Đọc báo Pháp – 06/08/2020

Đọc báo Pháp – 06/08/2020

TikTok: Tập Cận Bình là cội nguồn làm các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc khốn khổ – Tú Anh

Liban họa vô đơn chí, TikTok và các công ty khởi nghiệp Hoa lục lâm vào bế tắc, 75 năm Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, Covid 19 là những chủ đề chung trên báo Pháp hôm nay.
Liban: phân nửa thủ đô đổ nát do vụ nổ hóa chất tồn kho ở cảng
Thứ Ba 04/08 lúc 18 giờ 10, Beyrouth bị tàn phá trong hai vụ nổ kinh hoàng từ kho hàng tồn trữ 2750 tấn nitrate nhôm. Báo Le Monde minh họa trên trang nhất bức ảnh một cao ốc trơ sườn trong khói lửa mịt trời. Hơn 100 người chết và 4000 bị thương theo tổng kết thiệt hại ban đầu. Một thảm họa cho đất nước Liban đang trên đà sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, chính trị không lối thoát.
Hỗn loạn: tựa ngắn trên Libération kèm với nhận định, người dân Liban đã kiệt lực vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, nay bị vụ nổ hóa chất làm cho họ vừa căm giận vừa tuyệt vọng.
Le Figaro, La Croix cùng chia sẻ định mệnh hẩm hiu của người dân Liban: phẫn nộ và không hiểu vì sao nên nỗi. Chính quyền Liban bị cho là thủ phạm chính vì thiếu trách nhiệm.
Thương cảng Beyrouth còn là động cơ kinh tế của Liban. Nhật báo Công giáo lưu ý. Nhưng làm sao giúp Liban? La Croix cho biết nhiều nước, trong đó có Pháp, đã nhanh chóng gửi viện trợ cần kíp cho Liban, nhưng tái thiết đất nước bị hỗn loạn chính trị và tham ô, không thể không cải cách sâu rộng. Tình hình chính trị chia năm, xẻ bảy tại Liban có cho phép thực hiện hay không?
TikTok: Ngõ cụt của công ty khởi nghiệp Trung Quốc muốn chia thị phần quốc tế
Vì sao TikTok bị rơi vào thế bí? Hơn ai hết, các công ty Trung Quốc biết đâu là cội nguồn.
Trong bài phân tích thế kẹt của TikTok trong cảnh trên đe dưới búa giữa Washington và Bắc Kinh, Le Monde lưu ý là khác với tập đoàn công nghiệp viễn thông Hoa Vi, công ty khởi nghiệp TikTok không được Bắc Kinh hậu thuẫn. Công ty mẹ ByteDance bị áp lực của Donald Trump phải bán ứng dụng (cho Mỹ) nếu muốn tiếp tục được phép hoạt động tại Hoa Kỳ.
Từ cuối năm 2019, TikTok đã nỗ lực chứng minh là một công ty khởi nghiệp độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong chiều hướng này, TikTok dung thứ cho các video chỉ trích chế độ Trung Quốc, như tố cáo chính sách đàn áp cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đã thành công thu hút được rất đông đảo người xem và chia sẻ rộng rãi.
Trong thời gian qua, TikTok cũng có nhiều cố gắng khác để tạo hình ảnh cách biệt với công ty mẹ ByteDance như là dời trụ sở sang Mỹ, tuyển dụng cán bộ lãnh đạo có tiếng tăm như Kevin Meyer, cựu chủ tịch Disney.
Thế nhưng, những cố gắng chứng tỏ thiện chí này không có tác dụng. Đầu tháng Sáu, TikTok, cùng với 60 công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, trước khi bị Donald Trump chiếu cố gây áp lực.
TikTok biến thành nạn nhân của chính sách đối đầu Mỹ-Trung từ khi Covid-19 lan tràn sang Hoa Kỳ.
Ngày 23/07, trong một bài diễn văn với lời lẽ công kích mạnh bạo chưa từng thấy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi “thế giới tự do chiến thắng bạo chúa mới, là chính quyền Trung Quốc vừa gia tăng kềm kẹp trong nước vừa hung hăng với thế giới bên ngoài”. TikTok lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, nhiều doanh nhân Trung Quốc có thế lực lên án thái độ của Bắc Kinh, điển hình là James Liang, sáng lập viên trang web hướng dẫn du lịch CTRIP không ngần ngại viết một bài bình luận phê phán Bắc Kinh như sau: ” Những người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc không muốn liên hệ gì với chính quyền Trung Quốc. Là doanh nhân, họ muốn làm một cái gì hay ho để kiếm tiền làm giàu. Nhưng vì đảng Cộng sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại Hoa lục cho nên các doanh nghiệp này phải hướng về thị trường quốc tế. Giờ đây, họ không còn đường nào để làm ăn”. Le Monde cho biết, bài phê bình này bị kiểm duyệt ngay tức khắc.
