Tin khắp nơi – 06/08/2020

Tin khắp nơi – 06/08/2020

Pompeo: Mỹ-Nga đạt tiến bộ về kiểm soát võ khí

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày 5/8 tuyên bố Mỹ gần đây đạt tiến bộ với Nga về kiểm soát võ khí hạt nhân và hy vọng Trung Quốc sẽ quyết định gia nhập các cuộc thảo luận này.
“Trong vài tháng qua, chúng tôi nỗ lực làm việc để ba nước có khả năng hạt nhân lớn nhất- Mỹ, Nga và Trung Quốc- đối thoại chiến lược về cách cùng tiến tới giảm rủi ro cho thế giới,” ông Pompeo nói.
“Chúng tôi đạt tiến bộ với Nga; chúng tôi có hai cuộc họp khả quan. Tôi hy vọng sẽ sớm có cuộc họp nữa, và hy vọng là Trung Quốc sẽ tham gia,” Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Mỹ muốn ‘xóa sổ’

các ứng dụng nguy hiểm của Trung Quốc

Lục Du
Mỹ muốn thấy các ứng dụng Trung Quốc “không đáng tin cậy” bị xóa khỏi các kho ứng dụng của Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (5/8). Ông gọi ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc là “mối đe dọa không nhỏ”.
Ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ đặt mục tiêu thiết lập một “mạng lưới sạch (Clean Network)”, và Washington sẽ chặn đứng việc các ứng dụng khác nhau của Trung Quốc cũng như các hãng viễn thông nước này xâm nhập thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.
“Với các công ty mẹ đặt trụ sở tại Trung Quốc, các ứng dụng như Tiktok, WeChat … là mối đe dọa không nhỏ đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đến việc trở thành các công cụ kiểm duyệt nội dung của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo cũng cho biết Washington đang nỗ lực ngăn Huawei cài sẵn hoặc cho phép tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ, đồng thời bảo vệ thông tin nhạy cảm của các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nghiên cứu về vắc-xin Covid-19, và ngăn Alibaba cùng nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc truy cập dữ liệu điện toán đám mây.
Hãng ByteDance của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hạn chót 15/9, một là bán lại ứng dụng TikTok cho Microsoft, hai là đối mặt với lệnh cấm toàn diện hoạt động kinh doanh của họ ở thị trường Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Trung đang lâm vào trạng thái căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ, với các xung đột phát sinh từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tình hình leo thang hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền và thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Mỹ thắt chặt mạng lưới công nghệ sạch, loại bỏ

các ứng dụng Trung Quốc như TikTok, WeChat

Quý Khải
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay vừa công bố việc mở rộng chương trình Mạng lưới Sạch (Clean Network), nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của người dân và doanh nghiệp Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chương trình này sẽ chống lại sự xâm nhập mạnh mẽ của những thế lực thâm hiểm, như Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chương trình này có 5 phương diện nhằm “bảo vệ” mạng lưới và cơ sở hạ tầng nhà mạng ở Mỹ. Chúng là sự mở rộng trực tiếp của sáng kiến ​​5G Clean Path mà chính quyền tổng thống công bố hồi tháng 4.
5 khía cạnh mở rộng bao gồm:
Cửa hàng Ứng dụng Sạch (Clean Store)
Vị Ngoại trưởng Mỹ cho biết các cửa hàng ứng dụng (App Store) của Mỹ (VD: App Store của Apple hay Google Play của Google) sẽ loại bỏ các ứng dụng Trung Quốc không đáng tin.
Ông Pompeo trích dẫn dự định cấm TikTok – một ứng dụng thuộc sở hữu Trung Quốc – của Tổng thống Trump vào tuần trước. Vị ngoại trưởng nhấn mạnh rằng các ứng dụng Trung Quốc như TikTok, WeChat “tiềm ẩn nguy cơ to lớn đối với dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ, chưa kể có thể trở thành công cụ kiểm duyệt nội dung của chính quyền Bắc Kinh”.
Ứng dụng Sạch (Clean Apps)
Năm ngoái, Mỹ áp lệnh cấm Huawei – một doanh nghiệp viễn thông lớn của Trung Quốc – giao dịch với các công ty Mỹ do vấn đề an ninh quốc gia. Theo đó, các smartphone của Huawei, sẽ không thể tải các ứng dụng của Google như cửa hàng ứng dụng Google Play Store, Google Maps hay YouTube.
Trong thông cáo báo chí sáng nay, ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ sẽ thắt chặt quyết định này, khi ngăn chặn Huawei và các hãng smartphone thiếu tin cậy khác của Trung Quốc cài sẵn hoặc cho phép tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.
Nhà mạng sạch (Clean Carrier)
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho biết các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc nghi vấn, không đáng tin cậy sẽ không được phép kết nối vào mạng lưới viễn thông Mỹ, cung cấp dịch vụ quốc tế giữa Mỹ và các khu vực hải ngoại, viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Pompeo cho biết đã cùng Tổng chưởng lý Barr, Bộ trưởng Quốc phóng Esper và Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Wolf thúc giục Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ tước quyền hoạt động của China Telecom và 3 doanh nghiệp viễn thông khác cung cấp dịch vụ đến và ra khỏi Hoa Kỳ.
Điện toán Đám mây Sạch (Clean Cloud)
Vị Ngoại trưởng tuyên bố Mỹ sẽ chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân nhạy cảm và tài sản sở hữu trí tuệ giá trị của người dân và doanh nghiệp Mỹ – bao gồm nghiên cứu về vắc-xin COVID-19- trước sự truy cập trên các hệ thống điện toán đám mây thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent.
Cáp sạch (Clean Cable)
Ông Pompeo cũng cho biết chính quyền Trump sẽ đảm bảo Bắc Kinh không thể lũng đoạn các tuyến cáp quang biển truyền thông dữ liệu Internet toàn cầu.
Tập đoàn Trung Quốc Huawei Marine đã lấy phí rẻ để thắng thầu nhiều tuyến cáp quang biển kết nối châu Á, Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Âu. Lo ngại gia tăng khi công nghệ ngầm dưới nước do Trung Quốc hậu thuẫn được đưa vào sử dụng.
Ông Pompeo khẳng định việc này không thể được phép tiến diễn. Trong thông cáo ông đã “kêu gọi tất cả các quốc gia và công ty yêu chuộng tự do tham gia vào Clean Network (Mạng lưới sạch)”.

Hồ sơ dày đặc tội ác

của những quan chức Trung Quốc  bị Mỹ trừng phạt

Lục Du
Vừa qua chính phủ Mỹ đã áp lệnh trừng phạt 4 quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tham gia vào các chiến dịch đàn áp người dân ở Tân Cương, The Epoch Times cho hay, hồ
sơ chà đạp nhân quyền của những quan chức này không chỉ dừng lại ở mức như vậy, họ còn từng gây nhiều tội ác ở những cuộc đàn áp khác.
Ông Trần Toàn Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Khu Tự trị Tân Cương, là một trong 4 quan chức cao cấp của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt. Trước khi đảm nhận vai trò đứng đầu khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số theo đạo hồi ở Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc từng dính líu tới các hoạt động đàn áp học viên Pháp Luân Công khi còn là một quan chức cao cấp tại tỉnh Hà Nam, quê nhà của ông.
Theo WSJ, trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2005, ông Trần được thăng lên làm Phó Bí thư Tỉnh Hà Nam nhờ vào “thành tích” đàn áp nhân quyền. Ông Trần đả tham gia vào việc giám sát tiêu hủy các tài liệu của học viên Pháp Luân Công, cũng như triệt hạ các quan chức trong chính quyền địa phương tu tập môn khí công phổ truyền trên hơn 100 quốc gia nhưng lại duy nhất bị ĐCSTQ cấm phổ biến.
Theo Minghui, sau khi ông Trần trở thành người đứng đầu đảng bộ Tân Cương vào năm 2016, ông đã cho thực hiện một chiến dịch đàn áp học viên Pháp Luân Công hà khắc nhất so với các đời lãnh đạo trước đó. Các học viên tu tập Pháp Luân Công, dưới thời ông Trần “trị vì” Tân Cương, đã bị an ninh bắt giữ trong khi họ đang tham gia giao thông, đi làm hoặc tới trụ sở chính quyền để giải quyết việc riêng.
Cũng theo Minghui, trước và sau đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ vào năm 2017, cảnh sát Tân Cương đã thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương, bắt giữ những người từ chối từ bỏ niềm tin của họ vào Chân-Thiện-Nhẫn, đưa tên họ vào danh sách truy nã. Một số học viên Pháp Luân Công khác bị quản thúc tại gia. Những học viên ở các khu vực khác đi qua trạm kiểm soát an ninh Tân Cương cũng bị bắt giữ.
Theo báo cáo chi tiêu của chính phủ Trung Quốc, trong năm 2017, Tân Cương đã chi cho hoạt động an ninh hơn 27,5 tỷ nhân dân tệ (3,93 tỷ USD), gấp đôi con số của năm 2016. Chính quyền Tân Cương dưới thời ông Trần cũng đã gia tăng trang bị các camera giám sát, đẩy mạnh việc theo dõi điện thoại và thu thập dữ liệu DNA của người dân.
Trong ba năm qua, các học viên Pháp Luân Công tại Tân Cương cũng phải đối mặt với các vụ bắt giữ vì những lý do kiểu như “có suy nghĩ không đúng đắn”, “từ chối mở cửa cho cảnh sát vào nhà”, hoặc “sử dụng các ứng dụng di động khác ngoài WeChat”, một trong những ứng dụng mà các nhà nghiên cứu cho rằng đã bị chính quyền Trung Quốc thao túng để thu thập dữ liệu người dân.
Thậm chí chính quyền Tân Cương còn bắt giữ một nữ học viên Pháp Luân Công đã 90 tuổi. Cụ bà Yan Yixue đã bị giam giữ kể từ trước ngày ĐCSTQ triệu tập đại hội lần thứ 19. Vào năm 2018, bà Yan đã bị giam một năm ở trung tâm tẩy não, nơi cảnh sát đã đánh bà vì tập Pháp Luân Công. Bà từng bị quản giáo còng vào một chiếc ghế sắt trong gần nửa tháng.
Mingui cho hay, an ninh và quan chức địa phương ở Tân Cương cũng thường xuyên phá cửa vào nhà của các học viên Pháp Luân Công chụp ảnh họ để cung cấp cho cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của chính quyền Trung Quốc.
Sarah Cook, một nhà phân tích Trung Quốc tại nhóm nhân quyền Freedom House, đã viết các bài tiểu luận chỉ ra việc chính quyền Trung Quốc áp dụng các mô hình đàn áp học viên Pháp Luân Công cho các sắc dân theo đạo Hồi ở Tân Cương.
“Nó giống như bất kỳ việc quản lý dự án nào. Một khi bạn đã thực hiện nó trước đây, nó sẽ được áp dụng nhanh hơn vào lần tiếp theo”, Cook nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn, “Họ biết chính xác những gì họ làm”.
Hai quan chức Trung Quốc khác bị Hoa Kỳ trừng phạt là Zhu Hailun, Phó Bí thư Tân Cương, và Wang Mingshan người đứng đầu cơ quan an ninh của khu tự trị. Hai người này cũng từng tham gia các chiến dịch đàn áp học viên Pháp Luân Công, theo thông tin từ Tổ chức Thế giới điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Tổ chức này đã cáo buộc ông Wang liên quan tới cái chết của học viên Pháp Luân Công Sheng Kezhi, 77 tuổi, ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Vợ và con gái của ông Sheng, cũng là những học viên Pháp Luân Công, đã phải chịu nhiều năm giam cầm. Sau khi vợ ông Sheng bị giam giữ một lần nữa vào năm 2012, ông đã tử vong vì căng thẳng.
“Những gì mà ĐCSTQ đang làm với người dân của họ càng ngày càng trở nên tồi tệ”, Giáo sư Ben Sasse nói trong một thông cáo báo chí sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người có đức tin. “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn để vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ cho đến khi họ phải thừa nhận những tội ác mà họ đã gây ra”.
Theo The Epoch Times
Lục Du biên dịch

Đại sứ Trung Quốc tố Mỹ

làm gia tăng căng thẳng Biển Đông

Minh Tuệ
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, hôm thứ Tư (5/8) cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông khi điều tàu đến khu vực này, “làm leo thang nguy cơ xảy ra xung đột [vũ trang]”, theo NBC News.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Thôi bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đang vận dụng chiến lược đe doạ trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc các hoạt động quân sự của Mỹ đang thúc đẩy nguy cơ đối đầu trong khu vực.
Phát biểu trên của ông Thôi được đưa ra vài tuần sau khi Hải quân Mỹ điều một tàu khu trục đến Biển Đông tuần tra tự do hàng hải sau khi Bộ ngoại giao nước này ra thông cáo bác gần như toàn bộ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên.
Tại diễn đàn Asper được tổ chức trực tuyến, ông Thôi cho biết Bắc Kinh không muốn ​​Chiến tranh lạnh nổ ra giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh hai bên cần phải nỗ lực điều chỉnh mối quan hệ hiện đang trong tình trạng căng thẳng “chưa từng có”.
“Tôi cho rằng một cuộc Chiến tranh lạnh mới sẽ không có lợi cho bên nào”, nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc nói.
“Không hiểu sao người ta lại thích thuật ngữ Chiến tranh lạnh đến thế,” ông nói thêm. “Chúng ta đang ở thế kỷ 21. Làm sao chúng ta có thể để lịch sử lặp lại được?”
Theo ông Thôi, quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua, cụ thể là kể từ khi Tổng thống Richard Nixon mở cuộc đối thoại với Bắc Kinh năm 1971.
Đại sứ Trung Quốc cho biết quan hệ Mỹ – Trung “đang ở một thời điểm rất nghiêm trọng” sau nhiều thập kỷ bình thường hoá quan hệ.
Bất chấp những căng thẳng hiện có, ông Thôi cho biết hai bên vẫn có cơ hội hợp tác trong một loạt các vấn đề như thương mại, xử lý đại dịch virus Vũ Hán, và biến đổi khí hậu.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang gia tăng và khi cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ đều nhất trí rằng nước này cần có biện pháp cứng rắn với Trung Quốc.
Tại diễn đàn, ông Thôi đã bác bỏ chỉ trích của Mỹ về các hoạt động thương mại bất công của Trung Quốc, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng các hãng công nghệ Trung Quốc như TikTok là mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người dân Mỹ và các nước khác.
“Tôi nghĩ không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ công ty nào đang cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Người đưa ra những lời cáo buộc đó, nhưng lại chẳng đưa ra bằng chứng nào”, ông Thôi nói khi được hỏi về TikTok.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đe dọa sẽ trục xuất TikTok khỏi thị trường Mỹ, nhưng mới đây cũng để ngỏ khả năng cho phép Microsoft mua lại mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng gần đây khi Trung Quốc và Mỹ cho đóng cửa lãnh sự quán hai bên, sau khi chính quyền Trump hồi tháng trước lên án Bắc Kinh điều phối hoạt động gián điệp tại lãnh sự quán Houston.
Cách đây hơn một tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu về chính sách tương lai của chính quyền Tổng thống Trump, trong đó ông nhấn mạnh việc buộc Trung Quốc thay đổi đường hướng là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”

Hollywood bị tố cáo phục tùng Bắc Kinh,

tự kiểm duyệt vì thị trường Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Vào lúc quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hẳn lên trên mọi mặt, và Bắc Kinh công khai kêu gọi giới doanh nhân Mỹ góp phần ngăn chặn bàn tay của chính quyền Trump, PEN America, một hiệp hội bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ vào hôm qua, 05/08/2020 đã công bố một bản phúc trình tố cáo Hollywood, tức
là ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, là đã phục tùng các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc.
Bản báo cáo dày gần 100 trang, mang tựa đề không khoan nhượng “Chế tạo tại Hollywood, kiểm duyệt bởi Bắc Kinh – Made in Hollywood, Censored by Beijing”, đã tố cáo giới làm phim ảnh tại Mỹ, từ các nhà biên kịch, nhà sản xuất, cho đến các đạo diễn, các hãng phim, là trong thời gian qua đã không ngần ngại sửa đổi kịch bản, cắt bỏ những đoạn phim, thay đổi mọi thứ chỉ để chiều lòng bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh với hy vọng tiếp cận được số 1,4 tỷ người tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc.
PEN America đã liệt kê một loạt những hành vi tự kiểm duyệt của ngành điện ảnh Mỹ để phục tùng các đòi hỏi của Bắc Kinh, chẳng hạn như xóa bỏ những chi tiết mà Trung Quốc không thích trên những bộ phim, từ hình lá cờ Đài Loan trên chiếc áo khoác (blouson) của diễn viên Tom Cruise trong phim Top Gun: Maverick nổi tiếng, cho đến việc xóa hẳn các cảnh cho thấy Trung Quốc là nơi xuất phát của một con virus cương thi trong phim World War Z, ra vào năm 2013.
Ngoài ra, cũng trong phạm vị tự kiểm duyệt để khỏi đụng chạm Trung Quốc, giới điện ảnh Hollywood còn tránh né những chủ đề nhạy cảm, về chính trị như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương hay Hồng Kông đã đành, mà cả về văn hóa, xã hội, như không cho thấy những nhân vật thuộc cộng đồng đồng tính, chuyển giới LGBTQ.
Một hình thức phục tùng Trung Quốc khác là mời luôn phía Trung Quốc tham gia các bộ phim, kể cả các cán bộ kiểm duyệt để cố vấn cho họ cách tránh né cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.
Không chỉ tránh các chủ đề gây mất lòng, giới điện ảnh Hollywood còn bị cáo buộc sẵn sàng tuyên truyền cho Trung Quốc. Ví dụ được PEN America nêu bật trong báo cáo là bộ phim thiếu nhi Abominable (mà Việt Nam đặt tên là Everest, Người tuyết bé nhỏ) đã đưa hẳn tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông  vào phim, bất chấp thực tế là đường ranh giới đó đã bị một tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết là phi pháp.
Đối với PEN America, “vuốt ve chính quyền và các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã trở thành một kiểu cách làm ăn giống như mọi kiểu khác”. Có người thậm chí còn tự ý kiểm duyệt mà không cần được yêu cầu.
Vấn đề theo hiệp hội Mỹ, là Bắc Kinh có một hệ thống kiểm duyệt mang tính chất đàn áp nặng nề nhất thế giới, nằm ngay trong cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, có quyền quyết định cho phim nước ngoài nào được chiếu trên thị trường Trung Quốc.
Chỉ một số ít phim nước ngoài được chiếu mỗi năm, và thường là những phim Mỹ như Avengers: Endgame hay Spider-Man: Far From Home đạt được những doanh thu khổng lồ tại Trung Quốc, thậm chí còn hơn cả số thu tại Mỹ.
Chính vì lý do tiếp cận thị trường Trung Quốc béo bở mà nhiều hãng phim Mỹ sẵn sàng “bán mình” cho Bắc Kinh.
PEN America nêu bật ví dụ của một cựu lãnh đạo của Disney, Michael Eisner, đã xin lỗi Bắc Kinh sau khi phim Kundun của Martin Scorsese, ra năm 1997, nói về cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong, bị cấm ở Trung Quốc.
Hiệp hội Mỹ lo ngại là “cách tiếp cận của Hollywood, nhượng bộ những yêu sách của Bắc Kinh, sẽ nêu gương xấu cho phần còn lại của thế giới”, ở cả những nước vẫn tự hào về quyền tự do ngôn luận.

Học khu Los Angeles đạt thỏa thuận mở lại lớp học

vào tháng 08/2020 với nghiệp đoàn giáo chức

Tin từ Los Angeles, California – Học khu Los Angeles và nghiệp đoàn giáo chức vừa đạt thỏa thuận thử nghiệm phương pháp dạy học từ xa để được mở lại lớp học trực tiếp trong tháng này.
Trong số các vấn đề đã được giải quyết là việc liệu giáo viên có bắt buộc phải có mặt trong lớp học để  dạy từ xa trong khi học sinh vẫn ở nhà. Nghiệp đoàn United Teachers Los Angeles đã phản đối yêu cầu này vì lo lắng cho sức khỏe và an toàn của họ.
Theo thỏa thuận, giáo viên không bắt buộc phải có mặt trong lớp học. Ngoài ra còn có các thỏa thuận khác như về mốc thời gian: mặc dù năm học mới sẽ bắt đầu từ 17/08/2020, 2 ngày đầu tiên sẽ dành cho giáo viên chuẩn bị và thu xếp. Giáo viên sẽ liên lạc với gia đình học sinh vào chiều ngày 19/08/2020 để
làm quen và giới thiệu các thủ tục. Sau đó sẽ là một “khởi đầu” cho năm học từ ngày 20 đến 28/08/2020, bao gồm thời gian làm quen với kỹ thuật được sử dụng trong giảng dạy.
Về thời khóa biểu: Giờ học mỗi ngày sẽ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 2 giờ 15 chiều. Thứ Hai được chỉ định là ngày hỗ trợ giảng dạy, trong khi lịch học bình thường của học sinh sẽ diễn ra từ thứ Ba đến thứ Sáu.  H
ai bên đạt được thỏa thuận vào tối Chủ nhật (2 tháng 8), nhưng vẫn cần được thành viên nghiệp đoàn và hội đồng nhà trường phê chuẩn. Nếu được chấp thuận, thỏa thuận sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2020 hoặc cho đến khi học sinh được phép trở lại trường. (BBT)

Một học sinh lớp 2 tại Georgia xét nghiệm dương tính

với coronavirus sau ngày đầu đến trường

Một học sinh lớp hai đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau ngày đầu đến trường tại tiểu bang Georgia.
Vào hôm thứ hai (3 tháng 8), trường Sixes Elementary tại Học khu Quận Cherokee đã bắt đầu các lớp học trực tiếp. Nhưng đến thứ ba (ngày 4 tháng 8), một lớp học đã tạm thời đóng cửa để khử trùng và giáo viên và 20 học sinh khác đã được yêu cầu cách ly trong hai tuần sau khi một học sinh xét nghiệm dương tính với coronavirus. Phụ huynh và các viên chức đã tranh luận về việc có an toàn để cho con em trở lại trường học hay không khi số ca nhiễm virus đã tăng vọt trên toàn quốc.
Trong khi các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về cách trẻ em lây lan virus, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, bác sĩ Anthony Fauci đã nhấn mạnh rằng các trường học cần phải chú ý đến sự an toàn trong kế hoạch mở cửa trở lại của họ.
Quận Cherokee đề nghị, nhưng không bắt buộc, trẻ em phải đeo khẩu trang ở trường nếu không thể thực hiện khoảng cách xã hội. Học khu sẽ chỉ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang nếu tiểu bang ban hành lệnh bắt buộc, nhưng cho đến nay, thống đốc Georgia Brian Kemp vẫn từ chối yêu cầu ban hành lệnh này. Các ca nhiễm liên quan đến trường học đã xuất hiện tại Georgia ngay cả khi nhiều trường tiến hành học trực tuyến vào ngày đầu năm học.
Kể từ khi Học khu Marietta City Schools mở cửa để chuẩn bị cho năm học mới vào ngày 27 tháng 7, 5 nhân viên đã xét nghiệm dương tính và một nhân viên khác dù chưa có kết quả nhưng được cho là dương tính.  (BBT)

Mỹ: Một số người lâm bệnh,

tử vong vì uống nước rửa tay sát khuẩn

Mười lăm trường hợp ngộ độc chất methanol do uống thuốc rửa tay có cồn tại Arizona và New Mexico trong tháng 5 và 6, dẫn tới 4 ca tử vong, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ngày 5/8.
Thuốc rửa tay được quảng bá như một cách thức quan trọng để ngăn sự lây lan của virus corona tại Mỹ, và CDC khuyến cáo sử dụng các sản phẩm có cồn để rửa tay nếu xà phòng và nước không có.
Tất cả thuốc rửa tay có cồn được FDA chấp thuận chỉ được chứa chất ethanol hay isopropanol, nhưng một số sản phẩm nhập khẩu bị phát hiện có chứa chất methanol, CDC nói trong một phúc trình.
Cuộc nghiên cứu cảnh báo là bị ngộ độc nặng vì methanol có thể làm mù mắt hay chết, và yêu cầu mọi người kiểm tra xem thuốc rửa tay có chất methanol hay không. Ba trong số mười lăm bệnh nhân bị ngộ độc cư ngụ tại các tiểu bang Tây Nam đã được xuất viện với thị giác kém, CDC nói.
CDC đã làm việc với hai tiểu bang vừa kể để kiểm tra hồ sơ các cuộc gọi vào trung tâm ngộ độc và phát hiện 15 bệnh nhân trưởng thành đã dùng thuốc rửa tay có cồn. Tất cả những người này đã nhập viện vì uống các sản phẩm rửa tay có cồn.
Một cuộc thăm dò trước đây của CDC được thực hiện ít lâu sau khi Tổng thống Donald Trump công khai nêu câu hỏi là liệu tiêm thuốc sát trùng có chữa được COVID-19 hay không và đã phát hiện là hơn một phần ba người Mỹ sử dụng sai những sản phẩm như vậy để ngừa lây nhiễm.
Các nhà nghiên cứu nói phát hiện của họ cho thấy có khả năng tương tự tại các tiểu bang và những địa phương khác, và khuyến cáo nên tiếp tục phổ biến thông điệp an toàn để tránh tái diễn trường hợp tương tự.

Mỹ trả 1 tỉ đô la mua 100 triệu liều vaccine của J&J

Chính phủ Mỹ sẽ trả cho công ty Johnson &Johnson hơn 1 tỉ đô la cho 100 triệu liều vaccine tiềm năng ngừa COVID trong lúc Hoa Kỳ dự trữ vaccine và thuốc trị COVID để khống chế dịch.
Hợp đồng mới nhất có giá khoảng 14,5 đô la mỗi liều vaccine, trong đó có 456 triệu đô la trước đây mà chính phủ Mỹ hứa cấp cho J&J để chế tạo vaccine hồi tháng 3 năm nay. Giá hợp đồng mỗi liều Mỹ trả cho vaccine do Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức hợp tác sản xuất là 19,50 đô la.
J&J hiện đang nghiên cứu cả hai dạng một liều và hai liều vaccine. Ứng viên vaccine của Pfizer và BioNTech đều đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiêm hai liều.
Chính phủ Mỹ cũng có thể mua thêm 200 triệu liều theo một thỏa thuận tiếp theo. J&J không tiết lộ trị giá thỏa thuận đó.
Trong lúc cuộc chạy đua tìm vaccine và thuốc chữa trị COVID-19 gia tăng mạnh mẽ, chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận mua các loại thuốc này qua chương trình Operation Warp Speed. Các hãng dược khác cũng đã ký thỏa thuận gồm có Sanofi SA và Regeneron.
Vaccine của J&J hiện được thử nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh tại Mỹ và Bỉ trong cuộc nghiên cứu giai đoạn đầu.
Hiện chưa có vaccine COVID-19 nào được chấp thuận. Hơn 20 ứng viên vaccine đang được thử ngiệm lâm sàng.

Thành phố New York lập chốt kiểm soát cách ly COVID

Thành phố New York của Mỹ sẽ đặt các chốt kiểm soát cách ly COVID-19 tại các cửa khẩu chính để đảm bảo là khách đến từ 35 tiểu bang có COVID bùng phát mạnh tuân thủ lệnh cách ly 14 ngày bắt buộc, Thị trưởng Bill de Blasio loan báo ngày 5/8.
Biện pháp này nhấn mạnh đến quyết tâm của thành phố từng là tâm dịch của Mỹ để ngăn ngừa tái phát COVID Trong khi các ca trên toàn quốc giảm 5%, nhưng trong tuần qua số người nhiễm lại gia tăng tại Oklahoma, Montana, Missouri và 17 tiểu bang khác.
Trung bình mỗi ngày tại Mỹ có 1.000 người chết vì COVID-19, với tổng số tử vong là hơn 157.000 người và 4,8 triệu ca lây nhiễm.
“Khách đến từ các tiểu bang này sẽ được thông báo tin tức về việc cách ly và sẽ được nhắc rằng đây là quy định bắt buộc chứ không phải tuỳ chọn,” ông de Blasio nói tại một cuộc họp báo. Ông cho biết trong một số trường hợp, tiền phạt vì không tuân lệnh cách ly có thể lên đến 10.000 đô la.
Văn phòng Cảnh sát Tư pháp, phối hợp với những cơ quan thi hành luật pháp khác, sẽ bắt đầu triển khai các chốt kiểm soát tại những cầu chính và những đường hầm đi vào Thành phố New York ngày 5/8.
Một phần năm của tất cả các ca mới tại Thành phố New York là từ du khách bên ngoài tiểu bang mang vào, bác sĩ Ted Long, người giám sát chương trình theo dõi tiếp xúc của thành phố nói.
Các toán sẽ được điều động đến Penn Station ở Midtown Manhattan vào ngày 6/8, ông nói, để đảm bảo việc du khách hoàn tất một mẫu đơn khai báo du hành.
“Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều thứ chẳng hạn như giao thức ăn miễn phí, hỗ trợ thuốc men, trực tiếp kết nối với bác sĩ qua điện thoại, hay cung cấp phòng khách sạn,” bác sĩ Long cho biết.
Đô thị này có lúc có hơn 800 người chết một ngày. Trong 3 ngày qua, Thành phố New York cho biết không có người nào chết vì virus corona và thị trưởng cho biết tỉ lệ lây nhiễm trong thành phố ở mức dưới 3% suốt tám tuần qua.
Bắt đầu giữa tháng 7, thống đốc bang New York, Andrew Cuomo triển khai những toán thi hành luật pháp tại các phi trường của tiểu bang để đảm bảo hành khách từ các tiểu bang có nhiều ca COVID phải cung cấp thông tin tiếp xúc hay có nguy cơ bị phạt 1.000 đô la.
Trường học ở Chicago dạy trực tuyến
Tại tiểu bang Illinois, nơi các ca COVID-19 tăng 6 tuần liên tiếp, hệ thống trường công Chicago sẽ bắt đầu niên học mới trên mạng, giới hữu trách loan báo ngày 5/8.
Giáo viên trong học khu lớn hàng thứ ba của cả nước với 350.000 học sinh, đã chống lại kế hoạch giảng dạy hỗn hợp vừa trực tuyến vừa trực tiếp.
Các trường học tại Los Angeles và San Diego cũng sẽ chỉ học trên mạng.
Năm tiểu bang bắt buộc học trực tiếp với giáo viên là Florida, Iowa, Missouri, South Carolina và Texas, theo tạp chí Education Week.
Virginia và North Carolina buộc học tất cả trên mạng. Trong khi đó, tại các nơi khác, các thống đốc, thị trưởng và các giới chức học khu đã đưa ra một loạt ý tưởng để tái mở cửa học đường vào tháng 8 và tháng 9.


Bầu cử 2020: Facebook, Twitter phạt Trump

 vì ‘thông tin sai lệch’ về Covid-19

Một đoạn video clip từ cuộc phỏng vấn trên Fox News của Tổng thống Trump được đăng lên trang Facebook của ông
Facebook và Twitter đã phạt Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông vì những bài đăng, trong đó ông tuyên bố trẻ em “gần như miễn nhiễm” với virus corona.
Facebook xóa bài đăng có chứa đoạn clip từ một cuộc phỏng vấn mà ông Trump dành cho Fox News – nói rằng nó chứa “thông tin sai lệch có hại về Covid”.
Twitter theo sau, nói rằng họ đã đóng băng một tài khoản của chiến dịch Trump 2020 cho đến khi tài khoảng này xóa một tweet chứa cùng clip đó.
Công bố của bộ Y tế Công cộng của Hoa Kỳ khẳng định là trẻ em không có khả năng miễn dịch với Covid-19.
Facebook và Twitter nói gì?
Người phát ngôn của Facebook cho biết tối thứ Tư: “Video này bao gồm các tuyên bố sai sự thật, rằng một nhóm người miễn nhiễm với Covid-19, điều này vi phạm chính sách của chúng tôi về thông tin sai lệch có hại về Covid.”
Đây là lần đầu tiên gã khổng lồ xã hội Facebook có động tác xóa nội dung do tổng thống đăng tải dựa trên chính sách thông tin sai lệch về virus corona, nhưng không phải là lần đầu tiên nó phạt ông Trump vì nội dung trên trang Facebook của ông.
Cuối hôm thứ Tư, Twitter cho biết họ đã đóng băng tài khoản @TeamTrump vì nó đăng cùng một đoạn trích cuộc phỏng vấn, mà tài khoản của Tổng thống Trump đã chia sẻ.
Một phát ngôn viên của Twitter cho biết dòng tweet của @TeamTrump “vi phạm Quy tắc của Twitter về thông tin sai lệch về Covid-19″.
“Chủ sở hữu tài khoản sẽ được yêu cầu xóa Tweet trước khi họ có thể Tweet lại.”
Dòng tweet này sau đó nó dường như đã bị xóa.
Twitter tháng trước đã tạm thời đình chỉ tài khoản của con trai của ông Trump, Donald Jr, vì chia sẻ một đoạn clip Twitter nói đã quảng bá “thông tin sai lệch” về coronavirus và hydroxychloroquine.
Nhưng trong tháng Ba, Twitter nói một tweet của doanh nhân Elon Musk gợi ý rằng trẻ em “cơ bản là miễn nhiễm” với virys corona đã không phá vỡ các quy tắc đó.
Trump nói gì trong cuộc phỏng vấn với Fox?
Phát biểu qua điện thoại trong chương trình Fox and Friends hôm thứ Tư, ông Trump lập luận rằng đã đến lúc tất cả các trường học trên toàn quốc mở cửa trở lại.
Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào trẻ em, trẻ em gần như – và tôi gần như sẽ nói chắc chắn – miễn nhiễm với căn bệnh này.”
“Rất ít, họ mạnh hơn, thật khó tin, tôi không biết bạn cảm thấy thế nào về điều đó, nhưng họ có hệ thống miễn dịch mạnh hơn nhiều so với chúng ta bằng cách nào đó.
“Và họ không có vấn đề gì, họ đơn giản là không có vấn đề gì.”
Ông cũng nói về virus corona: “Việc này sẽ biến mất. Nó sẽ biến mất giống như mọi thứ biến mất.”
Covid-19 nguy hiểm như thế nào với trẻ em?
Trẻ em có thể mắc và truyền virus, nhưng nguy cơ các em bị bệnh nặng do virus này cực kỳ thấp.
Người lớn – và đặc biệt là người lớn tuổi – có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do các biến chứng virus gây ra.
Nghiên cứu lớn nhất được thực hiện cho đến nay, với hơn 55.000 bệnh nhân nằm bệnh viện, cho thấy chỉ 0,8% bệnh nhân dưới 19 tuổi.
50% số người bị xác nhận nhiễm virus corona được đưa vào các đơn vị chăm sóc quan trọng ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland ở khoảng 60 tuổi trở lên tính đến ngày 31/7, theo một tổ chức nghiên cứu từ thiện.
Một nghiên cứu gần đây của Hoa Kỳ về các trường hợp nhiễm virus corona trong số 7.780 trẻ em từ 26 quốc gia cho thấy hầu hết 1/5 bệnh nhân không có triệu chứng. Một trong năm người khác bị tổn thương ở phổi trong quá trình nhiễm trùng.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Sức khỏe tại Đại học Texas ở San Antonio, khoảng 3,3% được đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt và 7 trường hợp tử vong đã được báo cáo.
Một nghiên cứu từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho thấy những người dưới 20 tuổi bị nhiễm virus corona ở tỷ lệ khoảng 50% so với người trên 20 tuổi.
Đã có một số trường hợp cực kỳ hiếm trẻ em phát triển hội chứng viêm tương tự như bệnh Kawasaki, và các nhà khoa học đang tìm hiểu về một phản ứng miễn dịch chậm có thể xảy ra với virus corona.
Lần trước Facebook gỡ bài của Trump là tại sao?
Tháng Sáu, Facebook nói đã xóa các quảng cáo về chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, trong đó dùng một biểu tượng được sử dụng bởi Đức Quốc xã.
Công ty nói quảng cáo vi phạm có chứa một hình tam giác ngược màu đỏ tương tự như hình tam giác được Đức Quốc xã sử dụng để gắn nhãn những đối thủ như cộng sản.
Ban vận động tranh cử của ông Trump nói nhóm hoạt động chống đối cực tả sử dụng biểu tượng này, và đó là một tham chiếu đến họ.
Quảng cáo, được đăng trên các trang web của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence, đã xuất hiện trực tuyến trong khoảng 24 giờ và nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trước khi chúng bị gỡ xuống.
Trường học ở Mỹ có mở cửa lại trong mùa dịch?
Hàng trăm khu học chánh trên toàn quốc đã hủy bỏ kế hoạch mở cửa lại khi tình trạng nhiễm virus corona tăng đột biến ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ.
Khoảng 20 trong số 25 khu học chánh lớn nhất của quốc gia thông báo rằng họ sẽ bắt đầu mở cửa bằng cách cho học online.
Trong số các trường không mở cửa trở lại có một trường do con trai tổng thống, Barron Trump, theo học ở ngoại ô Maryland.
Trường St Andrew’s Episcopal School cho biết trong một lá thư gửi phụ huynh, là thay vào đó sẽ chọn cho học online để bảo vệ sức khỏe của học sinh, gia đình và nhân viên.
Tuần trước, khu học chánh lớn nhất của tiểu bang Georgia, Quận Gwinnett, đã quay lại các trường học để bắt đầu lập kế hoạch mở cửa lại vào mùa thu.
Một ngày sau, 260 nhân viên được yêu cầu phải tránh xa trường vì họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona hoặc tiếp xúc với người khác bị nhiễm bệnh.
Một trong những học khu đầu tiên trên toàn quốc mở cửa trở lại, gần Indianapolis, tiểu bang Indiana, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với một học sinh vào ngày đầu tiên.
Phụ huynh của học sinh này đã đưa con đến trường, biết rằng kết quả kiểm tra của con đang chờ được xử lý, giới chức nhà trường cho biết.
Những sinh viên khác đã đến gần em học sinh này gần hơn 6ft trong hơn 15 phút đã được đưa về nhà để tự cách ly trong 14 ngày.

Quyền Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ rời chức

Quyền Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Akard rời chức và trở lại làm việc trong lĩnh vực tư, một phát ngôn viên của cơ quan cho biết ngày 5/8, chưa đầy 3 tháng sau khi người tiền nhiệm của ông Akard bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump cách chức.
Loan báo sự ra đi này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói người phó của ông Akard là bà Diana Shaw sẽ trở thành quyền tổng thanh tra mới.
Việc ra đi của ông Akard diễn ra sau khi người tiền nhiệm của ông là ông Steve Linick, gia nhập Bộ Ngoại Giao vào năm 2013, bị cách chức vào ngày 15/3 năm nay. Ông Linick là người mới nhất trong một loạt các quan chức giám sát của chính phủ bị ông Trump cách chức.
Phe Dân chủ trong Quốc hội đã mở cuộc điều tra về việc ông Trump cách chức ông Linick. Tổng thống Trump nói ông làm việc này theo yêu cầu của Ngoại trưởng Mike Pompeo, một trong những thành viên nội các được ông Trump tín nhiệm nhất.

Chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục 31 năm

nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế

Phụng Minh | DKN 7 giờ trước 761 lượt xem
Thứ Tư ngày 5/8, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đóng cửa với chỉ số Nasdaq đạt mức cao nhất trong 31 năm, khi chỉ số thu nhập của các doanh nghiệp cao hơn dự kiến.
Bất chấp thống kê từ ADP cho thấy dữ liệu việc làm tháng 7 tại Mỹ thấp hơn dự đoán của chuyên gia, phản ánh tác động của dịch bệnh đối với thị trường việc làm, các sàn chứng khoán vẫn tiếp tục gia tăng sau nhiều phiên tăng liên tiếp.
Sàn Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất nước Mỹ với khoảng 3.200 công ty niêm yết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Ngày 5/8 theo giờ Mỹ, sàn đã đóng cửa với mức điểm 10.998,40 tăng 0,52%, phá vỡ kỷ lục trước đó. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của Nasdaq, trong phiên có lúc chỉ số này vượt lên trên ngưỡng 11.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số Dow Jones đóng cửa cũng tăng 1,39% và chỉ số S&P đóng cửa tăng 0,64%.
Kết quả công bố cuối cùng của Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong ngành dịch vụ ISM đã tăng lên 58,1 điểm trong tháng 7, vượt quá kỳ vọng của các chuyên gia phân tích và báo trước sự gia tăng của chỉ số tăng trưởng kinh tế.
Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ tin rằng thị trường chứng khoán đóng cửa cao hơn vào thứ Tư vì nhiều công ty niêm yết của Hoa Kỳ đã công bố báo cáo tài chính tốt hơn kỳ vọng, cùng với đó là dự đoán sẽ có công bố vòng thứ hai của chương trình giải cứu tài chính từ phía chính phủ trong thời gian tới.
Các quan chức chính quyền Trump và đảng Dân chủ Hoa Kỳ đang cố gắng đạt được thỏa thuận để đạt được một dự luật hỗ trợ dịch bệnh vào cuối tuần này, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa của Thượng viện Hoa Kỳ, Mitch McConnell hôm thứ Tư nói rằng Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Dân chủ có khoảng cách trong các cuộc đàm phán.
“Tôi nghĩ cả hai bên đều muốn có kết quả. Đó là tin tốt. Tin xấu là chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, ông McConnell nói.
Nhà Trắng chỉ ra rằng nếu hai bên vẫn chưa đạt được sự nhất trí trước cuối tuần này, các nhà chức trách sẽ ký một dự luật khẩn cấp để triển khai trợ cấp dịch bệnh.
Theo Ling Shan, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Cử tri Missouri đồng ý

mở rộng chương trình y tế Medicaid

Tin Jefferson City, Missouri – Bất chấp sự phản đối của phe Cộng Hòa, tiểu bang Missouri vào thứ Ba, 4 tháng 8, đã phê chuẩn việc mở rộng chương trình Medicaid, gia nhập cùng 37 tiểu bang khác và vùng District of Columbia.
Cử tri Missouri đã đồng ý với việc thiết lập một tu chính án cho hiến pháp tiểu bang, điều chỉnh lại tiêu chuẩn hợp lệ của chương trình Medicaid, để có thể bao gồm cả những người trưởng thành khỏe mạnh, bắt đầu từ ngày 1 tháng 7, 2021.
Cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này với tỷ lệ 53.25% trên 46.75%. Tổng cộng 1,263,776 cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Ngoài Missouri, 5 tiểu bang khác với đa số dân cư nghiêng về Cộng Hòa cũng đã phê chuẩn việc mở rộng Medicaid, với cuộc bỏ phiếu gần đây nhất là tại Oklahoma vào ngày 30 tháng 6. Hiện vẫn còn 12 tiểu bang Hoa Kỳ không chấp nhận mở rộng Medicaid, với phần lớn trong số này là các tiểu bang Cộng Hòa ở miền nam.
Với kết quả bỏ phiếu tại Missouri, các cá nhân và gia đình có thu nhập bằng 138% mức nghèo đói của liên bang sẽ đủ tiêu chuẩn nhận Medicaid. Chính phủ liên bang sẽ trả 90% chi phí cho việc mở rộng chương trình hỗ trợ y tế này. Một nghiên cứu của Đại học Washington tại Saint Louis cho thấy, việc mở rộng Medicaid sẽ giúp Missouri tiết kiệm khoảng 39 triệu Mỹ kim một năm, chủ yếu là nhờ giảm bớt chi phí của các chương trình y tế khác.
Trong khi đó, phe phản đối khuyến cáo rằng, do tiểu bang phải chịu 10% chi phí Medicaid, việc mở rộng chương trình này có thể tạo gánh nặng tài chính lớn cho tiểu bang, đặc biệt là khi doanh thu từ thuế sụt giảm. (BBT)

Cựu kỹ sư Google lĩnh án 18 tháng tù

 vì đánh cắp bí mật xe tự hành

Vào hôm thứ ba (ngày 4 tháng 8), cựu kỹ sư Google Anthony Levandowski đã bị kết án 18 tháng tù sau khi nhận tội ăn cắp bí mật thương mại sau đó gia nhập Uber để giúp hoàn thành dự án chế tạo xe tự hành của công ty này.
Phán quyết này được Thẩm phán William Alsup đưa ra 4 tháng sau khi ông Levandowski đạt được thỏa thuận với các công tố viên liên bang. Levandowski, người đã giúp thực hiện dự án xe tự hành của Google trước khi gia nhập Uber, sẽ phải đóng phạt 850,000 mỹ kim.
Bên cạnh đó, thẩm phán Alsup đã thực hiện một hành động bất thường khi đề nghị Bộ Tư pháp mở một cuộc điều tra hình sự đối với Levandowski trong khi chủ trì một phiên tòa dân sự cao cấp giữa Uber và Waymo, một dự án xe hơi tự hành mà Google bắt đầu vào năm 2007 với Levandowski là một thành viên. Levandowski sau đó có mâu thuẫn với Google rồi rời công ty này vào năm 2016 và ra mắt công ty startup mang tên Otto.
Uber đã mua lại Otto vào cùng năm đó với giá 680 triệu mỹ kim. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi Google, Levandowski đã tải hàng ngàn hồ sơ bí mật về ổ cứng cá nhân và phải đối mặt với 33 tội trộm cắp tài sản trí tuệ.
Sau thỏa thuận biện hộ, Levandowski đã nhận một tội. Trong các tài liệu gửi cho tòa án, nhóm luật sư của Levandowski nói rằng những cáo buộc nói trên đã khiến thân chủ của họ từ một nhà tiên phong trong dự án xe tự hành trở thành một nhân vật khét tiếng tượng trưng cho sự tham lam tại Silicon Valley.
Các luật sư cho rằng Levandowski xứng đáng được hưởng khoan hồng vì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy thân chủ của họ đã sử dụng các bí mật thương mại của Google khi làm việc tại Uber. Uber sa thải Levandowski vào năm 2017.  (BBT)

Đặc phái viên Hoa Kỳ tuyên bố rằng

Washington sẽ tiếp tục ủng hộ ông Juan Guaido

 sau cuộc bầu cử tháng 12 của Venezuela

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ ba (4/8), đặc phái viên Hoa Kỳ cho biết chính quyền tổng thống  Trump sẽ tiếp tục xem nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela và hy vọng hàng chục quốc gia khác sẽ tiếp tục công nhận ông sau các cuộc bầu cử lập pháp ngày 6 tháng 12 mà các đảng đối lập lên kế hoạch tẩy chay.
Ông Elliott Abrams, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Venezuela, cam kết với ông Guaido hai ngày sau khi 27 đảng đối lập tuyên bố họ sẽ không tham gia các cuộc bầu cử, và tuyên bố rằng các sự kiện này sẽ bị gian lận bởi đảng cầm quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Đợt bầu cử này vẫn có thể khiến phe đối lập đánh mất kiểm soát Quốc hội Venezuela, và điều này có thể làm phức tạp hóa vị thế của ông Guaido do ông là phát ngôn viên của quốc hội. Khi làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Abrams khẳng định Hoa Kỳ “sẽ không công nhận cuộc bầu cử gian lận này”, đồng thời tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang thảo luận với khoảng 60 quốc gia ủng hộ ông Guaido và họ sẽ tiếp tục ủng hộ ông. Họ rút lại sự công nhận cho ông Maduro sau cuộc tái bầu cử năm 2018 của ông, mà họ xem là gian lận. Nhưng ông Maduro vẫn duy trì quyền lực, được hậu thuẫn bởi Nga, Trung Cộng, Cuba và Iran.
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết riêng rằng việc ông Maduro vẫn tiếp tục cầm quyền bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là một nguồn gây phẫn nộ cho Tổng thống Trump. (BBT)

Covid-19 : Brazil sắp chạm ngưỡng 100.000 ca tử vong

Thanh Hà
Sáu tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Brazil cận kề ngưỡng 100.000 ca tử vong. Liên tục trong một tháng, mỗi ngày vẫn có hơn 1.000 bệnh nhân thiệt mạng.
Theo lời một chuyên gia Đại học Y Sao Paulo, với đà này chỉ từ nay đến tháng 10/2020 thiệt hại về nhân mạng sẽ “tăng lên gấp đôi” : virus corona có nguy cơ cướp đi 200.000 sinh mạng tại quốc gia châu Mỹ Latinh này.
Bộ Y Tế Brazil ngày 05/08 cho biết trong ngày có thêm hơn 57.000 bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2. Trên toàn quốc đã có hơn 2,8 triệu bệnh nhân, gần 1.500 trong số này đã qua đời trong 24 giờ qua. Nhà xã hội học Brazil Celso Roccha de Baros xem dịch Covid-19 là “thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử” tại quốc gia có 212 triệu dân này. Khủng hoảng y tế không hề thuyên giảm kể từ khi Brazil ghi nhận ca tử vong đầu tiên hôm 26/02.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia về thống kê Brazil thuộc Đại học Y Sao Paulo, ông Domingos Alves cho rằng “đỉnh dịch vẫn còn ở phía trước”. Chuyên gia này mạnh mẽ lên án chính quyền của tổng thống Bolsonaro coi thường sinh mạng của người dân và cương quyết phủ nhận tính nguy hại của virus corona. Theo chuyên gia này, đến đầu tuần tới, Brazil sẽ đụng ngưỡng 100.000 người chết và từ nay đến tháng 10/2020 sẽ có 200.000 ca tử vong, do Brazil là một trong những quốc gia trên thế giới không áp dụng nghiêm chỉnh các biện pháp phong tỏa như tại châu Âu.
Mỹ : Thêm 1.269 người qua đời vì Covid-19
Hoa Kỳ  cũng chưa có dấu hiệu thoát khỏi đại dịch. Đại học Johns Hopkins thẩm định trên toàn quốc có thêm 1.269 ca tử vong trong vòng 24 giờ, tính đến chiều tối 05/08. Riêng bang Florida từ đầu mùa dịch đến nay ghi nhận hơn nửa triệu ca dương tính với siêu vi corona chủng mới. Virus corona đã cướp đi sinh mạng của gần 158.000 người Mỹ, nhưng tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra lạc quan. Ông cam chắc là virus sẽ “biến mất”.
Châu Âu đề cao cảnh giác
Tại Pháp, các giới chức y tế cảnh báo về nguy cơ “diễn biến xấu” vẫn có thể xảy ra. Ngày 05/08, trên toàn quốc có thêm gần 1.700 ca nhiễm và có thêm 19 ổ dịch được phát hiện.
Vương quốc Bỉ thông báo 225 nhân viên một lò mổ tại Staden, khu vực tây bắc, bị cách ly sau khi phát hiện ít nhất 18 ca dương tính với virus corona.

Vaccine Covid-19:

thân ai nấy lo hay lo chung cho thế giới?

Thế giới sẽ đối mặt thách thức về việc phân phối vaccine chống Covid-19 sao cho công bằng trong lúc Mỹ và các nước phương Tây tranh thủ trước nguồn cung cho dân mình còn Trung Quốc đang dùng ‘ngoại giao vaccine’ với thế giới, giới quan sát nhận định.
Một số chuyên gia bình luận với VOA rằng mặc dù ‘không có gì sai’ trong việc phương Tây thủ sẵn nguồn cung vaccine cho bản thân, các nước cũng nên xây dựng một cơ chế phân phối chung để đảm bảo người dân các nước nghèo tiếp cận được vaccine.
Trong nỗ lực đảm bảo có sẵn nguồn cung một khi vaccine được tìm ra, Mỹ, nước bị virus corona hoành hành nặng nhất thế giới, đang chi hàng tỉ đô la đầu tư cũng như đặt hàng trước hàng trăm triệu liều từ các công ty dược như Moderna, Pfizer, và liên minh Đại học Oxford-AstraZeneca.
Mới đây nhất, Mỹ loan báo sẽ chi 2,1 tỷ đô la cho hai hãng dược Sanofi của Pháp và GSK của Anh để đặt trước 100 triệu liều vaccine. Trước đó, Liên minh châu Âu cũng đặt hàng 300 triệu liều từ hai hãng này.
Vaccine là ‘của chung’
Điều này dẫn đến quan ngại là trong cuộc cạnh tranh mặt hàng quan trọng này, nhiều nước nghèo sẽ bị cho ra rìa và như vậy sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả thế giới.
Tại một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nếu vaccine của Trung Quốc thử nghiệm thành công, đó sẽ là tài sản chung (public good) của thế giới. Trong kinh tế học, ‘public good’ có nghĩa là lợi ích mà bất cứ ai, cho dù đóng góp hay không đóng góp, đều có quyền tiếp cận và không thể vì người này có mà người kia không có được.
Kể từ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục nhắc đi nhắc lại thông điệp này trong nỗ lực định hình Bắc Kinh như là ‘lãnh đạo toàn cầu chống dịch Covid-19’, theo tờ South China Morning Post.
Hồi tháng trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc sẽ không hành xử như một số nước để tìm kiếm sự độc quyền vaccine hay mua hết vaccine.”
Trung Quốc hiện có hai ứng viên vaccine của các tập đoàn Sinovac và Sinopharm mà họ loan báo đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối ở Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, giới quan sát không rõ làm sao họ có thể biến vaccine của mình thành ‘của chung’ cho thế giới trong khi cần phải tiêm cho 1,4 tỷ dân trong nước trước đã.
WHO đã xây dựng một cơ chế gọi là Covax để đảm bảo phân phối vaccince công bằng cho các quốc gia tham gia. Bắc Kinh không tham gia Covax nhưng đưa ra những đề nghị hào phóng cho các nước đang phát triển.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc trong thời gian qua đã nêu Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippines là các nước có thể được hưởng lợi từ vaccine của Trung Quốc, theo SCMP.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn đề xuất cho các nước Mỹ Latin và Caribe vay 1 tỷ đô la để mua vaccine, SCMP dẫn nguồn từ chính phủ Mexico cho biết. Trước đó, ông Tập hứa sẽ ‘dành ưu tiên cho các nước Phi châu’ một khi Trung Quốc tìm ra vaccine.
‘Xây dựng hình ảnh’
Việc giúp các nước thu nhập trung bình thấp có nguồn cung vaccine ‘sẽ giúp củng cố uy tín quốc tế của Trung Quốc, ông Hoàng Nghiêm Trung, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, được SCMP dẫn lời nói.
“Nếu Trung Quốc chơi lá bài ‘ngoại giao vaccine’ thì điều này sẽ giúp họ biểu dương sức mạnh mềm và giúp họ thổi thêm sức sống cho Ý tưởng Vành đai Con đường,” ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, do quy mô dân số Trung Quốc quá lớn, nếu muốn có đủ nguồn lực giúp cho các nước khác, Bắc Kinh phải tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vaccine và chuyển hướng ngành công nghiệp vaccine vốn đang chuyển từ phục vụ nội địa ra phục vụ nước ngoài.
Theo số liệu của WHO thì mặc dù Trung Quốc sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine cho các chứng bệnh khác mỗi năm, trên thị trường thế giới, vaccine Trung Quốc bị lép vế rất nhiều so với các công ty Ấn Độ và các tập đoàn đa quốc phương Tây.
Cũng theo SCMP, những người am hiểu cho rằng trọng tâm của ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc vẫn là ‘đáp ứng nhu cầu trong nước’. Tờ báo này dẫn lời bà Helen Chen thuộc công ty tư vấn quản lý LEK cho biết Trung Quốc đang chuyển một số cơ sở chuyên sản xuất quy mô lớn vaccine tiêm chủng cho trẻ em sang làm vaccine cho Covid-19.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, chỉ trong tháng qua đã có 13 công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở sản xuất vaccine. Một trong số đó đặt ở Vũ Hán có công suất 100 triệu liều mỗi năm và một ở Bắc Kinh có công suất 120 triệu liều.
Tuy nhiên, liệu các nước có tin tưởng vào vaccine ‘made in China’ hay không cũng là một vấn đề. Ngành công nghiệp vaccine nước này đã từng gặp nhiều bê bối về tiêu chuẩn thấp, trong đó có vụ bán vaccine tiêm chủng cho trẻ em ‘dưới chuẩn’.
Thách thức sản xuất đại trà
Hàng loạt vấn đề khó khăn phát sinh khi chuyển sang sản xuất vaccine đại trà ở quy mô cực lớn để đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người trên thế giới.
“Hiện chỉ riêng số lọ chứa vaccine thôi đã là không thể cung ứng nổi,” Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nói và cho biết trên thế giới ‘hiện chỉ có mười mấy công ty sản xuất lọ chứa thôi’ nên trong thời gian tới nhiều công ty sản xuất lọ nước hoa cũng phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất để tham gia sản xuất lọ đựng vaccine.
Giáo sư Lộc cũng nêu vấn đề về nguồn nguyên liệu, các loại hóa chất cần thiết, khả năng lưu trữ ở quy mô lớn, khả năng chuyên chở và hệ thống kiểm soát chất lượng cho từng khâu. Tất cả đều phải đồng bộ cùng một lúc mà nếu thiếu một khâu thì việc sản xuất vaccine cũng bị tắc nghẽn.
Theo lời ông, các hãng vaccine chưa bao giờ đối mặt với nhu cầu lớn đến hàng tỷ đơn vị vaccine như thế ‘nên phải mở rộng thêm nhà máy, xây dựng thêm cơ sở, chế tạo thêm máy móc, đào tạo thêm nhân công để đảm bảo sản xuất đồng loạt’.
“Các công ty phải gia tăng sản xuất, làm cả ngày lẫn đêm,” ông dẫn giải và cho biết ngay cả các hãng tân tiến của Mỹ hay Châu Âu ‘cũng gặp thách thức không nhỏ’ nên ông bày tỏ nghi ngờ về năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc.
“Từ xưa đến giờ họ sản xuất rất ồ ạt nhưng phần nhiều là công nghệ thấp trong khi vaccine là công nghệ gần như là tối cao rồi,” Giáo sư Lộc nói với VOA.
‘Chủ nghĩa dân tộc vaccine’
Việc các nước phương Tây tranh mua trước vaccine được xem như là một dạng ‘chủ nghĩa dân tộc vaccine’ (vaccine nationalism). Điều này được cho rằng sẽ khiến dịch kéo dài hơn nữa vì những nơi cần vaccine nhất để chặn đứng đà lây của dịch có thể sẽ không có thuốc.
Ngoài Mỹ, Anh cũng đã đặt mua trước 60 triệu liều từ hai hãng GSK và Sanofi. Hai hãng dược này cũng đã ký hợp đồng cung cấp 300 triệu liều cho châu Âu. Ngoài ra, bốn nước Đức, Pháp, Ý và Hà Lan còn đặt thêm trước 300 triệu liều từ hãng dược AstraZeneca vốn hợp tác với Đại học Oxford. Nhật đã mua trước 120 triệu liều với các hãng Pfizer và BioNTech, còn Viện Serum của Ấn Độ nói phần lớn vaccine họ sản xuất ra sẽ được cung cấp cho thị trường trong nước, theo Bloomberg.
Theo nhận định của hãng tin này thì cách làm ‘mạnh ai nấy lo’ nhiều khả năng ‘sẽ đẩy giá vaccine lên cao’ – ngoài khả năng tiếp cận của các nước nghèo. Bloomberg nhắc lại hồi dịch cúm H1N1 năm 2009, các nước giàu ‘mua hết toàn bộ nguồn cung vaccine có sẵn’.
Bloomberg cho rằng vaccine nên được cung cấp cho ‘nhóm đối tượng rủi ro cao nhất trên toàn thế giới’ thay vì ‘chích hết cho toàn bộ dân của các nước giàu’.
Trước khả năng ‘hỗn loạn của thị trường vaccine trong thời gian đầu’ khi các công ty vì lợi nhuận có thể tìm cách đẩy giá trước sự tranh mua của các nước, Tiến sĩ Lộc tin rằng ‘các chính phủ sẽ ra luật’ khống chế giá cả.
Ông đề xuất các nước nên có sự phối hợp để xây dựng cơ chế phân phối chung trong đó có trình tự ưu tiên rõ ràng. Trong việc này, sẽ rất cần vai trò của WHO hay Liên Hiệp Quốc đứng ra điều phối.
“Cần phải ưu tiên từ cao nhất là các nhân viên y tế trên tuyến đầu, rồi đến các nhân viên y tế còn lại mới đến nhưng người có bệnh nền, những người già cả,” ông phân tích. “Có thứ tự rõ ràng như thế thì không ai có thể tranh giành được.”
Các nước tranh nhau đặt mua vaccine để bảo vệ dân mình là điều dĩ nhiên và việc chi tiền đặt hàng trước cũng ‘giúp các công ty có tiền bạc, có động lực để mà theo đuổi nghiên cứu vaccine trong đường dài,’ vị chuyên gia này nhận định.
“Nhưng Mỹ và EU cũng không thể bỏ qua các nước nghèo, như châu Phi hay những vùng lây lan nhiều cần có sự ưu tiên như trợ giá, cho mượn, cho vay hay cho luôn để mua vaccine nhưng với điều kiện rõ ràng là vaccine cần được dùng đúng chỗ nào cần nhất,” Tiến sĩ Lộc nói.
Từ Houston, Texas, bác sỹ Nguyễn Đông Châu thuộc bệnh viện Houston Methodist, nhận định rằng việc Trung Quốc hay Nga sản xuất được vaccine cho dân họ sẽ giúp làm giảm gánh nặng vaccine cho thế giới.
‘Chủ nghĩa bình đẳng’ trong phân phối vaccine ‘nghe thì hay nhưng trên thực tế không thể làm được, bác sĩ Châu chia sẻ quan điểm với VOA.
“Tiền của dân Mỹ đóng thuế cấp cho các công ty vaccine thì tất nhiên dân Mỹ sẽ được ưu tiên,” bác sĩ Châu giải thích.
Ông Lộc cho rằng các nước phương Tây có thể sẽ không dùng hết số vaccine mà họ đã đặt mua. Khi đó, họ có thể chuyển sang cho các nước cần hơn.
“Ví dụ Châu Âu họ đặt 400 triệu liều nhưng người dân của họ theo thống kê chỉ có 70% chích ngừa thôi, 30% còn lại sẽ như thế nào,” ông đặt vấn đề.

