Đại Chiến Lược của Trung Quốc: Khuynh hướng, quỹ đạo và cạnh tranh dài...

Nhóm tác giả: Andrew Scobell, Edmund J. Burke, Cortez A. Cooper III, Sale Lilly, Chad J. R. Ohlandt, Eric Warner, J.D. Williams
Dịch giả: Lê Minh Nguyên
Giới thiệu: Đây là bài tóm lược công trình nghiên cứu dài 154 trang của RAND Corp, được đưa ra cuối tháng 7/2020.
Câu hỏi cho đề tài
1. Trung Quốc thành công như thế nào khi thực hiện các mục tiêu của đại chiến lược cho năm 2050? Những mục tiêu này dựa trên các chiến lược cấp quốc gia trong những lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, khoa học – công nghệ, và các vấn đề quân sự.
2. Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ như thế nào đến năm 2050?
Để khám phá những gì được coi là cạnh tranh mở rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài đến năm 2050, các tác giả tìm cách xác định và mô tả đại chiến lược của TQ, phân tích các bộ phận chiến lược quốc gia (ngoại giao, kinh tế, khoa học và công nghệ, và các vấn đề quân sự), và đánh giá TQ thành công như thế nào để thực hiện những điều này trong ba thập niên tới. Những mục tiêu chính yếu của TQ là tạo ra một nước TQ được cai trị tốt, ổn định xã hội, thịnh vượng về kinh tế, công nghệ tiên tiến và mạnh mẽ về quân sự vào năm 2050.
TQ đã phân định các mục tiêu cụ thể, liên quan đến tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo khu vực và toàn cầu trong việc phát triển các cấu ​​trúc kinh tế và an ninh, kiểm soát được lãnh thổ mà họ đòi hỏi chủ quyền. Trong một số trường hợp, các mục tiêu này đưa TQ đi đến cạnh tranh, khủng hoảng và thậm chí là khả năng xung đột với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo TQ nhận thức rõ điều này, họ đã phân định và ưu tiên hoá các tác nhân và các hành động nào là mối đe dọa đối với việc họ muốn đạt được các mục tiêu này. Với Hoa Kỳ, Trung Quốc tìm cách quản lý mối quan hệ, giành lợi thế cạnh tranh, và giải quyết các mối đe dọa phát sinh từ cuộc cạnh tranh đó mà không làm hỏng các mục tiêu chiến lược khác (đặc biệt là các mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế).
Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho tình huống có một sự chiến thắng hoặc một sự tiến lên của Trung Quốc, sự chuẩn bị này có lẽ là một cách khôn ngoan nhất, vì những kịch bản này phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia hiện tại, và tiêu biểu cho các kịch bản thách thức nhất trong tương lai đối với quân đội Hoa Kỳ. Trong cả hai kịch bản (TQ chiến thắng hoặc TQ tiến lên), quân đội Hoa Kỳ nên lường trước nguy cơ rủi ro gia tăng đối với các lực lượng tiền phương sẽ bị đe dọa ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, và việc Hoa Kỳ mất khả năng hoạt động theo thói quen thông thường ở trên không, trên biển, và ở Tây Thái Bình Dương.
Những phát hiện chính của nghiên cứu này
Bất kỳ một trong bốn kịch bản được phân tích – TQ chiến thắng, TQ tiến lên, TQ trì trệ, hoặc TQ nội chấn – đều có thể xảy ra trong ba thập kỷ tới.
* Một TQ chiến thắng thì ít có khả năng xảy ra nhất, bởi vì để được một kết quả như vậy có nghĩa là ít có sai sót, và không có bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn, hoặc thất bại nghiêm trọng nào từ nay đến năm 2050.
* Một TQ nội chấn cũng ít có khả năng xảy ra bởi vì, cho đến nay, các nhà lãnh đạo TQ đã chứng tỏ có kỹ năng tổ chức và hoạch định, huyền biến vượt qua các khủng hoảng, khéo léo thích nghi và điều chỉnh với các điều kiện thay đổi của môi trường.
* Đến năm 2050, TQ rất có thể trải qua một sự hỗn hợp của thành công và thất bại, và các kịch bản hợp lý nhất sẽ là một TQ tiến lên hoặc một TQ trì trệ. Trong kịch bản TQ tiến lên, TQ nói chung, thành công trong việc đạt được các mục tiêu dài hạn, trong khi kịch bản TQ trì trệ, TQ phải đương đầu với những thách thức lớn và sẽ không thành công trong việc thực hiện đại chiến lược của mình.
Bốn kịch bản này có thể tạo ra một trong bất kỳ ba quỹ đạo sau đây của mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc: đối tác song hành (parallel partners), đối thủ cạnh tranh (colliding competitors), hoặc mỗi bên một ngả (diverging directions).
* Quỹ đạo đối tác song hành là sự tiếp nối của tình trạng quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc năm 2018. Quỹ đạo này rất có thể xảy ra với một TQ trì trệ, và có thể xảy ra với một TQ tiến lên.
* Quỹ đạo đối thủ cạnh tranh dễ xảy ra nhất trong kịch bản TQ chiến thắng, trong đó Bắc Kinh trở nên tự tin và quyết đoán hơn.
* Quỹ đạo mỗi bên một ngả có nhiều khả năng xảy ra trong kịch bản TQ nội chấn, bởi vì Bắc Kinh sẽ bận tâm với các vấn đề khẩn trương ở trong nước.
Các đề nghị
* Các kịch bản kêu gọi sự chú ý nhiều hơn của Hoa Kỳ để cải thiện khả năng phối hợp nhịp nhàng của các binh chủng và chuẩn bị cho hoạt động với các đuôi hậu cần dài hơn rất nhiều. Đối với Bộ Binh Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là những nỗ lực để tối ưu hóa các đơn vị chủ chốt cùng khả năng không vận và hải vận, sẵn sàng để đưa binh lính đến chiến trận nhanh chóng hoặc đến một điểm nóng trước khi cuộc chiến nổ ra.
* Bởi vì TQ có thể có khả năng tranh chấp trên tất cả các lĩnh vực xung đột ở khắp khu vực vào giữa những năm 2030, Bộ Binh Hoa Kỳ, như một phần của lực lượng đa binh chủng, cần có khả năng ứng phó ngay lập tức với các cuộc khủng hoảng, hoặc các tình huống khác nhau ở những điểm tranh chấp khác nhau. Để ở bên trong lằn ranh chiến đấu ngay từ ban đầu của khủng hoảng hoặc xung đột, thì cần có sự kết hợp giữa các lực lượng tiền phương, các lực lượng xung kích di động nhanh nhẹ, và các lực lượng đồng minh tương tác.
* Quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh cũng phải phát triển và huấn luyện các ý niệm để củng cố tính răn đe rộng rãi cần thiết (conventional extended deterrence) và giữ cho sự cạnh tranh không trở thành xung đột.
* Khả năng phản ứng cao, nhanh nhạy và kiên cường của các lực lượng không quân và hải quân để dập tắt nhanh chóng và hiệu quả hệ thống tấn công trinh sát đang phát triển của Trung Quốc, cùng với các cuộc hành quân đặc biệt và năng lực của Bộ Binh, phần lớn sẽ xác định mức giá mà các lãnh đạo TQ không muốn rủi ro khi xem xét các lựa chọn quân sự để giải quyết các tranh chấp ở khu vực.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện