Bản tin ngày 1-6-2020

BTV Tiếng Dân
1-6-2020
Tin Biển Đông
Tối 31/5, South China Morning Pots đưa tin: Bắc Kinh chuẩn bị công bố kế hoạch cho khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông vào thời điểm thích hợp, theo một quan chức quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết.
Biếm họa của Miel về Vùng Nhận diện Phòng không trên báo Strait Times
Nguồn tin này nói rằng, ADIZ của Trung Quốc dự kiến gồm vùng trời trên các các chuỗi đảo  Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát), Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Theo kế hoạch này, mọi máy bay nước ngoài khi đi vào ADIZ phải phát tín hiệu nhận dạng và thông báo kế hoạch bay cho phía Trung Quốc biết để theo dõi, giám sát.
Kế hoạch ADIZ của Bắc Kinh đã được xây dựng từ năm 2010 nhưng phải hoãn lại vì phản ứng quyết liệt của các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các nước này cho rằng, đây là hành vi ngang ngược của Trung Quốc vì tuyên bố thiết lập ADIZ thường chỉ được đưa ra ở vùng trời tại các khu vực không có tranh chấp, và khái niệm này chưa được quy định bởi bất cứ hiệp ước hoặc cơ quan quốc tế nào.
VOA có bài: Việt Nam cần ‘ngoại giao không quân’ khi Trung Quốc tính lập ADIZ trên Biển Đông. Chuyên gia Hoàng Việt nhận định: “Một trong những việc Việt Nam cần làm để chống động thái trên của Trung Quốc là gia tăng giao lưu không quân với các nước, đặc biệt là Mỹ”.
Báo Nikkei Asean Review của Nhật có bài: Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung bất chấp virus nhằm để mắt tới Trung Quốc. Bài viết cho hay, hai máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ và 16 máy bay chiến đấu F-15 và F-2 của Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung trên Biển Nhật Bản và xung quanh Okinawa hôm thứ Tư vừa qua.
Tướng Yoshinari Marumo, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản nói, “cuộc tập trận Nhật-Mỹ này rất quan trọng, giúp chúng tôi tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và cùng nhau hành động”.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, khúc xương khó nuốt
Hôm nay, truyền thông trong nước đưa tin, tổng thầu đường sắt Cát Linh-Hà Đông ra yêu sách đòi thêm 50 triệu USD để vận hành hệ thống, và phải thanh toán “ngay và luôn”. Tổng thầu xây dựng dự án này là Tập đoàn Cục 6 thuộc Tổng Công ty đường sắt Trung Quốc.
Dự án sau gần 10 năm khởi công, vẫn chưa biết ngày nào đưa vào vận hành. Ảnh: Báo TN
Được chỉ định thầu xây dựng tuyến đường sắt này, có chiều dài 13,05 km, khởi công từ năm 2011, nhưng gần 10 năm vẫn còn đắp chiếu. Tổng mức đầu tư ban đầu được thẩm định là 8.770 tỉ đồng nhưng tới nay đã đội lên 18.002 tỉ đồng, tức tăng hơn gấp đôi. Dự án này thực hiện bằng vay vốn ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng và vốn đối ứng là 4.134 tỉ đồng.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc  nói rằng: “Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được coi là công trình mẫu mực về kết nối sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc với quy hoạch ‘Hai hành lang, một vành đai’ của Việt Nam, có lợi cho thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước”.
Nhà báo Đoàn Bảo Châu, một người chỉ trích dự án, mô tả: “Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một sự sỉ nhục tới nhân dân Việt Nam. Nó chẳng khác một bãi cứt khổng lồ thối um ngay giữa thủ đô”.
Nhà báo Lê Đức Dục có bài thơ mô tả dự án này: Mắc nghẹn một khúc xương: “Thủ đô/ như cái đầu tàu xứ sở/ Tàu khựa đem khúc xương dài 13 cây số/ Nhét vào cuống họng thủ đô/ Nuốt không vô/ Khạc ra không được/ Khúc xương bê tông dài mười ba cây số/ Khạc ra không được/ nuốt không vô/ Cả đất nước hóc xương/ đau nghẹn cơ đồ/ mà đ3o làm gì được nó/ những thằng Tàu cứ thế/ rung đùi lấy lãi vay/ trăm triệu đô kia/ trăm triệu đô này/ đù má/ khúc xương to quá/ nhưng nỗi nhục còn to hơn...”
Biểu tình ở Mỹ ngày càng căng thẳng
Sau cái chết của ông George Floyd, một người da đen không vũ trang, bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát ở TP Minneapolis, bang Minnesota, nước Mỹ trở nên rung chuyển bởi các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước, trong đó một số cuộc biểu tình xảy ra tình trạng bạo lực và cướp bóc.
Đài CNN tường thuật trực tiếp cho biết, rạng sáng ngày 1/6, có ít nhất 40 thành phố ở Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm và Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai ở 15 tiểu bang và thủ đô Washington để ứng phó với người biểu tình.
Những người biểu tình cho biết, họ xuống đường để chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát. Nguồn tin này nói rằng, những người thân của ông Floyd nói, họ “rất xúc động về các cuộc biểu tình” và kêu gọi những người biểu tình trên khắp đất nước tránh các hành động bạo lực.
Trong khi đó, viên cảnh sát Derek Chauvin, là người lấy đầu gối đè trên cổ George Floyd, gây ra cái chết cho nạn nhân đã bị bắt hôm 29/5, dự kiến ​​sẽ xuất hiện tại tòa để xét xử vào thứ Hai. Chauvin, 44 tuổi, bị cáo buộc tội giết người cấp độ ba và tội ngộ sát cấp độ hai.
BBC News có bài phân tích: Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động? Tác giả Helier Cheung dẫn lời Giáo sư Clifford Stott, đưa ra nhận định: “Những người biểu tình dù ở các thành phố khác nhau nhưng chia sẻ các đặc điểm chung – chẳng hạn họ cùng chung sắc tộc, hoặc vì họ đều không thích cảnh sát” và “Bạo loạn là một sản phẩm của sự tương tác – chủ yếu liên quan đến cách cảnh sát đối xử với đám đông”.
Thứ Năm tuần trước, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng đã lên án vụ giết ông George Floyd. Người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ nói: “Tôi lấy làm thất vọng khi phải thêm tên của George Floyd vào tên của Breonna Taylor, Eric Garner , Michael Brown và nhiều người Mỹ gốc Phi khác đã chết trong những năm qua dưới bàn tay của cảnh sát”. 
“Chính quyền Hoa Kỳ phải có hành động nghiêm túc để ngăn chặn những vụ giết người như vậy, và để đảm bảo công lý được thực hiện khi nó xảy ra. Các thủ tục phải thay đổi, các hệ thống phòng ngừa phải được đưa ra, và trên hết tất cả các sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức nên bị buộc tội và kết án về các tội ác đã gây ra”, Cao ủy nhân quyền LHQ nói trong một tuyên bố vào hôm 28/5.
https://baotiengdan.com/2020/06/01/ban-tin-ngay-1-6-2020/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?