Covid-19 : Hơn 700.000 người chết trên thế giới,

thêm 1.300 ca tử vong tại Mỹ

Thu Hằng
Virus corona tiếp tục gây thảm họa về nhân mạng. Tính đến sáng 05/04/2020, số ca tử vong trên thế giới đã vượt quá 700.000. Nhiều nước đang có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ hai, thứ ba của dịch Covid-19, trong khi virus corona vẫn hoành hành ở châu Mỹ.
Dựa trên số liệu từ hai tuần gần đây được Reuters thống kê, trung bình hàng ngày có 5.900 người chết vì Covid-19, tương đương với mỗi giờ có 247 người qua đời hoặc cứ 15 giây có một ca tử vong vì virus corona.
Số ca tử vong lại đột ngột tăng tại Hoa Kỳ, thêm hơn 1.300 ca trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 04/08, nâng tổng số người chết lên thành hơn 156.000 người. Số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh, thêm 53.847 trường hợp trong vòng một ngày (tổng số ca nhiễm là 4,77 triệu), theo số liệu của đại học Baltimore.
Giải thích về số ca nhiễm mới không ngừng tăng, trong buổi họp báo hàng ngày tối 04/08, tổng thống Trump vẫn cho là nhờ vào số lượng xét nghiệm được thực hiện : “Chỉ riêng Hoa Kỳ xét nghiệm số người trong một tuần nhiều hơn cả tất các nước lớn gộp lại”.
Virus corona lây trên diện rộng tại nhiều bang ở miền nam và tây Hoa Kỳ từ cuối tháng Sáu. Trong khi đó, nhiều quốc gia Nam Mỹ và vùng Caribê chật vật hoặc gần như bất lực trong việc phòng chống Covid-19 do tình trạng nghèo khổ và mật độ dân số cao ở nhiều khu vực.
Brazil, quốc gia bị tác động nặng thứ hai, có thêm 1.154 người chết và 51.603 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu của bộ Y Tế. Tổng số ca tử vong tại Brazil sắp vượt ngưỡng 100.000 với hơn 2,8 triệu ca nhiễm được xác nhận.

Nghị sĩ Anh kêu gọi

phương Tây đoàn kết chống lại Trung Quốc

Minh Khuê
Nghị sĩ Anh Tobias Ellwood đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi phương Tây phải đoàn kết ngăn chặn mối đe dọa địa chính trị mà ĐCSTQ đặt ra với phần còn lại của thế giới, theo The BL.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài TalkRadio gần đây, Nghị sĩ Ellwood nói rằng, ông muốn Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng lên chống lại Trung Quốc, và nhận định Bắc Kinh là mối đe dọa địa chính trị, vì thế phương Tây cần liên minh để chống lại lực lượng này.
Ông Elwood nêu quan điểm rằng phương Tây cần phải hiểu rõ hơn bản chất của chính quyền Trung Quốc.
“Hiện tại, chúng ta phải đối mặt với một thực tế, rằng chúng ta đã hoàn toàn vì vấn để chính trị và kinh tế mà bỏ qua việc chính quyền Trung Quốc vi phạm dân chủ và nhân quyền”, ông nói.
“Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng đây là một chính quyền cộng sản”, ông Elwood nói thêm, và đề xuất rằng phương Tây nên đoàn kết để có một chiến lược chung đối đầu với ĐCSTQ.
“Thương mại chính là mấu chốt. Gót chân Asin của ĐCSTQ nằm ở chỗ Trung Quốc chỉ có thể phát triển bằng cách giao dịch với phần còn lại của thế giới”, ông nói.
Các tuyên bố của ông Ellwood được đưa ra vào thời điểm chưa đầy một tháng sau khi London ra quyết định cấm công ty Huawei của Trung Quốc tham gia dự án xây dựng mạng 5G của Anh.
The BL đánh giá, quyết định của chính phủ Anh phù hợp với quan điểm của Nhà Trắng khi Washington đã cấm Huawei tham gia vào mạng 5G của Hoa Kỳ sau khi chỉ ra rằng công ty này có mối liên kết chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.

Covid-19 : Phim lẻ được phát hành trực tuyến

thay vì chiếu ở rạp

Tuấn Thảo
Gần hai tháng sau ngày dỡ bở lệnh phong tỏa, đông đảo khán giả Pháp vẫn chưa trở lại các rạp chiếu phim. Trong 6 tuần lễ liên tục, lượng khách mua vé đi xem xinê vẫn chỉ đạt tới ngưỡng một triệu khán giả mỗi tuần, tức là chưa bằng một phần ba so với cùng thời kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất đã chọn phát hành phim trên mạng thay vì ra mắt phim ở rạp.
Đó là trường hợp sắp tới đây của các bộ phim quay cho màn ảnh lớn như ‘‘Bronx’’ của đạo diễn Olivier Marchal, bộ phim hài cổ trang của Pháp ‘‘Brutus chống César’’ của đạo diễn Kheiron hay là tác phẩm ‘‘Forte’’ thuộc dòng phim tình cảm xã hội của nữ đạo diễn Katia Lewkowicz.
Theo bà Sidonie Dumas, giám đốc điều hành hãng phim Gaumont, tác phẩm mới của đạo diễn Olivier Marchal, ban đầu dự trù được phát hành vào mùa thu 2020, sẽ được khởi chiếu trên mạng Netflix vào đầu tháng Chín. Sở dĩ hãng phim Gaumont chọn cách phát hành trực tuyến là vì theo ban giám đốc, bộ phim này sẽ có nhiều cơ hội thu hút đông đảo người xem hơn, thay vì được cho ra mắt khán giả ở rạp trong bối cảnh hiện tại, với tất cả những điều kiện ràng buộc của thời hậu Covid-19.
Mang tựa đề ‘‘Bronx’’, mật hiệu của nhóm điều tra xung quanh vụ án đẫm máu tại Marseille, bộ phim gợi hứng từ cuộc đối đầu giữa hai băng đảng, đồng thời cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đội cảnh sát đặc nhiệm trên cùng một vụ án. Đây là tác phẩm thứ sáu của đạo diễn Olivier Marchal.
Trước khi trở thành đạo diễn, ông từng là cảnh sát điều tra thời còn trẻ. Sau này, khi chọn nghề viết kịch bản và quay phim, Olivier Marchal luôn khai thác thế giới của tội phạm và băng đảng. Bộ phim mà ông hằng ngưỡng mộ trong thể loại này là tác phẩm ‘‘Heat’’ của Michael Mann quy tụ hai ngôi sao lớn trên cùng một màn bạc… Robert de Niro và Al Pacino : cao thủ tranh tài, đọ sức kịch liệt, đấu trí nảy lửa.
Bộ phim ‘‘Bronx’’ được quay toàn bộ ở thành phố Marseille vào mùa thu năm 2019 với ngân sách chung lên tới gần 20 triệu euro, phim quy tụ một dàn diễn viên chuyên nghiệp như Jean Reno, Gérard Lanvin, Stanislas Merhar, diễn viên nhạc rap Kaaris… Hãng phim Gaumont đã chi khá nhiều tiền cho việc hợp tác sản xuất bộ phim.
Kể từ nhiều tuần lễ qua, Gaumont chờ xem kết quả của các bộ phim được chiếu ở rạp và thực tế cho thấy là ngay cả những bộ phim có khả năng ‘‘hút khách’’ dễ dàng nhất, doanh thu vẫn thấp hơn nhiều so với mong đợi. Có lẽ cũng vì thế mà Gaumont đã xem xét khả năng nhượng lại quyền phát hành và khai thác bộ phim này cho mạng Netflix từ nhiều tuần qua, vì như vậy hãng phim mới dễ thu hồi vốn và biết đâu chừng sẽ lập kỷ lục về số người xem, dù là trên mạng.
Một điều chắc chắn là khán giả Pháp, dù có nhiệt tình cách mấy, vẫn chưa thật sự muốn đi xem phim ở rạp. Doanh thu của các rạp chiếu phim không ngừng sụt giảm, từ -50% cuối tháng 6 tiếp tục giảm tới mức -70% vào cuối tháng 7. Điều đó đã khiến cho nhiều rạp phim nổi tiếng ở Paris như Le Grand Rex, Le Balzac, Le Nouvel Odéon buộc phải tạm thời đóng cửa, phần lớn cũng vì doanh thu thường nhật quá thấp, không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động.
Vào đầu tháng 08/2020, đạo diễn Kheiron thông báo nhượng quyền phát hành bộ phim truyện thứ ba của anh mang tựa đề ‘‘Brutus vs César’’. Quy tụ một dàn viễn viên nổi tiếng, trong đó có Thierry Lhermitte, Gérard Darmon và Ramzy Bedia, bộ phim dã sử cổ trang này kể lại những ngày cuối cùng của hoàng đế La Mã César, nhưng dưới góc độ châm biếm hài hước. Dự trù được cho ra mắt tại các rạp trong tháng tới, rốt cuộc bộ phim ‘‘Brutus vs César’’ sẽ được mạng Amazon Prime Video độc quyền khai thác kể từ ngày 18/09 trở đi.
Quyết định phát hành trực tuyến không hẳn làm cho nhà đạo diễn hài lòng. Tuy nhiên, giới sản xuất đã đầu tư hàng triệu euro vào bộ phim này, do vậy đôi bên buộc phải tìm kiếm giải pháp ổn thỏa nhất, giúp cho phía các nhà sản xuất thu hồi chi phí là chuyện thường tình, còn về phía tác giả kiêm đạo diễn Kheiron, bộ phim của anh trong bối cảnh hiện tại sẽ có thêm cơ hội được phổ biến rộng rãi, thu hút được càng nhiều người xem chừng nào, thì càng tốt chừng nấy.
Theo chuyên gia ngành truyền thông Pascal Lechevallier, thời Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các mạng phát hành phim và video trục tuyến như Netflix, Amazon hay Disney+. Sự kiện một hãng phim lớn như Gaumont quyết định hợp tác với Netflix là một tín hiệu mạnh mẽ đối với ngành điện ảnh.
Không ai biết được chừng nào khán giả mới trở lại xem phim ở rạp và các nhà sản xuất cần nguồn tài trợ để đầu tư vào các dự án khác. Trong khi đó, các mạng như Netflix,  Amazon hay Disney+ đang ráo riết chạy đua để giành lấy thị phần. Trong tương lai gần, các mạng này còn buộc phải tuân thủ các quy
định của Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Netflix hay Amazon phải mua 30% các nội dung sản xuất tại châu Âu. Bằng cách này, châu Âu có thể bảo vệ giới sản xuất phim bị các mạng phim cạnh tranh dữ dội.
Tuy nhiên trước mắt, việc các hãng phim Pháp chấp nhận hợp tác qua việc nhượng quyền khai thác phim trên mạng, làm cho hệ thống các rạp chiếu phim vốn đã bị lung lay trong thời phong tỏa, nay lại càng suy yếu thêm. Theo lời ông Pascal Rogard, giám đốc của cơ quan SACD, bảo vệ tác quyền của giới điện ảnh truyền thông và kịch nghệ, dịch Covid-19 chẳng những đã điều tiết thị trường, mà còn thay đổi luôn luật chơi. Các mạng phát hành phim và video đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các rạp chiếu phim.
Trong thời kỳ phong tỏa, Netflix đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục khi hợp tác với công ty MK2 để phát hành dòng ‘‘phim di sản’’ chủ yếu là những tác phẩm kinh điển của Truffaut, Chaplin hay là Malick. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây Netflix càng đầu tư nhiều vào dòng phim nghệ thuật hay mời các tác giả hàng đầu hợp tác như Martin Scorsese (The Irishman), Alfonso Cuarón (Roma), Noah Baumbach (Câu chuyện hôn nhân), hai anh em đạo diễn Joshua và Ben Safdie (Uncut Gems), như vậy Netflix giành lấy quyền ưu tiên phát hành trên mạng.
Bên cạnh đó, quy định phát hành phim ở Pháp bị coi như là lỗi thời. Phim chiếu ở rạp chỉ có thể được phát hành và khai thác nhiều tháng sau dưới dạng đĩa hình hay qua mạng chiếu video trực tuyến. Quy định lỗi thời này giải thích phần nào vì sao nhiều hãng phim Pháp trong bối cảnh đặc biệt thời hậu Covid-19, lại chọn phát hành trực tuyến thay vì đem phim đi chiếu ở rạp.

Kiệt quệ, cô lập, Iran ngả vào tay Trung Quốc ?

Thu Hằng
Ngày 16/07/2020, ngoại trưởng Iran Javad Zarif thông báo, theo lệnh của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, ông đang đúc kết đàm phán với Trung Quốc về một hiệp định hợp tác thương mại – quân sự kéo dài 25 năm với tổng giá trị khoảng 400 tỉ đô la. Nếu không có trở ngại, hai nước sẽ ký thỏa thuận khổng lồ này vào tháng 03/2021.
Cả Iran và Trung Quốc giữ kín nội dung chi tiết văn bản đang được đàm phán. Tuy nhiên, trong khoản tiền khổng lồ này, 280 tỉ sẽ được dành cho ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt ; 120 tỉ được đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ. Đổi lại, Iran sẽ bán rẻ dầu lửa và khí đốt cho Trung Quốc, thấp hơn giá thị trường khoảng 32%. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đề cập đến công nghệ 5G, lập nhiều vùng tự do trao đổi thương mại và cả lĩnh vực quân sự.
Tuy nhiên, trang Sputnik cho rằng cần thận trọng về số tiền khổng lồ được Trung Quốc hứa đầu tư vào Iran. Thực vậy, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài liên tục giảm từ vài năm gần đây : năm 2016 là 178 tỉ đô la, nhưng giảm xuống còn 105 tỉ đô la vào năm 2020. Tính trung bình, theo thỏa thuận nói trên, nếu được ký, hàng năm Bắc Kinh sẽ đầu tư khoảng 16 tỉ đô la vào Iran, chiếm đến 15% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vào những hậu quả nghiêm trọng do dịch Covid-19 và do chiến tranh thương mại với Mỹ để lại, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc hẳn sẽ bị tác động.
Hoàn cảnh xô đẩy Iran về phía Trung Quốc
Iran đang trải qua giai đoạn khó khăn về mọi mặt. Trên trang Le Figaro, Mahnaz Shirali, giảng viên trường Khoa học Chính trị Paris, nhận định trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran gần như khánh kiệt và không thể hậu thuẫn cho những lực lượng nước ngoài Hezbollah ở Liban hay Hach Al-Chaabi, Hamas… để đối đầu với Mỹ hay Israel. Thậm chí, chế độ Teheran không còn đủ khả năng để phản công các vụ tin tặc từ Israel nhắm vào khu hạt nhân Natanz và khu quân sự Parchin, nằm ở miền trung Iran.
Chi phí vào các cuộc xung đột trong khu vực luôn được Teheran giữ bí mật. Tuy nhiên, theo thẩm định của bộ Ngoại Giao Mỹ, con số này lên đến khoảng 16 tỉ đô la mỗi năm, từ xung đột ở Syria đến Yemen hay yểm trợ cho phe Hezbollah ở Irak và Liban.
Chính thường dân Iran lại là những người phải trả giá đắt cho chính sách đối ngoại “Đả đảo Mỹ ! Đả đảo Israel !” của chính quyền bảo thủ. Người dân vốn đã phải đối mặt với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, đã bùng dậy phản đối quyết định tăng 300% giá xăng vào tháng 11/2019. Kết quả là khoảng 1.500 người chết vì bị trấn áp trong vòng 3 ngày biểu tình, trong sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đang đẩy Iran vào túng quẫn dù chính quyền Teheran cố tình giấu quy mô thiệt hại do virus corona gây ra. Theo dữ liệu mà đài BBC của Anh nhận được từ nguồn tin ẩn danh, từ ngày 22/01 đến 20/07, số người chết tại Iran vì Covid-19 lên đến 42.000 người, thay vì 17.900 theo số liệu chính thức ngày 03/08.
Đòn gió dọa Mỹ ?
“Thỏa thuận đối tác chiến lược với Trung Quốc là kết quả tự nhiên của nhiều thập niên xa cách giữa Mỹ và Iran, thậm chí bị đẩy nhanh hơn dưới thời tổng thống Donald Trump… Nếu được triển khai, thỏa thuận sẽ tung chiếc phao cứu hộ tài chính cho Iran”, theo nhận định với trang L’Orient Le Jour của Ali Alfoneh, chuyên gia về Iran tại Viện các nước Ả Rập Vùng Vịnh ở Washington (Arab Gulf States Institute in Washington, AGSIW).
Trang Sputnik của Nga thận trọng về tính khả thi của thỏa thuận khổng lồ giữa Iran và Trung Quốc. Ngoài lý do khoản đầu tư khổng lồ được nêu ở trên, thì tại sao thông tin lại được ngoại trưởng Iran công bố chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ? Phải chăng Teheran muốn gây sức ép tối đa với Mỹ trong thế bước đường cùng ? Bị Mỹ trừng phạt, trong khi Liên Hiệp Châu Âu bất lực, dè chừng phản ứng, hiện giờ vấn đề Iran còn bị lu mờ vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác, như Jonathan Fulton, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Zayed, ở Abou Dhabi, lại có ý kiến ngược lại. Theo ông, thỏa thuận thương mại – quân sự giữa Iran và Trung Quốc có thể đáng ngại vì “thỏa thuận đối tác được đàm phán từ năm 2016. Vì thế, sẽ sai lầm nếu coi đó là lời đáp trả đối với chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ hoặc do mối quan Mỹ-Trung ngày càng xấu đi”. Và nếu được kí kết, thỏa thuận sẽ làm thay đổi bàn cờ trong vùng.
Iran trong thế trận mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Vùng Trung Đông giầu nhiên liệu luôn là điểm quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, còn Iran là một trong những nhà sản xuất lớn nhất nhưng hiện bị Mỹ trừng phạt, có dầu nhưng không bán được, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2018.
Hợp tác quân sự song phương cũng là một lĩnh vực được nhấn mạnh trọng thỏa thuận chiến lược 25 năm giữa Bắc Kinh và Teheran. Năm 2019, hải quân Trung Quốc và Iran đã diễn tập chung. Nếu được kí kết, chắc chắn hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin tình báo và Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở hải cảng hoặc cảng hàng không tại Iran, theo nhận định của nhà báo địa chính trị Renaud Girard trên Le Figaro (20/07).
Một thỏa thuận có quy mô như vậy chỉ ký được nếu Nga không “quấy rối” vì tại Iran, Matxcơva có nhiều quyền lợi và không muốn các lợi ích này bị tổn hại bởi thỏa thuận hợp tác Iran-Trung Quốc. Do vậy, theo chuyên gia Pháp Mahnaz Shirali, Iran đã triển hạn thêm 20 năm một hiệp định, trong đó Nga nhận được rất nhiều lợi ích về thương mại và quân sự. Những điều khoản này đi ngược lại hoàn toàn với Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran cấm một quốc gia khác thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, dường như Iran cần Trung Quốc hơn là ngược lại, theo nhận định của trang L’Orient Le Jour. Đàm phán thỏa thuận chỉ được ngoại trưởng Iran nhắc đến, trong khi phía Bắc Kinh vẫn kín tiếng. Cho đến giờ, chính quyền Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng về Trung Đông và Iran không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng có quan hệ hữu hảo với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hai đối thủ của Iran.
Trong khi đó, Iran đang trong tình cảnh rất tế nhị, theo phân tích của phó giáo sư Jonathan Fulton với trang L’Orient Le Jour : “Nếu Iran được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và trở thành một nước bình thường, thì đây sẽ là thị trường lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc và là một nguồn năng lượng quan trọng. Iran cũng có thể trở thành một điểm trung chuyển trong dự án Con đường và Vành đai. Nhưng hiện giờ, Iran vẫn chưa phải là một nước “bình thường”, và vẫn là đối tượng bị trừng phạt. Dù có lợi, thì những lợi ích đó bị hạn chế”.
Chuyên gia Ali Alfoneh tại Washington chú ý đến những nước thành con nợ sau khi nhận đầu tư của Trung Quốc với nguy cơ chính quyền sẽ không còn được hoàn toàn điều hành một Nhà nước có chủ quyền. Ngoài ra, theo ông, “rất nhiều người Iran lo rằng chế độ tìm cách ổn định bằng mọi giá, kể cả việc chấp nhận những thế lực bên ngoài đối lập với Mỹ, ví dụ Nga hoặc Trung Quốc. Họ sợ rằng trong thỏa thuận này, người Iran sẽ trao cho Trung Quốc tất cả những gì Bắc Kinh muốn để Trung Quốc bảo đảm an ninh cho Iran”.
(Tổng hợp từ Le Figaro, L’Express, L’Orient Le Jour, Sputnik)

Nổ tại Beyrouth : Quốc tế chung tay hỗ trợ Liban,

công luận đòi chính phủ từ chức

Thanh Hà
Quốc tế nỗ lực hỗ trợ Liban hai ngày sau vụ nổ kho hóa chất tại cảng Beyrouth. Paris gửi 25 tấn thiết bị y tế và bác sĩ và nhân viên cứu hộ đến hiện trường. Tổng thống Pháp ngày 06/08/2020 là nguyên thủ đầu tiên đặt chân đến Beyrouth, thủ đô Liban, vừa hứng chịu tai nạn khủng khiếp.
Vụ nổ làm ít nhất 137 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương, đẩy 300.000 người vào cảnh vô gia cư. Người dân Liban trong và ngoài nước quy trách nhiệm cho tầng lớp lãnh đạo “tham ô và vô trách nhiệm”.
Theo chương trình nghị sự, sáng 06/08, tổng thống Macron hội kiến đồng nhiệm Liban, Michel Aoun và làm việc với thủ tướng Hassan Diab. Hiện có khoảng 25.000 công dân Pháp đang sống tại Liban và trong số các nạn nhân có ít nhất 21 người Pháp bị thương, và 1 người thiệt mạng.
Các quốc gia lân cận với Liban đã lập tức gửi thiết bị y tế, điều nhân viên cứu hộ đến Beyrouth. Ai Cập, Qatar, Jordani cho mở hẳn một bệnh viện dã chiến ngay tại thủ đô Liban. Từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ đều thông báo giúp đỡ Liban trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là y tế. Algérie huy động bốn máy bay quân sự và một chiếc tàu chở hàng với dụng cụ y tế, lương thực.
Cộng Hòa Séc và Hy Lạp cũng đã gửi hàng chục nhân viên cứu hộ đến hiện trường. Israel tuyên bố tạm “gạt qua một bên những tranh chấp” với Liban để dồn nỗ lực cho công tác nhân đạo. Tòa đô chính Tel Aviv tối 05/08 đã chiếu hình lá cờ Liban để thể hiện tình liên đới với quốc gia này. Tháp Eiffel đúng 12 giờ đêm tắt đèn tưởng niệm các nạn nhân ở thủ đô Beyrouth.
Người dân Beyrouth biết thêm các thông tin về nguồn gốc dẫn tới hai vụ nổ lớn hôm Thứ Ba 04/08 và tỏ phẫn nộ về trách nhiệm của các giới chức liên quan, về sự bất lực của “cả một tầng lớp lãnh đạo tham ô”. Nhiều người cho rằng đã đến lúc thay đổi “toàn bộ hệ thống chính trị” tại quốc gia này.
Liban tiếp tục tìm kiếm nạn nhân vụ nổ
Trong khi đó Liban tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân và băng bó vết thương như tường thuật của thông tín viên Paul Khalifeh :
“Tại cảng Beyrouth, công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục và nhất là để tìm thi thể của rất nhiều binh sĩ và lính cứu hỏa đã bị mất tích. Gần như toàn bộ khu vực này bị phá hủy. Không còn một cơ sở hạ tầng nào nguyên vẹn, ngay cả những bồn tháp cũng bị hư hại đáng kể.
Các lực lượng cứu hộ tiếp tục nỗ lực để tổ chức việc chăm sóc những nguời bị thương nhằm giảm thiểu áp lực cho các bệnh viện hiện gần như bị quá tải. Việc lập hai bệnh viện dã chiến do Qatar giúp đỡ, chắc sẽ cho phép cải thiện tình hình.
Một thách thức lớn khác là tìm chỗ ở cho những người vừa bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Theo thẩm định của thống đốc Beyrouth, số này có thể lên tới 300 ngàn. Về phương diện này, Liban chủ yếu trông cậy vào tình đoàn kết trong nước và trợ giúp của quốc tế.
Về phía công tác điều tra, chính phủ Liban muốn mọi việc phải được nhanh chóng tiến hành. Giới điều tra chỉ có 5 ngày để hoàn tất nhiệm vụ. Chính quyền Liban cũng đã yêu cầu quản thúc tại gia những người bị tình nghi có liên quan đến vụ lưu giữ chất nitrate ammonium ở cảng Beyrouth. Một số chi tiết mới bắt đầu được tiết lộ. Giám đốc Hải Quan, ông Badri Daher, xác nhận một kho trữ pháo hoa nằm cách không xa nơi lưu giữ 2.700 tấn nitrate ammonium”.

Nhật dùng một tên lửa thay đổi cán cân sức mạnh biển

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài tổng hợp ngắn với tiêu đề trên của Báo “Bình luận quân sự” (Nga) đăng trên báo này ngày 20/7/2020.
Ngày 20/7/2020, tờ EurAsian Times đưa tin: “Do mối đe dọa của Trung Quốc với các nước láng giềng đang treo lơ lửng ở Châu Á, Nhật Bản khẩn trương đưa vào trang bị tên lửa chống hạm ASM-3.
Tên lửa siêu âm ASM-3 do Tập đoàn Mitshubishi Heavy Industry (Tập đoàn Công nghiệp năng Mitshubishi) thiết kế hoàn toàn có khả năng làm thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Nhật Bản.
Tên lửa di chuyển đến mục tiêu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ âm thanh và việc ứng dụng công nghệ tàng hình trong thiết kế khiến nó cực kỳ khó bị phát hiện.
Tên lửa ASM-3 mang đầu tác chiến “Sea Buster” có chức năng tiêu diệt các tàu chiến mặt nước cỡ lớn, kể cả các tàu sân bay.
Trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp, Hải quân Nhật Bản sẽ không cho phép kẻ thù ra được Thái Bình Dương và ASM-3 sẽ giúp người Nhật đạt được mục tiêu này.
Công nghệ quân sự tiên tiến của Nhật có thể tự hào với tầm bắn của tên lửa lên tới 200 dặm biển, tăng gấp đôi so với các tham số được công bố vào thời gian đầu khi mới thiết kế, và nó bay với tốc độ tối đa Mach 3, khiến nó rất khó đánh chặn”.
Tờ EurAsian Times nhấn mạnh: “Mặc dù các số liệu về trọng lượng đầu tác chiến được giữ bí mất, nhưng nhiều khả năng là nó có thể nặng tới hàng hàng trăm bảng Anh, đủ sức đánh chìm hoặc loại khỏi vòng chiến đấu các tàu chiến chỉ bằng một quả đạn.
Các chuyên gia quân sự viết cho tờ EurAsian Times này đặt tên cho tên lửa ASM-3 Nhật Bản là “tên lửa xé tàu thành từng mảnh” và cho rằng nó có thể trở thành một trong những luận chứng quyết định trong các trường hợp xảy ra xung đột.
Vào thời điểm hiện tại, phương tiện mang duy nhất của tên lửa ASM-3 vẫn là máy bay tiêm kích Nhật Bản F-2. Vì tên lửa ASM-3 quá lớn nên không thể lắp trong khoang chứa bom của máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 mà Tokyo hiện đang mua của Mỹ
Tạp chí Mỹ Forbes dự báo rằng việc phải đảm bảo khả năng tương thích với tên lửa ASM-3 sẽ là một yêu cầu bắt buộc đối với máy bay tiêm kích tàng hình triển vọng F-3 mà Nhật Bản đang thiết kế .

Đài Loan đưa thủy quân lục chiến

đối phó Trung Quốc tập trận chiếm đảo

Thụy My
Theo South China Morning Post hôm nay 06/08/2020, Đài Loan đã điều 200 thủy quân lục chiến để tăng cường lực lượng tuần duyên trên đảo Đông Sa (Pratas), nhằm đối phó với một cuộc tập trận đổ bộ của Trung Quốc.
Một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết đơn vị thủy quân lục chiến này đã lên đường cách đây một tuần để yểm trợ cho lực lượng tuần duyên hiện diện trên đảo, và sẽ chỉ ở lại một thời gian ngắn.
Hồi tháng Năm, hãng tin Nhật Kyodo loan báo quân đội Trung Quốc dự kiến tiến hành một cuộc tập trận rất lớn trong tháng này tại đảo Hải Nam, trong đó có cả tập dượt chiếm các đảo đang do Đài Loan kiểm soát.
Cuộc tập trận đổ bộ lên bãi biển do Chiến khu Nam Bộ phụ trách sẽ quy mô chưa từng thấy, với nhiều lính thủy, tàu đổ bộ, thủy phi cơ và trực thăng tham gia.
Quần đảo Đông Sa gồm một hòn đảo, hai rạn san hô và hai bãi cạn, nằm cách thành phố cảng Cao Hùng của Đài Loan 445 km, và cách lục địa Trung Quốc khoảng 300 km. Khu vực này có hệ sinh thái biển phong phú, được coi là công viên quốc gia nhưng không có thường dân, chỉ có lực lượng tuần duyên tương đương với số thủy quân lục chiến vừa được điều động.
Nhật Bản cảnh cáo sẽ đáp trả nếu tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm nhập
Về phía Nhật Bản, Asahi Shimbun hôm 05/08 dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Taro Kono, cảnh cáo Trung Quốc là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ kiên quyết đáp trả nếu các tàu hải cảnh tiếp tục quấy nhiễu vùng biển Senkaku. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ các biện pháp cụ thể.
Một quan chức cao cấp cho biết lời cảnh báo này được đưa ra trước hiện tượng các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển Nhật Bản đã lên đến mức kỷ lục, tính đến ngày 02/08 đã là 111 ngày liên tiếp, với số lượng nhiều hơn và các tàu có trọng tải lớn hơn.

Nhà hoạt động Nathan Law: Cuộc đàn áp Hồng Kông

của Bắc Kinh sẽ phản tác dụng

Hương Thảo
Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng người Hồng Kông Nathan Law (La Quan Thông) đã rời thành phố cảng trước khi luật an ninh quốc gia được ban hành. Anh nói rằng định cư tại nước ngoài là điều tốt nhất anh có thể làm để đóng góp cho phong trào phản kháng của thành phố, theo hãng tin Hong Kong Free Press (HKFP) ngày 2/8.
Hiện đang định cư ở London, nhà cựu lãnh đạo sinh viên này hiện đang tiếp cận với các chính trị gia và vận động hành lang cho sự nghiệp dân chủ. Hôm 28/7, anh đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – một cuộc họp mang tính xây dựng và hiệu quả, theo mô tả của Law.
“Nhân viên của ông bảo tôi chính ông ấy là người đưa ra quyết định tổ chức cuộc họp”, anh nói. “Động thái này đang gửi tín hiệu cho thấy ngài Ngoại trưởng nói riêng và Chính phủ Mỹ nói chung rất chú ý đến những gì đang xảy ra ở Hồng Kông, và sẵn sàng có biện pháp đáp trả việc thực thi luật an ninh quốc gia mới”.
Anh nói thêm rằng Mỹ đã có sự đồng thuận mạnh mẽ giữa hai đảng về các vấn đề Hồng Kông, và Washington đã cho thấy bước tiến trong việc thực thi các chính sách bảo vệ thành phố cảng.
Hồi giữa tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông, chấm dứt tình trạng thương mại đặc biệt của thành phố này với Mỹ, đồng thời trừng phạt các quan chức ĐCSTQ có liên quan.
Law cho biết anh cũng được nghe từ các nguồn khác rằng một số quan chức Hồng Kông có liên hệ đến luật an ninh quốc gia cũng có thể bị trừng phạt.
Luật an ninh Hồng Kông mới ban hành trừng phạt việc ly khai, lật đổ nhà nước, khủng bố và cấu kết với thế lực hải ngoại. Các chuyên gia cho rằng luật này có thể nhắm vào những nhà vận động chính phủ nước ngoài, như Law.
Lập trường cứng rắn và quyết đoán
Cuộc trao đổi giữa HKFP và Law diễn ra vài ngày trước khi anh phát hiện mình đang bị cảnh sát Hồng Kông truy bắt, thông qua truyền thông nhà nước Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng quyền tài phán bên ngoài lãnh thổ trong luật mới để áp dụng cho các nhà hoạt động lưu vong.
Tuy vậy, Law cho biết anh sẽ tiếp tục công việc ở Anh để mở rộng sức ảnh hưởng của phong trào dân chủ Châu Âu: “Thế giới cần có một chiến lược rõ ràng hơn để chống lại sự bành trướng độc tài của Trung Quốc”.
Một loạt các lý do khác nhau vào năm 2020 đã tạo ra thay đổi đáng kể trong thái độ của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế, anh nói: “Đại dịch Covid-19 thực sự đã khiến thế giới dè chừng hơn trước Trung Quốc”.
Từng là nhà hoạt động dân chủ thuộc đảng Demosisto, anh Law cho rằng “Hồng Kông đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì đây là trường hợp “một thành phố tự do có nền dân chủ bị xói mòn và đi ngược trào lưu thế giới …  Các trại tập trung ở Tân Cương gần đây cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Người dân [thế giới] đã chuyển sang duy trì một lập trường cứng rắn và quyết đoán hơn hẳn đối với Trung Quốc”.
Nhiều quốc gia dân chủ đã công bố kế hoạch chấm dứt các hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, và giới thiệu các chương trình cứu trợ tị nạn & nhập quốc tịch cho người dân thành phố này sau khi luật an ninh mới được ban hành. Vương quốc Anh, vốn cai trị Hồng Kông trước năm 1997, đã cung cấp cơ hội nhập tịch cho ba triệu người mang hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) tại thành phố này.
Tuy rằng Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc liên tục lên án các nước can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, Law cho biết anh không quan tâm vì các phát ngôn đe dọa của chính quyền Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng.
“Tôi sẽ xem nó như một sự hăm dọa”, anh nói. “Thật ra, đó là phản ứng hung hăng của chính quyền Trung Quốc nhằm kích động những người dân bình thường… Thứ chủ nghĩa yêu nước đó … sẽ chỉ phản tác dụng”. Anh nói thêm rằng trò kích động tình cảm công chúng đó chỉ khiến nhiều chính trị gia nước ngoài hơn thức tỉnh trước diện mạo thật của ĐCSTQ.
Bạo lực trong phản kháng
Bắc Kinh không đơn độc trong việc thiết lập lập trường cứng rắn của nó. Các cuộc biểu tình kéo dài cả năm ở Hồng Kông thường chứng kiến cảnh tượng đạn hơi cay, trấn áp bạo lực và những màn đạn cao
su từ phía cảnh sát, nhưng thỉnh thoảng cũng xảy ra những vụ hỏa hoạn, phá hoại và tấn công của người biểu tình đối với những người chỉ trích.
Nhưng anh Law nói cảnh tượng bất ổn này không thể biện minh cho việc Bắc Kinh đàn áp người biểu tình hay việc thực thi luật an ninh mới. Anh trích dẫn ví dụ chính quyền đã viện đến luật này để cấm một khẩu hiệu phản kháng: “Luật an ninh quốc gia rõ ràng không nhắm vào những người biểu tình bạo lực. Nó rõ ràng nhắm mục tiêu vào những người biểu tình ôn hòa và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân”.
Chính quyền đã tạo ra “các vũ khí luật pháp” gồm cả tội kích động bạo loạn – với án tù lên đến mười năm – để trừng phạt những người biểu tình bạo lực, Law nói thêm. Anh là người tin vào việc phản kháng bất bạo động, “nhưng chúng tôi đã hiểu nguyên nhân gốc rễ của những mâu thuẫn kịch liệt này, và tại sao mọi người làm vậy”.
Law nói, nhiều người biểu tình đã nhận thức được rõ ràng hậu quả của việc bị cầm tù, nhưng dù sao họ chỉ mới chọn các chiến thuật phản kháng bạo lực hơn trong giai đoạn sau của cuộc biểu tình. Cảnh sát, trong khi đó, không bao giờ bị điều tra hoặc phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi sai trái nào.
Law nói rằng chúng ta không thể chỉ đơn thuần phản đối tất cả hành vi bạo lực của người biểu tình và chấm dứt cuộc thảo luận.
“Chúng ta không nhất thiết phải ủng hộ chiến thuật hoặc chiến lược của họ (người biểu tình), nhưng chúng ta phải nhận thức ra rằng những xung đột kiểu này được kích hoạt bởi sự hủ bại có hệ thống và sự thiếu trách nhiệm của chính phủ và lực lượng cảnh sát”, Law nói.
Khi được hỏi về các kế hoạch tương lai và liệu anh có muốn trở về cố hương không, Law nói rằng rất khó để anh ấy có thể lên kế hoạch trước, và thay vào đó anh sẽ tập trung vào hoạt động thúc đẩy dân chủ của mình: “Tôi đã đi đến quyết định mà tôi nghĩ …  là có thể đóng góp nhiều nhất cho phong trào [dân chủ] này. Tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu được. Tôi hy vọng rằng những gì tôi sẽ làm – đã và đang làm – thực sự có thể giúp mọi người thấy được sự tận tâm của tôi”.
Tuy nhiên, vài ngày sau – với một “Lệnh truy nã” treo trên đầu – cơ hội để Law có thể trở về nhà biến mất. Anh cho biết anh đã bị đẩy vào tình thế phải cắt đứt liên lạc với gia đình vì sự an toàn của họ.
“Những gì tôi phải đối mặt hiện nay là lớn hơn rất nhiều so với vấn đề được mất cá nhân. Tôi chấp nhận cái giá phải trả – bị buộc phải rời nhà”, anh viết trên Twitter hôm 31/7. “Tôi cũng cố gắng hết sức để bảo đảm an toàn cá nhân Xin đừng lo lắng cho tối. Tôi vẫn có niềm tin vào tương lai”.

Quà đại trà, dán nhãn giả tung khắp các nước

Ba ngày trước, FB xuất hiện nhiều stt cảnh báo, như stt này của bạn Trương Công Khả, một nhiếp ảnh gia đang sống ở Cali: SOS…Những ngày qua nhiều người ở Mỹ nhận được các gói hàng xuất xứ từ China, trên phong bì có in nhiều chữ tàu gởi đến nhà đúng tên người nhận, dù họ chẳng đặt mua gì cả.
Ngày 23/7/2020, công an huyện Đức Trọng bắt gần một chuc tấn đâu tây TQ đội lốt hàng Việt tại sân bay Liên Khương.
Ở 27 tiểu bang tại Mỹ đã xảy ra tình trạng này. Vài người nhận đã mở ra, trong đó là những hạt giống đủ lọai. Nhà tôi nhận được cặp muỗng nĩa có hình trái tim (ảnh) loại rẻ tiền… Đáng sợ hơn, TQ còn gửi các hạt giống khả nghi khắp nước Mỹ…
Ở Anh, nạn quà vô danh tính này cũng tràn lan. Bạn Kim Barton ở London đã dịch nhanh bài đăng trên vnexpress (phiên bản tiếng Anh) về tình hình hoảng loạn khắp nước Anh khi các gia đình ở UK cũng bị nhận những gói hạt giống không mong đợi này.
Trung Quốc là trung tâm của một bí mật an toàn sinh học khi đã gửi đến HK và Anh những bọc hạt giống không được yêu cầu. Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA) cảnh báo “lừa đảo là rõ vì chúng bị dán sai nhãn thành đồ trang sức để không qua kiểm tra an toàn sinh học (tất cả các hạt giống đến từ ngoài EU đều phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật). Chúng cũng có khả năng gây ra mối đe dọa nếu được trồng. Vụ lừa đảo bất thường đang lan rộng khắp nước Mỹ, với các quan chức ở 27 bang đưa ra những cảnh báo tương tự đối với các gói hạt giống không được yêu cầu từ Trung Quốc.
Lisa Ward, một chuyên gia về an toàn sinh học tại Hiệp hội trồng trọt Hoàng gia, cảnh báo: Đây là một rủi ro lớn về an toàn sinh học.
DEFRA đang kêu gọi bất cứ ai nhận các gói, thường đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á, phải báo cáo ngay cho Thanh tra Hạt giống và Sức khỏe Thực vật, đừng vứt sọt rác hay đem trồng.
Grahame Levy, một kỹ sư từ Aberdeenshire, cho biết ông đã nhận được “quà” kiểu này từ Singapore và chứa các hạt có nhãn “dưa chuột” và “nghệ tây”. Còn Richard Broddle, một kỹ thuật viên tuabin gió từ Hull, đã nhận được hai gói hạt giống, một trong số đó được dán nhãn “bông tai stud” đến từ Malaysia, thực chất dán nhãn “bông cải xanh” trong tiếng Trung Quốc.
Susan Cawson, một quản trị viên NHS từ South Shields, đã đặt mua hạt giống qua Amazon nhưng nhận được “miếng dán móng tay” và đã gửi chúng đến Cơ quan Thú y và Thực vật (APHA) để kiểm tra.
Phát ngôn viên của Amazon cho biết: Chúng tôi làm việc miệt mài để xây dựng một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng và người bán hàng chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ KH bằng các hệ thống và quy trình để phát hiện hành vi đáng ngờ và chúng tôi có các nhóm điều tra và hành động nhanh chóng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin khẳng định là dịch vụ bưu chính của nước họ bị hạn chế gửi hạt giống. Và hồ sơ về các gói dường như đã bị làm sai lệch.
Hình như họ có đường lối là để giữ yên nội tình, họ sẽ không cho thế giới ngày nào được yên?

Bưu kiện bí ẩn từ Trung Quốc: Không chỉ

hạt giống lạ mà còn có các thứ kỳ lạ khác

Phụng Minh
Người ta bắt đầu lý giải rằng đây có thể là bước đầu của một âm mưu.
Gần đây, cư dân của Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản và các quốc gia khác đã nhận được bưu kiện chứa loại hạt giống chưa xác định từ Trung Quốc. Có thông tin rằng nhiều cư dân Mỹ cũng đã nhận được khẩu trang, kính râm, vòng đeo tay và các mặt hàng khác được gửi từ Trung Quốc, nhưng họ nói rằng họ chưa bao giờ đặt những món hàng này.
Kênh Channel 2 Action News thuộc bang Georgia, Hoa Kỳ, đưa tin rằng Kelley Litty, một người dân địa phương, đã nhận được một gói hàng từ Trung Quốc vào tháng trước với khẩu trang ở bên trong. Cô đã khá bối rối về điều này.
Litty nói, “Tôi chắc chắn 1000% rằng tôi chưa đặt mua bất kỳ cái khẩu trang nào”. Cô ấy nói rằng mình chưa bao giờ nghĩ tới việc đeo những chiếc khẩu trang có xuất xứ từ nước ngoài như thế này.
Tuần trước, một người từ bang Georgia khác, Faith Tankersley, đã nhận được một cặp kính râm Rayban giả. Cô ấy nói rằng mình không đặt hàng và cũng không có ai ở nhà cô đặt món hàng này.
Tanksley nghi ngờ rằng gói bưu kiện này không được gửi tới với mục đích tốt. Cô cho biết một người bạn của cô cũng nhận được bưu kiện từ Trung Quốc với một chiếc còi hơi màu xanh trong đó. Không ai trong nhà của họ đặt hàng sản phẩm này.
Theo phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã xác định 14 loại hạt giống khác nhau từ những gói lạ được gửi từ Trung Quốc, một số trong đó bị nghi ngờ là “đã qua xử lý”.
Secretchina cho biết, một người dân Mỹ đã nhận được hạt giống không xác định vào tháng Tư và trồng một vài trong số đó, nhưng không có gì lớn lên, và cô dần quên nó. Gần đây, sau khi xem báo cáo về những hạt giống bí ẩn, cô đã lo lắng rằng đất trồng hạt giống không xác định sẽ bị ô nhiễm, vì vậy cô đã trồng một số rêu trên đó để thử nghiệm và thấy rằng rêu đã chết trên khu vực đất đó, trong khi nó vẫn sinh trưởng tốt ở khu đất khác.
Sau khi các thông tin được đưa ra, cư dân mạng đã bàn tán xôn xao, nhiều người để lại bình luận rằng họ hoặc hàng xóm của họ cũng đã nhận được những gói bí ẩn từ Trung Quốc.
Người dùng có tên “@ 红 2019” nói: “Tôi cũng nhận được nhưng gói hàng tương tự. Tôi nhớ rằng một cái có chứa kính râm bên trong. Nó còn có các mắt kính khác nhau để thay thế. Mặt hàng không tinh xảo. Tôi chưa bao giờ sử dụng nó. Người gửi bưu kiện không yêu cầu tôi làm gì cả, và tôi cũng không hiểu họ gửi cho tôi để làm gì… Nhớ lại một lần khác, tôi nhận được một bộ cọ trang điểm…”
Người dùng tên “@Ranier” cho biết: “Nhiều hàng xóm ở khu tôi ở cũng nhận được hạt giống, loại mà đã được báo cáo trên đài truyền hình địa phương. Nó được gửi từ Trung Quốc tới”.
Tài khoản “@ 我 来 过” thì nói: “Tôi đã nhận được hai tháng trước. Nó được gửi từ Phúc Kiến. Khi mở ra thì thấy là một khẩu trang có bộ lọc, tôi không dám dùng cũng chẳng dám vứt đi”.
Người dùng tên “@ 就是 我们” cho biết: “Tôi đã nhận được một gói nhỏ hai ngày trước. Nó chứa một chiếc vòng tay giá rẻ từ Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ đặt hàng mặt hàng này”.
“@ButostonGarden” bình luận: “Trận chiến không giới hạn?”
“@ 吃素 的”viết: “Haha, đây có phải bước đầu của trận chiến vi khuẩn hay chiến tranh vi rút hay không? Trước đây, những kẻ khủng bố và cực đoan đã gửi vi khuẩn que gây bệnh dịch hạch và bom qua bưu kiện, nhưng cũng chỉ là ở quy mô nhỏ. Nếu như lần thăm dò này thu được kết quả, là mọi người không để ý. Thì lần tới khi bạn mở gói hàng, có khả năng bạn sẽ là nạn nhân đầu tiên. Nếu bạn nhận được gói đáng ngờ được gửi từ Trung Quốc, đừng mở nó, hãy báo cáo ngay và bạn có thể tự bảo vệ được mình cũng như có thể vạch trần âm mưu của ĐCSTQ”.
Một số cư dân mạng cho biết, “hạt giống là loạt vật phẩm bị Liên minh Bưu chính quốc tế cấm không được gửi qua đường bưu điện, vì sao một số lượng lớn hạt giống lại có thể được gửi từ Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới một cách tự do như vậy? Hãy suy nghĩ cẩn thận về điều này!”.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Tập Cận Bình bị cả thế giới chống

Ai mà không biết Khổng Tử? Từ nhỏ chúng ta đã được nghe cha mẹ và thầy cô dậy những lời “Khổng Tử nói,” như “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân,” “dục tốc bất đạt,” hoặc “hòa nhi bất đồng.” Tám năm trước, một người bạn rủ tôi đến dự buổi tiếp tân ra mắt của Viện Khổng Tử tại Đại học Wisconsin ở Platteville, tôi tò mò đến để xem họ làm gì với ông Khổng Tử. Bữa đó cô viện trưởng giới thiệu mươi giáo sư trẻ mới sang Mỹ; họ sẽ dậy tiếng Phổ thông và văn hóa Trung Hoa cho sinh viên.
Viện Khổng Tử đầu tiên lập tại Seoul, Nam Hàn, năm 2004. Năm 2018 đã có mặt tại 154 nước trên thế giới, mở 548 cơ sở và 2,000 lớp học, phần lớn trong các đại học.
Tuần này, nghe tin Viện Khổng Tử sẽ không còn nữa. Trung Cộng loan tin bỏ cái nhãn hiệu này, đổi thành Trung tâm Ngôn ngữ Giáo dục và Cộng tác! Mấy năm gần đây các Viện Khổng Tử đã bị mang tiếng vì không nghiên cứu và trao đổi văn hóa mà được Bắc Kinh dùng như một khí cụ tuyên truyền chiến tranh. Thụy Điển là nước Âu châu mở Viện Khổng Tử đầu tiên, đã đóng cửa cuối cùng từ Tháng Giêng năm 2020. Các đại học ở Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Pháp đã đóng cửa từ lâu.
Việc đóng cửa các Viện Khổng Tử chỉ là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã thay đổi thái độ đối với Trung Cộng. Trong cuộc nói chuyện với 4,000 giáo sư dậy tiếng Tàu ở Mỹ (trên mạng), ông Mã Kiến Phi (Ma Jianfei), phó viện trưởng Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, đã hứa sau khi đổi tên việc cộng tác giữa hai nước vẫn tiếp tục; đặt trên căn bản “tương kính và tín nhiệm.”
“Kính trọng” và “tín nhiệm,” đó là hai thứ vốn liếng ông Tập Cận Bình đang làm mất dần dần vì người nước ngoài đã bớt kính trọng, mất thiện cảm và không dám tin vào chính quyền cộng sản Trung Quốc. Bệnh dịch Covid 19 đã chứng tỏ điều này.
Việc kiểm duyệt tin tức trao đổi về bệnh dịch Covid 19 từ Vũ Hán đã làm hại cả thế giới. Lâu nay ai cũng biết Trung Cộng vẫn dùng hàng ngàn cán bộ theo dõi 854 triệu người dùng internet, với những “an gô rít” (algorithm) tự động cắt xén từng chữ “húy kị” và trừng phạt những người vi phạm. Nhiều công dân mạng đã biết cách dùng những VPN (virtual private network) để giữ kín tung tích, nhà nước cộng sản trị tội nặng hơn. Năm ngoái, một công dân mạng ở Thượng Hải bị tù 3 năm vì cung cấp các VPN.
Thế giới thấy tai họa do bưng bít thông tin gây ra, kết luận: Đừng tin những gì Trung Cộng nói!
Và hãy nhìn kỹ những gì Trung Cộng làm! Nổi bật trong các hành động đó là dự án “Một vòng đai, một con đường” mà ông Tập Cận Bình tung ra năm 2013 sau khi chấp chánh. Nhất đới Nhất lộ” hứa hẹn cung cấp hàng tỷ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước ở Đông Nam Á, Trung Á, Phi châu, châu Mỹ La tinh và Âu châu.
Năm 2017, Tập Cận Bình đã cho ghi tên dự án này vào bản cương lĩnh đảng! Đó cũng là lúc nhiều quốc gia thất vọng vì các xí nghiệp Trung Cộng không dùng nguyên liệu và công nhân bản xứ, họ lại nhìn thấy trong tương lai các công trình đang xây dựng sẽ không kiếm ra đủ tiền trả nợ Bắc Kinh.
Tháng Hai năm nay, Ai Cập đã ngưng dự án lập nhà máy điện ở Hamrawein, lớn thứ nhì thế giới, sẽ chạy bằng than đá nhập cảng từ Trung Quốc. Tháng sau, Bangladesh bãi bỏ dự án hải cảng ở Bagamoyo mà chính phủ trước đã ký với Trung Cộng, nói rằng chỉ “người say rượu mới ký như vậy!” Vì họ sẽ phải trao hải cảng cho Trung Cộng thuê trong 99 năm! Tháng Năm, quốc hội Nigeria biểu quyết xét lại các dự án vay tiền của Trung Cộng để thực hiện Nhất đới, nhất lộ. Tại Việt Nam, dự án làm hệ thống xe
điện ngầm (metro) tốn $800 triệu đô la Mỹ ở Hà Nội bị ngưng, vì đã trễ hạn bốn năm và 100 chuyên gia Trung Quốc về Tàu ăn Tết không được trở lại vì bệnh dịch Covid 19.
Nhất đới, nhất lộ đang đặt ông Tập Cận Bình vào một thế lưỡng nan. Khi các nước vay tiền không trả được nợ thì các ngân hàng chủ nợ phải sai áp, tức là chiếm quyền làm chủ. Nhiều công trình có vị trí chiến lược như các hải cảng bị chiếm đoạt sẽ gây bất mãn và khiến mọi người nghi ngờ, như đã xẩy ra tại Sri Lanka. Nhưng nếu không sai áp, thì các ngân hàng Trung Quốc sẽ thua lỗ.
Tất cả chỉ vì Cộng sản Trung Quốc vẫn hoàn toàn dựa vào các xí nghiệp và ngân hàng quốc doanh, theo thói quen áp đặt mục tiêu chính trị trên các dự án kinh tế.
Tiếp đến là chuyện Huawei! Hôm 14 tháng Bay, thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh ngưng mua các thiết bị của công ty này cho hệ thống viễn thông G5. Ông Johnson vẫn tự coi mình là “thân Trung Quốc” và từ lâu vẫn phủ nhận mối lo về gián điệp đội lốt Huawei. Nhưng ông đã chịu áp lực của các nước khác trong nhóm hợp tác tin tình báo “Năm Mắt,”trong đó Mỹ, Australia và New Zealand là những nước đã chặn hàng Huawei từ trước. Ông Johnson đang muốn ký với các nước này những thỏa ước thương mại tự do sau khi Anh rút ra khỏi Âu châu.
Anh quốc cũng bắt chước Mỹ và Ấn Độ đặt điều khiện khó khăn hơn khi các công ty Trung Quốc muốn mua các xí nghiệp ở nước Anh, và hứa làm luật di trú dễ dàng để cho gần 3 triệu dân Hồng Kông được qua Anh sống và nhập tịch.
Tất cả các nước châu Mỹ và Âu châu đều lên án Trung Cộng đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương. Ngày Thứ Tư 15 tháng Bẩy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ hạn chế việc cấp visa cho nhân viên Huawei vào Mỹ, nêu lý do công ty này là một cánh tay của đảng Cộng sản, hỗ trợ đảng này vi phạm nhân quyền, trong việc theo dõi, đàn áp, cầm tù người Uyghur.
Trung Cộng đang thất bại về ngoại giao trên khắp thế giới, một phần cũng vì chính sách “lấy thịt đè người” và “cả vú lấp miệng em” mà cộng sản Tàu đã áp dụng. Ông Tập Cận Bình nghĩ rằng kinh tế nước Tàu đã tiến lên hàng thứ nhì trên thế giới thì ông có thể dùng sức mạnh đó để bắt các quốc gia khác phải nể nang, nếu không sẽ trừng phạt!
Bắc Kinh đã cấm nhập cảng cá hồi của Na Uy khi nhà vận động nhân quyền Lưu Hiểu Ba được tặng Giải Nobel Hòa Bình trong lúc đang bị Trung Cộng bắt giam! Chỉ vì hội đồng giám khảo giải này đặt tại xứ Na Uy! Năm nay, khi chính phủ Australia yêu cầu lập một ủy an quốc tế điều tra bệnh dịch Covid 19 xuất phát thế nào, Trung Cộng cũng lập tức trừng phạt, ngưng nhập cảng thịt bò từ nước Úc.
Nhưng các hành động trên chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho thấy tâm lý kiêu căng của Cộng sản Trung Quốc. Tâm trạng này biểu lộ qua những hành động xâm lấn các nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á và Biển Đông nước ta; nhưng cũng xuất hiện ngay trong thái độ của các nhà ngoại giao Trung Cộng.
“Chàng Sói” (Chiến Lang) tập 2 là một bộ phim Trung Quốc được đem chiếu ba năm nay và gần đây được khán giả nhiệt liệt, vì để cao nước Tàu. Câu chuyện kể nhân vật Lãnh Phong (Leng Feng) đã qua Phi châu làm việc cho một công ty Mỹ. Anh ta đã cứu sống bao nhiêu người thoát cảnh bệnh dịch và nội chiến, trong đó có các công nhân Tàu, dân địa phương, và cả người Mỹ – nhờ được một chiến hạm Trung Cộng giúp. Lãnh Phong, con chó sói lạnh lùng, đã giết ông chủ của mình, một người kỳ thị chủng tộc, ông ta nói trước khi bị giết, “Những người như cậu lúc nào cũng thua kém những người như tôi!”
Nhiều khán giả coi Chiến Lang xong, sôi quá, đứng dậy hát bài quốc ca!
Người trong lục địa Trung Hoa đặt ra chữ “Chiến Lang Ngoại giao.” Họ bầy tỏ thái độ rất hung hăng trước bất cứ hành động hay lời nói nào đụng chạm tới Trung Quốc. Trong cuộc họp quốc hội ở Bắc Kinh vừa rồi, có đại biểu hỏi ông Vương Nghị (Wang Yi) về chữ Chiến Lang Ngoại giao. Ông tránh nhắc lại danh từ đó nhưng nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao của họ sẽ “chống lại bất cứ hành động nào sỉ nhục Trung Quốc để bảo vệ thể diện quốc gia!”
Nhưng “Chiến Lang Ngoại giao” của Tập Cận Bình đã gây phản ứng ngược. Từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế Trung Quốc, ông vẫn chủ trương “giấu kín cái sáng, nuôi cái tối” (thao quang dưỡng hối) đối với nước ngoài. Các nước Tây Phương cũng hy vọng rằng khi kinh tế nước Tàu thịnh vượng thì dân chúng giầu lên sẽ đòi hỏi chế độ tự do dân chủ. Khi đó Trung Quốc sẽ theo các quy luật quốc tế, sống hòa bình với các nước chung quanh.
Nhưng sự thật khác hẳn. Thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc, mua hàng hóa họ xuất cảng, giúp kinh tế nước Tàu vươn lên, nhưng giới lãnh đạo Trung Cộng bên trong vẫn đàn áp người dân, bên ngoài vẫn nuôi giấc mộng bành trướng mong chiếm lại địa vị giống như đời Hán, đời Đường!
Ông Tập Cận Bình không che giấu mà còn khuyến khích thái độ kiêu căng đó. Chính ông ta đã gây ra các phản ứng bất lợi cho Trung Quốc, trước các vụ Covid 19, vụ Huawei và chương trình Nhất Đới Nhất Lộ.

Giáo sư Hứa Chương Nhuận:

Chính quyền Trung Quốc đang sụp đổ!

Hương Thảo
Một giáo sư luật Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng với những ngôn luận thẳng thắn phê bình giới cầm quyền, đã bị bắt nhốt sáu ngày hồi tháng 7 với cáo buộc “mua dâm”.
Sau khi được thả, ông đã đăng một bức thư ngỏ, tuyên bố “Chủ nghĩa chuyên chế sẽ thất bại, tự do sẽ đến với đất nước tôi!”. Ông kêu gọi người dân loại bỏ chính quyền ĐCSTQ và có niềm tin vào tương lai, theo The Epoch Times ngày 4/8.
Trường đại học nơi ông làm đã sa thải ông.
Cảnh sát đã bắt giữ giáo sư Hứa Chương Nhuận, 57 tuổi tại nhà riêng ở Bắc Kinh hôm 6/7 với cáo buộc “mua dâm”.
Ông Hứa đã được thả vào ngày 12/7. Ba ngày sau, Đại học Thanh Hoa đã sa thải ông vì “vi phạm nghiêm trọng 10 Tiêu chuẩn ứng xử chuyên nghiệp dành cho giáo viên ở các viện đại học trong thời đại mới”. Bộ hướng dẫn này, do Bộ Giáo dục nước này ban hành năm 2018, quy định giáo viên sẽ bị sa thải hoặc trừng phạt nếu có ngôn luận hay hành vi làm suy yếu thẩm quyền nhà nước hoặc vi phạm các đường hướng và chính sách của Đảng. Theo đó, các giáo viên cần “tuân theo chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và duy hộ sự lãnh đạo của Đảng”.
Sau khi GS Hứa bị sa thải, hơn 500 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa đã khởi xướng quỹ quyên góp hỗ trợ ông, thu về hơn 100.000 nhân dân tệ (14.308 USD). Trong lá thư ngỏ ngày 19/7, ông Hứa bày tỏ sự cảm ơn đến họ, nhưng quyết định không nhận tiền. Ông cho biết vẫn có thể kiếm sống bằng ngòi bút, và số tiền này nên dành cho những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn hơn ông.
Tội “mua dâm” thường được chính quyền dùng để trấn áp những nhà bất đồng chính kiến. Bạn bè giáo sư Hứa cho rằng nhiều khả năng việc ông công khai chỉ trích Bắc Kinh đã dẫn đến lệnh bắt giữ.
Hồi tháng 2, giáo sư Hứa đã chỉ đích danh ĐCSTQ gây ra đại dịch toàn cầu trong một bài báo có tựa đề, “The Angry People Fear No More (Dân chúng bất bình không còn sợ hãi)”. Trong bài báo, ông chỉ trích ĐCSTQ gây thảm họa do “sự bất tài”, “suy đồi đạo đức” và “sai sót mang tính thể chế”. Ông kêu gọi 1,4 tỷ người dân Trung Quốc hãy “sẵn sàng đón nhận tinh thần tự do sẽ soi sáng mảnh đất này bằng sức mạnh, niềm tin và sức sống”.
Tháng Năm, giáo sư Hứa đăng một bài báo khác có tiêu đề, “Trung Quốc, chiếc thuyền đơn độc trong đại dương văn mình của thế giới”, liệt kê một loạt các chiến thuật lừa đảo của chính quyền Bắc Kinh. Ông tuyên bố:
“Núi xác chết và biển máu trong suốt 70 năm cầm quyền của chính quyền ĐCSTQ, đã đến lúc chấm dứt điều này”.
Li Hengqing, một cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa và là một sinh viên từng ​​tham gia cuộc biểu tình dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, chia sẻ với The Epoch Times rằng Bắc Kinh sử dụng cáo buộc mua dâm để bắt giam bất cứ ai mà nó muốn. “Chính quyền này giảo biện không đỏ mặt. Tôi không ngạc nhiên khi họ làm vậy”, anh Li nói.

Nổ lớn gần biên giới Trung Quốc-Triều Tiên,

ít nhất 15 người thiệt mạng

Lục Du
Hôm thứ Ba (4/8) đã xảy ra một vụ nổ lớn tại một thành phố Triều Tiên giáp biên giới Trung Quốc, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương, Express đưa tin hôm 6/8.
Một nguồn tin nói với Daily NK rằng vụ nổ được kích hoạt do rò rỉ khí gas trong một ngôi nhà ở thành phố Hyesan, phía bắc tỉnh Ryanggang, Triều Tiên, sau đó đã bốc cháy lúc 6.10 giờ tối thứ Ba (giờ địa phương), Các bình chứa khí dầu mỏ lỏng gắn ở các ngôi nhà gần đó bị ảnh hưởng và phát nổ, gây ra một chuỗi vụ nổ liên tiếp sau đó.
Nguồn tin này cho biết thêm: “Một phần của dãy nhà ga tàu hỏa đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ. Không còn gì bên trong”.
Người đứng đầu Phòng Tổ chức và Định hướng của Đảng ủy thành phố Hyesan đang chỉ đạo việc dọn dẹp các mảnh vỡ tại hiện trường vụ nổ.
Các nhóm nhân sự thuộc văn phòng An sinh Xã hội thành phố Hyesan cũng đã được điều động tới địa điểm vụ nổ vào khoảng 4 giờ chiều ngày hôm qua (5/8) để ngăn người dân địa phương tiếp cận địa điểm này.
Giới chức đã tịch thu điện thoại di động của bất cứ ai cố gắng chụp ảnh các tòa nhà bị phá hủy sau vụ nổ. Tuy nhiên tin tức về vụ nổ đã lan truyền nhanh chóng trong thành phố, khi nhiều người đã nghe và chứng kiến vụ nổ.

TQ cấm đội tàu cá đông đảo

đánh bắt mực trên vùng biển quốc tế

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt mực trên vùng biển quốc tế với các tàu cá nước này, trong bối cảnh đội tàu cá đông đảo của Trung Quốc bị chỉ trích vì đánh bắt cạn kiệt một số loại hải sản.
Theo SCMP, lệnh cấm của Trung Quốc áp dụng cho các tàu cá của nước này bắt mực ở các khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong 3 tháng. Động thái của Bắc Kinh đến trong bối cảnh một số tổ chức môi trường và một số quốc gia cảnh báo rằng đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc có thể đánh bắt cạn kiệt một số loại hải sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 7 và cấm mọi tàu cá của Bắc Kinh hoạt động ở các khu vực cụ thể, vốn là nơi sinh sản của mực ống – hải sản mà đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt chính ở vùng biển quốc tế.
Phó thư ký hiệp hội nông nghiệp hợp tác quốc tế Trung Quốc Liu Yadan, cho rằng lệnh cấm đánh bắt ở vùng biển quốc tế lần đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang sẵn lòng và chủ động hợp tác với các quốc gia ven biển liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các khuyến nghị và biện pháp để bảo vệ tài nguyên hàng hải ở khu vực biển quốc tế.
Động thái của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm các đội tàu cá của Bắc Kinh đang bị chỉ trích vì sự xuất hiện đông đảo xung quanh khu bảo tồn biển Galapagos của Ecuador. Quốc gia Nam Mỹ cho biết họ đã phát đi khiếu nại về đội tàu và thông báo cho chính quyền Trung Quốc rằng Ecuador sẽ bảo vệ quyền hàng hải của họ.
Các đội tàu cá của Trung Quốc cũng xuất hiện ở gần châu Phi và bán đảo Triều Tiên.
Hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát đi một thông báo về hiện trạng các tàu cá đánh bắt xung quanh quần đảo Galapagos và chỉ trích các tàu này vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển và làm hỏng hệ sinh thái.
Trung bình, đội tàu của Trung Quốc đánh bắt khoảng 70% sản lượng mực trên toàn cầu. Họ có trên 600 tàu đánh bắt mực, thu về 520.000 tấn trong năm 2018, theo số liệu của học viện Đại dương Trung Quốc.
Làn sóng chỉ trích
Các khu vực biển quốc tế mà Trung Quốc đặt lệnh cấm là 2 ngư trường đánh bắt mực quan trọng nhất của các đội tàu Bắc Kinh. Một là khu vực Nam Đại Tây Dương gần Argentina với 200 tàu cá Trung Quốc hoạt động. Hai là khu vực trên Thái Bình Dương gần Ecuador.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng toàn bộ tàu cá nước này đã rời Nam Đại Tây Dương khi lệnh cấm được ban hành. Phần lớn các tàu đi ra khu vực Thái Bình Dương hoặc vùng biển quốc tế khác.
Theo quan chức Liu, Trung Quốc cũng sẽ có các biện pháp bảo vệ với các loài khác như cá ngừ và cá thu Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Wang Songlin của tổ chức Hội bảo tồn biển Thanh Đảo (Trung Quốc), lệnh cấm của Trung Quốc là một bước đi tích cực nhưng chưa phải là một biện pháp quyết liệt. “Nếu sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, các hoạt động đánh bắt nối lại và lượng hải sản đánh bắt vượt quá quy mô hệ sinh thái, thì hiệu quả bảo tồn từ lệnh cấm sẽ không có ý nghĩa vì đánh bắt quá mức”, ông Wang nói.
Chuyên gia này cho rằng cần có nhiều biện pháp cần thực hiện khác như giảm số lượng tàu cá, thiết lập các khu vực bảo tồn hàng hải…
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc tới yếu tố nhân đạo liên quan tới ngành đánh bắt cá của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng do sự xuất hiện đông đúc của tàu cá Trung Quốc ở gần khu vực bán đảo Triều Tiên, khiến đội tàu cá quy mô nhỏ của Triều Tiên mất đi ngư trường truyền thống và buộc phải đi xa hơn để đánh bắt.
Những tàu cá Triều Tiên buộc phải đi tới vùng biển xa hơn và gặp nhiều rủi ro bị tai nạn, đôi khi trở thành những “tàu ma” trôi dạt vào bờ biển của các quốc gia khác.

Trung Quốc dọa ‘có biện pháp mạnh’ với Washington

về vụ Bộ trưởng Y tế Mỹ thăm Đài Loan

Trung Quốc hôm 6/8 đe dọa sẽ có biện pháp đối phó với chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar, giữa lúc Đài Loan đang chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức cấp cao nhất của Hoa Kỳ trong bốn thập niên, theo Reuters.
Chuyến thăm bắt đầu vào Chủ nhật, dự kiến sẽ làm tăng thêm căng thẳng hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, nhân quyền đến đại dịch Covid-19. Trung Quốc vốn xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo thường nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói bất kỳ nỗ lực nào nhằm bác bỏ hoặc thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc”, trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, đều sẽ kết thúc trong thất bại.
“Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối phó mạnh mẽ để đáp trả hành vi của Hoa Kỳ”, Reuters dẫn lời ông Vương nói, đề cập đến chuyến thăm của Bộ trưởng Azar.
Mặc dù không nêu chi tiết, nhưng Trung Quốc vào tháng trước cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Lockheed Martin của Mỹ vì liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Đài Loan gạt đi những chỉ trích của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh không có quyền bình luận.
Năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc theo ý Bắc Kinh. Nay chính quyền Trump tăng cường ưu tiên cho việc hỗ trợ đảo quốc dân chủ này và thúc đẩy việc bán vũ khí.
Ông Azar dự kiến sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn trong chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và y tế công cộng với Đài Loan, đồng thời hỗ trợ vai trò quốc tế của Đài Loan trong việc chống lại đại dịch.
Đài Loan đã bị gạt ra khỏi hầu hết các cơ quan toàn cầu, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới, do sự phản đối của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn coi hòn đảo này là một tỉnh của Trung Quốc nên không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào của một quốc gia.

Virus mới ở Trung Quốc làm 10 người tử vong

Phụng Minh
Trong khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều nơi trên thế giới và cả Trung Quốc, thì tại nước này lại xuất hiện virus mới khiến 80 người nhiễm bệnh và 10 người đã tử vong.
Theo Sina.com vào ngày thứ Ba (4/8), bà Vương, 65 tuổi, sống ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị sốt cao kéo dài, có lúc tới 40 độ kèm theo các triệu chứng như ớn lạnh và mệt mỏi. Bà tới bệnh viện điều trị trong tình trạng huyết áp khá thấp, các chỉ số bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu đều hạ thấp.
Không lâu sau đó, bà Vương lại xuất hiện các triệu chứng ho khan khạc đờm và giảm oxy máu. Trong tình trạng nguy kịch, bà được đưa đến Trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô, sau đó được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm. Sau khi kiểm tra cẩn thận, bác sĩ chẩn đoán rằng bà Vương đã bị nhiễm “virus bunya mới”.
Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện tỉnh Giang Tô, Kim Kha cho biết khi và Vương nhập viện, đã ở trong tình trạng bị suy đa tạng như tim, phổi và chức năng tuần hoàn. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn với các chuyên gia và chẩn đoán là nhiễm “vi rút Bunya mới”, kéo theo một loạt các triệu chứng viêm nhiễm. Cuyên gia xác nhận rằng bà Vương bị bệnh do ve cắn, hiện bà đã bình phục và xuất viện.
Cho đến nay đã có 37 người bị nhiễm virus bunya tại cùng một bệnh viện trong năm nay. Virus này còn được gọi là “virus gây hội chứng giảm tiểu cầu (SFTSV)” hay “siêu vi trùng núi Hoài Dương” (Huaiyangshan Virus – HYSV).
Theo báo cáo từ Hong Kong 01, The Paper và Sina.com, loại virus này đã được xác nhận là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm cấp tính cách đây 10 năm, vật trung gian chính là ve, nhưng cũng có thể lây qua đường máu, dịch cơ thể… với nguy cơ lây truyền từ người sang người và tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo Lu Media, ngoài Giang Tô, 23 người đã bị nhiễm bệnh ở tỉnh An Huy kể từ tháng 4 năm nay, và 5 người trong số họ đã tử vong. Ngoài ra, hai người đã chết sau khi bị nhiễm bệnh ở tỉnh Chiết Giang, 3 trường hợp nữa chưa cập nhật được quê quán.
Các chuyên gia cho biết, thông thường, vết cắn của ve có thể gây ra các phản ứng dị ứng viêm da, bệnh này có thể khỏi thông qua điều trị đúng cách và điều trị triệu chứng, tuy nhiên do ve cũng là vật trung gian truyền nhiều mầm bệnh nên cũng gây bệnh truyền nhiễm.
Bọ ve hoạt động mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 10, và chúng có xu hướng xuất hiện ở các vùng đồi núi, rừng cây, bụi rậm, đồng cỏ trống và các môi trường khác. Nếu bị ve cắn, bạn nên đến bệnh viện để loại bỏ ve. Một khi có các triệu chứng như sốt sau khi bị bọ ve cắn, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa virus lây nhiễm sang người khác.
Các chuyên gia cho biết, nếu cơ thể con người bị nhiễm virus bunya sẽ xảy ra các triệu chứng như giảm bạch cầu và xuất huyết trên cơ thể.
Trước đó, một loại virus mới đã được phân lập từ mẫu huyết thanh của một bệnh nhân bị sốt và giảm tiểu cầu ở tỉnh Hà Nam. Loại virus này được xác định là biến thể mới của virus gây ra bệnh Leishmania (gây ra bởi ký sinh trùng Leishmania nguyên sinh được truyền qua vết cắn của loài bướm cát phlebotomine bị nhiễm bệnh), được đặt tên là “virus gây sốt với hội chứng giảm tiểu cầu”, được gọi là “virus Bunya mới”.
Theo  Li Yun, NTDTV
Phụng Minh biên dịch

