Tin khắp nơi – 04/08/2020

Tin khắp nơi – 04/08/2020

Bài 1: “Mỹ đang trên đà đi đến đối đầu một cách toàn diện với TQ”

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang chuyển dần thành cuộc chiến toàn diện, đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc “chiến tranh lạnh”. Việt Nam chúng ta cần phải hành động như thế nào để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh này? Cuộc trò chuyện của Nhà báo Huỳnh Phan với Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho chúng ta thấy một phần “bức tranh” này.
Nhà báo Huỳnh Phan: Mới đây, các quan chức cao cấp ba ngành quan trọng trong nội các chính quyền Mỹ là Ngoại giao, Quân sự, Tư pháp đã có những tuyên bố, thông điệp được cho là chỉ trích Trung Quốc hết sức mạnh mẽ, không chỉ về Biển Đông mà còn trong nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội của Trung Quốc. Đây là các động thái ngẫu nhiên, hay đã có kế hoạch của chính quyền Mỹ? Thực chất của các động thái này là gì, nó nằm trong một chiến lược ổn định, dài hạn của nội các Tổng thống Trump, hay chỉ mang tính phương tiện, công cụ để đối phó với áp lực trong nước (như thành tích về chống Covid-19 bị coi là nghèo nàn), hoặc để ‘lấy điểm’ cho kỳ bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11/2020?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là các động thái ngẫu hứng của các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ. Trong tình hình chính trị hiện nay thì khó mà phân biệt các yếu tố chiến thuật với yếu tố chiến lược, nhưng những động thái gần đây của Chính phủ Mỹ chắc chắn là có ý nghĩa chiến lược, bởi vì Mỹ đang trên đà đi đến đối đầu một cách toàn diện với Trung Quốc.
Nước Mỹ đang trong giai đoạn tranh cử Tổng thống, cho nên mọi phát ngôn, mọi chính sách đều hướng đến bầu cử. Việc các  lực lượng cầm quyền đưa ra những chính sách mang tính thủ thuật để phục vụ quá trình bầu cử là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, các hiện tượng chính sách ấy còn được truyền thông tô vẽ, thổi phồng lên nữa. Trong tình trạng như thế khó mà phán đoán chính xác, nhưng tôi cho rằng có cả yếu tố tranh cử lẫn yếu tố chiến lược là sự đối đầu lâu dài với Trung Quốc.
Vừa mới đây chúng ta chứng kiến sự kiện đóng cửa các lãnh sự quán. Đấy là một trong những việc rắc rối nhất của hoạt động ngoại giao. Chúng ta biết Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đôlà kết quả của một cuộc vận động phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong vụ án Bạc Hy Lai, cảnh sát trưởng của Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã tháo chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đôđể trốn.
Nhắc lại chi tiết này để thấy lãnh sự quán là những căn cứ quan trọng, không phải là thứ có thể mang ra làm trò đùa. Để thiết kế lại tất cả các phương tiện thông tin và bảo vệ an ninh của một lãnh sự quán là cả một chi phí khổng lồ. Người Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995, nhưng phải mất nhiều năm sau mới thương lượng xong để mở lại lãnh sự quán. Từ khi mở lại lãnh sự quán đến khi hoạt động một cách an toàn cũng mất nhiều thời gian.
Nói như thế để chúng ta thấy rằng cả yếu tố chiến lược và yếu tố chiến thuật đều hiện hữu ở trong thái độ hiện nay của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Một minh chứng nữa cho kết luận này là thái độ của người Mỹ đối với Luật An ninh Hồng Kong rất kiên quyết, sẵn sàng phá vỡ lịch sử gần một thế kỷ quan hệ giữa Hoa Kỳ với Hồng Kong.
Những chuyện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quan hệ đối ngoại của Việt Nam, bởi vì bất kỳ một quốc gia nào muốn cấu trúc một cuộc chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng có tính chất đối cực đều phải lôi kéo đồng minh và đối tác. Việt Nam là quốc gia cần phải thận trọng nhất trong số các quốc gia Mỹ muốn lôi kéo do vị thế đặc biệt của chúng ta bên cạnh nước CHND Trung Hoa.
Tại sao Mỹ vừa rồi có những hành động kiên quyết với Trung Quốc như vậy? Phải chăng do ông Tập Cận Bình ngày càng xa rời tư tưởng của ông Đặng Tiểu Bình là “Ẩn mình chờ thời”? Việc ông Tập kiên quyết chấn hưng Trung Quốc một cách mạnh mẽ ảnh hưởng đến vị trí số một của Mỹ nên họ mới có những động thái như hiện nay?
-Không hoàn toàn như thế! Tất cả các Tổng thống đều thể hiện tính cách chính trị của mình, trong đó quan trọng nhất là ý thức về lợi ích quốc gia. Những chính sách của Mỹ hiện nay là một cách quan niệm của Tổng thống Trump về lợi ích của nước Mỹ. Ông Trump thay đổi chính sách đối ngoại theo quan điểm mới về lợi ích của nước Mỹ nên buộc ông Tập Cận Bình phải đối phó.
Trung Quốc đang kiếm ăn được trong quan hệ với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình chẳng dại gì thay đổi chính sách để chuốc lấy rắc rối. Ông Tập Cận Bình cũng chưa có thể hiện gì rõ ràng về việc thay đổi chính sách. Các hệ thống truyền thông khắp nơi bình luận, nhận định nhiều về vấn đề này nhưng đấy vẫn là người khác nói chứ không phải ông Tập Cận Bình.
Ông có thể lý giải cụ thể hơn là ông Tập Cận Bình cho người khác nói, hay những phát ngôn đó là ngoài ý muốn của ông ấy?
-Có cả hai tình huống. Hệ thống truyền thông nói cái gì và nói vào lúc nào, nói hùa theo hay nói một cách chủ động… tất cả những việc ấy tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta phân tích.
Trung Quốc mạnh hơn lên, giàu có hơn lên, nhưng liệu Trung Quốc đã đủ hoàn thiện để thay đổi thái độ đối với Mỹ chưa? Tôi nghĩ là chưa. Sự đối phó của Trung Quốc với chính sách hiện nay của Mỹ có vẻ khá lúng túng.  Trong các hành động của Trung Quốc để ứng phó với tình thế mới hiện nay cũng chưa thấy bóng dáng của các chính sách ổn định.
Chính phủ Mỹ đang xét lại toàn bộ quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, không trừ một quốc gia nào. Ở thời điểm này, Trung Quốc chưa có đầy đủ thông tin và kinh nghiệm của thế giới để có thể thay đổi chính sách một cách có hệ thống.
Những diễn biến về chính sách gần đây của chính phủ Mỹ là những biểu hiện ban đầu của một sự thay đổi có tính lâu dài, có tính chiến lược nó trùng với kỳ bầu cử Tổng thống. Còn về chính sách ổn định lâu dài của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc thì đây chưa phải là thời điểm có thể kết luận.
Mấy tháng nữa mới tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng ta chưa biết ai thắng cử, kể cả Tổng thống Trump thắng cử thì ở nhiệm kỳ thứ hai ông ấy cũng sẽ thay đổi một số chính sách cho phù hợp. Trung Quốc kỳ vọng một Tổng thống dễ chịu hơn cho mình, nhưng nếu Tổng thống “khó chịu” này vẫn tiếp tục cầm quyền thì Trung Quốc cũng buộc phải thay đổi chính sách đối với Mỹ. Người ta cần phải sống để làm ăn nên người ta cũng phải thay đổi cho phù hợp các đòi hỏi của nhau. Bản chất của chính sách đối ngoại chính là thay đổi cho phù hợp.
Trung Quốc sẽ thay đổi?
Ông thấy có những cơ sở nào để chứng minh rằng Trung Quốc sẽ thay đổi? Nếu ông Tập không thay đổi thì sao?
-Về nguyên tắc chính trị là họ phải thay đổi. Chỉ có người chết hoặc người điên mới không thay đổi theo tình thế. Trung Quốc sẽ thay đổi nếu Tổng thống Trump thắng cử. Còn nếu ông Trump không thắng cử thì Trung Quốc cũng sẽ thay đổi theo một cách nào đó cho phù hợp.
Vụ căng thẳng về việc Mỹ, Trung Quốc nối tiếp nhau ra lệnh đóng các lãnh sự quán tương ứng của bên kia (tại Houston và Thành Đô) có vị trí ra sao trong “căng thẳng, đối đầu” Mỹ – Trung và có thể dẫn tới đâu?
-Tôi nghĩ đấy là một sự kiện nằm trong hệ thống các sự kiện mô tả giai đoạn đang rất khó chịu giữa Trung Quốc và Mỹ. Đấy là đòn trả đũa lẫn nhau. Việc đóng cửa hay mở cửa trở lại của các cơ quan sứ quán đều là kết quả của tình thế. Đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là hệ quả tình thế của việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Đấy là cách thức cơ bản nhất của hoạt động đối ngoại. Nếu không làm như thế thì cũng chẳng có cách nào khác. Mang quân đến đánh nhau thì không được rồi.
Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô thì chúng ta hiểu rồi, còn Mỹ tại sao lại đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston?
-Chính phủ Mỹ tuyên bố là họ nghi ngờ người Trung Quốc. Nhưng sự nghi ngờ ấy có đúng hay không thì chỉ có cơ quan tình báo của hai bên mới biết được. Nhiều bên thứ ba muốn biết nhưng tôi nghĩ không dễ gì biết được. Người Mỹ nói một cách công khai đấy là cơ sở để cho các gián điệp ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ lẩn trốn vào những lúc cần thiết. Trên các trang mạng quốc tế cũng như trong nước có rất nhiều câu hỏi chi tiết liên quan đến chuyện này.
Việc đóng cửa lãnh sự quán có thể dẫn tới đâu nữa?
-Việc này có thể sẽ diễn ra một lần nữa đối với các lãnh sự quán khác. Các lãnh sự quán ngoài ý nghĩa hoạt động nghề nghiệp còn là những vật thế chấp trong quan hệ đối ngoại. Tất cả những chuyện như vậy đôi khi do cảm hứng ngẫu nhiên của những người phụ trách, còn về tổng thể thì các vật thế chấp luôn được sử dụng trong quá trình mặc cả chính trị.
Họ có thể đóng cửa thêm lãnh sự quán của nhau trước khi tính đến nước cuối cùng là đóng cửa sứ quán, là mức nặng nề nhất?
-Cuộc chơi này không phải là cuộc chơi nhẹ nhàng. Tôi nghĩ mùi vị của sự kiên quyết trong cuộc chơi này cao hơn mức mà những người như chúng ta có thể tưởng tượng. Trong thời điểm chúng ta ngồi đây, có thể ở Trung Quốc đã diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, nơi giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm cả người đương nhiệm và các lão thành, cùng nhau đánh giá tình thế để đưa ra các kế sách.

Mỹ lên án tàu cá TQ

đánh bắt kiểu tận diệt ở quần đảo Galapagos

Mỹ cáo buộc đội tàu cá thương mại Trung Quốc thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt không phép và quá mức quy định.
Quần đảo Galapagos nổi tiếng với số lượng lớn các loài đặc hữu.
Trong tuyên bố được đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/8, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói chính phủ Ecuador đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc hàng trăm tàu mang cờ Trung Quốc đang đánh bắt gần khu bảo tồn biển Galapagos.
Theo tuyên bố này, các tàu của Trung Quốc, vốn là nước có đội tàu cá thương mại lớn nhất thế giới được chính phủ hỗ trợ tài chính, đang đánh bắt các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng để lấy vây, cũng như nhiều loài được bảo vệ khác.
“Trước những hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và thiếu kiểm soát (IUU), phá vỡ quy tắc và cố ý làm suy thoái môi trường của tàu cá Trung Quốc, việc cộng đồng quốc tế cùng nhau đứng lên vì luật pháp và đòi hỏi Bắc Kinh bảo vệ môi trường tốt hơn là quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Pompeo nói trong tuyên bố.
“Chúng tôi kiên quyết ủng hộ các nỗ lực của Ecuador để đảm bảo các tàu mang cờ Trung Quốc không tham gia đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và thiếu kiểm soát và đứng về phía các quốc gia có nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên bị đe dọa bởi việc coi thường luật pháp và hoạt động đánh bắt của các tàu mang cờ Trung Quốc”.
Hải quân Ecuador hôm 16/7 cho biết họ đã phát hiện 260 tàu cá, hầu hết là tàu Trung Quốc, đang neo đậu ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos của nước này, theo Economist.
Chính phủ Ecuador đã phản ứng theo tình huống đối mặt với hành vi xâm phạm, tăng cường tuần tra để đảm bảo các tàu cá nói trên không đi vào vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos. Song cho đến tuần trước, Ecuador mới chính thức phản đối Trung Quốc.
Tổng thống Ecuador, ông Lenín Moreno, cho biết sẽ thảo luận về “mối đe dọa này” với Peru, Colombia, Chile và Panama, các quốc gia ven biển tại khu vực cũng từng bị ảnh hưởng bởi sự việc trong quá khứ, theo Indian Express.
Việc đánh bắt ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos đang đe dọa sự tồn tại của các loài đặc hữu tại đây. Tuy nhiên, Ecuador không thể làm gì nhiều để ngăn chặn các tàu cá nước ngoài, và cũng không có luật điều chỉnh việc đánh bắt ở vùng biển quốc tế, theo Economist.
Không thể biết chính xác sản lượng mà các tàu này đánh bắt được và các tàu Trung Quốc thường báo cáo sản lượng ít hơn thực tế tại cảng của họ. Song Ecuador từng phát hiện sản lượng thực tế trong vụ việc liên quan một tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu bảo tồn biển Galapagos năm 2017.
Giới chức đã phát hiện 300 tấn cá trên tàu, phần lớn là cá nhám búa, một loài vô cùng nguy cấp. Hai phần ba lượng vây cá mập được bán ở các chợ tại Hong Kong thuộc về các cá thể sống ở vùng biển Galapagos.
Bộ trưởng quốc phòng Ecuador cho biết sự việc xảy ra hàng năm, khi các tàu tiến đến giới hạn ngoài của quần đảo Galapagos, ngoài vùng đặc quyền của đất nước. Năm ngoái, 245 tàu cá Trung Quốc được phát hiện ở khu vực mà Ecuador không có quyền tài phán.
Nằm ở Thái Bình Dương, cách đất liền Ecuador khoảng 900 km, quần đảo Palagos nổi tiếng với số lượng lớn các loài đặc hữu. UNESCO công nhận quần đảo là di sản thế giới năm 1978 và là khu dự trữ sinh quyển năm 1985.

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc phải ngừng đánh cá

 ‘tận diệt’ ở Ecuador

Quý Khải
Rạng sáng thứ Hai (3/8), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng thông cáo báo chí lên án các hoạt động đánh bắt cá trái phép và ‘tân diệt’ của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador tại khu vực Trung Mỹ, gây tổn hại môi trường biển.
Đầu thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ cho biết:
“Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã hỗ trợ đội tàu cá thương mại lớn nhất thế giới, thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt cá trái phép và vượt số lượng quy định”.
Ông cho biết trước những hành vi đánh bắt cá “trái phép, bí mật, vô độ và phá luật, làm xói mòn môi trường biển” này, cộng đồng quốc tế cần “đứng lên để bảo vệ thượng tôn luật pháp và yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với môi trường tại đây”.
Nhà ngoại giao đứng đầu chính quyền Mỹ đã trích dẫn ví dụ về Ecuador, khen ngợi nước này đề cao cảnh giác trước việc hàng trăm tàu cá mang cờ Trung Quốc hoạt động phi pháp gần khu bảo tồn biển Galapagos của nước này, “đánh bắt các loài cá mập tuyệt chủng để lấy vây, cũng như nhiều loài được bảo vệ khác”, ví dụ như rùa và chim.
Theo Daily Mail, quy mô đánh bắt cá là rất lớn, với một đội tàu cá gồm 265 chiếc trải dài hơn 300 dặm, thậm chí có thể quan sát trên ảnh vệ tinh (ảnh dưới).
Ba năm trước, khi một tàu cá Trung Quốc bị chặn khi tiến vào vào vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo Galapagos, giới chức Ecuador đã phát hiện 300 tấn vây cá mập đầu búa đông lạnh.
Theo báo cáo của tờ Economist, hai phần ba số vây cá mập đầu búa tại Hồng Kông đến từ khu vực Galapagos.
Không chỉ vậy, đội tàu cá Trung Quốc còn xả ra biển 25,000 chai nhựa mỗi ngày. Trong 3 tháng đầu năm ngoái, có đến 8 tấn rác thải nhựa do đội tàu cá xả ra biển được thu thập. Theo Esme Plunkett, một nhà sinh học người Anh lân cận, sẽ cần đến 450 năm để đống rác thải này phân hủy, gây tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái. Nhiều loài sinh vật biển, gồm cự đà, rùa và sư tử biển, đã bị mắc kẹt trong các tấm lưới nhựa hay ăn phải đồ nhựa do nhầm lẫn với thức ăn.
Trước đây, Ecuador đã tỏ ra nhún nhường trước Trung Quốc do mắc kẹt trong bẫy nợ trị giá 6 tỷ USD khi tham gia dự án Vành đai & Con đường của nước này. Tuy nhiên, gần đây chính quyền quốc gia Nam Mỹ này đã thay đổi thái độ, tỏ ra cương quyết hơn đối với các hành vi sai trái của Trung Quốc.
Đầu tuần trước, trao đổi với tờ báo Anh The Guardian, cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador, Yolanda Kakabadse, cùng cựu thị trưởng thủ đô Quito, ông Roque Sevilla cho biết họ đang thiết lập một “chính sách bảo vệ” nhằm yêu cầu đội tàu Trung Quốc không trở lại, thực thi các thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ các loài động vật di cư và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế lên đến bán kính 350 dặm từ các đảo.
Viết trên Twitter cá nhân hôm thứ Bảy (1/8), Tổng thống Ecuador Lenín Moreno cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng việc bảo tồn hệ sinh thái quanh quần đảo Galápagos. Ông viết:
“Chúng tôi bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế quanh Khu bảo tồn biển Galápagos, một trong những khu vực đánh cá trù phú nhất và một điểm nóng sinh thái trên toàn cầu”.
Cuối thông cáo, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ “mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của Ecuador nhằm đảm bảo các tàu cá mang cờ Trung Quốc không tham dự hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo trước
và mất kiểm soát. Mỹ cũng sẽ đứng cùng các nước có nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa bởi các tàu Trung Quốc bất chấp luật pháp và quy định đánh cá hợp lệ”.

TikTok – mục tiêu mới

của tổng thống Mỹ Donald Trump

Thùy Dương
Cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Sau Hoa Vi, giờ đến lượt mạng xã hội TikTok, vốn rất được giới trẻ ưa chuộng, với gần 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới, lọt vào tầm ngắm của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng ứng dụng TikTok là của Trung Quốc và có thể chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, gây nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ.
Tiktok là gì ?
Tiktok là ứng dụng chia sẻ những đoạn video ngắn, do Kevin Mayer, một người Mỹ từng tham gia công việc điều hành ở hãng Walt Disney, làm chủ tịch – tổng giám đốc. TikTok có trụ sở tại Los Angeles, nhưng trên thực tế, TikTok thuộc về công ty ByteDance của Trung Quốc, và là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin ở Trung Quốc. Ra đời cách nay 4 năm, nhưng phải đợi đến năm 2019, và nhất là kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì mạng xã hội này mới bất ngờ phát triển mạnh, thu hút được nhiều “tín đồ”, chủ yếu là giới trẻ, nhất là thiếu niên.
Gần đây, Tiktok được truyền thông quốc tế nói đến nhiều. TikTok hồi đầu tháng 07 thông báo rời Hồng Kông khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính này. Nhưng điều không mấy được nhắc đến, theo Le Monde ngày 01/08, là các quy định về điều kiện sử dụng của mạng này vẫn ghi rõ là dữ liệu của người dùng có thể được chia sẻ với các thành viên khác, chi nhánh khác, hoặc với các công ty khác của tập đoàn, có nghĩa là thông tin cá nhân người dùng TikTok có thể bị chuyển về Trung Quốc.
Trước đó là vụ TikTok cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc bị New Delhi cấm hoạt động tại Ấn Độ hồi cuối tháng Sáu để “bảo đảm an ninh và chủ quyền không gian mạng của Ấn Độ”, sau khi hai nước xảy ra xung đột ở biên giới. Tại quốc gia Hồi Giáo Pakistan, láng giềng của Ấn Độ, TikTok bị chính quyền cảnh cáo vì có những nội dung “vô đạo đức, tầm thường và tục tĩu”. Pakistan yêu cầu TikTok gỡ bỏ những video có nội dung như vậy.
Hồi năm 2019, TikTok bị FTC, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ, phạt 5,7 triệu đô la vì thu thập và quản lý trái phép dữ liệu của người dùng dưới 13 tuổi. Hồi tháng Sáu 2020, ứng dụng của ByteDance cũng bị Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Liên Hiệp Châu Âu nhắm tới, thông qua việc triển khai một nhóm công tác để tìm hiểu cách thức hoạt động của TikTok tại châu Âu.
Tiktok là “ngựa gỗ thành Troie” của Trung Quốc ?
Tại Mỹ, lần này mọi chuyện bắt đầu từ ngày 08/07/2020. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, tổng thống Donald Trump nhiều lần dọa cấm mạng xã hội Tiktok hoạt động tại Mỹ. AFP ngày 29/07 cho biết, ông Peter Navarro, một cố vấn thân cận của tổng thống Donald Trump, một nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và cũng là người ủng hộ cuộc chiến thương mại chống Bắc Kinh, tố cáo việc TikTok gửi tất cả các dữ liệu về máy chủ ở Trung Quốc và gửi thông tin trực tiếp cho quân đội Trung Quốc, đảng Cộng Sản Trung Quốc và các cơ quan Nhà nước Trung Quốc, vốn muốn đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Đến ngày 31/07, chủ nhân Nhà Trắng lại khẳng định với các nhà báo là sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Ông Trump cho rằng ứng dụng của ByteDance có thể có kẽ hở về an ninh. Đến hôm qua 03/08, tổng thống Mỹ mới bật đèn xanh cho phép Microsoft thương lượng mua lại Tiktok với điều kiện hai bên phải đạt thỏa thuận trước ngày 15/09, nếu không TikTok sẽ bị cấm hẳn.
Trong thời gian qua, Washington lo ngại Bắc Kinh sử dụng Tiktok để gây hại cho Mỹ, chẳng hạn thông qua việc Byte Dance đánh cắp thông tin cá nhân người dùng Mỹ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Liệu Tiktok có phải là “ngựa gỗ thành Troie” của Trung Quốc ? Các nhà lãnh đạo của mạng xã hội TikTok đương nhiên phủ nhận điều đó. Trước đây, TikTok đã thường xuyên bác bỏ các mối liên hệ với Bắc Kinh, phủ nhận việc chia sẻ các dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và khẳng định không có ý định chấp nhận những đòi hỏi kiểu như vậy từ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuần báo Pháp Le Journal Du Dimanche hôm 01/08 cho biết, cách nay vài ngày, để trấn an chính quyền Mỹ và cả công chúng, TikTok cam kết sẽ đảm bảo tính minh bạch cao và nhất là cho phép các cơ quan chức năng kiểm tra các thuật toán của TikTok.
Ngày 29/07, chủ tịch – tổng giám đốc Kevin Mayer tuyên bố Tiktok không làm chính trị, không chấp nhận các quảng cáo chính trị và mục tiêu duy nhất của họ là vẫn duy trì ứng dụng này như một mạng xã hội năng động được tất cả mọi người đánh giá cao. Ông chủ của TikTok cũng nhấn mạnh “TikTok đã trở thành mục tiêu mới nhất bị Mỹ nhắm đến nhưng chúng tôi không phải là kẻ thù của nước Mỹ”.
Về phía các cơ quan chức năng của Mỹ, CFIUS, ủy ban liên ngành chịu trách nhiệm thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài tại Mỹ để bảo đảm an ninh quốc gia, đã mở một cuộc điều tra về TikTok. James Lewis, lãnh đạo chương trình chính sách công nghệ của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chiến lược, đánh giá nguy cơ an ninh từ việc sử dụng TikTok “gần như bằng 0”, nhưng ông thừa nhận “ByteDance có thể bị Bắc Kinh gây sức ép”.
TikTok và chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ
Đối với tổng thống Mỹ Donald Trump, TikTok không chỉ là một mạng xã hội của Trung Quốc, mà còn là một công cụ được các đối thủ chính trị trong nước sử dụng để chống lại ông.
Hồi cuối tháng 06, nhiều thanh thiếu niên Mỹ, những fan hâm mộ K-pop, đã kêu gọi các tín đồ TikTok đăng ký nhưng không đến tham dự buổi meeting vận động tranh cử của ông Trump tại Tulsa (Oklahoma). Kết quả là buổi meeting của tổng thống Trump diễn ra ở sân vận động có khả năng chứa 22.000 người nhưng cuối cùng chỉ có 6.200 người tham dự. Một vài ngày sau, nhóm ủng hộ ứng viên Joe Biden của phe Dân Chủ thông báo đã tuyển dụng Mary Joe Laupp, người được gọi là “TikTok Grandma”, một trong những người sử dụng TikTok đã kêu gọi tẩy chay buổi meeting của ông Trump tại Tulsa.
Còn theo Le Monde ngày 29/07, trong một bức thư đề ngày 28/07 gửi đến giám đốc cơ quan tình báo quốc gia (DNI), lãnh đạo bộ An Ninh Nội Địa (DHS) cũng như giám đốc FBI, thượng nghĩ sĩ của đảng Cộng Hòa Marco Rubio của bang Florida, thượng nghị sĩ bang Arkansas, Tom Cotton và nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác tố cáo TikTok đã kiểm duyệt một số nội dung, chẳng hạn video về số phận người Hồi Giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Bức thư cũng đề cập đến những ý đồ của đảng Cộng Sản Bắc Kinh trong việc kiểm soát TikTok, qua đó bóp méo thông tin, nội dung các diễn văn chính trị để gây bất hòa trong xã hội Mỹ, can dự vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020.

