Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam chủ động ngỏ lời đàm phám với Đức

Hiếu Bá Linh
18-8-2017
Hôm qua Thứ Năm 17/08/2017 Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin, theo một nguồn tin đáng tin cậy trong Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ riêng với VOA Việt Ngữ, thì Việt Nam đã chủ động đề nghị đàm phán với phía Đức để giải quyết vấn đề khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Đức nói với đài VOA hôm thứ Tư 16/08/2017: “Chính phủ Việt Nam đã tiếp cận với chúng tôi và đề nghị đối thoại với chúng tôi và chúng tôi hoan nghênh điều đó”.
Cùng ngày hôm qua Thứ Năm 17/08/2017 trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, giọng điệu và nội dung những phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng khác hẳn trước đây, không còn khẳng định việc Trịnh Xuân Thanh tự nguyện ra đầu thú, mà bà tuyên bố, trích nguyên văn: “Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ về sự việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước“.
Đây được coi là phản ứng chính thức của Việt Nam, hai tuần sau khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ngoài ra trong cuộc họp báo, bà Hằng lập lại một lần nữa, trích nguyên văn: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới“.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng. Nguồn: Bộ Ngoại giao VN
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ về sự việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước“.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Hằng cho biết, đến nay chưa có thêm thông tin mới về động thái từ phía CHLB Đức sau khi xuất hiện thông tin phía Đức sẽ xem xét biện pháp đáp trả, nếu Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để xem xét sự việc.
Trước những diễn biến mới này, cùng ngày hôm qua, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, nói với VOA rằng bà vẫn “đang chờ phản ứng của chính phủ Đức”, và “cho tới nay, vẫn chưa có hồi đáp của Việt Nam về việc cho ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức”.
Bà Schlagenhauf cho biết rằng sắp tới bà “sẽ không đi Việt Nam” nhưng các đồng nghiệp của bà ở Việt Nam “đang tìm cách gặp ông Thanh”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng, Việt Nam “nên nhìn thẳng vào vấn đề” và “cần liên lạc với giới chức Đức để cùng nhau xử lý cho nó phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông nói thêm: “Giải pháp giảm căng thẳng là Việt Nam tìm một tiếng nói chung nào đấy mang tính chất thỏa hiệp đối với Đức. Đối với Đức, thỏa hiệp duy nhất tức là có thể một lời công khai nhận sai lầm của mình có liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh”.
Chưa rõ là việc Việt Nam sẽ đàm phán với phía Đức có hóa giải được cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước hay không. Nếu mọi chuyện không được giải quyết, thì Việt Nam có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
Các đáp trả nó sẽ ở mấy chỗ này. Một là về chính trị. Hai là về hợp tác kinh tế. Ba là hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức. Bốn là hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức. Năm là giao lưu nhân dân. Năm lĩnh vực đó có thể bị ảnh hưởng”.
Ông Lê Ngọc Sơn, Đại học Ilmenau Đức. Ảnh: internet
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn ở Đại học Ilmenau Đức: “Theo tôi nghĩ, người Đức sẽ làm triệt để và thật“.
Ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia trẻ về quản lý khủng hoảng đang tham gia một nhóm nghiên cứu ở Đại học Ilmenau, CHLB Đức, nhận định với VOA:
Theo tôi nghĩ, người Đức sẽ làm triệt để và thật.  Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, trước hết phải là đặt vào vị trí người Đức và hiểu hành động của người Đức, thay vì chúng ta giải thích hành động của người Đức theo lối nghĩ của người Việt.
Người Đức tôn trọng kỷ cương và các trình tự. Người Đức nổi tiếng thế giới về các trình tự. Sự quan liêu của nền hành chính Đức cũng là một nét văn hóa ở Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức phát biểu trên báo chí là họ không ‘dung thứ’ vụ việc này, vì nó rất nghiêm trọng. Người Đức không muốn có tiền lệ là ai cũng có thể bắt cóc ở nước Đức này. Nó là tiền lệ xấu”.
Nguồn:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện