Tin Biển Đông – 17/05/2020

Tin Biển Đông – 17/05/2020

Đối phó TQ, Mỹ đưa tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords tới Nam Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 hoạt động trái phép trong EEZ của Malaysia, Hải quân Mỹ (12/5) đã điều tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence tới hoạt động ở phía Nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia.
Theo Navy.mil, tàu USS Gabrielle Giffords trở thành tàu tấn công ven bờ thứ hai được hải quân Mỹ điều động tới gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ là Phó Đô đốc Bill Merz cho biết, hải quân Mỹ sẽ bay qua, di chuyển qua và hoạt động trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế vào bất cứ thời điểm nào; nhấn mạnh các hoạt động hiện diện thường xuyên như của tàu USS Gabrielle Giffords nhằm tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay một cách tự do, theo luật pháp quốc tế và thông lệ hàng hải, bất chấp những yêu sách phi lý hay các diễn biến hiện tại; tái khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp. Cũng theo ông Merz, hải quân Mỹ duy trì cảnh giác và cam kết tuân theo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, tiếp tục đề cao tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, đồng thời chống lại các hành vi cưỡng ép và phi pháp của Trung Quốc.
Nằm trong biên chế Biên đội tàu khu trục 7, tàu Gabrielle Giffords đang luân phiên triển khai hoạt động tại khu vực tác chiến của Hạm đội 7 để hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hạm đội 7 triển khai tác chiến hải quân ở tiền phương để hỗ trợ đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Là hạm đội có nhiều tàu nhất của Hải quân Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác để xây dựng quan hệ hợp tác giúp củng cố an ninh hàng hải, tăng cường ổn định và ngăn chặn xung đột.
Tàu USS Gabrielle Giffords có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, chiều dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 – 1.700 km. Tàu này được cho là bắt đầu đến Tây Thái Bình Dương từ tháng 9/2019. USS Gabrielle Giffords là tàu chiến đầu tiên được trang bị tên lửa tấn công trên biển (NSM) mới của Mỹ do hãng Raytheon phát triển. NSM là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và
khó bị phát hiện bằng radar. NSM có tầm bắn hơn 100 hải lý (185 km), xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon mà hải quân Mỹ sử dụng lâu nay.
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục điều tàu chiến hiện diện ở Biển Đông. Trong đó, tàu tấn công ven bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ (7/5) tiến hành tuần tra duy trì tự do hàng hải và hàng không ở phía Nam Biển Đông, gần tàu thăm dò West Capella. Cuối tháng Tư, ngoài các tàu USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) and USS Barry (DDG 52), tàu hộ vệ HMAS Parramatta (FFH 154) của hải quân Hoàng gia Australia cũng tham gia cùng đội tàu chiến Mỹ thực hiện cam kết về một khu vực tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Hạm đội 7 cũng ra thông báo về việc 3 tàu ngầm của hải quân Mỹ đã tham gia một đợt huấn luyện chiến tranh hiện đại trên biển Philippines.
Ngoài tàu chiến, theo thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, 4 oanh tạc cơ B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào ngày 1/5. Không quân Mỹ không nói cụ thể sứ mệnh của 4 oanh tạc cơ B-1B sẽ kéo dài bao lâu. Song hoạt động triển khai 4 máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam được thực hiện chỉ sau một ngày hai máy bay B-1 thực hiện chuyến bay qua Biển Đông. Chuyến bay này kéo dài 32 giờ đồng hồ từ căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota và là một phần trong hoạt động “phô trương sức mạnh” của quân đội Mỹ trong khu vực.
Được biết, từ đầu tháng 4 đến nay, Trung Quốc đã điều nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo dữ liệu của trang Marine Traffic cho thấy, tàu Hải Dương địa chất 08 hoạt động bên trong EEZ của Malaysia, gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Đi theo hộ tống tàu Hải Dương 8 là một nhóm tàu Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Trước hoạt động của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman kêu gọi Chính quyền đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08; khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia và nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Bắc Kinh đang cố tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông

Lục Du
Một bài viết trên Washington Examiner chỉ ra rằng Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Mỹ tại Biển Đông bằng một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhắm tới mục đích cuối cùng: độc chiếm vùng biển giàu tài nguyên. Và đại dịch Covid-19 là một cơ hội giúp họ hiện thực hóa tham vọng của mình.