Đại dịch bùng phát: Đại Liên phong tỏa,

mua rau cũng bị còng tay

Phụng Minh
Người dân không được cung cấp đồ tươi đầy đủ, tìm cách đi mua rau sẽ bị bảo vệ bắt giữ, thậm chí còng tay.
Dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục bùng phát ở Đại Liên, Trung Quốc. Một đoạn video đăng tải trên Internet cho thấy chính quyền địa phương đã cử hàng chục xe ô tô cùng nhân viên kiểm dịch tới phong tỏa một khu dân cư vào ban đêm. Do bất ngờ, người dân không kịp chuẩn bị nguồn cung cấp lương thực, gây khó khăn cho sinh kế, nhiều công dân bị bắt chỉ vì không mua được rau.
Vào cuối tháng 7, một trường hợp dương tính với virus Vũ Hán được phát hiện tại Công ty Thủy sản Khai Dương Đại Liên, khiến toàn bộ Vịnh Đại Liên, nơi đặt trụ sở của công ty, nhanh chóng bị phong tỏa, tất cả các xí nghiệp đóng cửa và cộng đồng thực hiện cách ly hoàn toàn.
Khu vực Vịnh Đại Liên có rất nhiều nhà cho thuê, mật độ dân số cao, trong khi số trường hợp được xác nhận dương tính tiếp tục gia tăng. Nhiều đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chiếc xe đã đậu ở vịnh Đại Liên vào đêm khuya, hàng người xếp hàng dài và rất đông người tập trung bên ngoài chờ lên xe vào điểm cách ly.
Những người dân địa phương quay video cho biết, “hãy nhìn xem, Vịnh Đại Liên, lại có xe buýt, và hàng chục xe khác đang đến. Nhìn kìa, tất cả đều đang xếp hàng, cả một hàng dài ô tô”.
Một số người dân nói rằng họ chỉ cầm theo quần áo và không mang theo bất cứ thứ gì khác. Người ta dựa trên danh sách do bệnh viện viết, rồi đưa mọi người tới bệnh viện đó.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông chính thức của chính quyền Trung Quốc vào ngày 4/8, bắt đầu từ ngày 3/8, việc xét nghiệm axit nucleic lần thứ ba đã được thực hiện đối với người trong khu vực trung tâm của Vịnh Đại Liên. Tất cả những người liên hệ thân thiết và những người có liên quan với nhân viên công ty Khai Dương sẽ bị cách ly trong 14 ngày với 3 lần kiểm tra axit nucleic.
Tính đến ngày thứ 3, hơn 74.000 hộ gia đình ở Vịnh Đại Liên đã bị cô lập ở nhà, tất cả các khu dân cư ở Vịnh Đại Liên đã bị cách ly, các trung tâm mua sắm và siêu thị cũng bị đóng cửa. Tuy nhiên, chính
quyền đột ngột đóng cửa khu vực nên người dân không kịp chuẩn bị vật tư, gây ra hàng loạt vấn đề về sinh hoạt.
Ông Trần, một cư dân của Cộng đồng Kim Địa Nghệ Cảnh ở Vịnh Đại Liên, tiết lộ với Epoch Times rằng cộng đồng của ông đã bị cách ly từ sáng ngày 23/7. Quan chức đưa ra thông báo đóng cửa khu vực này vào lúc 5 giờ sáng trong khi dân chúng chưa hề có chuẩn bị tích trữ lương thực.
Ông Trần nói rằng vào thời điểm đó, người ta nói rằng lệnh phong tỏa sẽ được gỡ bỏ hai ngày sau khi xét nghiệm xong, nhưng nó đã không thành hiện thực. Chính phủ đã không cung cấp các dịch vụ mua sắm tạp hóa cho đến ngày 26/7, nhưng người dân vẫn không thể mua rau. “Họ làm an lòng chúng tôi rằng sẽ có đồ tươi mỗi ngày. Nhưng một lúc là rau bán hết sạch, nguồn cung không đủ. Hoa quả, thịt, hải sản cũng không hề có. Cái khu bán đồ kia đã trống cả tuần rồi, không có thức ăn“.
Các siêu thị xung quanh cộng đồng cũng đóng cửa, các khu vực xung quanh được rào kẽm gai kín mít, có người canh giữ, rau không chuyển vào được.
Một cư dân lấy hóa danh (tên giả do lo sợ bị liên đới) là Lâm Mạnh, sống ở khu Lệ Thủy Hào Đình trong Vịnh Đại Liên, nói rằng những món ăn họ mua “cũ và đắt tiền”, và họ cũng không được phép lựa chọn. Trái cây và thịt không có sẵn.
“Chúng tôi chỉ có một mạng lưới cung cấp này. Ngày 30/7, họ cung cấp một nghìn món ăn mà bị hàng chục nghìn người giật lấy. Người già đáng thương chỉ có thể ở nhà“, anh nói, “Có muốn lén mua thịt cũng không được. Nhiều đứa trẻ đã 8 ngày không được ăn hoa quả rồi“.
Ông Trần nói rằng các sự cố bạo lực xảy ra thường xuyên sau khi cộng đồng bị phong tỏa. Đã có nhiều việc liên quan đến nhân viên bảo vệ đập phá tài sản của nhân dân. “Người ta nói chặn liền chặn, trong khi không có gì bảo đảm cho cuộc sống của chúng tôi. Làm thế nào họ có thể để mọi người hợp tác với họ. Tôi thì còn có thể, chứ có những người già không thể thích nghi được thì họ làm thế nào đây?“
Những người tiết lộ rằng một số cư dân ở Tiền Quan, Vịnh Đại Liên đã bị bắt giữ bởi một số lượng lớn cảnh sát chỉ vì họ không thể mua rau để bảo vệ quyền lợi của mình. Đoạn video do người này cung cấp cho thấy một số bà nội trợ đã bị cảnh sát bắt đi với tay bị bẻ quặt sau lưng, và một số bị còng tay.
Không chỉ khó mua rau mà thuốc men cũng khó. Ông Trần tiết lộ: “Một đêm nọ, có một đứa trẻ trong cộng đồng bị ốm và không thể mua thuốc, sau đó, những người dân trong cộng đồng đã tìm được thuốc cho gia đình đó. Một đứa trẻ khác bị ốm muốn ra ngoài, yêu cầu phải có 5 cán bộ đi cùng mới cho đi”.
Ông Trần cho biết do khu dân cư bị phong tỏa nên nhiều người không thể làm việc và đang gặp áp lực kinh tế lớn. “Nhiều người có thế chấp tài sản. Bạn vẫn có thể quay vòng vốn sau hai tháng không hoạt động. Nhưng nếu bạn không làm việc trong nửa năm thì sao?“
“Không có phương án nào (để giải quyết thế chấp cho những người này). Một lời nói cho hoãn trả nợ, miễn lãi suất bao nhiêu cũng thế đều chưa có, không có trợ cấp nào cả”, ông Chen nói, “hỗ trợ cho việc mua rau cũng không”.
Ông than thở rằng, năm nay là như vậy rồi, có thể sinh sống là tốt rồi.
Theo Luo Tingting, NTDTV
Phụng Minh biên dịch

[Video]: Bão Hagupit đổ bộ Nhạc Thanh,

cuồng phong thổi ngược thác nước núi Nhạn Đãng

Triệu Hằng
Gió thổi dòng chảy tự nhiên của thác bay ngược lên không trung.
Trong mưa, gió mạnh do bão Hagupit đã thổi ngược dòng chảy tự nhiên của thác nước trên núi Nhạn Đãng. Nước bay trong sương mù tạo một cảnh tượng hiếm thấy.
Khoảng 3h30 sáng ngày 4/8, cơn bão Hagupit mang theo gió mạnh tới 136,8km/h ở tâm bão đã đổ bộ đô thị hơn 1,3 triệu người ở Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Đoạn video người dùng Twitter đăng tải cho thấy, thác nước Lingfeng ở độ cao 190 m trên núi Nhạn Đãng, Ôn Châu, bị một cơn bão thổi tung và dòng nước bay vào không trung tạo thành một vũ điệu kỳ lạ.
Cư dân mạng Trung Quốc mô tả cảnh tượng trông giống như một cô gái đang múa.
Bão Hagupit là cơn bão số 4 của Trung Quốc trong năm nay, hơn 380.000 người dân đã phải sơ tán trước khi mưa lớn và gió mạnh tấn công các khu vực ở bờ biển phía đông của đất nước.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, các hệ thống sông ngòi lớn của đất nước đã trải qua “lũ lụt thảm họa” kể từ tháng 6 do những cơn mưa lớn.

Ấn Độ mở rộng lệnh cấm

các chương trình điện thoại của Trung Cộng

Tin New Delhi, Ấn Độ – Theo bản tin hôm thứ Tư, 5 tháng 8, của hãng Reuters, Ấn Độ gần đây đã ra lệnh cấm thêm một số chương trình điện thoại, còn gọi là apps, của các công ty Trung Cộng như Xiaomi và Baidu. Đây là hành động mới nhất của New Delhi nhắm vào các công ty Trung Cộng, sau vụ đụng độ tại biên giới miền núi giữa hai quốc gia.
Trước đó vào tháng 6, Ấn Độ đã cấm 59 apps của Trung Cộng, với lý do gây nguy hại cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Các apps bị cấm bao gồm cả TikTok của công ty ByteDance, UC Browser của Alibaba, và Mi Community của Xiaomi. Một lệnh cấm khác được ban hành sau đó liên quan đến 47 apps, hầu hết là phiên bản tương tự như các apps đã bị cấm lúc trước.
Theo Reuters, lệnh cấm mới nhất của Ấn Độ không được thông báo công khai, và có thêm một số apps mới như Mi Browser của Xiaomi và các apps tìm kiếm của Baidu. Việc cấm sử dụng Mi Browser, công cụ web có sẵn trong hầu hết các điện thoại Xiaomi, có thể khiến Xiaomi phải ngừng cài đặt các apps này trong các thiết bị bán tại thị trường Ấn Độ trong thời gian tới. Xiaomi là điện thoại bán chạy nhất hiện nay tại Ấn Độ, với gần 90 triệu người dùng.
Các lệnh cấm là một phần trong các hành động của New Delhi nhằm chống lại sự hiện diện áp đảo của Trung Cộng trong thị trường dịch vụ Internet tại quốc gia này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng áp dụng thủ tục phê duyệt nghiêm ngặt hơn đối với các nhà đầu tư Trung Cộng, và siết chặt quy định đối với các hãng Trung Cộng muốn tham gia đấu thầu các dự án chính phủ. (Ngô Bảo)

Thủ tướng Modi đặt viên đá đầu tiên

xây đền thờ thần Rama: Thắng lợi của Ấn giáo

Thụy My
Thủ tướng Ấn Độ hôm nay 06/08/2020 vừa đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng đền thờ thần Rama tại thành phố Ayodhya ở miền bắc.
Đây là địa điểm bị tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Ấn đương đại, vì người Ấn giáo đã phá hủy bất hợp pháp một đền thờ Hồi giáo cũ, khẳng định rằng đó là nơi thần Rama sinh ra. Đối với những người Ấn giáo dân tộc chủ nghĩa, sự kiện này là một thắng lợi chính trị rất lớn.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường trình :
« Có năm người trên lễ đài trong buổi lễ rất được chờ đợi này : một tu sĩ, vị thống đốc và người đứng đầu bang Uttar Pradesh, lãnh đạo tổ chức Ấn giáo RSS và ông Narendra Modi.  Đích thân thủ tướng Ấn vốn là nhân tố chính, đặt lễ vật vào nơi sẽ là nền móng của ngôi đền thần Rama.
Mặc trang phục màu vàng nghệ, màu của Ấn giáo và mang đến tất cả những hỗ trợ của Nhà nước trong sự kiện hoàn toàn mang tính tôn giáo này, thủ tướng Ấn Độ gởi đi thông điệp rất rõ ràng : đền thờ thần Rama giờ đây là đền thờ của cả nước Ấn Độ. Đó là phân tích của Nilanjan Mukhopadhhyay, tác giả chuyên về chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo.
Buổi lễ đã xóa đi sự cách biệt giữa tôn giáo và Nhà nước. Thần Rama không chỉ là một vị thần, mà giờ đây được coi là biểu tượng của nước Ấn dân tộc chủ nghĩa. Và tất cả những người Ấn Độ theo các tôn giáo thiểu số khác hoặc phản đối quan điểm này sẽ không còn tiếng nói.
Đã 50 năm qua người Ấn giáo đòi hỏi phải xây dựng đền thờ thần Rama tại địa điểm này. Chính phủ khẳng định sẽ hoàn tất trong khoảng ba năm, tức là ngay trước kỳ bầu cử Quốc Hội tới ».

Chuyên gia cảnh báo: Hợp tác với Trung Quốc,

New Zealand có thể bị tẩy chay

Minh Khuê
Hiện thực là đề xuất phát triển 5G của chính phủ Anh cùng các quốc gia Five Eyes đã loại bỏ New Zealand ra khỏi danh sách hợp tác.
Các trường đại học và doanh nghiệp New Zealand đang cung cấp những nghiên cứu và công nghệ có giá trị cho Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thông qua hình thức hợp tác với Trung Quốc. Theo một báo cáo gần đây, việc hợp tác này có thể vô tình thúc đẩy việc hiện đại hóa của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia về Trung Quốc, làm việc tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, phát hiện các nhà nghiên cứu tại các trường đại học New Zealand đang hợp tác với một số trường đại học tại Trung Quốc có liên kết với PLA.
Mặc dù việc hợp tác về bản chất là bình thường, nhưng báo cáo chỉ ra rằng chính phủ và các trường đại học tại New Zealand cần phải chủ động hơn trong đối phó với việc Trung Quốc sẵn sàng lợi dụng mối quan hệ cá nhân với các nước phương Tây để tiếp cận chuyên môn và công nghệ khoa học cao trong sản xuất, vận hành và phát triển các sản phẩm quân sự.
Tiếp tay cho đàn áp
Giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, gần đây đã đưa ra một báo cáo có tên Vũ khí ma thuật, tiết lộ các trường đại học tại New Zealand đã thực hiện 70 nghiên cứu, với tỷ lệ mỗi trường đại học ở nước này có khoảng 8 nghiên cứu có liên kết với PLA.
Trước đây từng có trường hợp Đại học Massey tại nước này hợp tác với công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc iFlytek. Công ty này đã gây tranh cãi khi giao dự án phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói cho Bộ Công an Trung Quốc sử dụng cho các chương trình giám sát người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Công ty đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Vào cuối năm 2019, Đại học Massey phải đối mặt với những lời chỉ trích về mối quan hệ với iFlytek.
Báo cáo của Trung tâm Wilson cũng phát hiện mối liên hệ giữa PLA với Đại học Auckland, Đại học Victoria ở Wellington, Đại học Công nghệ Auckland, Đại học Canterbury và Đại học Otago.
Trong lĩnh vực kinh doanh, các trường đại học và doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã hợp tác với các công ty có trụ sở tại New Zealand.
Năm 2014, Công ty Công nghiệp ô tô Bắc Kinh (BAIC), thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã mua 50% cổ phần trong công ty Pacific Aerospace, có trụ sở tại Hamilton, New Zealand.
Báo cáo cảnh báo rằng New Zealand có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ của mình trong Thỏa thuận Wassenaar, một thỏa thuận đa phương nhằm kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm như công nghệ quân sự hoặc hàng hóa “ứng dụng kép” có thể phục vụ mục đích quân sự.
Bên cạnh đó, chính phủ New Zealand còn nhận phải những lời chỉ trích vì không chính thức cấm sự tham gia của Huawei vào hệ thống mạng 5G, thay vào đó, để công ty viễn thông địa phương Spark quyết định. Thủ tướng Jacinda Ardern cũng không loại trừ sự tham gia của Huawei trong tương lai.
Chính sách “quân dân dung hợp” của PLA
Trong những năm gần đây, việc Bắc Kinh dùng các nghiên cứu tư nhân cho mục đích quân sự đã trở thành điểm nóng chính trị. Năm 2017, PLA chính thức đưa ra khái niệm “quân dân dung hợp” hay Military Civil Fusion (MCF), quy định bắt buộc các công nghệ được phát triển bởi các công ty tư nhân và các tổ chức có thể được sử dụng lại cho quân đội nếu cần.
Mục tiêu của việc này một phần là đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá, biến PLA từ một lực lượng chủ yếu hoạt động trên đất liền thành một thế lực hùng mạnh của ông Tập Cận Bình.
Tại Hoa Kỳ, chính quyền tổng thống Trump đã đẩy lùi những nỗ lực này bằng cách tăng cường giám sát các công ty và học giả có liên hệ với PLA. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, gần đây, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Stanford đã bị buộc tội gian lận visa vì không tiết lộ mối quan hệ của cô với quân đội Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy các trường đại học tại New Zealand đã công bố các nghiên cứu chung với các trường đại học liên kết với PLA nhiều hơn cả Hoa Kỳ trong 25 năm qua.
Giáo sư Wang Ruili vừa làm việc tại Massey đồng thời giám sát bảy nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc phòng và Công nghệ Quốc gia (NUDT), trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc và được tài trợ chủ yếu bởi PLA.
NUDT có hồ sơ nghiên cứu về siêu máy tính, xe tự hành, vũ khí siêu âm, hệ thống vệ tinh Beidou là đối thủ chính của vệ tinh GPS thuộc sở hữu của Hoa Kỳ.
Wang và các sinh viên của mình cũng đã tham gia vào việc phát triển các hệ thống không người lái, được Tướng Trung Quốc Yang Xuejun khen ngợi là cốt lõi của thiết bị vũ khí. Đại tướng, đồng thời là chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự, đã khuyến khích các nhà nghiên cứu của NUDT nắm bắt cơ hội lịch sử của phương thức chiến đấu không người lái thông minh.
Vào ngày 3/8, một phát ngôn viên của Đại học Massey đã xác nhận với The Epoch Times rằng họ không còn có mối quan hệ với iFlytek.
Năm 2017, các nhà khoa học tại trường đại học đã bay tới Hợp Phì ở Trung Quốc ký thỏa thuận với iFlytek để tài trợ cho một vị trí tại Massey. Vị trí này dành cho Wang Ruili.
Mô hình máy bay chở hàng không người lái hàng đầu của công ty (P-750-XSTOL) sau đó đã được thông qua và bay ở Trung Quốc dưới một biệt danh khác (AT-200) và hiện đã được điều chỉnh cho mục đích quân sự, đặc biệt là chống nổi dậy và tấn công nhẹ.
Ông Brady cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ gây thất tín lớn, nếu chính phủ không giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh, đặc biệt là do tính chất chặt chẽ của cộng đồng khoa học, các nhà khoa học và công ty công nghệ của New Zealand có thể có khả năng bị loại bỏ khỏi các cơ hội hợp tác và kinh doanh quốc tế.
Ví dụ như đề xuất D10 gần đây của chính phủ Anh, trong đó cho thấy một nhóm các quốc gia cùng nhau phát triển các công nghệ 5G thay thế bên ngoài công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. Đề xuất này đã không bao gồm New Zealand, mặc dù các quốc gia Five Eyes khác đều được đưa vào (Úc, Hoa Kỳ và Canada).
Theo The Epoch Times
Minh Khuê biên dịch

Bắc Kinh thao túng

tự do ngôn luận của sinh viên gốc Hoa ở Úc

Lục Du
Tờ SMH ngày 4/8 cho hay, sinh viên Trung Quốc ở Úc không dám tự do bày tỏ quan điểm về Hồng Kông vì lo sợ ĐCSTQ đưa họ vào danh sách những người bất đồng chính kiến.
Cuối tuần qua, trường Đại học UNSW của Úc đã cho xóa một loạt các bài đăng bảo vệ nhân quyền Hồng Kông sau khi hứng chịu một loạt các chỉ trích từ những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc. UNSW cũng đã phải xóa một bài đăng trên Twitter chia sẻ liên kết về bài viết với nội dung này.
Người phát động chiến dịch công kích này là một luật sư gốc Hoa tên là Huang Yuwen. Theo SMH, ông Yuwen có mối liên hệ với lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc.
Bài viết của UNSW dẫn lời bà Elaine Pearson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc, cảnh báo rằng đã đến lúc phải chú ý đến tình hình xấu đi nhanh chóng ở Hồng Kông, sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia trừng phạt những người bất đồng chính kiến với mức án tù tối đa là chung thân.
Là một giáo sư của UNSW, bà Pearson cho rằng, ngôi trường này đã đặt sự an toàn của họ cao hơn quyền tự do học thuật. Bà nói thêm rằng, bà đã bị sốc trước phản ứng hung hăng từ các sinh viên thân ĐCSTQ và thất vọng trước động thái của trường UNSW.
Bà Pearson kể thêm, một sinh viên luật người Trung Quốc tại UNSW nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các sinh viên gốc Hoa không dám thể hiện bất kỳ thái độ ủng hộ dân chủ nào ở Úc.
“Nếu bạn phản đối ĐCSTQ ở nước ngoài, họ sẽ tìm đến người thân của bạn, tấn công bạn, bắt bạn phải trả giá”, sinh viên này nói.
ĐCSTQ cũng đã thiết lập một cổng thông tin trực tuyến mới có thể truy cập ở Úc, cho phép tố cáo những công dân Trung Quốc ở nước ngoài “tấn công đảng, hệ thống nhà nước và các chính sách lớn”, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, làm tổn hại hình ảnh quốc gia và nói xấu các “anh hùng” của chính quyền Bắc Kinh
Tiến sĩ Kevin Carrico, một giảng viên cao cấp tại Đại học Monash, cho biết, sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Úc phải đối mặt với “loại áp lực đáng sợ hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì mà các sinh viên bình thường khác phải đối mặt”.
“Tôi biết những sinh viên có người thân bị gây sức ép chỉ vì họ đã lên tiếng về tình hình ở Tây Tạng hoặc thảo luận về các sự kiện lịch sử năm 1989”, ông Carrio nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?