Tổng thống Trump: Trước ngày 15/9 không đạt

được thỏa thuận thu mua sẽ cấm TikTok

Bình luậnĐông Phương
Hôm 3/8, Tổng thống Hoa Kỳ Trump tuyên bố rằng ông không phản đối việc Microsoft mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, nhưng nếu không thể đạt được thỏa thuận thu mua trước ngày 15/9, TikTok sẽ bị cấm ở Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump nói rằng ông đã đồng ý với ý tưởng mua lại TikTok của Microsoft với điều kiện giao dịch này sẽ phải trả cho chính phủ liên bang một “số tiền lớn”.
Ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 3/8 rằng: “Tôi không bận tâm liệu đó là Microsoft hay là công ty khác, các công ty lớn, công ty bảo mật và rất nhiều công ty Mỹ muốn mua nó (TikTok)”.
“Trừ khi Microsoft hoặc các công ty Mỹ khác có thể mua nó và đạt được một thỏa thuận, một thỏa thuận phù hợp mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ có được một khoản từ đó, nếu không thì nó (TikTok) sẽ bị đóng cửa vào ngày 15/9″. Tổng thống Trump nói.
Nghị sĩ hai đảng ủng hộ công ty Mỹ thu mua TikTok
Một số quan chức Hoa Kỳ nói rằng vì TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, nên tồn tại một rủi ro an ninh quốc gia đó là dữ liệu cá nhân có thể bị ĐCSTQ thu thập. Buổi tối ngày 31/7, Tổng thống Trump nói rằng ông có kế hoạch cấm TikTok tại Hoa Kỳ.
Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói trên Twitter hôm 3/8 rằng: “Các công ty Hoa Kỳ nên mua TikTok để mọi người có thể tiếp tục sử dụng, hơn nữa dữ liệu của bạn sẽ được bảo đảm an toàn”.
Ông nói thêm: “Điều này liên quan đến vấn đề quyền riêng tư. Ở Trung Quốc, TikTok phải tuân theo luật pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vậy nên có khả năng họ được yêu cầu chuyển dữ liệu cho chính phủ (ĐCSTQ) của họ”.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm Lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy, Thượng nghị sĩ thâm niên Marco Rubio, v.v. đều đưa ra tuyên bố ủng hộ việc Microsoft mua lại mảng kinh doanh ở Mỹ của TikTok.
Navarro: Nếu Microsoft mua lại TikTok, họ nên tách cổ phần của họ tại Trung Quốc
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đề xuất rằng nếu Microsoft muốn mua TikTok – ứng dụng video ngắn do Trung Quốc sở hữu, họ có thể xem xét việc thoái vốn cổ phần của Microsoft tại Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 3/8, ông Navarro nói: “Câu hỏi đặt ra là Microsoft có thỏa hiệp (với ĐCSTQ) không? Có lẽ Microsoft có thể thoái vốn cổ phần của mình tại Trung Quốc?”.
Ông Navarro nói rằng chính phủ và quân đội Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng phần mềm của Microsoft để “làm mọi thứ họ muốn”.
“Vì vậy, đây không phải là một công ty ‘mũ trắng’. Vâng, đây là một công ty Mỹ… Đây rõ ràng là một công ty đa quốc gia trị giá hàng tỷ đô-la đã kiếm được hàng tỷ-đô la tại Trung Quốc”, ông nói.
Ông Navarro cũng đề cập đến công cụ tìm kiếm Bing và nền tảng Skype của Microsoft, nói rằng chúng (những phần mềm này) đã “thúc đẩy việc kiểm duyệt, theo dõi và giám sát một cách hiệu quả cho Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ giám sát vụ thu mua
Microsoft cho biết vào hôm 2/8 rằng CEO Satya Nadella của Microsoft đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Trump về việc thu mua TikTok. Sau đó, Microsoft đã đưa ra một tuyên bố xác nhận rằng họ sẽ tiếp tục đàm phán với ByteDance – công ty mẹ của TikTok tại Bắc Kinh để có được ứng dụng xã hội TikTok, với mục tiêu hoàn thành là vào ngày 15/9.
Microsoft cho biết họ dự định mua dịch vụ của TikTok tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand và sẽ tiếp tục vận hành ứng dụng tại các thị trường này. Công ty công nghệ này nói thêm rằng họ “có thể” mời các nhà đầu tư Mỹ khác tham gia mua lại “với tư cách là thiểu số”.
Các cuộc đàm phán giữa ByteDance và Microsoft sẽ được giám sát bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ có quyền chặn bất kỳ thỏa thuận nào.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết hôm 2/8 rằng Hoa Kỳ có thể yêu cầu cưỡng chế bán TikTok hoặc cũng có thể cấm ứng dụng này.
Đông Phương
Theo The Epoch Times

TT Trump: Nếu Microsoft mua TikTok,

phải trả ‘phần trăm’ cho Bộ Tài chính

Tổng thống Trump chiều 3/8 lặp lại rằng ông không có vấn đề gì đối với việc Microsoft hay bất kỳ một công ty công nghệ nào của Mỹ mua lại TikTok do Trung Quốc sở hữu, nhưng ông nói rằng “một tỷ lệ phần trăm lớn” của thương vụ cần phải được nộp cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Tuần trước, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ cấm TikTok vì vấn đề an ninh quốc gia, đồng thời cho biết ông đã có một cuộc đàm thoại tuyệt vời với giám đốc điều hành của Microsoft và sẽ dễ dàng hơn nếu Microsoft mua lại toàn bộ TikTok thay vì chỉ mua 30%.
“Tôi nghĩ mua 30% sẽ phức tạp và tôi đề nghị với ông ấy [Giám đốc điều hành của Microsoft] là cứ làm, ông ấy có thể thử”, Tổng thống Trump cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 3/8.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Microsoft xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đang xem xét việc mua lại TikTok ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng một phần số tiền mua TikTok sẽ phải thuộc về Bộ Tài chính Hoa Kỳ vì nó khiến cho thương vụ trở nên khả thi.
“Chúng ta xứng đáng hưởng một tỷ lệ phần trăm lớn của giá bán nộp vào Bộ Tài chính”, ông Trump nói. “Nó có một chút giống như giữa chủ nhà và người thuê nhà. Không có hợp đồng thuê, người thuê không có gì. Vì vậy họ trả cho cái gọi là ‘tiền sang tay’”, tổng thống Mỹ nói thêm.
Cho tới nay, thương vụ sang tay lớn nhất của Microsoft là mua lại mạng xã hội LinkedIn vào năm 2016 với giá 27 tỷ USD. Theo định giá của nhà đầu tư ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok, ứng dụng TikTok sẽ có giá khoảng 50 tỷ USD, theo Reuters.
Cũng trong ngày 3/8, ông Trump cho biết TikTok sẽ có thời hạn đến ngày 15/9 để chốt lại thương vụ trước khi đối mặt với lệnh cấm của Hoa Kỳ.
Sự trỗi dậy của ứng dụng TikTok là một phần trong những lo ngại của chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc giữa lúc hai bên đang diễn ra cuộc chiến thương mại. Các giới chức chính quyền Trump nói rằng TikTok cung cấp thông tin người sử dụng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, TikTok khẳng định “dữ liệu về người dùng Mỹ được TikTok lưu trữ tại Hoa Kỳ”.

Sinh viên TQ tại Mỹ: ’Cả Mỹ và Trung Quốc

đều không muốn chúng tôi’

Zhaoyin Feng
Bị kẹt ở nước ngoài vì đại dịch virus corona và áp lực bởi căng thẳng chính trị, sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ đang nghĩ lại về nước chủ nhà và quê hương.
Tám năm trước, Shizheng Tie, lúc đó 13 tuổi, chuyển từ Trung Quốc đến vùng nông thôn Ohio với một mục đích duy nhất: giáo dục. Shizheng Tie từng có một giấc mơ Mỹ, nhưng bây giờ nói rằng cô đang phải đối mặt với sự thù địch ở đất nước này.
“Là một người Trung Quốc sống ở Mỹ, tôi rất sợ,” cô nói. Tie, hiện là sinh viên năm cuối tại Đại học Johns Hopkins, mô tả Mỹ là một nơi “chống Trung Quốc” và “hỗn loạn”.
Khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học tại các trường học ở Mỹ. Trong những tháng qua, họ trải qua hai sự kiện lịch sử – đại dịch toàn cầu và căng thẳng chưa từng thấy giữa Mỹ và Trung Quốc, những điều định hình lại quan điểm của họ về hai quốc gia.
‘Chính trị hóa’ và ‘lo lắng’
Phần lớn sinh viên Trung Quốc tại Mỹ tự tài trợ và hy vọng nền giáo dục phương Tây của họ sẽ cho họ một sự nghiệp tốt.
Trong khi đó, Washington cảnh báo rằng không phải tất cả sinh viên từ Trung Quốc đều “bình thường”, cho rằng một số người là ủy viên của Bắc Kinh, đến Mỹ để làm gián điệp kinh tế, cổ súy quan điểm thân Trung Quốc và giám sát các sinh viên Trung Quốc khác trong các cơ sở của Mỹ.
Chính quyền Trump gần đây đã hủy Visa cho 3.000 sinh viên mà họ tin rằng có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thậm chí còn đề nghị công dân Trung Quốc nên bị cấm học toán và khoa học ở Mỹ.
Giữa những tuyên bố gay gắt, nhiều sinh viên Trung Quốc sợ rằng họ đang bị biến thành mục tiêu chính trị cho Washington.
Tie, đang theo ngành khoa học môi trường, nói rằng cô bi quan về tương lai học của mình ở Mỹ, vì sự kiểm soát ngày càng tăng đối với sinh viên và học giả Trung Quốc trong các ngành khoa học và công nghệ.
“Tôi từng nghĩ mình sẽ lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ và có lẽ định cư ở đây, nhưng giờ tôi thấy mình sẽ trở về Trung Quốc sau khi lấy bằng thạc sĩ”, Tie nói.
Yingyi Ma, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Syracuse, nói rằng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ hiện đang “bị chính trị hóa và bị gạt ra ở mức độ chưa từng thấy”, vì Washington đang gửi “những tín hiệu rất không thân thiện”.
Các mối quan hệ song phương căng thẳng đã làm chao đảo dư luận, khi một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 73% người Mỹ trưởng thành có quan điểm bất lợi về Trung Quốc – cao nhất trong lịch sử.
Giáo sư Ma xuất bản một cuốn sách có tên Ambitious and Anxious vào tháng Giêng năm nay, tập trung vào kinh nghiệm của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ.
“Nếu tôi viết cuốn sách này bây giờ, tôi sẽ chỉ giữ ‘lo lắng’ trong tựa đề,” bà nói.
Quê nhà cũng ‘không đón nhận’
Khi virus corona tiếp tục lây lan ở Mỹ, Tie muốn quay trở lại Trung Quốc, nơi dịch bệnh dường như phần lớn được kiểm soát.
Nhưng Bắc Kinh đã ra lệnh cắt giảm mạnh các chuyến bay quốc tế để ngăn chặn ca nhiễm từ ngoại quốc, khiến nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài bị mắc kẹt trong hoàn cảnh phải xa gia đình hàng ngàn dặm.
Trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, một số ý kiến miêu tả những sinh viên này là những đứa trẻ được cưng chiều, đã trốn khỏi hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của đất nước và bây giờ có thể làm ngành giáo dục mất thành công vì chứa virus.
“Mỹ muốn đuổi chúng tôi ra, trong khi Trung Quốc không cho phép chúng tôi quay trở lại”, Tie nói.
Nhiều sinh viên Trung Quốc tại Mỹ chia sẻ cảm nhận này.
Iris Li, một sinh viên năm thứ hai, 20 tuổi đến từ Trung Quốc, học tại Đại học Emory ở Atlanta, mô tả hoàn cảnh của họ là “bị đá như một quả bóng” giữa hai nước.
“Chúng tôi đang là nạn nhân của cả hai bên,” Li nói.
Kỳ thị ‘tăng’ hỗ trợ cho Bắc Kinh
Sau khi lo lắng cho đại dịch bùng phát ở quê nhà từ xa, những thanh niên Trung Quốc này hiện đang chứng kiến cuộc khủng hoảng virus corona ở Mỹ.
Họ bối rối vì sự khác biệt văn hóa liên quan đến việc đeo khẩu trang. Họ thấy bất an với việc sử dụng cụm từ “cúm Kung” và “virus Trung Quốc” của tổng thống Trump. Một số thậm chí đã trực tiếp trải qua sự kỳ thị chủng tộc.
Một bài báo viết rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Trung Quốc tăng hỗ trợ cho sự cai trị độc đoán của Bắc Kinh trong số các sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Jennifer Pan, đồng tác giả của bài báo và giáo sư phụ môn truyền thông tại Đại học Stanford, nói rằng có một niềm tin chung rằng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài được truyền giáo để hết lòng ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Sự thật không phải như vậy,” Giáo sư Pan nói, “Điều làm thay đổi quan điểm chính trị của họ là phân biệt chủng tộc.”
Nghiên cứu cho thấy sinh viên năm thứ nhất đại học từ Trung Quốc đọc những bình luận xúc phạm người Trung Quốc, có nhiều khả năng ủng hộ Bắc Kinh, trong khi chỉ trích chung chống lại việc xử lý virus corona của Bắc Kinh không tạo ra tác dụng tương tự.
Giáo sư Pan nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, tham dự câu trả lời khảo sát, khá “trưởng thành, tinh tế và chu đáo cho tuổi của họ”, và có thể xử lý một cách hợp lý sự chỉ trích Trung Quốc.
Suy nghĩ lại về Trung Quốc và Mỹ
Mặc dù thất vọng về sự hạn chế đi lại của Trung Quốc, Tie nói rằng cô đã trở nên yêu nước hơn kể từ khi sống ở nước ngoài.
“Tôi từng tin rằng nước Mỹ là một xứ sở thần tiên của những giấc mơ, sự bình đẳng và khoan dung cho tất cả mọi người. Tôi chắc chắn không tin điều đó nữa”, cô viết trên tờ báo của trường vào tháng Sáu, chỉ trích tinh thần “chống Trung Quốc” của Mỹ.
Vào tháng Hai, Tie viết một bản kiến nghị trực tuyến, phản đối trường đại học của cô tổ chức một hội thảo với các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong.
Nhưng Tie nói rằng cô không bị “nhuốm hồng”, một thuật ngữ hơi miệt thị đối với thanh niên quốc gia Trung Quốc hoạt động trên internet.
“Tôi yêu nước một cách hợp lý, không phải là kết quả của việc tẩy não”, Tie nói và thêm rằng cô chỉ trích cả Washington lẫn Bắc Kinh, trích dẫn việc thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc.
“Cả hai quốc gia đã làm tôi thất vọng nhiều lần”, Tie nói, “nhưng Trung Quốc là quê hương tôi, vì vậy tôi sẵn sàng chịu đựng sự thất vọng đó”.
Tương tự như Tie, Li dự định trở về Trung Quốc sau khi học xong, với những hiểu biết đã được thay đổi về quê hương và nước sở tại.
Đầu tháng Bảy, Washington tuyên bố chính sách cấm sinh viên nước ngoài ở lại Hoa Kỳ, nhưng quyết định này đã bị hủy bỏ sau khi nhận được làn sóng chỉ trích.
“Nó làm tôi cảm thấy hy vọng về Mỹ”, Li nói, “Điều này sẽ không xảy ra ở Trung Quốc.”
Các sinh viên xã hội học và nghiên cứu tôn giáo nghĩ rằng đại dịch đã cho thấy những lợi thế và điểm yếu của cả hai hệ thống chính trị. Trong khi chính phủ Trung Quốc dường như hành động hiệu quả hơn, Mỹ cho phép bất đồng chính kiến, và đôi khi, họ có thể sửa chữa sai lầm của chính mình.
Giáo dục Mỹ đã khiến cô “chống Trung Quốc nhiều hơn”, Li vừa nói vừa cười.
Cô nhớ lại cảm giác “rất khó chịu” khi lần đầu tiên đến Mỹ sáu năm trước và thấy các sinh viên cùng trường vẫy cờ Đài Loan, được xem ở Trung Quốc đại lục là biểu tượng cho nền độc lập của Đài Loan.
Nhưng sau khi làm quen với các sinh viên Đài Loan, cô nhận ra rằng mặc dù quan điểm của họ có thể hoàn toàn khác nhau, họ có thể thảo luận các vấn đề trong tinh thần tôn trọng nhau, điều được khuyến khích trong các lớp học ở Mỹ.
“Học tập tại Mỹ là một trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời tôi”, một điều mà Li nói rằng không cô bao giờ hối tiếc. “Nhưng tôi rất muốn giúp thay đổi Trung Quốc, nơi công việc của tôi có thể có ý nghĩa hơn.”

Khoản hỗ trợ đại dịch trị giá hàng trăm triệu USD

 của Hoa Kỳ được chuyển đến các công ty Trung Quốc

Bình luậnNguyễn Minh
Theo một báo cáo mới, hàng trăm triệu USD từ tiền thuế của Hoa Kỳ đã được chuyển từ Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) đến các công ty Trung Quốc. Được biết khoản tiền này được thiết lập để giúp các doanh nghiệp nhỏ sống sót trong đại dịch.
Công ty tư vấn Horizon Advisory đã thực hiện một đánh giá dựa trên dữ liệu cho vay công khai của PPP. Báo cáo đánh giá cho thấy, khoản vay trị giá 192 triệu USD (khoảng 4,44 nghìn tỷ VNĐ) đến 419 triệu USD (khoảng 9,7 nghìn tỷ VNĐ) đã được trao cho hơn 125 công ty thuộc sở hữu hoặc có cổ phần đầu tư của Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Nhiều khoản vay có trị giá rất lớn, ít nhất 32 công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc nhận được hơn 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ VNĐ) từ chương trình PPP, với tổng số tiền lên tới từ 85 triệu USD (khoảng 1,96 nghìn tỷ VNĐ) đến 180 triệu USD (khoảng 4,16 nghìn tỷ VNĐ).
Các công ty được nhận khoản vay trong chương trình PPP bao gồm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các công ty hỗ trợ chương trình phát triển quân sự Bắc Kinh, các công ty trong danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các cơ quan truyền thông do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát.
Nhiều công ty trong số này chuyên về các ngành công nghiệp quan trọng như hàng không vũ trụ, dược phẩm và sản xuất chất bán dẫn. Đây là những lĩnh vực mà ĐCSTQ xem là ưu tiên để phát triển, nhằm phục vụ cho tham vọng thống trị toàn cầu của chế độ này, với mục tiêu thay thế các đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Báo cáo kết luận rằng, “nếu không có sự bảo vệ và giám sát phù hợp với [việc thực hiện] các chính sách về tiền thuế của Hoa Kỳ nhằm cứu trợ, phục hồi, và tăng trưởng nền kinh tế Hoa Kỳ; thì có một rủi ro lớn là các quỹ hỗ trợ [sẽ chảy vào túi] các đối thủ chiến lược nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc”.
Phần nhiều trong số các công ty có liên kết với Trung Quốc này có thể đã khai thác các nguồn vốn khác từ các thị trường công cộng hoặc tư nhân để hỗ trợ các hoạt động của họ tại Mỹ, báo cáo cho biết.
“Sự tham gia vào chương trình PPP đã cứu [các công ty Trung Quốc] tại Hoa Kỳ, nhưng có thể là lấy từ chi phí của các doanh nghiệp nhỏ khác của Hoa Kỳ”, theo báo cáo đánh giá.
Những phát hiện của công ty Horizon Advisory được đưa ra trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ tại Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ.
Ngày 3/8, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ cấm ứng dụng video TikTok của Trung Quốc  vào ngày 15/9 nếu ứng dụng này không được bán cho Microsoft hoặc một công ty khác của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang xem xét việc cấm các ứng dụng mạng xã hội khác của Trung Quốc, vì quan ngại rủi ro an ninh quốc gia.
Các quan chức Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng các ứng dụng này có thể được sử dụng để giám sát người Mỹ, vì luật pháp Trung Quốc quy định tất cả các công ty phải hợp tác với các cơ quan an ninh khi được yêu cầu.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang xem xét liệu việc yêu cầu các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ phải tuân thủ luật kiểm toán của Hoa Kỳ. Chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép các nhà quản lý Hoa Kỳ truy cập vào sổ sách kiểm toán của các công ty Trung Quốc, với lý do đó là thông tin thuộc về bí mật quốc gia.
Khoảng 517 tỷ USD (tương đương 11,9 triệu tỷ VNĐ) cho vay từ Chương trình hỗ trợ PPP đã được giải ngân kể từ tháng Ba. Chương trình cứu trợ này được đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp có ít hơn 500 công nhân thanh toán lương cho nhân viên và chi trả các hóa đơn của họ trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Chương trình cứu trợ này đã vấp phải nhiều chỉ trích sau khi các báo cáo cho thấy rằng các công ty lớn đã được hưởng các hình thức tín dụng khác cũng được duyệt vay từ chương trình của PPP. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo rằng, các công ty lớn đã tham gia vay vốn từ chương trình này có thể phải đối mặt với các hình phạt nếu các công ty đó không thể chứng minh được các khoản vay đó là cần thiết.
Báo cáo đánh giá của công ty Horizon Advisory cho thấy, các khoản vay đã được chuyển đến các chi nhánh của 3 công ty Trung Quốc bị liệt vào “danh sách đen” của Lầu Năm góc, gồm 20 công ty thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá cũng cho thấy, có 6 công ty nhận khoản vay từ chương trình PPP liên kết với các công ty nhà nước cung cấp vũ khí cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó có: Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) và Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Tập đoàn Norinco).
Các công ty công nghệ sinh học liên kết với nhà nước Trung Quốc cũng đã được xác định, trong đó có công ty Dược phẩm Dendreon có trụ sở tại California đã nhận được từ 5 triệu (khoảng 115,6 tỷ VNĐ) đến 10 triệu USD (khoảng 231,2 tỷ VNĐ) từ các khoản vay theo hình thức PPP. Công ty Dendreon thuộc sở hữu của Nanjing Xinbai – một công ty trực thuộc một tập đoàn công nghệ có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.
Công ty chế tạo robot và AI có trụ sở tại California, CloudMinds Technology Inc. đã nhận được khoản vay từ 1 triệu (khoảng 23,12 tỷ VNĐ) đến 2 triệu USD (khoảng 46,24 tỷ VNĐ). Đây là một công ty con của CloudMinds có trụ sở tại Bắc Kinh -vốn bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen hồi tháng Năm do công ty này có các mối quan hệ với PLA.
Một công ty con tại Mỹ của Phoenix TV cũng đã nhận được các khoản vay theo hình thức PPP. Được biết, Phoenix TV có trụ sở tại Hong Kong và là một hãng truyền thông ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Tuy Phoenix TV là một công ty tư nhân, nhưng theo một báo cáo năm 2019 của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford cho biết, Phoenix TV “được kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ Trung Quốc”.
Quốc hội Hoa Kỳ và chính quyền Tổng thống Trump hiện đang thảo luận gói kích thích kinh tế thứ 2 có khả năng bao gồm nhiều nguồn tài trợ hơn chương trình PPP. Một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa mới đây đã đề xuất dự luật về các gói kích thích kinh tế nhằm gạt bỏ các công ty có liên kết với chính quyền Trung Quốc khỏi các chương trình cho vay. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu dự luật này có được bao gồm trong gói cứu trợ sắp tới hay không.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Công tố viên New York

