Tin Việt Nam – 02/08/2020

Tin Việt Nam – 02/08/2020

Covid-19: Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca tử vong, Đà Nẵng xét nghiệm 1,1 triệu dân – Thùy Dương

Theo báo chí trong nước, trưa hôm nay 02/08/2020, bộ Y Tế Việt Nam công bố có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona tại Việt Nam lên thành 5 người. Trong bối cảnh Đà Nẵng biến thành trung tâm phát tán dịch bệnh, chính quyền đia phương có kế hoạch xét nghiệm tầm soát toàn bộ 1,1 triệu dân.
Cả hai ca tử vong vừa được ghi nhận đều là phụ nữ, trên 80 tuổi, có nhiều bệnh nền. Hai trường hợp này xẩy ra vào lúc Việt Nam cũng ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 vào sáng nay, cộng thêm vào con số 40 ca nhiễm được phát hiện hôm qua.
Bộ Y tế cũng cho biết đang điều trị 18 ca bệnh Covid-19 nặng. Đây đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, và liên quan đến Đà Nẵng.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Đà Nẵng đang cho khẩn trương lập bệnh viện dã chiến thứ hai, với 700 giường bệnh, tại cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, một khu vực không đông dân. Bí thư thành ủy Đà Nẵng yêu cầu bệnh viện dã chiến phải được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 06/08.
Reuters hôm qua cho biết thành phố Đà Nẵng còn có kế hoạch xét nghiệm tầm soát toàn bộ 1,1 triệu dân.
Trong 9 ngày qua, kể từ khi dịch bùng phát, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 104 ca dương tính với virus corona, Quảng Nam có 26 ca, thành phố Hồ Chí Minh 8, Hà Nội 2, Quảng Ngãi 2, Thái Bình 1 và Đak Lak 1.
Bộ Y Tế chiều hôm nay ghi nhận thêm 30 ca nhiễm Covid-19, trong đó Đà Nẵng có 16 ca, Quảng Nam 9 ca, còn Đăk Lăk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam mỗi nơi một ca. Như vậy, hôm nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 34 ca nhiễm mới.
Philippines: 80 hiệp hội bác sĩ báo động “thua trận chiến” chống Covid-19
Tại Philippines, trong ngày hôm qua, chính quyền ghi nhận 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người dương tính với virus corona lên thành 98.000. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm cao kỷ lục.
Theo Reuters, trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona không ngừng tăng nhanh, các bệnh viện bị quá tải nên phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới, hôm qua, 80 hiệp hội bác sĩ đã gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Duterte, báo động Philippines đang « thua trận » trong cuộc chiến chống Covid-19.
Khoảng 80.000 bác sĩ và hơn 1 triệu y tá ở Philippines  kêu gọi tổng thống Duterte cho triển khai trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn để cứu vãn tình hình, nhất là ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận.
Phát ngôn viên của tổng thống Duterte, Harry Roque, khẳng định chính phủ sẽ xem xét đề nghị của các bác sĩ.
Hồi giữa tháng 03, Philippines là một trong những nước ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, người dân chỉ được ra khỏi nhà để đi mua thực phẩm và khám chữa bệnh. Nhưng mới đây, chính phủ đã nới lỏng biện pháp phong tỏa, cho phép người dân đi làm trở lại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến nhiều triệu người mất việc.

COVID-19: Việt Nam ghi nhận thêm

34 trường hợp nhiễm bệnh, 2 ca tử vong

Chiều ngày 2/8, Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận thêm 30 trường hợp nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam tính từ đầu mùa dịch đến nay lên 620 người. Trong số này, có 5 người đã tử vong chỉ trong vòng 3 ngày qua.
Bắt đầu từ khi làn sóng COVID-19 mới bắt đầu vào 9 ngày trước đây, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai nơi có nhiều ca nhiễm bệnh nhất. Cụ thể, Đà Năng đã ghi nhận 120 ca, Quảng Nam có 35 ca. Tính đến lúc này, đã có 9 tỉnh thành ở Việt Nam ghi nhận các ca nhiễm bệnh bao gồm: TP Hồ Chí Minh có 8 ca, Đăk Lăk – 3 ca, Hà Nội – 2 ca, Quảng Ngãi – 2 ca. Các tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Đồng Nai mỗi nơi một ca.
Nhiều ca nhiễm mới đều có liên quan đến Đà Nẵng, thành phố phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong đợt dịch mới.
Bộ Y tế Việt Nam hôm 1/8 cho biết có đến 800.000 người đã đến Đà Nẵng và rời thành phố này kể từ ngày 1/7.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 hôm 2/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết virus corona trong đợt dịch bắt đầu từ Đà Nẵng có đột biến, tỷ lệ lây nhiễm cao.
Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương kiên quyết ngăn chặn dịch, khoanh vùng giãn cách xã hội ở khu vực cụ thể khi có dịch nhưng không thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước. Ông hoan nghênh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã dừng một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất.

COVID-19: Việt Nam ghi nhận 40 ca nhiễm mới

trong một ngày, thêm một trường hợp tử vong

Ngày 1/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 40 ca nhiễm COVID-19 mới trong một ngày, trong đó chủ yếu là các ca liên quan đến Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam – nơi đang có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất trong đợt dịch thứ hai.
Như vậy, tính đến chiều ngày 1/8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 586 trường hợp dương tính với virus corona tính từ tháng 1 đến nay. Trong số này có 213 bệnh nhân đang được điều trị và 373 trường hợp đã khỏi bệnh, 3 người tử vong.
Trong đợt dịch thứ hai bắt đầu từ hồi cuối tuần trước đến nay, Việt Nam đã ghi nhận ba trường hợp tử vong do COVID-19 trong vòng 2 hai ngày. Bộ Y tế Việt Nam cho biết những ca tử vong đều là người lớn tuổi và có bệnh lý nền trước khi nhiễm COVID-19.
Kể từ khi đợt dịch thứ hai bùng phát đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan ra 7 tỉnh và thành phố với 109 ca nhiễm ở Đà Nẵng, 21 ca ở Quảng Nam, 7 ca ở TP Hồ Chí Minh, 2 ca ở Hà Nội . Quảng Ngãi và Đăk Lăk mỗi tỉnh có 1 ca nhiễm. Thái Bình cũng đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Hiện Việt Nam đang cách ly 91.000 người trên toàn quốc. Những người này được cho biết là từ nước ngoài vào Việt Nam gần đây hoặc có đến Đà Nẵng thời gian qua.

Việt Nam ‘chưa phát hiện được

nguồn lây’ COVID-19 ở Đà Nẵng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long hôm 2/8 cho biết “chưa phát hiện được nguồn lây” virus Corona ở Đà Nẵng, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh mới mấy ngày qua.
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Long cho biết thêm rằng Việt Nam “sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác” vì từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định “có khoảng 1,4 triệu người” đi, đến từ Đà Nẵng cũng như các bệnh viện ở đây.
Tin cho hay, tâm dịch lớn nhất là ở cụm bệnh viện tại Đà Nẵng, nơi có khoảng 42 nghìn người từng tới chữa bệnh và hơn 800 nghìn người đi qua khu vực này.
Quan chức y tế hàng đầu của Việt Nam được VGP News dẫn lời nói rằng COVID-19 gây đợt bùng phát trên là “chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao”.
Ông Long được trích lời nói tiếp rằng chỉ số lây nhiễm lần này “rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 – 2,2”, và rằng “lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng”.
Bộ Y tế Việt Nam chiều 2/8 thông báo ghi nhận thêm 30 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở Việt Nam lên 620.
Kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên 9 ngày trước, Đà Nẵng ghi nhận số ca bệnh cao nhất với 120 người.
Cơ quan y tế của Việt Nam hôm 2/8 cũng xác nhận thêm trường hợp tử vong vì virus Corona là ba ca có bệnh nền, nâng số người chết vì virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lên 6.

CẬP NHẬT: Thêm 2 người ở Đắk Lắk

dương tính với virus Vũ Hán

Tâm Tuệ
Ngày 2/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết có thêm 2 ca dương tính với dịch Covid-19.
Báo Đắk Lắk vừa cho biết, tỉnh ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với virus Vũ Hán, cả hai đều trở về từ Đà Nẵng.
Trường hợp thứ nhất là H.T.T.V. (sinh năm 1979), tạm trú đường Hoàng Diệu, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.
Ngày 18/7, V. đi du lịch Đà Nẵng cùng chồng và 2 con trên chuyến bay VN122, sau đó bắt taxi Mai Linh về nhà số 34 Vũ Quỳnh, Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
Từ ngày 18 đến 25/7, V. cùng gia đình đi du lịch nhiều nơi tại Đà Nẵng.
Đến 9 giờ ngày 25/7, V. và con về TP. Buôn Ma Thuột trên chuyến bay VN1915, số ghế 20D.Từ sân bay về nhà anh trai tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột bằng xe ôtô và ăn trưa tại đây cùng 20 người, V. không đeo khẩu trang.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, về nhà mẹ ruột tại đường Hoàng Diệu, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, sau đó lên nhà chị gái tại đường Ama Khê, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, bệnh nhân ăn tiệc và tiếp xúc gần với 89 người.
Chiều 26/7, V. đi viếng đám tang tại đường Y Moan, phường Tân Lợi và tiếp xúc gần với chủ nhà.
Ngày 1/8, V. và 5 người cùng nhà tại TP. Buôn Ma Thuột được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm của V. và cho kết quả dương tính virus Vũ Hán.
Trường hợp thứ 2 dương tính là nam sinh lớp 8 ở TP. Buôn Ma Thuột, có tiếp xúc với nữ bệnh nhân V. và từ Đà Nẵng về.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Đắk Lắk có 3 ca dương tính với virus corona Vũ Hán. Cả nước ghi nhận 601 ca nhiễm bệnh.

Buôn Ma Thuột phong tỏa 4 khu phố

sau khi có 2 ca nghi mắc COVID-19

Bình luậnKhôi Nguyên
Sau khi có 2 ca nghi dương tính COVID-19, chiều nay (2/8), TP. Buôn Ma Thuột đã cách ly 4 khu vực dân cư.
Trưa 2/8, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ký Công văn hoả tốc gửi UBND tỉnh về việc cho chủ trương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên đại bàn thành phố.
Theo đó, 4 khu vực dân cư được khoanh vùng cách ly từ 12h00 ngày 2/8 gồm:
Tuyến đường Hoàng Diệu (đoạn từ ngã tư Hoàng Diệu – Lý Thường Kiệt đến ngã tư Hoàng Diệu – Hai Bà Trưng) phường Thắng Lợi;
Khu vực hẻm 43/15 đường Ama Khê, phường Tân Lập;
Khu vực hẻm 13/2/9 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập;
Khu vực số nhà 101 quốc lộ 14, thôn 5 xã Hòa Thuận.
Tiếp đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột theo nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện cách ly từ 00h00 ngày 3/8 đến khi có thông báo mới.
Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong lúc chờ kết quả cuối cùng của Bộ Y tế về 2 ca nghi nhiễm, địa phương lập chốt, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong 4 khu cách ly.
Lực lượng y tế đã khử trùng, vệ sinh khu vực, lập chốt, kiểm soát, kiểm tra y tế khu dân cư. Hiện nhà chức trách lập danh sách 11 hộ dân trong khu phố thuộc tuyến đường Hoàng Diệu bị cách ly, 3 khu vực còn lại đang được thống kê.
2 ca dương tính COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Sáng 2/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ra thông báo khẩn về việc cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nội dung thông báo cho biết, theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đăk Lăk, trường hợp thứ 1 nghi nhiễm COVID-19 là một phụ nữ 41 tuổi (sống ở TP. HCM) đi du lịch từ Đà Nẵng về Đăk Lăk. Trong thời gian thăm người thân ở TP. Buôn Ma Thuột, bà đã ghé chơi ở 4 điểm trên và tiếp xúc với nhiều người.
Bà này đi đám cưới và du lịch nhiều nơi tại Đà Nẵng, Hội An, Huế. Từ Đà Nẵng về Đăk Lăk, bà đi chuyến bay VN1915 lúc 9h ngày 25/7, ghế 20D. Chuyến bay có 186 hành khách. Sở Y tế đề nghị hành khách trên chuyến bay này tự cách ly tại nhà và khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Trường hợp thứ 2 nghi mắc Covid-19 là nam sinh lớp 8 ở TP. Buôn Ma Thuột, có tiếp xúc với nữ bệnh nhân trên.
Trước đó ngày 29/7, Đăk Lăk ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. “Bệnh nhân 448″ là sinh viên ở Đà Nẵng. Hiện tỉnh này cách ly hơn 200 người trở về từ Đà Nẵng và thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 30/7.

Lâm Đồng cách ly 23 nhân viên vì Giám đốc

người Nhật dương tính với virus Vũ Hán

Bình luậnKhôi Nguyên
Nhận được tin Giám đốc 75 tuổi trở về Nhật Bản bị dương tính với Covid-19 sau test nhanh, tỉnh Lâm Đồng đã cách ly tại chỗ 23 nhân viên Công ty Hokkaido ngày 1/8.
Công ty Hokkaido có địa chỉ tại thôn Đạ Cháy, xã Đa Nhim, H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Giám đốc Công ty này là ông N.M. (75 tuổi, người Nhật), vừa được cơ quan y tế Nhật Bản phát hiện dương tính với Covid-19.
Truyền thông trong nước cho biết, ông M. làm việc tại Đa Nhim trong 2 năm qua.
Ngày 31/7, ông bay từ Liên Khương đi TP. HCM trên chuyến bay VN7385. Tối cùng ngày, ông bay từ sân bay Tân Sơn Nhất qua sân bay Narita (Nhật Bản) trên chuyến bay TL750 cất cánh lúc 23h25. Khi tới Tokyo, ông M. được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Test High Standard và phát hiện dương tính Covid-19.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng H.Lạc Dương đã phong tỏa Công ty Hokkaido. Tại đây đang có 23 người làm việc, trong đó có 10 người địa phương.
H.Lạc Dương cho biết, 10 công nhân người địa phương này được xác định là F1, còn người nhà của họ là F2, đều cần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Liên quan đến ca dương tính Covid-19 người Nhật Bản này còn có 2 sinh viên khoa Nông lâm, Trường ĐH Đà Lạt làm việc tại Công ty Hokkaido.
Sáng 1/8, hai sinh viên được trao bằng tốt nghiệp Đại học tại nhà A27 Trường đại học Đà Lạt. Tham dự lễ tốt nghiệp có khoảng 50 người gồm cán bộ giảng viên và sinh viên của khoa Nông lâm.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, CDC Lâm Đồng đã đến Công ty Hokkaido lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ công nhân, nhân viên công ty.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch H.Lạc Dương cho biết, lịch trình di chuyển của ông M. từ ngày 17 đến 31/7 rất phức tạp.
Lúc 18 giờ ngày 1/8, ông Sử Thanh Hoài đã liên lạc được với ông M. và được biết, sau khi xuống sân bay ở Nhật Bản, ông M. được phát hiện dương tính với Covid-19 và được cách ly y tế ngay.
Hiện sức khỏe ông M. bình thường, chưa có biểu hiện sốt, ho. Sau 5 ngày nữa, ông M. sẽ được xét nghiệm lần 2 về Covid-19.
Bộ Y tế sáng 2/8 ghi nhận thêm 4 ca nhiễm virus corona Vũ Hán, trong đó, 1 ở TP. HCM, 1 Quảng Ngãi, cùng liên quan đến Đà Nẵng.
Như vậy, tính đến 6h ngày 02/8, Việt Nam có tổng cộng 590 ca nhiễm dịch COVID-19. Riêng số lượng ca mắc mới trong cộng đồng, liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 144 ca, và 3 người tử vong.

Dòng người vượt biên trái phép vào Việt Nam

tiếp tục tăng

Việt Nam liên tục phát hiện các trường hợp vượt biên trái pháp từ các quốc gia láng giềng trong những ngày gần đây.
Được công khai trên báo chí đầu tiên là các vụ đưa người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc “nhập cảnh bất hợp pháp, trốn cách ly” bằng đường bộ qua các tỉnh giáp biên. Những người này đã vào tới nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Việc đưa người bất hợp pháp được phát hiện và công bố vào thời điểm Việt Nam phát hiện các ca dương tính Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau hơn ba tháng yên ắng, khiến một số người đặt câu hỏi về khả năng virus theo chân dòng người nhập cư lậu, không qua kiểm soát dịch tễ của giới chức.
Sau trường hợp đầu tiên được xác nhận hôm 25/7, các ca dương tính với virus corona liên tục được ghi nhận với số lượng tăng nhanh và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng so với đợt bùng phát ở Việt Nam hồi tháng Ba.
Tính đến tối ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận có 620 ca dương tính với virus corona, với năm trường hợp tử vong.
Đi đường mòn, lối mở, vượt sông, đường biển
Cũng trong thời gian này, giới chức liên tục phát hiện dòng người tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp qua các tỉnh giáp biên như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang.
Tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp tại khu vực giáp biên ở Mèo Vạc diễn ra gần như hàng ngày, theo báo Tuổi Trẻ (hình minh họa)
Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tình trạng này diễn ra gần như thường ngày, báo Tuổi Trẻ nói, thậm chí có hôm lực lượng biên phòng “bắt hơn trăm người”.
Trong những vụ phát hiện mới đây, những người tìm cách nhập cảnh đều là người Việt.
Sáng 2/8, đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh thuộc lực lượng biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt giữ một nhóm 17 người, là dân các tỉnh miền bắc vốn đã vượt biên, cũng trái phép, sang Trung Quốc làm thuê hồi năm ngoái, trang tin Quân đội Nhân dân nói.
Đây là vụ mới nhất trong tổng số 21 vụ bắt giữ với 132 người Việt mà chốt biên phòng này đã thực hiện chỉ riêng trong tháng Bảy.
Trong các ngày 31/7 và 1/8, lực lượng biên phòng tỉnh Hà Giang chặn hai nhóm, một nhóm tám người, và một nhóm 31 người, tìm cách nhập cảnh trái phép.
Những người này là dân của 12 tỉnh, cả ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Hôm 30/7, lực lượng biên phòng thành phố Móng Cái phát hiện được hai nhóm, một gồm 29 người, một gồm 16 người, vượt sông biên giới để vào Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.
Điểm chung của những nhóm người bị phát hiện, bắt giữ mới đây, là họ đều sang Trung Quốc đi làm thuê.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến công ăn việc làm trở nên khó khăn, họ tìm cách quay trở lại Việt Nam. Sang Trung Quốc trái phép, họ cũng lựa chọn cách đi tương tự để trở về – thuê người đưa qua đường mòn, lối mở hay vượt sông.
Tại miền Nam, chiều 31/7, tỉnh An Giang bắt giữ một nhóm 41 người, gồm 20 người lớn và 2 trẻ em, đi từ Campuchia vào Việt Nam bằng đường thủy, trên tám chiếc thuyền nhỏ.
Báo Dân Trí nói những người này “không có giấy tờ tùy thân” và “có ý định về Việt Nam sinh sống”.
Khác với các nhóm nhập cảnh bất hợp pháp khác được xác định là người Việt và được đưa đi cách ly, nhóm các gia đình Việt kiều sinh sống tại tỉnh Siem Reap của Campuchia đã được vận động để quay về nơi chốn cũ để “tiếp tục làm ăn sinh sống, không quay lại Việt Nam”.
Lỗ hổng chưa kiểm soát được?
Trong chiến dịch phòng chống Covid-19, Việt Nam đã rất quyết liệt ứng phó với những hình thức như áp dụng giãn cách xã hội, phong tỏa cục bộ các điểm dịch bùng phát, tạm ngưng các hoạt động giao thông công cộng liên tỉnh…
Cho đến nay, một số biện pháp vẫn đang được tiếp tục áp dụng, như đóng cửa các đường bay quốc tế và tiến hành cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với những hình thức nhập cảnh đường bộ bất hợp pháp thì không thể biết chính xác là đã có bao nhiêu trường hợp đã lọt qua vành đai kiểm soát cả về biên phòng lẫn y tế.
Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 hôm 31/7 của Bộ Quốc phòng tại Hà Nội, Thiếu tướng Lê Đức Thái, người phụ trách lực lượng Bộ đội Biên phòng, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói chỉ riêng trong thời gian từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 16 ngàn người xuất, nhập cảnh trái phép bị chặn giữ và kiểm tra y tế tại chỗ.
Việc qua lại đường biên bất hợp pháp diễn ra ở cả ba khu vực biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, Tướng Thái cho biết thêm.
Tướng Thái cho rằng, việc đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới là loại tội phạm có từ trước dịch Covid-19, ở cả 3 tuyến với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Bộ Y tế hôm thứ Bảy nói có tới 800 ngàn du khách tới Đà Nẵng đã rời đi, trở về các tỉnh thành kể từ hôm 1/7
Cạnh đó, việc di chuyển nội địa trong thời gian bùng phát dịch bệnh cũng khiến nhiều người quan ngại.
Bộ Y tế hôm thứ Bảy nói có tới 800 ngàn du khách tới Đà Nẵng đã rời đi, trở về các tỉnh thành kể từ hôm 1/7, và có hơn 41 ngàn người đã ra vào ba bệnh viện của Đà Nẵng, nơi phát hiện ra những ca dương tính đầu tiên của đợt bùng phát dịch bệnh sau hơn ba tháng không có lây lan trong cộng đồng.