Facebook khai thác đúng thời cơ
Trong bối cảnh gian truân này, công ty khởi nghiệp Trung Quốc còn bị một đối thủ khai thác đúng thời cơ, tung vũ khí mới chinh phục khách hàng. Les Echos cho biết áp lực cạnh tranh của Facebook.
Theo nhật báo kinh tế, tập đoàn của Mark Zuckerberg thông báo kể từ thứ Tư 05/08/2020, tung ra công cụ Reels với chức năng giúp người sử dụng chia sẻ các đoạn video ngắn qua Instagram. Nói là tấn công nhưng kỳ thực Facebook tìm cách chinh phục khách hàng của Tik Tok ngay trên sân chơi của đối thủ vào lúc thời cơ thuận lợi nhất.
Donald Trump chưa gục ngã
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Monde giới thiệu bài phân tích của một giáo sư chính trị Pháp bác bỏ các lập luận cho rằng Joe Biden sẽ thắng. Theo giáo sư Maxime Chervaux, trong lúc xu thế chống Donald Trump tiên đoán chủ nhân Nhà Trắng sẽ thua cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden thì có nhiều lý do cho thấy Joe Biden, vừa không đủ cân sức đối đầu với Donald Trump mà còn sẽ bị đối thủ Cộng Hòa hạ đo ván ít nhất trên ba hồ sơ quan trọng trong mắt của cử tri: về an ninh, về di dân nhập cư và trong quan hệ đang căng thẳng với Bắc Kinh.
Đó là chưa kể Donald Trump nắm nhiều lá chủ bài trong tay, có thể huy động ngân sách hàng chục, chục tỷ đô la để đối phó với hậu quả kinh tế do Covid 19 gây ra, có trong tay hàng trăm triệu đô la vận động tranh cử, những lá bài mà Joe Biden không có.
Tác giả khẳng định là Donald Trump chưa gục ngã cho dù các kết quả thăm dò cho thấy Joe Biden dẫn đầu trong công luận. Cách nay bốn năm, một ứng cử viên Dân Chủ khác là Hillary Clinton cũng từng được kết quả thăm dò ý kiến tốt hơn Donald Trump, chuyên gia địa chiến lược Pháp nhắc lại.
75 năm Hiroshima và Nagasaki
Vụ nổ tàn phá ở Liban xảy ra đúng vào lúc Nhật Bản chuẩn bị tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki : ngày 6 và 8 tháng 8 năm 1945.
Trong loạt bài đánh dấu 75 năm hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, La Croix cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn đe dọa nhân loại. Thảm kịch Hiroshima và Nagasaki (Trường Kỳ và Quảng Đảo) là một thách thức của ký ức vì lịch sử là nạn nhân của thời gian. 75 năm sau, vẫn còn 9 nước không có ý định từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này. Để có thể tưởng niệm hàng trăm ngàn nạn nhân Hiroshima và Nagasaki một cách có ý nghĩa nhất là phải phản đối cuộc chay đua vũ trang hạt nhân. La Croix liệt kê danh sách 9 nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.
Le Monde, trong bài Nhật Bản và ký ức, chú ý đến cuộc chiến của một thế hệ mới tiếp nối công việc của cha ông, kể lại cho hậu thế cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Kể như thế nào ? Bằng ngôn ngữ hoà bình. Chính nhờ có nỗ lực tranh đấu này mà Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm vũ khí hạt nhân năm 2014.
Tuy nhiên, Le Monde không dám tin chắc là phong trào này và nguyện vọng này được lắng nghe tại Nhật Bản trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe tìm cách tu chính Hiến Pháp chủ hòa, nhất là điều 9.
Khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có dấu hiệu tấn công đợt hai vào mùa thu, đề tài khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp.
Le Figaro và Les Echos cùng một tựa : Người đeo khẩu trang ra đường ngày càng đông. Le Figaro còn dành cho các phe chống và ủng hộ đeo khẩu trang trình bày lập luận y tế cũng như… chính trị.
Khủng hoảng Covid 19 còn gây ra một hiện tượng mới là người ta đổ xô mua vàng tích trữ. Hầu hết các báo đều cho biết giá một lượng vàng tăng kỷ lục, hơn 34% kể từ đầu năm, vượt ngưỡng lịch sử 2000 đôla.

Tin tổng hợp
(AFP) - Mỹ muốn mở rộng việc chặn các ứng dụng Trung Quốc. 
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 05/08/2020 loan báo đang triển khai chương trình nhắm vào các ứng dụng điện thoại và dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc, vì các rủi ro về mặt an ninh. Theo ông, các ứng dụng như TikTok, WeChat… có công ty mẹ tại Trung Quốc là mối đe dọa cho dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung khác của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Washington còn muốn chặn các ứng dụng Mỹ nhưng được cài sẵn trên các điện thoại sản xuất tại Trung Quốc hoặc thiết bị của Hoa Vi.
(AFP) – Mỹ vận động ngăn cản Cuba tham gia Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. 
Ngoại trưởng Pompeo ngày 05/08/2020 cho rằng Cuba là một chế độ “độc tài thô bạo, bán sức lao động của đội ngũ y tế dưới vỏ bọc hỗ trợ nhân đạo” cho các quốc gia đang bị Covid-19 hoành hành. Do vậy, theo ngoại trưởng Mỹ, La Habana phải đứng ngoài Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, ông Pompeo chuẩn bị công du châu Âu từ ngày 11 đến 15/08/2020.
(AFP) – Miến Điện bắt giam một nhà truyền giáo Canada. 
Ngày 06/08/2020, David Lah 43 tuổi, là một công dân Canada gốc Miến Điện bị kết án 3 tháng tù. Lý do ông này thuyết giảng tình yêu của Chúa sẽ che chở cho người dân Miến Điện khỏi dịch Covid-19. Theo thống kê chính thức, Miến Điện có 357 ca nhiễm virus corona chủng mới và 6 trường hợp tử vong.
(AFP) – Covid-19 : Philippines và Indonesia vẫn có thêm hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. 
Manila cho biết có thêm 3.561 bệnh nhân trong ngày 06/08/2020. Tổng cộng đến nay tại Philippines, có gần 120. 000 ca nhiễm virus corona và 2.150 bệnh nhân đã qua đời. Tình hình tại Indonesia ảm đạm không kém với số ca nhiễm gần tương đương với Philippines, nhưng thiệt hại nhân mạng tại Indonesia lên tới trên 5.500 người.
(AFP) - Cựu tổng thống Colombia dương tính với virus corona.
Ông Alvaro Uribe, từng là tổng thống Colombia từ 2002 đến 2010 đã xét nghiệm dương tính với virus corona, một ngày sau khi Tòa án Tối cao ra lệnh quản thúc tại gia vì cáo buộc gian lận và mua chuộc nhân chứng. Ông Uribê, 68 tuổi, cho biết sức khỏe vẫn bình thường và không có triệu chứng.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ : Hàng ngàn phụ nữ biểu tình chống bạo lực. 
Nhiều cuộc xuống đường đã nổ ra hôm 05/08/2020, tại nhiều thành phố lớn, như Istanbul, Ankara, Izmir… Tại Istanbul, người biểu tình giơ cao những tấm bảng ghi rõ: “Phụ nữ không tha cho bất kỳ hành vi bạo lực nào” hay ghi tên những phụ nữ bị đàn ông sát hại. Tại Izmir, hơn một chục người bị câu lưu, theo hội Phụ Nữ Liên Đới NAR. Cuộc biểu tình còn nhằm kêu gọi tổng thống Erdogan không rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi hiệp định quốc tế chống lại bạo lực trong gia đình.
(AFP) - Washington sẽ đệ trình cho Liên Hiệp Quốc một nghị quyết về Iran tuần tới. 
Hôm 05/08/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Hoa Kỳ sẽ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một nghị quyết về việc cấm bán vũ khí cho Iran, bất chấp phản đối của Matxcơva và Bắc Kinh. Ông Pompeo tỏ ra quan ngại trước thông tin Trung Quốc chuẩn bị bán vũ khí cho Teheran, sẽ “gây bất ổn cho Trung Đông, đặt Israel, châu Âu và cả sinh mạng của người Mỹ trong vòng nguy hiểm”, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ không để yên.
(AFP) – Pháp chuẩn bị đối phó với đợt nắng nóng mới. 
Một đợt nóng bức sẽ đổ xuống Pháp ngay từ trưa 06/08/2020 và kéo dài một tuần lễ tại một số vùng, với nhiệt độ có thể lên 41°C. Chiều 06/08, nhiệt độ lên đến 35°C ở Paris và 37°C ở vùng Aquitaine, miền tây nam nước Pháp. Ngày 07/08, đợt nóng có lúc và có nơi sẽ lên đỉnh cao ở vùng tây nam, với 41°C, trong lúc Paris và vùng phụ cận phải chịu tù 37°C đến 38°C.
(AFP) – Một tảng băng trên dẫy Mont Blanc, núi Aples, có nguy cơ vị gẫy.
Chính quyền địa phương ngày 06/08/2020 thông báo dưới tác động của hiện tượng trái đất bị hâm nóng, một tảng băng khoảng 500.000 mét khối sắp đổ xuống thị trấn Courrnamyeur gần biên giới giữa Ý và Pháp. Khoảng 30 ngôi nhà trong khu vực với chừng 70 dân cư được lệnh sơ tán.

Điểm tin thế giới sáng 6/8:

Ivanka Trump quyên được 4 triệu đô cho cha;

 Mỹ gia tăng kiểm soát gián điệp Trung Quốc

Lục Du
Sáng nay, thứ Năm (6/8), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ivanka Trump quyên được 4 triệu đô cho cha tranh cử
Hôm thứ Tư, con gái Tổng thống Trump, Ivanka Trump, đã quyên góp được 4 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của cha, theo hãng tin AP hôm 5/8.
Khoảng 100 người đã tham dự buổi gây quỹ trực tuyến đầu tiên của Ivanka, được tổ chức trên ứng dụng Zoom, theo tiết lộ từ nguồn thạo tin. Ivaka dự định sẽ xuất hiện tại một buổi gây quỹ khác vào tuần tới tại bang Utah.
Chủ tịch Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cho biết số tiền gây quỹ sẽ được dùng để chi trả cho các cuộc vận động thực địa và quảng bá chương trình nghị sự của ông Trump.
Mỹ gia tăng kiểm soát gián điệp Trung Quốc
Hoạt động kiểm soát máy tính xách tay, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác của người Trung Quốc tại biên giới Mỹ đã tăng hơn 60% vào năm ngoái và vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2020, bất chấp tình trạng du lịch quốc tế giảm mạnh do đại dịch Covid. Việc này cho thấy Hoa Kỳ đang siết chặt kiểm soát các hoạt động gián điệp Trung Quốc.
Cơ quan biên giới Mỹ đã tiến hành 1.147 lượt rà soát các thiết bị điện tử của công dân Trung Quốc vào năm 2019, tăng 66% so với năm trước, theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) mà tờ South China Morning tiếp cận được.
Tổng số lượt tìm kiếm được CBP thực hiện với công dân ở mọi quốc tịch năm 2019 đã tăng lên 23%, đưa tổng số lượt tìm kiếm lên 40.913 lượt so với một năm trước, trong đó có khoảng 8.000 lượt tìm kiếm đối với công dân Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Y tế Mỹ sẽ thăm Đài Loan
Trên trang web của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar tuyên bố ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan trong những ngày tới, bất chấp việc Trung Quốc phản đối.
Nếu chuyến thăm diễn ra, thì ông là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với quốc đảo này nhằm thúc đẩy mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Chuyến đi này đem tới cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế và sức khỏe cộng đồng giữa chúng tôi với Đài Loan, đặc biệt là khi Mỹ và các nước khác đang nỗ lực củng cố và đa dạng hóa nguồn cung cho các sản phẩm y tế quan trọng”, ông Azar nói.
“Tôi mong muốn truyền đạt thông điệp ủng hộ của Tổng thống Trump, cho lãnh đạo y tế toàn cầu của Đài Loan và nhấn mạnh niềm tin chung của chúng tôi rằng các xã hội tự do và dân chủ là mô hình tốt nhất để bảo vệ và tăng cường sức khỏe người dân”, ông Azar cho biết thêm.
TT Trump nói vụ nổ ở Beirut giống vụ đánh bom
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (5/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vụ nổ ở Thủ đô Beirut của Lebenon, khiến hơn 100 người chết cho tới nay, giống một vụ đánh bom.
Khi được hỏi tại sao ông nói rằng vụ nổ là một cuộc tấn công, không phải là một tai nạn, Tổng thống Trump cho biết ông đã gặp các tướng lĩnh và họ cho biết vụ nổ giống như được kích hoạt bởi “một loại bom nào đó”.
Giới chức Lebanon nghi ngờ vụ nổ được kích hoạt sau khi một kho chứa đầy chất kích nổ ammonium nitrate bốc cháy, nhưng vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.
Trung Quốc: 90% bệnh nhân Covid hồi phục bị tổn thương phổi
Một nghiên cứu được truyền thông công bố hôm thứ Tư cho hay, 90% số bệnh nhân được điều trị Covid ở một bệnh viện nổi tiếng ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đều bị tổn thương phổi, và 5% trong số đó tái dương tính với nCoV, theo báo cáo truyền thông Trung Quốc.
Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán đã tiến hành các cuộc thăm khám tiếp theo với ”100 bệnh nhân hồi phục” kể từ tháng Tư. Giai đoạn đầu của chương trình một năm đã kết thúc vào tháng Bảy. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 59.
Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu, 90% phổi của bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng bị hư hại, điều này có nghĩa là chức năng lưu thông và trao đổi khí của họ đã không phục hồi đến trạng thái của người khỏe mạnh, Global Times đưa tin.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một cuộc kiểm tra đi bộ 6 phút với các bệnh nhân. Họ phát hiện những bệnh nhân hồi phục chỉ có thể đi bộ 400 mét trong 6 phút trong khi những người khỏe mạnh có thể đi bộ 500 mét trong cùng khoảng thời gian.

Điểm tin thế giới tối 6/8:

Ngoại trưởng Philippines tuyên bố mạnh về Biển Đông;

Nhật tăng cường năng lực đối đầu Trung Quốc

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (6/8) của DKN xin gửi tới bạn đọc phần tóm lược của những tin sau:
Ngoại trưởng Philippines có tuyên bố mạnh về Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Năm tuyên bố rằng “cái gì của chúng tôi là của chúng tôi” đối với phần lãnh thổ đang tranh chấp trên Biển Đông, theo Global Nation.
Ông Teodoro đưa ra tuyên bố này sau khi Bắc Kinh hoan nghênh việc Tổng thống Philippines Duterte hôm thứ Hai (3/8) “ra lệnh” cấm Hải quân Philippines tham gia các cuộc tập trận với hải quân nước ngoài trên Biển Đông.
Ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (4/8) nói rằng Bắc Kinh đánh giá cao quyết định nói trên của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, hôm nay trên Twitter, ông Teodoro viết rằng ông Uông đang “suy diễn quá xa” về một “chỉ thị đơn giản” của Tổng thống Duterte.
Ông Locsin nói rằng lập trường của Philippines về Biển Đông là “nhất quán và rõ ràng”, và “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, và không ai có thể khiến chúng tôi thay đổi thái độ”.
Nhật đang tăng cường năng lực để đối đầu Trung Quốc
Nhật Bản trong những năm gần đây đã tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, một báo cáo mới của chuyên gia Mỹ đánh giá, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này, theo SCMP.
Phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy Tokyo đã nâng cấp radar, tăng cường thu thập thông tin tình báo và tuần tra Quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đồng thời triển khai tên lửa để bảo vệ quần đảo đang tranh chấp này.
“Lực lượng hải quân Trung Quốc được triển khai xung quanh Senkaku đã trở nên có thực lực và hung hăng hơn”, báo cáo của CSIS viết hôm thứ Tư. “Phản ứng lại, Nhật đang nâng cấp khả năng tự vệ bằng hệ thống tên lửa tại đảo Ryukyus, hoặc quân đảo Tây Nam gần đó”.
Bắc Kinh cản trở sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan học
Hội đồng Quan hệ Đại lục (MAC) của Đài Loan đã bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Trung Quốc rằng vì lý do chính trị chính quyền hòn đảo đang ngăn không cho sinh viên Đại lục tới học, theo Taiwan News.
MAC nói rằng, ngược lại, chính Bắc Kinh mới là lực lượng đang ngăn cấm sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan.
Theo một thông cáo báo chí của MAC hôm thứ Tư, chính quyền Trung Quốc đã từ chối đề nghị được tới Đài Loan học tập của sinh viên Đại Lục. Giới chức Trung Quốc làm vậy vì không đồng ý với việc các trường đại học ở Đài Loan đã sử dụng từ “quốc gia” trong các tài liệu của trường mà sinh viên Trung Quốc muốn tới học.
Indonesia hỗ trợ 2,15 tỷ cho người dân trong mùa dịch
Jakarta có kế hoạch hỗ trợ 2,15 tỷ đô là tiền mặt cho 13,8 triệu công nhân theo gói kích thích tiêu dùng trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Reuters dẫn nguồn từ các quan chức Indonesia.
Theo đó, các công nhân có mức thu nhập dưới 5 triệu rupiah (tương đương 343,64 đô la) sẽ nhận được mức hỗ trợ 41 đô là một tháng, bắt đầu thứ tháng Chín tới. Chính sách hỗ trợ này dự kiến kéo dài trong 4 tháng.
Chính phủ Indonesia hôm thứ Tư (5/8) cho hay, GDP của nước này đã giảm 5,32% trong quý hai do ảnh hưởng lớn từ mức tiêu dùng hộ gia đình vốn bị suy giảm rất nhiều vì đại dịch Covid. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tiêu dùng của các hộ gia đình ở Indonesia đã giảm 5,51%.
“Chính phủ nhắm mục tiêu tăng thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, đây là điều rất quan trọng để thúc đẩy và cải thiện chất lượng nền kinh tế”, ông Erick Thohir, Bộ trưởng các Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nói.
Bắc Hàn phê duyệt gói hỗ trợ thành phố phong tỏa vì Covid
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã ra lệnh hỗ trợ đặc biệt thành phố Kaesong, nằm giáp biên giới Hàn Quốc, đang bị phong tỏa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm (6/8).
Tuần trước, Triều Tiên đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho biết họ đã phong tỏa thành phố Kaesong vì có một kẻ “bỏ trốn” bị nghi nhiễm virus Vũ Hán trở về từ Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Triều Tiên lần này có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì quốc gia bí ẩn này có điều kiện kinh tế và y tế yếu kém.

