dứt những thỏa thuận thương mại quốc tế mà ông cho là cướp mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
TPP, một trong những trụ cột của chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama, nhắm mục tiêu liên kết Mỹ với những nước từ Việt Nam cho tới Canada, Chile để làm đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và mặt kinh tế và quân sự.
“Rút khỏi TPP là một cú đấm thẳng vào bụng. Không có cách nào nhìn nhận việc này khác hơn như vậy,” Evan Medeiros, giám đốc cao cấp cho sự vụ Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Obama từ năm 2013 đến năm 2015, cho biết trong cuộc hội luận diễn ra tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm 13 tháng 2 ở Washington.
Được cho là một kiến trúc sư chính trong chiến lược tái cân bằng về Châu Á, ông Medeiros giải thích rằng giá trị chiến lược của TPP không những là Tổ chức Thương mại Thế giới mở rộng với những “rào cản đằng sau biên giới” được loại bỏ, mà nó còn có thể “thực sự thay đổi luật chơi về cách thức mà các nước sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt với tất cả những lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số.”
Ông nói thêm: “Nếu bạn là Việt Nam hay Malaysia, TPP giờ đã mất và không cách gì có thể thay thế bằng những hiệp định thương mại tự do song phương, thậm chí nếu bạn có ký kết được một mớ những hiệp định này ngay lập tức đi chăng nữa, điều mà lịch sử cho thấy là rất khó xảy ra.”
Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu mất đi TPP có khiến Việt Nam càng xích lại gần Trung Quốc hơn hay không, ông Medeiros nói:
“Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của việc liên tục bảo vệ mình giữa cường quốc lớn. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân khiến Việt Nam lo ngại – về sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, về việc dễ bị cưỡng ép về kinh tế, về tranh chấp ở Biển Đông – không có nguyên nhân nào trong số này bị triệt tiêu với việc Donald Trump đắc cử. Tôi nghĩ rằng những lo ngại và cấm đoán ở Việt Nam về việc xích lại gần hơn với Trung Quốc vẫn còn. Tôi nghĩ Việt Nam, cũng giống như nhiều nước ở Châu Á, đang trong tư thế chờ và xem, hy vọng rằng mối quan hệ của họ sẽ đạt mức bình ổn với chính quyền Mỹ mới, tương tự như mức độ và chất lượng của chính quyền trước, nhưng đồng thời họ cũng đang làm điều mà những nước khác đang làm ở Châu Á, tập trung vào sự đa dạng hóa và khả năng phục hồi. Tôi nghĩ rằng đó là hai chiến lược nổi trội mà bạn sẽ thấy ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong khu vực.”
Tuy nhiên, Elizabeth Economy, Giám đốc đặc trách Nghiên cứu Châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng Việt Nam và các nước khác trong khu vực có thể cưỡng lại điều mà bà gọi là “lực hấp dẫn của Trung Quốc” trước sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự thoái lui đáng kể khỏi vị trí lãnh đạo ở Châu Á thì chúng ta sẽ để lại một khoảng trống. Và có thể Thủ tướng [Nhật Bản Shinzo] Abe sẽ trám vào ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở vị thế sẵn sàng và sẵn lòng và có khả năng làm được điều này trong tư cách là đối tác thương mại lớn nhất đối với những nước trong khu vực, nếu không nhất thiết phải là nước đầu tư lớn nhất.”
Dù vậy, các chuyên gia tại cuộc hội luận đều nhất trí rằng một chỉ dấu rất rõ ràng cho mối quan hệ Việt- Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.
“Tôi hy vọng một trong những cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Abe trên lỗ số 12 khi họ chơi golf ở Mar-a-Lago là, ‘ông cần phải đến Châu Á, đến dự APEC và [Hội nghị Thượng định Đông Á],’” ông Medeiros nói.
“Nếu ông ấy không đi, đó rõ ràng sẽ là một cú giáng mạnh vào mối quan hệ này.”

Đoàn Huy Chương hiện đang ở đâu?

Đến hết ngày 13/2, ngày đáng lẽ Đoàn Huy Chương mãn án tù, cả gia đình và bạn bè đều không biết ông đang ở đâu.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, người cùng bị xét xử chung với ông Đoàn Huy Chương nhưng đã ra tù sớm, cho VOA biết rằng khi bà cùng gia đình ông Chương gồm vợ và hai người con đến trại giam Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai vào sáng sớm ngày 13/2 để đón ông thì phía trại giam bảo rằng cha của ông là Đoàn Văn Viên đã đón ông từ rất sớm rồi.
“Khi đến trại giam, họ nói rằng ba của anh Chương đã đón anh đi từ rất sớm rồi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc với ông Đoàn Văn Viên. Anh trai của Đoàn Huy Chương cũng không biết tin tức gì về em mình.”
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh nói rằng bà rất trông mong ngày ông Chương mãn án, một người cộng sự của bà trong công cuộc đấu tranh cho quyền lợi công nhân:
“Hôm nay Minh Hạnh rất hồi hộp và hạnh phúc khi đón được một người cộng sự, người anh em của mình. Anh là một người rất kiên định, luôn luôn dành tâm huyết của mình trong việc tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh cũng rất tâm huyết giúp đỡ dân oan đấu tranh dành đất đai.”
Bà Hạnh nhớ lại:
“Vào cuối năm 2009, đầu 2010, anh Chương có theo dõi sự vi phạm của công ty giày da Mỹ Phong đối với công nhân. Khi anh phát hiện ra công nhận bị xúc phạm nhân phẩm, không trả tiền lương cho ngày Tết thì ba anh gồm có Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã giúp công nhân đòi lại quyền lợi với cuộc đình công nổ ra kéo dài trên 10 ngày, làm tờ rơi trong đó yêu cầu 7 điều, trong đó có điều số 7 là thành lập công đoàn độc lập. Nhưng điều số 7 này không được áp ứng.”
Bà Minh Hạnh cho biết ngay sau cuộc đình công kéo dài hơn 10 ngày này thì cả 3 người đều bị bắt với tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử. Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.
Bà Minh Hạnh nói rằng đây là một bản án oan, lẽ ra chính quyền Việt Nam nên khuyến khích các nghiệp đoàn đấu tranh, bảo vệ người lao động:
“Đây là một bản án hết sức oan ức. Tòa án LHQ ra phán quyết nói rằng ba anh em vô tội và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do vô điều kiện. Bản án hết sức vô lý vì chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, và giúp công nhân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ theo đúng luật pháp Việt Nam.”
Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập “Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam” năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù giam. Ông Chương được thả vào năm 2008.

Nghệ An: Tuần hành ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

Linh mục dẫn ‘hàng trăm người’ ở Nghệ An tuần hành đi kiện Formosa không bồi thường thiệt hại cáo buộc với BBC về việc nhiều người trong đoàn bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được ⅕ chặng đường.
Cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt hôm 14/2 được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
BBC không có nguồn độc lập kiểm chứng lượng người tuần hành cũng như số người bị bắt.
Đoàn người đi bằng xe gắn máy, mang theo biểu ngữ và cờ ngũ sắc [được cho là cờ cổ truyền của Đại Tộc Việt], dự định đi qua 173km đến Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện Formosa.
Được biết 619 hộ gia đình thuộc các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh đã gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại với bản kê khai thiệt hại vì chất thải công nghiệp của Formosa đính kèm nhưng đến nay chưa nhận được hồi đáp.
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An không nằm trong danh sách được nhận tiền bồi thường của Formosa do chính quyền công bố.
Vào 16:00 hôm 14/2, trả lời BBC qua điện thoại từ huyện Diễn Châu, Nghệ An, Linh mục Thục nói: “Đoàn tuần hành của giáo dân, ngư dân mới đi được chỉ khoảng ⅕ chặng đường thì tôi và khoảng một chục người bị bị công an và đủ các lực lượng mặc sắc phục, thường phục đánh đập.”
“Họ còn tịch thu xe gắn máy và bắt đi ít nhất 5 người.”
“Tôi không lường trước được việc chính quyền hành xử đến mức độ này.”
