Đọc báo Pháp – 13/07/2020

Đọc báo Pháp – 13/07/2020

Hồng Kông : Bầu cử sơ bộ của đối lập,

trận chiến danh dự cuối cùng

Thụy My
Vài tiếng đồng hồ trước bầu cử, những cửa hàng cho mượn chỗ bị làm áp lực, chính quyền o ép các đại biểu địa phương để ngăn trở 250 phòng phiếu hoạt động, viện thăm dò PORI (đồng tổ chức) bị bố ráp…Nhưng mặc cho sự đe dọa của cảnh sát và con virus, khí trời nóng bức, người dân Hồng Kông vẫn xếp hàng dài trước những điểm bỏ phiếu cơ động.
Trang nhất các báo Paris hôm nay 13/07/2020 tập trung cho thời sự nước Pháp. Libération chú ý đến việc tân thủ tướng Jean Castex đi thăm lãnh thổ hải ngoại Guyane, nơi virus corona đang hoành hành. Le Monde đề cập đến Đảng Xanh trước thử thách quyền lực tại các thành phố lớn, La Croix dành hồ sơ cho vấn nạn một số thanh niên thích biểu diễn « bốc đầu xe » mô tô gây nguy hiểm. Les Echos nhấn mạnh « Chính sách thuế, hỗ trợ doanh nghiệp : Các hướng để tái thúc đẩy kinh tế ». Riêng Le Figaro nhìn sang nước Mỹ, chạy tựa « Đang yếu đi, ông Trump tìm kiếm một sức bật thứ hai ».
Nghị Viện Hồng Kông sắp thành bù nhìn như Quốc Hội Trung Quốc
Về châu Á, Libération quan tâm đến « Cuộc bỏ phiếu chớp nhoáng cuối cùng ở Hồng Kông trước khi phải quy phục ». Trên 600.000 người Hồng Kông vào cuối tuần qua đã tham gia bầu cử sơ bộ của đối lập, số lượng người đi bầu cho thấy tinh thần phản kháng trước Bắc Kinh vẫn rất cao.
Đọc thêm: Trung Quốc khai trương văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông
Ca sĩ, nhà đấu tranh Hà Vận Thi (Denise Ho) bình luận, thật khó tin rằng chỉ trong vài năm, việc được bỏ một lá phiếu vào thùng lại trở nên quý giá đến thế. Mặc cho sự đe dọa của cảnh sát và con virus, khí trời nóng bức khó chịu, người dân vẫn xếp hàng trước những phòng phiếu tạm bợ ở nhiều nơi : trong một cửa hàng bán đồ lót, trên một chiếc xe buýt cũ…Số lượng người đi bầu vượt quá sự chờ đợi của phe đối lập, như một trận đánh danh dự cuối cùng.
Hồi năm 2016, đối lập đã giành được 30/70 ghế, và thành công trong việc đưa vào Nghị Viện những khuôn mặt tiêu biểu của cuộc « Cách mạng Dù ». Cuộc bầu cử gần đây nhất vào cuối tháng 11/2019 là một thất bại cay đắng cho chính quyền. Nhưng lần này luật an ninh quốc gia đã chặn ngang hy vọng của phe phản kháng trước cuộc bầu cử lập pháp tháng Chín tới.
Vài tiếng đồng hồ trước bầu cử sơ bộ của đối lập, các sở hữu chủ gây áp lực với những cửa hàng cho mượn chỗ, chính quyền o ép các đại biểu địa phương để ngăn trở 250 phòng phiếu hoạt động, viện thăm dò PORI (đồng tổ chức) bị bố ráp…Tuy nhiên sự đe dọa này càng thúc đẩy người dân đi bầu. Họ muốn có những tiếng nói phản biện trong Nghị Viện để có thể ngăn trở những quyết định của chính quyền thân Bắc Kinh.
Đọc thêm: Hồng Kông : Đối lập bầu cử sơ bộ, một viện thăm dò bị khám xét
Tuy nhiên chính với những hành động ngáng chân này mà các dân biểu đối lập có nguy cơ bị khởi tố và mất quyền công dân vì tội danh « nổi dậy » theo luật an ninh mới. Nhiều người lo ngại hệ thống dân chủ của Hồng Kông sắp tới sẽ không khác Quốc Hội bù nhìn ở Trung Quốc.
Tách rời châu Âu, Anh cô đơn trước Trung Quốc
Cũng liên quan đến Hồng Kông, cây bút bình luận Dominique Moisi trên Les Echos nhận định Luân Đôn đã hào hiệp mở cửa cho những người Hồng Kông muốn chạy trốn chế độ của Tập Cận Bình, một động thái cởi mở tương phản với Brexit. Nhưng khi tách khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc khó thể đọ sức với người khổng lồ Trung Quốc.
Trong một bài viết trên Financial Times mới đây, cựu giám đốc MI6 (tình báo Anh), Sir John Sawers cổ vũ Anh quốc cấm Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G vì nguy cơ an ninh, và sự kiên quyết trước Trung Quốc phải là chọn lựa duy nhất.
Đọc thêm: Luật an ninh Hồng Kông, hồi kết của ảo tưởng phương Tây về Trung Quốc
Anh quốc can đảm trong việc mở cửa cho dân Hồng Kông, và các chuyên gia Anh tỏ ra sáng suốt trước thực tế mối đe dọa Trung Quốc ; Tuy nhiên do rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn có phần đơn độc giữa một Trung Quốc ngày càng hung hăng và một nước Mỹ ngày càng ít bảo đảm hơn.
Pháp trả đũa Bắc Kinh về hàng không
Về quan hệ Pháp-Trung, Les Echos đưa thông tin độc quyền « Paris so găng với Bắc Kinh xung quanh các chuyến bay Air France ». Chính phủ Pháp chỉ cho phép mỗi tuần một chuyến bay từ Trung Quốc sang, tương xứng với giới hạn mà Trung Quốc đang đặt ra cho hãng hàng không Pháp.
Chuyến bay CZ347 của China Southern Airlines dự kiến vào lúc 0 giờ 22 phút hôm nay, đành nằm lại trên phi đạo sân bay quốc tế Quảng Châu, vì chính quyền Pháp không cho phép bay đến Paris. Sau nhiều tuần lễ thương lượng không kết quả, Pháp quyết định áp dụng triệt để nguyên tắc có đi có lại – một động thái cứng rắn hiếm hoi.
Lâu nay, ba hãng Air China, Air Eastern và Air Southern của Trung Quốc đều được bay đến Pháp, trong khi Air France mỗi tuần chỉ được bay sang Trung Quốc một lần. Kể từ nay kết thúc sự bất bình đẳng : chỉ duy nhất một chuyến Paris-Bắc Kinh cho Air China trong tuần.
Số lượng ít ỏi các chuyến bay quốc tế khiến giá vé một chiều từ châu Âu sang Trung Quốc hạng bình dân vọt lên đến 4.000 euro, một số vé còn được bán với giá 100.000 nhân dân tệ (12.650 euro). « Vạn lý Trường thành trên không » này gây bức xúc cho người Trung Quốc bị kẹt lại ở nước ngoài, và cả cho các hãng hàng không ngoại quốc.
Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc còn cấm hạ cánh xuống Bắc Kinh, chỉ cho phép quá cảnh, nên Air France sau đó phải tiếp tục bay đến Seoul. Thậm chí Trung Quốc còn dành cho mình quyền ngưng chuyến bay mà không báo trước nếu có hành khách xét nghiệm dương tính khi đặt chân lên Hoa lục, và bốn công ty hàng không đã có kinh nghiệm xương máu về việc này.