mở rộng điều tra ‘hành vi phạm tội’ của Trump

Một công tố viên ở New York đang yêu cầu xem hồ sơ khai thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng ông đang điều tra báo cáo “hành vi tội phạm kéo dài tại Trump Organization”.
Hồ sơ nộp tòa án hôm thứ Hai cho thấy cuộc điều tra này rộng hơn nhiều, so với mục đích ban đầu về các khoản thanh toán tiền ông Trump bị cáo buộc được trả cho hai người phụ nữ nói rằng họ có quan hệ với ông.
Tháng trước tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng các công tố viêncó quyền được xem hồ sơ khai thuế.
Ông Trump đã nhiều lần bác bỏ cuộc điều tra, là “cuộc săn phù thủy”.
Công tố viên quận Manhattan, Cyrus Vance Jr đã trình trát hầu tòa đòi xem xét tám năm khai thuế cá nhân và doanh nghiệp của ông Trump, điều mà Trump Organization đang thách thức.
Tổng thống Cộng hòa cáo buộc công tố viên Manhattan, một người đảng Dân chủ, là theo đuổi mối thù chính trị.
Tuần trước, các luật sư của ông Trump đệ đơn khiếu nại cho rằng trát đòi hầu tòa “vượt quá giới hạn” và được ban hành với mục đích xấu.
Đáp trả đơn khiếu nại của Trump, qua tài liệu tòa nộp hôm thứ Hai, luật sư của công tố viên Cyrus Vance Jr nói rằng cáo buộc về hoạt động tội phạm tại Trump Organization đã có từ “hơn một thập niên”.
Giới luật sư của ông trích dẫn các bài báo về những hành vi gian lận ngân hàng và bảo hiểm của Trump Organization và lời khai trước Quốc hội bởi luật sư cũ của tổng thống, ông Michael Cohen, người nói ông Trump có thói quen giảm giá tài sản của mình xuống để tìm cách giảm thuế.
Họ nói rằng cuộc điều tra hiện đang vượt ra ngoài các khoản trả tiền có mục đích ém miệng cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal trong cuộc bầu cử năm 2016.
Những khoản trả tiền như vậy có thể vi phạm luật tài trợ cho chiến dịch tranh cử. Tổng thống phủ nhận các vấn đề đó đã xảy ra.
Nói chuyện với phóng viên, ông Trump mô tả cuộc điều tra là “mấy thứ Dân chủ”.
“Họ đã thất bại với Mueller,” ông nói, đề cập đến cuộc điều tra của bộ tư pháp bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã không chứng minh được là tổng thống đã thông đồng với Kremlin trong chiến dịch tranh cử năm 2016. “Họ thất bại với mọi thứ, họ thất bại với Quốc hội, họ thất bại ở mọi giai đoạn của trò chơi.”
Ông nói thêm: “Đây là tiếp nối của cuộc săn phù thủy tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Ông Trump, người được thừa hưởng tiền từ cha và sau đó trở thành nhà đầu tư bất động sản, là tổng thống đầu tiên kể từ khi Richard Nixon không công khai hồ sơ thuế khi ra tranh cử.
Công tố viên quận Manhattan cũng đã bị soi xét kỹ lưỡng.
Vào năm 2012, Cyrus Vance được báo cáo đã bỏ cuộc điều tra về gian lận với Ivanka Trump và anh trai, Donald Trump Jr, vì cáo buộc có thể đã xuyên tạc giá trị của căn hộ với người mua.
Theo truyền thông Mỹ, ông Vance đã bỏ cuộc điều tra sau chuyến thăm của Marc Kasowitz, luật sư của gia đình nhà ông bố của Trump. Ông Kasowitz sau đó đã huy động được hơn 50.000 đôla cho chiến dịch tái tranh cử của ông Vance.
Các câu hỏi cũng được đặt ra là tại sao năm 2015 công tố viên Vance không cáo buộc Harvey Weinstein, liên quan đến cáo buộc của một người mẫu Ý rằng nhà sản xuất Hollywood đa sờ mó cô.
Hai luật sư của Weinstein, người bị kết án năm nay về tội tấn công tình dục, cũng là những người quyên tặng cho chiến dịch bầu cử của công tố viên Vance, theo tờ New Yorker.
Tờ New Yorker nói các công tố viên trong văn phòng riêng của ông Vance đã mô tả ông là người hám danh.

Sản xuất của Hoa Kỳ tăng vọt

lên cao nhất trong 15 tháng: ISM

Bình luậnThanh Hương
Sản xuất tại Hoa Kỳ, được đo bằng thước đo hoạt động kinh doanh chính, đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng vào tháng 7, vượt quá mong đợi của các nhà kinh tế.
Khảo sát kinh doanh của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), được công bố vào ngày 3/8, cho thấy rằng chỉ số hoạt động sản xuất hàng đầu của nó, được gọi là Chỉ số quản lý mua hàng (PMI), đã tăng lên mức 54,2 vào tháng 7.
Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng, trong khi chỉ số dưới 50 có nghĩa là thu hẹp.
“PMI báo hiệu việc tiếp tục xây dựng lại hoạt động kinh tế vào tháng 7 và đạt mức mở rộng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2019″, Timothy Fiore, chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM, cho biết trong một tuyên bố (pdf).
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự đoán chỉ số sản xuất sẽ tăng lên 53,6 vào tháng 7, do đó, con số cao hơn dự kiến ​​là rất đáng khích lệ, đặc biệt là trong bối cảnh PMI của tháng 4 vừa qua đã chạm mức 41,5 – thấp nhất trong vòng 11 năm.
“Vào tháng 7, ngành sản xuất tiếp tục phục hồi sau sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán”, theo ông Fiore.
Tuy nhiên, sự tăng chậm lại của việc mở rộng hàng tháng trong chỉ số sản xuất, từ mức tăng trưởng 9,5 điểm phần trăm từ tháng 5 đến tháng 6, so với mức tăng 1,6 điểm phần trăm từ tháng 6 đến tháng 7, tăng cường những dự đoán về tính bền vững của việc phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các trường hợp COVID-19 được báo cáo gần đây tăng đột biến ở nhiều nơi trên cả nước.
“Sản xuất đang hồi phục từ mức thấp và triển vọng là không chắc chắn, do mối đe dọa của việc gián đoạn lặp đi lặp lại từ sự bùng phát virus”, ông Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại High Frequency Economics, nói với Associated Press.
Một thước đo lĩnh vực sản xuất khác được khai thác bởi ISM trong cuộc khảo sát là thước đo Đơn đặt hàng mới, tăng vọt lên mức 61,5, tăng 5,1 điểm phần trăm so với tháng 6.
“Đơn đặt hàng bắt đầu tăng. Nó tăng khoảng 35 phần trăm đến 40 phần trăm”, một giám đốc sản xuất sản phẩm hóa chất cho biết.
“Các đơn đặt hàng sắp tới vẫn chậm. Đây thường là thời gian bận rộn nhất trong năm của chúng tôi, nhưng hiện sản xuất giảm do thiếu nhu cầu. Dự kiến ​sẽ phải tăng số lượng ​sa thải tạm thời”, một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất đồ nội thất cho biết.
Một thước đo khác, chỉ số sản xuất, cho thấy mức tăng trưởng 4,8 điểm phần trăm từ tháng 6 đến tháng 7, đạt mức 62,1, mức cao nhất trong tất cả các thước đo của ISM.
“Triển vọng sản xuất đã được cải thiện rất nhiều trong tháng 6, khi kinh doanh đã hoạt động trở lại gần như 100%”, một giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử cho biết.
Các giám đốc điều hành khác đã rất lạc quan trong các phản hồi của họ đối với khảo sát của ISM, trong đó các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi liệu công ty của họ có hoạt động tốt hơn so với tháng trước hay không.
“Kinh doanh nói chung vẫn giảm gần 70%”, một nhà điều hành tại một công ty sản xuất thiết bị vận tải cho biết. “Chúng tôi đang cố gắng giữ lại càng nhiều nhân viên càng tốt, nhưng chúng tôi sẽ phải cho nghỉ việc từ 30% trở lên trong ít nhất hai đến ba tháng cho đến tháng 9 hoặc tháng 10″.
Trong khi việc làm tại nhà máy được cải thiện vào tháng 7, nó vẫn nằm trong vùng thu hẹp. Chỉ số việc làm chỉ đạt 44,3. Mặc dù đã tăng 2,2 điểm phần trăm so với mức 42,1 của tháng 6, nhưng nó cho thấy một xu hướng tiếp tục là các nhà sản xuất sẽ giảm việc làm, mặc dù với tốc độ chậm.
Sản xuất chiếm khoảng 11 phần trăm trong nền kinh tế Hoa Kỳ.
Thanh Hương
Theo The Epoch Times

Kháng thể nhân tạo

có thể là bước tiến kế tiếp trong điều trị COVID

Trong lúc thế giới đang chờ vaccine ngừa COVID-19, tiến triển lớn kế tiếp trong việc chống đại dịch có thể đến từ một loại liệu pháp công nghệ sinh học được sử dụng rộng rãi chống ung thư và những bệnh rối loạn khác-các kháng thể được thiết kế đặc biệt để tấn công virus mới.
Việc phát triển những kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm để nhắm vào virus được sự ủng hộ của những nhà khoa học hàng đầu. Bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, gọi những kháng thể này là “hầu như một ván cược chắc chắn” chống lại COVID-19.
Khi một virus vượt qua được hệ thống phòng vệ đầu tiên của cơ thể, một đáp ứng cụ thể hơn được kích hoạt, gây nên việc sản xuất những tế bào nhắm vào kẻ xâm nhập. Những tế bào này bao gồm những kháng thể nhận dạng và xâm nhập vào virus, ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
Những kháng thể đơn bào là bản sao của các protein phát sinh tự nhiên này.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu vai trò chính xác của những kháng thể trung tính trong việc bình phục từ COVID-19, nhưng các công ty dược tin tưởng là những kháng thể đúng hay là một sự phối hợp có thể làm thay đổi sự tiến triển của bệnh hiện đã cướp đi sinh mạng hơn 675.000 người trên toàn cầu.
“Kháng thể có thể chặn đứng nhiễm trùng. Đó là một thực tế,” giám đốc điều hành hãng dược Regeneron, ông Christo Kyratsous nói với Reuters.
Regeneron đang thử nghiệm một hỗn hợp hai kháng thể, mà người ta tin là có thể hạn chế khả năng trốn thoát của virus hơn là chỉ có một kháng thể, với dữ liệu về tính hữu hiệu của loại này hy vọng sẽ được biết vào cuối mùa hạ hay đầu mùa thu. “Sự bảo vệ này sẽ yếu dần theo thời gian. Liều lượng là điều chúng ta chưa biết,” ông Kyratsous nói.
Chính phủ Mỹ vào tháng 6 vừa qua ký một hợp đồng với Regeneron trị giá 450 triệu đô la cung cấp thuốc. Công ty nói có thể bắt đầu sản xuất ngay lập tức tại nhà máy của công ty ở Mỹ nếu các nhà ban hành quy định chấp thuận thuốc chữa trị.
Công ty Eli Lilly và Co
Cho dù có sự hợp tác bất thường giữa các đối thủ, việc sản xuất các loại thuốc này rất phức tạp và khả năng cũng hạn chế. Cũng có những tranh cãi là liệu một kháng thể duy nhất sẽ đủ mạnh để ngăn chặn COVID-19 hay không.
Astrazeneca nói công ty đang có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người phối hợp hai kháng thể trong vòng vài tuần tới.
Công ty Lilly, đã bắt đầu thử nghiệm trên người vào tháng 6 hai ứng viên kháng thể trong những cuộc thử nghiệm riêng, đang chú trọng đến khuynh hướng chỉ dùng một loại thuốc.
“Nếu bạn cần một liều cao hơn hay nhiều kháng thể hơn, thí ít người có thể được chữa trị, Trưởng khoa học gia của Lilly, ông Dan Skovronsky nói.
‘Miễn nhiễm tức thì’
Không giống như vaccine, vốn kích hoạt hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, tác động của kháng thể dần dần phai nhạt.
Tuy nhiên các công ty dược nói kháng thể đơn bào có thể tạm thời làm ngưng nhiễm trùng ở những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế và những người lớn tuổi. Kháng thể này cũng có thể được dùng như một biện pháp chữa trị cầu nối cho tới khi vaccine có thể được dùng rộng rãi.
“Trong khung cảnh nhằm mục đích ngăn ngừa, chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể đạt được sự bảo vệ tới 6 tháng,” ông Phil Pang, viên chức y khoa hàng đầu của Vir Biotechnology nói. Công ty này nhắm bắt đầu thử nghiệm một kháng thể lên những bệnh nhân không nằm viện trong tháng tới với đối tác GSK.
“Kháng thể có lợi thế ở chỗ căn bản là một miễn nhiễm tức thì,” ông Mark Brunswick, phó chủ tịch tại Sorrento Therapeutics nói. Công ty này nhắm thử nghiệm trên người bắt đầu vào tháng tới với một ứng viên kháng thể duy nhất.
Nguy cơ về an toàn của kháng thể đơn bào được xem là thấp, nhưng chi phí có thể khá cao. Loại thuốc kiểu này chữa trị ung thư có thể tốn hơn 100.000 đô một năm.
Cũng có quan ngại là virus corona có thể kháng lại một kháng thể cụ thể nào đó. Các nhà nghiên cứu đã bắt tay vào nghiên cứu các hợp chất thế hệ thứ hai có mục tiêu khác hơn là những chiếc gai nhọn như vương miện mà COVID dùng để xâm nhập vào các tế bào.
“Chúng tôi đang phát triển một dạng bổ túc,” nhà nghiên cứu trưởng của Amgen, ông David Reese nói.
Amgen đang làm việc với công ty công nghệ sinh học Adaptive Biotechnologies.
Các nhà nghiên cứu đăng bài trên tạp chí Nature nói họ phát hiện một vài kháng thể mới, rất mạnh nhắm vào một khu vực nơi virus tấn công tế bào của con người và một khu vực trên gai virus chưa ai chú ý tới.
“Để tránh sự phát triển của việc kháng thuốc, bạn cần phải nhắm vào những vị trí khác nhau,” tác giả cuộc nghiên cứu và đồng thời là giáo sự Trường đại học Colombia David Ho nói với Reuters.
Cũng có câu hỏi về việc khi nào trong thời gian bị bệnh là lúc tốt nhất để sử dụng vũ khí mới.
“Dùng kháng thể sau khi bị nhiễm bệnh có thể không giúp được gì, ông Florian Krammer, giáo sư vi sinh học tại Trường Y Icahn ở New York, nói. “Dùng sớm có thể tốt hơn.”

Covid-19 : Nam Mỹ vượt ngưỡng 5 triệu ca,

Hoa Kỳ vẫn có số ca tăng mạnh

Thu Hằng
Virus corona vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội tại châu Mỹ. Số ca nhiễm Covid-19 đã vượt quá 5 triệu tại Nam Mỹ và vùng Caribê, theo thống kê ngày 03/08/2020 của AFP, dựa trên số liệu chính thức. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ vẫn ở mức cao, thêm hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.
Từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đã có 202.000 người thiệt mạng tại Nam Mỹ, trong đó gần một nửa số nạn nhân là ở Brazil (95.000 người), trong bối cảnh hệ thống y tế nước này ngày càng lộ rõ những điểm yếu do không được đầu tư thỏa đáng. Mêhicô có số ca tử vong cao thứ hai tại châu Mỹ Latinh (sau
Brazil), gần 48.000 người tính từ đầu dịch. Nước Guatemala nhỏ bé ở Trung Mỹ cũng có tổng cộng hơn 2.000 người chết và hơn 51.500 ca nhiễm. Bolivia có thêm bộ trưởng thứ 10 bị nhiễm Covid-19.
Còn tại Hoa Kỳ, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc độ lây lan. Với hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 03/08 của đại học John Hoppins, hiện Mỹ có 4,7 triệu ca nhiễm Covid-19 và 154.860 ca tử vong (thêm 532 ca).
Trái ngược với số liệu chính thức, ngày 03/08, tổng thống Donald Trump tuyên bố có « những dấu hiệu rất đáng khích lệ » dù ông khẳng định virus lây lan tại nhiều ổ dịch ở miền nam và tây Hoa Kỳ.
Trước tình hình đó, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành bộ xét nghiệm nhanh, chỉ có giá 1 đô la. Michael Mina, giáo sư dịch tễ học tại đại học Harvard, người vận động cho sáng kiến này từ nhiều tuần nay, cho rằng dù bộ xét nghiệm đại trà này ít chính xác (chỉ cho kết quả chính xác đối với những người có tỉ lệ virus cao trong cơ thể), nhưng người dân có thể thực hiện nhiều lần trong tuần, thay vì phải chờ xếp hàng trong nhiều giờ để được xét nghiệm PCR, chính xác hơn, nhưng phải chờ nhiều ngày mới có kết quả.

LHQ: Triều Tiên có thể đã có ‘thiết bị hạt nhân’

lắp được vào tên lửa đạn đạo

Một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc cho biết Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân, và một số quốc gia tin rằng nước này có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để lắp được trong đầu đạn của tên lửa đạn đạo của mình, theo Reuters.
Báo cáo của một hội đồng chuyên gia độc lập theo dõi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nói các quốc gia, nhưng không nêu tên cụ thể, tin rằng sáu lần thử hạt nhân có thể đã giúp cho Triều Tiên phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ.
Bình Nhưỡng không tiến hành thử nghiệm hạt nhân kể từ tháng 9/2017.
Báo cáo sơ bộ mà Reuters được xem qua đã được đệ trình lên ủy ban trừng phạt Triều Tiên gồm 15 thành viên của Hội đồng Bảo an.
“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục chương trình hạt nhân, bao gồm sản xuất làm giàu uranium và xây dựng lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm. Một quốc gia thành viên đánh giá rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân”, Reuters dẫn báo cáo cho biết.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ở New York chưa trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo của LHQ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tuần trước nói rằng sẽ không còn chiến tranh nữa vì chương trình vũ khí hạt nhân đảm bảo an toàn và tương lai của đất nước, bất chấp áp lực bên ngoài và các mối đe dọa quân sự.
Báo cáo của LHQ cho biết một quốc gia (không nêu tên cụ thể) đánh giá rằng Triều Tiên “có thể tìm cách phát triển hơn nữa thiết bị hạt nhân thu nhỏ để kết hợp với các cải tiến công nghệ như các gói hỗ trợ thâm nhập hoặc có khả năng phát triển hệ thống nhiều đầu đạn”.
Triều Tiên phải gánh chịu lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2006 về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, trong khi Hội đồng Bảo an đều đặn tăng cường trừng phạt với nỗ lực nhằm cắt giảm tài trợ cho các chương trình đó.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ năm 2018, nhưng không đạt được tiến bộ khi Hoa Kỳ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và Triều Tiên yêu cầu chấm dứt trừng phạt.

Covid-19 và bất ổn :

Liên Hiệp Quốc lo ngại tác động dây chuyền

Tú Anh
Đại dịch siêu vi corona làm cho khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trên thế giới nghiêm trọng thêm, các cuộc xung đột đẫm máu hơn. Trên đây là báo động của các chuyên gia và nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc với giới truyền thông vào hôm nay 04/08/2020.
Theo AFP, Liên Hiệp Quốc rất lo ngại sẽ có nhiều cuộc xung đột và bạo động dữ dội hơn trong thời gian tới. “Chúng ta chỉ mới ở màn đầu tiên trong thảm kịch khá dài”, theo nhận định của chuyên gia Richard Gowan cũng như giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc.
Các cường quốc Tây phương, vì bận tâm và huy động tài lực chống đại dịch Covid tại nước mình nên nguồn tài trợ nhiều chương trình viện trợ nhân đạo và kinh tế bị cắt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn làm cho kinh tế thế giới suy thoái và có thể gây thêm tình trạng bất ổn và xung đột.
Do vậy, hồi tháng 3, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi ngưng bắn toàn cầu. Thế nhưng, cho đến nay tại Yemen, Syria và Libya vẫn còn tiếng súng. Tại Syria và Libya, chính quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hậu thuẫn quân sự cho các phe đối nghịch tấn công lẫn nhau. Tại Yemen, chiến sự vẫn tiếp diễn, nạn đói kéo dài trong khi các tổ chức nhân đạo can kiệt ngân sách.
Từ nay, các quốc gia hào phóng tại châu Âu, điển hình là Đức, đều tập trung vực dậy kinh tế châu Âu. Giới chuyên gia cũng quan ngại cho Liban, nằm sát cạnh châu Âu. Liban đã lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, tiền tệ và tài chính khủng khiếp nhất từ những thập niên gần đây.
Toàn cảnh thế giới được một nhà ngoại giao mô tả trong hai từ « bi thảm và chán nản ».