“Chúng tôi chỉ thực thi quyền được khởi kiện của người dân thôi mà. Thật phi lý.”
“Khi khởi xướng cuộc tuần hành này, tôi đã xác định, một ngày, hai ngày, ba ngày chưa đến nơi thì một tuần sẽ đến. Chúng ta phải làm để cho thế giới thấy được công việc của chúng ta là quan trọng và chúng ta sẽ không hổ thẹn với con cháu chúng ta sau này.”
‘Ngọn lửa’
Hôm 14/2, Luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định bình luận: “Nếu 87 năm trước, Thánh Gandhi tuần hành để chống một đạo luật bất công, thì hôm nay linh mục Thục tuần hành để thực thi một quyền công dân hợp pháp của các nạn nhân Formosa là quyền khởi kiện theo luật định.”
Dù đến được Tòa Kỳ Anh hay không, cuộc tuần hành vì dân quyền của linh mục Nguyễn Đình Thục ngày 14/2 sẽ đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam như ngọn lửa khởi đầu phong trào dân quyền chống chế độ độc tài cộng sản Việt Nam.”
Trước đó, một người dân ở giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An cho BBC hay: “Tối 13/2, hơn một chục chiếc xe du lịch chạy hợp đồng được bố trí để vận chuyển ngư dân và giáo dân đã bị công an, an ninh chặn không cho vào.”
Trước cuộc tuần hành, Linh mục Thục cùng người dân Quỳnh Lưu đã nhiều lần xuống đường biểu tình đòi chính quyền đền bù thiệt hại do Formosa gây ra.
Tháng 12/2016, ông tham gia buổi điều trần tại Quốc hội Đài Loan về việc yêu cầu chính phủ Đài Loan đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Formosa ở Việt Nam và phải đền bù đúng mức thiệt hại cho ngư dân.

Ai hành hung những người bất đồng chính kiến?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Tình trạng công an mặc thường phục, mà những nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến gọi rõ là ‘côn đồ’ do thường xuyên sách nhiễu hành hung giới lên tiếng, vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây.
Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thái Lai ở Khánh Hòa bị 4 người mặc thường phục xông vào đánh tới ngất xỉu khi đang cùng bạn rời khỏi một quán ăn tại phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, hồi chiều tối ngày 12 tháng 2 vừa qua.
Công an mặc thường phục đánh …
Chị Nguyễn Thị Thái Lai là một trong những người đã cùng blogger Mẹ Nấm xuống đường phản đối Trung Quốc trước đây, sau này lại lên tiếng yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung từ tháng Tư năm 2016.
Trả lời đài Á Châu Tự Do tối thứ Hai 13 tháng Hai, chị Thái Lai cho biết:
Chị gọi điện trực tiếp cho công an tỉnh thì họ nó họ không biết và không làm việc này.
- Chị Thái Lai 
Chị bây giờ vẫn còn đau, bị nó đá nó đấm từ trên mặt nó đá xuống người, cho nên bây giờ vẫn con đau và ê ẩm. Đây không phải là lần đầu tiên, năm ngoái chị cũng bị tụi nó đạp xe rồi. Bị triệu tập ra đồn chỉ có vấn đề là vì chị phản đối Trung Quốc và phản đối Formosa, chị xuống đường và viết bài. Bất kỳ ai ở xa tới mà chị đi gặp thì người ta sẽ đi theo và gây khó dễ. Bây giờ mình chỉ có tố cáo cái tội ác của họ cho công chúng thôi, còn họ bao che cho nhau, chị gọi điện trực tiếp cho công an tỉnh thì họ nó họ không biết và không làm việc này.
Sau khi xảy ra vụ việc, chị Thái Lai cùng người bạn đến công an phường Vạn Thạnh để trình báo. Khi đang trình báo tại đó, chị phát hiện những kẻ vừa hành hung chị đang đi ra đi vào  trụ sở, nói chuyện với các  nhân viên mang sắc phục công an, kế đó bỏ ra ngoài như  để đứng đợi chị.