Lụt lớn tại Trung Quốc, liệu có nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp ?
Tại Trung Quốc, Le Monde cho biết nước này đang phải đối mặt với nạn lụt chưa từng thấy đã làm 140 người thiệt mạng và mất tích, trên 20 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại ước tính 7,6 tỉ euro và sẽ còn gia tăng.
Lụt lội bắt đầu từ cuối tháng Năm, nay đã rộng khắp nơi : từ Vũ Hán ở miền bắc đến Quảng Tây ở miền nam, từ Trùng Khánh ở miền tây cho đến Chiết Giang ở miền đông đều có cùng các hình ảnh những cây cầu chìm dưới làn nước, những căn nhà bị phá hủy, các đập nước chịu áp lực lớn phải xả van…Từ hôm 02/06, cơ quan khí tượng đã báo động 32 lần, mức độ chưa từng có từ 10 năm qua. Trên 70 dòng sông dâng trào, lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử mạnh nhất kể từ 1961.
Đọc thêm: Tiền xây đập Tam Hiệp đi về đâu ?
Trong nhiều tuần lễ, chính quyền cố lôi kéo sự chú ý sang nạn dịch virus corona ở Bắc Kinh, kiểm duyệt các thông tin trên báo chí và mạng xã hội. Nhưng đến hôm 08/07 vừa qua, thủ tướng Lý Khắc Cường đành phải động viên toàn lực. Các thành phố nằm dọc theo Dương Tử Giang lần lượt nâng mức báo động. Riêng Vũ Hán, thành phố từng khủng hoảng với 76 ngày bị phong tỏa, nằm kẹt giữa hai hồ lớn, các chuyến tàu và chuyến bay đều bị hủy.
Người ta đặt câu hỏi, các đập thủy điện dọc theo sông Dương Tử, đặc biệt là đập Tam Hiệp khổng lồ, liệu có trụ nổi ? Các nhà điều hành trấn an rằng đập này cao 185 mét, và mực nước trên lý thuyết có thể đạt 175 mét, tuy nhiên cũng đã cho xả van để giảm áp lực, nhưng như vậy lại làm tràn ra một lượng nước rất lớn từ thượng nguồn, 40.000 người phải sơ tán. Thứ Sáu tuần trước, lần đầu tiên từ 61 năm qua, toàn bộ các van của một đập ở Hàng Châu đều được mở. Các chuyên gia cho rằng không chỉ biến đổi khí hậu, mà đô thị hóa và công nghiệp hóa còn là nguyên nhân. Sắp tới các trận mưa lớn sẽ chuyển lên hướng đông bắc, và Bắc Kinh sẽ chịu chung số phận.
Khủng hoảng kinh tế và dịch corona làm tổng thống Trump lao đao
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro nhận định còn bốn tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, ông Donald Trump chật vật trong việc thuyết phục cử tri, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch tễ.
Nền kinh tế mà ông khoe là tốt đẹp nhất trong lịch sử đang đi xuống, thất nghiệp cao chưa từng thấy. Đại dịch mà tổng thống hy vọng sẽ qua đi lại bùng lên dữ dội, lan đến những bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo mà Donald Trump trông cậy như Florida, Texas, Arizona và nếu cứ tiếp tục, đại hội đảng Cộng Hòa thậm chí khó thể diễn ra ở Florida vào cuối tháng Tám.
Như một sự nhượng bộ, lần đầu tiên tổng thống Mỹ mang khẩu trang khi đi thăm quân y viện Walter-Reed ở Washington thứ Bảy 11/07. Tuy nhiên đến 67% người Mỹ không tin tưởng vào cách xử lý dịch virus corona của ông.
Dân Chủ đi quá trớn, Donald Trump nhạy bén khai thác sai lầm 
Trong bài « Cuộc chiến văn hóa : Sự quá đáng của phe Dân Chủ diễn ra đúng lúc », Le Figaro ghi nhận Donald Trump vẫn không mất đi sự nhạy cảm chính trị. Phong trào Black Lives Matter nổi lên sau vụ George Floyd, ban đầu chống bạo lực cảnh sát, sau lại chuyển sang chống xã hội Mỹ trên mọi khía cạnh. Tại nhiều thành phố miền nam nước Mỹ tượng những người hùng của Liên Minh là các nạn nhân đầu tiên, rồi sau đó đến những nhân vật lịch sử Mỹ.
Ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden và chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho rằng có thể lợi dụng phong trào về mặt chính trị khi công khai quỳ gối – hành động biểu tượng thời Martin Luther King và lặp lại luận điệu chống bạo lực cảnh sát. Thậm chí thị trưởng New York Bill de Blasio còn ủng hộ việc lật đổ bức tượng cố tổng thống Theodore Roosevelt. Báo New York Times thông báo từ nay sẽ viết hoa chữ « Black » (Đen) trong khi chữ « white » (trắng) viết thường.
Donald Trump nhanh chóng hiểu rằng sự biến tướng này khiến nhiều người Mỹ thấy phản cảm. Ông cho tổ chức lễ Quốc khánh ở Khu tưởng niệm quốc gia Núi Rushmore, nơi bốn khuôn mặt tổng thống Hoa Kỳ Washington, Jefferson, Lincoln, Roosevelt được tạc vào đá. Tổng thống Trump đả kích xu hướng cực tả, gieo rắc hận thù, muốn xóa nhòa, bóp méo lịch sử, nhắc lại lời mục sư King kêu gọi « không phá hủy di sản mà hãy xứng đáng với tầm vóc di sản » cha ông.
Le Figaro kết luận, ở đỉnh điểm khủng hoảng chính trị, Trump chứng tỏ ông vẫn luôn khôn khéo trong việc khai thác những sai lầm, quá trớn của các đối thủ Dân Chủ, để làm quên đi những sai lầm của bản thân ông.
Pháp : Bạo lực tăng dần do chính quyền không mạnh tay
Cũng về bạo lực nhưng tại Pháp, xã luận của Le Figaro báo động tình trạng bình thường hóa tội ác.
Thứ Bảy vừa rồi, trong khi ở Aiguillon hàng trăm người tưởng niệm Mélanie Lemée, nữ hiến binh bị một lái xe cán chết khi chạy trốn, thì tại Bayonne đông đảo người khóc thương cho Philippe Monguillot, người tài xế xe buýt bị hành hung tàn bạo dẫn đến tử vong, chỉ vì đòi trình vé và yêu cầu mang khẩu trang. Không có diễn viên, ca sĩ, blogger nào đến chia sẻ như phong trào « Black Lives Matter » ầm ĩ trước đó.
Tuy vậy theo tờ báo cần phải mở mắt : bạo lực đang lớn dần tại vùng quê và thành thị nước Pháp rõ ràng hầu hết không phải từ cảnh sát, cũng không phải là « đàn áp », « kỳ thị chủng tộc » ; mà tấn công vào những người đang làm nhiệm vụ. Từ 50 năm qua, bạo lực được nuôi dưỡng từ sự e ngại không dám « khiêu khích » ở những khu phố phức tạp, những bản án không bao giờ được áp dụng…làm xói mòn dần kỷ cương xã hội.