Covid-19: WHO thông báo

 hoàn tất chuẩn bị nghiên cứu nguồn gốc virus

Thu Hằng
Kể từ khi xuất phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối tháng 12/2019, virus corona chủng mới đã khiến gần 690.000 người chết trên khắp thế giới, tính đến tối 03/08/2020 và hơn 18 triệu ca nhiễm được thông báo chính thức. Nhóm chuyên gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cử đến Trung Quốc ngày 10/07 đã hoàn thành « nhiệm vụ tạo dựng nền móng cho nỗ lực xác định nguồn gốc của virus ».
Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 03/08, tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết bước tiếp theo là « những nghiên cứu dịch tễ học sẽ được bắt đầu ở Vũ Hán để xác định khả năng nguồn gốc lây nhiễm của những ca đầu tiên ».
AFP nhắc lại, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng loài dơi là nguồn gốc của virus corona chủng mới, được gọi là SARS-CoV-2, nhưng được truyền qua một vật chủ trung gian trước khi lây sang người. Vật chủ trung gian này là điều bí ẩn mà cộng đồng khoa học quốc tế cũng như Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng khám phá ra được để hiểu về nạn dịch đang xảy ra, tránh những rủi ro cũng như khả năng phòng ngừa một đại dịch mới.
Cũng trong buổi họp báo trực tuyến, tổng giám đốc WHO cảnh báo nguy cơ dịch kéo dài và khả năng sẽ không bao giờ có liệu pháp thần kỳ. Ông cho rằng « những thử nghiệm lâm sàng cho chúng ta hy vọng. Nhưng điều đó không hẳn có nghĩa là chúng ta sẽ có một loại vac-xin hiệu quả, kể cả về lâu dài ».
Hiện đang có khoảng 200 loại vac-xin chống Covid-19 đang được thử nghiệm trên thế giới. Sau thông báo của Mỹ và Trung Quốc về khả năng chuẩn bị sản xuất đại trà vac-xin, Matxcơva cũng thông báo có ba công ty Nga có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vac-xin chống Covid-19 trong một tháng kể từ tháng Chín, và ngay từ đầu năm 2021 trở đi sẽ là vài triệu liều mỗi tháng.

Có các loại xét nghiệm nào đối với Covid-19 tại Anh?

Rachel Schraer
Chính phủ Anh đã mua hàng ngàn bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình trước khi mùa đông đến.
Hai loại xét nghiệm mới, cho kết quả trong vòng 90 phút, sẽ được sử dụng tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở khác.
Các cá nhân có những triệu chứng cần tiếp tục yêu cầu xin xét nghiệm virus corona theo cách thông thường, và dự kiến sẽ nhận được kết quả trong vòng từ một đến hai ngày.
Việc xét nghiệm, và qua đó lần tìm dấu vết tiếp xúc, được coi là mấu chốt để các chuyên gia y tế có thể ngăn chặn tình trạng dịch bệnh bùng phát ở địa phương.
Có các loại xét nghiệm nào?
Xét nghiệm chính, là loại xét nghiệm nhằm chẩn đoán xem một người hiện có nhiễm virus corona hay không, được thực hiện thông qua hình thức quét mũi, họng, và mẫu phẩm cần phải được gửi tới phòng xét nghiệm để xử lý.
Khoảng ba phần tư những người được xét nghiệm sẽ nhận được kết quả trong vòng 24 giờ, tuy nhiên các xét nghiệm được làm tại các địa điểm dựng tạm rồi gửi qua đường bưu chính sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm cần được có sớm hơn, chẳng hạn như khi có người phải nhập viện.
Việc xét nghiệm nhanh giúp phân chia riêng rẽ các bệnh nhân nhiễm Covid và các bệnh nhân không mắc Covid, và có thể giúp phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh nhưng chưa phát sinh triệu chứng tại các nhà dưỡng lão trước khi bệnh lây lan sang những người khác.
Hàng ngàn bộ xét nghiệm thuộc hai loại mới, hứa hẹn sẽ cho kết quả trong vòng 90 phút, đã được chính phủ Anh đưa ra sử dụng.
Cả hai loại xét nghiệm mới này đều cần quét mẫu phẩm từ mũi, nhưng chúng có thể được xử lý bằng các máy cầm tay thay vì phải gửi tới phòng xét nghiệm.
Các xét nghiệm này sẽ không cho thấy liệu một người đã từng nhiễm Covid-19 hay chưa. Để biết điều đó, cần phải làm xét nghiệm kháng thể thông qua thử máu.
Các xét nghiệm cần được xử lý tại phòng thí nghiệm hiện có sẵn cho toàn bộ người lớn và hầu hết trẻ em tại Anh Quốc, nếu có triệu chứng sốt, ho liên tục, hoặc mất mùi vị.
Anh hiện có khả năng thực hiện 80.000 xét nghiệm kháng thể mỗi ngày, nhưng chỉ áp dụng cho các nhân viên y tế và chăm sóc xã hội.
Hình thức xét nghiệm này cũng được thực hiện đối với các mẫu phẩm ngẫu nhiên thu trong dân chúng, nhằm xác định mức phơi nhiễm trên toàn quốc.
Vì sao việc xét nghiệm là quan trọng?
Việc xét nghiệm rất quan trọng trong việc cho biết liệu hệ thống truy tìm dấu vết những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 tại Anh có hoạt động hiệu quả hay không, nhằm chặn tình trạng lây lan virus và tránh áp phải áp dụng phong tỏa toàn quốc.
Về lý thuyết, việc xét nghiệm sẽ giúp cho mọi người, gồm cả các nhân viên y tế, biết rằng liệu họ có an toàn để đi làm hay không.
Nó cũng hiệu quả trong việc giám sát mức độ lây nhiễm trên toàn quốc, cho phép hệ thống y tế công và chính phủ Anh đưa ra các quyết định phù hợp.
Các xét nghiệm đáng tin cậy tới mức nào?
Đối với việc xét nghiệm triệu chứng phổ biến nhất, các khoa học gia tại Đại học Bristol tin rằng 20% các ca dương tính có thể cho kết quả sai và do đó người được xét nghiệm nhận được kết quả âm tính trong khi thực ra họ đã nhiễm virus.
Điều này có thể là bởi mẫu phẩm quét họng mũi được lấy không chuẩn, hoặc bởi thời kỳ nhiễm bệnh của người được làm xét nghiệm, hoặc do có các vấn đề tại phòng xét nghiệm.
Tại Anh có khoảng 200.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng một nửa là được xử lý hàng ngày.

Pháp dừng phê chuẩn thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông

Trọng Nghĩa
Sau một số nước phương Tây khác, đến lượt Pháp phản đối luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông bằng cách không phê chuẩn thỏa thuận dẫn độ với đặc khu hành chánh này của Trung Quốc.
Trong một thông cáo công bố hôm qua, 03/08/2020, bộ Ngoại Giao Pháp giải thích rằng quyết định này xuất phát từ những « diễn biến mới đây » tại Hồng Kông.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp, Agnès von der Mühll, « căn cứ vào những diễn tiến gần đây, nước Pháp sẽ không phê chuẩn trong tình trạng hiên thời, thỏa thuận dẫn độ đã ký ngày 04/05/2017 giữa Pháp và Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông ».
Thỏa thuận dự kiến khả năng cho dẫn độ một người bị một trong hai bên ký kết truy nã nhưng lại ở trên lãnh thổ của phía bên kia. Một ví dụ cụ thể là nếu thỏa thuận có hiệu lực, thì một người Hồng Kông bị chính quyền Hồng Kông truy nã vì một tội danh nào đó nhưng đang trốn ở Pháp, thì Paris bắt buộc phải cho dẫn độ người đó về Đặc Khu để xét xử.
Vấn đề là để có hiệu lực, thỏa thuận này cần phải được Quốc Hội Pháp xem xét trước để bật đèn xanh cho tổng thống phê chuẩn và ban hành. Hiện nay, thỏa thuận vẫn nằm chờ tại Quốc Hội Pháp, và căn cứ vào những gì đang xẩy ra tại Hồng Kông, kịch bản Pháp phê chuẩn thỏa thuận này có lẽ sẽ không thể xẩy ra.
Lý do là vì trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã áp đặt đối với Hồng Kông một bộ luật an ninh quốc gia khắt khe, hình sự hóa nhiều hành vi chống đối, mà ở phương Tây chỉ là những biểu hiện của quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Các tội danh như âm mưu lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và cấu kết với nước ngoài với những khung hình phạt nặng nề thuộc diện này.
Bộ Ngoại Giao Pháp cho rằng luật an ninh mới tại Hồng Kông đã « đặt lại nguyên tắc một quốc gia hai chế độ và sự tôn trọng ‘mức độ tự trị cao’ mà Hồng Kông được hưởng và những quyền tự do xuất phát từ nguyên tắc đó ». Luật đó, theo Paris, cũng gây tác hại « trực tiếp đến kiều dân và doanh nghiệp Pháp ».
Theo giới phân tích, với quyết định mới này của Paris, thì chính quyền Hồng Kông không thể yêu cầu cho dẫn độ từ Pháp một công dân của họ để xét xử hay giam cầm, một quyết định quan trọng trong bối cảnh dựa vào luật an ninh mới, chính quyền Hồng Kông vừa ban hành lệnh truy nã nhắm vào 6 nhà ly khai Hồng Kông hiện đang tỵ nạn ở ngoại quốc, với tội danh cấu kết với ngoại bang.
Paris như vậy là đã theo chân nước Đức. Hôm thứ Sáu, 31/07, Berlin đã đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông và quyết định của Đức có hiệu lực ngay lập tức. New Zealand đã đình chỉ một luật tương tự hai hôm trước, cũng như Anh Quốc, sau Úc và Canada.
Tất cả các quyết định đình chỉ hiệu lực của các thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông đều nhằm bảo vệ người Hồng Kông trú ẩn tại các nước phương Tây.

Tham quan Paris miễn phí với hướng dẫn viên du lịch

Tuấn Thảo
Cho dù mùa hè năm nay, du khách quốc tế chắc hẳn vẫn chưa trở lại Paris, nhưng thủ đô Pháp vẫn thu hút khách thăm viếng đến từ các tỉnh thành hay du khách đến từ các nước châu Âu láng giềng. Ngoài ra, còn có nhiều người dân thủ đô không có dịp đi chơi xa. Nhắm vào các đối tượng này, Sở Du lịch Paris đã thành lập chương trình tham quan Paris miễn phí với hướng dẫn viên du lịch.
Từ đây cho đến ngày 31/08/2020, chương trình khám phá Paris vào mùa hạ giới thiệu 15 tour tham quan. Mỗi tour đều có hướng dẫn viên du lịch đi kèm, từ một tiếng đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Ngoài việc đi xem các danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc lịch sử, mục đích của chuyến tham quan là đưa du khách vào những lộ trình ít quen thuộc hơn. Khách thăm quan, khám phá Paris dưới một góc nhìn khác, qua những giai thoại phổ biến trong dân gian thời xưa nhưng tới nay vẫn còn tồn tại, câu chuyện của mỗi khu phố được lồng vào bối cảnh thực tế thường nhật, để cho khách hiểu rõ hơn về nếp sống thời nay.
Sở Du Lịch Paris đã hợp tác với Liên đoàn FNGIC bao gồm các nhà hướng dẫn du lịch kiêm phiên dịch viên cũng như các nhà thuyết trình có kiến thức chuyên môn. Đối với sở Du Lịch Paris, chương trình tham quan này giúp cho các sinh hoạt giải trí thêm phong phú đa dạng, nhất là Paris luôn chủ trương từng bước nối lại đời sống văn hóa trong thời kỳ hậu phong tỏa. Còn đối với liên đoàn FNGIC, việc hợp
tác với sở Du Lịch Paris là một cách để duy trì việc làm. Phần lớn thu nhập của các hướng dẫn viên đều phụ thuộc nhiều vào lượng khách du lịch. Các tour tham quan mùa hè năm nay hoàn toàn miễn phí cho người tham gia, nhưng thật ra các chi phí hoạt động đều do sở Du Lịch Paris thanh toán chi trả từ trước qua hợp đồng.
Trong chiều hướng đó, đôi bên đã định ra 15 lộ trình tham quan với nhiều giai thoại khác lạ hấp dẫn, có khả năng lôi cuốn khách đến từ các tỉnh thành, thậm chí ngay cả những người dân sống ở Paris nhiều năm cũng sẽ khám phá nhiều câu chuyện thú vị bất ngờ. Chẳng hạn như đồi Montmartre, phố Marais hay phố Palais Royal, thay vì là những chuyến tham quan đơn thuần lại được giới thiệu như một trò chơi, qua đó khách vào vai một ‘‘thám tử’’ giải đáp các câu đố dựa theo các di tích lịch sử, dĩ nhiên là với sự dìu dắt của hướng dẫn viên.
Chẳng hạn như trong trò chơi ‘‘Theo chân ba chàng ngự lâm pháo thủ’’, khách tham quan sẽ khám phá Điện Luxembourg và phố Palais Royal, các con đường Tournon, Férou hay Vaugirard từng được văn hào Alexandre Dumas chọn làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết ‘‘Les Trois Mousquetaires’’. Trò chơi là một cách để cho người tham gia hình dung các nhân vật, từng trở nên sống động nhờ tài kể chuyện của nhà văn. Điểm khởi hành của chuyến tham quan này nằm ngay trước mặt Thượng Viện Pháp ở số 15 đường Vaugirard.
Đối với những ai thích đi xem phong cảnh thiên nhiên nhưng vẫn ở trong thành phố, các tour tham quan công viên Montsouris, công viên Bercy hay vườn bách thảo Jardin des Plantes có lẽ là thích hợp nhất. Công viên Montsouris nằm trước mặt khu vực Cư xá Đại học quốc tế Paris (Cité Universitaire de Paris) rộng lớn, thoáng mát, đủ để cho du khách quên đi cái cảm tưởng họ vẫn còn ở trong đô thị. Hướng dẫn viên đưa người xem đi dạo môt vòng công viên để rồi khám phá những góc phố tiềm ẩn, các biệt thự của nhiều văn nghệ sĩ nấp đằng sau những con đường nho nhỏ, đầy hoa cỏ.
Một cách tương tự, công viên Bercy là dấu gạch nối giữa truyền thống và hiện đại. Các dãy phố mới xung quanh Viện lưu trữ phim ảnh Pháp (Cinémathèque Française) bao bọc một công viên với hồ nước lớn và các nông trại trồng cây lấy hạt giống, nuôi ong để lấy mật. Công viên này cũng có nhiều mảnh đất trồng cây ăn trái và các vườn nho leo để nhắc nhở quá khứ vàng son của ngôi làng Bercy, vào thời xưa là những hầm kho cất giữ rượu vang, bây giờ một số đã được trùng tu, tái tạo thành nhà hàng khách sạn, quán bar hay viện bảo tàng.
Còn đối với những ai thích đi dạo phố, ngắm cảnh chụp hình, nhưng mỗi chặng dừng đều được gắn liền với tên tuổi của một danh nhân, lý tưởng nhất vẫn là các lộ trình tham quan phố Saint-Germain des Prés, phố nghệ sĩ Montmartre cũng như phố Montparnasse. Các tour này đưa khách đi theo bước chân của những nhân vật nổi tiếng từng để lại dấu ấn sâu đậm. Saint-Germain des Prés là một trong những địa danh điển hình, nơi lui tới trước kia của Juliette Gréc hay Boris Vian, Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir. Hình bóng họ vẫn còn phảng phất trên quảng trường Furstenberg, nhà thờ Saint-Germain, cũng như các quán cà phê nổi tiếng Paris như Café de Flore hoặc là Les Deux Magots.
Chuyến tham quan Montmartre thì đưa bạn theo chân các họa sĩ, đi tìm lại xưởng vẽ “Bateau Lavoir” của một Picasso thời còn trẻ, chưa thật sự nổi tiếng nên đành phải chờ thời. Picasso vẽ vào năm 1907 bức tranh “Les Demoiselles d’Avignon” ở nơi đó, đánh dấu sự khởi đầu của chủ nghĩa lập thể. Bên cạnh đó, Montmartre còn có nhiều tên tuổi khác trong làng hội họa như Auguste Renoir, Toulouse Lautrec, Juan Gris, Brancusi, Mac Orlan hay là Modigliani. Điểm khởi hành tham quan nằm ngay ở lối ra trạm xe điện ngầm Abbesses, đây cũng là dịp để cho các bạn xem tận mắt bức tường khắc chữ ‘‘Anh Yêu Em’’ trong hàng trăm thứ tiếng, cũng như ghé thăm bức tượng đồng và căn nhà thơ mộng của thần tượng quá cố Dalida.
Ghé thăm phố Montparnasse cũng là dịp khám phá (ngoài tòa nhà cao tầng cùng tên) một trong những dãy phố nghệ thuật đầu thế kỷ 20 của thủ đô Paris. Hầu hết các xưởng vẽ từng được nhiều nghệ sĩ danh tiếng lui tới, đều nằm gần ngã tư Vavin, tòa nhà với lối kiến trúc độc đáo của Henri Sauvage hay là con đường hội họa Campagne-Première gồm toàn là các xưởng sáng tác nghệ thuật, gần trạm xe điện ngầm Edgar Quinet trên đường métro số 6.
Để tham gia các chuyến tham quan miễn phí này, bạn chỉ cần vào mạng “parisinfo.com” để đăng ký trước ngày giờ và số người tham dự. Từ đây cho tới 31/08, mỗi ngày có từ hai đến ba suất tham quan, thường là vào buổi chiều và mỗi người có thể giữ trước từ một chỗ cho tới 6 chỗ. Dĩ nhiên là trên 15 tuyến tham quan, một số tour vẫn đắt khách hơn nhiều so với các tour còn lại. Do khả năng tiếp đón người tham gia có phần giới hạn do các quy định giãn cách xã hội, cho nên khách tham quan nào muốn đi cùng với gia đình hay bạn bè lại càng phải đặt chỗ trước, càng sớm càng tốt.

Dân chúng thắc mắc về nơi ở

của cựu quốc vương Tây Ban Nha sau nghi vấn bê bối

Cựu quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos đến Cộng hòa Dominica sau khi đột ngột rời khỏi đất nước sau những lùm xùm bê bối, Reuters dẫn lại nguồn tin từ báo chí Tây Ban Nha cho biết hôm 4/8, mặc dù có tin nói ông đã đi Bồ Đào Nha.
Cung điện hoàng gia thông báo vào hôm 3/8 rằng ông Juan Carlos, người đã thoái vị vào năm 2014 vì một vụ bê bối trước đó, đã rời đi để những vấn đề cá nhân của ông không làm lu mờ triều đại của con trai – Quốc vương Felipe.
Cung điện không cho biết cựu quốc vương 82 tuổi đã đi đâu, gây ra những đồn đoán dữ dội về nơi ở của ông.
Áp lực bắt đầu phủ lên cựu quốc vương Juan Carlos và Quốc vương Felipe đòi hỏi phải có hành động để bảo vệ chế độ quân chủ, sau khi các công tố viên Tây Ban Nha và Thụy Sĩ bắt đầu xem xét các cáo buộc hối lộ liên quan đến hợp đồng đường sắt cao tốc.
Sự ra đi bất ngờ của cựu quốc vương khiến cho người dân Tây Ban Nha chia rẽ về việc liệu ông có nên ở lại để đối mặt với công lý hay không.
Ông Juan Carlos đăng quang năm 1975 sau cái chết của Tướng Francisco Franco và được nhiều người kính trọng vì vai trò giúp cho Tây Ban Nha chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ, nhưng những vụ bê bối gần đây đã làm vấy bẩn hình ảnh của ông.
Cả luật sư của ông Juan Carlos lẫn Hoàng gia đều không bình luận về ông đã rời khỏi Tây Ban Nha hay ông hiện đang ở đâu, nhưng thông qua luật sư, cựu quốc vương nhiều lần từ chối bình luận về các cáo buộc tham nhũng.
Tờ báo Tây Ban Nha La Vanguardia nói ông Juan Carlos đã rời khỏi cung điện vào Chủ nhật, trước khi tới Bồ Đào Nha bằng ô tô vào thứ Hai và bay tới Cộng hòa Dominica. Tờ ABC cũng nói ông cuối ngày thứ Ba.
Các nhà chức trách ở Cộng hòa Dominica và tại thành phố Cascais của Bồ Đào Nha nói họ không có tin tức gì về nơi ở của ông.

Khảo sát: Số ca nhiễm COVID tại Ý

cao gấp 6 lần báo cáo chính thức

Gần 1,5 triệu người tại Ý hay 2,5 % dân số có kháng thể virus corona, cao gấp 6 lần so với số liệu được báo cáo chính thức, theo một cuộc thăm dò của cơ quan thống kê Istat ngày 3/8.
Cuộc thăm dò của Istat và Bộ Y tế căn cứ trên những cuộc xét nghiệm kháng thể được thực hiện trên 64.660 người.
Theo dữ liệu chính thức, có 248.229 bệnh nhân COVID được xác nhận tại Ý, với 35.166 người chết.
Cuộc thăm dò phát hiện có sự khác biệt từ địa phương này với địa phương khác. Tại vùng Lombardy ở miền bắc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên vào tháng 2 năm nay, 7,5% dân số xét nghiệm dương tính với kháng thể virus corona so với chỉ có 0,3% tại vùng Silicy ở miền nam.
Cuộc thăm dò phát hiện gần 30% người có kháng thể nhưng không có triệu chứng. Điều này cho thấy nguy cơ bệnh lây lan do những người không biết là mình mang mầm bệnh.

