Đọc báo Pháp– 14/09/2020

Đọc báo Pháp– 14/09/2020

Đại dịch Covid và Donald Trump giúp châu Âu thức tỉnh trước Bắc Kinh – Thụy My

Tổng thống Mỹ đã đánh thức châu Âu khi khởi động cuộc thương chiến. Bên cạnh đó, « ngoại giao khẩu trang » sẽ đi vào lịch sử như một thất bại thảm hại của Tập Cận Bình, thái độ hung hăng đã gây phản tác dụng tại châu Âu, nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch corona.
Bên cạnh những vấn đề như dịch virus corona tăng mạnh, Hy Lạp mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Belarus, người tị nạn, tất cả các nhật báo Pháp đều tập trung cho chủ đề chính là cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc hôm nay 14/09/2020.
Pháp không còn e dè trong việc chỉ trích Trung Quốc
Trước hết đối với các nước đầu tàu châu Âu, Le Monde nhận xét « Trước thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Pháp tìm kiếm một giọng điệu đúng đắn trước Bắc Kinh ».
Bị 30 dân biểu Pháp chất vấn hồi tháng Bảy về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, ông Emmanuel Macron rốt cuộc đến ngày 06/09 đã có câu trả lời. Tổng thống Pháp lên án « các trại cải tạo, những vụ bắt giam hàng loạt, mất tích, cưỡng bức lao động và triệt sản, hủy hoại di sản người Duy Ngô Nhĩ, giám sát… »  « không thể chấp nhận được ». Dưới áp lực của dư luận, Pháp và châu Âu từ nhiều tháng qua đã cứng rắn hơn trong vấn đề Tân Cương, mà vòng công du thất bại vừa rồi của Vương Nghị đã chứng tỏ.
Khi gặp ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Vương Nghị tiếp tục luận điệu « chống khủng bố », thậm chí còn trơ trẽn so sánh các trại giam người Duy Ngô Nhĩ với các nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm cải hóa quân thánh chiến và gia đình trở về từ Syria. Ông ta phản đối việc Pháp cho mở văn phòng đại diện thứ hai của Đài Loan tại Aix-en-Provence.
Về chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Macron từ nay đến cuối năm, phía Pháp không xác nhận dù hồi đầu năm 2018 ông Macron từng cam đoan sẽ quay lại « ít nhất một lần trong năm ». Paris muốn có được thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc trước đã. Về mặt song phương, có dự án nhà máy tái chế chất đốt nguyên tử – một vấn đề vô cùng nhạy cảm vì phải chuyển giao một công nghệ lưỡng dụng.
Giới kinh doanh và chính khách Đức thay đổi quan điểm với Bắc Kinh
Trong khi đó cũng theo Le Monde, « Đức trở nên nghi ngờ Trung Quốc », đối tác nay trở thành « đối thủ mang tính hệ thống ». Dưới sự thúc đẩy của giới kinh doanh, các đảng chính ở Đức phải xem lại chủ trương của mình đối với Bắc Kinh.
Chưa bao giờ người đứng đầu tập đoàn Siemens của Đức có những phát biểu như vậy về Hồng Kông và Tân Cương : ông Joe Kaeser hôm 10/09 « kiên quyết lên án tất cả những dạng thức đàn áp, cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền ». Mới cách đây một năm, không thể nào tưởng tượng được những lời lẽ thẳng thừng như vậy, từ một tập đoàn mà 10% doanh số thực hiện tại Trung Quốc, nơi Siemens hiện diện từ năm 1872 và nay có 35.000 công nhân. Sau ba ngày trong phái đoàn thủ tướng Angela Merkel thăm Hoa lục, ông Kaeser tuyên bố Đức phải giữ thăng bằng giữa « các giá trị đạo đức và lợi ích ».
Sự kiện trên tiêu biểu cho những biến chuyển về nhận thức tại Đức đối với Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Berlin. Báo cáo tháng 1/2019 của Liên đoàn Kỹ nghệ Đức (BDI) cảnh báo về sự can thiệp của Nhà nước Trung Quốc và tham vọng thống trị về công nghệ. Trung Quốc không còn là công xưởng đơn thuần mà đã trở thành người cạnh tranh đáng ngại. Patricia Schetelig, phụ trách quan hệ với Trung Quốc của BDI khẳng định, ban đầu giới kinh doanh rất ngại chỉ trích Bắc Kinh vì sợ bị trả thù, nhưng nay họ hiểu rằng nói thắng sẽ được tôn trọng hơn.
Về mặt chính trị, việc triển khai 5G của Hoa Vi (Huawei) cũng gây tranh cãi dữ dội trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel. Còn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng tình chống Hoa Vi, lần đầu tiên hôm 30/06 đã công bố một văn bản 11 trang xác định chiến lược đối phó với Trung Quốc. Một số người hy vọng vào cuối nhiệm kỳ bà Merkel, Đức sẽ gây áp lực mạnh hơn về nhân quyền.