Cuộc chạy đua lên Sao Hỏa tăng tốc

Thanh Phương
Nhân loại đã bắt đầu thám hiểm Sao Hỏa ngay từ thập niên 1960, nhưng cuộc chạy đua lên Hành tinh Đỏ có vẻ như đang tăng tốc: chỉ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2020, đã có 3 chuyến bay lên Sao Hỏa, tranh thủ lúc hành tinh này và Trái đất nằm cùng phía với Mặt trời, tức là nằm gần nhau nhất.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng với nhau trên nhiều hồ sơ, từ Biển Đông, Hồng Kông, cho đến thương mại, gián điệp công nghiệp, một « mặt trận » khác lại vừa được mở ra trong tháng 7/2020 giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới : Sao Hỏa
Trung Quốc : Chuyến bay đầu tiên lên Sao Hỏa
Ngày 23/07, thêm một sự kiện đánh dấu lịch sử của ngành không gian Trung Quốc : Lần đầu tiên nước này phóng một phi thuyền không người lái và một robot lên Sao Hỏa. Phi thuyền mang tên Thiên Vấn-1 (Tianwen-1) sẽ bay khoảng 7 tháng, tức là sang năm 2021 mới đến hành tinh này. Tham vọng của Trung Quốc rất lớn : lần đầu tiên tự mình thực hiện tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã làm trong nhiều chuyến bay lên Sao Hỏa từ thập niên 1960 đến nay. Có nghĩa là đặt phi thuyền lên quỹ đạo của Hành tinh Đỏ, đáp xuống đây, rồi từ phi thuyền này một robot được điều khiển từ xa sẽ tiến hành các phân tích trên bề mặt Sao Hỏa.
Robot nặng hơn 200 kg, được gắn 4 tấm pin Mặt trời và 6 bánh xe, theo dự kiến sẽ hoạt động trong 3 tháng trên Hành tinh Đỏ, để phân tích bề mặt, bầu khí quyển, chụp ảnh, lập bản đồ của hành tinh này và tìm dấu vết của sự sống trước đây. Về việc này, Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm, vì họ đã từng đưa hai robot lên Mặt trăng, Thỏ Ngọc-1 và Thỏ Ngọc-2, vào năm 2013 và năm 2019.
Theo lời chuyên gia Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Thiên văn học Havard-Smithsonian, với hai robot Thỏ Ngọc, coi như Trung Quốc đã tập dợt trước, vì bề mặt của Mặt trăng và Sao Hỏa rất giống nhau. Có điều Sao Hỏa nằm xa hơn Trái đất rất nhiều so với Mặt trăng, chuyến du hành càng dài thì nguy cơ hỏng hóc máy móc càng cao và việc liên lạc viễn thông với Trái đất sẽ chậm hơn nhiều.
Thật ra, Trung Quốc đã từng muốn phóng một phi thuyền lên Sao Hỏa vào năm 2011 trong một chuyến bay chung với Nga, nhưng ý định này đã không thành. Tên lửa đẩy của Nga đã không thể bay đến quỹ đạo trung chuyển lên Sao Hỏa, toàn bộ các thiết bị đã rơi trở lại Trái đất và một phần bị phân rã trong bầu khí quyển. Sau thất bại đó, Bắc Kinh quyết định sẽ một mình thám hiểm Hành tinh Đỏ.
Trước mắt, như ghi nhận của Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn ngày 23/07/2020, đây rõ ràng là một sự kiện quan trọng đối với Trung Quốc, vì lần đầu tiên họ đi xa đến như thế trong Thái Dương Hệ. Chen Lan, nhà phân tích của trang mạng GoTaikonauts.com chuyên về các chương trình không gian Trung Quốc, nhấn mạnh nếu chuyến bay Thiên Vấn-1 thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một phi thuyền và một robot tự hành không phải là của Mỹ hoạt động trên Sao Hỏa.
Cuộc chạy đua lên Sao Hỏa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khiến người ta liên tưởng đến cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô vào thời gian chiến tranh lạnh. Nhưng thực sự Bắc Kinh nhắm mục tiêu gì khi phóng phi thuyền lên Hành tinh Đỏ ? Theo lời Carter Palmer, chuyên gia về không gian của công ty Mỹ Forecast International, được hãng tin AFP trích dẫn, mục tiêu của Trung Quốc cũng giống như nhiều cường quốc không gian khác : Nâng cao hiểu biết của nhân loại về Sao Hỏa. Mặt khác, thám hiểm không gian còn là một niềm tự hào dân tộc. Qua việc nâng cao khả năng thám hiểm không gian, Bắc Kinh cũng gia tăng ảnh hưởng chính trị và vị thế trên trường quốc tế.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la vào chương trình không gian của họ với hy vọng bắt kịp châu Âu, Nga và Hoa Kỳ. Thậm chí, họ còn dự trù lắp ráp một trạm không gian lớn từ đây đến năm 2022 và trong khoảng một chục năm nữa sẽ cố gắng đưa phi hành gia lên Mặt trăng.