Mối quan hệ giữa Serbia và Trung Quốc

 trở nên ngày càng khăng khít

Bình luậnNguyễn Minh
Serbia đã mua một tên lửa đất đối không tầm trung dẫn đường bằng radar mới từ Trung Quốc. Đây là dấu hiệu mới về sự hợp tác sâu sắc giữa Bắc Kinh và Belgrade.
Việc mua tên lửa FK-3 đã được đưa vào báo cáo thường niên của công ty vũ khí Jugoimport SDPR, để nộp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nhà nước vào tuần trước, theo Reuters.
Jugoimport SDPR cho biết, công ty này đã thực hiện 163 giao dịch nhập khẩu từ 31 quốc gia với giá trị tổng cộng là 620,3 triệu USD (khoảng 14,34 nghìn tỷ VNĐ) vào năm 2019. Các giao dịch mua vũ khí bao gồm máy bay không người lái vũ trang từ Trung Quốc và Châu Âu, và tên lửa FK-3.
“[Mục đích] chủ yếu của việc nhập khẩu vũ khí là để hiện đại hóa các máy bay MIG-29, mua sắm hệ thống máy bay không người lái, hệ thống phòng không… và FK-3” theo báo cáo.
Bắc Kinh coi Serbia là một phần trong sáng kiến ​​”Một vành đai, Một con đường”, để mở ra các liên kết thương mại nước ngoài mới cho các công ty Trung Quốc.
Năm 2018, Jugoimport SDPR đã thực hiện 162 giao dịch nhập khẩu với 32 quốc gia, trị giá 482,7 triệu USD (khoảng 11,16 nghìn tỷ VNĐ), bao gồm cả việc mua các máy bay trực thăng do Nga sản xuất và máy bay trực thăng vận tải khác.
Chính quyền Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ euro vào quốc gia Balkan, chủ yếu là các khoản vay mềm, cơ sở hạ tầng và các dự án năng lượng.
Vào cuối tháng Sáu, Không quân Serbia đã nhận được 6 máy bay chiến đấu không người lái CH-92A được trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser. Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái của Trung Quốc được triển khai ở châu Âu.
Serbia hy vọng có thể gia nhập Liên minh châu Âu, đã tuyên bố trung lập về quân sự vào năm 2006 và tham gia chương trình Đối tác Hòa bình của NATO. Tuy nhiên nước này không kỳ vọng trở thành thành viên đầy đủ trong liên minh quốc phòng phương Tây.
Quân đội Serbia chủ yếu được trang bị bằng công nghệ của Liên Xô cũ. Trong những năm gần đây, Belgrade đã mua các máy bay chiến đấu và tên lửa MiG-29, máy bay trực thăng, xe tăng và tàu sân bay bọc thép của Nga.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc cử đội xét nghiệm

Covid-19 đầu tiên đến Hong Kong

Bảy người đầu tiên trong nhóm gồm 60 nhân viên y tế phụ trách xét nghiệm Covid-19 vừa từ Trung Quốc đại lục tới Hong Kong.
Đây là lần đầu tiên giới chức y tế Trung Quốc hỗ trợ Hong Kong và tới đây khi thành phố này đang chứng kiến làn sóng các ca nhiễm mới.
Nhưng một số ủy viên hội đồng địa phương bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang thu thập các mẫu DNA cho mục đích giám sát, theo Reuters.
Chính phủ Hong Kong đã bác bỏ điều này.
Căng thẳng tăng cao giữa các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hong Kong và chính phủ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên thành phố này vào tháng Sáu. Giới chỉ trích cho rằng luật này xói mòn các quyền tự do của Hong Kong
Luật an ninh của Trung Quốc – bị chỉ trích rộng rãi trên phạm vi quốc tế – cho phép bỏ tù chung thân những người bị kết tội tham gia vào hoạt động khai, lật đổ và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Thành viên của đội xét nghiệm Covid-19 hầu hết đến từ các bệnh viện công ở phía nam tỉnh Quảng Đông, theo Hoàn cầu Thời báo, và sẽ giúp xét nghiệm trên diện rộng ở Hong Kong.
Hoàn cầu Thời báo cho biết nhóm nghiên cứu được thành lập theo yêu cầu của chính phủ Hong Kong, vào thời điểm mà các nguồn lực y tế ở Hong Kong bị cho là quá tải.
Hong Kong công bố 115 ca mắc mới hôm Chủ nhật, nâng đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên 3.511.
Tổng số người nhiễm ở Hong Kong vẫn thấp hơn so với nhiều nơi khác – nhưng số ca nhiễm tăng đột biến sau khi Hong Kong dường như đã kiềm chế được dịch, với chỉ vài ca hoặc không có ca nhiễm nào trong vài tuần.
Hiện Hong Kong đang trải qua những gì được mô tả là “làn sóng thứ ba” của dịch Covid-19.
Đầu tuần trước, Hong Kong đã hoãn cuộc bầu cử quốc hội tới năm sau, ban đầu dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Chính phủ Hong Kong cho biết đây là một động thái cần thiết trong bối cảnh các ca nhiễm gia tăng, nhưng phe đối lập đã cáo buộc họ sử dụng Covid-19 như một cái cớ để ngăn mọi người bỏ phiếu.
Hoạt động mà ‘không bị trừng phạt’
Bắc Kinh đã đưa ra luật an ninh vào cuối tháng Sáu mặc dù đối mặt với chỉ trích trên toàn cầu. Luật này quy định các hành vi phạm tội mà nếu dân Hong Kong phạm phải, sẽ bị đưa đến Trung Quốc đại lục để xét xử.
Luật này quy định những tội mới với những hình phạt nghiêm khắc – lên đến tù chung thân – và cho phép nhân viên an ninh đại lục hoạt động hợp pháp tại Hong Kong mà không bị trừng phạt.
Luật an ninh không chỉ áp dụng cho người dân trong khu vực, mà cả những người không phải thường trú nhân, và cả những người sống bên ngoài Hong Kong.
Luật an ninh quốc gia của TQ bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ
Chính phủ Hong Kong nói rằng luật an ninh cần thiết để mang lại trật tự cho một thành phố đã có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bạo lực vào năm ngoái.
Nhưng giới chỉ trích lo ngại luật này sẽ được dùng để nhắm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Tuần trước, nỗi sợ hãi này đã trở thành sự thật khi cảnh sát Hong Kong tuyên bố đang tìm cách bắt giữ sáu nhà hoạt động dân chủ, một số người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trước đó. Hiện những người này đang sống lưu vong ở các nước phương Tây.
Hong Kong – một thuộc địa cũ của Anh – đã được trao một số quyền tự do nhất định khi nó được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Theo thỏa thuận 50 năm, Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do dân sự – bao gồm quyền phản kháng, tự do ngôn luận và độc lập của tư pháp – trong Luật cơ bản của Hong Kong, một cách tiếp cận được gọi là “một quốc gia, hai thể chế”.
Nhưng giới chỉ tích cho rằng những quyền tự do này đã bị xói mòn khi luật mới được thực thi.

Hồng Kông: Xét nghiệm Covid-19 đại trà,

người dân lo sợ Bắc Kinh bí mật thu thập ADN

để tiến hành giám sát

Linh Đan | DKN 8 giờ trước 416 lượt xem
Bắc Kinh đang trực tiếp can thiệp vào công tác chống dịch ở Hồng Kông, một động thái được nhiều người dân thành phố nhìn nhận là nỗ lực nhằm nắm quyền kiểm soát sâu rộng thành phố dưới chiêu bài hỗ trợ, theo The Epoch Times.
Tuần trước, Trung Quốc công bố kế hoạch cử đội ngũ y tế gồm 60 người đến Hồng Kông để tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.
Hôm Chủ nhật (2/8), 7 nhân viên y tế từ đại lục được cử đến đã trọ tại khách sạn Metropark Hotel ở Hong Kong. Đây cũng tình cờ là nơi xảy ra sự kiện siêu lây lan dịch SARS năm 2003 khi một bác sĩ Trung Quốc nghỉ qua đêm tại đó.
Mười bảy năm trước, bác sĩ hô hấp người Trung Quốc Liu Jianlun đã nghỉ ở phòng 911 của khách sạn 3 sao này, lây bệnh SARS cho 7 người khác ở cùng tầng. Bảy người này đã đi ra khắp thế giới, lây lan SARS trên toàn cầu. Liu đã qua đời hai tuần sau đó.
Việc Liu đến Hồng Kông đánh dấu sự khởi đầu đại dịch SARS toàn cầu, vốn đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến 774 người tử vong. Tại thời điểm đó SARS là một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất của thế kỷ. Năm 2003 thời điểm bùng dịch SARS cũng đánh dấu một bước ngoặt đối với nền chính trị và hệ thống y tế công cộng Hồng Kông, khi xuất hiện các cuộc tuần hành quy mô lớn phản đối Điều 23 Luật Cơ bản – một điều luật cũng nhằm làm xói mòn các quyền tự do dân chủ của xứ Cảng thơm tương tự Luật An ninh Quốc gia mới.
Hiện dịch Covid-19 đã lan đến mọi ngõ ngách trên toàn cầu. Tính đến nay, đã có hơn 18 triệu ca bệnh, với 689.000 người tử vong do Covid-19 trên khắp thế giới.
Tập đoàn y sinh Trung Quốc dính líu đến các xét nghiệm ở Hồng Kông?
Tập đoàn BGI là một trong các tổ chức từ Trung Quốc đại lục sẽ “tiến hành các xét nghiệm virus corona mới miễn phí cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, gồm hơn 400.000 người Hồng Kông”, theo một thông cáo báo chí đăng trên trang web của công ty này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời Yu Dewen, người đứng đầu đội ngũ y tế gồm hơn 60 thành viên từ Trung Quốc, cho biết chi nhánh Hồng Kông của ba phòng thí nghiệm đại lục, bao gồm BGI, có khả năng xét nghiệm từ 20.000 đến 30.000 ca mỗi ngày.
“Với sự hỗ trợ của các tổ chức đại lục, chúng tôi có thể tăng khả năng xét nghiệm lên nhiều lần”, ông nói trong một báo cáo ngày 3/8.
Hai công ty con của BGI Group hiện đang bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì vai trò của họ trong việc “xét nghiệm di truyền nhằm xúc tiến việc đàn áp những cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số theo đạo Hồi khác” ở Tân Cương, theo Bộ Thương mại Mỹ. Lệnh cấm sẽ ngăn cản họ tiếp cận hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Theo một báo cáo gần đây của Axios, tập đoàn BGI chuyên thu thập các mẫu DNA từ hàng triệu thành viên nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chủ yếu sinh sống ở tỉnh Tân Cương, và sự bất đồng thuận là điều gần như không thể. Hoạt động này nằm trong thỏa thuận đã ký giữa chủ tịch BGI và chính quyền ĐCSTQ hồi năm 2016.
DNA thu thập được sẽ giúp giám sát người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong khu vực, cả trong các trại cải tạo và nơi công cộng – một phần trong sáng kiến ​​mở rộng quyền lực của cảnh sát quốc gia thông qua hoạt động giám sát dựa trên dữ liệu di truyền. Dữ liệu DNA cho phép chính quyền tăng cường khả năng giám sát AI, thậm chí theo dõi người thân của các đối tượng.
“Mối lo ngại của chúng tôi là hiện đang có hoạt động thu thập DNA rộng rãi bí mật và trái pháp luật”, Maya Wang, nhà nghiên cứu từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ở Hồng Kông, đồng thời là tác giả của một báo cáo giám sát DNA Trung Quốc năm 2017 tại Tân Cương công bố trên Tạp chí Khoa học Tự nhiên Nature Science Journal, cho biết.
“Chính quyền Trung Quốc đang xây dựng cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất thế giới. Nó đã hợp tác chặt chẽ với hãng công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu”, Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6.
“Chương trình thu thập dữ liệu DNA hàng loạt này vi phạm luật pháp Trung Quốc và các chuẩn tắc nhân quyền toàn cầu. Kết hợp với các công cụ giám sát khác, chúng sẽ tăng cường sức mạnh của Bắc Kinh và tiếp tục cho phép việc đàn áp tại đại lục dưới danh nghĩa duy trì ổn định và kiểm soát xã hội”.
Người dân Hồng Kông lo ngại hoạt động giám sát qua DNA của Bắc Kinh
Quyết định xét nghiệm Covid-19 đại trà bởi tập đoàn BGI Group đã làm dấy lên lo ngại về kế hoạch giám sát DNA của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Hôm Chủ Nhật, một nhóm các ủy viên hội đồng Hồng Kông địa phương đã lên tiếng đối với vấn đề này. Nghị sĩ Đảng Neo Democrat, anh Roy Tam, người từng tổ chức một cuộc biểu tình phản đối các bác sĩ đại lục, cho biết một trong những lý do người Hồng Kông không đồng tình việc xét nghiệm vì họ lo ngại vấn đề quyền riêng tư, cách thúc xử lý dữ liệu, theo tờ RTHK.
Chính phủ Hồng Kông đưa ra một tuyên bố bác bỏ các cáo buộc về việc thu thập DNA, nêu rõ những tuyên bố trên là “hoàn toàn không có cơ sở, nhấn mạnh rằng tất cả các công tác chống dịch của họ hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu của luật pháp”.
Tuyên bố trên cũng đe dọa trừng phạt hình sự những tiếng nói chỉ trích việc thu thập DNA. “Chính phủ Hồng Kông lên án hành động cố tình truyền bá các thông tin sai lệch và bôi nhọ công tác chống dịch. Chính phủ Hồng Kông sẽ thu thập bằng chứng để xác định liệu việc lan truyền các tuyên bố sai sự thật có chủ đích có cấu thành tội phạm hay không”.
Tuần trước, Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Carrie Lam đã ra quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử lập pháp sắp tới, viện cớ sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 tại thành phố trong thời gian gần đây. Động thái này đã hứng chịu chỉ trích từ nhiều nước và các tổ chức nhân quyền.

Tôn Lực Quân bí mật chuyển chứng cứ về virus Vũ Hán,

 Úc đã lấy được và bàn giao cho Mỹ?

Bình luậnĐông Phương
Ông Viên Cung Di (Yuan Gongyi), Tài phiệt công nghiệp điện tử Hong Kong, gần đây đã tiết lộ thông tin rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ông Tôn Lực Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rớt đài là vì ông Tôn đã cố gắng bí mật chuyển bằng chứng về virus Viêm phổi Vũ Hán cho vợ mình ở Úc, nhưng không ngờ đã bị cơ quan tình báo Úc chặn thu được. Bằng chứng này hiện đã được chuyển cho Hoa Kỳ. Ông Tôn Lực Quân đã bị điều tra hồi tháng Tư năm nay, và có nhiều ý kiến ​​khác nhau về lý do ông này ‘ngã ngựa’.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 1/8 với tờ Vision Times, ông Viên Cung Di đã đề cập đến việc cơ quan tình báo Úc đã chặn thu được tài liệu của Tôn Lực Quân bí mật gửi ra nước ngoài. Vào ngày 3/8, ông Viên đã nhận lời làm khách mời và nói về vấn đề này trên Youtube.
Ông Viên nói với Vision Times rằng Tôn Lực Quân (Sun Lijun) là một “loã quan” (từ để chỉ các quan chức ĐCSTQ có vợ con đã rời Trung Quốc và cư trú ở nước ngoài), vợ và các con của ông ấy đã sống ở Úc trong một thời gian dài, ông Tôn đã từng nỗ lực học tập và đạt được học vị thạc sĩ y tế công cộng ở Úc. Sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, với tư cách là thành viên trong tổ công tác của Bộ Công an, ông Tôn đã được cử đến Vũ Hán để duy trì sự ổn định dưới danh nghĩa “giám sát công tác phòng chống dịch bệnh”. Tại Vũ Hán, ông Tôn Lực Quân đã thu được bằng chứng xác thực về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Bắc Kinh che giấu dịch bệnh và báo cáo dữ liệu sai lệch… Ông ta cố gắng bí mật chuyển những tài liệu độc quyền này cho vợ ở Úc để bảo quản, nhưng đã bị cơ quan tình báo của chính phủ Úc chặn lại và thu giữ.
Ông Viên Cung Di cho biết, chính vì có được những bằng chứng mà Tôn Lực Quân bí mật gửi ra nước ngoài, Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên yêu cầu cộng đồng quốc tế tiến hành các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán và yêu cầu ĐCSTQ bồi thường vì dịch bệnh.
Vào tháng Tư năm nay, Hạ nghị sĩ George Christensen và Thượng nghị sĩ Alex Antic, những người thuộc liên minh cầm quyền với Thủ tướng Úc Scott Morrison, liên tiếp kêu gọi ĐCSTQ bồi thường cho Úc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán gây ra. Sau đó có không ít các nghị sĩ cũng lên tiếng tán đồng việc chính phủ Úc nên tịch thu tài sản của các công ty Trung Quốc tại Úc để làm bồi thường.
Ông Viên Cung Di chỉ ra rằng, những biểu hiện bất ngờ của chính phủ Úc đã làm dấy lên sự nghi ngờ của chính quyền Bắc Kinh. Sau khi điều tra, Bắc Kinh phát hiện ra là thông tin bí mật về virus mà Tôn Lực Quân nắm giữ đã rơi vào tay chính quyền Úc, Úc đã tịch thu ngay sau đó.
Vào ngày 27 và 28/5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold đã cùng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng 2 + 2 tại Washington, và sau đó đưa ra tuyên bố chung, tuyên bố hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về các vấn đề như Biển Đông và Hong Kong…
Về vấn đề này, ông Viên Cung Di phân tích rằng, mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc là đích thân trao bằng chứng về virus Viêm phổi Vũ Hán mà cơ quan tình báo Úc đã chặn thu được cho Hoa Kỳ. Nhờ vậy, chính phủ Hoa Kỳ có thể xác nhận thêm rằng dịch COVID-19 bùng phát là do rò rỉ vũ khí sinh học và hóa học của ĐCSTQ.
Ông Viên cũng nói rằng Tôn Lực Quân đã phạm nhiều tội ác. Ông ta không những là chủ mưu đằng sau sự kiện Nhà sách Vịnh Causeway và sự kiện Tiêu Kiến Hoa, mà còn là người phái cảnh sát vũ trang bí mật đến Hong Kong trong thời gian diễn ra phong trào phản đối luật dẫn độ để đàn áp dã man những người biểu tình Hong Kong. Trong năm vừa qua, Hong Kong đột nhiên xuất hiện ​​hàng trăm vụ việc cực đoan như ‘bị’ nhảy lầu, ‘bị’ nhảy xuống biển, cưỡng hiếp và bí mật áp giải người biểu tình đến Trung Quốc đại lục, v.v.
Vào ngày 19/4 năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố rằng Tôn Lực Quân ‘ngã ngựa’, trong khi trước đó không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào khiến ngoại giới đưa ra nhiều suy đoán.
Trước khi ngã ngựa, Tôn Lực Quân vừa là Giám đốc của Cục An ninh Quốc gia, vừa là Giám đốc “Phòng 610″. Ông ta là đầu sỏ của cảnh sát mật vụ của ĐCSTQ và cũng là quan chức cấp cao duy nhất trong hệ thống công an của ĐCSTQ có bằng thạc sĩ về y tế công cộng. Bên cạnh đó, ông Tôn từng vào Vũ Hán khi tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở đó vẫn còn rất nghiêm trọng. Do đó, khi Tôn Lực Quân ngã ngựa, có tin đồn rằng ông ta có thể liên quan đến việc tiết lộ cơ mật về bệnh viêm phổi Vũ Hán cho Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người quan tâm đến chính trị Trung Quốc vào thời điểm đó cho rằng, việc Tôn ngã ngựa rất có khả năng là do các phe phái trong nội bộ Trung Nam Hải tranh giành quyền lực. Cả Tôn Lực Quân và cựu Bộ trưởng Tư Pháp bị phế truất Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) đều thuộc phe Giang (cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân), do đó được cho là bị phe Tập (Tổng Bí thư ĐCSTQ đương nhiệm Tập Cận Bình) thanh trừng. Cũng có người nói rằng vì Tôn Lực Quân đã chỉ đạo các hành động tàn bạo như đàn áp vũ trang và hành quyết bí mật ở Hong Kong, ông ta cũng từng đến Vũ Hán để duy trì sự ổn định và ngăn chặn ‘dân biến’ nên phe Tập đã kéo ông ta ngã ngựa với ý đồ tìm người thế tội.
Đông Phương
Theo NTDTV

Cú sốc tiếp theo với TQ: Samsung

vừa chính thức ngừng sản xuất máy tính tại đây!

Theo thông tin từ tờ SCMP, nhà máy sản xuất máy tính ở nước ngoài cuối cùng của Samsung ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn để tập trung vào nghiên cứu và phát triển.
Samsung vừa quyết định rằng nhà máy ở Tô Châu sẽ hoàn toàn không lắp ráp và sản xuất máy tính nữa.
Cụ thể, ngày hôm qua, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã quyết định rằng nhà máy ở Tô Châu sẽ hoàn toàn không lắp ráp và sản xuất nữa “do sự cạnh tranh trên thị trường quá khốc liệt”.
“Ngoại trừ những nhân viên làm việc trong mảng nghiên cứu và phát triển, tất cả những người khác sẽ bị ảnh hưởng”, thông báo có đoạn.
Ở thời điểm đỉnh cao năm 2012, nhà máy này có 6.500 nhân viên. Tuy nhiên, những thay đổi mới nhất chỉ ảnh hưởng tới khoảng 1.700 nhân viên vốn có hợp đồng tới cuối năm 2019.
Việc chính thức xác nhận rằng nhà máy này sẽ ngừng sản xuất và thay vào đó tập trung cho nghiên cứu, phát triển, một phần bởi “những nỗ lực tiếp theo nhằm làm tăng hiệu quả trên khắp cơ sở sản xuất trên toàn cầu”. Công ty cũng xác nhận rằng họ sẽ tạo cơ hội cho những nhân viên bị ảnh hưởng chuyển sang những nhà máy khác của Samsung.
Một người phát ngôn của khu công nghiệp nói rằng phòng lao động địa phương sẽ giúp những nhân viên bị ảnh hưởng tìm công việc mới trong khi đó vẫn khẳng định họ hiểu và ủng hộ quyết định của Samsung.
Nhà máy này được Samsung thành lập ở Tô Châu vào năm 2000, năm mà Trung Quốc gia nhập WTO với giá trị sản phẩm xuất ra nước ngoài năm 2012 đạt tổng cộng 4,3 tỷ USD.
Tuy nhiên sau khi không còn trong top 20 nhà xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc vào năm 2012, nhà máy này liên tục sụt giảm sản lượng và họ đã đứng thứ 155 khi danh sách được công bố năm ngoái với giá trị sản phẩm xuất đi vào năm 2018 giảm xuống còn 1 tỷ USD.
Samsung đã đóng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng ở Trung Quốc vào năm ngoái và chuyển sang Việt Nam – bước đi khiến nền kinh tế địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù vậy, tập đoàn Hàn Quốc vẫn có những nhà máy khác ở gồm nhà máy sản xuất màn hình LCD ở Tô Châu và gần đây họ mới mở nhà máy chip nhớ.
Điều đáng nói là việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của Samsung cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc đang mất đi lợi thế nhanh chóng trong hoạt động lắp ráp và sản xuất khi chi phí lao động tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị sụp đổ vì dịch Covid-19. Hơn nữa, xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ khiến thị trường xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc sụt giảm mạnh.
“Samsung không phải là doanh nghiệp nước ngoài cuối cùng đóng gói hành lý và rời đi khi mà Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất và thị trường chính là Mỹ và châu Âu, nếu những thị trường này đóng cửa với hàng hóa Trung Quốc, chắc chắn sẽ có nhiều công ty nữa ra đi”, một người bình luận trên mạng xã hội WeChat.
Một bình luận khác trên WeChat thu hút sự chú ý nói rằng: “Trung Quốc liệu có thể sống nếu thiếu phần còn lại của thế giới hay liệu phần còn lại của thế giới có thể sống thiếu Trung Quốc không?”