Thượng tướng Trần Đơn:

Chỉ huy lơ là để vượt biên trái phép phải thay ngay

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch COVID-19, Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Các Chỉ huy trưởng thực hiện nhiệm vụ ở các tuyến biên giới không thể lơ là và phải có trách nhiệm cao. Nếu để lọt, để vượt biên trái phép thì phải chịu trách nhiệm”.
Ngày 31.7, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch COVID-19. Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quân y cho biết, để tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, không để lây lan vào Quân đội, các đơn vị cần tổ chức rà soát, khai báo y tế các trường hợp đã đến Đà Nẵng từ ngày 1.7.2020 và các địa điểm nguy cơ lây nhiễm theo Thông báo khẩn của Bộ Y tế.
Riêng các đơn vị đóng tại Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các đơn vị đóng quân tại địa bàn có dịch thực hiện theo Chỉ thị 19 của Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, lực lượng quân đội không được chủ quan lơ là, phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, nhất là liên quan đến các đối tượng móc ngoặc đưa người nước ngoài nhập cảnh “chui” vào nước ta.
“Phải khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là. Chúng ta xác định cuộc chiến lâu dài vì chưa biết dịch chấm dứt vào thời gian nào. Nhưng cuối cùng chúng ta phải thắng được “cuộc chiến” này” – Thượng tướng Trần Đơn nói và nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định dịch bệnh rất phức tạp nhưng không làm cho nhân dân lo lắng. Phải thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quân đội đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.
Liên quan tới tình trạng xuất nhập cảnh qua biên giới, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh: “Các Chỉ huy trưởng thực hiện nhiệm vụ ở các tuyến biên giới không thể lơ là và phải có trách nhiệm cao. Nếu để lọt, để vượt biên trái phép thì phải chịu trách nhiệm. Dứt khoán là phải như vậy. Cần thiết, nếu ai lơ là thì thay ngay nếu không sẽ để xảy ra vi phạm kỷ luật cao hơn”.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, từ ngày 24.4 đến nay sau khi kết thúc lệnh cách ly xã hội, Bộ đội Biên phòng vẫn tiếp tục duy trì 100% lực lượng chốt chặn trên biên giới, ngăn chặn dịch bệnh. Ngày 5.7 đã điều động 241 cán bộ, học viên chi viện cho tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng thực hiện phòng chống dịch tại các tổ chốt trên biên giới.
Liên quan đến tình hình xuất nhập cảnh trái phép, cụ thể là hai vụ việc ở tỉnh Quảng Nam (21 người) và TP.Đà Nẵng (27 người), Thiếu tướng Lê Đức Thái cho hay, sau khi sự việc xảy ra, đã thành lập 10 đoàn công tác đi kiểm tra công tác kiểm soát biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép trên chốt biên, đồng thời rà soát, kết luận việc có hay không biểu hiện lơ là, làm ngơ tiếp tay cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Tính đến chiều 30.7, qua tổng hợp, 100% cán bộ chiến sĩ ở các tuyến biên giới và đơn vị biên phòng vẫn quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng về nhiệm vụ bảo vệ biên giới gắn với phòng chống dịch.
“Đến nay chưa phát hiện ra trường hợp nào có dấu hiệu liên quan đến hoạt động đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép”, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nói và nhấn mạnh sẽ nghiêm túc siết chặt việc quản lý, kiên quyết xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc nhất theo điều lệnh quân đội và đúng pháp luật.