Tin tổng hợp
(AFP) – Trung Quốc : Nước sông Dương Tử dâng đến mức báo động.
Ngập lụt kỷ lục tại miền trung và đông Trung Quốc đã làm cho 140 người chết và mất tích. Theo một kênh truyền thông ngày 13/07/2020, nước sông Dương Tử đã vượt qua mức thứ ba cao nhất tại thành phố Vũ Hán, có đến 11 triệu dân. Ba mươi ba nhánh sông lớn đã chạm đến mức kỷ lục. Nhiều lệnh báo động đã được đưa ra tại 433 con sông nhỏ theo như thông báo của bộ Thủy Lợi trong buổi họp báo hôm nay, 13/04/2020.
(AFP) – Bắc Kinh trả đũa trừng phạt của Hoa Kỳ.
Đáp trả lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) 64 tuổi, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Tân Cương cùng với ba quan chức cao cấp khác, bị cáo buộc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc ngày 13/07/2020 thông báo cấm nhập cảnh đối với ba nghị sĩ Mỹ là Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Smith và một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ là Sam Brownback. Bắc Kinh không giải thích rõ vì sao có những trừng phạt này.
(Yonhap) – Mỹ triển khai máy bay dọ thám đến căn cứ ở Nhật Bản. 
Theo tin Aircraft Spots trên Twitter hôm qua, 12/07/2020, Mỹ gởi một máy bay do thám đến căn cứ Không Quân Kadena ở Okinawa, để có thể tiến hành nhiệm vụ gần bán đảo Triều Tiên. Một chiếc RC-135S Cobra Ball đã rời căn cứ Offutt, Nebraska (Hoa Kỳ), một chiếc E-8C Joint Stars của Không quân Mỹ cũng đã được triển khai ở Kadena hôm thứ Bảy 11/07/2020 và đã được nhìn thấy trên bầu trời ToKyo vào hôm nay, 13/07.
(Reuters) – Đài Loan sẽ kiểm soát chặt đầu tư từ Hồng Kông, 
để ngăn chặn tiền thu nhập bất chính từ Hoa Lục xâm nhập nền kinh tế của Đài Loan, theo các nguồn tin hôm nay 13/07/2020. Cho tới nay, chính phủ Đài Bắc vẫn xem đầu tư từ Hồng Kông và Macao như đầu tư ngoại quốc. Nhưng việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông buộc Đài Loan phải xét lại quan hệ kinh tế thương mại với đặc khu hành chính này.
(AFP) – Hỏa hoạn trên một chiến hạm ở California, Mỹ.
Hỏa hoạn bùng lên sau một tiếng nổ, làm ít nhất 21 người bị thương vào hôm qua, 12/07/2020 trên một tàu quân sự ở căn cứ San Diego, miền nam California. Hiện chưa biết rõ nguồn gốc hỏa hoạn trên chiếc tàu đổ bộ   USS Bonhomme Richard đang neo đậu ở cảng để được sửa chữa.
(AFP) – Bulgari: Hàng ngàn người tiếp tục xuống đường phản đối chính phủ.
Hàng ngàn người dân tối qua, 12/07/2020, lại biểu tình tố cáo tham nhũng và đòi chính quyền bảo thủ của thủ tướng Boïko Borissov từ chức. Đây là đêm thứ tư người dân biểu tình. Tại thủ đô Sofia, hơn 3000 người hô to khẩu hiệu « mafia » và « từ chức ». Họ cũng tụ tập trước Quốc Hội, cản trở lưu thông đến tận khuya. Theo bộ Nội Vụ Bulgari, đám đông đã giải tán mà không có sự cố đáng tiếc nào. Hàng trăm người cũng biểu tình hôm qua tại ít nhất 10 thành phố khác.
(AFP) – Lạm dụng tình dục trẻ em: Một nghi can người Pháp chết trong tù.  
Theo thông báo của cảnh sát Indononesia hôm nay, 13/07/2020, một người Pháp về hưu, bị tình nghi lạm dụng tình dục hơn 300 trẻ em, đã chết trong tù tại Indonesia, dường như là do tự tử. Năm nay 65 tuổi, công dân Pháp đã được phát hiện bất tỉnh hôm Thứ Năm và được đưa vào bệnh viện, rồi qua đời hôm qua. Nghi can đã bị bắt cuối tháng 6 vừa qua tại Jakarta trong một phòng khách sạn cùng với hai cô gái vị thành niên.

Điểm tin thế giới sáng 13/7:

Gần 600.000 người Hồng Kông

tham gia cuộc bỏ phiếu tự tổ chức

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng thứ Hai, ngày 13/7, của chúng tôi có những tin sau:
Gần 600.000 người Hồng Kông tham gia cuộc bỏ phiếu tự tổ chức
Gần 600.000 người Hồng Kông đã tham gia một cuộc bỏ phiếu không chính thức vào ngày cuối tuần để chọn ứng viên đại diện cho những người yêu mến dân chủ, tự do, tham gia tranh cử Hội đồng thành phố diễn ra vào tháng 9 tới đây, Reuters đưa tin hôm Chủ nhật.
Bất chấp cảnh báo từ một quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông rằng cuộc bỏ phiếu có thể vi phạm luật an ninh quốc gia, các cư dân của hòn đảo vẫn nô nức đi đến hơn 250 trạm bỏ phiếu đặt khắp thành phố. Những trạm bỏ phiếu này được quản lý bởi hàng ngàn tình nguyện viên.
“Số người tham gia đông sẽ gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, rằng người Hồng Kông chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc”, Che Cheung, 24 tuổi, một trong những thành viên của một nhóm hoạt động dân chủ, nói. “Và chúng tôi vẫn sát cánh với phe dân chủ, chúng tôi vẫn ủng hộ dân chủ và tự do”.
Reuters cho hay, những người có quan điểm thân Bắc Kinh cho rằng cuộc bỏ phiếu này thực ra là để chống lại luật an ninh Hồng Kông mà chính quyền Trung Quốc vừa cho thông qua.
Trung Quốc: Động đất lớn ở Đường Sơn
Một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã làm rung chuyển thành phố Đường Sơn phía đông bắc Trung Quốc vào Chủ nhật. Tuy nhiên không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nào, Fox News dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc cho hay.
Dịch vụ đường sắt đến Tangshan, một địa danh cách Bắc Kinh 100 dặm về phía đông, đã được tạm ngưng để kiểm tra sau trận động đất, Tân Hoa Xã đưa tin.
Trận động đất xảy ra lúc 6h38′ ở độ sâu 6 dặm (khoảng gần 10m), Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc thông tin. Trung tâm này cho biết thêm, chỉ ít phút sau, vào 7h02′, đã xảy ra trận động đất thứ hai có cường độ 2,2 độ richter.
Tại Đường Sơn vào năm 1976 từng xảy ra một trận động đất làm chết ít nhất 242.000 người, được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử nhân loại. (Chi tiết).
Chuyên gia: Indonesia chưa kiểm soát tốt Covid-19
The Guardian đưa tin, theo các chuyên gia y tế, việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở Indonesia cần một nỗ lực cao hơn nữa.
Các chuyên gia y tế cho biết, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Đông Nam Á hiện vẫn chưa thực hiện đủ các xét nghiệm, hoạt động truyền thông của chính quyền kém, trong khi lại quản bá các phương pháp chữa bệnh không khả thi.
The Guardian cho hay, số người nhiễm và chết vì virus Vũ Hán ở Indonesia có thể cao hơn con số báo cáo. Mặc dù quốc gia này đã tăng cường xét nghiệm nhưng vẫn nằm trong nhóm nước làm ít xét nghiệm nhất thế giới.
Theo cập nhật của Worldometer, tính tới 6h53′ ngày 13/7 (giờ Việt Nam), Indonesia là vùng dịch lớn thứ 26 thế giới với 75.699 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 3.606 người đã tử vong, so với 24 giờ trước đó, hai con số thống kê này lần lượt tăng 1.681 và 71.
Chưa thể có vắc xin chống Covid-19 hiệu quả vào năm 2021
Rất ít khả năng tìm được vắc xin điều trị Covid-19 hiệu quả 100% vào năm 2021, một chuyên gia Pháp đưa ra cảnh báo vào Chủ nhật, theo AFP.
“Phải mất nhiều năm mới phát triển được một loại vắc xin”, nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet, thành viên của nhóm các nhà khoa học tư vấn cho chính phủ về cuộc khủng hoảng Covid-19, nói trên kênh truyền hình BFMTV.
“Tất nhiên, đang có một nỗ lực chưa từng có để phát triển vắc-xin, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta có một loại vắc-xin hiệu quả vào năm 2021”, ông Fontanet nói thêm.
Ông cho rằng mọi người sẽ phải “chung sống với virus” thời gian dài, vì thế mùa hè này công chúng Pháp phải tiếp tục nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly.
Nam Phi cấm bán rượu để ngăn nCoV lây lan
BBC hôm Chủ nhật đưa tin, Nam Phi đã áp dụng các hạn chế mới, bao gồm việc cấm trở lại hoạt động bán rượu để ngăn tụ tập đông người, nhằm giảm sức lây lan của virus Vũ Hán.
Lệnh giới nghiêm vào ban đêm cũng sẽ được áp dụng từ thứ Hai và người dân bị bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng lệnh cấm bán rượu sẽ có tác động tích cực với hệ thống y tế của đất nước.
Hiện Nam Phi đang là ổ dịch lớn nhất châu Phi và thứ 10 thế giới. Theo thống kê của Worldometer, tính tới 6h53′ ngày 13/7 (giờ Việt Nam), nước này có 276.242 bệnh nhân Covid-19 (tăng 12.058), trong đó 4.079 người đã tử vong (tăng 108).

Điểm tin thế giới tối 13/7:

Bành trướng Biển Đông, Trung Quốc đã chi

gần gấp đôi phí quốc phòng;