Bắc Kinh cưỡng chế dỡ bỏ nhà dân,

chuyên gia nói có dấu hiệu ‘vượt lên pháp luật’

Phụng Minh
Mới đây, hàng trăm tới hơn nghìn người đã được điều tới phá hủy một khu nhà tại Hoài Nhu, Bắc Kinh, với lý do “vi phạm xây dựng”. Một số học giả nói rằng mục tiêu cưỡng chế đất của chính phủ đã chuyển từ người dân tầng lớp thấp sang tầng lớp trung lưu, phản ánh rằng chính quyền trung ương sẽ “vượt lên luật pháp”.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, những người dân ở trong tổ hợp kiến trúc Tứ Hợp Viện (một cụm 4 dãy nhà hợp thành chữ khẩu, hình vuông, có sân vườn ở giữa) thôn Tây Đài, thị trấn Đông Độ Hà, Bắc Kinh đã nhận được thông báo, rằng tòa nhà của họ xây dựng trên đất bất hợp pháp, nên phải chuyển ra khỏi đó trước ngày 3/8.
Tuy nhiên, theo đoạn video được các chủ sở hữu khu Tứ Hợp Viện quay lại, vào lúc 2 đến 3 giờ sáng ngày 28/7, công nhân phá dỡ lái xe phá hủy hạng nặng tiến tới trước cổng sắt của khu Tứ Hợp Viện. Một người đàn ông với vẻ ngoài của một quan chức đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang tuyên bố lớn tiếng rằng người dân hiện đang cản trở việc thực thi pháp luật, xin hãy bình tĩnh. Nhưng các cư dân trong khu nói rằng đội phá dỡ không được phép phá hủy nhà của họ.
Theo tin tức, trong cuộc đối đầu giữa hai bên, không chỉ một số cư dân bị thương nặng bởi những người phá dỡ công trình, mà chính quyền còn cử người đến canh giữ trước cửa từng ngôi nhà và cấm họ ra ngoài.
Một trong những người dân, Thịnh Hồng, cựu giám đốc của Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc Bắc Kinh, cũng chỉ trích rằng chính quyền đã phái khoảng 500 người tới xâm chiếm và đập phá dữ dội trước thời hạn thông báo, trước khi vụ kiện hành chính liên quan và các thủ tục khác được hoàn tất. Việc này khiến người dân vô cùng kinh ngạc.
Khu nhà cổ này có hơn 100 hộ gia đình sinh sống bên trong. Một số cư dân trong cộng đồng địa phương báo cáo rằng vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, những người được chính quyền địa phương thuê đã vào khu nhà, đe dọa doanh nghiệp cung cấp điện, nước phải cắt các dịch vụ phục vụ sinh hoạt tối thiểu này và buộc họ phải di dời. Trong thời gian này, đã xảy ra và một số việc động chân động tay khiến có chủ nhà đã bị thương.
Trả lời về vấn đề này, Vương Tài Lượng, một luật sư luật bất động sản của Trung Quốc, chỉ ra rằng mặc dù luật pháp Trung Quốc quy định chính phủ có quyền phá dỡ sớm với lý do khẩn cấp vì lợi ích công cộng, nhưng chính quyền đã không tuân thủ các thủ tục cưỡng chế, và đây cũng là một thông lệ xấu đã hình thành nhiều năm nay.
Luật sư Trung Quốc Trương Đông Thạc tin rằng hành vi của lực lượng tháo dỡ công trình rõ ràng là bất hợp pháp và gây thiệt hại cho tài sản và quyền cư trú của người dân.
Đài phát thanh Hồng Kông trích dẫn phân tích của nhà bình luận các vấn đề thời sự Trung Quốc Ngô Cường cho biết, trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy cải thiện môi trường sinh thái, lấy Bắc Kinh làm gương điển hình, họ đã áp dụng các biện pháp cứng rắn và cực đoan để loại bỏ một số dự án bất động sản ở vùng ngoại ô. Mục tiêu trước kia là người dân tầng lớp thấp giờ đã chuyển sang cả tầng lớp trung lưu sống trong khu Tứ Hợp Viện cổ kính. Ông tin rằng đây là một hành động chủ quan đòi vượt lên trên cả pháp luật.
Năm 2017, các quan chức Bắc Kinh đã đưa ra “Quy hoạch đô thị chung của Bắc Kinh” và tiến hành một cuộc dọn dẹp quy mô lớn đối với “nhân khẩu cấp thấp”, gây ra sự bất mãn trong người dân địa phương, bao gồm cả người dân thành thị Bắc Kinh.
Năm 2018, chính quyền lại chuyển mục tiêu sang “doanh nghiệp cấp thấp” và lên kế hoạch loại bỏ 500 “doanh nghiệp gây ô nhiễm” chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, hóa chất, đồ gỗ, sản phẩm gỗ và kim loại, bao bì và in ấn… cùng các cơ sở sản xuất truyền thống.
Đến tháng 6 năm nay, hàng chục biệt thự ở làng Ngõa Diêu, thôn Xương Bình Lưu, Bắc Kinh cũng bị phá hủy, trong đó có nhà của con gái nguyên lão Lý Lập Tam, một cựu chiến binh của ĐCSTQ.
Giáo sư Thành Hồng chỉ ra rằng quyền có nhà ở là một phần quan trọng của quyền con người. Những người làm ăn chân chính, chăm chỉ, quý trọng bảo vệ quê hương cho dù làm trái quy tắc xây dựng, cũng có thể cho cơ hội sửa lại hoặc xử phạt một cách thích đáng, chứ không được hủy hoại nhà ở của họ một cách tàn nhẫn như vậy. Ông tin rằng các hình phạt phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ. Ví dụ, lái xe vượt đèn đỏ là vi phạm luật, nhưng người lái xe không thể bị bắn, cũng không thể phá hủy xe của người ta.
Ông Hứa Chương Nhuận, cựu giáo sư tại Trường Luật Đại học Thanh Hoa, cũng nói trong một bài báo rằng Bắc Kinh đã sử dụng việc “tăng quỹ đất” như một cái cớ để cưỡng chế phá hủy nhà cửa của người
dân ở mọi nơi. “Trên thực tế, nó chỉ ra rằng chính quyền chỉ coi trọng đất đai, giở trò kiếm lời,… quyền tiền kề vai sát cánh, khiến hàng vạn hộ gia đình bất mãn, thống khổ”.
Theo Li Xiaokui,Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Nông dân Trung Quốc kể lại trải nghiệm nghẹt thở

của công nghệ nhận diện tại Bắc Kinh

Phụng Minh
Đó là những gì mà thế giới tự do có thể cảm thấy sốc, khi bạn đi vệ sinh cũng phải quét gương mặt để được lấy giấy.
Vì miếng cơm manh áo, Lý Phúc Quý phải đến Bắc Kinh để làm việc, khi không có đất ở quê. Anh phải kiếm tiền nuôi mẹ già và bản thân. Đây cũng là truyền thống bao đời trong gia đình anh: lên thành phố mưu sinh.
Khi mới lên thủ đô, anh muốn tới nương nhờ vào một người anh tên Kim Tỏa Tử vốn là người cùng làng, làm công việc chuyển phát nhanh ở Bắc Kinh. Nhưng nhân viên bảo an của cộng đồng đã không cho phép anh vào, nói rằng anh cần có “mã số sức khỏe”. Phúc Quý hỏi “mã số sức khỏe là cái gì vậy? Có nó thì nghĩa là không bị mắc dịch bệnh hay sao?” Nhân viên bảo vệ nói: “Mã sức khỏe là bằng chứng cho thấy anh đã ở đây và nó không liên quan gì đến sức khỏe”.
Phúc Quý cho biết: “Nhân viên bảo vệ liếc nhìn chiếc máy điện thoại Nokia trong tay tôi, lấy điện thoại di động của anh ta ra và đưa cho tôi quét nhận diện khuôn mặt để chứng minh rằng tôi là một ‘chất không ô nhiễm’ màu xanh lá cây. Nhưng những bức ảnh không được trao cho tôi này, có phải là đã xâm phạm quyền của tôi rồi không. Tôi lớn lên vốn đã không ưa nhìn, xấu đẹp gì cũng là một gương mặt độc nhất trên thế giới, phải không? Như vậy là đã bị cưỡng đoạt rồi”.
Phúc Quý cho biết, để được đi làm, một bác gái bên ủy ban khu phố cũng yêu cầu anh phải quét và nhận diện khuôn mặt. Gác cổng cũng đều là điện tử, ra vào đều phải quét nhận diện khuôn mặt. “Tôi không hiểu, tôi có khuôn mặt người, vậy tại sao tôi phải chứng minh rằng đó là khuôn mặt người mà không phải là một cái gì khác”, Phúc Quý thắc mắc. Bác gái của ủy ban khu phố nói: “Quét mặt chứng tỏ rằng cậu đã ở đây và không liên quan gì đến người khác”.
Người tiêu dùng tới các siêu thị ở Bắc Kinh cũng cần phải quét mặt và lấy nhiệt độ cơ thể. Phúc Quý nói, “bạn không chỉ phải trả tiền cho mọi thứ, bạn còn phải để lại nhận diện gương mặt của mình”.
“Các nhà hàng ở Bắc Kinh cũng quét mặt. Tôi còn tưởng rằng sẽ không được ăn cơm nếu không có gương mặt đẹp. Khuôn mặt được bố mẹ tặng cho, tại sao lại phải để lại bức ảnh gương mặt của mình sau khi ăn xong? Tôi đã đưa tiền, đó là tiền kiếm được của tôi cơ mà”.
“Các nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh cũng nhận diện gương mặt, máy móc đặt trên vách tường, ngay khi bước vào, khuôn mặt của tôi đã bị đóng khung bởi hộp điện tử. Đó là khuôn mặt của tôi. Tại sao bạn lại chụp ảnh mặt tôi mà không có sự đồng ý của tôi? Ở Bắc Kinh đến đi vệ sinh cũng phải lưu lại mặt, điều khó tin nhất là, lấy giấy cũng phải quét mặt, nếu không thì không có mà chùi”.
“Cho đến một ngày, cảnh sát tuần tra ở Công viên Trung Sơn đã sử dụng một hộp điện tử nhỏ trên vai để kiểm tra ID của tôi, và cũng đang bí mật quét mặt tôi. Tôi hỏi, ‘tại sao lại quay video mặt tôi?’. Viên cảnh sát nói, ‘chúng tôi đang xử lý vụ việc và lưu lại một vài bằng chứng. Tôi chưa vi phạm luật, vậy bằng chứng nào ở đây?”, Phúc Quý kể lại.
Anh nói: “Sau đó, cuối cùng tôi cũng hiểu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi người dân Trung Quốc là ‘ngoài vòng pháp luật’ và giám sát mọi hành động của mọi công dân bình thường. Không có gì ngạc nhiên khi ngày nay trên các đồng nhân dân tệ người ta truyền tay nhau có dòng chữ ‘Trời diệt Trung cộng’, ‘thoát khỏi ĐCSTQ và bảo vệ cuộc sống của bạn’. Hóa ra ĐCSTQ là một tên trộm của đất nước, sợ người dân nổi loạn và coi người dân như động vật để giám sát…”
Vào ban đêm, các màn hình camera đầy đường, Phúc Quý cảm nhận như một trường “giam khống khí hận”. Anh nói mình cũng được sinh ra như những người dân trên thế giới, nhưng lại sống đời sống uất ức ở Trung quốc, “Mặc dù tôi mặc quần áo khi đi trên phố Trường An, tôi luôn cảm thấy như đang khỏa thân vậy”.
Chuyển từ bài viết của Li Fugui, trên Minghui
Biên tập: Yan Hao, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Vì sao Vũ Hán tịch thu hộ chiếu cán bộ, quân nhân?

Phụng Minh
Việc kiểm soát chặt chẽ xuất cảnh ở Vũ Hán lần này không giống như những lần làm tương tự ở nhiều nơi khác của Trung Quốc. Cùng là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, nhưng lần này có những lý do đặc biệt hơn.
Theo Sohu.com, trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Văn phòng Công an thành phố Vũ Hán vào ngày 27/7 đã công bố thông báo liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc xuất cảnh của công dân. Thông báo nêu rõ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát, các tổ chức công cộng, các đơn vị quân đội ở Vũ Hán lập hồ sơ, thu thập và lưu trữ các giấy chứng nhận du lịch nước ngoài vì mục đích cá nhân của nhân viên, nếu không nộp hoặc xin vô hiệu, vẫn sẽ bị hủy hộ chiếu. Thông báo sẽ được thực hiện từ ngày 1/8/2020.
Trước đó, “Luật trừng phạt công chức chính phủ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hiệu lực vào ngày 1/7. Luật quy định sáu loại công chức rời khỏi đất nước bất hợp pháp và có quốc tịch nước ngoài hoặc thẻ xanh sẽ bị phạt ở các mức độ khác nhau.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Văn phòng Công an thành phố Vũ Hán đã ra thông báo thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát xuất cảnh của các quan chức vì mục đích cá nhân. (Ảnh chụp màn hình trang web, dẫn qua Soundofhope).
Trong vài năm qua, các quy định tương tự đã được ban hành ở nhiều nơi khác nhau ở Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 2015, các quy định này đã xuất hiện nhiều lần. Như vậy việc thu lại hộ chiếu ở Vũ Hán có gì giống và không giống các lần trước? Ý nghĩa đặc biệt là gì? Tại sao ĐCSTQ thực hiện kiểm soát xuất cảnh đối với người Vũ Hán nói chung? Ông Giang Phong, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng hiện nay và là nhà sáng lập nền tảng truyền thông trực tuyến Sound of Hope đã đưa ra phân tích của mình.
Hành động vi phạm nhân quyền đã có tiền lệ từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”
Trong những ngày đầu tiên, các phương tiện truyền thông thậm chí còn ca ngợi phương pháp tịch thu hộ chiếu của ĐCSTQ, nói rằng ông Tập Cận Bình “đả hổ diệt ruồi”, dùng phương pháp này nhắm vào các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ và ngăn họ chạy trốn. Sau đó, loại quy định này dần dần được mở rộng và áp dụng nhiều hơn cho các nhóm người đặc biệt.
Chẳng hạn, tháng 11/2018, giáo viên ở các trường tiểu học và trung học và thậm chí các trường mẫu giáo ở Phúc Kiến, Sơn Đông, Nội Mông và các nơi khác đã được thông báo chung, yêu cầu phải nộp hộ chiếu và giấy phép vào Hồng Kông, Macao và Đài Loan, đồng thời các vấn đề xuất cảnh phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ khi nào các giáo viên lại thuộc về nhóm “hổ và ruồi”?
Năm 2019, các giáo viên từ các trường đại học và các trường khác ở Liêu Ninh, Phúc Kiến và những nơi khác cũng cho biết họ bị bắt buộc phải nộp lại hộ chiếu. Trong hai năm qua, các vụ tịch thu hộ chiếu xảy ra theo các quy định và thông báo hành chính khác nhau diễn ra trên cả nước. Một số dành cho các quan chức địa phương hoặc cấp bộ, và một số dành cho công chức trong các doanh nghiệp và tổ chức.
Rõ ràng, Tập Cận Bình có kế hoạch thiết lập chính quyền của mình, xác định lại phạm vi ảnh hưởng của mình và thực hiện sự phân phối lợi ích mới thông qua việc cấp và tịch thu hộ chiếu, gia tăng quyền kiểm soát các quyền cơ bản của người dân.
Kiểm toàn diện việc xuất cảnh từ Vũ Hán, để kiểm soát chặt chẽ sự thật về đại dịch
Việc tịch thu hộ chiếu ở Vũ Hán lần này không giống như trước đây. Ở các khu vực khác, nếu bạn báo cáo rằng mình bị mất hộ chiếu, một cuốn hộ chiếu mới sẽ được cấp lại. Nhưng tại Vũ Hán, trong thông báo lần này nói rõ sẽ không chấp nhận việc báo cáo mất nữa, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được phép ra nước ngoài.
Từ giờ, các cán bộ, công chức và quân nhân ở Vũ Hán sẽ bị kiểm soát việc xuất cảnh một cách nghiêm ngặt. Thậm chí theo quy định mới, cơ quan di trú có thể hủy trực tiếp hộ chiếu đã được nộp từ ngày 1/8. Nói cách khác, thông báo chỉ để cho cán bộ đảng, công chức của các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước và quân nhân biết rằng: Dù sao, hộ chiếu cũng sẽ bị hủy nếu không được bàn giao.
Câu hỏi là, làm thế nào loại phương thức quản lý xuất nhập cảnh chỉ dành cho tội phạm này lại được áp dụng đại trà cho cán bộ, công nhân viên và quân nhân Vũ Hán chỉ sau một đêm?
Ông Giang Phong chỉ ra rằng, nếu đây là bước tiếp theo trong trận chiến tiêu diệt tham nhũng của ông Tập Cận Bình, thì về mặt logic, các quan chức tham nhũng sẽ không tập trung ở Vũ Hán. Kiểm soát xuất cảnh như thế này có nghĩa là ai cũng sẽ trở thành nghi phạm hình sự. Làm như vậy, thực sự có thể buộc tất cả mọi người trong hệ thống nổi loạn. Vì vậy, những lo ngại nào khiến ĐCSTQ phải kiểm soát việc xuất cảnh của các đảng viên, cán bộ, quan chức nhà nước và quân nhân ở khu vực Vũ Hán? Trên thực tế, đó là vì sự thật của trận đại dịch.
Ngăn chặn những Diêm Lệ Mộng khác
Vũ Hán là một thủ phủ của tỉnh, các cán bộ ở đây nắm rõ nhiều vấn đề từ tỉnh đến thành phố, từ các vấn đề của đảng đến quản lý, đến y tế và phòng chống dịch bệnh, đến tiền tuyến của dịch bệnh, và sau đó đến các học viện quân sự và các đơn vị chiến đấu đã được thông báo từ lâu, có bao nhiêu người trong cuộc? Họ sẽ biết nhiều hơn Trần Thu Thực, người đã đứng lên nói sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán trong những ngày đầu. Và các quan chức, quân nhân ở Vũ Hán có nhiều hướng dẫn, thông báo và tài liệu trong tay hơn cả Trần Thu Thực.
Tại sao phải kiểm soát việc xuất cảnh của người Vũ Hán? Mục đích có thể là vì nỗi sợ người đào tẩu. Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, người đã trốn tới Hoa Kỳ từ Đại học Hồng Kông, đã tiết lộ sự thật về dịch bệnh và tác động của nó đối với Hoa Kỳ và thế giới.
Về thời gian, vào ngày 10/7, Fox News đã phát một đoạn clip phỏng vấn Diêm Lệ Mộng, sau đó thông báo về việc thu hộ chiếu của Vũ Hán diễn ra vào ngày 22/7. Mặc dù Diêm Lệ Mộng đã đến Hoa Kỳ trước đó, nhưng việc phát sóng cuộc phỏng vấn và đưa tin của một số lượng lớn các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở nước ngoài đã tạo ra một tác động lớn đến ĐCSTQ. Họ sợ thế giới và người dân trong nước biết được sự thật về đại dịch Vũ Hán.
Diêm Lệ Mộng là một học giả tại Đại học Hồng Kông. Mặc dù các chuyên gia biết sức nặng của những tiết lộ của cô ấy, nhưng sẽ mạnh mẽ hơn nếu tiết lộ tương tự tới từ một người trong cuộc có thông tin đầu tiên ở Vũ Hán. Vậy ai sẽ là người trong cuộc này? ĐCSTQ đang kiểm soát số lượng nhỏ người trong các khu vực cao nhất của Vũ Hán như Ủy ban tỉnh Hồ Bắc, Ủy ban thành phố Vũ Hán, Ủy ban y tế Vũ Hán, cán bộ quân sự tỉnh…
Theo Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Trung Quốc lại quy nguồn gốc dịch bệnh cho Mỹ

Lan Châu
Bắc Kinh hiện đang đổ lỗi cho một phòng thí nghiệm quân sự Mỹ gây ra đại dịch Covid-19, theo tờ Washington Free Beacon hôm 2/8.
Các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã liên tục lan truyền thuyết âm mưu rằng virus viêm phổi Vũ Hán bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Fort Detrick ở bang Maryland (Mỹ), động thái đáp trả các chỉ trích của Mỹ đối với phản ứng của Trung Quốc trong đại dịch.
“Nói về sự thật, chúng tôi muốn chính phủ Mỹ công bố sự thật cho dân chúng Mỹ và thế giới biết về Viện Nghiên cứu Y học Truyền nhiễm Quân sự Mỹ tại Fort Detrick, Maryland”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hôm 22/7.
Tuy nhiên, Tổng thống Richard Nixon đã đóng cửa khoa vũ khí sinh học Fort Detrick vào năm 1969, 50 năm trước khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán được ghi nhận. Fort Detrick hiện đang tập trung tiến hành các nghiên cứu sinh học phòng thủ và về ung thư. Các quan chức Mỹ thường xuyên chỉ trích chính quyền Trung Quốc làn truyền thuyết âm mưu xoay quanh phòng thí nghiệm Fort Detrick, bên cạnh các cáo buộc vô căn cứ khác, hòng đổ lỗi cho Mỹ gây ra đại dịch toàn cầu.
Hồi tháng 3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã ám chỉ quân đội Mỹ đưa Covid-19 vào thành phố Vũ Hán.
“Mỹ có bệnh nhân số 0 từ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể quân đội Mỹ chính là người đã đưa dịch vào Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai số dữ liệu của các anh! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích”, ông Triệu viết trên Twitter cá nhân hôm 12/3.
Ông cho rằng đoàn đại biểu Mỹ tham dự Thế vận hội Quân sự ở Vũ Hán hồi tháng 10/2019 là nguồn gốc lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên ông Triệu không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố này.
“Việc ai đó trong chính quyền Trung Quốc xuất hiện và đưa ra tuyên bố như vậy là hoàn toàn lố bịch và vô trách nhiệm”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 3 nói.
Các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng đã phát tán các tuyên truyền quy nguồn gốc đại dịch cho các quốc gia khác. Thời báo Hoàn Cầu – một cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh – từng giả thiết virus có thể bắt nguồn từ Tây Ban Nha, trích dẫn một bài nghiên cứu chưa được bình duyệt. Cũng chính thời báo này từng tuyên bố Covid-19 được phát hiện trong nước thải ở Brazil hồi tháng 11/2019.

[Video]: Bão cấp 13 tạo thành những cơn sóng

 cao hàng chục mét khi ập vào bờ biển Chiết Giang

Phụng Minh
Ngày 4/8, cơn bão thứ tư trong năm nay của Trung Quốc có tên Hagupit đã đổ bộ Ôn Châu, Chiết Giang. Sức gió tối đa trên bờ đạt cấp 13. Một con sóng khổng lồ cao hàng chục mét đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực đô thị Nhạc Thanh, Ôn Châu và hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng.
Các nhà chức trách đã nâng mức cảnh báo từ màu vàng lên mức cam (cao thứ hai). Cơn bão đã gây ra những cơn gió mạnh với tốc độ gió 90 km mỗi giờ kèm mưa lớn, đồng thời gây ra những con sóng khổng lồ cao hàng chục mét khi vào tới bờ biển. Theo tin mới cập nhật từ Soundohope, gần 400.000 người dân tỉnh Chiết Giang đã được sơ tán đến nơi an toàn. Dịch vụ tàu hỏa và các hoạt động xây dựng đã phải tạm dừng ở tỉnh Phúc Kiến và các tàu đánh cá đã được kéo lên bờ.
Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy sức gió của cơn bão Hagupi mạnh tới nỗi đã cuốn bay người đang đi đường, phá hủy nhà cửa và mưa lớn làm ngập khu vực đô thị Nhạc Thanh, với nước ở một số khu vực sâu hơn 2 mét.
Gió dữ dội và mưa lớn đổ bộ vào Ôn Châu , Chiết Giang và tạo ra những con sóng tới hàng chục mét trên bờ biển Đông Khẩu.
Theo truyền thông chính thức của Trung Quốc, cơn bão Hagupit mạnh nhất trong 14 năm tấn công Ôn Châu đã khiến nhiều ngôi nhà địa phương bị hư hại, nhiều cột điện bị thổi bay. Theo báo cáo, lực gió cao nhất đạt cấp 15.
Tài khoản DynastyEndChaos đăng bài trên Twitter với lời bình:
“2020: Dịch bệnh, nhật thực, châu chấu, côn trùng di cư, hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, lở đất, hỏa hoạn, cháy nổ, mưa đá, giông bão, động đất, tuyết giữa tháng sáu, ngày hóa đêm trong chốc lát, lốc xoáy, còn gì nữa chưa đến không?
Bão nhiệt đới! Cơn bão có gió cấp 15. Nghe thật đáng sợ.
Trên thực tế, tất cả những thảm họa thiên nhiên này ít gây hại hơn nhiều so với sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Theo Hao Yan, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Bão Hagupit đổ bộ tới Chiết Giang,

sơ tán gần 400.000 dân

Bình luậnMinh Thanh
Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc vẫn chưa qua đi thì nay một cơn bão khác lại ập đến. Vào sáng sớm ngày 4/8, cơn bão Hagupit đã đổ bộ vào bờ biển Nhạc Thanh, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, mang theo mưa to và gió lớn. Gần 400.000 người dân ở Chiết Giang đã được sơ tán. Cơn bão cũng sẽ ảnh hưởng đến Giang Tô, An Huy và các tỉnh khác, mang tới những cơn mưa và trận lũ lụt dữ dội hơn.
Theo Đài quan sát Khí tượng Trung Quốc, cơn bão Hagupit đã đổ bộ vào bờ biển Nhạc Thanh, thành phố Ôn Châu vào khoảng 3h30 sáng ngày 4/8. Vào lúc 5h, vị trí tâm bão nằm ở thành phố Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang, giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão là 970 hPa. Dự báo cơn bão sẽ di chuyển về phía bắc với tốc độ 20 – 25 km/h. Cường độ sẽ dần dần suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó chuyển dần sang hướng đông bắc, đi qua khu vực Bắc Trung Bộ tỉnh Chiết Giang và Nam Trung Bộ tỉnh Giang Tô, rồi di chuyển về phía tây của Bán đảo Triều Tiên.
Đài quan sát khí tượng Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh báo bão màu cam với cơn bão Hagupit. Khu vực phía đông thành phố Lệ Thủy thuộc tỉnh Chiết Giang, Nam Trung Bộ của Đài Châu và hầu hết thành phố Ôn Châu đã bị bão tấn công,xuất hiện mưa bão lớn. Tại khu vực Lệ Thủy, Ninh Ba, Chu Sơn, Thiệu Hưng, Kim Hoa có xuất hiện những cơn mưa rào, lượng mưa ở thôn Phế Đầu, thị trấn Long Tây, thành phố Nhạc Thanh lên tới 207,3 mm.
Ngoài ra, cơn bão Hagupit cũng mang đến những cơn gió mạnh. Ở thị trấn Liễu Thị thuộc thành phố Nhạc Thanh đo được trận gió có vận tốc 52,1 m/s, tương đương với gió cấp 16. Ngoài ra còn có gió giật cấp 15 ở đảo Thanh Sơn thuộc thị trấn Nguyên Giác, huyện Động Đầu và thôn Kỳ Đầu thuộc thị trấn Liễu Thị, thành phố Nhạc Thanh.
Chính quyền tỉnh Chiết Giang hiện đã sơ tán hơn 380.000 dân và dự kiến ​​bão Hagupit sẽ tiếp tục đi về phía bắc, gây ảnh hưởng đến tỉnh Giang Tô, An Huy và những nơi khác. Đài quan sát Khí tượng Trung Quốc dự đoán trong khoảng thời gian từ 8h ngày 4/8 đến 8h ngày 5/8, sẽ có mưa lớn ở phía đông nam tỉnh Giang Tô và phía đông tỉnh Chiết Giang. Trong số đó, sẽ có mưa to dữ dội ở Thượng Hải và đông bắc Chiết Giang.
Gần đây, các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Giang Tô, thành phố Thượng Hải và nhiều khu vực khác vừa bị lũ lụt, cộng thêm cơn bão lần này tấn công  khiến lượng nước tích tụ trong các khu vực này lại càng tăng cao.
Minh Thanh
Theo NTDTV

[Video]: Đêm khuya, đập Tam Hiệp mở 6 cổng xả lũ,

 tắt hết đèn, quang cảnh đen như mực

Triệu Hằng
Đoạn video được người dùng Twitter đăng tải hôm 3/8 cho thấy, vào khoảng 11 giờ khuya, đập Tam Hiệp mở 6 cổng xả lũ, nhưng theo đó lần lượt từng chiếc đèn ở công trình bị tắt khiến quang cảnh tối đen như mực không còn trông thấy đập xả lũ ra sao.
Cảnh quay khiến người dùng Twitter không khỏi ngạc nhiên và sôi nổi bàn tán.
Nhiều tài khoản để lại những dòng bình luận, có người nói: “tắt đèn có nghĩa là không cho bạn xem”.
Người khác nói: “Thật quá xấu xa. Tắt đèn và lén lút xả lũ khiến người dân không khỏi bất ngờ”.
Có người viết: “Trong mắt chính quyền Trung Quốc, tính mạng của người dân chẳng là gì cả”.

