Tin khắp nơi – 05/08/2020

Tin khắp nơi – 05/08/2020

Một phái đoàn cao cấp nhất của Mỹ kể từ 1979 sẽ thăm Đài Loan – Thanh Phương

Sắp tới đây, Hoa Kỳ sẽ cử đến Đài Loan phái đoàn cao cấp nhất kể từ năm 1979, tức là kể từ khi Washington cắt đứt bang giao với Đài Bắc và chỉ công nhận chính phủ ở Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc.
Hôm nay, 05/08/2020, Viện Mỹ – trên thực tế là cơ quan đại diện của Mỹ tại Đài Loan xác nhận bộ trưởng Y Tế Alex Azar sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm đảo này và đây sẽ là chuyến viến thăm Đài Loan đầu tiên của một thành viên chính phủ Hoa Kỳ từ 6 năm qua, đồng thời nhấn mạnh là kể từ năm 1979, chưa bao giờ có một bộ trưởng cấp cao như thế đến thăm Đài Loan.
Lần cuối cùng một thành viên chính phủ Mỹ đến Đài Loan là vào năm 2014, đó là chuyến viếng thăm của lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Trước đó, vào năm 2000, bộ trưởng Giao Thông của tổng thống Bill Clinton cũng đã đến thăm Đài Loan.
Phía Đài Bắc cũng đã xác nhận thông tin nói trên và cho biết thêm là, trong chuyến đi này, bộ trưởng Y Tế Alex Azar sẽ gặp tổng thống Thái Anh Văn ( Tsai Ing Wen ), nhân vật mà Bắc Kinh cáo buộc là đang muốn chính thức tuyên bố Đài Loan độc lập.
Tuy nhiên, Đài Bắc lẫn Washington đều không nói rõ ngày giờ của chuyến viếng thăm.
Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn rất thận trọng trong các tiếp xúc chính thức với chính quyền Đài Loan. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã xích gần lại Đài Bắc hơn, trong khi quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi. Sau khi đắc cử, ông Trump đã là tổng thống Mỹ đầu tiên nói chuyện trực tiếp với một tổng thống Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn gọi điện để chúc mừng ông. Từ đó đến nay, chính quyền Donald Trump đã bán nhiều thiết bị quân sự hiện đại cho Đài Bắc.
Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối. Trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), tuyên bố, Đài Loan là vấn đề nhậy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ và hy vọng phía Mỹ sẽ chấm dứt các trao đổi chính thức với Đài Loan, để « tránh làm tổn hại đến quan hệ Trung-Mỹ và duy trì ổn định ở eo biển Đài Loan »
Về quan hệ Mỹ-Trung, theo hãng tin Reuter, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ( Liu He ) sẽ họp trực tuyến ngày 15/08 tới để xem xét việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một, mà hai bên đã ký kết vào tháng 1 năm nay và đã được khởi động từ ngày 15/02. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc đã hứa sẽ mua thêm tổng cộng 200 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm.

Hồng Kông: Pompeo cam kết

bảo vệ các nhà dân chủ bị truy nã

Tú Anh
Được tin cảnh sát Hồng Kông ra lệnh truy nã các nhà tranh đấu dân chủ tị nạn hoặc cư trú ở nước ngoài, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ những người tranh đấu lưu vong và lên án chế độ độc tài Bắc Kinh.
Theo AFP, trong một tuyên bố đăng trên Twitter ngày 04/08/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác định lập trường của Hoa Kỳ là lên án “mưu toan của đảng Cộng sản Trung Quốc” truy bắt các nhà hoạt động vì dân chủ cư trú ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, kể cả ở Hoa Kỳ.
Ông cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc không có khả năng chấp nhận để người dân tự do suy nghĩ và còn tìm đủ mọi cách để tung bàn tay trấn áp ra bên ngoài biên giới.
Trong tình thế này, ngoại trưởng Pompeo cam kết Mỹ và các quốc gia tự do sẽ bảo vệ những người vì tranh đấu cho tự do mà bị đe dọa.
Ngoại trưởng Mỹ phản ứng như trên sau khi truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin cảnh sát Hồng Kông ra lệnh truy bắt 6 nhà hoạt động lưu vong với cáo buộc “vi phạm luật an ninh quốc gia của Trung Quốc”,có hiệu lực từ cuối tháng 6/2020.
Trong số 6 người, hầu hết là người trẻ, có Samuel Chu mang quốc tịch Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Dân Chủ Hồng Kông, cơ sở đặt tại Hoa Kỵ
Người nổi tiếng thứ hai là Nathan Law (La Quán Thông), thoát sang Anh Quốc nhờ có hộ chiếu đặc biệt.

ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm

về thảm họa đại dịch toàn cầu

Theo một cuộc khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn 3/4 người Mỹ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm cho việc virus Corona Vũ Hán lây lan và trở thành thảm họa đại dịch toàn cầu.
Khảo sát mới của Pew cũng cho thấy sự mất thiện cảm của người dân Hoa Kỳ về Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao lịch sử.
Khi được hỏi về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng trên toàn cầu trong cuộc thăm dò hồi tháng Bảy, 78% số người được hỏi cho biết họ đã hầu như tin rằng, lỗi chính thuộc về ĐCSTQ. Một nửa số người được hỏi nghĩ rằng Washington nên buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về việc này, ngay cả khi điều đó có thể khiến mối quan hệ giữa 2 nước xấu đi.
Khoảng 3/4 (73%) số người tham gia khảo sát cho biết Hoa Kỳ nên cố gắng thúc đẩy vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, dù cho điều đó có gây tổn hại đến quan hệ kinh tế.
Trong khi đó, nhận thức về Trung Quốc cũng tiếp tục xấu đi, với 73% số người được hỏi có ý kiến bất lợi về ĐCSTQ, tăng 7% kể từ cuộc thăm dò trước đó vào tháng Ba năm nay, và tăng 26 điểm kể từ khảo sát năm 2018.
Cuộc khảo sát tham khảo ý kiến của 1.003 người Mỹ và được thực hiện trong khoảng thời gian từ 16/6 đến 14/7. Kết quả của cuộc thăm dò được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump tăng cường các nỗ lực để đối đầu với Bắc Kinh, bao gồm cả việc ĐCSTQ che đậy sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán hồi đầu năm, vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương và Hong Kong, đánh cắp công nghệ Mỹ và gây hấn quân sự ở Biển Đông.
Khoảng 63% (tức 2/3) người Mỹ cho biết ĐCSTQ đã làm không tốt trong việc đối phó với virus Corona Vũ Hán.
Niềm tin rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm điều đúng đắn trong các vấn đề thế giới của người Mỹ cũng tiếp tục giảm sút, với hơn 77% nói rằng họ có ít hoặc hoàn toàn không có niềm tin vào ông ấy. Con số này đã tăng 27 điểm so với năm ngoái.
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm vì gây ra thảm họa đại dịch toàn cầu, bao gồm đề xuất các biện pháp trừng phạt và loại bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý để cho phép người dân Mỹ kiện Trung Quốc ra tòa án Hoa Kỳ.
Washington tuần trước đã ra lệnh cho lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đóng cửa với cáo buộc đó là một trung tâm gián điệp. Đầu tháng này, chính quyền Hoa Kỳ cũng đã xử phạt một số quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và chấm dứt các đặc quyền Hoa Kỳ dành cho Hong Kong, để đáp trả việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tại đặc khu này.

Mỹ lên án Trung Quốc

mở rộng chế độ độc tài ra bên ngoài lãnh thổ

Quý Khải
Tối thứ Ba (4/8), trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo báo chí lên án việc mở rộng chế độ độc tài ra bên ngoài lãnh thổ của chính quyền ĐCSTQ.
Đầu thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Bắc Kinh “không thể dung thứ những suy nghĩ tự do dân chủ của chính người dân của mình, và hiện đang không ngừng nỗ lực mở rộng quyền tài phán cra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ trích dẫn ví dụ gần đây nhất là lệnh truy bắt 6 nhà hoạt động dân chủ người Hồng Kông bên ngoài Trung Quốc của Bắc Kinh, trong đó gồm một công dân Mỹ.
6 nhà hoạt động này gồm Nathan Law, Wayne Chan Ka-kui, Honcques Laus, Samuel Chu, Simon Cheng và Ray Wong Toi-yeung, trong đó Samuel Chu là một công dân Mỹ gốc Hồng Kông. Họ hiện đang sống lưu vong và bị cáo buộc kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài theo Luật An ninh Quốc gia mới.
Luật An ninh Hồng Kông áp dụng cho người dân toàn thế giới!
Luật An ninh Quốc gia mới được Trung Quốc ban hành cho Hồng Kông kết tội các hoạt động “ly khai”, “lật đổ chính quyền”, “khủng bố” và “cấu kết với các thế lực nước ngoài” mà án tù có thể lên đến chung thân.
Vấn đề đáng lưu ý trong đạo luật này là Điều 38, trong đó quy đinh thêm rằng đạo luật cũng “áp dụng cho mọi vi phạm chống Hồng Kông, xảy ra bên ngoài đặc khu, do những người không thường trú tại Hồng Kông thực hiện”.
Nói cách khác, điều khoản này đã mở rộng phạm vi thẩm quyền của đạo luật ra ngoài lãnh thổ Hồng Kông và áp dụng cho người dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Cuối thông cáo, vị Ngoại trưởng khẳng định Mỹ và các nước dân chủ khác “sẽ tiếp tục bảo vệ người dân của mình trước thẩm quyền vượt biên của chính quyền độc tài Bắc Kinh”.

Mỹ củng cố khả năng tên lửa,

Trung Quốc trong tầm ngắm ?

Thu Hằng
Lần thứ hai, trong vòng 6 tháng, Mỹ thử thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Minuteman III vào ngày 04/08/2020. Tên lửa được trang bị ba đầu đạn, phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California và bay được 6.760 km sau đó rơi xuống quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Tương tự lần thử ngày 05/02, Không Quân Mỹ khẳng định vụ thử đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng và không “nhằm đáp trả hoặc phản ứng về những sự kiện trên thế giới hoặc căng thẳng trong vùng”.
Tuy nhiên, khó có ai tin vào phát biểu này khi nhìn vào những căng thẳng trong thời gian gần đây với Bắc Kinh, đặc biệt là tham vọng trở thành cường quốc quân sự của Trung Quốc. Trong bản báo cáo liên quan đến quá trình hiện đại hóa của Hải Quân Trung Quốc (China Naval Modernization : Implications for U.S. Navy Capabilities – Background and Issues for Congress) được cập nhật ngày 30/07/2020, Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ nhấn mạnh đến việc Hải Quân Trung Quốc đã có trong tay rất nhiều vũ khí tiên tiến, trong đó có tên lửa chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tầu ngầm, tầu chiến, thiết bị bay không người lái, chiến đấu cơ và nhóm chức năng quân sự C4ISR (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính ; Tình báo quân sự ; Giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát).
Hai thập niên Hoa Kỳ lơ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tập trung vào Trung Đông và Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc cơ hội phát triển lực lượng hải quân hùng hậu, có khả năng bảo vệ bờ biển, ngăn Mỹ tiến gần. Theo một bài viết của David Lague đăng trên Reuters vào tháng 05/2020, Trung Quốc hiện có khả năng cạnh tranh, thậm chí còn trội hơn Mỹ về khả năng tên lửa. Lợi thế này có được là nhờ Trung Quốc không tham gia các hiệp định hạn chế vũ khí hoặc tên lửa tầm trung như Nga và Mỹ đã ký kết (INF, New START). Cường quốc Đông Á này đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Nếu không rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) – quy định các bên phải hủy bỏ tất cả các bệ phóng và hỏa tiễn đất đối đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km – Hoa Kỳ đã không thể tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hoặc tên lửa xuyên lục địa.
Lần lượt vào tháng 12/2019, tiếp theo tháng 02 và 08/2020, quân đội Mỹ đã tiến hành thử tên lửa xuyên lục địa Minuteman III. Đây là loại hỏa tiễn địa đối không duy nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ từ năm 2005 và được triển khai tại ba căn cứ quân sự Mỹ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Có từ 50 năm, Minuteman III tiếp tục “được thử nghiệm để bảo đảm độ tin cậy cho đến năm 2030, khi chương trình GBSD (Ground Base Strategic Deterrent) được triển khai thay thế”, theo thông cáo của đại tá Omar Colbert, chỉ huy vụ thử ngày 04/08 được AFP trích dẫn.
Khống chế Trung Quốc ngay tại sân nhà ?
Vẫn theo bản báo cáo của Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ, quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa, có khả năng tác chiến cao, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Đài Loan, nếu thấy cần thiết ; khống chế và chiếm hữu Biển Đông từ các nước láng giềng, bảo vệ thương mại hàng hải của Trung Quốc đến tận Vùng Vịnh để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Khống chế Trung Quốc ngay sát sườn là phương án được hai giáo sư trường Hải Chiến Mỹ James Holmes và Toshi Yoshihara gợi ý. Khác với tên lửa Trung Quốc, thường là tầm ngắn, được lắp cố định trên đất liền, Mỹ có thể lập vòng vây tên lửa lưu động trên tầu chiến được triển khai trong vùng hoặc cố định trên những chuỗi đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc ở Nhật Bản. Philippines được cho là điểm khóa chốt cho vòng vây này. Tuy nhiên, tổng thống Duterte vừa cấm quân đội Philippines tham gia tập trận với Mỹ và ông luôn giữ lập trường nhún nhường với Trung Quốc. Ngoài ra, đội bay Super Hornet của Hải Quân Mỹ cũng như máy bay ném bom B-1 của Không Quân được trang bị tên lửa chống hạm Lockheed Martin, cũng sẽ được tăng cường yểm trợ trong trường hợp cần thiết.
Vụ thử tên lửa xuyên lục địa ngày 04/08, một lần nữa khẳng định chiến lược “phát triển tên lửa tầm xa tấn công từ mặt đất và tên lửa hành trình chống hạm” của Hoa Kỳ, vì “đây là phương tiện nhanh nhất để tái xây dựng hỏa lực tầm xa ở vùng tây Thái Bình Dương (nơi có Trung Quốc)”, theo nhận định của Robert Haddick, một cựu sĩ quan của Hải Quân Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchelle (Mitchelle Institut for Aerospace Studies).

Bất cập thực trạng gói hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ

mùa Covid chảy vào túi Bắc Kinh

Minh Khuê
Hàng trăm triệu USD tiền thuế của người dân Mỹ đã chảy vào túi doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Đây là chương trình được thiết kế để giúp các doanh nghiệp nhỏ sống sót qua đại dịch, theo The Epoch Times.
Hãng tư vấn Horizon Advisory đã tiến hành một đánh giá dựa trên dữ liệu cho vay công khai của PPP. Báo cáo cho thấy một quỹ cho vay trị giá 192 triệu đến 419 triệu USD đã được chi cho hơn 125 doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc có cổ phần đầu tư của Trung Quốc đang hoạt động trên đất Mỹ. Nhiều khoản vay có giá trị lớn, với ít nhất 32 doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc đã nhận được hơn 1 triệu USD từ chương trình này, tổng khoản chi dao động từ 85 đến 180 triệu USD.
Các công ty nhận được khoản vay bao gồm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các công ty hỗ trợ chương trình phát triển quân sự Bắc Kinh, các doanh nghiệp được Mỹ xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia và các cơ quan truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát. Nhiều công ty trong đó nằm trong các ngành công nghiệp thiết yếu như hàng không vũ trụ, dược phẩm và sản xuất chất bán dẫn. Đây là những
lĩnh vực mà ĐCSTQ ưu tiên ​​phát triển để hiện thực hóa tham vọng thống trị toàn cầu, thay thế các đối thủ ở Mỹ và các nước khác.
Báo cáo kết luận, “nếu không có chính sách bảo vệ và giám sát tiền thuế của người dân Mỹ cho việc cứu trợ, phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, có nguy cơ đáng kể các quỹ hỗ trợ này [sẽ chảy vào túi] các đối thủ chiến lược nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc”.
Rất nhiều các doanh nghiệp liên kết với Trung Quốc này hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn vốn khác từ các thị trường công cộng hoặc tư nhân nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ của họ, báo cáo cho biết.
“Việc các doanh nghiệp này tham gia chương trình PPP, một mặt sẽ giúp giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều người dân Mỹ, nhưng mặt khác có thể mang đến tổn thất cho các doanh nghiệp nhỏ khác ở Hoa Kỳ”, báo cáo nhận định.
Những phát hiện của hãng tư vấn Horizon Advisory được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường giám sát các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các hãng công nghệ, tại Hoa Kỳ.
Hôm thứ Hai (3/8), Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ cấm ứng dụng video TikTok của Trung Quốc vào ngày 15/9 nếu ứng dụng này không được bán lại cho Microsoft hoặc một doanh nghiệp khác của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang xem xét việc cấm các ứng dụng mạng xã hội khác của Trung Quốc, viện dẫn các rủi ro an ninh quốc gia. Các quan chức Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng các ứng dụng này có thể được dùng để do thám người Mỹ, bởi luật pháp Trung Quốc buộc tất cả các công ty Trung Quốc phải hợp tác với cơ quan an ninh nếu được yêu cầu.
Cùng lúc, chính quyền tổng thống Trump cũng đang xem xét việc yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải tuân thủ luật kiểm toán Hoa Kỳ. Bắc Kinh không cho phép các nhà quản lý Mỹ truy cập sổ sách kiểm toán của các doanh nghiệp đại lục, lấy lý do các thông tin này thuộc phạm trù bí mật quốc gia.
Khoảng 517 tỷ USD khoản vay thông qua PPP đã được giải ngân kể từ tháng 3, khi chương trình này được đề xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có ít hơn 500 nhân viên chi trả lương tháng và hóa đơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Chương trình cứu trợ này đã hứng chịu nhiều chỉ trích bởi nhiều doanh nghiệp lớn thuộc diện chi trả của nó hoàn toàn có thể tiếp cận các hình thức tín dụng khác để nhận khoản vay hỗ trợ. Việc này đã thúc giục Bộ Tài chính Mỹ đưa cảnh báo rằng các doanh nghiệp lớn có thể sẽ bị trừng phạt nếu không thể chứng minh khoản vay đó là thiết yếu.
Báo cáo cũng cho biết các khoản vay cũng được phê duyệt cho các doanh nghiệp chi nhánh của ba công ty Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” của Lầu Năm Góc, gồm 20 công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội nước này. Báo cáo phát hiện có 6 công ty nhận khoản vay từ chương trình PPP có liên kết với các tập đoàn nhà nước cung cấp vũ khí cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Tập đoàn Norinco).
Các công ty công nghệ sinh học liên kết với Trung Quốc cũng đã được xác định, bao gồm công ty Dược phẩm Dendreon có trụ sở tại California, đã nhận được từ 5 triệu đến 10 triệu USD từ các khoản vay theo hình thức PPP. Dendreon thuộc sở hữu của Nanjing Xinbai, một công ty nhà nước trực thuộc một tập đoàn công nghệ có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.
Hãng chế tạo robot và AI có trụ sở tại California, CloudMinds Technology Inc., đã nhận được khoản vay từ 1 đến 2 triệu USD. Đây là công ty con của CloudMinds có trụ sở tại Bắc Kinh, vốn bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen hồi tháng Năm do dính líu với quân đội Trung Quốc.
Các khoản vây cũng chảy vào túi công ty chi nhánh tại Mỹ của Phoenix TV, nguyên là một hãng truyền thông ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Tuy rằng Phoenix TV là một công ty tư nhân, nhưng một báo cáo năm 2019 của Viện chính sách Công Hoover thuộc Đại học Stanford cho biết Phoenix TV hiện “hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc”.
Nghị viện Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump hiện đang thảo luận gói kích thích kinh tế thứ 2, có thể bao gồm nhiều nguồn tài trợ hơn cho chương trình PPP. Một nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đây đã đề xuất dự luật quy định các gói kích thích kinh tế sẽ loại bỏ các công ty có liên kết với chính quyền Trung Quốc khỏi các chương trình cho vay này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ gói cứu trợ sắp tới liệu có bao hàm dự luật này hay không.

40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được

gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất

Bình luậnMinh Thanh
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin vào ngày 3/8, hiện có 40 ký giả truyền thông phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trú tại Mỹ chưa một ai được gia hạn thị thực. Họ đang phải đối mặt với tình cảnh hết hiệu lực lưu trú tại Mỹ sau ngày 6/8.
Tổng biên tập tờ báo này, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) tuyên bố rằng Bắc Kinh đã “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nếu tất cả các nhà báo này buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ”, và sẽ tiến hành trả đũa “mạnh mẽ” cho sự việc này.
Ngày 8/5, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã rút ngắn thời gian lưu trú của các phóng viên truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ xuống còn 90 ngày. Do đó, họ cần nộp đơn xin gia hạn thị thực cứ ba tháng một lần. Điều này có nghĩa là các phóng viên của ĐCSTQ phải được cấp thị thực trước khi hết hạn vào ngày 6/8.
Theo Luật Di trú Hoa Kỳ, các phóng viên ĐCSTQ ở Hoa Kỳ này có thể rời khỏi đất nước trong khoảng 90 ngày sau khi hết thị thực. Điều đó có nghĩa là họ có thể ở lại Hoa Kỳ cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, trừ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu họ rời khỏi đất nước trong thời gian giới hạn nào đó. Tuy nhiên, họ sẽ không được tham gia vào công việc đưa tin.
Ngày 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cũng xác nhận rằng các nhà báo Trung Quốc trú tại Hoa Kỳ không được gia hạn visa. “Chúng tôi được biết rằng các phóng viên Trung Quốc đã nộp đơn xin gia hạn visa Mỹ từ sớm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai nhận được phản hồi rõ ràng từ Mỹ”, ông nói.
Ông nói rằng nếu các phóng viên của ĐCSTQ không được gia hạn visa, Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả.
Khi được hỏi liệu các nhà báo Mỹ ở Hong Kong có bị ảnh hưởng hay không, ông Uông không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Ông tuyên bố rằng phản ứng đáp trả của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ “thuộc về quyền lực ngoại giao của chính quyền trung ương”.
Đầu năm nay, sau khi các phóng viên thuộc 3 kênh truyền thông lớn của Mỹ tại Trung Quốc bị chính quyền Trung Quốc trục xuất, họ cũng không được phép làm việc trong văn phòng tại Hong Kong.
Vào tháng 12/2018, Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức truyền thông có liên quan tới ĐCSTQ trú ở Hoa Kỳ phải đăng ký làm người đại diện tại nước ngoài. Kể từ năm 2018, đơn xin thị thực của hơn 20 nhà báo Trung Quốc đã bị phía Mỹ trì hoãn hoặc từ chối vô thời hạn.
Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã liệt kê 5 tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là phái bộ ngoại giao, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế số lượng nhân viên thuộc 5 tổ chức truyền thông này tại Hoa Kỳ, trục xuất 60 phóng viên Trung Quốc. Vào tháng 5, Hoa Kỳ đã giới hạn thời gian lưu trú của các nhà báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ xuống còn 90 ngày. Vào tháng 6, Hoa Kỳ tuyên bố một lần nữa rằng họ sẽ bổ sung 4 tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ thuộc phái bộ ngoại giao nước ngoài.
Vào cuối tháng 3, trên trang web Share America thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đăng một bài viết với tiêu đề “Truyền thông Trung Quốc: là làm báo hay cổ vũ tuyên truyền?”. Bài báo nói rằng các cơ quan báo chí thuộc nhà nước Trung Quốc muốn thế giới nghĩ rằng họ là độc lập và đáng tin cậy, nhưng họ hoàn toàn không như vậy. Nhiều tổ chức trong số này làm việc để truyền bá những tuyên truyền của ĐCSTQ trên khắp thế giới, và nhân viên của họ đang làm việc cho ĐCSTQ.
Bài báo dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, nói rằng các tổ chức này là “cơ quan ngoại giao” và được chính phủ Trung Quốc kiểm soát một cách hiệu quả; “Không giống như các tổ chức truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc, các thực thể này không phải là cơ quan báo chí độc lập”.
Ông Pompeo cũng cho biết: “Từ lâu Chính phủ Hoa Kỳ luôn chào đón các nhà báo nước ngoài, bao gồm cả các nhà báo Trung Quốc, cũng đảm bảo rằng họ có thể làm việc tự do trong môi trường không bị uy hiếp trả thù”.
Tuy nhiên, sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với truyền thông nhà nước là một trong những thủ đoạn được ông Tập Cận Bình sử dụng để cố gắng kiểm soát người dân Trung Quốc và gây ảnh hưởng tới dư luận truyền thông trên toàn thế giới.
“Năm ngoái, ĐCSTQ đã giam giữ số nhà báo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”,  bài báo viết.
Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn phủ nhận thực tế này.
Minh Thanh
Theo Epoch Times

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiết lộ thông tin

 các gói hạt giống bí ẩn được gửi từ Trung Quốc

Bình luậnDu Miên
Một cuộc điều tra về các gói hạt giống bí ẩn của Trung Quốc được gửi tới hàng ngàn hộ gia đình ở Hoa Kỳ đã xác định chúng là 14 loại thảo mộc, trái cây, hoa trang trí, rau và cỏ dại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tuyên bố.
Qua điều tra, được biết các loại thực vật này bao gồm rau muống, bắp cải, mù tạt, bạc hà, cây xô thơm, cây hương thảo, hoa oải hương, hoa dâm bụt và hoa hồng. Phó quản trị viên của Dịch vụ kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật của USDA, ông Osama El-Lissy nhấn mạnh đây “chỉ là một tập hợp con của các mẫu chúng tôi đã thu thập cho đến nay”.
Tất cả 50 tiểu bang Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo cho người dân về các gói hạt không xác định vào tuần trước, vì người dân trên cả nước đã báo cáo việc nhận được các loại hạt giống trong các gói thư. Đa phần những bưu phẩm này thường được dán nhãn là đồ trang sức hoặc đồ chơi, nhưng không phải do người trong gia đình đặt hàng.
USDA xác nhận rằng cư dân tại ít nhất 22 tiểu bang đã báo cáo về các gói hạt giống, trong khi tại các quốc gia khác, bao gồm Canada, Úc, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Đài Loan, cũng đã có báo cáo về những sự cố tương tự trong những tuần gần đây.
Các gói này hầu hết được tiếp nhận và gửi bởi China Post, dịch vụ chuyển phát bưu chính chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). USDA nhận thấy rằng người nhận dường như đều là những người đã mua hàng trực tuyến trong thời gian gần đây.
Một số người tự hỏi liệu đây có phải là một hành động khủng bố nông nghiệp hay không; tuy nhiên, cơ quan này không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy đây là một dạng âm mưu tội ác nào, mà là một trò “lừa đảo bịp bợm”. Chiêu trò tiếp thị này xảy ra khi những người bán gửi các mặt hàng không được yêu cầu đến một địa chỉ cư trú để đủ điều kiện đạt danh hiệu “người mua đã được xác minh” trên website, sau đó họ sẽ giả làm khách hàng để gửi các đánh giá tích cực giả mạo để tăng doanh số. Hiện, USDA vẫn đang thu thập và thử nghiệm “càng nhiều hạt giống càng tốt”.
Các quan chức đã cảnh báo rằng hạt giống trong thư có thể mang sâu bệnh xâm lấn và mua sản phẩm thực vật trực tuyến cũng có thể là bất hợp pháp nếu không có giấy tờ thích hợp.
Julie, một cư dân cư trú tại quận Queens của thành phố New York cho biết, cô đã nhận được 5 gói hạt giống không rõ nguồn gốc trong những tuần gần đây.
Trong thời gian thành phố còn phong tỏa, cô đã đặt mua một số hạt giống từ những người bán ở Hoa Kỳ trên Amazon. Nhưng các gói hàng được gửi thông qua China Post, phải mất vài tháng để đến nơi và chứa các nhãn mác ghi chữ tiếng Trung Quốc khó hiểu, ghi chú các mặt hàng là nhẫn, khuyên tai và dây chuyền.
Cô cảm thấy ngạc nhiên khi không tìm thấy hướng dẫn trồng cây bên trong, nhưng vì cảnh giác về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, Julie đã niêm phong các gói trong một túi nhựa lớn và ném chúng đi.
“Tôi thực sự sợ nó có virus”, cô nói với The Epoch Times.
Khi Julie lại nhận được một gói hàng khác dán nhãn bông tai, cô không hề mở ra mà ngay lập tức đặt nó vào một chiếc túi nhựa và vội vàng rửa tay.
Amazon đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
USDA khuyên cáo bất cứ ai nhận được hạt giống thì cần giữ chúng cùng với bao bì và nhãn gửi thư, đồng thời cần tránh mở gói hoặc gieo trồng các loại hạt giống này. Đối với những người đã gieo hạt giống, họ nên loại bỏ hạt cùng cây con, kèm ít nhất ba inch (khoảng 7,6cm) đất xung quanh, sau đó gói tất cả trong 2 lớp túi nhựa trước khi bỏ vào thùng rác thành phố.
Chính quyền Đài Loan cho biết họ đã thu thập ít nhất 9 mặt hàng liên quan đến làm vườn được gửi từ Trung Quốc, bao gồm phân bón, đất cát và hạt giống như tre trồng trong ao cá và sen.
Du Miên
Theo The Epoch Times

Các cuộc đàm phán về dự luật hỗ trợ coronavirus

 giữa  Dân Chủ và Cộng Hòa có tiến triển

Tin từ Washington, D.C. – Vào hôm thứ hai (ngày 3 tháng 8), các thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu tại Quốc hội Hoa Kỳ và các nhà đàm phán của Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán về dự luật hỗ trợ coronavirus giai đoạn 5, mặc dù chính quyền cho biết Tổng thống Trump có thể hành động đơn phương nếu họ không đạt được thỏa thuận.
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer cùng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cùng Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã dành khoảng hai giờ để đàm phán về vấn đề này tại Tòa Nhà Quốc Hội. Điểm mấu chốt khiến hai bên vẫn chưa thể đi đến thỏa thuận là khoản trợ cấp liên bang dành cho người thất nghiệp.
Kể từ tháng 3, người dân mất việc làm vì đại dịch sẽ nhận được 600 mỹ kim mỗi tuần, nhưng khoản trợ cấp này đã hết hạn vào hôm thứ sáu vừa qua (ngày 31 tháng 7).  Ông Schumer nói với các phóng viên sau cuộc đàm phán hôm thứ Hai rằng hai bên đã đạt được tiến bộ về  một số vấn đề nhất định, và mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề lớn, cả Tòa Bạch Ốc và Đảng Dân chủ đều mong muốn hoàn thành dự luật sớm nhất có thể.
Tổng thống Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo vào cuối ngày thứ Hai rằng chính quyền đang có một cuộc thảo luận rất tốt với bà Pelosi và ông Schumer, nhưng vấn đề là họ muốn bao gồm các gói hỗ trợ cho các thành phố do đảng Dân chủ lãnh đạo để giải quyết các vấn đề không liên quan đến đại dịch.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn chưa thể đồng thuận về các hành động tiếp theo, với đảng Dân chủ ủng hộ một gói viện trợ trị giá 3 nghìn tỷ mỹ kim đã được thông qua tại Hạ Viện vào tháng 5, trong khi đảng Cộng hòa nêu lên những lo ngại về gói hỗ trợ trị giá 1 nghìn tỷ mỹ kim do Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mitch McConnell đưa ra vào tuần trước. (BBT)

Tìm thấy xe thiết giáp và thi thể quân nhân

ngoài khơi California

Quân đội Mỹ hôm 4/8 cho biết đã tìm thấy xe thiết giáp lội nước, vốn bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía nam California cùng với tám binh sĩ thủy quân lục chiến và một lính hải quân hôm 30/7 trong khi tham gia huấn luyện, theo Fox News.
Kênh truyền hình này đưa tin rằng các quân nhân trên xe bị coi là thiệt mạng sau khi mất tích hơn 40 giờ đồng hồ.
Tin cho hay, lực lượng cứu hộ của hải quân đã xác nhận các thi thể bằng cách sử dụng hệ thống quay video dưới nước được điều khiển từ xa.
Theo Fox News, lực lượng hải quân Mỹ đang nỗ lực để trục vớt xe thiết giáp lội nước và các thi thể.
The Hill dẫn một thông cáo báo chí cho biết rằng các thiết bị trục vớt dự kiến được triển khai xong vào cuối tuần.
Trang tin này cho biết thêm rằng nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.
Tổng thống Trump đã ngỏ lời chia buồn trên Twitter hôm 4/8.

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc

bán đấu giá đồ dùng, làm dấy lên đồn đoán

Bình luậnMinh Thanh
Vào ngày 3/8, trên mạng Internet lan truyền thông tin ngày 4/8 Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh sẽ tổ chức bán đấu giá các mặt hàng đồ cũ. Vào ngày 4/8, một video cho thấy nhiều người xếp hàng tại địa
điểm đấu giá. Các mặt hàng đấu giá bao gồm đồ gia dụng nội thất và thiết bị điện. Một số cư dân mạng nghi vấn liệu có phải Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn cắt đứt quan hệ?
Một thông báo trên Internet vào ngày 3/8 cho biết Văn phòng Tài sản của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc sẽ tổ chức bán đấu giá các mặt hàng đồ cũ trong kho của đại sứ quán tại Khu công nghiệp sân bay Thiên Trúc, quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh vào lúc 9h sáng ngày 4/8. Các đồ bán đấu giá gồm đồ nội thất, thiết bị điện, máy tính và các mặt hàng bị hư hỏng khác.
Vào ngày 4/8, đoạn video trên trang Baidu của Trung Quốc cho thấy các mặt hàng tại địa điểm đấu giá được đặt từng cái một, bao gồm ghế, nệm, bàn, dao kéo, ghế sofa, lò vi sóng và tủ lạnh, máy giặt, máy in, máy tính, vòi nước và các mặt hàng khác. Video đã được hơn 600.000 người xem.
Một video trực tuyến khác cho thấy nhiều người xếp hàng tại cổng nhà kho vào sáng ngày 4/8.
Trong tình hình quan hệ hai nước Mỹ – Trung đang căng thẳng hiện nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã bán đấu giá các mặt hàng, gây ra những suy đoán về khả năng hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Một số cư dân mạng nói: “Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao?”; “Có vẻ như họ đang chuẩn bị cho bước tiếp theo”; “Có vẻ như Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho đại chiến”.
Tính đến thời điểm đưa tin, cả trang web chính thức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng như Weibo chính thức đều không đưa ra bất kỳ tin tức nào về cuộc đấu giá. Đại sứ quán Mỹ tại London cũng đã tổ chức bán đấu giá nhiều đồ dùng thừa vào năm 2018.
Vừa qua, vào ngày 21/7, Hoa Kỳ đã yêu cầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston phải đóng cửa và sơ tán nhân viên trong vòng 72 giờ. Vào ngày 24/7 (giờ Bắc Kinh), chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô để trả đũa.
Minh Thanh
Theo Epoch Times

Thống Đốc California tuyên bố

số ca nhiễm COVID-19 và tỷ lệ nhập viện

tại tiểu bang đang có xu hướng giảm

Tin từ Los Angeles – Vào hôm thứ hai (ngày 3 tháng 8), Thống đốc California Gavin Newsom cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới, cũng như tỷ lệ nhập viện tại tiểu bang đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, dù đây là một tin tức đáng mong đợi, nhưng ông Newsom cho biết khu vực nông nghiệp Central Valley của tiểu bang vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ coronavirus.
Trong cuộc họp báo hằng ngày, Thống đốc nói rằng virus này vẫn sẽ còn tồn tại cho đến Lễ Lao động và lễ Halloween, và người dân sẽ phải sống cùng nó cho đến khi có vaccine. Theo văn phòng của ông Newsom, tiểu bang California, với 40 triệu cư dân, đã ghi nhận tổng cộng 514,901 ca nhiễm COVID-19 và 9,388 ca tử vong.
Theo ông Newsom, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình trong 7 ngày của tiểu bang đã giảm 21% so với 7 ngày trước đó, và tỷ lệ nhập viện trung bình giảm 10% trong 14 ngày. Đến nay, California đã thực hiện hơn 8 triệu xét nghiệm COVID-19 và tỷ lệ kết quả dương tính đã giảm xuống còn 7% trong 14 ngày qua, so với 7.5% trong 2 tuần trước đó. (BBT)

Nhiều giáo viên Hoa Kỳ biểu tình

phản đối mở cửa lại trường học

Tin từ Chicago – Vào hôm thứ hai (ngày 3 tháng 8), giáo viên từ hàng chục Học khu đã biểu tình từ trong xe của họ, phản đối kế hoạch mở cửa lại nhà trường và tiếp tục hình thức dạy học trực tiếp trong đại dịch coronavirus.
Các giáo viên, những người đã viết các khẩu hiệu phản đối trên xe của họ, mong muốn việc dạy học trực tuyến sẽ kèo dài cho đến khi các xét nghiệm cho thấy việc trở lại lớp học là an toàn và học khu thuê thêm y tá và nhân viên cố vấn.
Hiệp hội Giáo dục Giáo viên Milwaukee, nghiệp đoàn giáo chức đại diện cho giáo viên trường công lập trên toàn tiểu bang, đã đăng tải lên Twitter hình ảnh những người biểu tình cầm những bia mộ làm bằng
bìa cứng với dòng chữ “một học sinh lớp ba nhiễm COVID tại Green Bay khi đến trường đã thiệt mạng” và “một người bà đã nhiễm COVID sau khi giúp cháu mình làm bài tập về nhà.”
Các giáo viên ở Chicago, Milwaukee và Philadelphia bấm còi trong các cuộc biểu tình trên xe hơi. Người biểu tình tập hợp bên ngoài tòa nhà Phòng Thương mại Los Angeles, và tại Connecticut, khoảng 400 người đã tạo thành một cuộc tuần hành xe hơi đi qua nhà của Thống đốc Ned Lamont. Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 155,000 ca tử vong kể từ tháng 1. (BBT)

Giáo viên ở Mỹ lo lắng

về việc quay trở lại trường giữa đại dịch

Nhiều giáo viên ở Mỹ lo lắng về việc tới lớp giảng dạy giữa đại dịch Covid-19 trong khi các học khu trên cả nước đang cân nhắc cho phép mở cửa trường học trở lại vào mùa thu này.
Hơn 155.000 người Mỹ thiệt mạng trên toàn quốc kể từ khi Covid lần đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào tháng 1. Các ca nhiễm toàn quốc đang giảm sang tuần thứ hai liên tiếp nhưng tăng trong tuần qua ở 20 bang, bao gồm Missouri, Montana và Oklahoma.
Trong khi đó, số ca tử vong ở Mỹ tăng sang tuần thứ tư liên tiếp, lên đến hơn 8.500 người trong bảy ngày tính đến 2/8, theo một phân tích của Reuters.
Giáo viên và nhân viên hỗ trợ tại hơn 35 học khu trên khắp cả nước đầu tuần này tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch giảng dạy trực tiếp trên lớp. Họ lái xe thành một đoàn dài, gắn các biểu ngữ và thông điệp lên xe, yêu cầu các trường hoãn lại kế hoạch này cho đến khi dữ liệu khoa học ủng hộ một bước đi như vậy.
Họ kiến nghị các học khu chờ đến khi có các tiêu chuẩn an toàn rõ ràng như quy mô lớp học nhỏ hơn và xét nghiệm virus cũng như có đủ số lượng cố vấn và y tá, theo một website được lập ra để kêu gọi cuộc biểu tình.
Giáo viên ở các thành phố Chicago, Milwaukee và Philadelphia ấn còi trong các cuộc biểu tình trên ô tô. Họ tập hợp bên ngoài tòa nhà Phòng Thương mại Los Angeles, bang California. Tại bang Connecticut, khoảng 400 người lái ô tô tuần hành ngang qua tư gia của thống đốc.
“Tôi không muốn đưa học sinh hoặc bản thân mình vào chỗ nguy hiểm. Tôi không muốn trở thành vật thí nghiệm,” giáo viên tiểu học Andrea Parker ở Chicago nói với các phóng viên.
Sự lo lắng càng nổi bật hơn với những bản tin trong những ngày gần đây về các trường hợp học sinh và giáo viên được phát hiện dương tính với Covid sau khi quay trở lại trường.
Gia đình của một học sinh ở bang Indiana xét nghiệm dương tính ở Covid-19 vào ngày nhập học đầu tiên vẫn quyết định cho con đi học dù biết là họ đang đợi kết quả xét nghiệm, tổng giám hiệu của trường cho biết hôm 3/8, theo CNN.
Báo The Washington Post ngày 4/8 đưa tin giáo viên ở học khu lớn nhất bang Georgia trở lại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông để bắt đầu lên chương trình giảng dạy trực tiếp cho học kì mùa thu hôm 29/7 thì một ngày sau đó, 260 nhân viên học khu đã bị ngăn không cho vào trường vì xét nghiệm dương tính với virus hoặc là phơi nhiễm trực tiếp với một người nào đó đã bị xét nghiệm dương tính.
Trước rủi ro tiếp diễn của đại dịch Covid, đã có những học khu quyết định dạy online toàn phần trong năm học mới, chẳng hạn như hệ thống trường công của quận Fairfax, bang Virginia.
Ông Hoàng Vi Kha, hiệu trưởng và là thành viên ban giảng huấn của một trường Việt ngữ ở Fairfax, cho biết trường của ông sẽ khai giảng vào tháng 9 với hình thức giảng dạy hoàn toàn trực tuyến.
Dù chỉ dạy ngôn ngữ-văn hóa Việt Nam và chỉ tổ chức các lớp học vào cuối tuần, ông Kha cho biết trường Thăng Long vẫn phải chấp hành các quy định của nhà chức trách địa phương giống như tất cả các trường công lập chính quy khác trong học khu, bắt buộc phải áp dụng hình thức học trực tuyến cho năm học 2020-21.
“Hầu như thầy cô và phụ huynh thì họ rất là sẵn sàng [quay trở lại trường]. Đến trường thì mình chỉ cần tuân thủ những chỉ dẫn của CDC thì mình có thể mở lại được. Tuy nhiên như vậy thì mình sẽ gặp vấn đề luật pháp với Quận Fairfax và họ sẽ làm khó dễ. Cho nên tới giờ quyết định là vẫn theo lịch trình của Quận Fairfax thôi,” ông Kha giải thích.
Hiệu trưởng trường Thăng Long cho biết hình thức học trực tuyến không xa lạ gì với ban giảng huấn và học sinh của trường vì đã được áp dụng từ tháng 1, kể từ khi dịch bệnh mới xuất hiện ở Mỹ. Ông Kha nói các thầy cô cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật và việc học vẫn “có kết quả” trong suốt những tháng vừa qua nên tiếp tục mô hình này không phải là một vấn đề.
“Từ đây cho đến cuối năm thì chúng tôi vẫn tiếp tục các chương trình học như vậy. Một số giáo trình sẽ được thay đổi uyển chuyển hơn cho các lớp nhỏ để cho các em có thể thích hợp hơn với hệ thống online,” ông nói thêm.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 4/8 cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với một “thảm họa thế hệ” vì rất nhiều trường học bị đóng cửa do đại dịch virus corona.
“Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gián đoạn giáo dục lớn nhất từ trước đến nay,” nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc nói.
Một tỉ học sinh không thể tới lớp trong khi các trường học bị đóng cửa ở 160 quốc gia trên toàn cầu, ông Guterres cho biết. “Đưa học sinh quay trở lại trường và các cơ sở học tập một cách an toàn nhất có thể, phải là ưu tiên hàng đầu.”

Covid-19 : Nam Mỹ vượt ngưỡng 5 triệu ca,

Hoa Kỳ vẫn có số ca tăng mạnh

Thu Hằng
Virus corona vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội tại châu Mỹ. Số ca nhiễm Covid-19 đã vượt quá 5 triệu tại Nam Mỹ và vùng Caribê, theo thống kê ngày 03/08/2020 của AFP, dựa trên số liệu chính thức. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ vẫn ở mức cao, thêm hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.
Từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đã có 202.000 người thiệt mạng tại Nam Mỹ, trong đó gần một nửa số nạn nhân là ở Brazil (95.000 người), trong bối cảnh hệ thống y tế nước này ngày càng lộ rõ những điểm yếu do không được đầu tư thỏa đáng. Mêhicô có số ca tử vong cao thứ hai tại châu Mỹ Latinh (sau Brazil), gần 48.000 người tính từ đầu dịch. Nước Guatemala nhỏ bé ở Trung Mỹ cũng có tổng cộng hơn 2.000 người chết và hơn 51.500 ca nhiễm. Bolivia có thêm bộ trưởng thứ 10 bị nhiễm Covid-19.
Còn tại Hoa Kỳ, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc độ lây lan. Với hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 03/08 của đại học John Hoppins, hiện Mỹ có 4,7 triệu ca nhiễm Covid-19 và 154.860 ca tử vong (thêm 532 ca).
Trái ngược với số liệu chính thức, ngày 03/08, tổng thống Donald Trump tuyên bố có « những dấu hiệu rất đáng khích lệ » dù ông khẳng định virus lây lan tại nhiều ổ dịch ở miền nam và tây Hoa Kỳ.
Trước tình hình đó, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành bộ xét nghiệm nhanh, chỉ có giá 1 đô la. Michael Mina, giáo sư dịch tễ học tại đại học Harvard, người vận động cho sáng kiến này từ nhiều tuần nay, cho rằng dù bộ xét nghiệm đại trà này ít chính xác (chỉ cho kết quả chính xác đối với những người có tỉ lệ virus cao trong cơ thể), nhưng người dân có thể thực hiện nhiều lần trong tuần, thay vì phải chờ xếp hàng trong nhiều giờ để được xét nghiệm PCR, chính xác hơn, nhưng phải chờ nhiều ngày mới có kết quả.

Triều Tiên có thể đã phát triển thiết bị hạt nhân nhỏ,

 Liên Hợp Quốc cảnh báo

Bình luậnNguyễn Minh
Theo một báo cáo bí mật của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân; đồng thời một số quốc gia giấu tên khẳng định rằng Triều Tiên đã phát triển các thiết bị hạt nhân nhỏ cho các tên lửa đạn đạo của nước này.
Ngày 2/8, Liên Hợp Quốc đã đệ trình lên Uỷ ban Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một báo cáo. Báo cáo này chỉ ra rằng Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt, và một số quốc gia tin rằng Triều Tiên có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân nhỏ để phù hợp với đầu đạn của tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc mà Reuters đã xem được, vừa qua Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân, có thể là để phục vụ mục đích phát triển các thiết bị hạt nhân nhỏ của nước này, Reuters cho biết.
“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục chương trình hạt nhân, bao gồm sản xuất uranium và xây dựng lò phản ứng thử nghiệm. Một quốc gia thành viên đánh giá rằng Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân”, theo tờ Thời báo Đài Bắc (Taipei Times) đưa tin.
Ngày 4/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – Đại tá Moon Hong-sik nói: “Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động [thử] hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang thực hiện một hệ thống hợp tác chặt chẽ”, theo hãng tin nội địa Hàn Quốc Yonhap.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, Đại tá Moon cho biết, Hàn Quốc đánh giá rằng công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được những bước tiến “đáng kể”, theo Yonhap.
Tuần trước, người đứng đầu nhà nước Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm tốt nhất cho sự an toàn của đất nước Triều Tiên, theo truyền thông nhà nước.
Ông Kim nói: “Bây giờ chúng tôi đã có thể tự bảo vệ mình một cách đáng tin cậy trước mọi hình thức gây áp lực và đe dọa quân sự ở cường độ cao. Nhờ có hệ thống phòng thủ có khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy và hiệu quả của chúng tôi, mà từ ‘chiến tranh’ sẽ không còn tồn tại trên vùng đất này; an ninh và tương lai của nhà nước chúng tôi sẽ được bảo đảm mãi mãi”.
Triều Tiên từ lâu đã tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân của họ là để phòng thủ, nhưng các quan chức của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ không cho phép Bình Nhưỡng áp dụng các chiến thuật thù địch, đe dọa hung hăng hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2018, người đứng đầu nhà nước Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore, với hy vọng Triều Tiên sẵn sàng chấm dứt các mối đe dọa hạt nhân để đổi lấy việc huỷ bỏ lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ nhưng đã thất bại. Cuộc gặp mặt lần thứ hai giữa hai vị lãnh đạo này vào năm 2019 tại Việt Nam đã không diễn ra như mong đợi.
Bình Nhưỡng đã ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân kể từ sau tháng 9/2017 trước khi đàm phán với Mỹ.
Trong năm 2018, Triều Tiên đã cho nổ các đường hầm tại khu thử nghiệm hạt nhân chính của nước này, Punggye-ri, đồng thời tuyên bố, đây là bằng chứng về cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, đất nước này không cho phép các chuyên gia chứng kiến việc phá bỏ các đường hầm.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, một quốc gia giấu tên đã đánh giá rằng, do không có dấu hiệu phá hủy toàn diện, trong vòng 3 tháng, Triều Tiên có thể xây dựng lại và cài đặt lại cơ sở hạ tầng cần thiết dùng cho các vụ thử hạt nhân.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng cho biết Triều Tiên đang vi phạm lệnh trừng phạt, “xuất khẩu than bất hợp pháp qua đường hàng hải”, bất chấp hoạt động này tạm thời bị đình chỉ do đại dịch toàn cầu.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Vài suy nghĩ về

Cán cân lực lượng thế giới hậu Covid-19

Trong lịch sử thế giới, các cuộc khủng hoảng thường tạo ra những bước ngoặt quan trọng. Chiến tranh Thế giới thứ hai chấm dứt đã khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới với những thể chế an ninh, tài chính và tiền tệ được thiết lập trong và ngay sau cuộc chiến.
Trung Quốc gửi trang thiết bị y tế sang Italia để chống Covid-19
Cuộc khủng hoảng y tế – Đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ vẫn đang tàn phá nhiều quốc gia, nhưng cũng đã bắt đầu có một số dấu hiệu khả quan của cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu. Bên cạnh những chủ đề liên quan đến tái thiết kinh tế, một loạt câu hỏi cũng đang được đặt ra là liệu thế giới sẽ thay đổi thế nào và sẽ đi về đâu sau cuộc khủng hoảng này? Vai trò của các nước lớn sẽ như thế nào? Liệu Mỹ có mất vai trò “lãnh đạo thế giới”? Liệu Trung Quốc có đủ khả năng “nổi lên” để giữ vai trò chủ đạo trong trật tự thế giới mới? Nga sẽ ứng xử như thế nào? Điều quan trọng không kém là vai trò của các cường quốc khu vực sẽ như thế nào? Vai trò của các tổ chức quốc tế sẽ ra sao?
Không dễ để đưa ra một câu trả lời hoàn chỉnh vào thời điểm này. Tuy nhiên, từ những diễn biến tình hình và phương cách ứng xử của một số cường quốc trong thời gian qua đã gợi mở cho chúng ta một vài suy nghĩ:
Vai trò của Mỹ ngày càng suy giảm: Trái với mong đợi của nhiều đồng minh, Mỹ đã không chủ động tập hợp họ trong cuộc chiến chống Covid. Mỹ không huy động thế giới để có những hành động chung. Đồng minh của Mỹ cũng như các nước khác đều đã phải tự mình lo lấy mình hoặc trông cậy vào các nước đã có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu có nhận xét rằng, đây không phải là xu hướng mới. Chúng ta cùng nhìn lại và thấy, cách đây một thập kỷ, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan tháng 7 năm 2011 và rút toàn bộ quân khỏi Iraq tháng 10 cùng năm. Từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống với chính sách “nước Mỹ trên hết”, xu hướng này ngày càng bộc lộ rõ rệt. Mỹ thông báo chấm dứt sự có mặt ở Syria tháng 10 năm 2019 và hiện đang rút quân khỏi Afghanistan. Quan trọng hơn cả là cường quốc này hầu như không quan tâm đến xây dựng liên minh hay duy trì vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu hay thương mại toàn cầu. Hơn nữa ông Trump lại phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tăng thuế quan với nhiều mặt hàng nhập từ các nước đồng minh như Liên minh châu Âu và Nhật Bản… Lý giải cho những quyết định này, ông Trump cho rằng một nước Mỹ đặt quyền lợi của chính mình lên cao nhất sẽ là nước Mỹ mạnh và giàu có hơn. Sâu thẳm trong các quyết định này là “chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước đến nay là phí phạm, không cần thiết và không có liên quan gì đến phát triển kinh tế của đất nước”. Đại dịch Covid-19 đã khẳng định thêm suy nghĩ này của nước Mỹ. Họ chưa và không coi Covid-19 là đại dịch và là mối đe dọa toàn cầu và thế giới chưa cần phải có hành động chung!
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Mỹ đã luôn trong tình trạng kẹt về chính trị, chậm tăng trưởng kinh tế và số lượng súng ống quá nhiều trong dân dễ dẫn đến bạo động vũ trang. Phản ứng chậm, không nhất quán và thiếu hữu hiệu của Mỹ khi đối phó với đại dịch càng làm cho nhiều nước tin rằng mô hình Mỹ không còn hữu hiệu nữa. Mỹ đã gần như mất đi hình ảnh “dẫn dắt và lãnh đạo” toàn cầu.
Trung Quốc vươn lên để có vai trò lãnh đạo thế giới: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới. Trung Quốc đã chi ra 588 tỷ đô la (4.000 tỷ Nhân dân tệ) để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Năm 2013, Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Một vành đai và một con đường” (nay gọi là Vành đai và Con đường), đánh dấu bước chuyển từ phòng thủ quốc tế sang thái độ quyết đoán và hành động. Trung Quốc đã bỏ chính sách “chờ thời”, bởi họ cho rằng hệ thống do Mỹ lãnh đạo đã sụp đổ. Trung Quốc kỳ vọng sẽ có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và thay thế dần Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp phải những hạn chế. Thứ nhất là sức mạnh của Trung Quốc có giới hạn. Tuy GDP đứng thứ ba thế giới, Trung Quốc vẫn là nước thu nhập trung bình, có GDP tính theo đầu người chỉ bằng Mexico. Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến. Hơn thế nữa, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Trung Quốc vẫn phần nào phụ thuộc vào Mỹ.
Giữa đại dịch Covid-19, Trung Quốc, sau khi đã phần nào kiềm chế được dịch bệnh ở nước mình, đã tiến hành một loạt những hoạt động ngoại giao mới nhằm nâng cao hình ảnh của mình. Trung Quốc đã cử 170 đoàn bác sĩ sang I-ta-lia, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Phi để giúp các nước này ngăn chặn dịch, đồng thời đã bán trang thiết bị y tế cho hơn 90 nước. Cuộc vận động ngoại giao hiện tại của Trung Quốc nhằm “viết lại lịch sử” hay “đổi cách kể chuyện” đang gặp phải những chỉ trích mạnh mẽ. Nhiều nước nghi ngờ động cơ các hoạt động của Bắc Kinh. Thay vì hợp tác hai bên cùng thắng, Bắc Kinh tìm cách áp đặt với các nước nhỏ. Các nước bị ép nhận đặt mạng 5G để nhận được khẩu trang, máy thở. Chưa nói đến việc nhiều khẩu trang, máy thở và kít xét nghiệm của Trung Quốc kém chất lượng, và đã bị nhiều nước trả lại. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ quá quen thuộc với việc nhận những lời chỉ trích. Thế giới cũng đã từng phê phán gay gắt Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như cố gắng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức chuyên ngành Liên Hiệp Quốc (người Trung Quốc đứng đầu ICAO, ITU, FAO và UNIDO).
Mâu thuẫn giữa các nước lớn thêm sâu sắc: Trước hết phải nói đến mâu thuẫn Mỹ – Trung. Trong những năm vừa qua, mâu thuẫn này không chỉ thể hiện ở cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên mà còn lan rộng sang lĩnh vực công nghệ, tài chính – tiền tệ, an ninh. Mỹ và Trung Quốc đang ở trong “bẫy Thucydides” như cách gọi của Graham Allisson, giáo sư trường Harvard! Đây là cuộc đấu tranh giữa một cường quốc đang rút khỏi trường quốc tế do chính chính sách của mình và một cường quốc đang nổi lên tìm cách có vị trí ít nhất cũng tương xứng với tiềm lực kinh tế của mình!
Trong trò chơi này, Trung Quốc có vẻ như đang phải tìm cách đối phó và nhượng bộ. Khi đại dịch Covid-19 lên cao, mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt. Trung Quốc và Mỹ chơi trò đổ lỗi cho nhau về nguyên cơ của con vi rút nhỏ bé nhưng vô cùng nguy hiểm. Hai bên còn đối đầu với nhau trong cuộc chiến thông tin với đỉnh cao là việc Trung Quốc và Mỹ trục xuất các nhà báo của nhau. Căng thẳng hai bên lên đến mức cao nhất kể từ khi hai bên thiết lâp quan hệ ngoại giao năm 1979. Nhưng cả hai bên đều không muốn phá vỡ quan hệ hiện có và tránh được điều tất yếu của bẫy Thucydides là chiến tranh. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “đợt dịch bệnh chỉ làm gia tăng và củng cố thêm xu hướng đã tồn tại từ lâu nay”.
Quan hệ Mỹ – Nga căng thẳng trong những tháng cuối năm 2019 với tâm điểm là vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược. Hai bên không có tiếng nói chung trong vấn đề Ucraine và Syria. Xu hướng này không giảm trong những ngày đại dịch nhưng cũng không tăng thêm. Quan hệ Nga – Trung mang tính hợp tác chặt chẽ và bao gồm nhiều lĩnh vực hơn. Hai nước khánh thành đường ống dẫn dầu xuyên Xi-be-ri đầu tháng 12 năm 2019 và cuối tháng đó hai nước đã tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Năm 2019 đánh dấu quan hệ hợp tác giữa hai nước sau hơn 100 năm căng thẳng và xung đột. Trung Quốc và Nga đều cần quan hệ hợp tác để chống lại “mối lo sợ chung” là Mỹ. Hơn nữa, Nga cần đầu tư của Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ không mất đi sau đại dịch. Một yếu tố đáng chú ý nữa là Địa bàn cạnh tranh giữa các nước lớn cũng đã chuyển dịch sang châu Á- Thái Bình Dương. Đây là khu vực Mỹ và Trung Quốc cọ xát khốc liệt nhất. Ngoài ra, Mỹ còn tập trung cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á do trên thực tế Mỹ đang rút dần khỏi Trung Đông, có khó khăn trong quan hệ với EU và NATO.
Tập hợp lực lượng giữa các nước lớn vẫn sẽ chia thành hai cực rõ rệt. Một bên là Mỹ còn bên kia là Nga – Trung hợp tác với nhau. Trong tình hình như vậy, các nước vừa và nhỏ không còn liên kết lâu dài với các nước lớn mà có xu thế tập hợp theo từng “chủ đề và mặt hàng” tuỳ theo lợi ích. Hơn bao giờ hết “lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu” như huân tước Palmerston (Cố Thủ tướng Anh) đã từng nói. Trung Đông là một ví dụ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là ba nước trong thời gian đại dịch đã có những hành động chứng tỏ sức mạnh của mình. Ả-rập Xê-út tăng sản lượng dầu của mình nhưng lại bị gậy mình đập mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công Syria vào giữa đại dịch, chỉ để trực tiếp đối đầu với chính phủ Syria và bị kéo vào cuộc chiến với Nga. Iran phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, thách thức với Mỹ ở vịnh Ba Tư. Tuy nhiên tất cả những hành động trên không thay đổi được tập hợp lực lượng xoay quanh các nước lớn. Chính vì thế mà khu vực ảnh hưởng vẫn còn được duy trì và không thể không đề cập đến vai trò của Mỹ. Mấu chốt của chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn là ngăn chặn không cho các cường quốc cạnh tranh thành lập khu vực ảnh hưởng của mình. Từ cuối thế kỷ 19, Mỹ ngăn cản các cường quốc châu Âu thiết lập chỗ đứng ở Bắc Mỹ, và trung và nam châu Mỹ. Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới Thứ nhất để ngăn Đức thiết lập khu vực ảnh hưởng và Chiến tranh Thế giới thứ hai để ngăn Nhật Bản thành lập khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và ngăn Đức mở rộng khu vực ảnh hưởng ra toàn thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ không bao giờ chấp nhận Đông Âu là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Những hành động này phù hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ là tìm cách (1) bảo vệ lợi ích của mình tốt nhất là ngăn không cho nước khác có khu vực ảnh hưởng; (2) Mỹ có vai trò thúc đẩy quyền tự do và tự do thương mại giữa các nước; và (3) Mỹ theo đuổi mối quan hệ quốc tế dựa trên dân chủ và nhân đạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục cho dù đại dịch có xảy ra hay không.
Vậy một câu hỏi được đặt ở đây là vai trò của các cường quốc khu vực là như thế nào. Nhiều nhận xét cho rằng, Liên minh châu Âu vẫn co cụm, ít thống nhất trong phản ứng với các vấn đề quốc tế. Anh trong những năm vừa qua không lo gì được ngoài BREXIT. Tuy là đầu tầu kinh tế ở châu Âu, Đức chỉ hạn chế vai trò của mình ở châu Âu. Nhật Bản không vượt qua được những hạn chế của một Hiến pháp lỗi thời, ngay cả trong khi dịch bệnh đang hoành hành. Không có dấu hiệu gì tình hình này sẽ được cải thiện trong và sau đại dịch.
Vai trò của các tổ chức quốc tế giảm: Sau hơn hai tháng thảo luận, Hội đồng Bảo An Liên Hợp quốc cho đến nay vẫn không ra được nghị quyết về Covid-19. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 2 tháng Tư thông qua nghị quyết về đại dịch, tuy nhiên nghị quyết này lại không có giá trị ràng buộc. Đây là tình hình chung tại Liên Hợp quốc do bất đồng giữa các nước lớn. WHO đã chậm ra cảnh báo về đại dịch, có những cảnh báo không phù hợp với tình hình, làm mất uy tín của tổ chức. Đây cũng là xu hướng chung của các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua.
Có những ý kiến cho rằng kết thúc đại dịch cũng sẽ là kết thúc hai thế kỷ phương Tây áp đảo phương Đông và là bình minh của châu Á. Liệu có quá sớm hay không? Trong những năm 1990, nhiều học giả cho rằng với tốc độ phát triển kinh tế cao, thế kỷ thứ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á. Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực. Không có lý do gì để điều này lại trở thành hiện thực sau đại dịch. Điều trở nên hiện thực là các nước phương Tây sẽ phải nhìn các nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á dưới một lăng kính khác. Phải chăng đó là sự kính nể do nhiều nước đã thành công trong dập đại dịch Covid-19 và ASEAN đã chứng minh rằng họ là một khối nước có sự gắn kết chặt chẽ, chủ động và đoàn kết, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng cùng hành động vì mục đích chung.
Thông thường giữa cuộc khủng hoảng chúng ta thường để ý phân tích những sự kiện trước mắt mà sao nhãng những dòng chảy chính tác động đến thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng đã và đang làm đảo lộn nhiều nhận thức. Tuy nhiên khi phân tích và đặt những sự kiện trước mắt vào những dòng chảy chính chi phối các mối quan hệ quốc tế chúng ta có thể nhận thấy cán cân lực lượng trong quan hệ quốc tế hiện chưa có đủ các yếu tố để kết luận rằng nó sẽ thay đổi một cách sâu sắc sau đại dịch. Những bài học rút ra trong cơn đại dịch sẽ làm cho chúng ta trân quý và ý thức một cách sâu sắc hơn những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của con người, của tình cảm gia đình và đồng loại. Chính chúng ta sẽ phải học cách biết trân trọng và yêu thương nhau hơn.

Giá vàng cao kỷ lục vì đại dịch Covid-19

Giá vàng cao kỷ lục cũng được thúc đẩy bởi những lo ngại về căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Vàng đã chạm giá 2.000 USD/ounce lần đầu tiên khi giới nhà buôn tìm kiếm tài sản trú ẩn giữa đại dịch.
Các nhà đầu tư đã đổ xô vào mua vàng khi các ca Covid-19 ở Hoa Kỳ tăng và nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế toàn cầu.
Giá vàng cao kỷ lục cũng được thúc đẩy bởi những lo ngại về căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Giá của các kim loại quý khác, bao gồm cả bạc, cũng đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay.
Giá vàng đã tăng hơn 30% trong năm nay khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Hoa Kỳ, khiến hàng chục quốc gia phải trì hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại.
Số ca nhiễm tăng mạnh đã làm giảm hy vọng về khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng của Hoa Kỳ, và là yếu tố đã giúp thúc đẩy giá bạc tăng khoảng một phần ba trong năm nay.
Lý do cho sự gia tăng giá vàng có việc giới đầu tư chuẩn bị cho lạm phát có thể xảy ra.
Trong số các lý do cho sự gia tăng đó có việc giới đầu tư chuẩn bị cho lạm phát có thể xảy ra do tác động của hàng nghìn tỷ đô la kích thích kinh tế từ chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Tại Washington, các nhà đàm phán của chính quyền Trump đã nói rằng họ sẽ làm việc “tối ngày” với đảng Dân chủ để họ cố gắng đạt được thỏa thuận về các biện pháp cứu trợ kinh tế thêm nữa vào cuối tuần.
Theo Bank of America, các chính phủ trên thế giới đã công bố mức kích thích kinh tế trị giá khoảng 20 ngàn tỉ USD để chống lại tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Một số nhà đầu tư nhìn thấy sự sụp đổ từ cuộc khủng hoảng Covid-19, cùng với căng thẳng đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tiếp tục đẩy giá vàng tăng lên.
Chiến lược gia thị trường Margaret Yang cho biết bà thấy tiềm năng vàng miếng sẽ tiếp tục tăng trong những tuần và tháng tới: “Triển vọng trung và dài hạn của vàng và các kim loại quý khác vẫn tăng trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ.”
Peter McGuire từ XM.com nói ông kỳ vọng vàng đạt “2.200 đô la/ounce vào Giáng sinh” với bạc, bạch kim và palladium cũng sẽ tăng giá mạnh.

Covid-19 khiến việc tìm người yêu qua mạng lên ngôi?

Maddy Savage
Như thể việc hẹn hò chưa đủ khó trước khi có Covid-19, sự xuất hiện của virus corona đã mang đến một loạt thách thức mới cho những người độc thân.
Các quán bar, nhà hàng đóng cửa, chính quyền ra cảnh báo là không nên thân mật với người lạ và một số thành phố thậm chí còn phạt những ai rời khỏi nhà.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phong tỏa, những người độc thân vẫn sẵn sàng tới mức đáng kinh ngạc trong việc đi tìm kiếm người yêu mới.
Trang Dating.com ghi nhận hoạt động hẹn hò trực tuyến tăng 82% trên toàn cầu, và bởi vì các cuộc gặp mặt đối mặt không thể xảy ra được nữa, các cuộc gọi video nhanh chóng trở thành lựa chọn thay thế.
Bùng nổ hẹn hò qua mạng
“Cô ấy có vẻ rất dễ thương, rất sâu sắc… Tôi nghĩ: ‘Tại sao không chứ?’,” Stephanie Manns, chuyên viên phân tích rủi ro ở Thành phố New York, nói. Cô đã bắt đầu hẹn hò qua video với một phụ nữ sống trong khu vực gần nơi cư trú của cô vào tháng Tư sau khi họ hợp nhau trên OkCupid.
Háo hức tái diễn cảnh hẹn hò nổi tiếng sáng tạo của thành phố – “đây là New York, bạn luôn có thể làm điều gì đó thú vị” – người phụ nữ 35 tuổi này đã sắp xếp thực hiện một đêm cocktail, nơi họ gợi nhau ý cho nhau các công thức nấu nướng, rồi làm một tour ảo thăm New Orleans.
Đến lần gặp thứ ba qua mạng, Manns nói rằng cô cảm thấy hai người bắt đầu tâm đầu ý hợp.
“Cô ấy muốn mỗi chúng tôi chọn một cuốn sách thật sự ảnh hưởng đến chúng tôi hoặc cuốn sách mà chúng tôi đã đọc gần đây, vì vậy chúng tôi đã chọn ra một chương và đọc cho nhau nghe, tôi thích tuýp người sáng tạo nên tôi rất thích ý tưởng này.”
Mối quan hệ kết thúc sau khi cặp đôi này hẹn hò một vài lần ngoài đời thực khi New York đã qua đỉnh dịch; Manns kết luận rằng ‘mặc cô ấy rất dễ thương, nhưng cô ấy không thực sự là đối tượng tôi đang tìm kiếm’.
Tuy nhiên, những trải nghiệm hẹn hò qua mạng của họ phản ánh sự bùng nổ trào lưu những người độc thân lần đầu tiên thử nghiệm hẹn hò qua video.
Một cuộc khảo sát của Match mới đây cho biết 69% người dùng nền tảng này ở Mỹ sẵn sàng trò chuyện qua video với một đối tượng tiềm năng, trong khi trước đại dịch chỉ có 6% đã thử tính năng này.
Bumble, tên tuổi lớn đầu tiên ra mắt công cụ video trong ứng dụng vào năm ngoái, đã chứng kiến tần suất sử dụng các tính năng này, vốn được quảng cáo như một cách an toàn hơn để trò chuyện video so với cách trao đổi số điện thoại hoặc danh tính mạng xã hội khi chỉ mới bắt đầu hẹn hò, gia tăng nhanh.
Nền tảng Hinge đã thêm chức năng trò chuyện video có tên là ‘Hẹn hò từ nhà’ vào tháng Tư trước hoàn cảnh dịch Covid-19, trong khi các công ty khởi nghiệp cũng đi theo trào lưu với một công ty có tên là Quarantine Together kết hợp lời kêu gọi rửa tay với dịch vụ mai mối qua video.
Ngoài ra, sự quan tâm đến các trò chơi hẹn hò phát trực tiếp trên mạng xã hội cũng tăng lên, với The Meet Group, công ty đứng đầu thị trường Mỹ trong lĩnh vực này, báo cáo mức tăng 95% trong tần suất sử dụng các sản phẩm của họ kể từ tháng Ba.
Các sản phẩm này bao gồm các sự kiện hẹn hò nhanh qua video và hẹn hò không biết mặt dành cho những ai quan tâm tính cách hơn là ngoại hình.
Một số sự kiện dành cho người độc thân ngoài đời cũng xoay quanh các không gian trực tuyến, với các công ty như The Inner Circle sẽ trao cho những ai muốn hẹn hò cơ hội trò chuyện video thông qua các hoạt động như trò giải đố ảo.
Tại sao hội độc thân hồ hởi với việc hẹn hò qua video?
Lý do hiển nhiên xu hướng hẹn hò video bùng nổ trong thời gian dịch Covid-19, theo lời Dominic Whitlock, biên tập viên của trang web Global Dating Insights, là chúng ta nhanh chóng quen với việc sử dụng video trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
“Trước khi xảy ra đại dịch, có rất nhiều hoài nghi về việc hẹn hò qua video và chỉ có một số ít ứng dụng thử nghiệm công nghệ này,” ông giải thích.
“Phần lớn các ứng dụng hẹn hò nhắm vào thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z, là hai thế hệ vốn tự thừa nhận rằng tự bản thân họ e ngại nói chuyện với người lạ trên điện thoại hay phải ra mở cửa.”
Nhưng một khi tất cả mọi người làm việc ở nhà và phải nói chuyện với đồng nghiệp trên Zoom hay chơi các trò chơi ảo với bạn bè, “điều này đã khiến những người độc thân có sự tự tin ban đầu để thử hẹn hò ảo và sau đó nhận ra rằng việc đó không khó coi như họ sợ lúc đầu”.
Đó là trường hợp của Nyana Ficot, cố vấn tài chính 30 tuổi, người tự nhận mình là ‘bình thường thì khá nhút nhát’ và đã hẹn hò qua video lần đầu sau khi đã cảm thấy thoải mái hơn với các công cụ video trong thời gian phong tỏa ở Luxembourg.
“Chúng tôi nói chuyện hơn ba tiếng đồng hồ, tôi đã phải sạc điện thoại! Tôi thực sự cảm thấy đó là một buổi hẹn tốt, đàng hoàng… điều duy nhất còn thiếu là chúng tôi ở rất xa nhau và không thể chạm vào nhau”.
Cô đã thất vọng vì đối tượng của cô không sẵn sàng tính chuyện nghiêm túc khi cuối cùng họ cũng gặp nhau, nhưng cô vẫn xem đó là “trải nghiệm tuyệt vời, để thấy rằng tôi có thể làm quen với ai đó… trên mạng, nói chuyện qua video”.
Phong tỏa cũng tạo điều kiện giúp hẹn hò qua video tăng lên, đơn giản chỉ vì nhiều người độc thân có thời gian rảnh.
Khi mà họ không thể tận hưởng các sở thích và thói quen du lịch như trước khi có Covid, và với những người trẻ nhiều khả năng bị cho nghỉ việc hoặc thất nghiệp, Whitlock nói rằng một số người tìm đến các ứng dụng đơn giản là vì họ buồn chán.
Những người khác cảm thấy cuộc sống không còn gì nữa của họ khiến họ cảm thấy cô đơn hơn hoặc ý thức được tình trạng mối quan hệ của họ.
“Họ nghĩ rằng, ‘Tôi bị kẹt trong nhà, có lẽ tốt hơn nếu có ai khác ở cùng tôi. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc thử và ổn định cuộc sống’.”
Trong khi đó, cũng có một nhận thức chậm toàn cầu rằng giãn cách xã hội sẽ còn tiếp diễn.
“Công chúng bắt đầu thấy rằng đó thực sự là tình huống rất nghiêm trọng. Do đó, họ cần đưa ra quyết định: ngưng hoàn toàn trong khoảng thời gian không xác định hoặc đón nhận thế giới mới của hẹn hò ảo. Dường như phần lớn những người muốn tìm bạn đã chọn cách thứ hai,” Whitlock nói.
Tiến sĩ Helen Fisher, cố vấn cho Match Group, hãng sở hữu các nền tảng hẹn hò gồm Tinder và Plenty of Fish, nói rằng việc phong tỏa trên khắp thế giới sau giai đoạn những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đã quá mệt mỏi với việc lướt tay trên điện thoại cũng là một phần lý do.
Tốc độ tăng trưởng của ứng dụng hẹn hò đã chậm lại trên toàn cầu vào năm 2019, và nghiên cứu của chính Fisher trước đại dịch cho thấy sự khao khát ngày càng tăng trong việc được kết nối tình cảm gần gũi hơn trong thời gian dài hơn, thay vì chỉ gặp nhau thoáng qua.
“Vào những ngày trước khi có đại dịch, bạn gặp gỡ trên internet và sau đó bạn ra ngoài vào trong cuộc hẹn đầu tiên và cuộc hẹn đó thực sự rất căng thẳng. ‘Tôi có nên hôn? Chúng tôi có nên nắm tay không? Tôi có nên mời họ đến thăm căn hộ của tôi không?’,” bà nói.
Bà tin rằng việc phong tỏa đã thúc đẩy những người hẹn hò tìm hiểu về nhau nhiều hơn trước khi có nụ hôn đầu tiên, một xu hướng bà dự đoán sẽ tiếp tục ngay cả khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.
Cơ hội hẹn hò trên xuyên châu lục
Jai Andrew, 28 tuổi, cố vấn và huấn luyện viên đến từ London, và Karen Mendoza, 25 tuổi, sống ở Texas, là một đôi đã trải qua dạng hẹn hò chậm này trong đại dịch.
Họ bắt đầu kết nối nhau trên Facebook và bắt đầu trò chuyện trên Messenger vào tháng Giêng. Nhưng mối quan hệ của họ tăng tốc nhờ vào các cuộc gọi video trong thời gian phong tỏa tương ứng ở nơi họ và quyết định chính thức trở thành một cặp vào tháng Ba, trước khi gặp nhau ngoài đời thực.
“Chúng tôi cần phải hiểu nhau ở một mức độ tình cảm thực sự sâu sắc,” Andrew nhớ lại.
Anh nói rằng họ đã thảo luận mọi thứ từ chính trị đến ngũ cốc trong suốt nhiều giờ nói chuyện cùng nhau qua mạng.
“Tôi nhìn lại các mối quan hệ trước đây và đó kiểu như là trước tiên phải hợp nhãn và khi bạn thực sự bỏ thời gian để tìm hiểu về người đó… đôi khi bạn nhận ra rằng các bạn thực sự không có nhiều điểm chung.”
Cặp đôi này gần đây đã dành vài tuần ở cùng nhau ở Anh và cho biết họ đang tính chuyện lâu dài, bất chấp khoảng cách địa lý.
Biên tập viên của Global Dating Insights, Dominic Whitlock, nói rằng đó không phải là những người duy nhất sử dụng công nghệ video để hẹn hò xuyên châu lục trong đại dịch.
Một số ứng dụng hẹn hò, trong đó cóTinder, đã tranh thủ xu hướng yêu xa bằng cách kết hợp người dùng này với người dùng đang bị phong tỏa ở địa điểm khác mà không phải trả thêm phí đăng ký.
Điều này, theo Whitlock, đã giúp trải nghiệm hẹn hò trực tuyến và video trở nên thú vị hơn, bằng cách giới thiệu mọi người từ các địa điểm và các nền văn hóa khác nhau, đồng thời là một chiêu tiếp thị thông minh để giữ mọi người tích cực trên nền tảng hẹn hò, bởi vì chỉ sau ba tháng lướt ứng dụng này trên điện thoại thì bạn đã ‘ngó nghiêng’ hết những người ở gần quanh chỗ mình rồi.
Cây bút về quan hệ tình cảm đồng thời là nhà tâm lý người Anh, Lucy Beresford, cho biết bà cũng quan sát thấy khách hàng của bà ngày càng sẵn sàng hẹn hò qua video với những người ở bên ngoài thành phố hoặc thậm chí bên ngoài đất nước của họ trong thời gian phong tỏa.
Bà tin rằng trải nghiệm làm việc từ xa đóng vai trò khuyến khích mọi người linh hoạt hơn về việc xem xét sẽ hẹn hò hay sinh sống ở đâu trong tương lai.
“Tuy rằng họ có thể đã từng nói rằng, ‘Tôi sống ở London, tôi làm việc ở London, bạn đời tương lai của tôi cũng phải ở London’, nhưng có rất nhiều người đang hướng tới những lựa chọn khác,” bà giải thích.
Hẹn hò trong thời ‘mới bình thường’
Với các nước hiện đang nới lỏng phong tỏa, hầu hết các chuyên gia hẹn hò cho rằng mọi người sẽ nhanh chóng trở lại phát triển quan hệ tình cảm ngoài đời, thay vì tập trung vào hẹn hò qua video.
Tuy nhiên, có một sự đồng thuận rằng xu hướng hẹn hò video sẽ không biến mất hoàn toàn, với nhiều ý kiến ​​cho rằng các cuộc gọi video trong trạng thái ‘bình thường mới’ sẽ là một phần của quá trình chọn lọc trước cuộc hẹn hò trực tiếp đầu tiên.
“Mọi người sẽ kén chọn hơn nhiều… bởi vì khi gặp gỡ ai đó, bạn vẫn đang đặt mình vào thế rủi ro,” Charly Lester, chuyên gia hẹn hò cho nền tảng The Inside Circle, nói.
“Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn gọi ai đó qua Zoom để tìm hiểu xem bạn có thực sự thích người đó không, so với việc phải lãng phí hai tiếng đồng hồ trong quán bar.”
Lester tin rằng tác động tài chính của đại dịch cũng sẽ thúc đẩy cuộc hẹn hò đầu tiên qua màn hình.
Theo một nghiên cứu gần đây, được thực hiện cho Elite Singles, thì chi phí trung bình cho buổi hẹn hò đầu tiên ở một thành phố toàn cầu lớn là 85 đô la hồi năm 2019, không bao gồm chi phí cho trang phục mới hoặc chải chuốt.
“Trước dịch, không có gì to tát khi đi hẹn hò hai ba lần với hai hoặc ba người khác nhau… Nhưng nếu thu nhập của bạn đã bị giảm, hoặc bạn đã phải nghỉ ở nhà ăn lượng trợ cấp nghỉ việc do Covid-19, thì cũng hợp lý thôi nếu bạn chuyển sang hẹn hò theo cách miễn phí hoặc càng ít tốn kém càng tốt.”
Tinder đang đặt cược vào xu hướng với việc thử nghiệm tính năng video vốn đã được chờ đợi từ lâu ở bốn tiểu bang của Mỹ hồi tháng Bảy, cũng như ở 12 quốc gia khác.
Một khảo sát cho công ty cho thấy 40% người dùng thế hệ Z cho biết họ muốn tiếp tục sử dụng video như một cách để quyết định có gặp nhau ngoài đời hay không, ngay cả khi các địa điểm hẹn hò yêu thích của họ đã mở cửa lại.
Hồi tháng Sáu, Bumble đã giới thiệu một tính năng mới, theo đó cho phép người dùng đánh tín hiệu cho biết họ muốn một cuộc hẹn hò đầu tiên là hẹn ảo, hay là cuộc gặp đảm bảo giãn cách xã hội, kèm theo việc có đeo hoặc không đeo khẩu trang, một tín hiệu nữa cho thấy hẹn hò qua video có thể vẫn là một phần của quá trình sàng lọc đối với nhiều người.
Nhưng sau nhiều tháng dành quá nhiều thời gian lên mạng trong giai đoạn phong tỏa, một số người nói rằng trải nghiệm này thực ra đã khiến họ quay lưng lại với việc dành quá nhiều cuộc sống cá nhân lên mạng.
“Hẹn hò qua ứng dụng trò chuyện video – tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ không chơi nữa,” David Fell, 43 tuổi, một chủ doanh nghiệp người Anh ở Dubai, người đã thử hẹn hò qua video khi dịch lên đỉnh ở Dubai, nói.
“Tôi luôn thích có mọi người xung quanh mình và tôi đã dành rất nhiều thời gian cho các nền tảng như Zoom cho công việc, vì tôi làm việc với nhiều người trên toàn thế giới.”
Khi các quán bar và nhà hàng giờ đã mở cửa trở lại ở nơi ông sống, ông hy vọng sẽ gặp mọi người theo cách cũ, đó là ‘đi đến và nói chuyện với họ’.
Quay trở lại New York, Stephanie Manns cho biết hiện cô đang tạm ngưng hẹn hò, sau khi suy nghĩ trong thời gian phong tỏa rằng cô muốn tập trung vào công việc và sở thích của mình trong thời gian này.
Cô nói cô sẽ không loại trừ hẹn hò qua video một lần nữa trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu các sự kiện gặp nhau trực tiếp hiện nay cho cộng đồng LGBTQ.
Nhưng cô vẫn thích gặp gỡ lần đầu bằng xương bằng thịt, bởi vì ‘không có gì thay thế cho sự hòa hợp mà bạn có với người nào đó ngoài đời thực’.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.

Virus corona Vũ Hán lây lan nhanh chóng,

toàn cầu cân nhắc các biện pháp nghiêm ngặt

Bình luậnNguyễn Minh
Ngày 2/8, tại Ấn Độ và Philippines, số lượng người bị nhiễm virus Corona Vũ Hán tiếp tục gia tăng. Hai nước đều ghi nhận số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán hàng ngày cao. Hiện tại giới chức trên toàn cầu đã cân nhắc các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Chính quyền thành phố Melbourne – thành phố lớn thứ 2 của Úc đã ban hành lệnh giới nghiêm sau khi số ca nhiễm virus Corona Vũ Hán gia tăng.
Các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Phi đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch đầu tiên, còn Hàn Quốc và các quốc gia khác đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch thứ 2 sau khi nới lỏng các hạn chế đi lại và hoạt động thương mại được áp dụng trước đây.
Tính đến ngày 3/8, các chính phủ trên toàn thế giới đã báo cáo 697.289 người tử vong vì viêm phổi Vũ Hán và 18,4 triệu người nhiễm bệnh, theo dữ liệu được thu thập bởi Đại học Johns Hopkins.
Ấn Độ có 54.735 ca nhiễm mới – giảm so với kỷ lục trước đó là 57.118, nâng tổng số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán của nước này lên 1,75 triệu ca. Trong tháng Bảy, số ca nhiễm là hơn 1,1 triệu.
Tại các thành phố lớn của Ấn Độ là New Delhi và Mumbai, số ca nhiễm có thể đã vượt qua đỉnh dịch trước đó, chuyên gia chính phủ Randeep Guleria cho biết. Tàu điện ngầm, rạp chiếu phim và các cơ sở công cộng khác sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 31/8.
Philippines đã báo cáo 5.032 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 103.185, trong đó có 2.059 trường hợp đã tử vong.
Vào ngày 1/8, các nhà lãnh đạo của các tổ chức y tế của Philippines đã kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte tái phong tỏa thủ đô Manila. Họ cho biết hệ thống y tế đang gặp nguy hiểm khi nhân viên ngã bệnh hoặc nghỉ việc do sợ hãi hoặc mệt mỏi.
Chính phủ Nhật Bản báo cáo 1.540 ca nhiễm virus Corona Vũ Hán mới, gần với số ca nhiễm mới kỷ lục trong ngày vào ngày 31/7 là 1.579.
Sự gia tăng số ca nhiễm mới viêm phổi Vũ Hán ở Nhật lần này hầu hết trong độ tuổi 20 và 30 là hồi chuông cảnh báo cho những người trẻ tuổi Nhật. Thống đốc Yuriko Koike của Tokyo, nơi có khoảng 1/3 số ca nhiễm mới, nói rằng bà có thể phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch.
Tại Florida, Mỹ, bão nhiệt đới Isaias đã đổ bộ vào bang này, giới chức vừa phải chuẩn bị nơi tránh bão vừa thực thi giãn cách xã hội.
Florida đã báo cáo 179 trường hợp tử vong vào ngày 1/8, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm viêm phổi Vũ Hán của toàn bang  lên hơn 7.000.
Thống đốc bang Florida cảnh báo người dân rằng ​​sẽ có thể xảy ra mất điện và người dân cần dự trữ nước và thực phẩm cho một tuần.
Ngày 2/8, người đứng đầu lực lượng chuyên trách ứng phó đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx cho biết, virus Corona Vũ Hán đã chuyển sang “giai đoạn mới” ở Hoa Kỳ vì nó đang lan nhanh chóng ở vùng nông thôn và thành thị của Mỹ.
“Những gì chúng ta đang thấy hôm nay khác với [những gì đã xảy ra] hồi tháng Ba và tháng Tư. Virus lan nhanh một cách bất thường”, Tiến sĩ Birx nói với CNN và kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang và theo sát các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại Úc, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew đã công bố lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 5h sáng tại Melbourne, một thành phố có 5 triệu dân. Các trường học và nhà trẻ trên toàn bang Victoria sẽ đóng cửa và học sinh sẽ học tại nhà.
Ông Andrew cho biết đã có 7 trường hợp tử vong và 671 trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới kể từ ngày 1/8.
Ông nói: “Nếu chúng ta không thể thực hiện những thay đổi này [các biện pháp ngăn chặn dịch], chúng ta sẽ không vượt qua được điều này [bệnh dịch]“.
Trong ngày 2/8, Hàn Quốc đã báo cáo nhiều ca nhiễm hơn nhưng không phải là số kỷ lục như đợt bùng phát trước.
Hong Kong đã báo cáo 125 ca nhiễm mới. Hiện giới chức đang cố gắng xác định nguyên nhân bùng phát dịch mới nhất lần này.
Hàn Quốc đã báo cáo 30 trường hợp mới, nâng tổng số lên 14.366, trong đó có 301 trường hợp tử vong, nhưng cho biết chỉ có 8 trường hợp là nhiễm bệnh trong nước.
Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo số trường hợp nhiễm bệnh sẽ tăng lên khi người Hàn Quốc từ Trung Đông và những nơi khác bị dịch bệnh bùng phát trở về nước. Giới chức cho biết các trường hợp từ nước ngoài về ít đe dọa việc lây nhiễm hơn vì những người này được cách ly trong 2 tuần.
Vào ngày 1/8, người đứng đầu của một nhà thờ tại Hàn Quốc đã bị bắt giữ để điều tra về việc liệu họ có cản trở công tác ứng phó dịch bệnh sau khi hàng ngàn tín đồ bị nhiễm bệnh vào tháng Hai và tháng Ba.
Vào ngày 1/8, Nam Phi đã báo cáo 10.107 trường hợp nhiễm bệnh mới, nâng tổng số lên 503.290.
Tại châu Âu, lần đầu tiên nước Ý báo cáo số ca nhiễm mới giảm xuống dưới 300.
Một nhân viên thuộc văn phòng Thủ tướng Áo đã xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán. Tuy nhiên, người này không làm việc trực tiếp với Thủ tướng Sebastian Kurz, Cơ quan báo chí Áo đưa tin.
Các cuộc biểu tình ở Berlin
Ngày 1/8, hàng ngàn người biểu tình ở Berlin để phản đối các hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán mà chính phủ Đức ban hành. Cuộc biểu tình là để tuyên bố “Ngày tự do – Kết thúc đại dịch” trong khi giới chức quan ngại về số ca nhiễm bệnh tăng.
Những người biểu tình đã diễu hành từ Cổng Brandenburg qua trung tâm thành phố Berlin.
Những người biểu tình là những người dân đến từ khắp các khu vực ở Đức. Họ giơ cao những tấm biển tự làm với những khẩu hiệu như “Corona, báo động giả”, “Chúng ta bị buộc phải đeo khẩu trang”, “Miễn dịch tự nhiên thay vì tiêm vaccine” và “Chúng ta là làn sóng thứ hai”.
Những người biểu tình còn hô vang: “Chúng tôi ở đây và chúng tôi gây ồn ào, vì chúng tôi đang bị cướp mất tự do!”
Cảnh sát đã sử dụng loa lớn để giải tán những người tham gia biểu tình và bắt họ tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, cũng như đeo khẩu trang. Tuy nhiên, biện pháp này của cảnh sát không hiệu quả. Cảnh sát đã viết trên twitter rằng họ đã khiếu nại hình sự đối với người tổ chức cuộc biểu tình vì đã không thực thi các quy tắc về an toàn vệ sinh, sau đó cho biết người tổ chức đã kết thúc cuộc tuần hành.
Cảnh sát ước tính có khoảng 17.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình, trong đó có người đã hô lớn “Đức Quốc xã!”.
Sau đó, những người biểu tình đã tiếp tục thực hiện một cuộc biểu tình trên một đại lộ chạy qua công viên thành phố Tiergarten. Cảnh sát ước tính có khoảng 20.000 người tham gia. Cảnh sát cho biết họ lại thất bại trong việc yêu cầu người biểu tình đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách.
Tính đến ngày 1/8, quốc gia này có hơn 9.150 người tử vong trong số hơn 210.670 người nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Chính phủ Đức đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng Tư nhưng các quy định về giãn cách xã hội cũng như yêu cầu phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng và trong các cửa hàng vẫn được duy trì.
Các quan chức cảnh báo người dân không nên vội vui mừng vì số lượng các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán đã tăng lên gần đây. Do quan ngại rằng việc người dân đi du lịch trong thời gian nghỉ hè sẽ có thể nhiễm bệnh ở nước ngoài và lây truyền bệnh trong nước, các quan chức Đức đã cho phép những người nhập cảnh vào Đức được xét nghiệm miễn phí.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Đức ghi nhận 955 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới vào ngày 31/7; đây là một số lượng nhiễm mới cao so với số ca nhiễm được xác nhận gần đây.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Vaccine Covid-19: ‘tiền nhiều,

nghiên cứu sớm nên sẽ có nhanh’