Tìm bằng chứng sự sống trên Sao Hỏa
Về phần Hoa Kỳ, cường quốc không gian hàng đầu thế giới, Sao Hỏa vẫn là một mục tiêu dài hạn. Ngày 30/07/2020, cơ quan không gian NASA đã phóng lên Sao Hỏa xe tự hành tinh vi nhất của họ, một chiếc xe lớn có 6 bánh, mang tên Perseverance (Kiên trì), để cố tìm ra những bằng chứng là cách đây 3 tỷ rưỡi năm đã có đầy những vi khuẩn sống trong các con sông trên Hành tinh Đỏ, tức là ở đây đã từng có sự sống. Chuyến du hành từ Trái đất đến Sao Hỏa của Perseverance sẽ kéo dài hơn 6 tháng và nếu đáp xuống mà không bị trục trặc gì, xe tự hành này sẽ ở lại đây trong suốt nhiều năm để thu thập và đóng gói nhiều mẫu đá mà sau này sẽ được một robot khác đem về Trái đất vào năm 2031.
Như vậy, Perseverance tiếp nối công việc của 4 xe tự hành, tất cả đều là của Mỹ, đã từng đáp xuống Sao Hỏa và đã giúp cho chúng ta hiểu được Hành tinh Đỏ trước đây không phải là một hành tinh khô cằn và lạnh giá như hiện nay, mà trên đây đã từng có nước, có các hợp chất hữu cơ và một bầu không khí thuận lợi cho sự sống. Chỉ có điều, theo các nhà khoa học, sự sống trên Sao Hỏa đã không có đủ thời gian phát triển thành những dạng phức tạp hơn trước khi hành tinh này trở nên khô cằn.
Trong số 4 xe tự hành mà Hoa Kỳ đã phóng lên Sao Hỏa (Pathfinder, Spirit, Opportunity và Curiosity), hiện Curiosity vẫn còn hoạt động. Mặc dù đang có dịch Covid-19, cơ quan NASA đã vẫn cố giữ nguyên lịch trình phóng Perseverance lên Sao Hỏa, một chuyến bay tốn kém đến 2,7 tỷ đô la. Cứ khoảng 26 tháng, Trái đất và Sao Hỏa lại nằm cùng một phía với Mặt trời, khoảng thời gian lý tưởng để thực hiện chuyến bay lên Hành tinh Đỏ, một cơ hội không thể bỏ lỡ.
Nặng gần 1 tấn, Perseverance được gắn 19 camera, hai micro và một cánh tay robot dài 2 mét, mang theo những công cụ như máy chiếu tia laser và tia X. Trên xe tự hành này còn có một trực thăng tí hon nặng 1,8 kg, mang tên Ingenuity. Nếu thành công, Ingenuity sẽ là trực thăng đầu tiên bay trên một hành tinh khác. Theo dự kiến, Perseverance sẽ đáp xuống Sao Hỏa ngày 18/02/2021.
Tham vọng không gian của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
Nhưng không chỉ có các cường quốc không gian như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Liên Hiệp Châu Âu, mà nhiều nước nhỏ nay cũng có tham vọng chinh phục Hành Tinh Đỏ. Al-Amal (Hy Vọng), đó là tên phi thuyền đầu tiên của một nước Ả Rập bay lên Sao Hỏa. Phi thuyền không có người lái của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cất cánh ngày 20/07/2020 từ trung tâm không gian Tanegashima (miền tây nam Nhật Bản), sau hai lần bị đình hoãn vì lý do thời tiết xấu.
Nhiệm vụ của Al-Amal
Phi thuyền Al-Amal, nặng 1.350 kg, sẽ bay trong 7 tháng, vượt qua đoạn đường dài 493 triệu km để đến Sao Hỏa vào tháng 2/2021, vừa kịp lúc để đánh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất 7 tiểu vương quốc Ả Rập. Sau đó, Al-Amal sẽ ở trên quỹ đạo trong suốt một năm Sao Hỏa, tức là 687 ngày. Theo lời bà Sarah al-Amiri, bộ trưởng Các công nghệ tiên tiến của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nhiệm vụ của Al-Amal là giúp các nhà khoa học nắm tường tận những thay đổi khí hậu của Sao Hỏa trong cả một năm. Hiểu được các bầu khí quyển của các hành tinh khác sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khí hậu Trái đất.
Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ ngày 20/07/2020, chuyên gia Pháp về các vấn đề địa chính trị không gian Isabelle Sourbès Verger nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc tế trong chương trình Sao Hỏa của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất :
« Cần phải nói rõ rằng phi thuyền được một tên lửa Nhật Bản phóng lên từ Nhật Bản. Khác với các cường quốc không gian như Trung Quốc, cũng phóng phi thuyền lên Sao Hỏa trong cùng thời gian, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dựa vào hợp tác quốc tế để giúp họ thực hiện chương trình này. Trong khi đó chương trình Sao Hỏa của Trung Quốc hoàn toàn tự lập, họ sử dụng tên lửa riêng và tự chế tạo phi thuyền bằng những phương tiện của họ.
Nhưng họ trình bày chuyến bay này như là một sự đóng góp của khối Ả Rập vào khoa học không gian, trong sự trở lại sân khấu quốc tế, ngành khoa học các nước Ả Rập đã chọn con đường khám phá thế giới của ngày mai.
Chính Trung Tâm Không Gian Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã phát triển một phần các dụng cụ trên phi thuyền dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Mặc dù chịu nhiều áp lực, các kỹ sư của nước này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một thời gian rất ngắn để cho phi thuyền bay đến quỹ đạo Sao Hỏa kịp với thời điểm kỷ niệm 50 năm thống nhất các tiểu vương quốc Ả Rập. Họ không được phép phạm sai lầm vì nếu bỏ lỡ cơ hội trong khoảng thời gian mà Sao Hỏa nằm gần Trái đất, thì sẽ phải đợi thêm 2 năm rưỡi nữa.
Như vậy chúng ta giống như đang trở lại thời kỳ đầu của công cuộc chinh phục không gian, với sự trợ giúp chủ yếu là của Mỹ và đôi khi là của Liên Xô đối với khối Cộng sản Đông Âu, các nước thứ ba đã có thể tham gia thám hiểm không gian, tuy chưa tự lập về khả năng phóng phi thuyền.”
Việc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất phóng phi thuyền lên Sao Hỏa có phải là một kiểu « trưởng giả học làm sang » ? Không hẳn như thế, vì cũng theo lời chuyên gia Isabelle Sourbès Verger, đây hoàn toàn không phải là một sự phung phí tiền của :
« Đúng hơn đây là những chuyến bay nhằm mục đích nghiên cứu  khoa học cơ bản, để tìm hiểu trước đây đã có sự sống trên Sao Hỏa hay không, khí hậu trên hành tinh này ra sao, bầu khí quyển Sao Hỏa phản ứng lại với gió Mặt trời như thế nào. Những chuyến bay này tuy tốn kém, nhưng chi phí không phải là lớn quá mức, hơn nữa lại được trải dài nhiều năm, không phải một một sự phung phí. Chúng ta có thể nghi ngờ về tính khả thi của việc xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng, nhưng còn các chuyến bay lên Sao Hỏa đã có từ thập niên 1970, và đó những chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản để tìm hiểu thêm về không gian, kể cả về lịch sử của chính hành tinh của chúng ta.
Chuyến bay lên Sao Hỏa cũng là dịp khơi lại lòng tự hào dân tộc và biết đâu qua đó có thể thu hút thế hệ trẻ đến với nghiên cứu không gian. Tương tự như các chuyến bay của Appollo ở Mỹ trước đây đã lôi cuốn công chúng trở lại với khoa học kỹ thuật, và nhiều người đã chọn đường nghiên cứu khoa học, không nhất thiết chỉ trong ngành không gian. »
Thật ra tuy nhỏ, nhưng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một quốc gia dầu hỏa giàu có của vùng Vịnh và hiện đã có mặt trong không gian với 9 vệ tinh nhân tạo đang hoạt động trên quỹ đạo và cộng thêm 8 vệ tinh nhân tạo dự trù sẽ được phóng. Vào tháng 09/2019, Hazza al-Mansouri đã là phi hành gia đầu tiên của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bay lên không gian trên phi thuyền Soyouz và cũng là công dân đầu tiên của khối Ả Rập làm việc trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Tham vọng của quốc gia vùng Vịnh này không dừng ở việc phóng một phi thuyền không người lái lên Sao Hỏa, mà họ còn dự tính đưa người lên sống trên hành tinh này từ đây đến năm 2117. Trước mắt, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ xây dựng một « thành phố khoa học » tại vùng sa mạc gần thủ đô Dubai, để mô phỏng các điều kiện sống trên Sao Hỏa, từ đó phát triển các công nghệ cần thiết để con người lên định cư trên hành tinh này.
Chưa hết, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn đang chuẩn bị các dự án khai thác quặng mỏ và du lịch không gian. Họ đã ký một hiệp định với Virgin Galactic, công ty du lịch không gian của nhà tỷ phú người Anh Richard Branson.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện