Tin Việt Nam – 03/08/2020

Tin Việt Nam – 03/08/2020

Việt Nam: Đợt dịch Covid-19 thứ hai dữ dội hơn đợt đầu tiên – Thanh Phương

Sau hơn ba tháng không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, và sau một thời gian dài được cả thế giới khen ngợi về thành tích phòng chống dịch Covid-19 giỏi đến mức không có một ca tử vong nào (theo thông báo chính thức), Việt Nam nay phải đối phó với một làn sóng dịch thứ hai, đến bất ngờ và dữ hội hơn lần trước, với tâm chấn là thành phố du lịch Đà Nẵng.
Tính đến sáng hôm nay, 03/08/2020, tại Việt Nam đã có đến 6 người chết vì dịch Covid -19, tuổi từ 53 đến 86, tất cả trước đó đều đã có những bệnh mãn tính và đều có liên quan đến Đà Nẵng. Điều đáng nói là số tử vong có vẻ đang tăng nhanh, vì chỉ riêng trong ngày Chủ nhật đã có 3 người chết vì Covid-19. Số tử vong rất có thể sẽ còn tăng nữa vì hiện có 13 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cũng tính đến sáng hôm nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 621 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 242 bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Như vậy là sau hơn ba tháng không phát hiện ca nào (ngoài những ca ngoại nhập), dịch Covid-19 lại xuất hiện trong cộng đồng, chính thức là kể từ ngày 25/07 ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay, đã có hơn 174 ca nhiễm mới được ghi nhận, trong đó có 120 ca ở Đà Nẵng, phần còn lại là ở các tỉnh thành khác: Quảng Nam với 35 ca, Sài Gòn 8 ca, và Quãng Ngãi và Đắc Lắk mỗi nơi 3 ca, Hà Nội 2 ca, Thái Bình, Hà Nam và Đồng Nai mỗi nơi 1 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 từ Đà Nẵng đang lan rộng như vậy, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ xét nghiệm toàn bộ 1,1 triệu dân của thành phố này. Vấn đề là kể từ ngày 01/07 đã có hơn 800.000 người đến Đà Nẵng và sau đó trở về nơi ở của họ tại các tỉnh thành khác. Ngoài ra còn có khoảng 41.000 người đã từng đến chữa bệnh tại các bệnh viện của Đà Nẵng, nơi tập trung phần lớn các ca nhiễm mới. Thân nhân của người bệnh cũng bị lây nhiễm. Chẳng hạn như ca mới nhất được thông báo hôm nay là một phụ nữ 60 tuổi, cư dân tỉnh Quảng Ngãi, đến chăm sóc người thân ở Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 18 đến 22. Đến ngày 31/07 bà bắt đầu bị ho và sốt cao, rồi được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona.
Mặt khác, chính quyền Việt Nam hôm qua thừa nhận là rất khó truy ra nguồn gốc của đợt dịch lần này, vì tại Đà Nẵng có nhiều nguồn virus và có rất nhiều người bị lây nhiễm trong cộng đồng. Còn theo lời quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thành Long, virus corona gây ra đợt dịch lần này là “một chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.” Ông Long cho biết chỉ số lây nhiễm của virus mới này là khoảng 5-6, tức là một người có thể lây cho 5-6 người, trong khi chỉ số lây nhiễm của virus trong đợt dịch trước chỉ khoảng 1,8-2,2.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 30/07/2020, vào lúc mà Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, đã nhấn mạnh đến nguy cơ lây nhiễm từ những người nhập cảnh trái phép và nguy cơ từ các bệnh viện.
RFI: Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, với tư cách một người làm trong ngành y tế, bác sĩ có ngạc nhiên về sự bùng phát của đợt dịch lần này?
BS Trương Hữu Khanh: Dịch xảy ra như thế này thì mình có thể tiên đoán được, tại vì những nước chung quanh vẫn còn, thì khả năng ca ngoại lại xâm nhập là có thể xảy ra. Vấn đề là mình biết lúc nào nó tới. Về nguyên tắc, một nước đã khống chế được nội tại, nhưng không kiểm soát được nguồn ngoại lai xâm nhập, thì mình sẽ bị. Ở Việt Nam, chỉ có sân bay, đường hàng không là kiểm soát được tốt, chứ còn đường bộ, đường sông thì mình không thể kiểm soát được. Theo tôi, nếu mình không kiểm soát được nhập cư, thì mình sẽ bị như thế này.
RFI: Dịch đã bùng phát đầu tiên ở Đà Nẵng và đã có nhiều người bị nhiễm từ Đà Nẵng đến một số thành phố khác, vậy theo bác sĩ làm cách nào để ngăn dịch lây lan thêm nữa?
BS Trương Hữu Khanh: Việc quan trọng nhất là mình phát hiện và sàng lọc những người ở các tỉnh khác, nếu phát hiện ra một ca thì mình sẽ vẽ đường đi của họ, xem họ đã đi đến những nơi nào, mình phải đuổi theo trước con virus, có nghĩa là họ đã đi đến đó thì có khả năng là con virus tồn tại ở khu vực đó. Muốn kiểm soát dịch này thì mình phải chặn trước con virus. Mình phải khoanh vùng và tầm soát những người đến khu vực đó, thông báo cho họ phải tiếp xúc với cơ quan y tế và tự cách ly mình. Việt Nam đang làm như vậy.
RFI: Thưa bác sĩ, Việt Nam có đã rút những kinh nghiệm từ đợt dịch trước hay không, tức là áp dụng những biện pháp đã được thực hiện trước đây?
BS Trương Hữu Khanh: Chắc chắc là phải áp dụng quyết liệt hơn là đối với những trường hợp trước đây, bởi vì thời gian mà mình phát hiện ca đầu tiên thì tương đối là trễ: có bệnh nhân nặng có nghĩa là
ngoài cộng đồng đã có rồi. Thường thường cộng đồng phải có bệnh nhẹ trước, rồi mới có bệnh nặng. Thứ hai là phát hiện rồi mình mới thấy ổ dịch là nằm ở các bệnh viện, có nghĩa là những nơi giao lưu rất nhiều. Đó lại là những bệnh viện lớn, giao lưu từ các tỉnh rất là nhiều. Đây lại là một tỉnh thành du lịch, giao lưu rất là nhiều. Cho nên có khả năng là mình phải làm quyết liệt hơn và thời gian để khống chế dịch có thể sẽ dài hơn.
RFI : Thưa bác sĩ, những thành phố khác mà có nguy cơ là có những người đến từ Đà Nẵng thì phải thi hành những biện pháp nào để ngăn chận dịch Covid-19 bùng phát mạnh?
BS Trương Hữu Khanh: Thứ nhất là phải khai báo y tế. Tất cả những người từ thành phố Đà Nẵng về, tính theo khoảng thời gian mà họ mang mầm bệnh từ nơi đó, về đều phải khai báo y tế. Từ khai báo y tế đó, người ta mới hướng dẫn cho họ những phương pháp phòng ngừa tại chổ, khi phát hiện thì phải làm như thế nào. Hiện Việt Nam cũng đang dần dần lấy mẫu tất cả những nhóm người đó, để xem trong người họ có mang virus hay không. Nếu không mang virus thì kêu gọi họ tự cách ly. Còn nếu họ có mang virus thì phải cách ly tập trung.
Đó là biện pháp khoanh vùng. Còn riêng trong tỉnh mà mình đã phát hiện ca bệnh thì phải dò đường đi của ca bệnh đó, đuổi theo ca bệnh đó và khoanh vùng tiếp tục, để giám sát xem những người ở vùng đó có mang virus hay không, thì mới có thể khống chế được.
RFI: Vẫn theo nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tiến hành xét nghiệm đại trà. Việt Nam có đủ phương tiện để tiến hành xét nghiệm hàng loạt đó?
BS Trương Hữu Khanh: Việt Nam có đủ phương tiện, bởi vì năng lực xét nghiệm của Việt Nam hiện nay được mở ra khá là nhiều rồi. Năng lực phát hiện ban đầu, cũng bằng phương pháp PCR, để phát hiện ca âm tính, thì đủ. Còn nếu là ca dương tính thì mình phải check lại một lần nữa. Cái này Việt Nam cũng đủ năng lực. Về sinh phẩm, Việt Nam cũng tự sản xuất được và cũng nhập khẩu được, bởi vì hiện nay nguồn sinh phẩm để chẩn đoán không phải là khó kiếm như lúc ban đầu.
Thứ hai là trong suốt thời gian vừa rồi, Việt Nam đã tập huấn cho những cơ sở xét nghiệm khác nhau để nâng năng lực của họ lên, tăng số nơi xét nghiệm lên.
Cái Việt Nam hiện nay khởi động nhiều hơn, đó là khối điều trị. Lúc trước ca bệnh nặng không nhiều, chỉ là bệnh nhẹ thôi. Bây giờ có những ca bệnh nặng nên phải khởi động một số nơi điều trị bệnh nặng, để chia sẻ cho các vùng chưa có kinh nghiệm. Lúc trước chỉ tập trung các ca bệnh nặng ở hai nơi là bệnh viện Chợ Rẫy, Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh và Nhiệt Đới Trung Ương. Bây giờ người ta đang mở ra những nơi khác như Bệnh viện Trung ương Huế, rồi dần dần sẽ mở ra thêm để đủ năng lực điều trị bệnh nặng, trải đều ra.
RFI: Thưa bác sĩ, với tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, chắc là Việt Nam sẽ phải tiếp tục đóng cửa biên giới, tức là khoan đón nhận trở lại du khách nước ngoài, đề phòng những ca ngoại nhập?
BS Trương Hữu Khanh: Khi đã có những ca du nhập mà không kiểm soát được và ở các nước khác đang có đợt dịch mới, chắc chắn là Việt Nam chưa thể mở cửa du lịch thoải mái, có thể chỉ mở cửa chọn lọc cho một số chuyên gia vào làm việc. Những người này phải tuân thủ cách ly 14 ngày, rồi xét nghiệm lại.
RFI: Nếu đợt dịch kỳ này quá lớn so với kỳ trước, bệnh viện của bác sĩ đang chuẩn bị như thế nào để tiếp nhận bệnh nhân?
BS Trương Hữu Khanh: Bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 1 tuần nay đã khởi động rồi và đã tiếp nhận bệnh nhân rồi, nhưng đó là những ca mà mình nghi ngờ thôi. Những nhân viên bệnh viện đi từ Đà Nẵng về hoặc đã đến những bệnh viện có ca bệnh thì cũng đã được xét nghiệm và cách ly theo dõi. May mắn là những người đó đều được xét nghiệm âm tính.
Đối với bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu phát hiện các ca dương tính thì chúng tôi chia thành hai nhóm. Nếu là người lớn thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhiệt Đới hoặc bệnh viện dã chiến, còn trẻ nhỏ thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố, vì bệnh viện Nhi Đồng 1 đang trong giai đoạn xây dựng.