Theo hai chuyên gia Bradley Bowman & Liane Zivitski (B&L), tác giả của bài viết, trong khi Hoa Kỳ đang bận chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng các hoạt động quấy nhiễu tàu chiến Mỹ trên Biển Đông. Hai nhà phân tích cho rằng, các hành động của ĐCSTQ nhấn mạnh một cảnh báo đối với Mỹ rằng Washington phải liên tục có các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm củng cố niềm tin của các nước trong khu vực và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như lợi ích kinh tế và an ninh cốt lõi của Hoa Kỳ.
Vào tháng trước, các tàu chiến Hoa Kỳ liên tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Các tàu Mỹ đã di chuyển một cách hòa bình trong những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép, nhằm bác bỏ “yêu sách hàng hải tùy tiện và bất hợp pháp” của Bắc Kinh như một tuyên bố của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ về Trung Quốc.
Tàu USS Barry đã tiến hành một hoạt động như vậy tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa và tàu USS Bunker Hill cũng thực hiện một hoạt động tương tự tại quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh loan báo rằng họ đã phái tàu chiến và máy bay để “xua đuổi” tàu USS Barry của Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện những việc cần làm của họ, ngay sau đó, Hải quân Mỹ đã cử tàu USS Bunker Hill tiến vào vùng biển của quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa với Mỹ rằng sẽ không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, mặc dù vậy, ĐCSTQ đã liên tục bồi đắp và quân sự hóa các đảo mà họ chiếm được ở vùng biển có vị trí chiến lược này. Hai chuyên gia B&L đánh giá, hành động ngang ngược cùng với các chiến thuật bắt nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực.
Nằm ở phía tây Thái Bình Dương, Biển Đông là cửa ngõ thương mại quan trọng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hơn 3 nghìn tỷ USD hàng hóa được lưu chuyển qua vùng biển này hàng năm. Hiện 6 quốc gia có các yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển này.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài La Hay đã ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền đường 9 đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh tỏ ra bất chấp, họ đã bồi đắp thêm được khoảng 3.200 mẫu đất ở Biển Đông, biến những bãi đá hoặc rạn san hô ở vùng biển này thành những tiền đồn quân sự với những đường băng, cảng, máy bay chiến đấu, radar và ụ súng.
Không chỉ dừng lại ở những việc đó, ĐCSTQ còn điều một cách có hệ thống các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Lực lượng Dân quân để tấn công và bắt nạt tàu của những nước khác trong khu vực. Vào đầu năm nay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, cáo buộc Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp trên vùng biển quốc tế.
B&L nhận định, các quốc gia như Việt Nam và Philippines sẽ còn tiếp tục bị chèn ép nếu chính quyền Trung Quốc chặn được các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh có thể chưa đủ khả năng cản trở các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, nhưng rõ ràng họ đang nỗ lực để thay đổi điều đó.
B&L cho rằng, những việc mà Bắc Kinh đang thực hiện có thể đưa tới một hệ lụy hết sức nguy hiểm, đó là họ sẽ “dần trở nên có chính nghĩa” nhưng thứ “chính nghĩa” này là trái với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, những điều đã thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở nước Mỹ và trên thế giới.
Hai chuyên gia người Mỹ đánh giá, sẽ là ngây thơ khi tin rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy vừa lòng chỉ với những tuyên bố cứng rắn của mình. Chính quyền Trung Quốc đã và đang theo đuổi một kế hoạch hiện đại hóa quân sự toàn diện và đáng gờm hòng làm xói mòn quyền lực của Hoa Kỳ và thực sự họ đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Vào tháng Ba, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã gửi một báo cáo tới Quốc hội cảnh báo rằng cán cân sức mạnh quân sự với Trung Quốc đang tiếp tục trở nên xấu đi.
Nhiều báo cáo nêu quan điểm, Trung Quốc chính là bên đang hưởng lợi từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán, vì dịch bệnh này có thể khiến Nhà Trắng phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, kéo theo việc Lầu Năm Góc sẽ phải tạm dừng kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Đó có thể là lý do mà một số báo cáo đặt ra nghi vấn về nguồn gốc của virus Vũ Hán cũng như những phản ứng của Bắc Kinh kiểu như thể họ muốn dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu.

Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông – Đến hẹn lại chờ

Nguyễn Thảo Như
Trong một hội thảo trực tuyến mới đây do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn – Viện trưởng Viện biển Đông, Học Viện Ngoại Giao Việt Nam cho biết vì lý do Đại dịch COVID – 19, nên tiến trình đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN cho việc tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (Viết tắt là COC) đang bị ngưng trệ.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia tập trung nguồn lực đối phó đã tạo ra bối cảnh thuận lợi cho Bắc Kinh thúc đẩy tham vọng của mình. Trong khi Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự hung hăng cho tham vọng độc chiếm Biển Đông, các nước láng giềng ASEAN có nguy cơ mất cả các quyền chủ quyền lẫn chủ quyền quốc gia. Hành vi hung hăng ở Biển Đông là một phần trong trò chơi dài hơi nhằm kiểm soát tất cả những gì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Nằm ở phía Nam của Biển Đông, với tầm quan trọng chiến lược cùng ngư trường phong phú, quần đảo Trường Sa là “tài sản” mơ ước và trở thành đối tượng tranh chấp của một số quốc gia trong khu vực. Xa hơn về phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa giàu tiềm năng hải sản và trữ lượng dầu khí lớn. Trong khi Việt Nam khẳng định chủ quyền thì Trung Quốc ngang nhiên chiếm quyền sở hữu và quân sự hóa toàn bộ Hoàng Sa và một phần của Trường Sa.
Các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, kiên trì phản đối việc Trung Quốc “thuộc địa hóa” các quần đảo này suốt thời gian dài. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc cố tình phớt lờ trước làn sóng phản đối từ các nước láng giềng, tiếp tục sử dụng các chiến thuật bắt nạt khi gần đây ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong 4 tháng. Bất chấp Trung Quốc che giấu mục đích của động thái này với lý do “bảo vệ” nguồn cá, nhưng như quan điểm của Việt Nam và Philippines, bản chất của hành vi này là cách Trung Quốc khẳng định quyền lực và kiểm soát khu vực.
Ngư dân Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ quyết định của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả khi tuyên bố ngư dân Việt Nam không có quyền đánh bắt cá ở Biển Đông – động thái cho thấy thái độ kiêu ngạo, hung hăng của Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam và Philippines kêu gọi chính phủ hai nước chống lại Trung Quốc. Philippines hiện đang giữ vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Tuy nhiên, với thực tế Philippines đang vay lượng vốn khổng lồ của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cho nên chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí không có bất kỳ một “lời xì xào” về vấn đề này.
Cho đến nay, chỉ có Mỹ mạnh mẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc cũng như có hành động thực tế. Trung Quốc tham vọng thống trị cả về kinh tế và lãnh thổ bằng phương thức lén lút, đe dọa và bắt nạt mà không phải là chiến tranh. Bắc Kinh không sợ bất kỳ quốc gia nào, ngay cả Mỹ. Ngay cả các nước phương Tây cũng phản ứng một cách yếu ớt đối với tham vọng đế quốc của Trung Quốc, ai có thể cáo buộc Bắc Kinh?
Tháng 8/2019, Anh, Đức và Pháp đã ra tuyên bố chung, lên án mạnh mẽ tham vọng thực dân của Trung Quốc trên biển và kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Cho đến nay, Trung Quốc đã phớt lờ chỉ trích của nhóm này và tiếp tục cuộc chơi tại Biển Đông theo cách của mình.
Trung Quốc “phớt lờ” chủ nghĩa thực dân mang tính phá hủy của mình do nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” rơi vào tình cảnh mắc nợ về kinh tế. Chính nền kinh tế suy yếu đã khiến các nước này phải im lặng. Các nước phương Tây bỏ qua việc Trung Quốc chiếm đóng lâu dài ở Tây Tạng trong nhiều thập kỷ qua là một minh chứng cảnh báo thực tế những chính phủ này đã từ bỏ câu chuyện chính trị của Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á lục địa, ngày càng có nhiều người e sợ các hoạt động của Trung Quốc trên sông Mekong. Trung Quốc đã xây 11 con đập dọc theo con sông này và có kế hoạch xây thêm 8 con đập khác, gây cảm giác bất an về mức tưới tiêu và sản lượng lúa gạo tại các khu vực canh tác màu mỡ ở hạ nguồn các con đập.