Chị Thái Lai nhắc lại đây không phải lần đầu tiên chị bị đánh hoặc bị mời lên công an làm việc, còn những người chận đánh chị đều mặc thường phục chứ không mặc sắc phục công an.
… cướp tư trang
Trong ngày 13 tháng 2, một số chức sắc trong  Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam trên đường từ Sài Gòn xuống miền Tây để thăm viếng chúc Tết các chức sắc Hòa Hảo và Cao Đài đã bị chận lại, bị đưa về đồn công an địa phương. Hòa thượng Thích Không Tánh, thành  viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, kể lại:
Quí chức sắc trong Hội Đồng Liên Tôn bên Công giáo có linh mục Lê Ngọc Thanh, Cao Đài thì có quí chánh trị sự Hứa Phi, Bạch Phụng, Nguyễn Kim Lân, Tin Lành thì có mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Phật giáo thì có chúng tôi. Ngày 13 chúng tôi xuống chúc Tết quí chức sắc bên Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy nhưng bị đủ thứ chuyện. Xuống  tới Vĩnh Long thì bị chận lại, bị bắt đưa về đồn làm việc suốt mấy tiếng đồng hồ. Công an mặc sắc phục, cảnh sát 113 rồi dân phòng họ bao vây họ chận xe, giữ hai tài xế của hai chiếc xe lại và cuối cùng họ mời về đồn làm việc. Đến 8 giờ rưỡi tối họ đưa xe áp tải chúng tôi về tới Sài Gòn đây.
Những người trong cuộc cho biết có  hai  chức sắc trẻ Cao Đài đi trong đoàn đã bị tách riêng đưa về công an xã, sau đó bị những người mặc thường phục đánh đập rồi cướp cả điện thoại và giấy tờ của họ.
Người đánh em không mặc sắc phục công an, mà những người mặc sắc phục công an lại đứng yên để nhìn hơn 10 tên côn đồ đó đánh em và giựt điện thoại đem nhúng nước.
- Cô Thủy Quỳnh 
Chánh trị sự Cao Đài Nguyễn Bạch Phụng, cùng đi trong đoàn hôm 13, cho biết tin về hai người bị đánh:
Thông sự Châu Văn Gòn thì bị những người mặc đồ thường, cũng là công an trá hình thôi, đánh gãy một cái răng, giựt 3 triệu và lấy một cái Iphone nhưng Gòn liệng xuống sông luôn không cho lấy. Còn chánh trị sự Nguyễn Văn Tạc Răng  thì nó đánh, nó lột cái đồng hồ và một điện thoại di động. Khi mà hai em này ở trong công an xã thì công an nói rằng ở đây thì tui đảm bảo là không ai đánh nhưng ra khỏi đây là có người đánh thì ráng chịu chứ tui không chịu trách nhiệm. Quả thật vừa ra khỏi cổng ủy ban xã Đông Thành thì bị tụi  mặc thường phục đánh rồi giựt đồ hết trơn luôn, giấy tờ cũng không trả lại luôn.
Nhà hoạt động Phạm Bá Hải, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm ở Sài Gòn, từng bị nhiều người mặc thường phục chận đánh hai lần, một lần ở Lâm Đồng và một lần ở Vinh hồi năm 2014,  cũng chia sẻ là ông đã bị cấm ra khỏi nhà trong ngày 13 vừa qua:
Ngày 12 tháng Hai tôi không có ở nhà, khi về thì  gia đình báo có người lạ vào hỏi thăm, hỏi tôi đi đâu, làm gì. Ngày hôm nay (13) an ninh thành phố và địa phương vào nhà gặp tôi, nói rằng hôm nay anh không được đi ra ngoài. Họ nói thẳng luôn là tối nay anh không được gặp Bùi Hằng và đề nghị anh chấp hành.
Những người hoạt động ở Việt Nam  đều là đối tượng cho chính quyền đàn áp. Tuy nhiên đàn áp bằng hình thức giam cầm, bắt bớ thì hoạt động của những người này không đủ cơ sở để họ xử lý hình  sự, thành ra một trong những phương cách áp dụng dễ nhất là sử dụng côn đồ. Tức là họ bảo kê côn đồ địa phương để đánh những người đó, hoặc chính những người an ninh mạc thường phục để đánh.