COVID-19 tại Việt Nam:

 thêm 21 ca nhiễm, tổng cộng 642 và 6 ca tử vong

Bộ Y tế Việt Nam vào 6 giờ chiều ngày 3 tháng 8 công bố có thêm 21 ca mới mắc COVID-19 tại Việt Nam. Tại thành phố Đà Nẵng có 15 trường hợp, và Quảng Nam có 6 trường hợp. Tất cả đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Vào sáng ngày 3 tháng 8, cơ quan chức năng y tế Việt Nam thông báo có thêm 1 trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Quảng Ngãi. Như vậy tổng số các ca nhiễm trên cả nước từ đầu mùa dịch đến nay là 642 trường hợp. Đã có 6 ca tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam. 374 trường hợp được chữa  khỏi.
Tiểu ban Điều Trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam về phòng chống COVID-19 vào trưa ngày 3 tháng 8 cũng thông báo hiện có 13 ca nhiễm SARS-CoV-2 đang có diễn biến nặng, nguy kịch. Trong số này có 10 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy; 3 bệnh nhân nặng. Ngoài ra còn có 21 trường hợp được cho biết có diễn biến nặng lên.
Tất cả 13 trường hợp này thuộc số 241 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam.
Riêng tính từ ngày 25 tháng 7, sau gần 100 ngày không phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nào, thì đến nay đã có 227 trường hợp. Trong số này có 195 trường hợp lây nhiễm ngay trong nước tại 9 tỉnh, thành phố. Đó là các nơi gồm Hà Nội (2 ca), Hà Nam (1 ca), Thái Bình (1 ca), Đà Nẵng (136 ca), Quảng Nam (40 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Dak Lak (3 ca), Đồng Nai (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca).
Tại thành phố Đà Nẵng, có ít nhất 4 nhà máy tại những khu công nghiệp trên địa bàn thành phố báo cáo có công nhân bị nhiễm COVID-19. Bốn nhà máy này hiện có lực lượng lao động tổng cộng 3700 công nhân viên.

Covid-19 tái phát ở VN:

Mô hình “trì hoãn”, lợi hại và bài học?

Quốc Phương
Việc Việt Nam làm chậm hay đình hoãn khá tốt sự tiến triến của dịch Covid-19 với nhiều biện pháp, trong đó có đảm bảo cách ly, giãn cách xã hội trong giai đoạn đầu tỏ ra có nhiều ưu điểm, một chuyên gia về chính sách sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học nói với BBC News Tiếng Việt.
Điều này lẽ ra đã cần phải được tiếp tục, nhưng rất tiếc là bản thân ngành y tế và nhiều người dân đã có phần ‘lơi lỏng, chủ quan’ nên hiện nay Việt Nam đang phải trả giá, Bác sỹ Phạm Hoàng Anh nói.
Nguyên Giám đốc Health Bridge Canada, một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam trong lĩnh vực hỗ trợ chính sách y tế công cộng và sức khỏe cộng đồng, nói với BBC:
“Trong giai đoạn một, bên cạnh cách ly, giãn cách xã hội là một trong các biện pháp được áp ụng để ngăn ngừa sự lan truyền.
“Tất nhiên là việc làm chậm lan truyền thì cũng có nghĩa là dịch cũng diễn tiến chậm lại, nhưng đó là phương pháp phòng ngừa quan trọng mà hầu như bất cứ quốc gia nào cũng nghiên cứu áp dụng.
“Có nơi tính đến miễn dịch cộng đồng, nhưng một câu hỏi đặt ra là cần phải biết được hiện nay đã có lây nhiễm với tỷ lệ là bao nhiêu phần trăm rồi? Ví dụ giả sử biết được là trong cộng đồng tỷ lệ nhiễm là 30% rồi, thì cũng hy vọng là nếu có miễn dịch cộng đồng trên 50%, thì khoảng cách còn ít thời gian nữa, thì có thể “buông” chẳng hạn.
“Nhưng vấn đề là có biết được hiện nay tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng là bao nhiêu phần trăm hay không? Thông tin nói có một vùng rất nghèo ở Mumbai, tại Ấn Độ, có một cộng đồng dân cư mà có tỷ lệ được coi là ‘miễn dịch cộng đồng’, mà khi xét nghiệm thì khoảng 57% tái nhiễm và người ta cho rằng số ca xuất hiện ở trong cộng đồng ấy là đang giảm xuống rất là nhanh. Thì đó là nơi mà có thể có được miễn dịch cộng đồng tự nhiên.
“Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà không có một quốc gia nào dám khẳng định là thả nổi thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa dịch sẽ đi xuống. Cho nên tôi nghĩ rằng cách ly rồi giãn cách xã hội là biện pháp bắt buộc, không thể khác được và đây là điều đã làm đúng.”
‘Chậm vẫn là tốt’
Có ý kiến cho rằng việc làm chậm lại chỉ là để tạm trì hoãn tiến triển quy mô, mức độ lây lan của đại dịch, nhưng nếu chủ quan, lơi lỏng kiểm soát, thì dịch có thể lại bùng phát và gây ra tác hại khó lường.
Về vấn đề này, Bác sỹ Phạm Hoàng Anh bình luận:
“Nếu mà nói rằng làm chậm lại, sau này nó vẫn có thể bung ra… thì tôi nghĩ rằng là nếu làm chậm được đà tiến triển của dịch thì cũng vẫn là tốt. Bởi vì làm chậm thì áp lực lên hệ thống y tế cũng bớt đi và những trường hợp bị nhiễm có điều kiện được chữa khỏi, rồi người ta có miễn dịch, thì huyết tương của người ta có thể dùng để điều trị những bệnh nhân khác.
“Còn nói bấy giờ để nó ồ ạt một lúc, bao nhiêu người mắc nhiễm, thì hệ thống y tế của Việt Nam hiện nay, mà chúng ta cũng thừa biết rằng không có dịch bệnh cũng đã quá tải rồi, bệnh viện nào cũng đông sẵn rồi, lại gánh thêm dịch Covid-19 nữa, thì sẽ hết sức khó khăn.
“Ngoài ra, bệnh nhân và các bác sỹ cũng có thể bị nhiễm dịch nữa, bệnh viện như ở Đà Nẵng, ngay trong bệnh viện, nhiều cán bộ y tế đang phải cách ly rồi, thì các bệnh nhân mà có dấu hiệu bệnh tất nhiên cũng có thể đưa vào đấy, nhưng chăm sóc và thiết bị, điều kiện sẽ bị hạn chế rất là nhiều.
“Cho nên tôi nghĩ, nếu Việt Nam tiếp tục làm giãn cách xã hội để làm chậm sự phát triển của dịch vẫn còn là cái may, nếu mà làm được”.
‘Đang phải trả giá’
Bác sỹ Phạm Hoàng Anh lấy làm tiếc khi thấy rằng Việt Nam chưa tự học được điều mà bà gọi là ‘bài học quan trọng’ từ phòng chống, kiểm soát và làm chậm đại dịch của chính nước này từ đợt một, khi mấy tháng qua để cho giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng hộ cá nhân và cộng đồng khác có phần bị lơi lỏng.
Bà nói:
“Tôi nghĩ có lẽ bài học tạm lui của dịch sau đợt một là việc chúng ta phải trả giá, tức là cũng chủ quan. Tôi nghĩ rằng người dân cũng nhiều người rất là chủ quan, theo quan sát của tôi, và có thể ngay cả ngành y tế cũng chủ quan.
“Trong thâm tâm của rất nhiều người nghĩ rằng chúng ta an toàn, chúng ta vượt qua rồi và thậm chí ở đâu đấy có những giả định là người Việt Nam có miễn dịch đặc biệt chẳng hạn.
“Đấy là những giả định mà chưa có cơ sở khoa học nào đảm bảo cả, mà trong khi chưa có cơ sở như thế chúng ta lại chủ quan, lơi lỏng với những biện pháp cách ly, những biện pháp phòng hộ cá nhân… thì rất là nguy hiểm.
“Cho nên tôi nghĩ là bây giờ, ngay lập tức phải siết chặt giãn cách xã hội và thứ hai nữa là phải tiếp tục giáo dục, khuyến cáo người dân về những biện pháp phòng hộ cá nhân và tầm quan trọng để trước mắt hy vọng hạn chế được với người nào thì hay người ấy và trụ được ngày nào thì hay ngày ấy, còn nếu để nó bùng nổ đại quy mô thì hết sức nguy hiểm.
“Nếu nhìn ra bên ngoài, mấy nước bị kinh khủng như là Tây Ban Nha, Brazil, rồi Ấn Độ chẳng hạn, tôi thấy là Tây Ban Nha và một số nước, như là nước Pháp chẳng hạn, thời điểm ban đầu lây rất nhanh, là bởi vì văn hóa của họ có những yếu tố như gần gũi, kể cả bạn bè, không phải ruột thịt, nhiều khi gặp nhau cũng ôm hôn, rồi văn hóa lễ hội… tức là họ luôn luôn thể hiện sự nồng nhiệt.
“Còn Ấn Độ, dân cư quá đông, nhiều nơi chen chúc, rồi cũng có yếu tố văn hóa như ở nhiều người Việt Nam cũng thấy có, đó là sự tò mò, thấy gì lạ cũng chụm lại rất là đông để mà xem xét, theo dõi… Ấn Độ lan nhanh cũng là vì dân số quá đông và mật độ quá đông.
“Như vậy sơ bộ có thể thấy có những nhân tố văn hóa, xã hội tác động đến quá trình lây nhiễm, còn Việt Nam xem xét vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta tuy vậy cũng có một số yếu tố ưu, thuận lợi cho quản lý dịch bệnh cộng đồng, trong đó nhiều người dân nhanh nhạy thông tin, nhạy bén với các thông tin liên quan đến sức khỏe, nên khi có những khuyến cáo của ngành y tế, của nhà nước và nếu lại được nhắc nhở, kịp thời, thì người dân cũng có ý thức tuân thủ.”
‘Buông lỏng quá sớm?’
Theo bác sỹ Phạm Hoàng Anh, người từng tu nghiệp ở London, Anh Quốc, về dịch tễ học, ngoài yếu tố trên, Việt Nam thực ra cũng có một lợi thế khác nữa trong hành vi của cá nhân trong cộng đồng.
Bà nói:
“Một vấn đề nữa trong giãn cách xã hội mà nhiều người cũng dễ thực hiện hơn ở nơi khác là vì người Việt Nam quen chịu những áp lực về mặt tinh thần.
“Tôi theo dõi và biết là vấn đề sức khỏe tâm thần, tinh thần của nhiều người dân ở nhiều nước phương Tây diễn tiến rất là xấu, vì trong đợt dịch kéo dài này, nhà nước ở những nơi đó phải suy tính nhiều cách để giải tỏa cho người ta, nếu không thì các vấn đề trầm trọng có thể dẫn tới trầm cảm, tự tử, kể cả bạo lực gia đình và nhiều vấn đề khác.
“Tất nhiên, ở Việt Nam cũng có nhưng nhiều người Việt Nam chống đỡ nhẹ nhàng hơn, chứ không tới mức độ nếu không được đi ra ngoài thì ‘phát điên’, cái đó cũng có thể có, nhưng chắc không nhiều.
“Tuy nhiên, dù là may mắn thế nào, thì trong giai đoạn mới, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần trở lại với sự kéo dài, chỉ có điều là cần phải gấp rút tranh thủ từng ngày trong giai đoạn ‘vàng’ để đừng bỏ lỡ áp dụng đúng các biện pháp, đồng thời đúc rút những bài học hiệu quả phù hợp nhất từ giai đoạn một đến ngay bây giờ.”
Đợt tái bùng phát Covid-19 ở Việt Nam thu hút sự quan tâm, theo dõi của quốc tế và khu vực, đặc biệt với các thông tin được thông báo mới đây về các ca mắc nhiễm tăng thêm trong cộng đồng, trong đó có các ca tử vong và nhiều ca có nguy cơ tiến triển bệnh nặng.
Trang mạng Asia Times hôm 30/7 2020 có bài báo gây chú ý với tựa đề “Việt Nam – một nạn nhân của chính mình trong thành công chống Covid-19″.
“Việt Nam là một ‘mô hình mẫu’ ngăn chặn virus corona, nhưng một làn sóng thứ hai bất ngờ cho thấy giới chức đã buông lỏng sự cảnh giác của họ quá sớm,” tác giả David Hutt, một cây bút chuyên theo dõi thời sự Việt Nam, Đông Nam Á và khu vực, đưa ra lời nhận xét.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận trên BBC News Tiếng Việt về chủ đề có liên quan.

Dịch Covid-19,

cơ hội để bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Bùi Thư
Trong khi giới chức Việt Nam vẫn chần chừ trong việc quyết định bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để phòng dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ luôn kỳ thi “vô thưởng vô phạt” này.
Kỳ thi THPT năm nay dự kiến diễn ra trong hai ngày 9 và 10/8. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp, với số ca bệnh tăng mỗi ngày và nhiều tỉnh thành có người nhiễm, báo chí và dư luận đã đặt vấn đề bỏ kỳ thi năm nay.
Tuy nhiên, xem ra bỏ hay vẫn tổ chức thi là một quyết định nan giải đối với cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn chính bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi theo dự kiến.
Đề xuất bỏ kỳ thi để chống dịch
Hàng loạt tờ báo lớn đã nêu vấn đề cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp năm nay trong bối cảnh dịch bệnh vừa bùng phát trở lại. Báo Thanh Niên đã mở một cuộc thăm dò trực tuyến, trong đó có tới 80% người chọn phương án bỏ.
Trong bài viết “Thi tốt nghiệp THPT thời điểm này là không cần thiết” trên báo này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng trong thời điểm này nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Dũng, ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, gần như chắc chắn học sinh sẽ không thi tốt nghiệp, nếu vẫn tổ chức thi ở tất cả địa phương khác thì sẽ bất công cho học sinh ở hai địa phương này.
Bài báo cũng dẫn lời hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM cho rằng việc tổ chức thi đến thời điểm hiện tại không cần thiết, gây áp lực cho cả thí sinh và xã hội. Thêm vào đó, kỳ thi đặt áp lực lớn lên vai ngành y tế, và những người nằm trong ban tổ chức vì phải gồng mình để đảm bảo an toàn cho hàng triệu thí sinh tham gia.
“Ở TP HCM, tỷ lệ học sinh rớt tốt nghiệp năm trước chưa tới 3%, vậy chúng ta tổ chức một cuộc thi tốn hàng trăm tỉ đồng chỉ để sàng lọc 3% học sinh để làm gì? Tôi cho rằng, thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trao lại cho các trường đại học, cao đẳng quyền lựa chọn, tự chủ. Việc công nhận đậu tốt nghiệp có thể dựa trên học bạ của các em, như vậy vừa nhanh chóng, tiết kiệm lại đảm bảo an toàn cho cả thí sinh và cán bộ tham gia công tác trong kỳ thi này”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội bày tỏ:
“Trong bối cảnh Covid-19, việc tổ chức thi quá rủi ro về dịch tễ lại tốn kém về nhân lực và chi phí. Đây là cơ hội tốt để bỏ thử kỳ thi tốt nghiệp xem hiệu quả ra sao”.
“Theo tôi nên hủy bỏ kì thi tốt nghiệp vì bản thân kì thi này cũng không chất lượng và hoàn hảo. Trên thế giới, không còn nhiều nước sử dụng kỳ thi này, chỉ còn có Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện tại, một kỳ thi tốt nghiệp tới 97-98% đều đỗ, không kiểm định được năng lực học sinh mà lại gây căng thẳng cho học sinh, phụ huynh, giáo viên như vậy để làm gì. “, tiến sĩ Ánh chia sẻ.
“Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp chỉ cần căn cứ vào học bạ. Sau đó, để các trường đại học tự chủ, tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh vào trường mình. Xét trên bình diện lâu dài về giáo dục của Việt Nam cũng như bối cảnh Covid và thế giới, kỳ thi tốt nghiệp này không có ý nghĩa gì.”, bà Ánh đề xuất.
Trong một bài viết về vấn đề này, báo Tuổi Trẻ kết luận: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gây ra những áp lực không cần thiết lên học sinh phụ huynh, thầy cô và nhiều người khác liên quan. Nên để nguồn năng lực ấy dồn vào chuyện phòng chống dịch sẽ tốt hơn và thực chất hơn cho xã hội”.
‘Nên bỏ hẳn thi tốt nghiệp THPT’
Thi tốt nghiệp THPT là bài toán mà ngành giáo dục Việt Nam đã giải nhiều năm qua nhưng chưa ra được một đáp án chuẩn.
Trước năm 2014, kỳ thi này nhằm xác định các học sinh hoàn thành và tốt nghiệp THPT, là cấp cuối cùng của giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Theo phương thức này, các kỳ thi quốc gia hằng năm được tổ chức theo nhiều đợt trong khoảng một tháng, gồm: một đợt thi tốt nghiệp THPT; 03 đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại các trường đại học, cao đẳng do các trường thực hiện.
Trong vòng năm năm trở lại đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trải qua nhiều lần thay đổi về phương thức khiến học sinh, phụ huynh bối rối và dư luận xã hội phàn nàn.
Một trong những phương án được triển khai trong đợt này là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thống nhất trên toàn quốc. Từ kết quả thi tốt nghiệp này, các trường đại học sẽ căn cứ để tuyển sinh, thế nên người ta gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một”.
Về vấn đề này, tiến sỹ Hoàng Ánh nêu ý kiến: “Kỳ thi hai chung được áp dụng với hy vọng sẽ giảm tải cho học sinh nhưng đây lại là sai lầm lớn. Kỳ thi đại học cần một kỳ thi chất lượng, kỳ thi này lại không cần nhiều chất lượng nên sinh ra những gian lận thi cử như Hà Giang, Yên Bái.”
Năm 2020, kỳ thi trở lại với các thức cũ, với tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT (bỏ từ “quốc gia”) và chỉ nhằm xác định học sinh tốt nghiệp. Việc xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ do các trường quyết định, nhưng chủ yếu vẫn trên cơ sở xem xét kết quả thi tốt nghiệp.
Sự bối rối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thi tốt nghiệp tốn kém lẫn thực tế là tỉ lệ tốt nghiệp luôn cao (thường trên 95%), đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn kỳ thi “hình thức” này. Dù các lời kêu gọi bỏ thi tốt nghiệp mạnh mẽ, với nhiều cơ sở được đánh giá là chắc chắn, nhưng đến nay các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn duy trì.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh lý giải:
“Theo tôi, Việt Nam vẫn khăng khăng bám lấy kỳ thi tốt nghiệp này, một kỳ thi do Bộ giáo dục quản lý có thể do Việt Nam có tư duy không tin ai: mỗi một giáo viên nhìn học sinh như một người gian lận tiềm ẩn, mỗi người trên bộ về nhìn các giáo viên coi thi như một người nhận hối lộ. Chính vì điều này mà Việt Nam không thể nào tiến lên 4.0 được. Ngay cả khi học online thời gian qua, đến lúc thi thì vẫn là phải đến lớp: phải nhìn mặt học sinh, kiểm tra chữ k‎ý tươi mới yên tâm.”
Trung ương chưa quyết
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương chiều 2/8 bàn giải pháp phòng chống dịch COVID-19, câu chuyện thi tốt nghiệp THPT hay không thi THPT năm nay trở thành một chủ đề nóng.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm hai đợt. Địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt hai.
Ông Nhạ nói rằng thực hiện như trên là nhằm “đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh”. Một điều lưu ý là theo đề xuất này, với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam.
Bộ trưởng Nhạ cho biết về cơ bản, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, đề thi đã gửi về để các địa phương in sao. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho những người tham gia.
Trong số các địa phương, tỉnh Quảng Nam đề xuất đợi đến ngày 6/8, nếu tình hình dịch bệnh không biến động phức tạp thì vẫn tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Trong trường hợp dịch bệnh trở nên phức tạp hơn thì hoãn kỳ thi lại một tháng. Trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng kéo dài, có thể tính đến phương án đặc cách tốt nghiệp.
Các địa phương khác thì cơ bản đồng thuận với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cam kết triển khai các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn quy định đeo khẩu trang, đo thân nhiệt của tất cả những người có mặt tại địa điểm thi.
Vấn đề thi hay không thi xem ra khiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bối rối. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Phúc nói: “Tôi và phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thảo luận qua nhiều cuộc điện thoại nhưng ý kiến còn khác nhau. Chỉ một số địa phương có dịch mà dừng cả kỳ thi thì có đúng không? Đề nghị các đồng chí cho ý kiến để đưa vào nghị quyết Chính phủ”.
Một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ Việt Nam và ngành giáo dục băn khoăn đó là việc nhiều trường đại học căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Nếu bỏ kỳ thi vào thời điểm này, một số trường đại học có thể bối rối.
Bà Hoàng Ánh cũng nêu quan sát cá nhân:
“Hiện tại, việc bỏ kỳ thi này trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến tuyển sinh đại học. Vì Bộ giáo dục vẫn có xu thế cho thi bình thường, chỉ dời đến tháng 8. Vì thế, các trường đặt phương án xét tuyến dựa trên kỳ thi này. Nếu bây giờ hủy kỳ thi tốt nghiệp, các trường phải thay đổi toàn bộ phương án tuyển sinh của mình. Trong bối cảnh làn sóng Covid diễn biến phức tạp hơn trước, Bộ giáo dục tuyên bố dứt điểm bỏ kỳ thi này và các trường gấp rút ra phương án tuyển sinh khác sẽ là một bước tiền đề tốt cho những năm sau, dù khá vất vả.”
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định.

TP. HCM sẽ xử phạt hành chính những trường hợp

 không đeo khẩu trang nơi công cộng từ 5/8

Bình luậnKhôi Nguyên
Từ ngày 5/8, người dân ở TP. HCM không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính với mức cao nhất 300.000 đồng.
Chiều 3/8, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra yêu cầu trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP. HCM.
Nghị định số 176/2013 quy định, người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trước đó khoảng 1 tháng, TP. HCM đã xử phạt hơn 4.300 trường hợp không đeo khẩu trang với gần 870 triệu đồng.
Chủ tịch thành phố cho biết, việc đeo khẩu trang đã được khẳng định có thể tránh lây lan dịch bệnh cho người khác và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.
Ông Phong yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn cho người dân, cũng như cung cấp địa chỉ để người dân mua. Ngoài ra, cần kiểm tra để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên cao gây ảnh hưởng xáo trộn đến cuộc sống người dân.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, việc đeo khẩu trang là một trong những biện pháp cơ bản để tránh dịch bệnh lây lan. Việc này rất dễ làm, không tốn nhiều tiền nhưng nhiều nước bỏ lơi và đã bị “vỡ trận”. Ông Nhân khẳng định, thành phố bảo đảm không thiếu khẩu trang cho người dân.
Trước đó từ cuối tháng 3, việc xử phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng được TP. HCM cũng như các địa phương khác thực hiện khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, sau khi hết thực hiện cách ly xã hội từ ngày 23/4, việc đeo khẩu trang nơi công cộng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo.
Diễn biến dịch tại Việt Nam tính đến 18h ngày 3/8
Bộ Y tế công bố, chiều 3/8 Việt Nam ghi nhận thêm 21 ca dương tính với virus Vũ Hán. Trong số này có 15 ca tại Đà Nẵng, 6 ca tại Quảng Nam. Tất cả các bệnh nhân đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng, tâm dịch ở Việt Nam hiện nay.
Hiện 6 bệnh nhân tại Quảng Nam được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa TW Quảng Nam.
Tính đến 18h ngày 03/8, Việt Nam có tổng cộng 642 ca mắc dịch COVID-19. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 195 ca, trong đó có 6 người tử vong.
Trong 9 ngày qua, 9 tỉnh thành đã phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cụ thể, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 135 ca, Quảng Nam 41, TP. HCM 8, Đăk Lăk và Quảng Ngãi 3, Hà Nội 2, các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai mỗi nơi 1.
Trong số hàng trăm bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, 6 trường hợp sử dụng ECMO, nhiều ca phải thở máy.

4 khu công nghiệp tại Đà Nẵng

đều có công nhân nhiễm virus Vũ Hán

Bình luậnMộc Sương
Sáng 3/8, BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng cho biết, trong 4 khu công nghiệp ở Đà Nẵng, hiện có 5 công nhân dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán. Hiện các khu công nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) TP. Đà Nẵng xác nhận, đến thời điểm trưa cùng ngày đã có 5 công nhân thuộc 5 doanh nghiệp khác nhau nằm trong 4 khu công nghiệp là: KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang và KCN Hòa Cầm có kết quả dương tính virus viêm phổi Vũ Hán.
Đó là các bệnh nhân 446, 473, 494, 569 và 579 theo công bố của Bộ Y tế.
Các doanh nghiệp này có trên 3.700 người lao động và hiện mới có Công ty Kane-M ở KCN Hòa Khánh tạm dừng hoạt động từ ngày 31/7. Các doanh nghiệp còn lại sau khi triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 vẫn hoạt động bình thường.
Ngay sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19, lực lượng chức năng TP cùng các đơn vị liên quan đã khoanh vùng, dập dịch; điều tra, xác minh những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân này và áp dụng các biện pháp cách ly theo dõi theo quy định.
Các đơn vị cũng khử trùng toàn bộ trụ sở làm việc, sản xuất của các công ty và tại các gia đình.
Hiện Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có hơn 77.000 lao động đang làm việc. Các công nhân này được yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, xịt khuẩn, rửa tay, giữ khoảng cách trong làm việc, ăn ca, chia nhỏ các bữa ăn…
Hiện các doanh nghiệp trong các KCN vẫn hoạt động bình thường. Doanh nghiệp nào chủ động, sắp xếp được hoạt động sản xuất, có đơn hàng không gấp thì có thể cho công nhân nghỉ. Các doanh nghiệp khác có đơn hàng gấp thì cho nghỉ 50% công nhân để thực hiện giãn cách xã hội trong sản xuất.
UBND Quận Sơn Trà cho biết, bắt đầu từ 13h30 chiều nay ngày 03/8, Quân khu 5 sẽ dùng xe đặc chủng phun thuốc khử khuẩn phòng dịch trên toàn địa bàn quận Sơn Trà.
Điểm đầu xuất phát là từ hướng phường An Hải Đông, An Hải Tây cho đến điểm cuối là phường Thọ Quang.
UBND Quận Sơn Trà đề nghị người dân tại các tuyến đường nhỏ (3,5m, 5,5m) di chuyển xe ôtô ra các tuyến đường lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho xe đặc chủng phun thuốc.

12h, Đồng Nai phong tỏa một con đường

Hiểu Minh
Sáng 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) Phan Chí Cường cho biết, đúng 12 giờ trưa sẽ phong tỏa 14 ngày đường Hồ Văn Đại (P. Quang Vinh), nơi có bệnh nhân 595 để ngăn ngừa Covid-19, theo Thanh Niên.
Ông Cường cho hay, trên con đường này có một khu chợ, do thời gian gấp rút nên chúng tôi đợi chợ họp xong thì tiến hành phong tỏa, thời gian phong tỏa là 14 ngày.
Trước đó, vào chiều tối ngày 1/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai phát hiện bà P.T.T.Ng. (bệnh nhân 595, 50 tuổi nhiễm Covid-19). Nhà chức trách xác định 11 trường hợp F1, 11 trường hợp F2 đưa đi cách ly tập trung. Đến sáng ngày 3/8, 11 ca F1 đã cho kết quả âm tính lần 1 với Covid-19.
Theo Tuổi Trẻ bà Ng, vợ của bác sĩ L.Đ.N. Qua điều tra dịch tễ, bà Ng. đi TP.HCM ngày 19/7, sau đó ra Đà Nẵng, đến ngày 20/7 về lại Đồng Nai. Trong thời gian ở Đà Nẵng, bà đã tiếp xúc với bệnh nhân 510, là chị mình.
Ngày 27/7, sau khi có thông tin về dịch bệnh tại Đà Nẵng, bà Ng. được xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tự cách ly tại nhà cho đến khi có xét nghiệm dương tính.

Một phó giám đốc bị truy tố

vì làm giả hơn chục nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế

Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội ngày 3/8 đã hoàn tất cáo trạng, truy tố phó giám đốc công ty Đức Anh và 3 đồng phạm trong vụ làm giả gần 15 ngàn bộ quần áo phòng chống COVID-19 để trục lợi.
Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Hà Nội đã truy tố Trương Thị Bình, 38 tuổi, phó giám đốc Công ty dịch vụ y tế Đức Anh ngụ quận Đống Đa, Hà Nội; La Văn Thi, giám đốc kinh doanh; Nguyễn Đức Việt Anh, nhân viên Công ty và Hoàng Văn Tới, nhân viên khoa khám bệnh tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội,về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Theo cáo trạng, từ tháng 1 đến tháng 4/2020, Bình chỉ đạo thuộc cấp làm giả 14.587 bộ đồ bảo hộ phòng dịch giả để trục lợi hơn 1 tỷ đồng.
Trước khi bị bắt, công ty của Bình bán được gần 3.000 bộ trang phục phòng, chống dịch COVID-19 giả ra thị trường. Số tang vật còn lại chưa kịp tiêu thụ.
Viện KSND Hà Nội xác định trong vụ án này, bị can Trương Thị Bình là chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội; các bị can còn lại là đồng phạm giúp sức cho Bình làm giả bộ trang phục bảo hộ y tế.
Trong một diễn biến khác, sau khi Đà Nẵng công bố ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, giá khẩu trang y tế đã tăng rất nhanh với mức 150 ngàn đồng/hộp. Tuy nhiên, sau một tuần tăng giá, đến ngày 3/8 lượng hàng đã quay trở lại bình ổn, với mức giá tại các hiệu thuốc giao động từ 70 ngàn đến100 ngàn/hộp.
Giá rớt nhanh khiến nhiều con buôn thu gom hàng một tuần trước giờ trở tay không kịp. Một dân buôn hàng Trung Quốc (TQ) ngụ tại Hà Nội cho biết trên tờ Dân Trí rằng lượng hàng khẩu trang chính ngạch từ TQ về nhiều nên giá hàng hạ mạnh, không tăng ảo và thiếu hụt như lần đầu dịch bùng phát.

11 tỉnh thành phố yêu cầu ngừng

Vào khi tình hình dịch COVID-19 lây lan trên cả nước, tính đến hôm nay có 11 tỉnh, thành phố tại Việt Nam có công văn liên quan tình hình học tập của học sinh. Các Sở Giáo dục- Đào tạo yêu cầu dừng các hoạt động dạy thêm, học thêm, bồi dưỡng ngoại ngữ… trong thời gian nghỉ hè hiện nay để phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Mạng báo SaoStar loan tin ngày 3 tháng 8 nêu công văn liên quan của các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Thái Bình, Thừa Thiên- Huế, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.
Trong khi đó liên quan kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, giao cho Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện theo đúng qui định của Luật Giáo dục và việc tổ chức kỳ thi do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định.
Chỉ thị của người đứng đầu chính phủ Hà Nội được đưa ra tại kỳ họp thường kỳ tháng 7 diễn ra sáng ngày 3 tháng 8 tại Hà Nội.
Tại phiên họp, ông Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nha đề xuất tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch đối với những nơi mà theo lời ông này là an toàn về dịch bệnh. Còn những nơi đang trong diện cách ly xã hội, chưa bảo đảm an toàn cho thí sinh thì tổ chức thi sau.
Suốt nhiều năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học tại các tỉnh, thành Việt Nam thường trên 90%; do vậy công luận cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay nên xét tốt nghiệp, thay vì tiến hành thi để có thể trách lây lan dịch bệnh.

Thủ tướng Phúc yêu cầu khởi tố

các trường hợp nhập cảnh trái phép

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/8 yêu cầu Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ khu vực biên giới và có biện pháp mạnh đối với tình trạng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
“Yêu cầu khởi tố tất cả các trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, đặc biệt với các đường dây tổ chức đưa người nước ngoài vào Việt Nam”, Vietnamnet dẫn lời Thủ tướng Phúc nói tại cuộc họp.
Chỉ đạo của người đứng đầu nhà nước Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Việt Nam đang cấp tập đối phó với làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai, với số lượng người nhiễm bệnh tăng nhanh từng ngày sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến tối 3/8, Việt Nam ghi nhận 632 ca nhiễm bệnh, 6 ca tử vong và nhiều trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong.
Hiện thành phố Đà Nẵng, tâm dịch hiện nay của Việt Nam, đã áp dụng lệnh phong toả, dừng mọi hoạt động du lịch và vận chuyển ra vào thành phố sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại đây vào ngày 25/7, dẫn đến hàng trăm trường hợp lây nhiễm khác trong thành phố và trên 7 tỉnh thành của Việt Nam.
Bộ Công an Việt Nam cho biết chỉ riêng trong tháng 7, công an, biên phòng đã phát hiện 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, khởi tố 5 vụ về hành vi “Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết một số người Trung Quốc khai họ vào Việt Nam để tìm việc và du lịch, một số khác đi qua đường Việt Nam để sang Campuchia chơi bài.
Trong 5 vụ án bị khởi tố, có 19 bị can người Việt và 1 bị can người Trung Quốc.
Ngày 25/7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 6 thanh niên vì đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với giá 4.000 nhân dân tệ/người (khoảng 13 triệu đồng). Trước đó, giới hữu trách phát hiện 73 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, Quảng Nam bằng đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, một đại diện của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê văn Phúc – Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, hôm 31/7 cho hay lực lượng này đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.
Kể từ sau khi Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm mới, Việt Nam đã thành lập 10 đoàn công tác, trong đó có 8 đoàn đi kiểm soát biên giới trên hai tuyến phía Bắc và Tây Nam, VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Lê Đức Thái, phụ trách Tư lệnh Biên phòng cho biết thêm.

Nạn quấy rối tình dục lan tràn ở Việt Nam

Giang Nguyễn
Nạn quấy rối tình dục dù có được cải thiện tại Việt Nam, nhưng vấn nạn này vẫn còn tràn lan và là một thực tế nhức nhối.
Tờ ASEAN Post ngày 3/8 đưa tin cho biết những nữ công nhân nhà máy phải chịu sự quấy rối tình dục có hệ thống, và kể cả bạo lực tình dục, ngay tại nơi làm việc của mình.
Cũng theo ASEAN Post, tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) chưa có những con số chính xác về vấn nạn này, tuy nhiên, theo một thống kê do Quỹ May Mặc Bình Đẳng (Fair Wear Foundation) tại Việt Nam thực hiện, trong 763 phụ nữ được khảo sát, phân nửa đã từng bị quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục.
Năm 2019 Việt Nam đã cải thiện bộ quy tắc ứng xử trong lao động và lần đầu tiên đề cập đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, ông Kamal Malhotra, cho rằng đây là một bước tiến quan trọng. Trong nhận định đưa ra ngày 21/7, ông nói Việt nam cần đặc biệt tập trung vào việc triển khai thực hiện những điều luật trong Bộ luật Lao động bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021.
Nạn quấy rối tình dục cũng ảnh hưởng trầm trọng đến trẻ em. Tờ ASEAN Post trích dẫn Đơn vị Tình báo Kinh tế (Economic Intelligence Unit) trong báo cáo năm 2019 đã xếp Việt Nam vào hạng 43 trên 60 quốc gia về nạn lạm dụng trẻ em.

Mưa lũ cô lập 1.000 người tại Thanh Hóa

Bốn bản làng với hơn 1.000 nhân khẩu ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang bị cô lập sau khi mưa lũ làm nước sông dâng cao, cuốn trôi đập tạm và một cây cầu gỗ.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 3/8/2020 và cho biết đập tạm bị mưa lũ 2 ngày qua cuốn trôi nằm ở sông Lò thuộc bản Bo Hiềng.
Trả lời báo chí chiều 3/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện có 3 bản đang bị cô lập, gồm bản Sa Ná có 399 người, bản Son 342 người và bản Ché Lầu với 285 người.
Ngoài ra, tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, do cầu tạm nối từ quốc lộ 217 qua bản Lầm bị mưa lũ cuốn trôi, nên 40 hộ dân với 183 nhân khẩu ở bản này cũng bị cô lập.
Tin cho biết, chính quyền địa phương đang có kế hoạch cứu trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân.
Cũng trong ngày 3/8, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp, khi đoạn đê biển tại khu vực vàm Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh dài 700 mét, ăn sâu 9 đến 10 mét bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa vùng sản xuất của người dân.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đang khắc phục tạm thời đoạn đê biển bị sạt lở và tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở cho người dân.
Đê biển Tây ở Kiên Giang dài hơn 200 km từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh, bảo vệ hàng trăm nghìn ha đất sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản của nhiều người dân.

Thiệt hại do bão số 2 gây ra trên cả nước

Trên cả nước Việt Nam đã có 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương cùng nhiều thiệt hại vật chất khác do bão số 2 gây ra.
Báo trong nước loan tin dẫn thông tin từ cuộc họp đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả của bão số 2 do văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 3/8.
Tin dẫn thống kê chưa đầy đủ cho biết, đã có 1 người ở Quảng Ninh và 1 người ở Hòa Bình thiệt mạng, 2 người ở tỉnh Lâm Đồng bị thương.
Theo ghi nhận, bão và hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại nặng trên đất liền các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Cà Mau, Đắk Lắk…
Cụ thể, tại Đắk Lắk, mưa lớn trong ngày 31/7-1/8 đã làm 931 nhà bị ngập, hơn 4.000 ha hoa màu và 183 ha lúa thiệt hại. Hơn 17.000 gia cầm bị cuốn trôi và 200 m đường giao thông bị sạt lở do mưa lớn trút xuống.
Tại Hà Tĩnh, bão cũng làm trên 2.400 ha lúa và hơn 20 ha hoa màu bị ngập úng.
Trong khi đó, tại miền Tây, mưa kèm dông lốc ngày 2/8 đã làm ba nhà sập và 13 nhà tốc mái ở Cà Mau.
Riêng ở Kiên Giang, đến ngày 3/8, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 làm thiệt hại 429 nhà dân gồm làm sập 104 căn nhà, tốc mái 293 căn, 32 căn ngập nước từ 30-40cm. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng gần 5,4 tỷ đồng.
Tại An Giang, mưa dông khiến 2 căn nhà sập hoàn toàn và 17 căn tốc mái, xiêu vẹo. Hơn 7.100 ha lúa bị hư hại.
Còn ở Hà Nội, mưa dông do ảnh hưởng của bão số 2 đã làm gãy đổ 29 cây xanh trên địa bàn các quận.
Tại cuộc họp, bão số 2 được nói đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng hoàn lưu sau bão được dự báo còn kéo dài tập trung ở các tỉnh Bắc bộ.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự đoán từ 3-5/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây ra lũ tại các sông.
Bên cạnh đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên; đồng thời ngập úng cục bộ tại các vùng thấp trũng, các khu đô thị.
Các địa phương được yêu cầu không chủ quan trong ứng phó lũ, lũ quét, sạt lở đất, cần sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, nhất là các địa phương miền núi phía Bắc.

Doanh nghiệp thủy sản bất bình vì bị ép

tăng thuế mặt hàng “chế biến” thành “sơ chế”

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho các doanh nghiệp thủy sản được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các mặt hàng thủy sản chế biến.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/8 cho biết lý do các doanh nghiệp hội viên VASEP bất bình vì các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu lại bị áp là hàng “sơ chế” thay vì “chế biến”, khiến họ không được hưởng ưu đãi thuế suất.
Cụ thể, các mặt hàng thủy sản bị xem là sơ chế bị áp thuế thu nhập doanh nghiệp lên 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của doanh nghiệp là các sản phẩm đã qua chế biến với mức thuế là 10% hoặc 15% theo Thông tư 96.
VASEP đề nghị Tổng cục thuế tổ chức một buổi họp với các doanh nghiệp thủy sản để trao đổi các bất cập về chính sách thuế thu nhập  doanh nghiệp hiện hành và làm rõ hơn đề xuất của hiệp hội về việc nêu trên.
Hồi đầu tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính để xử lý việc áp thuế đối với các mặt hàng thủy sản “sơ chế” và “chế biến”.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang được nói cũng đã có văn bản gửi Tổng cục thuế đề nghị làm rõ hơn chính sách áp thuế nói trên.
Công văn phản hồi từ Tổng cục thuế gửi UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng một số các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.

14/16 nhà đầu tư mua hồ sơ dự thầu

 5 dự án BOT cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông- Vận tải Việt Nam vào ngày 3/8 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ thầu cho 5 dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Truyền thông quốc nội loan tin dẫn thông báo của Bộ Giao thông- Vận tải cho hay 5 đoạn dự án bao gồm, hai đoạn cao tốc quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu, mỗi dự án có 2 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu. Hai đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt và Nha Trang – Cam Lâm có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ. Còn đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo có 4 nhà đầu tư đã mua hồ sơ.
Bộ Giao thông còn cho biết, các nhà đầu tư có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu và dự kiến ngày 20/9/2020, các ban quản lý dự án sẽ mở thầu.
Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ GTVT sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu, đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng BOT với các nhà đầu tư nếu đấu thầu thành công.
Dự án cao tốc Bắc-Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng hơn 101.000 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà nước là khoảng hơn 40.000 tỷ đồng dành cho việc giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Từ Cầu Thăng Long đến Đường sắt Cát Linh –

Hà Đông: Liệu TQ sẽ lại trở mặt một lần nữa?