Xa hơn nữa, hoạt động tăng cường của Hải quân Trung Quốc gần Đài Loan và việc Trung Quốc vây bắt các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong gần đây đang làm dấy lên sự lo ngại trên khắp Đông Nam Á rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để phô trương sức mạnh trong khi các nước còn lại trên thế giới dồn hết tâm trí vào vấn đề trong nước. Khi những nhận thức này dần định hình, các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách gia tăng phí tổn cho sự bành trướng của Trung Quốc, trong đó có việc cố gắng thúc đẩy hơn nữa sự can dự của Mỹ trong khu vực cả về kinh tế lẫn quân sự.
Trung Quốc đã bắt đầu một giai đoạn mới của chiến dịch xâm lược nhằm kiểm soát Biển Đông. Mục tiêu của cường quốc kinh tế số hai thế giới lần này chính là ngăn cản và gây áp lực lên các cuộc đàm phán về COC đang diễn ra giữa Trung Quốc với 10 quốc gia ASEAN. Kết quả của các cuộc đàm phán này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc tế tại khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ tới. Bắc Kinh mưu toan nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này để giành được lợi thế trước ASEAN, tạo đòn trong các cuộc đàm phán quan trọng.
Trung Quốc đã để lộ rõ bản chất cốt lõi mưu toan này: Khẳng định “đường 9 đoạn” trong tưởng tượng và việc xây dựng các cấu trúc đảo nhân tạo. Chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế chi phối hành xử ở Biển Đông đang bị đe dọa. Nếu Washington chủ động tác động đến nội dung cuối cùng của COC, động thái này có thể giúp đưa đến một thỏa thuận được ủng hộ.
Một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán là phạm vi địa lý của COC. Dự thảo COC hiện tại không đề cập đến phạm vi mà nó sẽ áp dụng. Văn bản này chỉ tuyên bố rằng COC không phải
là một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và các bên không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Bằng cách thiết lập sự kiểm soát về hành chính và pháp lý đối với hầu hết Biển Đông, Bắc Kinh có thể tham gia các cuộc đàm phán với tư thế chủ động và có quyền lực trên thực địa. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tuyên bố vùng biển, các thực thể và các đảo do nước này quản lý nằm dưới sự kiểm soát chỉ của nước này và không có tranh chấp. Điều này giảm thiểu phạm vi áp dụng của COC và cho phép Bắc Kinh điều chỉnh bản quy tắc này trước khi được hoàn tất.
Quan điểm chính thức của Washington là muốn có bản COC có ý nghĩa và hiệu quả, có thể bảo vệ quyền của các bên thứ ba và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việc Mỹ nhấn mạnh lập trường trong các cuộc họp chính thức với giới lãnh đạo ASEAN và khuyến khích các đối tác xem xét cẩn thận ngôn ngữ của COC thể hiện sự ủng hộ của Washington về một bản quy tắc ủng hộ lợi ích quốc gia của Mỹ tại Biển Đông. Việc Mỹ coi trọng vấn đề này về mặt ngoại giao cũng gián tiếp tiếp thêm sức mạnh cho các nước ASEAN trước sự chèn ép từ Bắc Kinh trong dự thảo đàm phán.
Cho đến nay, nhiều quốc gia ASEAN đã tỏ ý tôn trọng và viện dẫn Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong số đó có Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam. Đặc biệt trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc của Philippines cũng viện dẫn Phán quyết này. Điều này cho thấy những triển vọng trong việc có thể đưa nội dung Phán quyết 2016 vào trong Dự thảo COC.
Một số báo chí nước ngoài cho biết, Việt Nam đang xem xét đệ trình yêu cầu làm rõ các quyền của mình theo Phụ lục VII của UNCLOS tương tự như vụ kiện của Philippines năm 2013 đối với Trung Quốc. Các văn bản đàm phán cho thấy COC đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Điều này khẳng định tầm quan trọng của động thái pháp lý từ Hà Nội. Chính vì vậy, Washington cần hỗ trợ về mặt pháp lý cho Hà Nội trong vấn đề này.
Nếu Washington ủng hộ Hà Nội, điều này có thể ảnh hưởng đến các điều khoản của thỏa thuận COC. Washington nên hỗ trợ khía cạnh chuyên môn về pháp lý cũng như tìm kiếm trong kho lưu trữ của mình các tài liệu có thể giúp củng cố cơ sở pháp lý của Hà Nội.
Ngoài ra, Washington cần tăng cường thể hiện và thực thi các cam kết đối với khu vực. Những động thái này sẽ đẩy mạnh quyết tâm ASEAN đấu tranh với sự chèn ép của Trung Quốc trong đàm phán COC.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?