Triển vọng sớm có vaccine chống Covid-19 là ‘lạc quan’ do nhiều tiền đã đổ vào nghiên cứu, và virus lần này cùng loại với các virus corona trước đây khiến việc nghiên cứu vaccine dễ hơn mặc dù tỷ lệ vaccine thành công lâu nay vẫn ở mức rất thấp, một vị bác sĩ gốc Việt ở Mỹ nói với VOA.
Hiện giờ ở phương Tây có ba ứng viên vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng: vaccine của hãng Moderna Mỹ, vaccine của AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford Anh và ứng viên còn lại là kết quả hợp tác giữa tập đoàn BionTech của Đức và hãng Pfizer của Mỹ.
Nga cho biết Viện Gamaleya ở Moscow và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga đã ‘hoàn tất thử nghiệm lâm sàng’ vaccine của họ, theo hãng tin Itar-Tass.
Trung Quốc cũng có hai ứng viên vaccine đang vào giai đoạn cuối của các tập đoàn Sinovac và Sinopharm mà theo họ loan báo đang được thử nghiệm rộng rãi ở Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố ‘đã thành công’ trong việc tìm ra vaccine cho Covid-19. Trung Quốc đã bắt đầu dùng vaccine trong quân đội còn Nga thông báo đến tháng 10 năm nay sẽ tiêm chủng đại trà cho người dân.
Riêng Mỹ đã rót cho Moderna hơn 1 tỷ đô la, Pfizer hơn 2 tỷ, Đại học Oxford 1,5 tỷ. Mới đây, chính phủ Mỹ cũng loan báo sẽ cấp 2,1 tỷ đô la cho hai hãng dược Sanofi của Pháp và GSK của Anh để đặt trước 100 triệu liều vaccine sau khi Liên hiệp châu Âu đặt hàng trước 300 triệu liều của hai hãng này.
Rút ngắn đáng kể
Theo các chuyên gia, một vaccine được sản xuất đại trà phải qua ba giai đoạn thử nghiệm để xem có giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể và có gây tác dụng phụ hay không.
Giai đoạn đầu thử trên những tình nguyện viên khỏe mạnh. Giai đoạn hai thử nghiệm trên những người thuộc các độ tuổi khác nhau. Giai đoạn ba là thử trên quy mô lớn với 30.000 người. Theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm-Dược phẩm Hoa Kỳ), phải trên phân nửa trong số này có kháng thể thì vaccine mới được xem là thành công.
Vaccine cho Covid-19 được rút ngắn đáng kể, còn vài tháng so với từ 10 cho đến 30 năm như thường lệ. Theo bác sĩ Nguyễn Đông Châu thuộc bệnh viện Houston Methodist ở Texas, một trong những nguyên do là vì chính phủ Mỹ đã bỏ tiền ra rất nhiều.
“Tại vì tiền bạc bỏ ra rất nhiều nên nó đi nhanh chứ không phải người ta làm vắn tắt cái gì. Họ cũng làm nghiên cứu đàng hoàng hết,” ông trả lời câu hỏi liệc việc phát triển vaccine quá nhanh có dẫn đến việc làm ẩu, làm dối và bỏ qua những nguyên tắc an toàn hay không.
Trước đây, giới khoa học đã nghiên cứu tìm vaccine cho các bệnh truyền nhiễm như SARS và MERS nhưng sau đó đã ‘phải ngưng lại vì không có đủ tiền để tiếp tục’. Do virus gây các chứng bệnh này cũng cùng họ với virus corona gây Covid-19, nên giờ đây chỉ cần đi tiếp từ các nghiên cứu có sẵn này, bác sĩ Châu giải thích thêm và cho đây là một lý do giúp việc nghiên cứu vaccine Covid-19 thêm thuận lợi.
Khó tin Trung Quốc
Theo lời vị bác sĩ theo dõi quá trình nghiên cứu vaccine thì các ứng viên vaccine hiện đã qua các giai đoạn 1 và 2 đã có kết quả khả quan: ‘đã có kháng thể xuất hiện, không có tình nguyện viên nào bị chết, phản ứng phụ rất ít’.
“Tôi đã thấy trong những giai đoạn đầu đã có hơn 50% những người được tiêm vaccine đã sản sinh ra kháng thể nên tôi tin tưởng là sẽ làm được,” bác sĩ Đông Châu bày tỏ lạc quan.
Ông cho biết các vaccine mà các công ty Mỹ hiện đang thử nghiệm đã kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các tế bào B và tế bào T trong khi các vaccine trước nay chủ yếu chỉ tạo ra tế bào B. Theo ông, tế bào T là tế bào miễn dịch rất tốt.
Về khả năng Trung Quốc sẽ có vaccine trước Mỹ, bác sĩ Đông Châu cho rằng nghiên cứu của Trung Quốc ‘được tiến hành trong quân đội nên có nhiều cái họ giữ bí mật mình không biết’.
“Có những điều tiêu cực mà họ không nói cho mình biết còn cái nào tốt thì họ thổi phồng lên,” ông nói và cho biết ông hy vọng Trung Quốc làm ra được vaccine để sử dụng cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
“Có thể tôi chẳng thà đợi thuốc bên Mỹ sẽ tốt hơn còn thuốc bên xứ cộng sản hy vọng họ làm được và có nguy cơ ít để giúp cho người dân của họ,” ông nói.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 31/7, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, Anthony Fauci, nói ‘khó có khả năng Nga hay Trung Quốc làm ra vaccine ngừa Covid trước Mỹ’.
Ông Fauci kêu gọi hai nước này ‘thử nghiệm kỹ lưỡng’ các vaccine của họ trước khi cho công chúng sử dụng rộng rãi và bác khả năng Mỹ sẽ dùng vaccine của hai nước này nếu như họ có trước, bởi ‘các quy định an toàn mơ hồ hơn rất nhiều so với phương Tây’.
Khả năng thất bại
Giới chuyên môn cũng thận trọng lưu ý về khả năng vaccine bị thất bại.
“Từ trước đến nay trong 100 vaccine được thử nghiệm chỉ có 4 loại là thành công thôi,” bác sĩ Đông Châu cho biết.
Trên thế giới hiện hàng trăm ứng viên vaccine đang được phát triển, hàng chục vaccine đang được thử nghiệm với hy vọng cuối cùng có được 1 vaccine hiệu quả giúp con người phòng vệ trước Covid.
Do đó, việc Mỹ bỏ hàng tỷ đô la đầu tư cũng như đặt mua trước từ nhiều hãng dược khác nhau ‘nhằm có được vaccine nào hay cái đó’, theo lời bác sĩ Châu.
Ngoài vaccine, vốn có thể mất từ 1 đến 2 tháng để tạo ra kháng thể sau khi tiêm với rủi ro là có người có kháng thể, có người không, bác sĩ Châu cho biết ‘cách tốt nhất và lẹ nhất’ là lấy huyết tương của những người đã khỏi bệnh, đã có sẵn kháng thể, tiêm vào những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên viện dưỡng lão, người lớn tuổi…
Bệnh cạnh đó, những loại thuốc chống viêm đang có sẵn có thể giúp chống lại việc hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức trước Covid, gây ra ‘bão cytokine’ vốn có thể tự giết chết cơ thể.
“Thuốc chống viêm có thể làm bệnh nhẹ lại, tử vong ít đi, nhưng không thể giết chết con virus,” bác sĩ Châu giải thích.

Covid-19 : Hơn 700.000 người chết trên thế giới,

thêm 1.300 ca tử vong tại Mỹ

Thu Hằng
Virus corona tiếp tục gây thảm họa về nhân mạng. Tính đến sáng 05/04/2020, số ca tử vong trên thế giới đã vượt quá 700.000. Nhiều nước đang có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ hai, thứ ba của dịch Covid-19, trong khi virus corona vẫn hoành hành ở châu Mỹ.
Dựa trên số liệu từ hai tuần gần đây được Reuters thống kê, trung bình hàng ngày có 5.900 người chết vì Covid-19, tương đương với mỗi giờ có 247 người qua đời hoặc cứ 15 giây có một ca tử vong vì virus corona.
Số ca tử vong lại đột ngột tăng tại Hoa Kỳ, thêm hơn 1.300 ca trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 04/08, nâng tổng số người chết lên thành hơn 156.000 người. Số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh, thêm 53.847 trường hợp trong vòng một ngày (tổng số ca nhiễm là 4,77 triệu), theo số liệu của đại học Baltimore.
Giải thích về số ca nhiễm mới không ngừng tăng, trong buổi họp báo hàng ngày tối 04/08, tổng thống Trump vẫn cho là nhờ vào số lượng xét nghiệm được thực hiện : “Chỉ riêng Hoa Kỳ xét nghiệm số người trong một tuần nhiều hơn cả tất các nước lớn gộp lại”.
Virus corona lây trên diện rộng tại nhiều bang ở miền nam và tây Hoa Kỳ từ cuối tháng Sáu. Trong khi đó, nhiều quốc gia Nam Mỹ và vùng Caribê chật vật hoặc gần như bất lực trong việc phòng chống Covid-19 do tình trạng nghèo khổ và mật độ dân số cao ở nhiều khu vực.
Brazil, quốc gia bị tác động nặng thứ hai, có thêm 1.154 người chết và 51.603 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu của bộ Y Tế. Tổng số ca tử vong tại Brazil sắp vượt ngưỡng 100.000 với hơn 2,8 triệu ca nhiễm được xác nhận.

WHO: Tỉ lệ giới trẻ mắc COVID tăng gấp 3

Người trẻ đi chơi hộp đêm và tắm biển đang dẫn đầu đà tăng các ca COVID mới trên toàn thế giới, với tỉ lệ những người từ 15 đến 24 tuổi bị nhiễm virus tăng gấp 3 lần trong chừng 5 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Phân tích của WHO trong số 6 triệu ca nhiễm COVID từ ngày 24/2 đến 12/7 năm nay cho thấy tỉ lệ lây nhiễm của những người tuổi từ 15 đến 24 tăng từ 4,5% lên 15%.
Ngoài Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới với tổng cộng 4,8 triệu ca, các nước Châu Âu trong đó có Tây Ban Nha, Đức và Pháp và các nước Châu Á như Nhật Bản báo cáo nhiều ca lây nhiễm mới thuộc giới trẻ.
Các ca nhiễm mới trỗi dậy, gọi là đợt lây nhiễm thứ hai, khiến một số nước áp đặt lệnh cấm du hành mới. Một số công ty đang chay đua tìm vaccine ngừa chủng virus lây lan nhanh chóng khiến hơn 680.000 người thiệt mạng và làm kinh tế ngưng trệ.
Ngay cả những nước như Việt Nam, được ca ngợi rộng rãi vì những nỗ lực giảm thiểu các ca lây nhiễm kể từ khi virus corona xuất hiện vào cuối tháng 1, cũng đang vất vã chống lại chùm lây nhiễm mới.
Trong số những trẻ em tuổi từ 5 đến 14, khoảng 4,6% bị lây nhiễm, tăng từ 0,8% trong giai đoạn từ 24/2 đến 12/7, WHO nói, trong lúc xét nghiệm gia tăng và các chuyên gia y tế công cộng quan ngại là việc tái mở cửa các trường học có thể làm COVID tăng mạnh.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, trong tháng qua yêu cầu giới trẻ tiếp tục giãn cách xã hội, mang khẩu trang và tránh đám đông.
Các chuyên gia y tế tại một vài nước cũng thúc đẩy có những biện pháp tương tự khi họ báo cáo những người trẻ bị lây nhiễm cho thấy ít có triệu chứng.
“Chúng tôi đã nói và xin lặp lại: giới trẻ không phải bất khả chiến bại,” Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại một cuộc họp báo ở Geneva tuần trước.
“Người trẻ có thể bị nhiễm, người trẻ có thể tử vong, người trẻ có thể lây virus cho người khác.”

EU yêu cầu Việt Nam thúc đẩy nhân quyền

khi thực thi EVFTA

Vài ngày trước khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đề cập đến vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động ở Việt Nam.
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7.
Bà viết trên Twitter: “Vừa có buổi điện đàm rất tốt với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thỏa thuận thương mại của chúng ta sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8. Đó là tin tuyệt vời cho nền kinh tế của chúng ta – cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh của nó. Đây cũng là cơ hội để người dân Việt Nam chứng kiến sự thay đổi tích cực và được hưởng các quyền con người mạnh mẽ hơn”.
Trong một thông cáo báo chí của Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 31/7, bà Leyen nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thỏa thuận này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn và chứng kiến một sự thay đổi tích cực và nhân quyền mạnh mẽ hơn đối với công nhân và công dân ở nước họ.”
Ủy viên Thương mại của EU, ông Phil Hogan tuyên bố Việt Nam hiện nằm trong nhóm gồm 77 quốc gia có quan hệ thương mại với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương.
Ông nhận định rằng Hiệp định này cho thấy các chính sách thương mại cũng tạo ra một động lực để phát triển về mặt xã hội. Ông nói: “Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện quyền của người lao động thông qua các cuộc đàm phán thương mại, và tôi bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục những cải cách cần thiết”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, một nhà hoạt động nhân quyền cho Việt Nam ở Đan Mạch, nói với VOA rằng việc yêu cầu giám sát vi phạm nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong việc thực thi EVFTA.
“Trong Hiệp định EVFTA, EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, và xem trọng quyền của công nhân và quyền lập hội”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam ở Brussel, Bỉ, viết trên Twitter hôm 3/8: “Phát triển bền vững, tự do biểu đạt, và thượng tôn pháp luật. Nếu không có những điều này, Hiệp định EVFTA chỉ làm giàu cho các công ty đa quốc gia và nhóm thân hữu đạo đức giả của họ ở Uỷ ban Thương mại châu Âu (EU Trade), đảng Nhân dân châu Âu (EPP), và nhóm liên minh Tiến bộ Xã hội – Dân chủ”.
Vào cuối tháng 6/2020, một nhóm trí thức Việt Nam đã lập ra Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, với phương châm “đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động” trước cơ hội Việt Nam thực thi EVFTA.
Ngay sau đó, hôm 10/7, báo Quốc phòng Thủ đô cho rằng việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý.” Trang báo của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói: “Đó là tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội.”

Covid-19: Anh ‘sai nghiêm trọng’

về chính sách nhập cảnh?

Tốc độ virus corona lan mạnh tại Anh Quốc lẽ ra đã có thể được làm chậm lại nếu các biện pháp kiểm dịch được áp dụng với người nhập cảnh sớm hơn, một nhóm các dân biểu Anh nói.
Ủy ban các quan hệ đối nội của Hạ Viện nói rằng việc thiếu các biện pháp kiểm soát đường biên sớm trong đại dịch là sai lầm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Nội vụ nói rằng ủy ban đã không đúng khi nói vậy.
Bà nói thêm: “Mọi quyết định được đưa ra trong suốt đại dịch đều dựa trên cơ sở khoa học, với các biện pháp phù hợp được áp dụng đúng thời điểm để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.”
Trong bản phúc trình của mình, ủy ban ủng hộ quyết định không đóng cửa biên giới trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, bởicó “lượng lớn” người nhập cảnh là các công dân Anh quay trở về.
‘Không thể giải thích được’
Tuy nhiên, bản phúc trình nói thêm rằng việc yêu cầu người từ một số quốc gia nhất định khi vào Anh phải cách ly – được áp dụng từ đầu tháng Sáu – lẽ ra nên được đưa ra sớm hơn.
Sau khi có quy định này, người nhập cảnh phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, nếu không có thể sẽ bị phạt.
Trong tháng Hai và tháng Ba, mọi hành khách từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và một số vùng của Hàn Quốc cũng như từ Iran và sau đó là từ Ý đã được yêu cầu phải tự cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Các dân biểu chỉ trích quyết định không đưa Tây Ban Nha vào danh sách này sớm hơn, và nói thêm rằng nội dung tư vấn ban đầu của chính phủ chỉ tập trung vào các quốc gia châu Á mà không “ghi nhận sớm đủ mức” nguồn rủi ro virus đến từ Âu châu.
Họ nói thêm rằng quyết định sau đó, được đưa ra hôm 13/3, theo đó ngưng yêu cầu tự cách ly đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài vào nhưng không có các triệu chứng, là điều không thể lý giải được.
Bộ Nội vụ nói rằng hướng dẫn đó đã được thay thế bằng việc yêu cầu tất cả mọi người tại Anh, gồm cả những người nhập cảnh, phải tự cách ly nếu có triệu chứng.
‘Sai sót nghiêm trọng’
Nhắc tới bằng chứng nêu trong các nghiên cứu khoa học, các dân biểu nói rằng nhiều khả năng hàng ngàn người nhiễm virus đã vào Anh trước khi lệnh phong tỏa hoàn toàn được áp dụng, ngày 23/3/2020.
“Nhiều khả năng là việc này đã góp phần làm tăng nhanh chóng tốc độ lây lan virus trong thời gian giữa tháng Ba, và làm tăng tình trạng bùng phát dịch bệnh tại nước Anh,” họ nói thêm.
“Việc không cân nhắc đúng đắn khả năng áp lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với những người nhập cảnh, chẳng hạn như yêu cầu tự cách ly, tăng việc tầm soát, tiến hành xét nghiệm với những người có nguy cơ lây nhiễm, hay tiến hành cách ly bắt buộc, là sai sót nghiêm trọng.”
Ủy ban nói thêm rằng việc chính phủ Anh quyết định bỏ yêu cầu tự cách ly là rất khác so với các nước khác ở trong tình huống tương tự.
Ủy ban kết luận rằng kết quả đạt được ở các nước áp dụng những biện pháp kiểm soát đường biên cứng rắn hơn, chẳng hạn như Singapore, cho thấy làm vậy là phù hợp.
Các dân biểu nói rằng ước tính chính thức được dùng để đánh giá cách tiếp cận của Anh, theo đó nói rằng chỉ 0,5% năm các vụ lây nhiễm ở nước này là nhập cảnh từ nước ngoài vào, đã không được tính toán cho đến tận cuối tháng Ba.
Tuy nhiên, các dân biểu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ các vụ lây nhiễm nhiều khả năng sẽ cao hơn đáng kể, nếu như quy định kiểm dịch được dỡ bỏ sớm hơn.
Họ ủng hộ các quy định kiểm dịch bắt buộc được đưa ra trong tháng Sáu, và nói các bộ trưởng cần cân nhắc áp dụng xét nghiệm nhiều hơn đối với người nhập cảnh vào Anh.
Dân biểu Đảng Lao động, Yvette Cooper, người chủ trì Ủy ban và là cựu thành viên cao cấp phụ trách mảng nội vụ của phe đối lập, nói rằng việc thiếu các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ trong tháng Ba đã khiến cho dịch bệnh trở nên tồi tệ đi.
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên Bộ Nội vụ nói rằng chính phủ đã tuân theo các tư vấn khoa học.
“Với việc số lượng hành khách nhập cảnh giảm đáng kể, lời tư vấn khoa học là rất rõ ràng. Đó là các biện pháp kiểm dịch đối với người nhập cảnh vào Anh sẽ chỉ có hiệu quả nhất khi Anh có mức lây nhiễm thấp,” bà nói.
“Do đó, một khi virus đã được kiểm soát ở trong nước, các biện pháp kiểm soát đường biên liền được áp dụng vào ngày 8/6 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai, điều có thể sẽ làm hệ thống y tế công trở nên quá tải.”

Pháp cảnh báo đại dịch COVID đợt hai

Đại dịch COVID đợt hai có nhiều phần chắc sẽ xảy ra tại Pháp vào mùa thu hay mùa đông này, cơ quan khoa học hàng đầu của chính phủ cảnh báo ngày 4/8 giữa lúc nhà cầm quyền tìm cách khống chế sự gia tăng các ca nhiễm mới trong hai tuần qua.
Cảnh báo được đưa ra trong lúc ngày càng nhiều đô thị ở Pháp bắt buộc mang khẩu trang tại những khu vực ngoài trời đông đúc.
Kể từ khi dỡ bỏ lệnh đóng cửa nghiêm ngặt vốn giúp giảm bớt tỉ lệ lây nhiễm, nhiều nước Châu Âu hiện đang chứng kiến số lây nhiễm gia tăng trở lại vì những hạn chế được nới lỏng để giới hạn thiệt hại kinh tế và tương tác xã hội gia tăng trong mùa nghỉ lễ.
“Tình hình đang nguy hiểm và chúng ta ở bất cứ lúc nào cũng có thể lâm vào một kịch bản ít kiểm soát được như Tây Ban Nha chẳng hạn,” ủy ban khoa học Pháp nói trong một tuyên bố được Bộ Y tế đăng tải.
“Có nhiều phần chắc là chúng ta sẽ trải nghiệm một đợt dịch thứ hai vào mùa thu hay mùa đông này,” ủy ban nói và lưu ý nếu mọi người không tuân thủ những quy định giãn cách xã hội, thì không thể loại trừ việc tái lây lan COVID-19 sớm nhất là vào cuối hè.
Tại nước Đức láng giềng, hiệp hội các bác sĩ cho biết đang phải đối phó với một đợt lây nhiễm thứ hai trong khi dân chúng bất tuân các hướng dẫn giãn cách xã hội.
Nhà cầm quyền Pháp đã bắt đầu thắt chặt những quy định vệ sinh công cộng. Các thành phố như Lille, Nice và Toulouse ra lệnh cho dân chúng phải mang khẩu trang tại những con đường dành cho người đi bộ đông đúc.
Kế tiếp là Paris, Hội đồng Thành phố đang thảo luận với các giới chức nhà nước để đưa ra một danh sách các khu vực buộc phải thực thi việc mang khẩu trang, phó đô trưởng phụ trách y tế công cộng viết trên Twitter.
Các giới chức thành phố muốn danh sách này phải bao gồm các đường phố có cửa hàng mua bán, bờ sông Seine, công viên và vườn cây, báo Le Monde loan tin. Một danh sách các con phố bị ảnh hưởng sẽ được 17 quận của Paris quyết định từng quận một, phó đô trưởng Anne Souyris nói.
Pháp báo cáo 3.376 ca nhiễm COVID được xác nhận trong 3 ngày qua và số người được chữa trị tại các khu điều trị đặc biệt đã bắt đầu tăng vượt mức.
Tổng thống Emmanuel Macron đã đến thành phố cảng Toulon để gặp các nhân viên xã hội đang chăm sóc người lớn tuổi và loan báo các khoản tiền thưởng.
“Điều quan trọng là tiếp tục tuân thủ những hướng dẫn không hôn nhau và bắt tay, mang khẩu trang, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, và cẩn thận khi con cháu đến thăm, vì virus hiện vẫn đang luân chuyển trên đất nước chúng ta,” ông Macron nói.

Covid-19 tại Pháp:

Nguy cơ dịch không thể kiểm soát được

Thanh Phương
Dịch Covid-19 tại Pháp có thể tái bùng phát mà không thể kiểm soát được, đó là cảnh báo của Hội đồng Khoa học, cố vấn cho chính phủ về phòng chống dịch virus corona.
Hôm qua, 04/08/2020, Hội đồng Khoa học nói rõ: “ Virus lan truyền ngày càng mạnh, do người dân ngày càng lơ là các biện pháp giãn cách xã hội và ngăn chận lây nhiễm”. Hội đồng này cảnh báo là nước Pháp “bất cứ lúc nào” cũng có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát hơn, như tình hình hiện nay ở Tây Ban Nha. Họ còn dự báo là làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 rất có thể sẽ đến vào mùa thu hay mùa đông năm nay. Các thành viên của Hội đồng kêu gọi dân Pháp nên tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp ngăn ngừa, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước tẩy trùng…
Hôm qua, thủ tướng Jean Castex cũng đã kêu gọi dân Pháp không nên mất cảnh giác, nếu muốn tránh bị phong tỏa hoàn toàn trở lại, gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế, vốn đã gần như ngưng hoạt động hoàn toàn trong suốt hai tháng.
Thật ra, chỉ nhìn qua các số liệu mới nhất là đủ để thấy tình hình rất đáng báo động: Trong tuần lễ từ 20 đến 26/07, số ca nhiễm mới tại Pháp đã tăng vọt 54% ( tổng cộng 5.592 ca ) và kể từ nay mỗi ngày lại có thêm hơn 1.000 người bị nhiễm Covid-19. Số bệnh nhân nặng phải nằm trong phòng hồi sức cũng đang tăng trở lại, sau khi đã giảm liên tục từ đầu tháng 4. Theo tổng cục Y Tế,  hiện có 388 bệnh nhân
nặng, so với con số hơn 7.000 vào lúc dịch lên đến cao điểm. Cho tới nay, tổng số ca tử vong do virus corona ở Pháp là 30.296 ca.
Trước nguy cơ tình hình dịch Covid-19 trầm trọng hơn, ngày càng có nhiều thành phố của Pháp, như Nice, Lille, Saint-Malo bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời, ngoài việc phải đeo tại những nơi công cộng khép kín. Riêng tại thủ đô Paris, chính quyền thành phố hôm qua, thông báo sắp tới đây sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực có đông người qua lại.

Tây Ban Nha:

Juan Carlos lưu vong, người ủng hộ, kẻ chê cười

Tú Anh
Sau khi cân nhắc lợi hại kỹ lưỡng và với sự đồng thuận của con trai Filipê đệ lục, cựu hoàng Tây Ban Nha 85 tuổi rời hoàng cung sang Cộng Hoà Dominicana lưu vong. Juan Carlos giải thích là để bảo vệ định chế vương triều trong lúc ông bị tư pháp điều tra về nghi vấn có nhiều trương mục ngân hàng và tiền cất giấu tại một số thiên đường thuế.
Phản ứng của giới chính trị ra sao? Từ Madrid, thông tín viên François Musseau:
Sự kiện cựu hoàng Juan Carlos ra đi là một vấn đề chính trị phức tạp. Phản ứng sao đây? Công kích Juan Carlos vì xếp hành trang ra đi và thừa nhận là quan hệ hiện nay của ông với tư pháp không mấy vẻ vang hay là ủng hộ con người này?
Đa số các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha chọn thái độ như sau: Thận trọng đối với cá nhân Juan Carlos, nhưng hết lòng ủng hộ định chế vương triều.
Thủ tướng Pedro Sanchez nói rõ: “Chúng ta không phán xét một định chế nhưng phán xét một con người”.
Quốc vương Filipê Đệ Lục tránh bình luận về phụ vương mà chỉ tập trung nhấn mạnh vào sự vững chắc, tính kiên cố của chế độ quân chủ lập hiến mà quốc vương là biểu tượng.
Tuy Juan Carlos bị nhiều tai tiếng nhưng “chế độ quân chủ Tây Ban Nha không bị đe dọa”. Đó là nhận định của đa số chính trị gia trừ lãnh đạo phe cực tả Podemos, phó thủ tướng Pablo Iglesias.
Nhân vật này cho rằng cựu vương bỏ nước ra đi trong khi lẽ ra phải đối đầu với công lý là một thái độ nhục nhã.
Lời phê phán khác cũng gay gắt không kém là của Quim Torra, chủ tịch vùng Catalunya thuộc phe ly khai, muốn quốc vương Filipê nhanh chóng thoái vị.

Covid 19: Lây nhiễm bùng mạnh tại Ba Lan

Tú Anh
BaLan đối đầu  với một làn sóng lây nhiễm  của đại dịch Covid-19.Trong ngày thứ Ba 04/08/2020, gần 700 ca mới được phát hiện. Từ đầu đại dịch đến nay, 48.000 dân Ba Lan vướng siêu vi corona, trong số này có 1700 nạn nhân qua đời.
Chính quyền Ba Lan phản ứng ra sao?
Từ Vạcxava, thông tín viên Damien Simonart tường thuật:
Một loại ổ dịch khác cũng đang được chú ý: đó là lễ cưới. Cho đến hiện tại, mỗi đám cưới chỉ được phép mời 150 người tham dự. Theo bộ Y Tế, con số hạn chế này sẽ được tiếp tục siết chặt hơn nữa. Mặt khác, ban tổ chức còn phải thông báo trước với chính quyền sở tại ít nhất một tuần về số khách mời và phải chờ cảnh sát đến tận nơi kiểm chứng.
Siêu vi cũng không biệt đãi giới chính trị. Ba thượng nghị sĩ và một dân biểu nằm trong danh sách “dương tính” với Covid-19.
Ngày mai, tổng thống Andrzej Duda tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai tại Quốc Hội trong điều kiện nghiêm ngặt về vệ sinh dịch tễ.
Nếu các biện pháp tăng cường phòng chống không chận được vận tốc lây nhiễm của siêu vi, chính quyền Ba Lan sẽ áp dụng phương án phong tỏa địa phương.
Những người từ nước ngoài đến Ba Lan sẽ bị xét nghiệm bắt buộc và nếu cần, sẽ bị cách ly hai tuần lễ.

100 năm Hiệp định hòa bình Trianon :

Hungary và thảm kịch mất lãnh thổ

Hoàng Nguyễn|Thùy Dương
“Quý vị giờ đây đã đào mồ chôn nước Hung, nhưng Hungary sẽ có mặt tại tang lễ của tất cả các quốc gia mà bây giờ đang đào nấm mồ cho nước Hung”. Câu nói bi thảm và hết sức nổi tiếng nói trên, là của bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Hung, được mệnh danh là “Đại lão trượng vùng Trung Âu”.
Câu nói vang lên vào ngày 4/6/1920 định mệnh, khi Vương quốc Hungary sụp đổ dưới sức ép của các siêu cường. Biến cố xảy ra tròn một thế kỷ trước, tới giờ vẫn là vết thương lòng không phai trong tâm khảm dân Hung.
Hiếm người dân Hung nào không nhớ tới mốc thời gian này, khi tại lâu đài Grand Trianon thuộc quần thể lâu đài Versailles (ngoại ô Paris, Pháp), Vương quốc Hungary buộc phải ký một hiệp định hòa bình (chấm dứt Đệ nhất Thế chiến) với phe Đồng minh, mà các đại diện chính là Anh, Pháp, Nga. “Người Hung là người mang trong lòng nỗi đau Trianon”, câu nói ấy cũng không mấy người Hung không biết.
Chỉ bằng vài nét bút ký, Hungary đánh mất 72% diện tích mà cơ bản, nước này đã có từ ngàn đời, hơn 84% dân số, 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia. Nhưng bi thảm hơn cả là chỉ trong nháy mắt, một phần ba dân số Hungary (chừng 3,2 triệu người) trở thành kẻ bơ vơ trên xứ lạ! Không phải ngẫu nhiên, năm 2020 đã được chính quyền Hung coi là “Năm tưởng niệm Trianon”!
Chuông nguyện hồn cho nước Hung ngàn năm tuổi
Vài phút sau 10h sáng, một tin định mệnh được loan. Những hồi chuông nhà thờ đổ dồn. Thoạt tiên là Pest, sau đó đến mọi vùng khác của đất nước, mẩu tin ấy được lan truyền… Hai tiếng liền, những hồi chuông vang rền, trên khắp lãnh thổ của đất nước.
Budapest chìm trong tang tóc, người dân vận đồ tang đen. Những lá cờ tang rủ khắp nơi nơi. Người dân, từ đàn ông tới đàn bà, trẻ em và người cao niên, ai nấy khóc nức nở. Nhiều người giơ nắm đấm lên trời. Tại một góc của Quảng trường Bát giác (Oktogon), một người lính tàn tật xé tan tấm áo choàng, làm lộ cánh tay cụt tới khuỷu, và gào thét điên cuồng: “Chẳng lẽ vì thế này ư?”.
Trên phố phườg, những người không quen biết lao vào ôm lấy nhau, có người thì an ủi những kẻ đang khóc tức tưởi. Đôi lúc, bầu không khí tang tóc ấy lại được xé tan bởi giọng các cậu bé bán báo: “Số ra đặc biệt đây!”. Các tờ báo đều được viền tang đen, và độc giả đọc to cho nhau nghe những bài xã luận.
Tại Đại lộ Bảo tàng (Múzeum körút), người dân bắt đầu cất lời hát bản “Quốc ca”. Chẳng mấy chốc, các giáo đường chật kín người, các thầy tu tìm cách vấn an những con chiên đang khóc ròng cay đắng. Toàn thể đất nước đóng cửa, chỉ những hồi chuông cứ vang lên, khóc thương cho người quá cố. Trường học cũng không hoạt động, cả thầy và trò đều khóc thương cho người quá cố.
Người quá cố ấy, chính là nước Hung một ngàn năm tuổi!”.
Đoạn hồi tưởng cảm động nói trên về biến cố Trianon xảy ra cách đây tròn 100 năm, là của nhân chứng Padányi Viktor, khi đó mới 14 tuổi và là học sinh trung học. Đó là mảng ký ức trung thực và động lòng nhất, bi thảm và đau đớn nhất về sự kiện tang thương nhất trong lịch sử Vương quốc Hungary, được thành lập giữa lòng Châu Âu từ năm đầu của thế kỷ thứ 11 bởi một sắc dân đến từ Châu Á.
Tấn bi kịch của nước Hung khởi đầu từ khi Đệ nhất Thế chiến bùng bổ, với kẻ khơi ngòi chính là nền “song quốc quân chủ” Áo – Hung, sau vụ ám sát cặp vợ chồng Hoàng thái tử Franz Ferdinand tại Sarajevo. Là một thành viên của đế chế ấy, nên Vương quốc Hungary buộc phải lao vào cuộc chiến tương tàn mà thật ra, nước này không có lợi ích gì, và rốt cục lại chịu quá nhiều tổn thất trong chiến tranh.
Bị cưỡng đoạt mà không được lên tiếng
Thất bại của phe Liên minh Trung tâm mà chủ lực là Đức và Đế chế Áo – Hung vào cuối năm 1918 vạch ra cho Vương quốc Hungary một tương lai rất mờ mịt. Nhưng có lẽ không ai có thể hình dung được rằng, khi các cuộc đàm phán với “phe thắng cuộc” được khởi đầu vào đầu năm 1920, phái đoàn của Hungary – mà trưởng đoàn là bá tước Apponyi Albert (đã được nói ở đầu bài) – đã hoàn toàn bị trói buộc chân tay.
Ngay sau khi tới Pháp, đoàn đàm phán Hungary đã bị “an trí” (gần như giam lỏng) trong vòng gần chục ngày ở ngoại ô Paris và không hề có cơ hội tham dự các cuộc thương thảo. Chỉ tới ngày 16/1/1920, khi tất cả mọi việc đã được an bài bởi các “nước lớn” và đã có trong tay bản Hiệp ước khiến nước Hung lịch sử bị mất 2/3 diện tích, bá tước Apponyi Albert mới có dịp “mở miệng” với bài phát biểu “để đời” của ông.
Nếu quý vị đặt Hungary vào cảnh phải lựa chọn hoặc ký, hoặc khước từ bản Hòa ước này, tức là đã trả lời cho câu hỏi, có nên chăng, quốc gia này hãy tự sát để khỏi phải chết” – vị chính khách đã tuyên bố như thế trước các đại diện của “phe thắng cuộc”. Dầu vậy, “người Hung vĩ đại nhất trong số những người còn sống” khi đó cũng hoàn toàn biết rằng, nước Hungary đã lâm vào cảnh vô vọng không lối ra.
Dầu vậy, trong bài diễn văn hùng biện và xót xa được trình bày bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh và Ý, vị bá tước cũng vẫn cố gắng nhấn mạnh những luận cứ để bảo toàn Vương quốc Hungary một ngàn năm tuổi. Phân tích trên các góc độ dân số, địa lý, lịch sử và luật pháp thông qua các văn kiện và bản đồ, ông muốn chứng tỏ rằng “hình phạt” của các nước thắng cuộc với Hungary là quá oan ức và bất công.
Kéo dài hơn 1 giờ, phát biểu “biện hộ” cho nước Hung của Apponyi Albert sau này được giới sử gia đánh giá như lời từ giã nước Đại Hung. Như có thể chờ đợi, những lời lẽ thống thiết của vị bá tước đã hoàn toàn rơi vào khoảng không trống rỗng tại phòng khánh tiết của bộ Ngoại Giao Pháp. Chính Apponyi Albert cũng lường trước được điều này, và phát biểu của ông thực ra là thông điệp cho hậu thế.
Tất cả thực ra đã được ấn định trước đó 1 ngày tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, nơi diễn ra Hội nghị Hòa bình Paris (trong hai năm 1919-1920), khi phái đoàn Vương quốc Hungary được nhận văn bản “chót” của bản Hiệp ước mà “phe thắng cuộc” đã thông qua. Hiệp ước Trianon đã được soạn thảo với ý đồ thiết lập một trật tự mới cho Châu Âu, mà phe thua cuộc không hề được tham gia, dự phần bàn bạc!
Trianon và sự thống khổ của nước Hung
Vào cái ngày đau thương 4/6/1920, đúng 16h30, tại lâu đài Grand Trianon, Hòa ước Trianon đã được hai đại diện cấp thấp của chính phủ Vương quốc Hung đặt bút ký, bởi không chính khách nào ở cấp cao hơn muốn làm điều đó. Hiếm ai nhớ được tên của Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động Benárd Ágost và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Drasche-Lázár Alfréd, nếu họ không phải buộc làm nhiệm vụ nhục nhã ấy.
Về phần mình, ngay khi chuẩn bị rời Paris về Hungary, bá tước Apponyi Albert đã phác ra ý tưởng đòi lại những phần đất bị mất về sau này: “Quý vị hãy đừng coi là số phận của Hungary đã bị an bài bởi Hiệp ước này. Hãy nghĩ tới thời điểm sẽ diễn ra sau này (…) trong một khoảng thời gian không quá dài, chúng tôi sẽ giành lại cho Hungary địa vị xứng đáng trong đại gia đình các dân tộc”, ông khẳng định.
Quan điểm và phát ngôn của ông, bằng cách đó, đã đặt nền móng và cơ sở cho ý tưởng “xét lại” trong đời sống chính trị, ngoại giao và tinh thần Hung thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, và gây ảnh hưởng lớn đến tâm thức công luận Hungary. Nhà chính khách yêu nước không thể chấp nhận “nỗi đau Trianon”, không nhắm mắt trước cảnh nước Hung lịch sử trôi nổi bên bờ vực thẳm của sự chia cắt.
Nhưng có lẽ, trong đời, Apponyi Albert không thể ngờ rằng, sự lớn mạnh của các đảng phái, phong trào cực hữu theo chủ nghĩa xét lại đó lại sẽ khiến Hungary đại bại. Gần gũi với nước Đức Hitler để chấn hưng kinh tế, sa vào sự ảnh hưởng chính trị dẫn đến bài xích người Do Thái, nhờ sức ép của Đệ tam Đế chế, Hungary được trả lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc thời kỳ 1938-1940.
Tuy nhiên, cái giá phải trả một lần nữa rất thảm khốc: nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, để rồi Hiệp định Hòa bình ký tại Paris ngày 10/2/1947 đã tái lập các đường biên giới cũ và Hungary còn mất thêm một phần đất cho Tiệp Khắc. Cho dù không ít người Hung vẫn tin tưởng rằng, Trianon chỉ có hiệu lực trong 100 năm, nhưng sự mất mát là không thể đổi thay!
Ngày nay, trên đất Hung và những nơi còn đông Hung kiều sinh sống, đâu đâu cũng có thể thấy những tượng đài, ký ức về Trianon, mặc dầu một thế kỷ đã trôi qua. Tòa nhà Nghị viện Hungary bên bờ Danube có treo hai lá cờ: quốc kỳ nước Hung, và lạ thay, cạnh đó, không phải quốc kỳ của Liên Hiệp Châu Âu theo thông lệ, mà là lá cờ của vùng đất lịch sử Székely mà Hungary đã vĩnh viễn đánh mất!

Viễn Đông Nga:

Dân Khabarovsk tiếp tục thách thức Putin

Mai Vân
Bùng lên từ gần một tháng nay, những cuộc biểu tình chống chính quyền trung ương của người dân thành phố Khabarovsk ở miền Viễn Đông Nga vẫn tiếp diễn. Hôm 01/08/2020 vừa qua, đoàn người tuần hành trên đường phố Khabarovsk, dù không đông như những ngày đầu, nhưng cũng vẫn tập hợp được khoảng 20.000 người.
Theo các nhà quan sát, thoạt đầu, những người biểu tình ở Khabarovsk chỉ đòi chính quyền phải trả tự do cho thống đốc vùng của họ, ông Sergei Furgal, đã bị bắt bất ngờ hôm 09/07 và đưa về Maxtcơva giam giữ. Thế nhưng sau đó các cuộc xuống đường đã nhanh chóng biến thành biều tình chống tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều gây ngạc nhiên chính là tính chất bất ngờ và dai dẳng của những cuộc biểu tình phản kháng đó, tại một vùng đất xa xôi của nước Nga
Một phong trào “chưa từng thấy”
Theo đặc phái viên của nhật báo Pháp Le Monde được cử đến tận nơi tìm hiểu tình hình, thì tất cả những người mà nhà báo Pháp đã gặp hầu như chỉ có một nhận xét là: “Chưa từng thấy”.
Giáo sư xã  hội học Ildous Iarouline, đại học Khabarovsk, một người đã theo tình hình ngaay từ lúc các cuộc biểu tình bùng lên, đã cho rằng ông chưa từng thấy sự kiện nào như vậy. Vị giáo sư 65 tuổi đã sống ở đây 40 năm, ghi nhận: “Đám đông xuống đường rất đa dạng, thành phần tham gia lại thay đổi với thời gian, thanh niên và người lớn tuổi là giới tích cực nhất, còn những thành phần khác thì cố tham gia khi có thể, cho dù đôi khi họ còn do dự, không muốn dấn thân sâu hơn dù rất ủng hộ phong trào.”
Đối với giáo sư Iarouline, chính quyền Nga chắc chắn là không thể ngờ được là phong trào phản đối lên tầm mức như vậy, và theo ông, cho dù trong trường hợp bị suy yếu, thì nỗi bất bình đối với chính quyền trung ương vẫn sâu rộng để phong trào tiếp tục được duy trì.
Vụ bắt giữ thống đốc Furgal là chất xúc tác làm dấy lên nỗi bất bình
Về nguyên do dẫn đến các cuộc biểu tình ở vùng Khabarovsk, Le Monde ghi nhận là từ hai năm qua, thành phố 600.000 dân ở vùng biên giới với Trung Quốc này đã càng lúc càng bất bình.
Họ bực tức trước tình trạng thu nhập bị giảm sụt, chính quyền địa phương lại không nói thật, trong lúc chính quyền trung ương càng lúc càng có thái độ chèn ép…
Theo giáo sưIldous Iarouline: “Chính trên phông nền của các khó khăn kinh tế xã hội, mà vụ bắt giữ thống đốc Furgal đã trở thành chất xúc tác làm gia tăng nỗi tức giận và thất vọng”, và đó không chỉ là những phản ứng nhất thời.
Vị giáo sư nói tiếp: “Người biểu tình ở Khabarovsk, rất hãnh diện về cuộc đấu tranh của họ, nổi bật trong thời sự Nga. Đây là một giai đoạn mới trong một phong trào sâu rộng, đó đây bộc phát ở Nga: Biểu tình ở Arkhangelsk, chống nhà máy xử lý rác, ở Ekaterinbourg chống xây một nhà thờ, hay ở Matxcơva chống bầu cử địa phương không đối lập. Phong trào đấu tranh cho thấy một xã hội dân sự mới đang vươn lên, không còn chấp nhận chế độ “gia trưởng” mà điện Kremlin áp đặt”.
Theo phóng viên Le Monde, các khẩu hiệu như “Tự do”, “Hãy cho Furgal về nhà”… được thấy trong cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Khabarovsk, đã cho thấy rõ quyết tâm nói trên.
Thống đốc Furgal được lòng dân hơn cả Putin
Cứ mỗi thứ Bẩy, người dân Khabarovsk lại đi biểu tình, đều đặn như thế từ ngày thống đốc Furgal bị bắt hôm 09/07, với tội danh “sát nhân” trong một sự cố cách đây 15 năm.
Là một bác sĩ trở thành doanh nhân, ông Furgal được bầu vào ghế dân biểu, và đã chấp nhận vào năm 2018 làm “ứng cử viên kỹ thuật” trong cuộc bầu thống đốc, tức là một người ra ứng cử để “làm vì” cho ứng viên được đảng của ông Putin ủng hộ.
Thế nhưng trước sự ngac nhiên của mọi người, ông Furgal được 70% phiếu bầu. Vị thống đốc mới tỏ ra độc lập với điện Kremlin, cải tổ guồng máy địa phương, có những chính sách gần gũi với dân chúng, đi ngang dọc vùng để nghe khó khăn của người dân, đã cho điều tra quan chức tham nhũng tại chỗ, bị tố cáo trục lợi trong việc phân chia nhà mới.
Tại Khabarovsk, vị thống đốc thật sự được lòng dân, hơn rất xa ông Putin. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, thống đốc được chính quyền cử ra tạm thế ông Furgal, Mikhaïl Degtiarev, chưa từng đến Khabarovsk, không dám ra mặt đến gặp người biểu tình, tố cáo họ là bị nước ngoài mua chuộc.
Từ bảo vệ Furgal đến phản đối Putin
Tuy nhiên, những khẩu hiệu mà nhà báo của Le Monde nghe thấy hôm thứ Bảy vừa qua tại Khabarovsk, cách Matxcơva hơn 6000 cây số, không bó hẹp trong trường hợp ông Furgal.
Bất chấp cơn mưa tầm tã, đám đông đã đồng thanh hô to các khẩu hiệu như “Chúng tôi là quyền lực ở đây”, “Đất nước hãy thức tỉnh”, “Nước Nga sẽ tự do”. Mục tiêu mà ho nhắm là tổng thống Putin: “Sa hoàng cút đi”, “Bố, rời đi” hay “Putin, từ chức”.
Theo giới quan sát, ở Matxcơva, những khẩu hiệu này có lẽ không lạ, nhưng ở tỉnh thì quả là nghiêm trọng.
Hai bác sĩ trẻ, Maria và Denis đi biểu tình, trả lời Le Monde, giải thích: “Chúng tôi ở đây để ủng hộ Furgal, nhưng đặc biệt là để phản đối tất cả những bất công của chế độ chính trị. Việc bắt thống đốc là một tia lửa, cho phép người ta ý thức được về các vấn đề của đất nước đã trở nên đập mắt, cơn hỏa hoạn có thể tàn phá dữ dội…”
Người dân vùng Viễn Đông có cảm nhận bị Matxcơva “lãng quên và cướp đoạt”. Hai người biểu tình khác, Tania và Denis, kế toán và kỹ sư điện tử, giải thích: “Thủ đô lấy hết tài sản của chúng tôi, và để đánh đổi, nhả lại cho chúng tôi trợ cấp. Bây giờ thì điện Kremlin lại lấy đi thống đốc của chúng tôi. Chính quyền và truyền thông của họ khẳng định là chúng tôi chỉ có vài trăm người biểu tinh. Chúng tôi đã chán ngấy những lời nói dối, những hành vi thao túng của Matxcơva và con rối của họ ở đây.”
Bài phóng sự kết luận: Một điều chắc chắn đối với đa số người biểu tình là phong trào phản đối chưa từng thấy ở Khabarovsk muốn làm lung lay thái độ quyết đoán của điện Kremlin.

Lebanon: Vụ nổ lớn làm 100 người chết, 4000 bị thương

Tại thủ đô Beirut của Lebanon xảy ra một vụ nổ lớn, gây thiệt hại diện rộng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hơn 4000 người bị thương, bộ trưởng y tế nước này nói.
Video đăng trên mạng cho thấy đã xuất hiện một đám mây hình nấm lớn, và cảnh các tòa nhà bị phá hủy.
Kho chứa 2.750 tấn phân bón tại cảng ở thủ đô Beirut phát nổ ngày 4/8 với sức công phá ngang 240 tấn TNT, làm rung chuyển thành phố. Tin tức cho hay các bệnh viện đông kín những người bị thương vong.
Phóng viên BBC có mặt tại hiện trường tường thuật rằng có nhiều thi thể và mọi thứ bị hư hại nặng, khiến cảng Beirut trở nên không thể hoạt động được.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon Trần Thành Công được TTXVN dẫn lời cho biết một công dân Việt Nam sinh năm 1971, đang làm giúp việc cho một gia đình tại thủ đô Beirut, bị gãy tay do đồ đạc trong nhà đổ và công dân này đang được cấp cứu.
“Hiện nay, số người Việt Nam tại Lebanon là khoảng 50 người, chủ yếu làm giúp việc và nhân viên nhà hàng, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là trong thời gian kinh tế Liban khủng hoảng và dịch bệnh COVID-19 diễn biến xấu,” Đại sứ Trần Thành Công nói thêm.
Vụ nổ kinh hoàng
Bộ trưởng Y tế của Lebanon, ông Hamad Hasan, nói có nhiều người bị thương và quy mô tổn hại là rất lớn.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ là gì nhưng một số tường thuật nói rằng có thể đó là sự cố tai nạn.
Bộ trưởng nội vụ nói các tường thuật ban đầu nhắc tới điều mà ông gọi là các chất nổ được chứa tại cảng đã phát nổ.
Thủ tướng Hassan Diab gọi đây là thảm họa, và nói cần phải truy cứu trách nhiệm đối với những người hữu quan.
Hãng thông tấn quốc gia của Lebanon tường thuật rằng đã có một vụ hỏa hoạn xảy ra tại nơi mà hãng này nói là kho chứa chất nổ tại cảng.
Truyền thông địa phương đưa các cảnh cho thấy mọi người bị kẹt bên dưới đống đổ nát.
Một nhân chứng miêu tả vụ nổ là gây đinh tai.
Các hình ảnh video cho thấy những chiếc xe hơi bị phá hỏng và các tòa nhà bị hư hại do vụ nổ.
Từ đảo Cyprus ở phía đông Địa Trung Hải, cách hiện trường 240km, người ta cũng nghe được âm thanh vụ nổ.
Tổng thống Michel Aoun đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng Tối cao, văn phòng tổng thống nói trên Twitter. Ngày thứ Tư được tuyên bố là ngày để tang.
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter: “Những hình ảnh và video từ Beirut đêm nay đang gây sốc. Tôi dành mọi suy nghĩ và những lời cầu nguyện cho những người bị sự cố khủng khiếp này tác động.”
“Anh Quốc đã sẵn sàng ủng hộ bằng bất kỳ cách nào chúng tôi có thể làm.”
Vụ nổ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi sự sụp đổ của nền kinh tế nước này đang tạo ra những căng thẳng trong xã hội.
Căng thẳng cũng dâng cao trước khi có phán quyết của phiên xử vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri hồi năm 2005.
Vào thứ Sáu tới, tòa án của Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết cho phiên xử bốn nghi phạm vụ sát hại ông Hariri bằng bom xe.
Các tường thuật mới nhất được đưa ra ra giữa lúc đang có căng thẳng chính trị ra tại Lebanon, với việc người dân xuống đường biểu tình phản đối cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở nước này kể từ cuộc nội chiến 1975-1990.
Cũng đã có căng thẳng ở khu vực biên giới với Israel. Tel Aviv hồi tuần trước nói rằng họ đã phá tan nỗ lực của nhóm dân quân Hezbollah của Lebanon trong việc xâm nhập vào lãnh thổ Israel.

Vụ nổ Beirut: Tiếp tục tìm nạn nhân,

một công dân VN bị thương

Các nhân viên cứu hộ tại Lebanon đang tìm kiếm hơn 100 người mất tích sau vụ nổ khủng khiếp tàn phá khu vực cảng của thủ đô Beirut hôm thứ Ba.
Vụ nổ đã giết chết ít nhất 100 người và làm bị thương hơn 4.000 người khác.
Vụ nổ khiến toàn thành phố rung chuyển, và người ta nhìn thấy một đám mây hình nấm bùng lên phía trên khu cảng.
Tổng thống Michel Aoun nói rằng vụ nổ gây ra bởi 2.750 tấn hóa chất ammonium nitrate được lưu giữ không an toàn tại một nhà kho.
Ammonium nitrate là loại hóa chất được dùng làm phân bón trong nông nghiệp, và để làm chất nổ.
Ông triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp vào hôm thứ Tư, và nói tình trạng khẩn cấp quốc gia trong hai tuần sẽ được ban bố.
Lebanon chính thức để tang trong ba ngày, bắt đầu từ hôm thứ Tư.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vụ nổ xảy ra vào khoảng sau 18:00 giờ địa phương (15:00 GMT) hôm thứ Ba, sau khi có một đám hỏa hoạn tại khu cảng.
Nhân chứng Hadi Nasrallah nói anh nhìn thấy đám cháy nhưng không nghĩ là sẽ xảy ra vụ nổ.
“Tôi ù tai mất vài giây. Tôi biết rằng có chuyện không ổn xảy ra. Rồi bất thình lình kính vỡ rào rào xung quanh, kính từ chiếc xe hơi, những chiếc xe xung quanh chỗ chúng tôi, kính từ các cửa hàng, cửa hiệu, các tòa nhà. Kính vỡ rớt xuống khắp nơi,” anh nói với BBC.
Phóng viên Ban BBC tiếng Ả-rập Maryem Taoumi đang phỏng vấn qua video từ Beirut với một người của Cơ quan Năng lượng Bền vững Morocco vào thời điểm xảy ra vụ nổ.
Đoạn video tiếp theo cho thấy cô Taoumi, nay đã an toàn, bị hất tung do sức công phá của vụ nổ (xem trong tin tweet dưới đây).
Từ đảo Cyprus ở phía đông Địa Trung Hải, cách hiện trường 240km, người ta cũng cảm nhận được vụ nổ. Mọi người nói họ cảm giác như một trận động đất.
Truyền thông địa phương chiếu cảnh mọi người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát, và các hình ảnh video cho thấy những chiếc xe hơi bị phá hỏng, các tòa nhà hư hại nghiêm trọng do vụ nổ.
Con số thương vong cao
Tin tức nói các bệnh viện đông cứng người bị thương.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon Trần Thành Công được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời, cho biết một công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ.
Người này sinh năm 1971, đang làm giúp việc cho một gia đình tại thủ đô Beirut, và bị gãy tay do đồ đạc trong nhà đổ. Hiện công dân này đang được cấp cứu.
“Hiện nay, số người Việt Nam tại Lebanon là khoảng 50 người, chủ yếu làm giúp việc và nhân viên nhà hàng, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là trong thời gian kinh tế Lebanon khủng hoảng và dịch bệnh COVID-19 diễn biến xấu,” Đại sứ Trần Thành Công nói thêm.
Người đứng đầu hội Hồng Thập Tự Lebanon miêu tả đây là một ‘thảm họa khủng khiếp’.
Tổ chức của ông nói có hơn 100 người đã thiệt mạng và công tác tìm kiếm cứu hộ đối với hơn 100 người còn đang mất tích vẫn đang diễn ra.
Phóng viên BBC Rami Ruhayem nói sau vụ nổ, cảnh tượng xảy ra rất hỗn loạn khi các xe cứu thương hú còi chạy qua làn giao thông đông đúc để tới hiện trường.
Phóng viên Sunniva Rose cho biết khói vẫn bốc lên trên bầu trời cho đến tận đêm muộn.
“Toàn thành phố bao phủ màu đen, rất khó để đi lại. Mọi người dính đầy máu. Tôi nhìn thấy một phụ nữ 86 tuổi được bác sĩ chữa trị, và ông ấy chạy ra khỏi nhà mang theo bộ đồ cứu thương.”
Điều gì gây ra vụ nổ?
Giới chức nói một cuộc điều tra đang được thực hiện nhằm tìm hiểu xem điều gì đã khiến chất ammonium nitrate – lưu giữ tại một nhà kho sau khi được bốc dỡ ra từ một con tàu bị tịch thu tại cảng từ năm 2013 – phát nổ.
Cựu nhân viên tình báo Anh Philip Ingram nói trong chương trình Today của BBC rằng ammonium nitrate chỉ có thể trở thành chất nổ trong một số điều kiện nhất định.
Ông Ingram nói rằng nếu được cất giữ cẩn thận thì hóa chất này tương đối an toàn, nhưng nếu để ở nơi kín và khi nhiễm một số chất khác như xăng dầu thì nó có thể phát nổ.
Hội Đồng Quốc Phòng Tối cao Lebanon nói rằng những người chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vụ nổ sẽ phải đối diện với những trừng phạt tối đa.
Thời điểm nhạy cảm
Vụ nổ xảy ra vào thời điểm nhạy cảm ở Lebanon.
Với tình hình lây nhiễm Covid-19 gia tăng, các bệnh viện đã rất vất vả đối phó, và nay họ phải lo điều trị cho thêm hàng ngàn người bị thương.
Nước này cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế.
Lebanon phải nhập khẩu hầu hết các loại thực phẩm, và lượng lớn ngũ cốc được cất tại cảng đã bị tiêu hủy, gây lo sợ là sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực rộng khắp trong những ngày tới.
Tương lai của bản thân khu cảng cũng đang là vấn đề. Nơi này đã bị hủy hoại nặng nề, nhiều tòa nhà, ngôi nhà trở nên không thể sử dụng được. Nhiều người dân trở thành vô gia cư.
Tổng thống Aoun tuyên bố chính phủ sẽ có gói cứu trợ khẩn cấp 100 tỷ lira (66 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, tác động của vụ nổ đối với nền kinh tế được cho là sẽ kéo dài.
Vụ nổ xảy ra ở gần nơi là hiện trường vụ đánh bom xe khủng khiếp hồi 2005 khiến cựu Thủ tướng Rafig Hariri thiệt mạng.
Phán quyết phiên xử của tòa án đặc biệt Liên Hiệp Quốc, đang diễn ra tại Hà Lan, xử bốn nghi phạm bị cho là đã tổ chức vụ tấn công ông Hariri, được trông đợi sẽ sớm được tuyên.
Người biểu tình giận dữ xuống đường. Trong hình là một cuộc biểu tình hồi 10/2019
Ngay trước khi có vụ nổ, căng thẳng đã dâng cao tại Lebanon. Người dân đã xuống đường biểu tình phản đối cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến 1975-1990.
Cũng đã có căng thẳng ở khu vực biên giới với Israel. Tel Aviv hồi tuần trước nói rằng họ đã phá tan nỗ lực của nhóm dân quân Hezbollah của Lebanon trong việc xâm nhập vào lãnh thổ Israel.
Tuy nhiên một quan chức cao cấp của Israel nói với BBC rằng nước này không liên quan gì tới vụ nổ ở Beirut.