[Video sốc]: Tia sét cực lớn

đánh vào nhà cao tầng ở Trung Quốc

Phụng Minh
Khoảng 6 giờ tối ngày 3/8, một tòa nhà cao tầng khu dân cư ở quận Thiết Tây thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh bị sét đánh trúng.
Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy một tia sét khổng lồ giáng xuống một tòa chung cư cao tầng trên đường Thẩm Liêu, Thẩm Dương. Tia sét kéo dài xuống mặt đất từ ​​đỉnh tòa nhà, tàn lửa văng tung tóe.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng đã đưa tin đã xác nhận sự việc: “Đường dây điện cao thế Thẩm Dương bị sét đánh và một con rồng lửa khổng lồ lóe lên phát ra tia lửa”. Vào lúc 17h53 ngày 3/8, một vụ sét đánh ở Thẩm Dương, Liêu Ninh khiến đường dây điện cao thế bắt lửa, tàn lứa bắn xa sang tận đám cây bên kia đường.
Giải thích của phía cơ quan chức năng Trung Quốc là do “sét đánh vào dây điện cao thế làm cháy cỏ dại trong bãi cỏ”, đồng thời nhấn mạnh không gây ra thương vong về người; công ty điện lực cũng cho biết dây điện cao thế không bị hư hại, vẫn cung cấp điện bình thường.
Tuy nhiên, cách giải thích này của phía chính quyền chưa khiến người dân cảm thấy yên tâm, khi địa phương vẫn tiếp tục xuất hiện mưa lớn. Cơ quan khí tượng Thẩm Dương tối ngày 3/8 vẫn tiếp tục công bố “cảnh báo mưa lớn màu cam”, “cảnh báo sấm sét gió lớn màu cam”, “cảnh báo mưa đá màu cam”, tối cùng ngày thành phố Tân Dân không những có thời tiết sấm sét, gió to lên đến trên cấp 11, mà còn có mưa đá và mưa rào.
Theo Nhạc Văn Kiêu, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Trung Quốc hoàn thành hệ thống

dẫn đường BeiDou trong bối cảnh lo ngại về an ninh

Bình luậnDu Miên
Chính quyền Trung Quốc gần đây đã hoàn thành việc triển khai hệ thống định vị dựa trên vệ tinh với nhiều sự phô trương. Nhưng các chuyên gia trong nhiều năm đã cảnh báo về các mối đe dọa bảo mật mà hệ thống này đặt ra cho người dùng và chính phủ.
Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou đã chính thức được đưa vào hoạt động vào ngày 31/7 tại một buổi lễ ở Bắc Kinh, có sự tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc như Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và là người ra quyết định quân sự hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hệ thống BeiDou, một dự án do nhà nước khởi xướng vào năm 1994, đã hoàn thành vào ngày 23/6 khi Trung Quốc phóng vệ tinh BeiDou-3 thứ 35 và cuối cùng lên quỹ đạo địa tĩnh. Năm 2018, hệ thống bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các quốc gia có tham gia vào sáng kiến ​​”một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, dự án chính sách đối ngoại này đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các tuyến thương mại trên khắp thế giới khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường sức mạnh địa chính trị.
Tại một cuộc họp thường nhật vào ngày 31/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố rằng hệ thống BeiDou đang được sử dụng ở hơn một nửa các quốc gia trên thế giới.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, BeiDou tự hào có thể xác định vị trí chính xác hơn so với đối tác Hoa Kỳ là Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, hơn 70% điện thoại thông minh đang sử dụng BeiDou, tính đến quý đầu tiên, theo tờ Thời báo Hoàn cầu.
Trong khi hệ thống BeiDou có cả ứng dụng dân sự và quân sự, Bắc Kinh đã phát triển hệ thống này chủ yếu cho mục đích quân sự, theo báo cáo năm 2015 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Trung Quốc tại Hoa Kỳ (USCC), một cơ quan trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) coi sự phụ thuộc của mình vào các hệ thống dẫn đường nước ngoài là “một lỗ hổng chiến lược”, theo báo cáo ghi nhận.
Tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển BeiDou đã được nêu rõ ràng trong các bản tin của truyền thông nhà nước.
Vào ngày 1/8, tờ Nhật báo Hồ Nam đã đưa tin rằng hệ thống BeiDou sẽ cho phép Trung Quốc “có sức mạnh lớn hơn khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết”, và để Trung Quốc “nắm giữ quyền lãnh đạo”. Tờ báo dự đoán rằng, một khi BeiDou được kết hợp với các công nghệ như truyền thông không dây và trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo 5G, nó sẽ tạo ra “quyền lực không thể đo đếm được” cho Trung Quốc, tạo ra các ngành công nghiệp mới với “nhiều lợi ích kinh tế và xã hội hơn”.
Hệ thống BeiDou được Bắc Kinh hỗ trợ theo chính sách công nghiệp “Made in China 2025” – bản kế hoạch chi tiết để Trung Quốc dần thay thế các đối thủ toàn cầu và trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.
Trong một bản báo cáo phát hành năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã đề cập tới một số mối đe dọa do hệ thống BeiDou gây ra cho người dùng điện thoại thông minh. Bộ này cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể theo dõi, nghe lén và đánh cắp thông tin từ người dùng điện thoại thông minh nếu thiết bị của họ được nhúng phần mềm độc hại và được kết nối với BeiDou.
Một số nhà sản xuất điện thoại thông minh như Samsung, Huawei và Xiaomi, đã bắt đầu cung cấp BeiDou như một ứng dụng tùy chọn để thu tín hiệu vệ tinh.
Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan kêu gọi các nhân viên chính phủ Đài Loan không sử dụng điện thoại thông minh được kết nối với hệ thống BeiDou, để ngăn chặn chúng trở thành mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công từ phía Trung Quốc.
Trong một báo cáo riêng được công bố vào năm 2017, USCC cũng đã đưa ra một cảnh báo tương tự.
USCC nhận định: “Beidou có thể gây rủi ro bảo mật bằng cách cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng hệ thống, bằng cách triển khai phần mềm độc hại được truyền qua tín hiệu điều hướng hoặc chức năng nhắn tin (thông qua kênh liên lạc vệ tinh), khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi”.
USCC cũng cảnh báo về mối đe dọa quân sự tiềm tàng do BeiDou gây ra.
“Trung Quốc cũng có thể tấn công khi một đối thủ truy cập vào GPS mà không làm gián đoạn khả năng của chính mình”, Ủy ban cảnh báo.
Theo báo cáo hồi tháng 1/2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh cũng có khả năng tác động đến các quốc gia khác để gắn kết lợi ích của họ với chính quyền này, bằng cách cung cấp các ưu đãi cho các quốc gia tham gia “một vành đai, một con đường” để họ áp dụng hệ thống BeiDou.
Du Miên
Theo The Epoch Times

ĐCS Trung Quốc bắt giữ

những người bất đồng chính kiến

​​trước Hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà

Bình luậnDu Miên
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác đã xuất hiện trước công chúng trong vài ngày, trong khi cảnh sát ở thị trấn nghỉ dưỡng phía bắc Bắc Đới Hà gần đây bắt đầu thắt chặt an ninh. Các nhà quan sát dự đoán rằng hội nghị bí mật hàng năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ sớm diễn ra.
Gần đây, những người thỉnh nguyện kêu gọi chính quyền Trung Quốc lắng nghe những bất bình của họ cũng bị bắt giữ trong khu vực này. Trước các cuộc họp chính trị quan trọng, cảnh sát ĐCSTQ thường đàn áp các phe bất đồng chính kiến.
Theo thông lệ, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ sẽ đi nghỉ ở Bắc Đới Hà nằm ở phía bắc tỉnh Hà Bắc, trong khoảng 2 tuần. Kỳ nghỉ này thường bắt đầu vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Các phe nhóm của ĐCSTQ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức, thảo luận về các chính sách lớn của quốc gia và hoàn thiện các quyết định trong hội nghị, nhưng các chi tiết được giữ kín.
Trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, những người thỉnh nguyện đã nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng, cảnh sát ở Bắc Đới Hà đã bắt họ tại các nhà ga xe lửa địa phương hoặc trên đường phố và gửi họ về nhà. Tuy nhiên, những cảnh sát này không hề đưa ra lý do hoặc có văn bản chính thức của lệnh bắt giữ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có một số hoạt động vào cuối tháng 7 nhưng không tham gia vào các hoạt động công khai trong vài ngày qua. Năm thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, cũng chưa xuất hiện trước công chúng.
Nhưng đến tháng này, các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin về nhiều hoạt động của các nhà lãnh đạo chính quyền tỉnh, chẳng hạn như Bí thư Đảng tỉnh Hà Bắc.
Theo tờ báo nhà nước Hà Bắc Nhật báo, ông Vương Đông Phong (Wang Dongfeng) đã đến thăm Bắc Đới Hà vào ngày 12/6 và 13/6 để kiểm tra các sắp xếp an ninh tại địa phương.
ĐCSTQ cài đặt các hệ thống giám sát hàng loạt để thắt chặt kiểm soát xã hội và việc không tuân thủ các lệnh đề ra có thể dẫn đến mất việc làm, nhà ở, quyền tự do và quyền được đi học.
ĐCSTQ cài đặt các hệ thống giám sát hàng loạt để thắt chặt kiểm soát xã hội và việc không tuân thủ các lệnh đề ra có thể dẫn đến mất việc làm, nhà ở, quyền tự do và quyền được đi học. (Tổng hợp)
Từ thời điểm đó, người dân địa phương nhận thấy tần suất xuất hiện của cảnh sát gia tăng đáng kể.
Cô Ma Bo là một người thỉnh nguyện ở Bắc Đới Hà. Cô nói rằng cảnh sát đã bố trí các trạm kiểm soát tại các ga đường sắt ở Bắc Đới Hà và Tần Hoàng Đảo (Qinhuangdao), thành phố nơi có thị trấn nghỉ dưỡng. Cảnh sát cũng kiểm tra danh tính người dân tại các ngã tư đường phố ở Bắc Đới Hà, trong nỗ lực tìm kiếm tất cả những người khiếu kiện và bất đồng chính kiến.
Cô Ma và con trai cô đã đến bãi biển cùng 2 người bạn là cảnh sát ở quê cô – thành phố Giai Mộc Tư (Jiamusi).
Trong khi họ đang lái xe ô tô riêng vào ngày 27/7, cảnh sát đã yêu cầu dừng phương tiện và không cho phép họ vượt qua trạm kiểm soát vì cô Ma được xác định là người khiếu nại khi cảnh sát thực hiện quét nhận dạng gương mặt cô bằng điện thoại giám sát của mình.
“[Cảnh sát địa phương] cuối cùng đã thả chúng tôi ra sau khi cảnh sát từ Giai Mộc Tư đã tranh luận với họ một thời gian lâu”, cô Ma cho biết.
Tại Công viên Núi Lianfeng trên đường đến bãi biển, cô Ma lại bị cảnh sát chặn lại. Cảnh sát đã quét số ID của cô và xác định cô là “mục tiêu”. Cô Ma sau đó bị buộc rời khỏi công viên và phải quay về nhà.
Cô Ma nói thêm rằng các nhà chức trách gần đây đã lắp đặt camera giám sát trong tất cả các xe taxi. Theo cô, các chức năng nhận dạng khuôn mặt của máy camera có thể xác định được những người bất đồng chính kiến ​​và cảnh báo về sự hiện diện của họ với lực lượng chức năng của ĐCSTQ.
Cô Xiao Jin là một người thỉnh nguyện đến từ tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc. Cô đến Bắc Đới Hà vào ngày 25/7 với hy vọng kêu gọi các quan chức hàng đầu lắng nghe cô khi họ ở trong khu vực này. Nhưng ngay sau đó, cô đã bị bắt giữ tại nhà ga xe lửa và gửi trở lại Vân Nam.
“Cảnh sát đã lấy một trong những chiếc điện thoại của tôi, vì họ sợ tôi sẽ vạch trần hành vi sai trái của họ”, cô Xiao nói.
Bắc Đới Hà là một thị trấn nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng hướng ra biển Bột Hải (Bohai).
Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng như các chính khách đã nghỉ hưu của ĐCSTQ được triệu tập tại đây để thảo luận về các thách thức mà ĐCSTQ đang đối mặt, phân bổ quyền lực giữa các phe phái khác nhau và quyết định ai sẽ thăng chức hay bãi nhiệm.
Không một phóng viên nào được phép tham dự cuộc họp cũng như phỏng vấn các quan chức. Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng không phát hành bất kỳ thông báo hay đưa tin bài nào.
Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong và ngoài nước, bao gồm cả dịch virus Corona Vũ Hán và tác động của nó đối với nền kinh tế; lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác xảy ra trên cả nước đã ảnh hưởng đến hàng triệu người; và phản ứng dữ dội từ quốc tế chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh tại Tân Cương, việc kiểm soát chặt chẽ Hong Kong và những rủi ro an ninh liên quan đến các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó, đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ vẫn không suy giảm. Trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 9 quan chức có cấp bậc Chủ tịch tỉnh trở lên đã bị cách chức và bị giam giữ, theo tờ Nhật báo Kinh tế trực thuộc nhà nước Trung Quốc.
Du Miên
Theo The Epoch Times

Trung Quốc đã kết thúc toàn cầu hóa như thế nào?

Bình luậnTâm An
Thương mại quốc tế không chỉ liên quan đến sự trao đổi hàng hóa, mà đó còn là về sự tín nhiệm và các giá trị. Lịch sử toàn cầu hóa cho đến nay, trên hết là “câu chuyện” về Trung Quốc, giờ đây, đã đến hồi kết thúc – cũng lại vì Trung Quốc.
Trong vòng ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã đi từ một quốc gia kém phát triển thành một cường quốc thế giới, và hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa công nghiệp lớn nhất cũng như nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Vào năm 1990, sản lượng kinh tế bình quân đầu người của Trung Quốc vào khoảng 1.600 USD, ngày nay là 18.000 USD, gần bằng với Mexico.
Trên bề mặt, đây là một câu chuyện thành công tuyệt vời của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, xét từ góc độ khác theo quan điểm của phương Tây, thì Trung Quốc không có một nền dân chủ và họ không phải là một nhà nước pháp quyền. Điều này đặt ra những vấn đề khó giải quyết đối với trật tự kinh tế thế giới. Vì xét cho cùng, vấn đề mậu dịch quốc tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi sản phẩm, mà còn liên quan đến kiến ​​thức và thông tin – đó là hệ thống niềm tin và giá trị.
Giàu có và phi tự do
Trong một thời gian dài, thế giới đã có quan niệm cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lặp lại ở Trung Quốc: Tự do hóa chính trị cuối cùng sẽ đạt được, thông qua quá trình phát triển kinh tế. Công dân Trung Quốc rồi sẽ có “quyền lên tiếng” về vận mệnh của đất nước, hoặc có quyền bày tỏ ý kiến ​​hay sự chỉ trích. Các
định chế độc lập, vững mạnh sẽ đảm bảo việc thực thi luật pháp và an toàn trật tự cho cư dân của họ, và cho người nước ngoài hoạt động trong nước.
Chẳng hạn, Hàn Quốc đã thực hiện “bước nhảy vọt” từ chế độ độc tài sang dân chủ và pháp quyền vào cuối những năm 1980. Sản lượng kinh tế bình quân đầu người của họ vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 10.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức độ thịnh vượng của Trung Quốc hiện nay.
Với hy vọng về một hướng phát triển như vậy, phương Tây đã tiếp cận Trung Quốc: Vương quốc Anh chuyển giao Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết bảo đảm rằng thuộc địa cũ của Anh sẽ được duy trì hệ thống chính trị độc lập trong 50 năm, bao gồm cả quyền tự do dân sự và tư pháp độc lập.
Cũng như các quốc gia khác, trong những năm qua Trung Quốc luôn được “kỳ vọng” là sẽ trở thành một quốc gia bình thường theo kiểu phương Tây. Phương Tây cho rằng sự hội nhập về kinh tế dẫn đến một sự chuyển đổi xã hội sẽ làm cho quá trình tự do hóa chính trị tại Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.
Theo tinh thần này, Hoa Kỳ đã mời Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở đường cho việc gia nhập chính thức vào năm 2001. Đó là một thời điểm rất lạc quan. Vào thời điểm đó, các báo cáo trên các phương tiện truyền thông liên tục chia sẻ kỳ vọng rằng đây là một bước tiến trong chiến thắng kế tiếp của chế độ tự do, dân chủ, như chúng tôi đã trình bày trong một nghiên cứu cho Quỹ Bertelsmann. Vào thời điểm đó, có rất nhiều cuộc trao đổi về “cải cách” và “hy vọng” – và về những cơ hội mà Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty phương Tây thông qua việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, câu chuyện này đã đi vào dĩ vãng. Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ lớn; đất nước này trở nên giàu có hơn nhưng lại kém tự do hơn. Trong những năm gần đây, đường lối chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí còn khiến việc đấu đá trong nội bộ trở nên nghiêm trọng hơn, và về mặt đối ngoại thì hung hăng, hiếu chiến hơn. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ bỏ sự “miễn cưỡng” trước đây của mình trên trường quốc tế.
Điển hình là trường hợp ở Hong Kong cho thấy Bắc Kinh không quan tâm đến các thỏa thuận quốc tế nữa: Thay vì tôn trọng giao kết, chính quyền này hiện đã và đang mở rộng bộ máy đàn áp của mình sang thuộc địa cũ của Anh.
Sự vỡ mộng theo ngay sau nỗi sợ hãi
Rõ ràng, nền kinh tế quốc doanh “chủ chốt” của ĐCSTQ không phù hợp với tư tưởng cạnh tranh công bằng của phương Tây. Từ trước khi ông Donald Trump “bước chân” vào Nhà Trắng, một làn sóng tố tụng chống bán phá giá đối với các công ty Trung Quốc đã bắt đầu, đặc biệt là khi các nhà cung cấp Trung Quốc được chính quyền nước này trợ cấp “tràn ngập” thế giới qua rất nhiều sản phẩm, từ thép, nhôm đến các hàng hóa giá rẻ khác.
Năm ngoái, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã công bố một báo cáo lên án các hành vi không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi “đảm bảo nền kinh tế thị trường ở Đức và châu Âu”. Sự chỉ trích này cho thấy nhiều tập đoàn Đức đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc – với hy vọng chính quyền này sẽ dần thay đổi chế độ chính trị xã hội – đã bắt đầu tỉnh ngộ ra, và theo sau đó là nỗi lo sợ…
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vào năm 2018 nhằm buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và “chơi công bằng”, cuối cùng đã dẫn đến việc Hoa Kỳ liên tục tăng thuế qua nhiều vòng “thương thuyết” khác nhau.
Có vẻ như thế giới không còn cơ sở để tăng cường toàn cầu hóa!?
Chỉ vài năm trước, toàn cầu hóa bao gồm các thương vụ trao đổi đơn giản: xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Sau khi giao hàng và thanh toán, thương vụ xem như đã được thực hiện. Sau khi thực hiện cuộc buôn bán, các nhà sản xuất và người mua hầu như chẳng còn liên hệ đến nhau.
Lý luận của toàn cầu hóa 1.0: Quá trình sản xuất sẽ diễn ra tại nơi có các điều kiện tốt nhất và thường có nghĩa là nơi có chi phí thấp nhất. Với việc mở cửa biên giới, mọi nền kinh tế sẽ chuyên môn hoá những gì mà mình thực hiện tốt nhất. Phân công lao động quốc tế sẽ nâng cao năng suất, trong khi chi phí giảm và lựa chọn nhiều hơn. Chủ nghĩa bảo hộ – bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước cạnh tranh nước ngoài – sẽ không phát huy tác dụng. Kịch bản này tác động cực kỳ độc hại.
Nhưng thương mại quốc tế không còn đơn giản là giới hạn trong việc trao đổi sản phẩm mà đã mở rộng sang các luồng dữ liệu, tức là thông tin. Máy móc, hệ thống dữ liệu và ngay cả lượng ô tô gia tăng cũng sẽ truyền dữ liệu, được theo dõi, kiểm soát, bảo dưỡng và cập nhật từ xa. Thời đại toàn cầu hóa 2.0 cũng là về việc kiểm soát và truy cập cơ sở hạ tầng thông tin, tìm kiếm dữ liệu trên điện toán đám mây (còn
gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet), thực hiện dịch vụ dữ liệu.
Dữ liệu là sức mạnh thời hiện đại, và nó không chỉ dựa trên quy mô kinh tế mà các công ty như Google hay Amazon truyền cho khách hàng dưới dạng chi phí thấp và chất lượng cao, mà còn dựa trên hệ tư tưởng của các cơ quan chính phủ để sử dụng các công ty thu thập dữ liệu cho mục đích của họ.
Lợi thế chi phí được bù đắp bởi việc thu thập thông tin tình báo. Một ví dụ điển hình là cuộc đấu tranh cho nhà cung cấp mạng Trung Quốc Huawei và vai trò của nó trong việc mở rộng mạng vô tuyến di động 5G phương Tây minh chứng cho điều này.
Tại sao cần ‘lan tỏa’ hệ tư tưởng sang phương Tây? Và nó có giá trị gì?
Thương mại tự do trong những điều kiện này có còn là sự lựa chọn tốt nhất không? Câu hỏi cơ bản về toàn cầu hóa này không còn có thể được trả lời đơn giản là “Có”.
So với trước đây, các giá trị cơ bản – pháp trị, quyền con người và quyền tự do – hiện đã được “liên kết trực tiếp” với các vấn đề chính sách thương mại.
Để bảo vệ các quyền này, cần có một bộ quy tắc quốc tế mới – một WTO mới cho thế kỷ 21. Các thỏa thuận của các quốc gia thương mại lớn ký kết với Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục đích đáng kể nào.
Sự lựa chọn là: hoặc là phương Tây – điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Úc, có lẽ về lâu dài cũng thêm cả Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico – cùng nhau thiết lập các tiêu chuẩn chung và phản đối những người không tuân thủ, ngay cả khi họ có sự chống lưng của “thế lực” chính quyền Trung Quốc đằng sau.
Hoặc có nguy cơ các biện pháp của các quốc gia không có sự phối hợp, điều này sẽ đe dọa tình trạng của các chính sách an ninh, môi trường và an sinh xã hội, bị trộn lẫn với vận động hành lang theo hướng bảo hộ từng nhóm đối tượng. Vì lo sợ các cuộc tấn công của Trung Quốc, phương Tây sẽ rút về các “căn cứ tự vệ” của quốc gia.
Trong trường hợp đầu tiên, phương Tây sẽ tiếp tục toàn cầu hóa với một lập trường rõ ràng nhưng vẫn “mở” cho các nước khác. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác hiện bị chế độ độc tài cai trị, có thể trở thành một phần của thỏa thuận này – miễn là họ tuân thủ các quy tắc của phương Tây.
Trong trường hợp thứ hai, toàn cầu hóa như chúng ta biết sẽ kết thúc. Thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU thì có khả năng thiệt hại không nhiều, trong khi các quốc gia nhỏ hơn không có tiềm năng chống lại các mối đe dọa, sẽ trở thành những “quả bóng” trong trò chơi “quyền lực không phối hợp” này.
Tác giả: Tiến sĩ kinh tế Henrik Müller là giáo sư ngành báo chí kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Dortmund và đã từng làm phó chủ biên tạp chí Mannager magazin. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về các chính sách kinh tế và tiền tệ. Müller cũng viết bình luận mỗi tuần về các sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong tuần cho tuần báo Spiegel.
Tâm An
Theo Spiegel