Ông Tập hối thúc chống lũ lụt

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (13/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bành trướng Biển Đông, Trung Quốc đã chi gần gấp đôi phí quốc phòng
Trung Quốc đã mở rộng phạm vi bành trướng trên khắp Biển Đông với việc tăng chi tiêu quốc phòng từ 143 tỷ USD lên 261 tỷ USD vào năm 2019, tờ Aljazeera ngày 11/7 trích dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.
Ông Tập hối thúc chống lũ lụt
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hối thúc các biện pháp ứng phó lũ lụt hiệu quả hơn và nỗ lực toàn diện khi nước này nâng mức ứng khó phẩn cấp quốc gia trong kiểm soát lũ lụt lên cấp II, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó 4 cấp của Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc đưa tin hôm 13/7.
Trong một chỉ thị đưa ra hôm 12/7, ông Tập chỉ rằng nước ở sông Dương Tử và sông Hoài Hà cũng như hồ Động Đình, hồ Bà Dương và hồ Thái Hồ đã vượt mức cảnh báo. Ông Tập nói thảm họa lũ lụt ở Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang đã gây thương vong và thiệt hại tài sản.
Anh – Trung lạnh nhạt vì Huawei, Hồng Kông
5 năm về trước, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là David Cameron đã kỷ niệm một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh – Trung, mong muốn hợp tác với ông Tập Cận Bình qua vại bia tại một quán rượu và ký các giao dịch thương mại tiền tỷ. Nay cảnh thân thiện đó chỉ còn là một ký ức xa xăm.
Những ngôn từ thù địch đã tăng lên trong những ngày gần đây về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Quyết định của Anh cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu người ở thuộc địa cũ đã vấp phải phản đối gay gắt từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc dọa Anh sẽ lĩnh hậu quả nếu coi họ là một “quốc gia thù địch” và cắt Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của Anh.
Chính phủ Thủ tướng Boris đang ngày càng có nhiều thành viên với lập trường cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nhiều người nói rằng Anh đã quá tự mãn và ngây thơ khi nghĩ rằng có thể “ngồi mát ăn bát vàng” hưởng lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Bắc Kinh mà không có hậu quả về mặt chính trị, theo AP.
CEO BT Group cảnh báo Anh về Huawei
Giám đốc điều hành (CEO) Philip Jansen của BT Group hôm 13/7 kêu gọi chính phủ Anh không nên đi quá nhanh trong việc cấm Huawei của Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G, cảnh báo rằng có thể có sự cố ngắt mạng và các vấn đề an ninh nếu thực hiện điều đó.
Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 1/2020 đã thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump và cấp cho Huawei một chút nhỏ bé vai trò trong mạng 5G, nhưng rồi nhận ra là Trung Quốc không nói thật về toàn bộ sự thật cuộc khủng hoảng virus corona và cảnh ngộ của Hồng Kông đã thay đổi tâm trạng người ở London, theo Reuters. Sau khi nhiễm và khỏi Covid-19, thủ tướng Anh đã có động thái mạnh đối với Trung Quốc. Phía Mỹ nói Huawei là một tay gián điệp của đảng Cộng sản Trung Quốc và vì thế không thể tin nó được.
Jack Ma rút vốn khỏi Alibaba trong 5 năm qua
Jack Ma, người đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc), đã cắt cổ phần của mình trong công ty trong 5 năm qua xuống còn 4,8% từ 6,4%, quy ra khoảng 9,6 tỷ USD ở mức giá cổ phiếu hiện tại, hồ sơ thường niên của công ty phát hành hôm thứ Sáu (10/7) cho thấy, theo Reuters.
Việc thoái vốn diễn ra khi Ma đã nghỉ hưu ở Alibaba hồi tháng 9. Giá cổ phiếu của Alibaba tăng khoảng 40% kể từ khi Ma báo cáo mình nắm giữ 6,4% cổ phiếu trong công ty vào một năm trước.
Cháu trai duy nhất của Elvis Presley qua đời khi mới 27 tuổi nghi do tự sát
Benjamin Keough, cháu trai duy nhất của ca sĩ dòng nhạc Rock ‘N’ Roll Elvis Presley đã qua đời hôm Chủ nhật (12/6), người quản lý của bà Lisa Marie Presley – mẹ đẻ của Benjamin Keough – đã xác nhận tin tức này với AFP. Truyền thông địa phương đưa tin đây là một vụ tự sát. Benjamin Keough, 27 tuổi, được tìm thấy ở Calabasas gần Los Angeles với vết thương tự gây ra bằng súng ngắn, nguồn tin cảnh sát nói với TMZ.
Con gái cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời ở tuổi 59, chưa rõ nguyên nhân
Bà Zindzi Mandela, con gái út của tổng thống da màu đầu tiên Nelson Mandela đã qua đời hôm nay (13/7), hưởng dương 59 tuổi. Bà Zindzi Mandela là đại sứ Nam Phi tại Đan Mạch từ năm 2015. Nguyên nhân cái chết của bà chưa được công bố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?