Hai vụ nổ lớn rung chuyển thủ đô Lebanon,

ít nhất 100 người chết, 4.000 người bị thương

Quý Khải
Hai vụ nổ lớn đã tàn phá thủ đô Beirut của Lebanon đêm hôm qua, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Vụ nổ đã làm rung chuyển các tòa nhà cách xa hàng dặm, gieo rắc sự hoảng loạn tại quốc gia Trung Đông này.
Theo hãng tin AFP, vụ nổ thứ hai đã giải phóng một quả cầu lửa màu cam khổng lồ lên bầu trời, theo ngay sau đó là một làn sóng xung kích giống cơn lốc xoáy san phẳng bến cảng và xé toạc thành phố, phá vỡ các tấm cửa kính tòa nhà cách đó hàng dặm.
Hãng tin Pháp dẫn lời thủ tướng Lebanon ông Hassan Diab cho biết, thủ phạm là 2.750 tấn Amoni nitrat – một loại phân bón nông nghiệp được lưu trữ nhiều năm tại một nhà kho gần bến cảng đã phát nổ, gây thảm họa chưa từng có.
Theo giới chức y tế Lebanon, cho đến nay có ít nhất 100 người chết và 4.000 người bị thương.
Hai vụ nổ với cường độ cực mạnh đã làm rung chuyển toàn bộ thành phố, tiếng nổ có thể nghe thấy trên khắp Lebanon, vang xa đến tận đảo Síp ở bờ đông biển Địa Trung Hải, cách đó 240 km.
Trao đổi với AFP, một quân nhân tại hiện trường nói:
“Đây là một thảm họa nội bộ. Xác chết la liệt trên mặt đất. Xe cứu thương vẫn đang thu nhặt thi thể các nạn nhân”.
“Nó chẳng khác nào một vụ nổ bom nguyên tử”, Makrouhie Yerganian, một giáo viên đã nghỉ hưu trong độ tuổi 70 sống gần bến cảnh chia sẻ.
“Tôi đã trải qua rất nhiều thứ trên đời, nhưng chưa từng bắt gặp điều gì như vậy”, ngay cả trong cuộc nội chiến trước đây, bà nói.
“Tất cả tòa nhà quanh đây đều sụp đổ”, bà nói thêm.
Theo hãng tin Reuters, vụ nổ xảy ra 3 ngày trước khi phiên tòa do Liên Hợp quốc hậu thuẫn ra phán quyết xét xử vắng mặt 4 nghi phạm thuộc nhóm Hồi giáo Hezbollah trong vụ đánh bom năm 2005, khiến cựu Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri và 21 người khác thiệt mạng.
Ông Hariri đã bị sát hại khi một quả bom xe tải khổng lồ phát nổ cách hiện trường bến cảng chỉ khoảng 2 km.
(Ảnh: Reuters)

Mưa lớn ở Nam Hàn khiến hơn 1,000 người

phải di dời, 13 người thiệt mạng

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ ba (4/8), các nhà chức trách cho biết những ngày mưa lớn gây ra lũ lụt ở Nam Hàn, buộc hơn 1,000 người phải rời khỏi nhà của họ, giết chết ít nhất 13 người với 13 người khác mất tích.
Nhiều vụ tử vong được báo cáo từ các trận lở đất và nhiều xe cộ bị cuốn trôi bởi lượng nước mà các viên chức thảm họa cho biết làm ngập hơn 5,751 ha (14,211 mẫu Anh) đất nông nghiệp và nhấn chìm nhiều phần đường cao tốc và cầu chính ở thủ đô Seoul.
Tổng thống Moon Jae-in chuẩn bị tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào hôm thứ ba (4/8), sau khi ông kêu gọi các nhà chức trách quốc gia và khu vực “thực hiện các nỗ lực toàn diện để ngăn chặn thiệt hại thêm nhân mạng” vào ngày hôm trước. Hãng tin Yonhap cho biết đến hôm thứ ba, các đội sửa chữa cũng đưa hầu hết các cầu đường bị ngập dọc sông Hán ở trung tâm Seoul trở lại hoạt động.
Ở nước láng giềng Bắc Hàn, truyền thông nhà nước khuyến cáo về tình trạng lũ lụt có thể xảy ra, đồng thời tuyên bố rằng một số khu vực cũng đang có mưa lớn.
Hãng tin Yonhap trích dẫn các nguồn tin chính phủ ẩn danh của Nam Hàn, và cho biết Bắc Hàn mở cửa xả lũ của một con đập biên giới vào hôm thứ Hai mà không thông báo trước cho nước láng giềng. (BBT)

Truyền thông Đài Loan tóm tắt mô hình

chống dịch toàn cầu:

 ’Phong thành’ khiến tình hình thảm hại hơn

Bình luậnĐông Phương
Thời kỳ đầu khi dịch viêm phổi Vũ Hán mới bùng phát, đa phần mọi người đều tin rằng cách ly là phương thức hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng luôn cổ xuý các nước làm theo hình thức “phong thành” cực đoan của họ. Nhưng nửa năm sau, nhận thức của mọi người đã dần thay đổi. Truyền thông Đài Loan đã phân tích các mô hình phòng chống dịch bệnh điển hình được ba nước áp dụng, và cho rằng “cưỡng chế phong thành” sẽ phải trả bằng cái giá nặng nề hơn là “không phong thành”.
Vào ngày 2/8, một bài bình luận đăng trên tờ UP Media của Đài Loan đã chọn ra ba ví dụ điển hình từ các mô hình phòng chống dịch bệnh được các quốc gia áp dụng để phân tích, gồm Trung Quốc, Thụy Điển và Hoa Kỳ.
Bài báo nói rằng ĐCSTQ đã áp dụng một “mô hình đình trệ kinh tế” điển hình là “phong hộ, phong thành, phong sản nghiệp” (tức là nhốt người dân trong nhà, phong tỏa thành phố và đóng cửa các ngành công nghiệp sản xuất). Chính quyền đã phong tỏa từ các hộ gia đình, tòa nhà, khu dân cư, cho đến cả thành phố, tạm ngưng các hoạt động giao thông, thậm chí đóng đinh cửa nhà dân và hàn chết kín cổng ra vào của tòa nhà;
ĐCSTQ tuyên bố đây là “phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn virus” và khoe khoang rằng nó “làm gương cho thế giới để chống lại dịch bệnh”. Tuy nhiên, vào ngày 11/6, chỉ ba ngày sau khi chính quyền công bố Sách trắng tuyên truyền việc “chống dịch đại thắng”, dịch bệnh lại bùng phát tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Điều này chứng tỏ rằng từ cuối tháng 1 đến tháng 3, việc toàn quốc ‘phong thành’ trong 2 tháng không hề đạt được mục đích.
Bài báo nói rằng, việc ĐCSTQ ‘phong thành’ không những không loại bỏ được virus, mà còn đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, cái giá phải trả về mạng người cũng không kém cạnh gì. Sau khi thành phố bị đóng cửa, không có xe cộ lưu thông, bệnh nhân đi bộ đến bệnh viện nhưng không được chữa trị y tế, không còn sức để trở về nhà, trong sự bất lực mà nhảy cầu tự vẫn;
Vì không thể đến bệnh viện, bệnh nhân tưởng rằng chữa bệnh vô vọng nên đã nhảy lầu tự sát; người già không mua được thực phẩm, hai vợ chồng cùng nhau nhảy lầu tự tử; có đứa trẻ tự kỷ vì không có người chăm sóc cho nên bị chết đói, v.v. Ngoài ra còn có bi kịch có thôn làng sau khi bị phong toả, người làng có việc nhất thiết phải ra ngoài nên đã giết người canh gác. Còn chưa kể đến những người bị mắc bệnh tâm lý do việc phong thành gây ra.
Ngoài ra, việc đóng cửa các thành phố và ngành công nghiệp sản xuất cũng dẫn đến một làn sóng thất nghiệp và lượng người thất nghiệp cực kỳ lớn, mà thất nghiệp số lượng lớn là một nhân tố chính dẫn đến bất ổn xã hội.
Bài báo nói rằng, dữ liệu chính thức của ĐCSTQ cho thấy, hiện nay số người lây nhiễm ở Trung Quốc tăng “cực kỳ chậm”, nhưng không có quốc gia nào sẵn sàng áp dụng mô hình phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ vì hai lý do: Một là có khả năng không tin vào con số mà ĐCSTQ công bố, hai là căn bản không tiếp nhận cách làm của ĐCSTQ.
Bài báo tiếp tục phân tích rằng mô hình được chính phủ Thụy Điển áp dụng hoàn toàn trái ngược với mô hình của ĐCSTQ, về cơ bản họ vẫn duy trì cuộc sống bình thường trong thời gian dịch bệnh. Mặc dù có cấm các cuộc tụ họp trên 50 người và các công ty được yêu cầu sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà, nhưng Thụy Điển không ban hành lệnh bắt buộc ở nhà, các cửa hàng, nhà hàng, sân vận động và trường học vẫn mở cửa bình thường.
Trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ tử vong trên đầu người của Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước láng giềng và gần một nửa số ca tử vong xảy ra tại các viện dưỡng lão. Mặc dù vậy, chính phủ Thụy Điển vẫn kiên trì theo mô hình chống dịch này. Chính phủ cho rằng mô hình này là bền vững, có thể giải phóng xã hội khỏi nỗi sợ dài hạn, sẽ bảo vệ tính mạng và nền kinh tế trong dài hạn. Bởi vì nền kinh tế trong dịch bệnh cũng là một yếu tố chính liên quan trực tiếp đến nguồn thu nhập và cảm xúc của con người khi chống lại dịch bệnh. Người dân Thụy Điển hài lòng với sự tự do đi lại và trạng thái tâm lý hiện tại của họ, và họ luôn ủng hộ cách làm của chính phủ.
Bài báo cho rằng nỗi sợ hãi còn đáng sợ hơn cả virus, nếu như mỗi lần mở cửa trở lại đều có thể dẫn đến một trận bùng phát dịch bệnh, vậy thì ngay từ đầu đừng nên phong tỏa toàn diện. Tuy nhiên, rất ít quốc gia có được sự can đảm và sự sáng suốt như chính phủ Thụy Điển. Ví dụ, nếu Tổng thống Trump áp dụng mô hình Thụy Điển, truyền thông cánh tả và Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ mắng chửi ông là “đao phủ”. Một bộ phận người Mỹ đã bị truyền thông cánh tả tẩy não nhiều lần nên không có tầm nhìn xa và sự bình tĩnh như người Thụy Điển.
Bài báo nói rằng mô hình phòng chống dịch bệnh của Hoa Kỳ là sự kết hợp của ĐCSTQ và Thụy Điển. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, ông Trump đã lắng nghe ý kiến ​​chuyên gia và áp dụng chính sách “giãn cách xã hội” để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Kết quả cũng bao gồm thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Vào cuối tháng 4, Tổng thống Trump yêu cầu mở cửa trở lại đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa nhiều tiểu bang đã hoãn lại nhiều lần vì số lượng xét nghiệm dương tính tăng mạnh và nỗi sợ hãi của mọi người tăng lên. Điều này cũng cho thấy “giãn cách xã hội” không chặn được virus. Mỗi lần mở cửa trở lại, virus sẽ lại xuất hiện.
Bài báo cho rằng việc cách ly ở nhà sẽ gây ra tác động tiêu cực về tâm lý vô cùng to lớn, thêm vào đó là hàng chục triệu người thất nghiệp, mọi người không thể tìm ra lối thoát và trở nên bất mãn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cái chết của George Floyd gây ra sự hỗn loạn lớn.
Bài báo đề cập rằng tại bang New York, nơi ban đầu luôn trì hoãn việc “giãn cách xã hội”, đã có một lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa trở lại thì tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở đây lại luôn dưới 1%. Còn những tiểu bang thi hành lệnh ở nhà đầu tiên như
California, v.v. thì số người nhiễm bệnh tăng mạnh sau khi mở cửa. Bởi vì virus không thể bị chặn, nó nhất định sẽ càn quét và gột rửa một lượt khu vực sinh sống của con người. New York đã được giội rửa qua nên hiện giờ số người nhiễm bệnh không tăng nhiều nữa. California đã đóng cửa ngay từ rất sớm nên khi mở cửa trở lại, virus cũng sẽ lại lây lan một lần nữa.
Bài báo cũng đề cập đến Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919. Vào mùa thu và đông năm 1918, thành phố Philadelphia ở Mỹ không đóng cửa và có rất nhiều người chết. Thành phố San Francisco đóng cửa rất sớm nên khi đó lượng thương vong rất ít. Nhưng khi đợt dịch thứ hai xảy ra vào mùa xuân năm sau, tình hình kinh tế của San Francisco không thể tiếp tục đóng cửa được nữa, không có thu nhập kinh tế trong một thời gian dài và mọi người sẽ chết đói, vì vậy họ đành phải mở lại. Kết quả là tổng số người chết ở San Francisco cao hơn ở Philadelphia. Bởi vì làn sóng thứ hai của virus mạnh hơn làn sóng thứ nhất. Các cộng đồng đóng cửa ngược lại sẽ phải trả giá bằng thiệt hại về người và kinh tế nặng nề hơn những cộng đồng không đóng cửa.
Đông Phương
Theo NTDTV

Tư tưởng và tham vọng toàn cầu

của Đảng Cộng sản TQ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã thay đổi cách nhìn và chiến lược của Mỹ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. BD.net xin trích đoạn bài phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc Gia Mỹ Robert O’Brien tại bang Arizona, Hoa Kỳ ngày 24/6/2020 về vấn đề Trung Quốc.
Mỹ đã nhận ra sự tráo trở của Trung Quốc
Nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và mối đe dọa mà nó đặt ra cho chính lối sống của chúng ta. Trong nhiều thập niên, cả hai chính đảng của Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và truyền thông, đều đã nghĩ rằng thời điểm Trung Quốc sẽ trở nên tự do hơn – trước tiên là về mặt kinh tế, sau đó là về mặt chính trị – sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lập luận đó đã cho rằng, chúng ta càng mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc, vào, chúng ta càng đầu tư nhiều vốn vào Trung Quốc, càng đào tạo nhiều các quan chức ĐCSTQ, đào tạo các nhà khoa học, kỹ sư và thậm chí cả sĩ quan quân đội, thì Trung Quốc sẽ càng trở nên giống chúng ta.
Chính bởi tiền đề này, mà chúng ta đã chào đón Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 với những nhượng bộ và đặc quyền thương mại rộng lớn. Chúng ta đã coi nhẹ việc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền thô bạo, bao gồm cả vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Chúng ta đã nhắm mắt làm ngơ trước hành vi trộm cắp công nghệ phổ biến của Trung Quốc, xâm nhập vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.
Khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn và mạnh hơn, chúng ta đã tin rằng ĐCSTQ sẽ tự do hóa để đáp ứng nguyện vọng dân chủ ngày càng mạnh mẽ của người dân. Đây là một ý tưởng táo bạo, đậm chất Mỹ, được sinh ra từ sự lạc quan bẩm sinh của chúng ta và bằng kinh nghiệm chiến thắng của chúng ta đối với chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô.
Chúng ta không thể sai lầm hơn nữa, và tính toán sai lầm này là thất bại lớn nhất của chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ những năm 1930. Làm sao mà chúng ta đã phạm phải một sai lầm như vậy? Làm sao mà chúng ta đã không thể hiểu bản chất của ĐCSTQ?
Câu trả lời rất đơn giản: bởi vì chúng ta đã không lưu tâm đến hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Thay vì nghe những gì các nhà lãnh đạo TQ đang nói và đọc những gì họ viết trong các tài liệu chính của họ, chúng ta đã bịt tai và nhắm mắt.
“Trong nghệ thuật cổ điển của Trung Quốc, có hai công cụ để giành và duy trì quyền lực kiểm soát: thứ nhất là Vũ (vũ khí và bạo lực), và thứ hai là Văn (ngôn ngữ và văn hóa). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng quyền lực bắt nguồn từ việc kiểm soát cả Văn và Vũ. Nhà báo và cựu quan chức chính phủ Úc John Garnaut viết, đối với Lê-nin, Stalin, Mao và Tập, “từ ngữ không phải là phương tiện để lý giải và thuyết phục. Chúng là những viên đạn. Từ ngữ là dùng để định nghĩa, cô lập và tiêu diệt đối thủ”.
Tuyên truyền đóng vai trò chính trị trung tâm đối với ĐCSTQ. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị tư tưởng chính trị được tuyên bố công khai và quán triệt mạnh mẽ. Năm 1989, ĐCSTQ bắt đầu tự tổ chức xung quanh cái gọi là “an ninh ý thức hệ”, một thuật ngữ mà từ đó được lặp lại thường xuyên bởi các nhà lãnh đạo đảng. Gần đây hơn, vào tháng 4/2013, đảng đã ban hành một chính sách về cái mà nó
gọi là “hiện trạng tư tưởng”. Nó cho rằng, “hoàn toàn không nên có cơ hội hay giải pháp cho việc suy nghĩ hoặc lan truyền các quan điểm sai trái”.
Vì vậy, trong nội bộ Trung Quốc, cách tiếp cận này có nghĩa là tổ chức các buổi học bắt buộc về tư tưởng chính trị, và yêu cầu phải tải xuống và sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh dạy cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Nó có nghĩa là kiểm soát hoàn toàn tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước. Các nguồn thông tin bên ngoài bị cấm – từ các tờ báo nước ngoài đến Twitter, Facebook và WhatsApp. Tất cả nội dung được tạo ra trong lòng Trung Quốc đều bị kiểm duyệt. Nó có nghĩa là bỏ tù tất cả mọi người, từ các blogger công dân, phóng viên và luật sư đến các nhà hoạt động và tín đồ tôn giáo vì đã bày tỏ bất kỳ quan điểm nào trái ngược với đường lối của ĐCSTQ.
Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la vào các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài
Gần đây, từ ngày 1/1 đến ngày 4/4 năm 2020, gần 500 cá nhân đã bị buộc tội chỉ vì nói sự thật về virus corona Vũ Hán, vì ảnh hưởng của nó đối với chính quyền và sự che đậy của ĐCSTQ với căn bệnh này.
ĐCSTQ diễn giải lại các giáo lý tôn giáo, bao gồm cả Kinh thánh, để phù hợp với hệ tư tưởng của nó. Nó giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác trong các trại cải tạo, nơi họ phải chịu đựng sự truyền giáo chính trị và lao động cưỡng bức, trong khi con cái của họ được nuôi dưỡng trong các trại trẻ mồ côi do ĐCSTQ điều hành. Quá trình này tiêu diệt gia đình, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và di sản của những người bị cuốn vào những trại này. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, thông tin được kiểm soát chặt chẽ, và việc biểu đạt luôn bị giám sát để nó có thể bị phá hủy hoặc định hình bởi nhà nước.
Trong thập niên qua, ĐCSTQ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài để đạt hiệu quả cao. ĐCSTQ đã loại bỏ dần các phương tiện truyền thông tiếng Trung không thân thiện trên toàn thế giới. Gần như tất cả các hãng tin tiếng Trung ở Hoa Kỳ đều thuộc sở hữu của, hoặc có hợp tác chặt chẽ với ĐCSTQ, và nó cũng đang xâm nhập vào phương tiện truyền thông tiếng Anh. Có hơn một chục đài phát thanh ở các thành phố trên khắp đất nước nơi người Mỹ nghe tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh một cách xảo trá trên đài FM của họ.
Gần đây, tuyên truyền của Trung Quốc đã thuyết phục rất nhiều người Mỹ rằng một người lính Mỹ đã mang virus corona đến Vũ Hán – trái ngược với thực tế Vũ Hán gửi virus đến phần còn lại của thế giới, rằng người lính này và gia đình cô cần được bảo mật danh tính cá nhân để bảo vệ họ khỏi các lời đe dọa. Tình huống này xảy ra ở Maryland.
Trên TikTok, một nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc với hơn 40 triệu người dùng Mỹ – có lẽ có rất nhiều các tài khoản của trẻ em và đồng nghiệp trẻ của bạn – chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ thường xuyên bị xóa.
Tuần trước, Twitter đã tuyên bố đình chỉ hơn 23.000 tài khoản liên kết của ĐCSTQ để tuyên truyền về Hồng Kông và COVID-19. Việc đình chỉ mới nhất này cùng với việc loại bỏ hơn 150.000 tài khoản liên kết với Trung Cộng vào tháng 8 năm ngoái được sử dụng để truyền bá thông tin chống Mỹ và tạo ra ảo tưởng về sự ủng hộ rộng rãi tại Hoa Kỳ đối với các chính sách của Bắc Kinh. Đây chỉ là những tài khoản Twitter đã được phát lộ. Có bao nhiêu tài khoản vẫn còn ngoài đó không bị phát hiện?
Vào tháng 3, ĐCSTQ đã trục xuất các nhà báo Mỹ làm việc cho tờ Thời báo New York, Tạp chí Phố Wall và Washington Post, gần như loại bỏ hoàn toàn báo chí độc lập từ bên trong Trung Quốc về virus Vũ Hán.
Ngoài việc gây ảnh hưởng đến những thông tin mà công dân Mỹ nhận được về Trung Quốc, ĐCSTQ đang ngày càng sử dụng đòn bẩy của mình để “giữ trật tự” các phát ngôn ở Mỹ. Khi Đại học California tại San Diego tổ chức một buổi thuyết giảng của Đại Đức Lạt Ma vào năm 2017, Bắc Kinh đã cấm sinh viên Trung Quốc đến thăm Đại học California tại San Diego bằng tiền của chính phủ.
ĐCSTQ đang tìm cách đe dọa đối với cả các cá nhân người Mỹ. Đảng đang thu thập dữ liệu mật thiết nhất của bạn – Từ ngữ, hành động, thói quen mua hàng, nơi ở, hồ sơ sức khỏe, bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, văn bản của bạn và lập bản đồ mạng lưới bạn bè, gia đình và người quen của bạn.
ĐCSTQ thực hiện mục tiêu này, một phần, bằng cách trợ cấp cho các công ty phần cứng, phần mềm, viễn thông và thậm chí là di truyền học. Kết quả là, các tập đoàn như Huawei và ZTE đã phá giá để cạnh tranh với các đối thủ, để lắp đặt thiết bị của họ trên toàn cầu. Điều này có tác dụng phụ là loại bỏ các nhà sản xuất phần cứng viễn thông của Mỹ và đã gây khó khăn cho Nokia và Ericsson. Tại sao họ làm điều đó? Bởi vì nó không phải là phần cứng hay phần mềm viễn thông mà ĐCSTQ thu được sau đó, mà đó là dữ liệu của bạn. Họ sử dụng các “cửa sau” được tích hợp vào các sản phẩm để thu được dữ liệu đó.
Khi ĐCSTQ không thể mua dữ liệu của bạn, nó sẽ đánh cắp nó. Năm 2014, Trung Cộng đã hack hãng bảo hiểm Anthem, thu thập thông tin nhạy cảm về 80 triệu người Mỹ. Vào năm 2015, Trung Cộng đã hack Văn phòng Quản lý Nhân sự, nơi lưu giữ thông tin giải phóng mặt bằng bảo mật, có được dữ liệu nhạy cảm của 20 triệu người Mỹ làm việc cho chính phủ liên bang. Năm 2017, nó đã hack Equifax, lấy được tên, ngày sinh, số an sinh xã hội và điểm tín dụng của 145 triệu người Mỹ.
Năm 2019, ĐCSTQ đã tấn công Marriot, thu thập thông tin về 383 triệu khách, bao gồm cả số hộ chiếu của họ. Và vào năm 2016, một công ty Trung Quốc thậm chí đã mua ứng dụng hẹn hò Grindr để thu thập dữ liệu, bao gồm cả tình trạng HIV của người dùng, trước khi chính phủ Hoa Kỳ buộc công ty Trung Quốc này phải thoái vốn vì lý do an ninh quốc gia. Đây chỉ là một vài trong số các trường hợp chúng ta biết.
Dùng thương mại để ép buộc các quốc gia
Ngoài các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng, ĐCSTQ còn sử dụng thương mại để ép buộc các quốc gia tuân thủ mệnh lệnh của mình. Khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, ĐCSTQ đã đe dọa sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Úc, và ngăn chặn sinh viên và khách du lịch Trung Quốc đến Úc. Khi Úc từ chối thỏa hiệp, Bắc Kinh hiện thực hóa những mối đe dọa này, áp thuế 80% đối với hàng xuất khẩu lúa mạch của Úc.
Các tổ chức quốc tế cũng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm kiếm vị trí lãnh đạo trong nhiều cơ quan toàn cầu. Trung Quốc hiện đứng đầu bốn trong số mười lăm cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, nhiều hơn cả các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nga gộp lại. Trung Quốc sử dụng các nhà lãnh đạo này để buộc các cơ quan quốc tế lặp lại các lập trường của Bắc Kinh, và lắp đặt thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong các cơ sở của họ.
Ví dụ, kể từ khi Triệu Hậu Lân của Liên minh Viễn thông Quốc tế nhậm chức tổng giám đốc, bà ta bắt đầu tích cực thúc đẩy doanh số của Huawei. Tổng thư ký Liễu Phương của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã ngăn chặn Đài Loan tham gia các cuộc họp của Đại hội đồng, và che đậy một vụ hack của Trung Quốc vào tổ chức này. ĐCSTQ đã sử dụng tư cách thành viên của Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền LHQ để ngăn chặn những chỉ trích về sự lạm dụng nhân quyền của họ ở Tân Cương và Hồng Kông.
Sự tiếp cận của ĐCSTQ mở rộng đến những người đứng đầu các tổ chức quốc tế không phải là quan chức Trung Quốc. Dưới ngón tay cái của Bắc Kinh, và với một tổn thất không thể chấp nhận được đối với mạng sống của con người, Tổng giám đốc Tedros của Tổ chức Y tế Thế giới đã sử dụng rất nhiều tuyên bố của Trung Quốc về virus Vũ Hán. Đến cuối tháng 1, ông ta tuyên bố virus này không lây truyền từ người sang người. Ông ta phản đối hạn chế du lịch quốc tế. Đồng thời, Tedros ca ngợi việc chính quyền Trung Quốc hạn chế đi lại trong nước đối với cư dân Vũ Hán. Nói cách khác, họ có thể đi du lịch nước ngoài, nhưng họ không thể đi du lịch trong nước và mang virus đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Những chiến thuật của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế, như chúng ta đã thấy với virus corona, là một nguyên nhân chính gây lo ngại không chỉ cho Hoa Kỳ, mà cả thế giới.
Tin tốt là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng ta biết ĐCSTQ đang làm gì, chúng ta đang gọi đích danh nó ra, và chúng ta đang có hành động quyết định để chống lại nó.
Đầu tiên, Tổng thống Trump đã ngăn ngừa rủi ro một số công ty nhất định mà tuân theo bộ máy tình báo và an ninh của Trung Cộng – như người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei – truy cập dữ liệu cá nhân và riêng tư của chúng ta. Chính quyền cũng áp đặt các hạn chế đối với công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ đối với Huawei.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao đã chỉ định các hoạt động tại Hoa Kỳ của 9 cơ quan tuyên truyền do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là các cơ quan ngoại giao. Các tổ chức này là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Chỉ định này đặt ra các yêu cầu báo cáo và hạn chế thị thực đối với các thực thể được gọi là “phương tiện truyền thông” này.
Thứ ba, Tổng thống Trump đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 21 thực thể chính phủ Trung Quốc và 16 công ty Trung Quốc đồng lõa trong chiến dịch đàn áp của Trung Quốc, gồm giam giữ hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, và chúng tôi đã chặn các quan chức đồng lõa trong các vụ lạm dụng này du lịch đến Hoa Kỳ. Chính quyền cũng đã ngừng nhập khẩu hàng hóa bất hợp pháp được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc được biết là sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Thứ tư, Tổng thống Trump rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để phản đối việc tổ chức này bị lũng đoạn bởi Trung Quốc. Ông đã chấm dứt mối quan hệ của Hoa Kỳ với Tổ chức Y tế Thế giới, bởi vì phản ứng của WHO đối với đại dịch cho thấy rằng nó ‘mang ơn’ Trung Quốc . Thay vì tài trợ cho một WHO tham nhũng ở Geneva với hơn 400 triệu đô la mỗi năm, Hoa Kỳ và những người đóng thuế hào phóng sẽ gửi số tiền đó trực tiếp đến nơi cần thiết nhất cho các nhân viên y tế tuyến đầu phục vụ tại các nước đang phát triển trên thế giới.
Thứ năm, Tổng thống Trump đã hạn chế khả năng của Quân đội Trung Quốc (PLA) lợi dụng các chương trình thị thực của sinh viên để đưa các sĩ quan và đặc vụ của nó vào trong các trường cao đẳng và đại học của chúng ta để đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ và thông tin của Hoa Kỳ.
Thứ sáu, Tổng thống chuyển sang tạm dừng đầu tư của quỹ hưu trí của nhân viên liên bang Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc, bao gồm các nhà thầu quân sự Trung Quốc và các nhà sản xuất thiết bị giám sát dùng để đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo. Ông đang kiểm tra các hoạt động kế toán mờ ám của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump hiểu rằng nền hòa bình lâu dài đến từ sức mạnh. Chúng ta là những quốc gia mạnh nhất trên trái đất, và chúng ta sẽ không uốn mình theo ĐCSTQ. Như những hành động nêu trên đã chứng minh, chính quyền Trump đang chống lại hoạt động tàn ác của ĐCSTQ. Chính quyền Trump sẽ lên tiếng và vạch trần những gì ĐCSTQ mưu toan, và những gì nó đang lên kế hoạch – không chỉ đối với Trung Quốc, với Hồng Kông và Đài Loan, mà còn đối với thế giới.
Cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta, chúng ta sẽ chống lại các nỗ lực của ĐCSTQ để thao túng người dân và chính phủ của chúng ta, gây thiệt hại cho nền kinh tế của chúng ta và làm suy yếu chủ quyền của chúng ta. Thời của sự thụ động và ngây thơ của người Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã qua.
Chúng tôi sẽ luôn trung thực với các nguyên tắc của chúng ta – đặc biệt là quyền tự do ngôn luận – điều này trái ngược hoàn toàn với hệ tư tưởng Mác-Lê mà ĐCSTQ bám chặt. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng tôi sẽ khuyến khích sự đa dạng trong suy nghĩ, chống lại nỗ lực kiểm soát ngôn luận hoặc ép buộc tự kiểm duyệt, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ, và trên hết, tiếp tục tuyên bố rằng tất cả phụ nữ và đàn ông đều có quyền được Thiên Chúa bản cho, để được hưởng tự do, có cuộc sống, và được mưu cầu hạnh phúc.
Đối với ĐCSTQ, tôi nói, như thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 gần đây đã chỉ ra, hai chính phủ của chúng ta có thể có một mối quan hệ có hiệu quả. Chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng chúng tôi không muốn những quan hệ dựa trên các điều khoản hiện đang được đề nghị từ Bắc Kinh.
T.Q (Tổng hợp)

Nhiều dấu hiệu cho thấy

ĐCSTQ có thể đã khai mạc Hội nghị Bắc Đới Hà

Vũ Dương
Trong khi ông Tập có thể không muốn hội nghị diễn ra, nhưng phe chống Tập có thể đã phái người đi gặp “mật sứ” của Mỹ để bàn bạc về việc ông Tập Cận Bình tại vị hay từ chức.
Đầu tháng 8, như thường lệ, đó là thời gian các lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triệu khai hội nghị Bắc Đới Hà. Xưa nay, ngoại giới chỉ có thể dựa vào các dấu hiệu để suy đoán thời gian diễn ra và kết thúc hội nghị bí ẩn Bắc Đới Hà. Các hoạt động công khai mới nhất của lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ như ông Tập Cận Bình đều dừng ở ngày 31/7, bộ phận quan chức cấp tỉnh hiện cũng có sự điều động, công tác đảm bảo an ninh tại địa phương Bắc Đới Hà cũng được tăng cường. Ngoại giới cho rằng Hội nghị Bắc Đới Hà nhiều khả năng đã bước vào trạng thái khai mạc.
Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) ngày 3/8 đưa tin rằng ngoại giới sẽ dựa vào nhiều dấu hiệu phân tích để xem Hội nghị Bắc Đới Hà đã diễn ra hay chưa.
Đầu tiên, theo thông lệ, vào đêm trước hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra hàng năm, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị ĐCSTQ thông thường sẽ thay phiên nhau xuất hiện trước công chúng, hoặc ở Bắc Kinh để tham dự cuộc họp hoặc đến nơi khác để khảo sát. Trong thời gian diễn ra hội nghị tạm thời sẽ “mai danh ẩn tính”.
Tổng hợp báo cáo từ truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường từ ngày 28-31/7 đều có hoạt động công khai mỗi ngày. Tuy nhiên, từ sau ngày 1/8 lại không thấy các báo cáo về các hoạt động công khai của họ nữa.
Ngày 31/7, ông Tập Cận Bình tham gia lễ xây dựng và khai thông thành công Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu “Bắc Đẩu số 3” tại Đại lễ đường Bắc Kinh. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tham gia hoạt động lần này, còn mở hội nghị video về an toàn sản xuất toàn quốc.
Ngày 30/7, ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Cục Chính trị Trung ương, phân tích về tình hình kinh tế hiện nay và bố trí công tác kinh tế nửa năm cuối. Cùng ngày Bộ Chính trị còn tổ chức buổi học tập tập thể, 7 Thường ủy Bộ Chính trị đều tham gia.
Ngày 29/7, ông Tập Cận Bình đích thân thăng cấp 1 Thượng tướng; cùng ngày, ông Lý Khắc Cường thị sát Bộ Tổng chỉ huy Phòng chống Hạn hán Lũ lụt Quốc gia, Ủy viên trưởng Ủy ban Nhân đại toàn Quốc Lật Chiến Thư cũng triệu tập Hội nghị Ủy viên trưởng.
Ngày 28/7, ông Tập Cận Bình thông qua bản tin truyền hình, gửi lời chúc đến lễ khai mạc hội đồng quản trị thường niên lần thứ 5 của Ngân hàng đầu tư châu Á. Trong cùng ngày, Trung ương ĐCSTQ tại Trung Nam Hải đã mời nhân sĩ ngoài đảng tham gia hội nghị tọa đàm, ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường đều tham gia.
Ngày 1/8, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường không xuất hiện trong bất cứ hoạt động nào.
CNA phân tích cho rằng, có thể điều này cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà đã khai mạc, nhưng vẫn cần đợi nhiều thông tin hơn nữa để xác minh.
Thứ hai, dấu hiệu cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra là Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc nơi sở tại của Bắc Đới Hà, sẽ dẫn theo đoàn người của mình đến địa điểm hội nghị trước để thị sát về công tác đảm bảo an toàn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Vương Đông Phong từ hồi giữa tháng Sáu đã đến Bắc Đới Hà thị sát, thời gian tương đối sớm hơn 1 tháng so với giữa tháng Bảy hàng năm. Bởi vì năm nay có nhân tố dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nên việc thị sát sớm hơn này được coi là cần thiết.
Ngoài ra, theo truyền thông hải ngoại đưa tin hôm 28/7 cho biết, trạm xe lửa Bắc Đới Hà, Tần Hoàng Đảo từ tuần trước đã tiến hành kiểm tra an toàn 2 lần đối với hành khách xuống xe, trên đường có cảnh sát chấp hành nhận diện khuôn mặt và kiểm tra thân nhiệt, động thái đảm bảo an ninh nghiêm ngặt hơn mọi ngày.
Còn có một tín hiệu cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu chính là trong thời gian diễn ra hội nghị, có lãnh đạo sẽ đi thăm các chuyên gia cũng đang nghỉ mát tại Bắc Đới Hà.
Ngoài ra, trước Hội nghị Bắc Đới Hà, thường có sự điều chỉnh các quan chức cấp cao; từ hạ tuần tháng Bảy tới nay, Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, và Tỉnh trưởng Thiểm Tây lần lượt do ông Lưu Quốc Trung và Triệu Nhất Đức tiếp nhậm; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình được điều động làm Bí thư đảng bộ Bộ Văn hóa Du lịch Trung Quốc; còn ông Tiêu Á Khánh được điều động thay thế ông Miêu Vũ làm Bí thư đảng bộ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia Lý Thư Lỗi cũng tiếp nhậm Bí thư đảng ủy cơ quan.
Từng có truyền thông suy đoán Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay có thể sẽ không tổ chức, nguyên nhân là năm nay virus viêm phổi Vũ Hán lây lan toàn cầu, cho đến việc Bắc Kinh cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông dấy đến làn sóng khiển trách truy cứu trách nhiệm và chế tài mạnh mẽ của cộng động quốc tế, liên minh chống ĐCSTQ đã dần hình thành trên trường quốc tế. Trong Trung Quốc, đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa chấm dứt, lũ lụt tàn phá miền nam, cũng khiến cho kinh tế và dân sinh rơi vào cục diện khó khăn.
“Thời báo Tự do” của Đài Loan có bài phân tích nói, sự chấp chính của ông Tập Cận Bình đang bị giáp công cả trong và ngoài nước, bao gồm vấn đề Hoa Kỳ, vấn đề Hồng Kông, kinh tế tiêu điều bởi dịch bệnh, lũ lụt… khiến Tập Cận Bình không muốn tổ chức Hội nghị Bắc Đới Hà.
Bài viết cũng chỉ ra, các nguyên lão và thế lực phản Tập gấp rút muốn tóm được “chỗ đau” của ông Tập Cận Bình, mong muốn mở hội nghị, hơn nữa đã chuẩn bị đầy đủ “đòn tấn công” trước khi mở cuộc họp. Có nguồn tin cho hay, nguyên lão ĐCSTQ đã có âm mưu bí mật, phái người đi gặp “mật sứ” của Mỹ để bàn bạc về việc ông Tập Cận Bình tại vị hay từ chức. Hội nghị Bắc Đới Hà lần này, đoán chắc ông Tập Cận Bình đang gặp phải thách thức lớn nhất từ khi chấp chính đến nay.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch và tổng hợp

Video của người mẫu Uighur tiết lộ gì

về trại cải tạo tập trung của TQ?