2 Thượng nghị sĩ thúc ép Ngoại trưởng Mỹ trừng phạt

quan chức Việt Nam theo đạo luật Magnitsky

Hai Thượng nghị sĩ Marco Rubio và John Cornyn thuộc đảng Cộng Hòa hôm 30-7-2020 gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo yêu cầu đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các Quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về Tự do Tôn giáo CPC và trừng phạt các quan chức cộng sản theo đạo luật Magnitsky toàn cầu.
Việt Nam là một đối tác an ninh quan trọng trong khu vực nhưng hồ sơ nhân quyền của họ vẫn là một trở ngại cho việc tăng cường quan hệ.
Do đó, chúng tôi trân trọng yêu cầu ông nêu ra những vấn đề này trực tiếp với chính phủ Việt Nam và đề nghị ông xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu đối với các cá nhân vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu chỉ định Việt Nam là Quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì vi phạm quyền tự do tôn giáo“, thư chung của 2 Thượng Nghị sĩ viết đăng trên trang thông tin của ông Marco Rubio viết.
Bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu ra trường hợp đàn áp các nhóm tôn giáo và đặc biệt là việc bắt bớ các lãnh đạo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Sự áp bức nhắm tới những người theo Thiên Chúa Việt Nam, người Thượng (Montagnard) và người H’mông đặc biệt gây phiền muộn.
Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu vào báo chí, bao gồm các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và những nỗ lực để làm im tiếng những tiếng nói bất đồng chính kiến cũng là mối quan tâm rất lớn.
Điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là thúc ép chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền cơ bản của người dân Việt Nam và quy trách nhiệm đối với các quan chức chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Hoa Kỳ phải tiếp tục phát triển và tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta đối với các quốc gia trong khu vực để đảm bảo sự thịnh vượng và an ninh chung, đồng thời chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cách duy nhất để hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam là thúc đẩy họ thực hiện các bước nghiêm túc để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam“, bức thư có đoạn viết.
Luật Magnitsky được thông qua vào năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người mà họ xem là người chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm vào Hoa Kỳ.
Việt Nam từng bị đưa vào danh sách Các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vào năm 2004 nhưng được đưa ra khỏi danh sách vào năm 2006 trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO).
Các quốc gia bị chỉ định vào CPC sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp đối phó, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế.

Bắc Kạn phát hiện 2 tử tù chết

trong tư thế treo cổ trong phòng giam

Bình luận Khôi Nguyên
Khoảng 9h ngày 1/8, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện hai tử tù vừa bị tuyên án tử hình liên quan đến vụ án vận chuyển trái phép 22 bánh heroin tại Bắc Kạn chết trong tư thế treo cổ trong phòng giam.
Hai tử tù này là Lương Văn Bằng (sinh năm 1988) và Lăng Văn Vân (sinh năm 1988), cùng trú xóm Lũng Luông, xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Trao đổi với truyền thông, ông Hà Văn Tuyên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn xác nhận vụ việc trên và cho biết, cơ quan công an đã thực hiện các thủ tục khám nghiệm.
Trước đó, 2 tử tù này bị TAND tỉnh Bắc Kạn tuyên án tử hình vào ngày 29/7/2020, do liên quan tới vụ án vận chuyển 22 bánh heroin bị phát hiện vào ngày 3/9/2019 tại thôn Nà Hái, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Các đối tượng bị tạm giam tại Trại Tạm giam, Công An Tỉnh Bắc Kạn.
Vụ án vận chuyển 22 bánh heroin
Vào khoảng 11h ngày 3/9, tại phố Nà Hái, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), cơ quan công an huyện này đã dùng máy xúc và ô tô chặn xe, khống chế tại chỗ 3 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy đang di chuyển theo hướng Bắc Kạn – Cao Bằng.
Các đối tượng bị bắt giữ gồm Lăng Văn Vân (sinh năm 1988), Lăng Văn Thủy (sinh năm 1975) và Lương Văn Bằng (sinh năm 1988), cùng trú tại xóm Lũng Luông, xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ 22 bánh heroin, cùng một số ma túy tổng hợp dạng viên khác.
Ngày 29/7, TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo gồm: Lăng Văn Thủy, Lương Văn Bằng, Lăng Văn Vân về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”, tuyên 3 bị cáo mức án tử hình.

Điểm tin trong nước sáng 2/8 – Lâm Đồng:

Giám đốc người Nhật dương tính với virus Vũ Hán;

 Bão Sinlaku khó lường

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (2/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Lâm Đồng: Giám đốc người Nhật dương tính với virus Vũ Hán
Báo Thanh Niên thông tin, Giám đốc người Nhật của Công ty Hokkaido, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được phát hiện dương tính với virus Vũ Hán khi bay về Nhật Bản vào sáng 1/8. Lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly tại chỗ 23 nhân viên công ty này.
Thông tin ban đầu, ngày 31/7, vị giám đốc 75 tuổi này bay từ Liên Khương đi TP.HCM trên chuyến bay VN 7385. Tối cùng ngày, ông bay từ sân bay Tân Sơn Nhất qua sân bay Narita (Nhật Bản) trên chuyến bay TL 750 cất cánh lúc 23h25′. Khi tới Tokyo, ông M. được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Test High Standard và phát hiện dương tính với virus Vũ Hán.
Ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND H.Lạc Dương, cho biết lịch trình của ông giám đốc từ ngày 17 đến 31.7 rất phức tạp. Hiện sức khỏe ông này vẫn bình thường, chưa có biểu hiện sốt, ho. Sau 5 ngày, ông sẽ được xét nghiệm lần 2.
Ngay khi nhận được thông tin, các cơ quan ban ngành H.Lạc Dương đến phong tỏa Công ty Hokkaido. Tại đây đang có 23 người làm việc, trong đó có 10 người địa phương. Ngoài ra còn có 2 sinh viên khoa Nông lâm, Trường ĐH Đà Lạt làm việc tại Công ty Hokkaido.
Bão Sinlaku khó lường
Bão số 2 có tên Sinlaku đang đổ bộ vào Việt Nam vào hôm nay (2/8) được dự báo là rất khó lường do chịu tác động của áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines. Điều này sẽ khiến cơn bão số 2 trở nên nguy hiểm hơn dự đoán ban đầu.
Cụ thể, áp thấp nhiệt đới phía ngoài khơi Philippines sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão gần đất liền nước ta. Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới, bão số 2 sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực.
Do đó, bão sẽ đi với vận tốc lúc nhanh, lúc chậm và có khả năng thay đổi cường độ do đang tồn tại trên vùng biển nóng.
TS Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định đây là một hình thái phức tạp và khó lường.
“Sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới này sẽ tác động đến cường độ và hướng di chuyển của bão số 2 đang hướng vào đất liền Việt Nam”, ông Lâm nói trên Zing.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 02/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trong ngày hôm nay và ngày mai sẽ xuất hiện mưa dông trên diện rộng, nhiều nhất ở ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên với lượng mưa khoảng 500mm/đợt.
2 nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ở TP.HCM đều không có triệu chứng
Thanh Niên thông tin, tối ngày 1/8, Bộ Y tế đã công bố TP.HCM có thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới là bệnh nhân 567, bệnh nhân 568.
Ca thứ nhất là bệnh nhân 567 (nữ, ngụ tại chung cư Thái An 2, 602 Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12). Ngày 24/7, bệnh nhân 567 đến Đà Nẵng và di chuyển từ sân bay bằng xe ô tô riêng đến khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng để chăm sóc người thân.
Ca thứ 2 là bệnh nhân 568 (nữ, ngụ Q.8), đến Đà Nẵng ngày 18/7. Trong suốt thời gian ở Đà Nẵng, bệnh nhân 568 ở tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng để chăm sóc mẹ.
Hai 2 bệnh nhân 567, bệnh nhân 568 đã chuyển cách ly điều trị, và không có triệu chứng bệnh Covid-19.
11.000 người đã đến Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn trở thành ổ dịch Covid-19.
Tuổi trẻ dẫn thông tin tại cuộc làm việc trực tuyến của Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đơn vị thường trực chống dịch tại Đà Nẵng ngày 1/8 cho biết, trong giai đoạn xuất hiện vụ dịch, có khoảng 11.000 người đã đến Bệnh viện Đà Nẵng khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà.
Hiện các đơn vị xét nghiệm ở Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 10.000 người/ngày (trước đây khoảng 7.000 người/ngày), nhưng để mở rộng lấy mẫu ngoài cộng đồng, theo ông Long, cần tổ chức các chốt lấy mẫu tại các nơi có nguy cơ trước, như quận Hải Châu, các địa điểm đông du khách và nhân viên y tế.
“Cần huy động tổng lực cho xét nghiệm” – ông Long nói.

Điểm tin trong nước tối 2/8 – TP.HCM:

Thêm 1 người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối Chủ nhật (2/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
TP.HCM: Thêm 1 người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng
Sáng 2/8, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân thứ 8 nhiễm Covid-19 trong “đợt sóng” thứ 2 tại TP.HCM (bệnh nhân số 589) – là người thứ 3 nhiễm không có triệu chứng trên địa bàn.
Bệnh nhân 589 nhiễm Covid-19 là nam, ngụ tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, ngày 18/7, bệnh nhân 589 đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình.
Thông tin trên Thanh Niên, từ ngày 20 – 21/7 bệnh nhân 589 đi tham quan tại Hội An. Trưa 22/7, bệnh nhân 589 dự đi đám cưới tại For You Palace. Ngày 23 và 24/7, bệnh nhân 589 di chuyển đến Huế.
Ngày 25/7, bệnh nhân trở về TP.HCM trên chuyến bay VN119, số ghế 16D. Ngày 26/7, bệnh nhân ở nhà. Chiều 27/7, bệnh nhân 589 đến trạm y tế phường để đăng ký xét nghiệm.
Sáng 28/7, bệnh nhân 589 được lấy mẫu xét nghiệm, sau đó trở về cách ly tại nhà. Tối 31/7, bệnh nhân 589 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển cách ly điều trị, hiện không có triệu chứng bệnh.
Khu vực nhà bệnh nhân 589 ở đã được phong tỏa, cách ly.
Trước đó, tối ngày 1/8, Bộ Y tế đã công bố TP.HCM có thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới là bệnh nhân 567, bệnh nhân 568 cũng không có triệu chứng của bệnh.
Đà Nẵng phát hiện thêm  1 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, trường hợp mới nhất được Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng phát hiện tối 1/8 khi kiểm tra hành chính một số nhà.
Cụ thể, tại nhà số 47 và 145 đường Lê Văn Duyệt, lực lượng chức năng phát hiện có 4 người Trung Quốc, và 4 người Việt Nam đang sinh sống tại đây.
Trong số này có 1 người Trung Quốc không có hộ chiếu theo quy định và 3 người Việt nam không đăng ký tạm trú tạm vắng.
Nhà chức trách đã kiểm tra y tế và lập biên bản để xử lý người Trung Quốc và công dân Việt Nam theo quy định.
Trước đó, lực lượng chức năng Đà Nẵng đã phát hiện hơn 50 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lưu trú ở tỉnh này.
Bão Sinlaku suy yếu, dự báo Bắc Bộ mưa suốt tuần tới
Chiều 2/8, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 2 (Sinlaku) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa.
Lúc 13h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên đất liền ven biển các tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm duy trì ở cấp 6, giật cấp 8.
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15 km/h và tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Theo Cơ quan dự báo Hong Kong, sức gió tại tâm áp thấp nhiệt đới hiện chỉ còn 45 km/h (cấp 6). Những giờ tới, hình thái này tiếp tục di chuyển và giảm cường độ gió xuống còn 40 km/h. Tuy nhiên, khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên đang tồn tại nhiều ổ mây dông gây mưa lớn.
Trên đất liền, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Nam Bộ vẫn mưa vừa, mưa to vào chiều tối nay với vũ lượng 40-70 mm trong 12 giờ.
Đáng chú ý, Bắc Bộ được cảnh báo có mưa lớn kéo dài từ nay đến 8/8. Lượng mưa mỗi ngày có thể lên đến 40-80 mm, có nơi trên 100 mm. Khu vực Hà Nội bắt đầu cao điểm mưa từ chiều và đêm nay, kéo dài suốt cả tuần sau với lượng mưa giảm dần qua từng ngày.
Bình Phước thêm 1 ca dương tính với bệnh bạch hầu
Ngày 2/8, báo Zing dẫn tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết vừa phát hiện bệnh nhi 5 tuổi dương tính với dịch bạch hầu, đây ca thứ 2 nhiễm bệnh bạch hầu tại tỉnh này.
Bệnh nhân Đ.K. (5 tuổi, trú tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh) có triệu chứng sốt, đau họng, ăn uống kém từ ngày 24/7.
Ngày 30/7, bệnh nhân được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu phẩm về nuôi cấy và gửi Viện Pasteur TP.HCM để kiểm tra, kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Trước đó, bệnh nhân có mua thuốc tây uống nhưng không thuyên giảm. Sau đó có đi khắm ở trung tâm y tế gần nhà.
Như vậy tính đến thời điểm này, tỉnh Bình Phước ghi nhận 2 ca dương tính với dịch bạch hầu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?