Nhìn lại lịch sử cầu thăng long đến tuyến đường sắt cát linh hà đông, đế thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Sau nhiều lần điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã tăng từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng, vượt xấp xỉ 10.000 tỉ đồng theo dự toán ban đầu. Được biết, theo dự kiến ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được 2 bên thống nhất lùi lại, khởi công vào năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014.
Báo cáo về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định “Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do tổng thầu Trung Quốc. Dự án Cát Linh – Hà Đông là một bài học kinh nghiệm rất lớn”. Theo báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành được. Với lý do, khối lượng xây lắp của dự án còn lại 1% chưa hoàn thành, do chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan và hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu chưa xong. Mặt khác, các thiết bị đã lắp đặt phía tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.
Điều đáng nói là, “Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh – Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm”, như bài trên báo Tuổi Trẻ cho biết, cách đây 12 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay. Đáng báo động hơn là Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án. Cụ thể, đến hết tháng 6/2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.
Theo Báo Đất Việt, ngày 14/9/2019, tại cuộc họp kiểm điểm Dự án án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thẳng thắn đã nhận xét Tổng thầu Trung Quốc: “Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”. Và “… công trình đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc thì vẫn “bình chân như vại”, thậm chí cố tình kéo dài thời gian hoàn thành dự án.”. Chắc chắn các quan chức Việt Nam liên quan đến dự án này đã lỡ “há miệng mắc quai”, chẳng thể nào có chuyện vô tình khi họ đã “làm lợi”
cho nhà thầu Trung Quốc các khoản nghìn tỷ như vừa kể. Đó chính là lý do mà họ ” họ đang giấu giếm điều gì đó…”.
Trao đổi với Báo Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy chuyên gia giao thông cho rằng, điều này là bằng chứng xác đáng cho thái độ tinh thần trách nhiệm, ý thức của nhà thầu TQ đang có nhiều vấn đề, kéo dài thời gian làm trì trệ tiến độ thi công dự án, dẫn tới những hành vi khuất tất, yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm. Bày tỏ bức xúc về thái độ trịch thượng của nhà thầu Trung Quốc, ông Thủy cho hay: “Trước đây chúng ta đã từng nhận xét rất nhiều về Tổng thầu Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng thậm chí thể hiện động thái cương quyết, chấn chỉnh nhà thầu, nhưng cái thế của chúng ta phụ thuộc vào hợp đồng, trong khi hợp đồng có nhiều kẽ hở, nên nhà thầu tha hồ tung hoành, trong khi chúng ta ngập sâu vào sự phụ thuộc nguồn vốn, ý thức trách nhiệm, lòng tin với nhà thầu”.
Thông tin này từ TS Nguyễn Xuân Thủy, khiến người ta nhớ đến dư luận mạng xã hội một dạo rộ lên thông tin cho rằng, Ủy viên BCT Đinh La Thăng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với bản án lên tới 30 năm tù, vì từng đã dám chỉ mặt chấn chỉnh phía nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Sự trở mặt của nhà thầu Trung Quốc, là lý do dẫn đến những trục trặc khiến Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài không thể đưa vào vận hành, cũng gần giống như trong công trình xây dựng Cầu Thăng Long vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
Cầu Thăng Long ở Hà Nội bắc qua sông Hồng, lúc đầu do Trung Quốc giúp đỡ xây dựng quy hoạch. Cây cầu này được khởi công xây dựng tháng 1/1974, tuy nhiên phải đến tháng 5/1985 với sự giúp đỡ của Liên Xô mới chính thức khánh thành. Đây là một trong những cây cầu có thời gian thi công lâu nhất là 11 năm. Với lý do, ban đầu do Trung Quốc giúp xây dựng, tuy nhiên đến năm 1978, khi quan hệ Việt Nam- Trung Quốc căng thẳng, phía Trung Quốc đã cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở và sau đó Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6/1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985.
Theo nhà văn Phạm Viết Đào, trong bài viết “Rắc rối chuyện chết chó của chuyên gia Trung Quốc khi xây cầu Thăng Long: Chuyện bây giờ mới kể…” cho biết, “Sau 1975, đoàn chuyên gia Trung Quốc được cử sang Hà Nội rất đông giúp Việt Nam xây dựng công trình cầu Thăng Long do họ viện trợ. Phần lớn số này sinh hoạt ngay tại công trình. Việc chẳng tiến triển được bao nhiêu thì họ cố tình lấy cớ này cớ kia trì hoãn tiến độ khiến các cơ quan Việt Nam rất bị động trong việc bố trí nhân công, thời gian, gây lãng phí lớn.
Đầu năm 1978, thấy Việt Nam vẫn nhẫn nại, họ bắt đầu khiêu khích trắng trợn. Một số chuyên gia mới được Bắc Kinh cử sang rất lỗ mãng với cán bộ và công nhân ta. Đã có trường hợp sỉ nhục, thậm chí đánh đập công nhân ngay trên công trường. Việc đến tai lãnh đạo. Nhận thức chung vẫn là: chắc mấy ông tướng nhà mình có gì sai chuyên gia bạn mới buộc làm thế…, rồi: phải nín nhịn để giữ đại cục”.
Thế rồi vẫn theo nhà văn Phạm Viết Đào, “Thấy Việt Nam không có phản ứng, họ lại leo thang hành động gây hấn thù địch. Họ bắt đầu biến khu nhà ở chuyên gia thành lãnh địa riêng, cấm người Việt Nam tới gần. Nhiều lần, họ thả đàn chó bẹc-giê rất hung dữ cho cắn công nhân ta. Việc được báo cáo lên thì lãnh đạo đều xem xét xuề xòa trên tinh thần gìn giữ đại cục. Gìn giữ đoàn kết quốc tế vô sản cũng là thực hiện di huấn của Bác, thiêng liêng lắm. Phần sai lại vẫn bị đẩy về phía công nhân ta. Không khí trên công trường căng thẳng từng ngày.
Đến một hôm, khi bị đàn chó bẹc-giê của Trung Quốc tấn công, một công nhân ta đã dùng gậy xua chó nhằm tự vệ. Chỉ chờ có vậy, Trưởng đoàn chuyên gia Trung Quốc ngay lập tức tố cáo “nhà đương cục Việt Nam” giết chó bảo vệ, đột nhập khu nhà ở của họ nhằm hãm hại chuyên gia Trung Quốc. Sứ quán họ ở Hà Nội không chậm chễ bù lu bù loa hết công suất. Lúc này, lãnh đạo Trung ương và Hà Nội hoảng thực sự. Phần lớn phản ứng ban đầu đều quy kết công nhân ta chưa thấm nhuần này kia nên manh động và phạm pháp (?!). Đây là vụ án (lúc này là án) có ảnh hưởng lớn tới chính trị, quan điểm ban đầu giao cho cơ quan chức năng là như vậy.
Khó khăn lắm cơ quan chức năng ta mới tiếp cận được xác chó. Công tác khám nghiệm pháp y được tiến hành thận trọng, tỉ mỉ còn hơn vụ án mạng. Tình hình nóng lên từng ngày. Họ yêu cầu đưa lực lượng chức năng từ Bắc Kinh sang để bảo vệ đoàn chuyên gia Trung Quốc, họ đòi tìm ra lãnh đạo cao cấp Việt Nam (!?) đứng sau âm mưu này để xử lý. Cuối cùng, kết quả điều tra cho thấy chó của Trung Quốc chết do độc chất được tìm thấy trong mẫu thức ăn lấy từ dạ dày chứ không phải chết do ngoại lực tác động. Chỉ chờ có thế, sứ quán họ nhảy dựng lên vu cáo chính phủ Việt Nam vô ơn, mưu toan đầu độc chuyên gia Trung Quốc (?!). Vu cáo không thành công, vào tháng 6/1978 họ tự rút hết chuyên gia về nước, bỏ hẳn công trình cầu Thăng Long mới thi công được vài mố trụ.”
Những điều nhà văn Phạm Viết Đào vừa kể có lẽ không quan trọng bằng thông tin, “Từ những manh mối thu thập ban đầu về quan hệ của một số chuyên gia Trung Quốc mà sau này cơ quan chức năng Việt Nam đã lần ra ổ tình báo Hoa Nam quy mô lớn nhất hoạt động ngay giữa Hà Nội có nhiều chân rết tại Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Lạng Sơn đứng đầu là Thái Nhữ Siêu (người Việt gốc Hoa). Thì ra, ngay khi quan hệ hai nước còn tốt đẹp, một mặt, Trung Quốc công khai điều hành mạng lưới nổi hoạt động mua chuộc cán bộ, lũng đoạn cơ quan nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức rất tinh vi (ngay khi Bác còn sống, có Ủy viên Bộ Chính trị bao giờ cũng đến chúc Tết đại sứ Trung Quốc trước khi đến chúc Tết Bác, đêm giao thừa ăn nằm hẳn trong sứ quán của họ, có chuyện gì cơ mật nội bộ là báo cáo ngay với Trung Quốc).”
Những điều vừa kể trên đây cho thấy, trong lúc này, tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang xấu đi một cách nghiêm trọng. Đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc gây hấn trên khu vực Trường Sa – Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế phía chính phủ Việt Nam cần phải lường trước để có các quyết định dứt khoát đối với Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, để tránh những thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần như hiện nay.

‘Đại gia’ dầu khí Mỹ xin làm siêu dự án

điện khí hóa lỏng 15 tỷ USD ở Nam Vân Phong

Tập đoàn Dầu khí Millennium (Hoa Kỳ) đề xuất đầu tư dự án điện khí hóa lỏng tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư lên đến 15 tỷ USD, diện tích khoảng 600ha.
‘Đại gia’ dầu khí Mỹ xin làm siêu dự án điện khí hóa lỏng 15 tỷ USD ở Nam Vân Phong
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tâp đoàn Dầu khí Millennium), cho biết doanh nghiệp mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong.
Theo Công ty Millennium, dự án trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800MW) có tổng mức đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, công ty sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu m3 với mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD.
Địa điểm mà nhà đầu tư lựa chọn là khu vực thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Toàn bộ dự án có diện tích đề xuất khoảng 600ha.
“Nếu UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho phép đầu tư, dự án sẽ được chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh và tiến hành làm việc cấp nhà nước với chính phủ Việt Nam để triển khai đầu tư. Toàn bộ khí sẽ được nhập khẩu”, ông Sam Chan cho hay.
Công ty Millennium kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam nói chung, khu vực Vân Phong nói riêng trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước.
Trước đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Millennium, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết khu vực nhà đầu tư xin làm nhà máy điện và kho chứa LNG hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Theo trưởng ban quản lý khu kinh tế Vân Phong Hoàng Đình Phi, địa điểm nhà đầu tư nhắm tới được xác định phát triển công nghiệp gắn với cảng biển và lọc hóa dầu, một phần dành cho du lịch biển. Tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, tỉnh đã quy hoạch cảng biển, có diện tích 300ha và từng có dự án lọc hóa dầu nhưng hiện nay đã dừng.
Còn tại khu vực phường Ninh Hải, hiện nay đã có gần 250ha đất sạch thuộc quy hoạch đất công nghiệp. Ưu điểm của khu vực này là tập trung rất nhiều dự án lớn, cảng biển có độ sâu lý tưởng cho các tàu tải trọng lớn.
Tuy nhiên, ông Phi cũng lưu ý chủ đầu tư những khó khăn phải nhanh chóng tháo gỡ nếu muốn đầu tư vào khu vực này.
Thứ nhất là phải chuẩn bị di dời khoảng 1.000 hộ dân. Thứ hai là vấn đề bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch kho chứa khí. Thứ ba là với diện tích 600ha thì cần phải có các phương án bổ sung để mở rộng diện tích, bởi mặt bằng hiện tại ở các khu vực đã chọn không đủ.
Sẵn sàng cho nhà đầu tư vào nghiên cứu dự án khí hóa lỏng
Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho hay, lãnh đạo tỉnh mong muốn nhà đầu tư sẽ thực hiện được dự án này. Tuy nhiên, tỉnh trước mắt phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Theo bí thư tỉnh ủy, không phải vướng mắc nào tỉnh cũng giải quyết được, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương. Do vậy, việc đầu tiên là cần phải làm các thủ tục cần thiết để đưa dự án vào quy hoạch điện VIII, điều chỉnh quy hoạch về khí hóa lỏng và điều chỉnh về sử dụng đất.
“Tỉnh sẽ tạo điều kiện, phối hợp với nhà đầu tư trình trung ương giải quyết”, ông Định nói và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận để nhà đầu tư vào nghiên cứu đầu tư. Đây là khu vực có rất nhiều công ty đang nghiên cứu, do đó quan điểm của tỉnh sẽ chọn công ty làm tốt nhất, nhanh nhất”.
Kết luận buổi làm việc, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân giao ban quản lý khu kinh tế Vân Phong làm các thủ tục để báo cáo với tỉnh. Theo chỉ đạo của bí thư tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ ủy quyền cho ban quản lý khu kinh tế Vân Phong tiến hành ký kết thỏa thuận cho phép nhà đầu tư vào Nam Vân Phong nghiên cứu đầu tư.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành sớm làm thủ tục để sáp nhập xã Ninh Phước và Ninh Vân để đảm bảo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng trong khu vực dự án.
Tập đoàn Dầu khí Millennium có 35 năm kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện từ khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng, gió, mặt trời, địa nhiệt và chất thải. Tập đoàn đã thực hiện các dự án điện ở Mỹ và các quốc gia trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ USD.
Ở một diễn biến mới đây, vào đầu tháng 6/2020, Công ty Millennium cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với mong muốn đầu tư dự án trung tâm điện – khí LNG Nghi Sơn 7 tỷ USD.
Trong đó, công suất nhà máy điện là 4.800MW, giai đoạn 1 là 2.400MW, giai đoạn 2 là 2.400MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD; công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.