Hồi tháng Chín năm 2016, một số người trẻ đi tham dự  buổi hội thảo về dân chủ, do Hội Cựu Tù Nhân Lương tâm tổ chức ở Vũng Tàu, cũng đã bị công an mặc thường phục đánh đá rất mạnh tay. Cô Thủy Quỳnh là một trong những người bị đánh rất nặng khi ấy:
Em đi tham gia cùng một nhóm trẻ thì họ ập vào bắt cóc từng người đưa ra. Người đánh em không mặc sắc phục công an, mà những người mặc sắc phục công an lại đứng yên để nhìn hơn 10 tên côn đồ đó đánh em và giựt điện thoại đem nhúng nước. Khi đánh xong, tới 9 giờ tối họ đưa em, chị Ngô Thị Hồng Lâm và Trang Nhung quăng giữa đồng không mông quanh không có bất cứ một người nào. Em không chịu xuống xe và khi  em đòi lại điện thoại thì họ lại đánh và hăm dọa.
Bị hành hạ trong tù
Trong khi những nhà hoạt động tôn giáo, xã hội hay cựu tù nhân lương tâm tiếp tục bị sách nhiễu, hành hung như vừa nêu thì các tù nhân chính trị đang ở trong tù được gia đình sau khi thăm nuôi về cho biết họ cũng bị hành hạ nếu không chịu nhận tội. Đó là trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam hiện đang phải thụ án 11 năm tù với cáo buộc ‘ hoạt động chia rẻ khối đoàn kết dân tộc’.
Bà Trần thị Hồng, vợ mục sư Nguyễn Công Chính thông tin về tình hình của ông này trong tù sau chuyến thăm ông mới nhất:
Khi chuyển đến Xuân Lộc, Đồng Nai và bị biệt giam thì họ không cho ông dùng thuốc đặc trị, trong môi trường giam giữ kín như vậy thì bịnh càng nặng thêm. 
- Bà Trần thị Hồng
Ngày 10 tháng Hai vừa qua tôi đi thăm ông Nguyễn Công Chính tại trại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Khi chuyển đến trại giam Xuân Lộc thì ông bị biệt giam cách ly từ đó đến giờ luôn. Trong điều kiện cách ly như vậy thì vậy thì tay chân ông bị sung phù và bịnh tình ông thì càng ngày  càng nặng. Bởi vì 2 tháng tôi mới được thăm một lần và mỗi lần như vậy thì thấy sức khỏe của ông càng ngày càng suy yếu đi. Thưa nhất là bênh huyết áp rồi bịnh viêm xoang mũi cấp tính nữa, ông lại bị đau bao tử và bị khớp nữa. Khi chuyển đến Xuân Lộc, Đồng Nai và bị biệt giam thì họ không cho ông dùng thuốc đặc trị, trong môi trường giam giữ kín như vậy thì bịnh càng nặng thêm.
Bà cũng trình bày lại tình cảnh của gia đình hai ông bà lâu nay:
Trước khi ông mục sư chính bị bắt thì lực lượng an ninh tỉnh Gia Lai đã bố ráp, canh giữ, chận đường đánh đập, cản trở ông đi giảng đạo. Nó kéo dài rất nhiều năm đến khi ông bị bắt thì bản thân tôi là vợ luôn chịu sự đàn áp của công an tỉnh Gia Lai. Họ đã đánh đập hành hạ tôi rất nhiều, mẹ con tôi bị giam giữ trong chính ngôi nhà của mình. Gần đây nhất, sau khi tôi đi gặp phái đoàn đặc trách về tự do tôn giáo năm 2016 thì những người tự xưng là công an đã hành hạ đánh đập tôi rất dã man trong những lần khẩu cung. Những người này xưng là công an iuy nhiên họ không mặc sắc phục, mình cũng không nhận diện ra họ là công an hay côn đồ nữa.
Vừa rồi là những trường hợp mới nhất liên quan đến những vụ công an mặc thường phục đánh đập người hoạt động và người bất đồng chính kiến ở trong và ở ngoài nhà tù.