Chính phủ Mỹ phân tách Trung Quốc

và ĐCSTQ khiến Bắc Kinh lo sợ

Bình luậnĐông Phương
Trong những năm gần đây, các chính trị gia Hoa Kỳ ngày càng phân biệt rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Trung Quốc. Điều này làm cho ĐCSTQ rất lo sợ. Theo truyền thông Pháp, Trung Nam Hải đang gấp rút giải quyết tình huống này, có thể thấy được từ cách biện giải của các kênh truyền thông chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, khi các học viên Pháp Luân Công tổ chức các cuộc diễu hành ủng hộ người Trung Quốc thoái đảng, họ thường căng các biểu ngữ như “Trung Cộng không phải là Trung Quốc”, “Trời diệt Trung Cộng – Phù hộ Trung Hoa”, “Chúng ta là con cháu của Trung Hoa, không phải là hậu duệ của Marx-Lenin”, v.v. để truyền tải thông điệp đến người dân thế giới rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc hay người dân Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các chính trị gia Hoa Kỳ như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo… cũng đã bắt đầu vạch ra sự khác biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.
Vào cuối tháng 10/2019, tại Viện nghiên cứu Hudson ở New York, ông Pompeo đã có một bài phát biểu nhắm thẳng vào chính quyền ĐCSTQ; đến hôm 8/11 năm đó, trong một hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, ông lại một lần nữa phân tách rạch ròi “ĐCSTQ” với “người dân Trung Quốc” và nhấn mạnh rằng “cuộc xung đột Mỹ – Trung chỉ là xung đột giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ”.
Đến năm 2020, ông Pompeo lại càng chú trọng hơn đến sự tách biệt này. Cho dù đó là cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ở London hồi cuối tháng 1, hay cách đây không lâu khi Ấn Độ cấm các ứng dụng của Trung Quốc, ông đều nhấn mạnh là phải thận trọng với những mối đe dọa đến từ “ĐCSTQ”.
Vào ngày 23/7, ông Pompeo đã có bài phát biểu về Trung Quốc tại Thư viện Nixon và ông nói về những quan sát sâu hơn của mình: Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận ra rằng, chính sách qua lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thực hiện trong hơn 40 năm qua đã thất bại, ĐCSTQ ngược lại còn trở nên độc tài hơn. Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận ra rằng, ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc, và điều khiến Hoa Kỳ lo lắng không phải là Trung Quốc, mà là ĐCSTQ.
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải giao thiệp với người dân Trung Quốc. Ông nói rằng ĐCSTQ luôn luôn nói dối. Và lời nói dối lớn nhất của nó là nói rằng ĐCSTQ thay mặt cho 1,4 tỷ người dân đang bị nó giám sát, áp bức mà không dám nói điều gì. Điều này càng chứng minh rằng ĐCSTQ sợ những ý kiến ​​chân thành của người dân Trung Quốc hơn cả sợ những địch thủ ngoại quốc.
Vào ngày 29/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã đưa ra một lập luận rất dài về vấn đề này. Ông nói: “Cách nói ‘chính sách qua lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thất bại’ là không đúng sự thực”. Lý do là vì quan hệ kinh tế và thương mại Trung – Mỹ đã hỗ trợ 2,6 triệu công việc cho nước Mỹ, hơn 72.500 công ty Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng ông Uông không nói đến việc Hoa Kỳ cáo buộc ĐCSTQ không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trợ cấp xuất khẩu, khiến hàng triệu người Mỹ mất việc, các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc buộc phải chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp, v.v.
Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng, chính quyền của ĐCSTQ là một chính quyền theo chủ nghĩa Marx – Lenin. Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ biện giải rằng “lập trường chính trị căn bản nhất của một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx là đặt nhân dân lên vị trí hàng đầu”.
Nhà bình luận tình hình chính trị đương thời Đông Phương (Dong Fang) nói rằng, ĐCSTQ tự xưng là nước Cộng hòa Nhân dân, tiền tệ được gọi là Nhân dân tệ, tờ báo được gọi là Nhân dân Nhật báo, và chính phủ được gọi là Chính phủ Nhân dân… Nhưng nhân dân là một khái niệm hư cấu, về bản chất là nhà nước của đảng, tiền tệ của đảng, báo chí của đảng, trong khi đó nhân dân chỉ là hạng tầm thường thấp cổ bé họng.
Vào ngày 28/7, Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian. Toàn bộ bài viết là lời chỉ trích của ông Vương Nghị về Hoa Kỳ. Và ngay từ đầu, nó đã chĩa mũi nhọn vào cách mà Hoa Kỳ phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc.
Về vấn đề này, tờ RFI nhận xét rằng, ý chính của ông Vương Nghị là Hoa Kỳ không nên cố gắng gây chia rẽ “mối quan hệ gắn bó huyết nhục giữa đảng cầm quyền và nhân dân”. Ông Vương khéo léo gọi ĐCSTQ là “đảng cầm quyền”, nào ngờ, đảng cầm quyền và đảng đối lập tồn tại song song với nhau, vậy đảng đối lập của ĐCSTQ đang ở đâu, đang trong tù hay trong một chiếc bình hoa? Chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ không xứng đáng với danh hiệu “đảng cầm quyền”.
Bài bình luận chỉ ra rằng, ông Vương Nghị đã sử dụng những từ ngữ gay gắt và tuyên bố rằng ĐCSTQ có “mối quan hệ gắn bó huyết nhục” với người dân, đây là một cách miêu tả về xã hội độc tài và thậm chí là một băng đảng xã hội đen. Giữa một đảng cầm quyền và nhân dân chỉ có thể tồn tại một mối quan hệ tín nhiệm hay không tín nhiệm, chứ không có bất kỳ mối quan hệ máu thịt nào.
Các nhà phân tích cho rằng, những phát ngôn của ông Vương Nghị phản ánh ra tâm lý của nội bộ ĐCSTQ, họ không mong muốn cái cách mà Hoa Kỳ phân tách người dân Trung Quốc và ĐCSTQ. Nếu người dân Trung Quốc tiếp nhận cách nghĩ này, thời đại cúi đầu nhẫn nhục hoặc bị ép chịu đựng sẽ qua đi.
Ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), Chủ tịch điều hành của tổ chức Sáng kiến Trung Quốc Princeton (PCI) tại Hoa Kỳ, cũng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, việc phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc là đánh vào điểm đau của ĐCSTQ, vậy nên ĐCSTQ mới vội vàng trói chặt ĐCSTQ và nhân dân lại với nhau.
Ông nói rằng, chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ trong những năm gần đây đều chĩa mũi giáo về phía ĐCSTQ. Có một số người có thể vì vậy mà giữ khoảng cách với ĐCSTQ hoặc thậm chí rời khỏi ĐCSTQ. Điều này làm cho xã hội phân biệt rõ hơn những người dân thường với những người đàn áp và cưỡi lên đầu lên cổ họ. Đây chính là điều mà ĐCSTQ lo sợ.
Đông Phương
Theo NTDTV

Trung Quốc chỉ hoàn thành 5% thỏa thuận

thương mại Trung-Mỹ về năng lượng

Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc mua sản phẩm năng lượng từ Hoa Kỳ chỉ bằng 5% của mức mục tiêu đặt ra là 25,3 tỷ đô la, quá thấp so với cam kết của Bắc Kinh trong thỏa thuận thương mại vào thời điểm quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu ngày càng tồi tệ, theo Reuters.
Trung Quốc nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng, than luyện kim và các sản phẩm năng lượng khác ở mức khoảng 1,29 tỷ đô la trong năm nay, tính cho đến tháng 6, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Trong khi các giao dịch mua sản phẩm của Hoa Kỳ tăng tốc gần đây, các nhà phân tích cho rằng giá năng lượng thấp và quan hệ xấu đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể không hoàn thành mục tiêu cả năm của mình trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đã được thống nhất vào tháng 1.
Reuters dẫn lời giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, Michal Meidan, nói “Trung Quốc không có khả năng thực hiện các cam kết Giai đoạn 1 vì chúng quá tham vọng ngay từ đầu”. Chuyên gia dự kiến Bắc Kinh sẽ tăng tốc mua hàng để chứng tỏ thiện chí.
Việc không đạt mục tiêu có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang xấu đi kể từ khi dịch virus corona bùng phát.
Dầu thô Mỹ là một trong những mặt hàng chủ đạo trong các giao dịch mua hàng Giai đoạn 1 của Trung Quốc. Nhưng giá cước vận chuyển tăng cùng với sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu, giữa bối cảnh dịch virus corona lan rộng, khiến cho việc nhập khẩu vào Hoa Kỳ khá tốn kém cho các nhà tinh chế nhiên liệu ở Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ nhập 45.603 thùng dầu của Hoa Kỳ mỗi ngày so với 85.453 thùng trong cùng kỳ năm 2019. Để đáp ứng mục tiêu thỏa thuận thương mại, Trung Quốc sẽ cần phải nhập 1,5 triệu thùng dầu thô Mỹ vào năm 2020 và 2021.

Bắc Kinh thề trả đũa

nếu Mỹ hành động chống nhà báo Trung Quốc

Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ tiếp tục có “hành động thù địch” đối với các nhà báo Trung Quốc, những người có thể sẽ buộc phải rời khỏi nước Mỹ trong những ngày tới nếu như thị thực Hoa Kỳ không được gia hạn, theo Reuters.
Tại cuộc họp báo thường nhật hôm 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên rằng không có nhà báo Trung Quốc nào tại Hoa Kỳ được gia hạn thị thực kể từ hôm 11/5, khi Mỹ đặt ra giới hạn thời gian lưu trú của họ chỉ còn 90 ngày, sau đó có thể được hoặc không được gia hạn.
“Hoa Kỳ đã leo thang hành động chống lại các nhà báo Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Uông nói trong cuộc họp báo. “Hoa Kỳ nên lập tức sửa chữa sai lầm và dừng lại hành động của mình”.
“Nếu Hoa Kỳ cứ kiên trì làm như thế, Trung Quốc sẽ có phản ứng cần thiết và hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết có bao nhiêu nhà báo Trung Quốc bị ảnh hưởng, hay Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa như thế nào, nhưng tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói các nhà báo Mỹ làm việc ở Hong Kong sẽ bị nhắm mục tiêu nếu các nhà báo Trung Quốc bị buộc rời khỏi Hoa Kỳ.
“Phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất là tất cả các nhà báo Trung Quốc phải rời đi”, tổng biên tập của tờ báo chính thức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trên Twitter. “Nếu chuyện đó xảy ra, phía Trung Quốc sẽ trả đũa, bao gồm nhắm mục tiêu vào các nhà báo Hoa Kỳ có trụ sở tại Hong Kong”.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xấu đi gần đây vì nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề thương mại và xử lý dịch virus corona. Hai bên liên tục có hành động “ăn miếng trả miếng” liên quan đến các nhà báo trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 3, Hoa Kỳ cắt giảm số lượng công dân Trung Quốc được phép làm việc tại các văn phòng của truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ từ 160 xuống còn 100 người.
Còn Trung Quốc trục xuất các nhà báo Hoa Kỳ làm việc cho ba tờ báo Mỹ – New York Times, Wall Street Journal và Washington Post – và đe dọa sẽ có biện pháp tương ứng với bất kỳ hành động nào của Mỹ chống lại các nhà báo Trung Quốc.

Covid-19: Hàng triệu người lại sống

trong phong tỏa ở Philippines

Hàng chục triệu người ở Phillipines lại trở về sống trong phong toả, sau khi các bác sỹ cảnh báo tình trạng số ca Covid-19 tăng mạnh có thể khiến hệ thống y tế sụp đổ.
Lệnh ở nhà được áp dụng tại thủ đô Manila và bốn tỉnh lân cận trên đảo Luzon trong hai tuần.
Philippines mới nới lỏng các biện pháp phong toả, thuộc hàng nghiêm ngặt nhất trên thế giới, hồi tháng Sáu.
Nhưng các bệnh viện hiện đang chật vật chống chọi với số ca nhiễm mới tang gấp năm lần, với tổng số trên 100.000 ca dương tính trên cả nước.
Lệnh phong toả có nghĩa người dân trở phải tuân thủ lệnh ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm hay tập thể dục. Các phương tiện giao thông công cộng đã ngưng hoạt động và các chuyến bay nội địa đã ngừng, còn nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang về.
Hôm Chủ nhật Philippines thong báo có số ca nhiễm kỷ lục trong ngày là 5032 ca. Ở một số vùng, có tin các bệnh viện buộc phải từ chối nhận thêm bệnh nhân mới.
Các bác sỹ hy vọng lệnh phong toả mới sẽ cho các nhân viên y tế có thời gian để xử lý số ca nhiễm tăng vọt.
Người lao động bị kẹt
Lệnh phong toả, có hiệu lực từ thứ Ba ngày 4/8, chỉ được báo trước 24 giờ, khiến nhiều người bị kẹt ở thủ đô mà không có cách nào để về quê.
“Chúng tôi hết tiền rồi. Chúng tôi không thể rời sân bay vì chúng tôi không có họ hàng nào ở đây,” Ruel Damaso, một công nhân xây dựng 36 tuổi, nói với hãng tin AFP. Ông đang tìm cách về thành phố Zamboanga ở phía Nam.
Tại các khu vực khác ở Manila, người dân đi mua đồ tích trữ trước khi phong toả bắt đầu.
Lần phong toả trước, từ giữa tháng Ba đến tháng Năm, là một trong những đợt phong toả kéo dài nhất trên thế giới.
Tới nay đã có 2104 người tử vong ở Philippines vì Covid-19, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

TT Duterte cấm

hải quân Philippines tập trận với Mỹ ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa đột ngột cấm các hải quân nước này tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và các nước khác ở Biển Đông, một động thái có thể làm suy yếu nỗ lực của Washington nhằm xây dựng liên minh chống Trung Quốc ở vùng biển nhiều tranh chấp.
“Philippines sẽ không tham gia bất cứ cuộc tập trận nào với các nước khác ở Biển Đông, trừ vùng lãnh hải của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ 3/8, và nêu ra lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
“Tổng thống Duterte ra lệnh hiện vẫn có hiệu lực với chúng tôi, với tôi, rằng chúng tôi không được tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngoại trừ vùng lãnh hải của chúng tôi, rộng 12 hải lý tính từ bờ biển của chúng tôi”, ông Lorenzana cho hay. “Vì vậy, chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không thể tập trận với họ ở Biển Đông”.
Quyết định gây tranh cãi của ông Duterte gây ra bất bình trên khắp cả nước và bị xem là một sự nhượng bộ nữa của ông Duterte đối với Bắc Kinh, chỉ vài tuần sau khi các quan chức hàng đầu của Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu nước này tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 ủng hộ các yêu sách về biển của Philippines, trong khi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc, Manila phát ra tín hiệu gây phân vân về quốc phòng vì ông Duterte dường như không phản đối việc một đơn vị hải quân khá lớn của Philippines tham gia cuộc tập trận Thái Bình Dương 2020 (RIMPAC20) ở Honolulu, Hawaii, là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu, tiến hành 2 năm 1 lần.
Philippines sẽ điều tàu khu trục tên lửa mới được đưa vào biên chế BRP Jose Rizal (FF-150) tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn giữa Mỹ và khoảng 20 đồng minh, dự kiến kéo dài trong hai tuần vào cuối tháng này.
(CNN, Asia Times)

Malaysia điều tra

chống bán phá giá thép của Việt Nam

Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) hôm 28/7/2020, ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.
Báo trong nước ngày 3 tháng 8 loan tin dẫn thông báo từ MITI cho biết, MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam. Trong trường hợp không nhận được thông tin từ MITI, các bên liên quan có thể liên hệ với cơ quan này để nhận bản câu hỏi điều tra.
Thời hạn để các bên liên quan gửi yêu cầu nhận bản câu hỏi điều tra muộn nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố thông báo. Thời hạn nộp bản trả lời bản câu hỏi điều tra và nộp quan điểm, lập luận bằng văn bản về cuộc điều tra là trong vòng 30 ngày kể từ ngày MITI công bố thông báo, trừ trường hợp được gia hạn.
Ngoài thép không gỉ cán nguội, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng đang tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nguội của Việt Nam và khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một mặt hàng khác được gọi là PET, PETE hoặc PETP hoặc PET-P, là nhựa nhiệt dẻo được dùng trong tổng hợp xơ sợi, vật đựng đồ uống, thức ăn và các loại chất lỏng…  PET là một trong số những nguyên vật liệu sử dụng trong việc sản xuất sợi thủ công.
Sản phẩm thép cuộn cán nguội và thép không hợp kim của Việt Nam cũng bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá 5 năm, từ ngày 25/12/2019 đến hết ngày 24/12/2024. Mức thuế là 7,70% – 20,13%.

Ấn Độ đổ 35.000 quân tới biên giới với TQ

Ấn Độ đã đưa thêm 35.000 quân tới khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc tại dãy Himalaya giữa thời điểm quan hệ hai nước trở nên căng thẳng
Nguồn tin quan chức cấp cao Ấn Độ của tờ báo trên cho biết quyết định này có thể thay đổi cục diện tại cuộc tranh chấp biên giới dài 3.488km.
Quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng hơn sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong trong một cuộc đụng độ hôm 15-6 với phía Trung Quốc tại khu vực tranh chấp dọc biên giới. Kể từ đó, Bắc Kinh và New Delhi đều đã bổ sung quân và khí tài tại khu vực này.
Nguồn tin của South China Morning Post cho biết việc bổ sung quân là cần thiết trong bối cảnh đó.
“Bản chất của Đường kiểm soát thực tế (LAC), ít nhất tại vùng Ladakh, đã thay đổi mãi mãi. Lực lượng bổ sung của cả hai phía sẽ không rút đi, trừ phi các cấp chính quyền cao hơn có các tiếp cận khác” – ông B K Sharma, giám đốc Tổ chức tư vấn The United Service Institution of India, nhận định.
Tính đến nay, các cuộc đụng độ đã ngừng lại. Sau nhiều vòng đàm phán cấp cao, Bắc Kinh đã tuyên bố rút quân ở đa số các khu vực dọc biên giới.
“Hiện cả hai bên đều chủ động chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy thứ 4 để giải quyết vấn đề còn tồn đọng. Chúng tôi hi vọng phía Ấn Độ sẽ hướng tới cùng mục tiêu với Trung Quốc, thực hiện sự đồng thuận của hai bên, cùng nhau giữ vững hòa bình và sự bình yên dọc biên giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố hôm 28-7.
Theo South China Morning Post, quân đội Ấn Độ vốn đang tập trung đối phó với các cuộc nổi dậy tại khu vực Jammu, Kashmir và các bang phía đông bắc để bảo vệ 742km biên giới vùng Pakistan.
Giới quan sát lo ngại việc đưa thêm quân tới khu vực lạnh giá của dãy Himalaya, nơi nhiệt độ có thế xuống dưới -30 độ C, sẽ là thách thức lớn đối với công tác hậu cần của quân đội Ấn Độ.

Cựu thứ trưởng Úc:

Cabenrra phải giúp Mỹ bảo vệ Đài Loan

Lục Du
Taiwan News đưa tin, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Paul Dibb hôm 4/8 nói rằng Úc phải giúp Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, nếu không Úc sẽ bị coi là bên vi phạm cam kết với Mỹ trong việc đảm bảo an ninh khu vực Thái Bình Dương.
Chia sẻ với tờ The Australian, ông Paul Dibb nói rằng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn khi biết người Đài Loan không muốn thống nhất với Đại lục.
Theo ông Dibb, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tấn công Đài Loan để làm giảm áp lực từ làn sóng chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Dibb cho rằng, vì Úc là thành viên của Liên minh ANZUS với Hoa Kỳ và New Zealand, nên nước này sẽ coi bất kỳ cuộc xâm lược nào đối với Đài Loan là một cuộc tấn công vũ trang làm bất ổn khu vực Thái Bình Dương. Nếu Úc khoanh tay đứng nhìn, thì Washington sẽ coi Canberra là “kẻ phản bội cam kết đối với khu vực của chúng ta”.
Ông Dibb nhận định, nếu Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược, thì ngoài Mỹ, Nhật Bản sẽ chung tay giúp Đài Bắc bảo vệ lãnh thổ bằng sự hỗ trợ quân sự hoặc hậu cần. Ông lý giải rằng, khi Trung Quốc chiếm được Đài Loan, Bắc Kinh sẽ có điều kiện thuận lợi để đe dọa đảo Okinawa của Nhật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?