Tập đoàn Millennium xây nhà máy khí hóa lỏng

15 tỷ USD tại Khánh Hòa

Tập đoàn Dầu khí Millennium của Mỹ có kế hoạch xây nhà máy điện khí và trung tâm khí hóa lỏng (LNG) trị giá 15 tỷ USD ở Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và muốn đưa khu vực này trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á.
Truyền thông trong nước, dẫn nguồn từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, cho biết giới chức lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc gặp gỡ với ông Sam Chan-Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium) vào hôm 31/7.
Trong cuộc gặp gỡ vừa nêu, đại diện của Millennium giới thiệu về dự án có số vốn đầu tư ban đầu 8 tỷ USD, với một nhà máy điện có công suất 4800 MW và một trung tâm LNG có sức chứa trên 10 triệu m3. Trong tương lai, dự án sẽ phát triển với công suất 9600 MW và 15 triệu m3, trị giá 15 tỷ USD.
Millennium đề xuất thực hiện dự án tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.
Bí thư tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Khắc Định, cho rằng dự án của công ty Millennium phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển công nghiệp tại khu vực Vân Phong và sẵn sàng ký thỏa thuận để cho Millennium có thể tiến hành nghiên cứu, triển khai.
Chủ tịch Millennium Việt Nam tuyên bố rằng thông qua dự án này, Millennium mong muốn đưa Việt Nam nói chung và khu vực Nam Vân Phong nói riêng trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á.
Trước đó, Millennium cũng có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để bàn thảo về cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn giá trị 7 tỷ USD.
Dự án của Millennium được đầu tư tại Thanh Hóa bằng hình thức đầu tư trực tiếp: Xây dựng-Sở hữu-Vận hành. Dự kiến giai đoạn 1 vận hành trước năm 2030 và giai đoạn 2 sau năm 2030.
Cũng liên quan đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức 2 lễ ký kết vào sáng ngày 3 tháng 8, tại Hà Nội.
Ký kết thứ nhất là Thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa 3 công ty đầu ngành gồm Tổng Công ty khí Việt Nam (PVGas) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) cùng với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỷ thuật Dầu khí việt Nam (PTSC).
Ký kết thứ hai là Thỏa thuận hợp tác giữa PVGas với Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem)
Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Lê Mạnh Hùng cho biết sự hợp tác giữa các công ty nhằm tạo ra sự đoàn kết và phát huy tiềm năng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhằm nâng cao uy tín và thương hiệu của PVN.

Thực thi EVFTA: Nông sản Việt có cơ hội tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu, dư địa tại thị trường này đang rất lớn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 – 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
EVFTA tạo cơ hội cạnh tranh cho các mặt hàng nông, lâm sản khi xuất khẩu sang EU
Cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ
Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Trong 5 năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…).
Theo thỏa thuận của EVFTA, EU đã bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam. Đây chính là cơ hội để nông sản Việt Nam mở rộng thị phần tại EU -  thị trường cấp cao với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…
Cụ thể, cam kết của EVFTA đối với ngành lúa gạo, là EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm; mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo miễn thuế, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. “Với cam kết sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, ngành lúa gạo Việt Nam có cơ hội xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm” – ông Lý Thái Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc – cho biết.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – nhấn mạnh về những thách thức khi gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, bởi đây là thị trường cấp cao đòi hỏi vấn đề chất lượng rất khắt khe không chỉ về vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà hàng loạt vấn đề đi kèm như các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, vấn đề sử dụng lao động… Chưa kể, thị trường EU vốn đã quen sử dụng gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanmar… để vào được EU và có thể “trụ vững”, là những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
“Trong tổng số hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam, EU lại có một lượng dành cho các chủng loại gạo đặc sản, trong khi hiện nay sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này chưa lớn” – ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NNPTNT), Liên minh Châu Âu (EC) quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Đối với các mặt hàng thủy hải sản, hiện phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU từ 6-22%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3-7 năm…  Đó là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU, nơi đang chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta. Tuy nhiên,  EU vốn đang có những định kiến nhất định với cá tra, bên cạnh đó hiện nay EC chưa gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải hết sức nỗ lực…
Việt Nam tự tin gia nhập thị trường EU
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định “Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”, được tổ chức mới đây (30.7), ông Lê Xuân Minh – Trưởng ban Kinh tế đối ngoại – Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) khẳng định: DN đã sẵn sàng đón nhận EVFTA vì đã có sự chuẩn bị trong mấy năm qua để chờ tới ngày hiệp định có hiệu lực.
Đối với các mặt hàng thủy sản, với lợi thế trong năm 2019 đã xuất khẩu gần 800 tấn tôm đông lạnh sang EU (đạt kim ngạch 4,7 triệu USD) – Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn Mai Ngọc Sơn – cho
biết:  EVFTA giảm thuế sẽ tăng mức cạnh tranh về giá với các quốc gia cũng đang xuất khẩu sang thị trường này. Với kỳ vọng về những lợi thế mà EVFTA mang lại, ông Mai Ngọc Sơn cho biết, DN đang phấn đấu xuất khẩu năm 2020 sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhóm ngành thủy sản đang là lợi thế nhất của Việt Nam. Trong tổng số khoảng 8 tỉ kim ngạch XK thủy sản, riêng xuất khẩu vào thị trường EU đã chiếm trên 1 tỉ USD.
Dù chất lượng gạo của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của EU nhưng lại gặp khó khăn bởi hàng rào thuế quan (hiệu suất thuế EU áp lên gạo Việt Nam lên đến 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn gạo tấm), thì việc giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo xuất khẩu, sẽ là cơ hội lớn để nông sản Việt Nam tự tin gia nhập thị trường EU.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công Thương: Đánh giá định lượng đến 2025 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 43%, năm 2030 tăng trưởng khoảng 45%; đây là cú hích rất tốt cho xuất khẩu, còn một số mặt hàng gạo tăng trưởng khoảng hơn 60%, mặt hàng da giày tăng 91%, dệt may tăng 80%. Qua đây chúng ta có thể thấy cơ hội rất rõ ràng về tăng trưởng xuất khẩu.
Theo ông Lý Hoàng Hải – Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng – đơn vị chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông – thủy sản xuất khẩu sang EU, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Hiện nay, việc tuân thủ quy định về ngưỡng thuốc trừ sâu trong nông sản xuất khẩu sang EU đã là một khó khăn lớn cho DN. Ngoài ra, các DN chậm cập nhật các quy định mới của EU, một số hóa chất EU cấm sử dụng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam.

Đại hội 13: Điều gì đang cản trở

chiến dịch chống tham nhũng của Đảng?

TS. Phạm Quý Thọ
Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn đang được đẩy mạnh trước thềm Đại hội 13. Những kẻ vi phạm bị kỷ luật, lĩnh án, theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều ‘tâm phục, khẩu phục và ăn năn’. Vậy điều gì đang cản trở?
Cuối tháng 7/2020 một loạt báo chính thống của nhà nước đưa tin việc ‘kê khai tài sản’ của cán bộ công chức lãnh đạo lại một lần nữa ‘lỡ hẹn’. Đại diện Thanh tra chính phủ – cơ quan soạn thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị – nêu lý do là Đảng và chính quyền ‘chồng chéo’ kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng này. Chính phủ đã ‘xin ý kiến’ Đảng nhiều lần nhưng vẫn đang phải chờ quyết định.
Kiểm soát tài sản quan chức, nghĩa là ‘động chạm’ đến chế độ, xuất phát từ thực tế, từ sự tồn vong của chế độ và sự đòi hỏi của người dân. Đó chính là điều đang cản trở chiến dịch chống tham nhũng.
Tham nhũng có căn nguyên từ quyền lực tha hóa. Kiểm soát tài sản của cán bộ lãnh đạo dựa trên cơ sở luật pháp là cơ chế điều chỉnh các hành vi tham nhũng do tha hoá quyền lực. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này đang gặp ‘rắc rối’, bắt nguồn từ chế độ đảng toàn trị với quyền lực tập trung.
Tài sản tham nhũng
Tham nhũng được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Nói ngắn gọn, cán bộ lãnh đạo sử dụng chức quyền như một phương tiện để trục lợi cho mình, gia đình mình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần.
Tài sản tham nhũng là chứng cứ rõ ràng nhất để kết tội. Không kiểm soát được tài sản của quan chức không thể chống được tham nhũng. Dư luận chỉ có thể bàn tán, người dân ‘nhỏ to’ về sự giàu lên nhanh chóng của quan chức, những biệt thự, xe sang, con cái đi học nước ngoài, du lịch, chữa bệnh cao cấp… thách thức trước mắt họ, nhưng nếu không có bằng chứng tham nhũng, việc tố cáo là không thể, thậm chí gặp ‘nguy hiểm’ liên quan đến quy định pháp luật và cơ chế kiểm soát.
Trong giai đoạn khủng khoảng thể chế trước thềm Đại hội 12, tài sản quan chức cao cấp được tung lên mạng xã hội có chủ đích gây ảnh hưởng tới ‘lá phiếu bầu cử’ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Trang ‘Chân dung quyền lực’ có nhiều bài viết chi tiết về sự giàu có của nhiều quan chức, tuy nhiên đó không thể là chứng cứ. Tài sản của quan chức tham nhũng nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng.
‘Chồng chéo’ quản lý
Chiến dịch chống tham nhũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh từ sau Đại hội 12 của Đảng. Hàng nghìn vụ kỷ luật và án tù được tuyên đối với nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản công, tuy nhiên rất khó khăn để chỉ ra tội tham nhũng của quan chức tha hoá. Đại án AVG là ngoại lệ hiếm hoi, trong đó các cựu lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông bị kết tội ‘nhận hối lộ’, có thể coi là ‘thành tích’, nhưng không thể cung cấp biện pháp chính sách hiệu quả để chống tham nhũng.
Thực trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng và lan rộng. Các cán bộ, đảng viên lãnh đạo giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng trở lên đã phải kê khai tài sản. Chính sách này mang nặng tính hình thức, kém hiệu lực do thiếu cơ sở pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ được ban hành 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, và cần thiết một nghị định – văn bản dưới luật để thực thi.
Thực trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng và lan rộng. Các cán bộ, đảng viên lãnh đạo giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng trở lên đã phải kê khai tài sản. Chính sách này mang nặng tính hình thức, kém hiệu lực do thiếu cơ sở pháp luật.
Tuy nhiên, Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa thể được ban hành, cho nên không thể tiến hành ‘kê khai tài sản’ của cán bộ công chức lãnh đạo. Nguyên nhân, được vị đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận, là Đảng và Chính quyền ‘chồng chéo’ kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng này, và Nghị định không thể ban hành nếu thiếu ý kiến quyết định của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Nguyên tắc ‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý’ vận hành gặp trục trặc ngày càng thường xuyên trong quá trình chuyển nền kinh tế sang thị trường, đặc biệt trong công tác cán bộ. Đảng lệ dựa trên các quy định nặng về định tính trong khi pháp luật nhà nước điều tiết hành vi bằng các chế tài cụ thể, định lượng. Một quan chức suy thoái có thể bị Đảng khiển trách hay cảnh cáo, tuy nhiên luật định gặp khó khi đưa ra các mức chế tài tương đương. Thậm chí, mới đây thôi, cựu thứ trưởng Bộ Công thương, từng bị Đảng cách ‘nguyên’ chức trong nhiệm kỳ khi còn công tác, tuy nhiên khi  sai phạm có liên quan trong vụ án được phát hiện sau vài năm, đã kịp ‘cao chạy xa bay’ ra nước ngoài!
Thanh tra Chính phủ – cơ quan soạn thảo nghị định – cho biết, rằng Ban Bí thư ‘sẽ ban hành quy chế phối hợp kiểm soát tài sản’ của đối tượng này để giải quyết ‘chồng chéo’, nhưng đây cũng chỉ có thể là giải pháp tình huống. Kiểm soát tài sản quan chức là cơ sở chắc chắn hơn nếu dựa vào pháp luật. Nghị định trên cần được sớm ban hành và thực thi một cách thực chất như một giải pháp chính sách chống tham nhũng để đáp ứng đòi hỏi của người dân. Tham nhũng đang ‘sói mòn’ niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Niềm tin liệu có ‘quay trở lại’ tuỳ thuộc vào mức độ Đảng tự sửa khi ‘tự lấy đá ghè chân mình’.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Điểm tin trong nước sáng 3/8:

Bí thư TP.HCM đề nghị cách ly Đà Nẵng như ở Vũ Hán

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Hai (3/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thủ tướng: Khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Trước tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, đặc biệt với các đường dây tổ chức đưa người nước ngoài vào Việt Nam.
Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 2/8, Zing đăng tải. Thủ tướng yêu cầu các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND các tỉnh, thành tăng cường quản lý khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Về trường hợp Với 400 người Hà Nội, TP.HCM ở Đà Nẵng chưa thể trở về, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ phương tiện đưa những người này trở về địa phương.
Trước đó, báo cáo tại đầu cầu Đà Nẵng, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết Đà Nẵng còn hơn 400 khách du lịch chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM đang bị mắc kẹt, rất muốn về nhưng không về được.
TP. Buôn Ma Thuột cách ly xã hội 14 ngày
Theo VnExpress, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện cách ly xã hội 14 ngày sau khi nơi này ghi nhận thêm 2 ca nhiễm nCoV (bệnh nhân số 416 và 589), nâng tổng số bệnh nhân của tỉnh lên 3 ca.
UBND tỉnh này yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết như mua lương thực thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Dừng hoàn toàn các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Thực hiện phong tỏa đường Hoàng Diệu đoạn từ ngã tư Hoàng Diệu – Lý Thường Kiệt đến ngã tư Hoàng Diệu – Hai Bà Trưng, phường Thắng Lợi; Khu vực hẻm 43/15 đường Ama Khê, phường Tân Lập; Khu vực hẻm 13/2/9 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập; Khu vực số nhà 101, Quốc lộ 14, thôn 5, xã Hòa Thuận.
Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 3/8 cho đến khi có thông báo mới.
Bí thư TP.HCM đề nghị cách ly Đà Nẵng như ở Vũ Hán
Tại cuộc họp chiều 2/8 của Thường trực Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta đang đứng trước tình thế hết sức đặc biệt của dịch bệnh, theo báo Thanh Niên.
Trên phạm vi thế giới thì dịch vẫn tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm với 17,8 triệu người nhiễm và dự báo còn tăng. Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn mới, “bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai”.
Riêng với Đà Nẵng, nhận định về tình hình hiện tại ông Nhân đề nghị cần coi là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn.
“Cao nhất là thế nào thì các đồng chí đã biết kinh nghiệm quốc tế rồi. Chúng tôi chỉ nói kinh nghiệm Vũ Hán, khi xảy đến mức cao nhất thì thì họ yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được 1 người đi chợ 1 lần thôi, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà đi chợ thôi. Sau một thời gian họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà”, ông Nhân dẫn giải.
Nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán
Tối 2/08, Bộ Y tế đã ra thông báo khẩn những người có mặt tại các địa điểm du lịch dưới đây phải đi khai báo y tế vì đã có bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán ghé qua:
1. Quán Nhúng Ớt, 10 Phạm Quang Ảnh, An Hải Bắc, Sơn Trà, TP Đà Nẵng, chiều tối 18/7
2. Khách sạn Mercure Danang French Village, Bà Nà Hills, TP Đà Nẵng, ngày 19 đến 20/7
3. Khách sạn Alilte Luxury Hội An, số 9, Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam, ngày 20 đến 21/7
4. Homestay Huế villa, 27 Lê Trung Đình, phường Thuận Lộc, TP Huế, Thừa Thiên – Huế, ngày 23 đến 24/7.
5. Quán cafe Mắt Biếc, 68 Bao Vinh, Hương Vang, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế, ngày 23/7. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các hành khách trên chuyến bay: VN115 Đà Nẵng – Buôn Mê Thuột, ngày 25/5 và VN119 Đà Nẵng – TP.HCM, ngày 25/7 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ.

Điểm tin trong nước tối 3/8 – Thanh Hoá:

 Mưa lũ cuốn trôi đập, 4 bản làng bị cô lập

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối thứ Hai (3/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thanh Hoá: Mũ lũ cuốn trôi đập, 4 bản làng bị cô lập
VnExpress thông tin, chiều 3/8, ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết mưa lũ 2 ngày qua đã cuốn trôi đập tạm qua sông Lò thuộc bản Bo Hiềng.
“Hiện có ba bản đang bị cô lập gồm bản Sa Ná, bản Son và Ché Lầu với hơn 220 hộ và hơn 1.000 khẩu”, ông Huân nói. Chính quyền địa phương đang lên kế hoạch hỗ trợ các hộ dân do mưa lũ.
Còn tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, mưa lũ đã cuốn trôi cầu tạm làm bằng luồng nối từ quốc lộ 217 qua bản Lầm. Khoảng 40 hộ dân với hơn 180 nhân khẩu ở bản này bị cô lập.
Ngoài ra, tuyến đường Pha Ngùa từ bản Tong đi bản Pọng của xã Trung Tiến cũng bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
4 khu công nghiệp ở Đà Nẵng đều có người nhiễm virus Vũ Hán
Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, ngày 3/8, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng thông tin, thời điểm này, Đà Nẵng có 4 công nhân thuộc 4 doanh nghiệp khác nhau cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, rải đều ở cả 4 khu công nghiệp là Hòa Khánh, An Đồn, Thọ Quang và Hòa Cầm.
4 công ty gồm: Công ty (Cty) Mane-K ở KCN Hòa Khánh với khoảng 400 người lao động (NLĐ), Cty Sinaran ở KCN An Đồn với khoảng 500 NLĐ, Cty Matrix ở KCN Hòa Cầm với khoảng 2.000 NLĐ, Cty Thủy sản miền Trung ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang với khoảng 800 NLĐ.
Tuy nhiên, trong số 4 doanh nghiệp có công nhân mắc Covid-19, hiện mới chỉ có Cty Kane-M tạm dừng hoạt động từ ngày 31/7. Ba cty còn lại tạm thời vẫn hoạt động bình thường, ông Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch CĐ Khu CNC Đà Nẵng – cho biết.
Đà Nẵng sẽ hoá táng thi thể bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 ca tử vong do nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 4 trường hợp tử vong ở Đà Nẵng (BV Đà Nẵng và BV Ung bướu) và 2 trường hợp tử vong tại BV Trung ương Huế.
Báo Vietnamnet thông tin, chiều 3/8, bác sĩ Nguyễn Út – Phó GĐ Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, thi thể các bệnh nhân này sẽ được hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
Việc xử lý thi thể bệnh nhân mắc virus Vũ Hán sẽ được thực hiện theo yêu cầu của Bộ y tế.
Hơn 2.700 người trở về từ Đà Nẵng về từ Bà Rịa-Vũng Tàu
Báo Người lao động đã thống kê cho biết, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 2.778 trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng ngày 1/7 đến 28/7. Ngoài ra, trong 7 trường hợp đến Bệnh viện Đà Nẵng thì 3 người vẫn chưa liên lạc được.
Ngày 3/8 tỉnh này đã thực hiện đóng cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke; các sự kiện văn hóa – thể thao tập trung đông người.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 công dân đến Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tỉnh mới liên lạc được 4 người (3 trường hợp vẫn ở Đà Nẵng, 1 trường hợp cách ly tại nhà từ ngày 20/7); còn 3 trường hợp không liên lạc được vì không có số điện thoại và địa chỉ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?