Năm 2014 hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm có làm nghiên cứu về chính sách bạo hành tra tấn của chính quyền Việt Nam. Từ năm 2015 và 2016 thì mức độ các vụ đánh đập càng ngày càng dữ dội, có đổ máu, thậm chí rất nhiều phụ nữ và trẻ con cũng bị ảnh hưởng bởi chủ trương này của nhà cầm quyền Việt Nam.
Đó là kết luận của ông Phạm Bá Hải, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.

Bắc Kinh yêu cầu Việt Nam

điều tra vụ khách Trung Quốc bị đánh

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam điều tra vụ việc nhân viên hải quan đánh đập một công dân Hoa Lục vì không đưa tiền ‘trà nước’ tại cửa khẩu Móng Cái vào ngày 7 tháng 2 vừa qua.
Hai mạng báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng và Hoàn Cầu Thời báo loan tin vừa nêu vào ngày 14 tháng 2.
Theo công văn chính thức gửi đến Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết rất quan tâm đến vụ việc ông Tạ Phong, nhưng không phải tên thật, là công dân Hoa Lục bị nhân viên Hải quan Việt Nam đánh theo như tố cáo của ông này là do đã không đồng ý đưa tiền “trà nước”  khi đang làm thủ tục tại cửa khẩu Mong Cái sau chuyến du lịch 2 tuần với mẹ và hôn thê đến Việt Nam.
Hai cơ quan thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẩn trương điều tra vụ việc và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ đã hành hung ông Tạ Phong; đồng thời phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Qua vụ việc vừa xảy ra, báo giới Trung Quốc đăng tải thông tin du khách Trung Quốc khi đi du lịch đến Việt Nam thường bị nhân viên Hải quan vòi vĩnh tiền.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh là sẽ theo dõi sát phía Việt Nam xử lý vụ việc của ông Tạ Phong.
Trước đó, Việt Nam lên tiếng từ chối khi Đại sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội đề nghị hợp tác điều tra.

Trao đổi Thư tín: Việt Nam-Đất nước thiên đàng?

Hòa Ái, RFA
Lễ hội tháng Giêng
Không khí Tết cổ truyền dường như vẫn còn phảng phất tại Việt Nam vì tục lệ “tháng Giêng là tháng ăn chơi” với hàng loạt lễ hội tưng bừng, náo nhiệt diễn ra khắp nơi. Trong tuần qua, các thông tin và hình ảnh của những lễ hội xuân truyền thống như thế lại một lần nữa khiến dư luận lên tiếng về sự cuồng nhiệt mê tín dị đoan của dân chúng trong nước. Quý khán thính giả và độc giả RFA bày tỏ sự bất nhẫn trước tin hàng trăm người đội mưa tham gia lễ cúng cặp bánh chưng khổng lồ 700 kg dâng lên cho thân mẫu của ông Hồ Chí Minh tại Nghê An trong khi gần 50 ngàn hộ gia đình bị thiếu đói mùa giáp hạt, mà số liệu vừa nêu tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải vào cuộc để điều tra về 10 tấn cá phóng sinh xuống sông Hồng, được cho là loài cá chim trắng gây hại cho môi trường.
Một thính giả nhắn tin qua Facebook cho Hòa Ái với câu hỏi rằng vì sao các sinh hoạt lễ lạc tại Việt Nam ngày càng bị biến tướng và phản cảm đến như vậy? Hòa Ái chia sẻ câu hỏi này đến quý vị để chúng ta cùng nhau tìm ra câu trả lời một cách thấu đáo. Theo ý kiến của thi sĩ Hoàng Hưng thì “Có lẽ do bây giờ lòng tin của con người vào bản thân, vào công lý, vào sự công bằng trong xã hội mất đi nhiều quá”. Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng “Đây là một sự đổ vỡ về văn hóa, về tâm linh vì những nguyên nhân tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị gây ra”. Trong khi đó, thính giả Ba Bình ở Lào Cai quả quyết “Đây là việc làm được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ngấm ngầm kích thích để người dân quên đi hiện tình đất nước xã hội đang tác động trực tiếp lên đời sống ngày càng khó khăn, khổ sở của họ”. Còn theo quý vị, lời đáp cho câu hỏi này sẽ thế nào?
Chúng ta tạm gác lại thảo luận xoay quanh chủ đề lễ hội xuân để quay về với những tin tức nóng bỏng trong quần qua mà quý khán thính giả cùng độc giả RFA quan tâm.
Hợp pháp hóa cờ bạc
Dân chúng trong nước được thoải mái ăn nhậu và cờ bạc thì Việt Nam quả là thiên đường rồi còn gì, giống như ông Nguyễn Phú Trọng đã nói ‘Đất nước ta có bao giờ được như thế này’
-Thính giả Vũ Ngọc Thêu 
Liên quan đến việc Chính phủ Hà Nội hợp pháp hóa cá độ bóng đá quốc tế, thính giả Minh Khôi lên tiếng rằng “Rốt cuộc rồi Việt Nam cũng theo chân những gì các nước tư bản làm. Tất cả đều là tiền để thực hiện nhiều điều cho đất nước”. Hòa Ái ghi nhận rất nhiều quý thính giả tỏ ra nghi ngại không biết việc hợp thức hóa này mang lại lợi ích gì cho quốc gia, nhưng họ lại lo sợ khi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế thì cờ bạc chính là con đường dễ dẫn đến mất an ninh và rối loạn xã hội. Thính giả Trang Phucnguyen qua Facebook RFA còn dặn dò bà con chòm xóm nhớ nhắc nhở nhau then cài, chốt cửa cho chắc chắn không phải chỉ trong mùa banh quốc tế mà xuyên suốt quanh năm vì nhà nước cũng đã cho phép người dân được vào cờ bạc trong các sòng bài trên lãnh thổ Việt Nam.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện; do đó sẽ lần lượt đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn quốc tế vì mục tiêu phát triển đất nước khi trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài có phải Việt Nam hợp pháp hóa cá độ để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách hay không. Tuy nhiên, dư luận và quý thính giả Đài Á Châu Tự Do lý giải vì ngân sách nhà nước không còn tiền nên Hà Nội buộc phải bật đèn xanh cho cờ bạc hợp pháp. Thính giả Vũ Ngọc Thêu chia sẻ dân chúng trong nước được thoải mái ăn nhậu và cờ bạc thì Việt Nam quả là thiên đường rồi còn gì, giống như ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đất nước ta có bao giờ được như thế này?”
Mặc dù Việt Nam độc lập, đổi mới, hòa nhập, phát triển kể từ lúc chiến tranh chấm dứt vào tháng 4 năm 1975; nhưng người dân Việt Nam vẫn tiếp tục tìm mọi cách ra đi để mưu cầu một cuộc sống khác. Và trong tuần qua, cộng đồng người Việt năm châu cũng như thế giới hướng theo cuộc hành trình vượt biển lần thứ hai của ba gia đình ở Bình Thuận. Bà Trần Thị Loan và Trần Thị Lụa cùng các con thơ một lần nữa liều mình trốn chạy với hy vọng mong manh được Chính phủ Úc giúp đỡ sau khi bị trả lại Việt Nam qua chuyến vượt biên đầu tiên hồi tháng 7 năm 2015. Mời quý vị cùng nghe tâm tình của bà Trần Thị Lụa trước khi có quyết định vượt biên lần thứ hai với lời khẳng định thà tự tử trên biển chứ không tiếp tục ngồi tù vì Chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa với Chính phủ Úc là sẽ không ngược đãi và tạo công ăn việc làm cho những gia đình vượt biên hồi hương, trong đó có gia đình của bà Lụa:
Em bị án tù là 30 tháng. Ở được 2 tháng 18 ngày. Ở trong đó bị hành hạ, em bị ói ra máu. Em được cho ra tại ngoại điều trị và được cho hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc cho con mấy tháng. Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm. Khủng khiếp lắm! Từ đứa con nít cũng bị chửi và bị đánh. Khi bị bắt đọc 12 bộ luật cho thuộc thì tuổi mình đâu có nhớ, làm sao thuộc được nên em bị quất bằng cuốn sách điểm danh. Tối không cho đắp mền đỡ lạnh mà còn bị bắt uống nước của cái mền bị nhúng vào trong đó. Ác vậy đó! Ngày 16 tháng 9 năm 2017 là em phải đi thi hành án. Hàng gày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không…”
Sau đây là một vài chia sẻ của quý thính giả trước thông tin các gia đình vượt biên ở Bình Thuận lại tiếp tục ra đi:
Đi tìm một cuộc sống tốt hơn là mục đích của con người. Đến các quan chức tại Việt Nam còn muốn đưa con cháu ra định cư ở nước ngoài, nói chi người dân thường!”
“Trời! Sao không rủ tôi đi với? Cầu cho gia đình họ gặp điều may mắn!”
“Có nhiều cách mà sao chỉ chọn mỗi cách này?”
“Nếu có nơi tiếp nhận thì tôi cũng đi!”
“Cái gì cũng hứa, cái gì cũng ký với quốc tế và Liên Hiệp Quốc, nhưng lại không thi hành điều gì hết.”
“Đẩy người ta vào đường cùng. Nếu bắt chọn lựa thà chọn cái chết còn hơn sống với Cộng sản. Hết sức thương tâm! Cầu xin thượng đế giúp họ!”
“Tôi van xin cộng đồng người Việt cố gắng tranh đấu cho họ được định cư ở nước ngoài!”
“Cầu mong cho gia đình các chị được bình an! Mong Thủ tướng Australia rộng lòng thu nhận họ, đừng trả họ về như lần trước để rồi lại bị chính quyền Việt Nam đưa ra tòa án rồi bỏ tù thì khổ lắm. Họ đã quá khổ rồi chỉ bởi 2 chữ ‘tự do’ ở một đất nước tự do thực sự họ đã chẳng tiếc mạng sống để vượt biển đến Úc. Mong rằng các tổ chức hãy lên tiếng ủng hộ đấu tranh cho họ được ở lại nơi xứ sở tự do.”
Tương lai sẽ về đâu?
Ngày 16 tháng 9 năm 2017 là em phải đi thi hành án. Hàng gày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không? Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm
-Bà Trần Thị Lụa 
Hòa Ái trích nội dung trong email của một thính giả không nêu tên, viết là “Thật đau xót khi nhớ lại hình ảnh hàng trăm ngàn đồng bào đã bỏ mình trên Biển Đông cách nay những 40 năm. Giờ đây, số phận của những phụ nữ và trẻ em của gia đình Chị Loan và chị Lụa trên chiếc thuyền nhỏ vừa bị cảnh sát Indonesia bắt giữ rồi sẽ ra sao? Tương lai của những người Việt trong nước sẽ về đâu khi đất nước bị các chiến lược mềm ‘loang da báo’ qua hình thức đầu tư, hợp tác mà bắt đầu bằng việc chính quyền Việt Nam cho phép Formosa xây dựng hệ thống khu chung cư cùng các công trình cơ sở hạ tầng và phụ trợ dành cho nhân viên của tập đoàn này?”
Hòa Ái xin lưu ý Ban Việt ngữ đã thay đổi số điện thoại dành cho quý thính giả tại Hoa Kỳ để nghe các chương trình phát thanh của đài. Số điện thoại mới là số 605-477-9616. Quý thính giả sau khi bấm vào dãy số vừa nêu, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ, Đài RFA.
Quý thính giả Đài á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Cùng với chương trình phát thanh một giờ đồng hồ mỗi ngày từ lúc 9 giờ tối giờ Việt Nam, Ban Việt Ngữ còn có chương trình truyền hình trực tiếp 30 phút mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần vào lúc 10 giờ tối giờ Việt Nam truyền qua các công cụ mạng xã hội Facebook, Twitter và trang chủ của RFA.
Mọi bài vở, video đều được lưu trên trang chủ của Ban Việt Ngữ ở địa chỉ www.RFA.org/vietnamese, mời quí vị truy cập vào để nghe và xem lại.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý khán thính giả cùng độc giả đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?