John Sudworth
Là một người mẫu cho nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Taobao, người đàn ông 31 tuổi này được trả tiền để phô trương vẻ ngoài điển trai của mình trong các video quảng cáo bóng bẩy cho các thương hiệu quần áo.
Nhưng một video của anh Ghappar lại khác các video nói trên. Thay vì một studio hào nhoáng hay con đường thời thượng trong thành phố, phông nền là một căn phòng trống với những bức tường bẩn thỉu và cửa sổ quây lưới thép. Và thay vì tạo dáng, Ghappar ngồi im lặng với vẻ mặt lo lắng.
Giữ máy ảnh bằng tay phải, anh để lộ quần áo bẩn, mắt cá chân sưng phồng và cổ tay trái bị còng cố định vào thành giường bằng kim loại – đồ vật duy nhất trong phòng.
Video của Ghappar, cùng với một số tin nhắn kèm theo được chuyển đến cho BBC, cung cấp một cái nhìn trực diện cực kỳ hiếm hoi và sắc lạnh vào hệ thống giam giữ bí mật và được canh gác cẩn mật của Trung Quốc. Chúng được gửi trực tiếp từ bên trong khu vực này.
Tài liệu này bổ sung vào các bằng chứng ghi lại tác động của cuộc chiến mà Trung Quốc thực hiện để chống lại cái mà họ gọi là “ba thế lực tà ác” gồm chủ nghĩa ly khai, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở vùng Tân Cương xa xôi phía Tây đất nước.
Trong vài năm qua, các ước tính đáng tin cậy cho thấy, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) và các nhóm thiểu số khác đã bị buộc phải sống trong một mạng lưới các trại giam tập trung được canh gác cẩn mật ở Tân Cương mà Trung Quốc khẳng định là các trường tự nguyện để đào tạo chống cực đoan.
Hàng ngàn trẻ em đã bị tách khỏi cha mẹ và phụ nữ bị buộc phải áp dụng các phương pháp triệt sản.
Ngoài các cáo buộc về tra tấn và lạm dụng, các video của Ghappar dường như cung cấp bằng chứng rằng, mặc dù Trung Quốc khăng khăng rằng hầu hết các trại cải tạo đã bị đóng cửa, một số lượng đáng kể người Duy Ngô Nhĩ vẫn bị giam giữ mà không qua xét xử.
Các video này cũng chứa các chi tiết mới về áp lực tâm lý khủng khiếp mà các cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng, bao gồm một tài liệu mà anh chụp lại, kêu gọi trẻ em 13 tuổi “ăn năn và đầu hàng”.
Khi Tân Cương hiện đang có số ca nhiễm virus corona tăng mạnh, điều kiện sống bẩn thỉu và đông đúc mà Ghappar mô tả càng cho thấy nguy cơ lây nhiễm nghiêm trọng do loại hình giam giữ hàng loạt này gây ra trong đại dịch toàn cầu.
BBC đã gửi yêu cầu bình luận về vụ việc này tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chính quyền Tân Cương nhưng không nhận được trả lời.
Gia đình của Ghappar, vốn đã không nhận được thông tin gì từ anh sau các tin nhắn cuối cùng vào năm tháng trước, nhận thức được rằng việc anh gửi đi video dài bốn phút ba mươi tám giây trong phòng giam có thể làm tăng áp lực và hình phạt mà anh phải đối mặt.
Nhưng họ nói đó là hy vọng cuối cùng, để nhấn mạnh hoàn cảnh của anh và của người Duy Ngô Nhĩ nói chung.
Chú của Ghappar, ông Abdulhakim Ghappar, hiện đang sống ở Hà Lan, tin rằng video này có thể gây xôn xao dư luận giống như cách cảnh quay việc cảnh sát đối xử với George Floyd trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
“Cả hai đều phải đối mặt với sự tàn bạo chỉ vì chủng tộc của họ”, ông nói.
“Nhưng trong khi ở Mỹ mọi người đang lên tiếng, thì với chúng tôi chỉ có sự im lặng.”
Năm 2009, Merdan Ghappar – giống như nhiều người Duy Ngô Nhĩ lúc bấy giờ – rời Tân Cương để tìm kiếm cơ hội tại các thành phố giàu có của Trung Quốc ở phía đông.
Học múa tại Đại học Nghệ thuật Tân Cương, anh tìm thấy công việc đầu tiên là một vũ công và sau đó vài năm, làm người mẫu ở thành phố Phật Sơn phía nam Trung Quốc. Bạn bè nói rằng Ghappar có thể kiếm tới 10.000 Rmb (1.000 bảng Anh) mỗi ngày.
Câu chuyện của Ghappar giống như một lời quảng cáo cho nền kinh tế năng động, đang bùng nổ và “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng người Duy Ngô Nhĩ, với ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, đức tin Hồi giáo và quan hệ sắc tộc với các dân tộc và văn hóa ở Trung Á, từ lâu đã bị các nhà cầm quyền Trung Quốc nghi ngờ và đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Người thân của Ghappar nói rằng anh được cho biết sự nghiệp người mẫu của anh sẽ phát triển nếu anh hạ thấp danh tính là người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời cho rằng khuôn mặt của anh có nét “nửa châu Âu”.
Và mặc dù anh kiếm đủ tiền để mua một căn hộ lớn, nhưng họ nói rằng anh không thể đăng ký đứng tên mình, mà phải dùng tên của một người bạn Hán.
Nhưng những bất công đó bây giờ có vẻ chẳng là gì khi so sánh với những gì sắp xảy ra.
Kể từ khi hai cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào người đi bộ và người đi xe ở Bắc Kinh vào năm 2013 và thành phố Côn Minh năm 2014 – mà Trung Quốc đổ lỗi cho phe ly khai Duy Ngô Nhĩ – nhà nước bắt đầu xem văn hóa Duy Ngô Nhĩ không chỉ đáng nghi ngờ mà còn bạo động.
Vào năm 2018, khi nhà nước Trung Quốc đưa ra câu câu trả lời – hệ thống trại và nhà tù rộng lớn được xây dựng nhanh chóng và rộng khắp Tân Cương – Ghappar vẫn sống ở Phật Sơn, nơi cuộc sống của anh sắp sửa chuyển sang tình trạng tồi tệ hơn.
Vào tháng Tám năm đó, anh bị bắt và bị kết án 16 tháng tù vì bán cần sa, một cáo buộc mà bạn bè của anh cho là không đúng sự thật.
Cho dù thực sự có tội hay không, có rất ít cơ hội được tha bổng, với số liệu thống kê cho thấy hơn 99% bị cáo bị kết án trước khi được đưa ra tòa án hình sự Trung Quốc.
Nhưng, sau khi được trả tự do vào tháng 11/2019, chỉ hơn một tháng sau, cảnh sát lại gõ cửa nhà anh, nói rằng anh cần trở về Tân Cương để hoàn thành thủ tục đăng ký thường lệ.
BBC đã thấy bằng chứng cho thấy Ghappar không bị nghi ngờ mắc tội gì nữa. Các nhà chức trách chỉ đơn giản nói rằng “anh ta có thể cần phải được giáo dục vài ngày tại cộng đồng địa phương của mình” – một uyển ngữ về các trại tập trung.
Vào ngày 15/1 năm nay, bạn bè và gia đình anh được phép mang theo quần áo ấm và điện thoại của anh đến sân bay, trước khi anh được đưa lên chuyến bay từ Phật Sơn và được hai cảnh sát hộ tống trở về thành phố Kucha ở Tân Cương.
Có bằng chứng về những người Duy Ngô Nhĩ khác bị buộc phải trở về nhà, từ đâu đó ở Trung Quốc hoặc từ nước ngoài, và gia đình của anh Ghappar tin rằng anh đã biến mất trong các trại cải tạo.
Nhưng hơn một tháng sau họ nhận được một số tin tức bất thường.
Bằng cách nào đó, Ghappar có được quyền truy cập vào điện thoại của mình và sử dụng nó để liên lạc với thế giới bên ngoài.
Tin nhắn của Merdan Ghappar, được cho là được gửi từ căn phòng nơi anh tự quay video về mình, vẽ một bức tranh thậm chí còn kinh hoàng hơn về trải nghiệm của anh sau khi đến Tân Cương.
Viết trên WeChat, anh giải thích rằng lần đầu tiên anh bị giam trong nhà tù cảnh sát ở Kucha.
“Tôi thấy 50 đến 60 người bị giam giữ trong một căn phòng nhỏ không tới 50 mét vuông, đàn ông bên phải, phụ nữ bên trái”, anh viết.
“Mọi người đều mặc một cái gọi là ‘bộ đồ bốn mảnh’, bị trùm đầu bằng túi màu đen, còng tay, còng chân và một sợi xích sắt nối còng với cùm.”
Việc sử dụng các còng tay và chân kết hợp này của Trung Quốc đã bị chỉ trích trong quá khứ bởi các nhóm nhân quyền.
Ghappar cũng bị bắt phải đeo các còng tay và còng chân này, và cùng với các bạn tù của mình, anh bị nhốt trong một chỗ chiếm khoảng hai phần ba phòng giam, anh thấy không có chỗ để nằm và ngủ.
“Tôi nhấc cái bao trùm đầu lên và nói với viên cảnh sát rằng còng tay quá chặt khiến cổ tay tôi bị thương”, anh viết trong một trong những tin nhắn.
“Anh ta hét lên với tôi, nói rằng ‘Nếu mày tháo bao trùm đầu ra, tao sẽ đánh chết mày’. Và sau đó tôi không dám nói gì nữa,” anh nói thêm.
“Chết ở đây là điều cuối cùng tôi muốn.”
Anh viết về những âm thanh la hét liên tục vọng ra từ nơi khác trong nhà tù. “Phòng thẩm vấn,” anh cho hay.
Và anh mô tả các điều kiện tồi tệ và mất vệ sinh – các tù nhân bị chấy rận trong khi phải dùng chung một số bát nhựa và thìa.
“Trước khi ăn, cảnh sát sẽ yêu cầu những người mắc bệnh truyền nhiễm giơ tay lên và họ sẽ là người cuối cùng ăn”, anh viết.
“Nhưng nếu bạn muốn ăn sớm hơn, bạn có thể giữ im lặng. Đó là một vấn đề đạo đức, bạn hiểu chứ?”
Sau đó, vào ngày 22/1, khi Trung Quốc đang ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng virus corona, các tù nhân được biết tin tức về nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.
Tài khoản của ông Ghappar cho thấy việc thực thi các quy tắc kiểm dịch ở Tân Cương chặt chẽ hơn nhiều so với các nơi khác. Tại một thời điểm, bốn thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 20 được đưa vào phòng giam.
“Trong thời kỳ dịch bệnh, họ được trông thấy đang chơi một trò gì đó như bóng chày ở bên ngoài”, ông viết.
“Họ được đưa đến đồn cảnh sát và bị đánh cho đến khi họ la khóc như trẻ con, da trên mông bị tách tơi tả và họ không thể ngồi xuống.”
Các cảnh sát bắt đầu buộc mọi tù nhân đeo khẩu trang, mặc dù họ vẫn bị trùm đầu trong phòng giam đông đúc.
“Một chiếc mũ trùm đầu và khẩu trang – thậm chí không có không khí để thở”, anh viết.
Sau đó, các nhân viên ở đây đi đo thân nhiệt tù nhân. Một số tù nhân trong đó có Ghappar, lúc đó có thân nhiệt cao hơn bình thường là 37C (98,6F).
Vẫn mặc “bộ đồ bốn mảnh” của mình, anh được chuyển lên tầng trên một phòng khác, nơi lính canh mở cửa sổ mở vào ban đêm, khiến lạnh đến mức anh không thể ngủ được.
Ở đó, anh nói, những âm thanh tra tấn được nghe thấy rõ ràng hơn nhiều.
“Một lần tôi nghe thấy một người đàn ông la hét từ sáng đến tối,” anh nói.
Vài ngày sau, các tù nhân được đưa lên xe bus và đưa đến một địa điểm không xác định. Anh Ghappar, bị cảm lạnh và chảy nước mũi, bị tách ra khỏi nhóm và được đưa đến cơ sở được trông thấy trong video mà anh gửi – một nơi mà anh mô tả là “trung tâm kiểm soát dịch bệnh”. Khi đó, anh bị còng tay vào giường.
“Toàn bộ cơ thể của tôi bao phủ trong chấy. Mỗi ngày tôi bắt chúng và nhặt chúng ra khỏi người – rất ngứa”, ông viết.
“Tất nhiên, môi trường ở đây tốt hơn đồn cảnh sát với tất cả bọn họ. Ở đây tôi sống một mình, nhưng có hai người canh gác tôi.”
Chính chế độ thoải mái hơn một chút này đã cho anh cơ hội để nói ra. Điện thoại của anh dường như vẫn không bị chính quyền chú ý trong số đồ đạc cá nhân của anh. Anh được dùng một số đồ đạc của mình ở nơi giam giữ mới.
Sau 18 ngày trong nhà tù cảnh sát, anh bất ngờ và bí mật liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trong vài ngày, anh mô tả trải nghiệm của mình. Sau đó, đột nhiên, các tin nhắn dừng lại.
Kể từ đó, không nghe thấy tin tức gì về Ghappar. Chính quyền không cung cấp thông tin chính thức về nơi ở của anh, cũng như bất kỳ lý do nào khiến anh tiếp tục bị giam giữ.
Không thể xác minh độc lập tính xác thực của các tin nhắn của Ghappar. Nhưng các chuyên gia nói rằng các cảnh quay video có vẻ chân thực, đặc biệt là do các thông điệp tuyên truyền có thể được nghe thấy trong đó.
“Tân Cương chưa bao giờ là một” Đông Turkistan “, một thông báo bằng cả tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Trung Quốc từ một chiếc loa ngoài cửa sổ của Ghappar cho hay.
“Các lực lượng ly khai trong và ngoài nước đã chính trị hóa thuật ngữ địa lý này và kêu gọi những người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi giáo hãy thống nhất,” thông báo này nói.
James Millward, giáo sư lịch sử tại Đại học Georgetown và là chuyên gia về các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, đã dịch và phân tích tin nhắn của Ghappar cho BBC.
Ông nói rằng chúng phù hợp với các trường hợp được ghi chép rõ ràng khác, từ việc trở lại Tân Cương và các hoạt động kiểm dịch ban đầu trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh.
Giáo sư Millward nói: “Mô tả trực diện này về các cảnh sát canh giữ nhà tù là rất, rất sống động”.
“Anh ấy viết bằng tiếng Trung rất tốt và thật lòng mà nói, rất nhiều chi tiết khủng khiếp về cách những người này bị đối xử. Vì vậy, đó là một nguồn khá hiếm.”
Tiến sĩ Adrian Zenz, một thành viên cao cấp nghiên cứu về Trung Quốc tại Quỹ tưởng niệm nạn nhân cộng sản, đồng thời là học giả về Tân Cương hàng đầu, cho rằng giá trị thực của video là việc nó nói về cái mà chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng hệ thống trại giam này đang bị phá hủy.
“Nó cực kỳ quan trọng”, tiến sĩ Zenz nói. “Lời khai này cho thấy rằng toàn bộ hệ thống giam giữ người dân, phân loại họ và tống họ vào các phòng giam tập trung đang diễn ra rất nhiều.”
Mức độ tin cậy được tăng lên từ một bức ảnh chụp lại một tài liệu mà các nguồn tin nói rằng Ghappar gửi sau khi tìm thấy nó trên sàn của một trong những nhà vệ sinh tại trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Tài liệu này đề cập đến một bài phát biểu của Bí thư Đảng Cộng sản tỉnh Aksu, ngày và địa điểm cho thấy nó vẫn có thể được lưu hành trong giới chức thành phố Kucha vào thời điểm Ghappar bị giam giữ.
Tài liệu kêu gọi trẻ em 13 tuổi “ăn năn về lỗi lầm và tự nguyện đầu hàng” dường như là bằng chứng mới về mức độ Trung Quốc giám sát và kiểm soát suy nghĩ và hành vi của người Duy Ngô Nhĩ và người thiểu số khác.
Tiến sĩ Darren Byler, nhà nhân chủng học tại Đại học Colorado, Boulder, người đã nghiên cứu và viết nhiều về người Duy Ngô Nhĩ, nói: “Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên tôi thấy một thông báo chính thức về trẻ vị thành niên chịu trách nhiệm về hoạt động tôn giáo của mình”.
Bất chấp nguy cơ việc Merdan Ghappar tung ra video và tin nhắn sẽ khiến anh có nguy cơ bị trừng phạt lâu hơn hoặc khắc nghiệt hơn, những người thân của anh nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác.
“Giữ im lặng cũng không giúp được gì cho nó”, chú của Ghappar, Abdulhakim Ghappar, nói từ nhà ông ở Amsterdam.
Abdulhakim nói rằng ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cháu trai trước khi Ghappar bị giam giữ và ông tin rằng – như đã được ghi nhận trong các trường hợp khác – mối liên hệ ở nước ngoài này là một trong những lý do Ghappar bị giam giữ.
“Vâng, tôi chắc chắn 100% về điều đó”, ông nói. “Nó bị giam giữ chỉ vì tôi ở nước ngoài và tôi tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.”
Ông Abdulhakim bắt đầu hoạt động vào năm 2009 tại Tân Cương, giúp phát tờ rơi trước cuộc biểu tình quy mô lớn ở thành phố Urumqi, đây cũng là lý do khiến ông trốn sang Hà Lan.
Cuộc biểu tình ở Urumqi sau đó biến thành một loạt các cuộc bạo loạn dữ dội, theo chính quyền Trung Quốc, cướp đi gần 200 mạng sống và được coi là một trong những bước ngoặt lớn đối với việc kiểm soát chặt chẽ khu vực Tân Cương.
Được cho hay rằng chính quyền Trung Quốc đang tìm cách bắt giữ mình, Abdulhakim tìm cách lấy cho mình một hộ chiếu và rời đi. Ông chưa từng trở lại Tân Cương.
Ông khẳng định rằng tất cả các hoạt động chính trị của ông, cả ở Trung Quốc và nước ngoài, đều ôn hòa, và cháu trai ông, ông nói, chưa bao giờ thể hiện bất kỳ mối quan tâm nào đối với chính trị.
Trong danh sách các câu hỏi gửi cho chính quyền Trung Quốc, BBC yêu cầu họ xác nhận liệu Merdan Ghappar hoặc chú của anh ta có bị nghi ngờ phạm bất kỳ tội gì ở Trung Quốc hay không.
BBC cũng hỏi tại sao anh Ghappar bị xích vào giường, và hỏi về các cáo buộc về ngược đãi và tra tấn.
Không có câu hỏi nào được trả lời.
Dù Merdan Ghappar bây giờ đang ở đâu, có một điều rõ ràng.
Cho dù việc anh bị kết án vì tội phạm ma túy có chính đáng hay không, việc anh bị giam giữ hiện tại là bằng chứng cho thấy người Duy Ngô Nhĩ có học vấn và tương đối thành công có thể trở thành mục tiêu của hệ thống giam giữ hàng loạt.
“Chàng trai trẻ này, với tư cách là một người mẫu thời trang, lẽ ra đã có một sự nghiệp thành công rồi,” Giáo sư Millward nói. “Anh ấy nói tiếng Trung Quốc tuyệt vời, viết rất tốt và sử dụng các cụm từ khó, vì vậy rõ ràng đây không phải là người cần giáo dục cho mục đích nghề nghiệp.”
Tiến sĩ Adrian Zenz lập luận rằng đây là vấn đề mấu chốt của hệ thống giam giữ tập trung này.
“Nó không thực sự quan trọng đến vậy cho nền tảng phát triển con người,” ông nói.
“Vấn đề là lòng trung thành của họ được thử thách bởi thống này. Đến một lúc nào đó, hầu hết họ sẽ phải trải nghiệm một số hình thức giam giữ tập trung hoặc giáo dục lại, họ sẽ là đối tượng của hệ thống này.”
Chính phủ Trung Quốc phủ nhận rằng họ đang đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Sau những chỉ trích nặng nề gần đây từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đã viện dẫn cái chết của George Floyd, nói rằng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được tự do so với người Mỹ gốc Phi ở Mỹ.
Nhưng đối với gia đình của Merdan Ghappar, bị ám ảnh bởi hình ảnh anh bị xích vào giường ở một nới không xác định, có một so sánh khác.
“Khi tôi xem video về George Floyd, nó làm tôi nhớ đến video của chính cháu tôi”, chú Abdulhakim của Merdan nói.
“Toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ giống như George Floyd bây giờ,” ông nói. “Chúng tôi không thể thở được.”

[Video]: Sau tiếng ‘bùm’,

bể chứa xi măng ở Ân Thi nổ, cả làng phủ màu xám

Triệu Hằng
Vụ nổ bể chứa xi măng xảy ra ở thị trấn Trung Lộ, Lợi Xuyên, thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 1/8.
Đoạn video 32 giây được người dùng mạng xã hội đăng tải cho thấy, sau vụ nổ bất ngờ, quang cảnh ở khu vực trở nên giống như một công trường xây dựng, bởi xi măng bao phủ khắp nơi. Cư dân địa phương chưa hết bàng hoàng đứng ngước nhìn một bể chứa có màu xanh.
Người dân thuật lại rằng họ chỉ nghe thấy một tiếng “bùm” sau đó bột xi măng tràn ngập bầu trời, và toàn bộ đường phố nhanh chóng bị phủ bột màu xám.
Xi măng tạo thành một lớp dày trên đường khiến người và xe di chuyển để lại những dấu chân và vệt bánh xe.
Tai nạn không có thương vong nhưng khiến cư dân hoảng sợ, rồi sau đó ai nấy “dở khóc dở cười” khi thấy từ đầu đến chân mình phủ một màu xám xi măng.

Bão đổ bộ Trung Quốc,

gió mạnh thổi bay người phụ nữ từ tầng 11

Phụng Minh
Sức gió đổ bộ mạnh tới cấp 13, mưa lớn gây ngập lụt, nhưng khi bão qua đi vẫn có nguy cơ lũ quét bất ngờ từ trên núi đổ xuống.
Trung Quốc đang trải qua một mùa hè không hề yên bình, ngoài lũ lụt liên tục trên sông Dương Tử, ngày 4/8 Chiết Giang lại phải hứng chịu cơn bão Hagupit, địa phương với hơn 830.000 hộ dân đã bị mất điện. Tại tiểu khu Du Hối, một người phụ nữ trong lúc đang cố đóng cửa tránh gió lớn từ cơn bão, đã bị thổi bay xuống đất thiệt mạng.
Theo truyền thông Đại lục, được Secretchina dẫn lại, cơn bão số 4 trong năm nay tại Trung Quốc có tên Hagupit đã đổ bộ vào cùng duyên hải Nhạc Thanh, Ôn Châu, Chiết Giang vào khoảng 3h30 sáng ngày 4/8. Khi đổ bộ, lực gió tối đa gần trung tâm cơn bão lên đến cấp 13, gió mạnh và mưa lớn đã ảnh hưởng đến 54 thị trấn, 607 thôn với 835.854 hộ gia đình bị mất điện. Cho tới 7h sáng, vẫn có 630.366 hộ chưa có điện trở lại. Trong số đó, thị trấn Nhạc Thanh là nơi bão đổ bộ và bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, ít nhất 200.000 người dân địa phương đã buộc phải rời khỏi nhà và tìm nơi ẩn náu an toàn.
Đoạn video ghi lại cho thấy có những cơn gió mạnh và mưa lớn vào ngày 4. Một số lượng lớn cây đã bị bật gốc gây ách tắc đường phố nội thành Ngọc Hoàn, Đài Châu. Cửa sổ của nhiều cư dân trong khu dân cư Du Hối ở Ngọc Hoàn bị thổi bay, thậm chí máy giặt đặt trên ban công nhà dân cũng bị thổi bay xuống cầu thang. Hiện tượng ngập nước ở các đường phố địa phương cũng rất nghiêm trọng. Nhiều ô tô bị ngâm trong nước và mọi người chỉ có thể đi bộ lội nước. Ở một số nơi, nước sâu hơn đùi người lớn.

Nhà chức trách sau đó đã xác nhận rằng một người phụ nữ sống trên tầng 11 của khu dân cư Du Hối đã bị gió cuốn bay dẫn tới thiệt mạng khi cô cố gắng đóng cửa sổ và bị rơi khỏi tòa nhà.
Video Youtube có lời dẫn: “Bão Hagubi đã đổ bộ vào Nhạc Thanh, Ôn Châu, với sức gió mạnh nhật đạt cấp 13, trong khu vực đô thị, xe cộ nổi trên mặt nước và gia súc bị cuốn trôi!”
Ngoài ra, từ 7h45 một loạt cao tốc và một số đoạn đường đã bị buộc phải đóng cửa.
Ngoài tắc nghẽn giao thông, nguy cơ thảm họa lũ lụt trên núi cũng tăng lên rất nhiều.
Đài quan sát khí tượng Chiết Giang dự đoán rằng từ 8h ngày 4/8 đến 8h ngày 5/8, lũ bất ngờ từ trên núi đổ xuống có thể xảy ra ở huyện Vĩnh Gia, thành phố Nhạc Thanh, quận Hải Thự, huyện Tiên Cư và một số nơi khác. Trong số đó, lũ bất ngờ với sức nước rất mạnh có thể xảy ra ở quận Hoàng Nham, thành phố Lâm Hải. Một cảnh báo màu đỏ cho thảm họa lũ quét đã được ban hành.
Đài quan sát khí tượng trung ương cho biết vào ngày 4, không chỉ có cơn bão Hagupit đổ bộ vào bờ biển Chiết Giang, gió bão cấp 8 đến cấp 10 cùng mưa đá có thể xuất hiện ở Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên và một số địa phương khác. Mưa lớn cũng có thẻ xảy ra ở miền nam Trung Quốc, Vân Nam và đảo Hải Nam.
Các nhân viên của Công ty Điện lực Nhạc Thanh tuyên bố rằng ảnh hưởng của bão Hagupit đối với khu vực địa phương lớn hơn so với cơn bão Lợi Kỳ Mã năm ngoái. Do gió mạnh và mưa lớn ở thành phố Nhạc Thanh và ngập nước nghiêm trọng ở nhiều nơi, công ty điện lực sẽ cử người đến sửa chữa và hy vọng rằng nguồn điện sẽ được phục hồi trước thứ Năm (ngày 6/8).
Theo Li Xiaokui, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Bắc Kinh đe dọa đáp trả nếu Washington

cứng rắn với các phóng viên Trung Quốc

Linh Đan
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa nếu phía Mỹ từ chối gia hạn thị thực cho các nhà báo Trung Quốc, một phát ngôn viên bộ ngoại giao nước này nói, mô tả hành động này của phía Mỹ như một “vòng đàn áp chính trị” khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 4/8 rằng không có nhà báo Trung Quốc nào được gia hạn visa kể từ tháng 5, kể từ khi Mỹ bắt đầu giới hạn thời gian lưu trú của họ trong 90 ngày, nhưng có tùy chọn gia hạn.
Ông Uông đã cáo buộc Mỹ “đạo đức giả”, “tiêu chuẩn kép (ám chỉ tính hai mặt, vô nguyên tắc trong hành động)”, “bắt nạt bá đạo”, và đe dọa Trung Quốc sẽ đáp trả bằng “những phản ứng cần thiết và chính đáng”, ví như nhắm vào các phóng viên Mỹ ở Hồng Kông.
“Tôi muốn nói với các vị rằng Đặc khu Hành chính Hồng Kông là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền Trung ương có thẩm quyền ngoại giao để đưa ra những phản ứng đáp trả”, ông nói.
Tuy rằng ông Uông không tiết lộ có bao nhiêu phóng viên Trung Quốc có thể bị tác động, biên tập viên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – cơ quan ngôn luận ĐCSTQ – trong một bài đăng trên mạng xã hội cho biết con số này nằm trong khoảng 40 phóng viên, dù không trích dẫn nguồn gốc.
Hai nước đã thực thi chính sách hạn chế “ăn miếng trả miếng” đối với giới nhà báo trong bối cảnh Mỹ gia tăng mối lo ngại việc chính quyền Trung Quốc lợi dụng các kênh truyền thông nhà nước như một cái loa phóng thanh nhằm truyền bá các ngôn luận của ĐCSTQ trên đất Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Trung Hoa Nhật Báo (China Daily), một ấn phẩm tiếng Anh thuộc quản lý của Cục Tuyên truyền Trung Quốc, đã chi trả hàng triệu đô la để đặt quảng cáo ‘tuyên truyền’ trên các tờ báo nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc khảo sát vào ngày 23/6, Liên đoàn các Nhà báo Quốc tế, tổ chức nhà báo lớn nhất thế giới, cho biết Bắc Kinh đang điều hành một chiến dịch tiếp cận truyền thông “lâu dài, tinh vi và rộng khắp” nhằm truyền bá các ngôn luận và hình thái ý thức của nó trên toàn cầu.
Chính quyền Mỹ đã chỉ đích danh 9 hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là các cơ quan ngoại giao của nước này, nhằm xác định chúng là cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ. Động thái này yêu cầu những cơ quan này phải tiết lộ các hoạt động của họ, bao gồm đăng ký nhân sự và tài sản của họ với Bộ Ngoại giao.
“Tuy rằng truyền thông phương Tây phụng sự sự thật, truyền thông Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại phụng sự Đảng Cộng sản Trung Quốc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phát biểu hôm 22/6.
Đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã giảm số lượng nhà báo Trung Quốc được phép hoạt động tại Hoa Kỳ từ 160 xuống còn 100. Nhằm đáp trả, chính quyền Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo Mỹ đang làm việc cho 5 tờ báo lớn, bao gồm Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal), Thời báo New York (New York Times), và Tiếng nói của Hoa Kỳ (Voice of Ameria – VOA).
Động thái của Mỹ nối tiếp ngay sau quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của 3 phóng viên tờ Wall Street Journal của Bắc Kinh hồi tháng 2 khi tờ báo này đăng một bài bình luận gọi Trung Quốc là “Đông Á bệnh phu (con bệnh Châu Á)”— tuy rằng không ai trong số 3 nhà báo bị trục xuất này tham dự  việc viết bài báo đó.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) – một cơ quan giám sát tự do báo chí quốc tế – đã xếp hạng Trung Quốc ở vị trí 177 trên 180 trong Chỉ số Đánh giá Tự do Báo chí Toàn cầu (World Press Freedom).

Bắc Kinh đe dọa trả đũa bằng một ’cuộc chiến

sinh tử’ trước yêu cầu bán lại TikTok cho người Mỹ

Bình luậnNguyễn Minh
Truyền thông nhà nước Trung Quốc viết về mối đe dọa trả đũa chính quyền Tổng thống Trump, sau khi ông Trump buộc TikTok phải bán cho người Mỹ, do quan ngại rằng nền tảng của Trung Quốc có thể là mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ.
Trong một bài xã luận xuất bản vào ngày 4/8, tờ Nhật Báo Trung Quốc (China Daily) thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viết rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ không chấp nhận “vụ trộm cắp” một
công ty công nghệ Trung Quốc, và họ có “rất nhiều cách để đáp trả nếu chính quyền [Tổng thống Trump] thực hiện kế hoạch lấy công ty này”.
Những động thái từ phía Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc “hoặc là giao nộp, hoặc là chiến đấu sinh tử trong lĩnh vực công nghệ”, theo bài xã luận.
Ông trùm công nghệ Hoa Kỳ Microsoft đã xác nhận rằng công ty này đang đàm phán với chủ sở hữu của TikTok – công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, để mua các hợp phần của ứng dụng hoạt động ở nước ngoài. Tổng thống Donald Trump đặt ra hạn chót là ngày 15/9 cho các bên tham gia đạt được thỏa thuận, nếu không ứng dụng TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ.
Các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng ứng dụng này gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ vì nó có thể cho phép Bắc Kinh truy cập vào một lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ. Luật pháp Trung Quốc quy định các công ty phải hợp tác với các cơ quan an ninh khi được yêu cầu. Công ty TikTok đã bác bỏ những cáo buộc của Hoa Kỳ.
Tại một cuộc họp giao ban thường kỳ hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), cho biết Bắc Kinh kiên quyết phản đối động thái của Washington, cáo buộc Washington “lạm dụng quyền lực của mình” và sử dụng lý do an ninh quốc gia làm cái cớ để trấn áp các công ty không thuộc Hoa Kỳ.
Chính quyền Trung Quốc đã chống lại Hoa Kỳ kể từ khi mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thúc đẩy không khí chiến tranh, trong khi đó, chính quyền trung ương chỉ đạo các đài truyền hình nội địa chiếu các bộ phim chiến tranh để thúc đẩy tinh thần dân tộc ở người dân. Phía Trung Quốc có các động thái này khi chính quyền Tổng thống Trump liên tục thực hiện hàng loạt các hành động chống lại Bắc Kinh vì chính quyền này đã che giấu virus Corona Vũ Hán gây ra đại dịch toàn cầu, thắt chặt sự kìm kẹp với Hong Kong, trộm cắp công nghệ của Mỹ và xâm lược quân sự ở Biển Đông.
Trong một cuộc họp ngắn ngày 4/8, phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết, Hoa Kỳ sẽ có hành động trong những ngày tới liên quan đến TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về các hành động.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết: “Những công ty phần mềm Trung Quốc này đang kinh doanh tại Hoa Kỳ, cho dù đó là TikTok hay WeChat, thì có vô số người [dùng những ứng dụng này] đang cung cấp dữ liệu trực tiếp cho ĐCSTQ, bộ máy an ninh quốc gia của họ”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Liệu Indonesia có thực sự cứng rắn trước Trung Quốc

Hà Vĩ Tinh
Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) tiếp tục hoành hành trên phạm vi toàn cầu, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của các đội tàu hải cảnh có vũ trang của quốc gia này đã nhiều lần xâm nhập vào lãnh hải của Indonesia trong nhiều tháng qua. Động thái này là một phần trong chiến lược gia tăng các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Để đối phó với các hành động ngang ngược của Trung Quốc, thay vì các phản ứng mềm mỏng như đã từng làm trong quá khứ, gần đây Indonesia đã áp dụng những bước đi mạnh mẽ hơn với quan điểm cứng rắn hơn nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trước các hành động xâm phạm ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Tháng 7/2020, trong một cuộc phô trương lực lượng, hải quân Indonesia đã tổ chức một cuộc tập trận kéo dài bốn ngày tại khu vực gần quần đảo Natuna, một lãnh thổ của Indonesia gần sát với “Đường 9 đoạn” phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố để đòi hỏi chủ quyền tại biển Đông.
Trước đó, tháng 5/2020, Indonesia đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc (LHQ), trong đó, Indonesia đã tuyên bố rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại UNCLOS. Viện dẫn phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra năm 2016, Indonesia cho biết không có cơ sở pháp lý nào ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khoảng 90% diện tích vùng biển bị tranh chấp. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và thay vào đó ủng hộ lập trường của Philippines. Indonesia nhấn mạnh rằng họ đã liên tục kêu
gọi tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu sách nào trái với luật pháp quốc tế.
Nhiều người ngạc nhiên trước động thái này. So với các quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia là nước xuất hiện tương đối mờ nhạt trong các vấn đề liên quan đến biển Biển Đông – họ chỉ bày tỏ sự phản đối trước các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna, nay gọi là biển Bắc Natuna. Trên thực tế, Indonesia không phải là bên tham gia chính trong tranh chấp ở biển Đông.
Indonesia ban đầu không phải là một bên tham gia trong tranh chấp ở biển Đông. Bởi vì các lý do sau:
Thứ nhất là do vị trí địa lý độc đáo của Indonesia. Nước này nằm ở phía Đông Nam khu vực tranh chấp chính ở biển Đông, bị ngăn cách với vùng biển này bởi Malaysia và Brunei. Theo UNCLOS, EEZ của Indonesia không chồng lấn với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc như các quốc gia khác như Việt Nam và Malaysia, nghĩa là nước này sẽ không nằm ở trung tâm của tranh chấp ở biển Đông.
Thứ hai, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Natuna, cái gọi là tranh chấp là do “đường 9 đoạn” chồng lấn với EEZ của Indonesia ở biển Bắc Natuna. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại rằng không có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Indonesia, mà chỉ có sự khác biệt về quan điểm giữa hai nước về quyền của họ tại một số khu vực ở biển Đông. Tranh chấp của hai bên đang trong giai đoạn âm ỉ, chứ chưa bùng phát.
Thứ ba, Trung Quốc và Indonesia có lợi ích chung. Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc đầu tư đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Indonesia. Là nhà đầu tư lớn thứ hai của Indonesia và là là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD vào Indonesia trong nửa đầu năm 2019, gần bằng tổng lượng đầu tư của cả năm 2018. Đồng thời, Indonesia và Trung Quốc đang từng bước trở thành đối tác quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc và Trục hàng hải toàn cầu (GMF) của Indonesia. Trong Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai được tổ chức vào tháng 4/2019, Trung Quốc và Indonesia đã ký những văn kiện quan trọng về các hành lang kinh tế toàn diện khu vực, cho thấy những đỉnh cao mới trong quan hệ song phương thân thiện giữa hai nước.
Trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia, trong đó phải kể đến dự án đường sắt cao tốc trên cao Jakarta – Bangdung – Tây Java trị giá hơn 6 tỷ USD và nhiều dự án chiến lược khác.
Sự gia tăng các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia đang tỷ lệ thuận với các khoản nợ Indonesia đối với Trung Quốc. Đáng chú ý, hiện tại, khoản nợ Trung Quốc mà chính phủ Indonesia đang phải gánh chịu đã đạt mức 17,75 tỷ USD. Con số này đã khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ thứ tư trong tổng số nợ nước ngoài của Indonesia. Do vậy, Indonesia rất cần các khoản đầu tư của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhất là để vực dậy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh quan hệ kinh tế, quan hệ quân sự giữa Indonesia và Trung Quốc thời gian gần đây đang có những dấu hiệu cho thấy ngày càng phát triển và xích lại gần nhau, mặc dù thời gian qua, quân đội Indonesia đã có những hành động thể hiện lập trường mạnh mẽ đối với sự xâm nhập của các tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Indonesia.
Tháng 1/2020, sau khi Indonesia phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống nhiều tàu cá xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, quân đội Indonesia đã tuyên bố trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đồng thời triển khai máy bay chiến đấu F-16. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo (Jokowi) cũng đã đích thân đến Natuna thị sát tình hình và động viên binh sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây.
Sau đó, các lực lượng vũ trang Indonesia đã thành lập một Trung tâm Thông tin Hàng hải tại các đảo để theo dõi và chặn các tàu cá nước ngoài được coi là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Tuy nhiên, những động thái trên được đánh giá là chỉ để thể hiện lập trường cứng rắn bề ngoài nhằm trấn an dư luận trong nước và quốc tế trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với không chỉ Indonesia và còn đối với những quốc gia khác trong ASEAN.
Trên thực tế, sự hợp tác trên lĩnh vực quân sự giữa Indonesia và Trung Quốc đã được mở rộng và thúc đẩy trước đó rất lâu khiến cho những phản ứng quân sự này bị mờ nhạt trong bối cảnh quan hệ giữa quân đội hai nước được đánh dấu bằng những sự kiện tốt đẹp.
Ví dụ, tháng 12/2018, Tổng thống Jokowi đã bổ nhiệm một tướng quân đội Indonesia làm tùy viên quốc phòng tại Trung Quốc. Việc bổ nhiệm một sỹ quan cấp tướng giữ chức vụ tùy viên quốc phòng tại địa bàn Trung Quốc là một việc làm chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng của Indonesia đối với Trung Quốc và nhất là trong quan hệ quốc phòng.
Năm 2019, ngay sau khi ông Prabowo được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ông Prabowo đến thăm trên cương vị này. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Prabowo gặp gỡ người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) nhằm thảo luận các biện pháp nâng cao chất lượng trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và trở nên nghiêm trọng tại Indonesia, lãnh đạo Indonesia đã chủ động thông qua kênh hợp tác quân sự với Trung Quốc để tác động, nhận viện trợ y tế từ Trung Quốc. Với sự tác động mạnh mẽ của giới lãnh đạo Indonesia, ngày 23/3/2020, máy bay C-130 Hercules của không quân Indonesia được phép đến Trung Quốc để nhận và vận chuyển 8 tấn hàng thiết bị y tế từ Trung Quốc về Indonesia phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Indonesia. Tiếp sau đó, ngày 12/5/2020, Trung Quốc đã cử một máy bay quân sự vận chuyển hàng cứu trợ và thiết bị y tế đến Jakarta nhằm giúp quốc gia này đối phó với những khó khăn trong quá trình phòng chống dịch bệnh.
Cũng có nhiều nguồn tin xác nhận rằng, cuối năm 2019, quân đội Indonesia đã lên kế hoạch mua tàu tuần tra hải quân trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, thương vụ này đã không thành công. Giới quan sát cho rằng, với tiềm năng quân sự của Trung Quốc hiện nay và đặc biệt là với nhu cầu hợp tác ngày càng lớn từ phía Indonesia, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước đang ngày càng gần gũi, Indonesia ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong lĩnh vực này bởi vì Indonesia luôn ý thức được rằng Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn trên thế giới và có tốc độ hiện đại hóa quân đội rất nhanh. Trong khi đó, thực lực quân đội của Indonesia rất hạn chế, vũ khí và trang thiết bị quân sự đã lỗi thời, khả năng tác chiến không thực sự cao. Do vậy, Indonesia cần duy trì quan hệ đối tác chiến lược với cường quốc khu vực lớn nhất là Trung Quốc để cải thiện mọi mặt của quân đội, dần đưa Indonesia trở thành một cường quốc biển trong khu vực.
Sự phụ thuộc về kinh tế của Indonesia đối với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Indonesia khó có thể đưa ra các lựa chọn để hành động cứng rắn đối với Trung Quốc tại Biển Đông trừ khi Indonesia chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế quốc gia, hy sinh đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia hiện nay là Trung Quốc.
Trên thực tế, điều này khó có thể xảy ra vì Indonesia luôn là một quốc gia thực dụng và luôn đặt lợi ích kinh tế lên ưu tiên hàng đầu. Điều này cũng đã được chứng minh khi chính phủ Indonesia chấp nhận hy sinh vấn đề bảo vệ sức khỏe của người dân để đánh đổi lấy việc ổn định phát triển kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát dữ dội tại quốc gia này.
Tuy nhiên, với vai trò là quốc gia lớn nhất trong ASEAN, Indonesia nếu muốn, vẫn có nhiều lựa chọn khác. Trong bản đồ BRI của Trung Quốc, Indonesia là quốc gia rất quan trọng vì đây là một trong những mắt xích trọng yếu kết nối toàn bộ các tuyến hàng hải trong BRI. Vì vậy, nếu Indonesia “ngãng ra”, không chấp nhận hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy BRI, thì điều này đồng nghĩa với khả năng Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc triển khai chiến lược này. Cho nên, Indonesia hoàn toàn có thể sử dụng “con bài” này để gây áp lực đối với Trung Quốc nhằm dành lợi thế cho riêng mình.
Bên cạnh đó, để giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, Indonesia cần tính đến khả năng mở rộng hợp tác, đa dạng hóa các đối tác thay vì chỉ trông chờ vào một quốc gia nhất định như các quốc gia Trung Đông đã làm. Tuy nhiên, đây thực sự là thách thức đối với Indonesia vì mọi thứ gần như đã quá muộn khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại Indonesia ngày càng sâu rộng. Tất cả các vấn đề này đang đe dọa đến những gì mà Indonesia gọi là quan điểm cứng rắn của nước này đối với những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ngoại trưởng Mỹ -

Singapore nhấn mạnh luật quốc tế tại Biển Đông

Mỹ và Singapore bày tỏ mong muốn duy trì luật pháp quốc tế tại Biển Đông và thúc đẩy ổn định, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 4.8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan về vấn đề Biển Đông.
Theo thông cáo trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho các nước Đông Nam Á trong việc giữ gìn quyền chủ quyền và lợi ích theo luật quốc tế tại Biển Đông.
Hai Ngoại trưởng nhất trí làm việc cùng nhau nhằm đảm bảo hòa bình tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ phản đối những hành động cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các yêu sách biển bất hợp pháp tại Biển Đông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14.7 chính thức công bố lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên là hoàn toàn phi pháp.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. “Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố yêu sách này vào năm 2009”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.
Ông Pompeo nhắc lại rằng phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế cũng đã bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh Mỹ từng tuyên bố phán quyết đó là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines.
Ngoài ra, Mỹ còn bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cuộc đấu xe tăng T-90

và Type 15 trên dãy Himalaya

Ấn Độ đã triển khai các xe tăng T-90 do Nga sản xuất để đối đầu với các lực lượng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp Ladakh.
Nhưng việc di chuyển xe tăng 45 tấn ở một vùng núi đường sá nghèo nàn là một thách thức.
Lực lượng thiết giáp Ấn Độ đã trú đóng tại tiền đồn hoang vắng ở Daulet Beg Oldi, nằm ở độ cao 5330m và có một trong những sân bay cao nhất thế giới. Tiền đồn chỉ cách biên giới Trung Quốc vài dặm và ngay phía nam của con đèo Karakoram có vị trí chiến lược. Ấn Độ lo ngại con đèo có thể là một con đường giúp quân đội Trung Quốc xâm nhập, chiếm đóng khu vực Aksai Chin.
“Với việc Quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai gần 50.000 quân tại Aksai Chin, Quân đội Ấn Độ lần đầu tiên đã triển khai 12 xe tăng T-90, xe chở quân bọc thép (APC) và một lữ đoàn (4.000 người) tại Daulat Beg Oldi để ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào của Trung Quốc từ trục đường đèo Shaksgam-Karakoram”, tờ Thời báo Hindustan trích dẫn các chỉ huy quân sự hàng đầu Ấn Độ.
Trong khi tình hình dường như đã nguội đi phần nào khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ngừng đối đầu trực tiếp, cả hai bên đã phái quân tiếp viện tới khu vực. Đáng kể là, Trung Quốc và Ấn Độ cùng phái xe tăng đến vùng núi Himalaya rộng lớn và khí hậu khắc nghiệt khắc nghiệt đối với cả người và phương tiện.
Trung Quốc đã triển khai xe tăng hạng nhẹ Type 15, nặng 30 tấn được trang bị pháo 105 ly có thể bắn đạn pháo và tên lửa chống tăng có điều khiển. Trung Quốc tuyên bố rằng động cơ diesel 1.000 mã lực, kết hợp với trọng lượng tương đối nhẹ của Type 15 sẽ giúp chiếc xe tăng phát huy sở trường trong địa hình đồi núi.
“Với một động cơ mạnh mẽ, xe tăng Type 15 có thể hoạt động hiệu quả ở những vùng cao nguyên khó khăn đối với xe tăng hạng nặng, và với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, pháo chính xuyên giáp cỡ nòng 105 mm, nó có thể chiếm ưu thế trước mọi phương tiện bọc thép hạng nhẹ khác ở độ cao lớn, tờ Global Times của  Trung Quốc viết”.
Mặc dù nhẹ hơn so với M1A2 Abrams 70 tấn của Mỹ, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 nặng 45 tấn của Nga – về cơ bản là T-72 thời Chiến tranh Lạnh được hiện đại hóa – nặng hơn đáng kể so với Type 15. Pháo 125 ly của xe có thể bắn đạn pháo cũng như tên lửa chống tăng có điều khiển AT-11. Thiết bị phòng thủ của nó bao gồm áo giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và hệ thống gây nhiễu hồng ngoại Shtora để ngăn chặn tên lửa chống tăng đối phương. Trong khi những chiếc Type 15 của Trung Quốc vẫn chưa
tham gia chiến đấu, T-90 của Nga đã chiến đấu ở Syria, với ít nhất một chiếc bị hư hại nặng bởi một tên lửa chống tăng TOW của Mỹ trong tay phiến quân Syria.
Ấn Độ đã tùy biến biến thể của mình, T-90S Bhishma, với các thiết bị không phải của Nga, như hệ thống ảnh nhiệt của Pháp. Trọng lượng nhẹ của Type 15 có thể cho phép nó sử dụng các con đường và cầu mà T-90 không thể. Tuy nhiên, 1.000 chiếc T-90 của Ấn Độ có giáp bảo vệ và hỏa lực vượt trội.
Arzan Tarapore, nghiên cứu viên thuộc Văn phòng nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Mỹ, tin rằng T-90 của Ấn Độ đang ở đó như một lời cảnh báo cho Bắc Kinh rằng lãnh thổ Trung Quốc dễ bị tổn thương nếu Ấn Độ phản công. Họ không ở đó để bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ, mà đe dọa lãnh thổ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Tarapore nói. “Từ lâu, đó là học thuyết của Ấn Độ: đe dọa một cuộc phản công Trung Quốc – việc lý tưởng để củng cố vị thế của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán giảm/tránh đối đầu; hoặc trong trường hợp xấu nhất, thực sự cố gắng chiếm lấy lãnh thổ Trung Quốc như một quân bài thương lượng để đảo ngược các cuộc xâm lược của Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu nhau bằng gậy gộc, tay không hồi tháng 6 tại thung lũng Galwan đang tranh chấp, khiến 20 người Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người Trung Quốc bị thương. Giữa hai quốc gia đã bùng phát một cuộc chiến ngắn ngủi ở Ladakh năm 1962, khi đó Trung Quốc đánh bại các lực lượng Ấn Độ chuẩn bị kém.
Lịch sử đã cho thấy xe tăng hữu dụng ra sao trên địa hình đồi núi. Trong Chiến tranh Triều Tiên, xe tăng của Mỹ cực kỳ hiệu quả trong chiến đấu ở vùng đồng bằng, và khi chuyển sang vùng núi, xe tăng Mỹ trở thành pháo di động nã đạn từ những con dốc nghiêng vào quân Triều Tiên-Trung Quốc trên đồi.

Cựu thủ tướng Úc dự báo Mỹ sẽ đưa tàu chiến

đến Đài Loan, làm leo thang căng thẳng

Trong một bài viết dài đăng ngày 3-8 trên tạp chí Foreign Affairs, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd cảnh báo nguy cơ Mỹ và Trung Quốc đụng độ trên Biển Đông ngày càng cao, đặc biệt trong những tháng cận kề bầu cử Mỹ.
Xét ở góc độ nhà lãnh đạo quốc gia, ông Rudd đánh giá cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đối mặt với các áp lực lớn trong nước. Những căng thẳng chính trị nội bộ đó có thể chuyển hóa thành các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ.
Cựu thủ tướng Rudd, người đang làm công việc của một nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung, cho rằng Washington có thể làm leo thang căng thẳng trước bằng việc cử một tàu chiến đến thăm Đài Loan.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bỏ qua một hành động như vậy. Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách phát động một cuộc xung đột ở “cường độ thấp”, tập trung vào các đảo ngoài khơi của Đài Loan, như quần đảo Đông Sa (ở Biển Đông) hoặc đảo Ô Khâu (ngay ngoài khơi đại lục)”, ông Rudd vẽ ra viễn cảnh.
Một kịch bản khác được cựu thủ tướng Úc đưa ra là máy bay quân sự hoặc tàu chiến của một trong hai bên va chạm, hư hỏng nặng trên Biển Đông. Trong tình huống này, ông Rudd cho rằng cả Bắc Kinh lẫn Washington đều khó kiềm chế trước áp lực từ dư luận trong nước.
Trong diễn biến liên quan, bản tin ngày 4-8 của Hoàn Cầu thời báo khiến một số người lo ngại tình hình trên Biển Đông có dấu hiệu căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Hôm 2-8, Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận dài hơn một tuần, huy động cả máy bay ném bom chiến lược H-6G và H-6J.
Theo giới quan sát quân sự, các oanh tạc cơ của Trung Quốc đã tấn công các mục tiêu trên biển trong cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ, mô phỏng tình huống đánh chiếm quần đảo Đông Sa nằm trên Biển Đông.
Nhóm đảo Đông Sa hiện đang do Đài Loan quản lý và nằm gần Trung Quốc đại lục hơn đảo Đài Loan. Đài Bắc đã tăng cường năng lực phòng thủ tại đây trước các động thái quân sự của Bắc Kinh.
Đông Sa án ngữ eo biển Ba Sĩ – một trong những con đường tiến ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhận định với vị trí địa lý như vậy, quần đảo Đông Sa có ý nghĩa chiến lược và sẽ là một nguy cơ “nếu chính quyền Đài Loan cho phép Mỹ triển khai quân tới các đảo này”.
Philippines không tập trận hải quân với nước khác trên Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 3-8 tuyên bố hải quân nước này sẽ không tập trận chung với các nước khác trong khu vực Biển Đông, kể cả đó là Mỹ. Ông Lorenzana khẳng định trừ khi cuộc tập trận đó “nằm trong vùng biển của Philippines hoặc cách bờ biển của chúng tôi 12 hải lý”.
Theo bộ trưởng Lorenzana, đây là chỉ đạo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong nỗ lực tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN Philippines hồi đầu tháng 7 rồi, khi được hỏi về khả năng hải quân Ấn Độ sẽ hiện diện trên Biển Đông, ông Lorenzana cho rằng Manila không cản được chuyện đó “nhưng tàu chiến Ấn Độ xuất hiện chỉ làm tăng thêm căng thẳng khu vực”.

Tiểu bang Victoria của Úc bố trí quân đội,

áp dụng các mức tiền phạt khổng lồ

để thực thi lệnh cách ly COVID-19

Tin từ SYDNEY, Úc – Vào hôm thứ ba (4/8), tiểu bang đông dân thứ hai của Úc, Victoria, cho biết các nhân viên quân sự sẽ được bố trí để thực thi các lệnh cách ly COVID-19, với bất kỳ ai vi phạm các luật phải đối mặt với mức phạt lên đến 20,000 Úc kim (14,250.00 mỹ kim).
Úc, từng được xem là một quốc gia lãnh đạo toàn cầu trong việc khống chế COVID-19, đang cố gắng hết sức để làm chậm sự lây lan của virus ở Victoria để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm toàn quốc thứ hai. Hồi đầu tuần này, Victoria áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, thắt chặt các hạn chế đối với việc di chuyển hàng ngày của người dân và ra lệnh đóng cửa một phần lớn của nền kinh tế địa phương để làm chậm sự lây lan của coronavirus.
Vào hôm thứ ba (4/8), thủ hiến Daniel Andrew của tiểu bang Victoria cho biết gần một phần ba những người nhiễm COVID-19 không cách ly tại nhà khi bị các viên chức kiểm tra, và tình trạng này yêu cầu các hình phạt cứng rắn mới.
Ông Andrew cho biết 500 nhân viên quân sự trong tuần này sẽ bố trí tới Victoria để tăng cường việc thực thi các lệnh tự cách ly, với các mức tiền phạt gần 5,000 Úc kim (3,559 mỹ kim) vì vi phạm lệnh ở nhà. Ngoại lệ duy nhất sẽ là những người cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Ông cho biết những người vi phạm nhiều lần phải đối mặt với mức phạt lên tới 20,000 Úc kim.
Úc ghi nhận gần 19,000 ca nhiễm COVID-19 và 232 trường hợp tử vong, ít hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển khác sau khi đóng cửa biên giới quốc tế sớm, áp đặt các hạn chế cách ly xã hội và kiểm tra virus hàng loạt. (BBT)

Cựu thủ tướng Úc cảnh báo nguy cơ

 bùng nổ ‘chiến tranh nóng’ Mỹ – Trung

Minh Tuệ
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới, một cuộc “chiến tranh nóng,” chứ không còn dừng lại ở “chiến tranh lạnh”.
Trong một bài viết trên Tạp chí Foreign Affairs ngày 3/8, ông Rudd cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở giai đoạn căng thẳng nhất kể từ thập kỷ 50 trở lại đây.
Trong khi cuộc bầu cử tại Mỹ đang đến gần, xung đột Mỹ – Trung lại “đang trở nên gay gắt, không khoan nhượng và dường như không có hồi kết”, ông Rudd viết.
Cựu thủ tướng Australia cho biết hiện đang có những mối lo ngại thực sự về những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Câu hỏi đặt ra hiện nay là tình hình này diễn biến như thế nào.
“Một hậu quả trước đây chưa từng nghĩ tới – một cuộc xung đột vũ trang thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc – giờ hiện hữu thường trực lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Nói cách khác, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bùng phát không chỉ một cuộc Chiến tranh lạnh mới, mà còn là một cuộc Chiến tranh nóng”, ông Rudd viết.
Vị chính trị gia người Australia khuyến cáo Mỹ và Trung Quốc nên thận trọng với những tham vọng của mình, nếu không chỉ trong vòng 3 tháng tới, hai bên rất có thể sẽ gây tổn hại đến triển vọng hòa
bình và ổn định toàn cầu trong vòng 30 năm tiếp theo. Cuộc chiến giữa các cường quốc lớn hiếm khi mang lại kết thúc có hậu cho bất kỳ quốc gia nào.
Ông Rudd, cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford và hiện đang làm một luận án tiến sĩ xoay quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng áp lực chính trị tại Mỹ trước thềm cuộc bầu cử có khả năng khiến mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn.
Vị cựu thủ tướng cho rằng tác động không chỉ dừng lại ở việc các mối quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao xuống thấp, mà đó sẽ là một cuộc đấu tranh giành hơn thua không chỉ giữa hai cường quốc với nhau, mà còn cả về sự ảnh hưởng đối với khu vực cũng như toàn cầu.
Ông Rudd cho rằng nguy cơ nhiều khả năng sẽ lên cao từ nay cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, do sự đối đầu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, do những biến động chính trị và những vấn đề cấp thiết tại mỗi nước.
“Danh sách các vấn đề mâu thuẫn giữa hai nước đang khá dài, từ gián điệp đến việc vũ khí hóa đồng USD, từ vấn đề Hồng Kông đến Biển Đông,” ông Rudd viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?