Berlin trên tuyến đầu
La Croix ghi nhận « Thượng đỉnh EU-Trung Quốc : Berlin đổi thái độ với Bắc Kinh ». Là chủ tịch luân phiên EU, Đức nay dứng trên tuyến đầu đối phó với Trung Quốc.
Đại dịch khiến hội nghị thượng đỉnh được tiến hành qua video, thu hẹp giữa các nhà lãnh đạo EU và Tập Cận Bình, nhưng như vậy lại giúp EU có được tiếng nói thống nhất. Riêng trong lãnh vực thương mại, Trung Quốc hy vọng ký được hiệp ước đầu tư trước cuối năm, nhưng EU không tin tưởng vì thiếu tiến bộ trong sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường công.
Trong bối cảnh đó, Berlin thẳng thừng chỉ trích không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Nhà quan sát Mikko Huotari, trung tâm Mercator ở Berlin nhận xét, Đức đã giật mình tỉnh thức từ năm 2016 trước làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Tập đoàn robot hàng đầu là Kuka bị công ty máy giặt Trung Quốc Midea thâu tóm, rồi đến nhà sản xuất máy công cụ KraussMaffei bị ChemChina mua lại, công ty năng lượng EEW bịBeijing Entreprise mua. Tổng cộng Trung Quốc đổ vào Đức hơn 13 tỉ đô la năm 2017.
Sau đó chính quyền Merkel phải sửa đổi luật, và kịp thời ngăn chận công ty bán dẫn Aixtron không bị Fujian Grand Chip Investment Fund thâu tóm. Đối với các dự án đầu tư về « cloud », trí tuệ nhân tạo, không gian…nay Đức ưu tiên cho châu Âu. Tuy vậy Đức vẫn muốn duy trì vị trí quan trọng tại Trung Quốc, trong khi đó gia tăng các đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chuyên gia : Đức lo sợ Trung Quốc gây khó khăn cho kỹ nghệ xe hơi
Libération nhận định « Trung Quốc – EU : Một thượng đỉnh đầy thách thức » với các hồ sơ thương mại, 5G, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông…nhưng 27 nước châu Âu sẽ cố gắng có cùng một tiếng nói trước Tập Cận Bình.
Trong bài phỏng vấn, ông Michel Fouquin, chuyên gia về châu Á của Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (CEPII) khẳng định không có cạnh tranh bình đẳng giữa châu Âu và Trung Quốc, khi Bắc Kinh trợ giá ồ ạt cho kỹ nghệ và áp đặt chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc dễ dàng mua các công ty EU trong khi chiều ngược lại thì rất phức tạp.
Ông cũng nhận thấy sự thay đổi quan điểm của Đức. Cách đây hai, ba năm, Berlin đã có nhiều nhượng bộ để thâm nhập được thị trường Hoa lục, nhưng rồi đã nhận ra Bắc Kinh không phải là một người cạnh tranh bình thường. Trung Quốc đã đuổi kịp phương Tây trong lãnh vực rất nhạy cảm đối với người Đức là xe hơi, đặc biệt là xe chạy bằng điện, và trong ba năm nữa sẽ gây khó khăn cho Đức. Theo chuyên gia Fouquin, đây là lý do chủ yếu khiến Berlin đổi thái độ với Bắc Kinh.
EU sáng mắt trước Bắc Kinh sau đại dịch
Tờ báo cánh tả cũng nhận thấy « 27 nước EU đã sáng suốt hơn sau đại dịch ». Sau khi hào hiệp giúp đỡ Bắc Kinh vào lúc dịch Covid mới xảy ra, nay các nước châu Âu chọn lựa đường lối cứng rắn như kiểu của Mỹ.
« Ngoại giao khẩu trang » sẽ đi vào lịch sử của ngành ngoại giao như một thất bại thảm hại của Tập Cận Bình, thái độ hung hăng đã gây phản tác dụng. Nếu « hồi kết của sự ngây thơ châu Âu » trước Bắc Kinh đã được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố từ tháng 6/2019, đại dịch đã khiến sự ngờ vực Trung Quốc chưa bao giờ cao như thế.
Trong khi năm 2020 khởi đầu rất thuận lợi giữa đôi bên. Ngay từ tháng Giêng, hàng triệu tấn dụng cụ, thiết bị y tế đã được các nước châu Âu hào phóng viện trợ cho Bắc Kinh, một cách lặng lẽ. Đến tháng Ba, tới lượt châu Âu bị con virus từ Vũ Hán hoành hành, Trung Quốc đã hỗ trợ nhưng khua chiêng gióng trống tưng bừng để tự quảng cáo và nhấn mạnh sự bất lực của EU. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn xua hàng đàn « chiến lang » bôi nhọ các chính phủ châu Âu, chưa kể một số mặt hàng y tế Trung Quốc lại là hàng dỏm.
Donald Trump đánh thức châu Âu về bộ mặt Trung Quốc
Đầu tháng Chín, Bắc Kinh đã nhận ra hậu quả : Vương Nghị và Dương Khiết Trì được các « nước bạn » EU tiếp đón một cách lạnh nhạt. Chưa kể chủ tịch Thượng Viện Cộng hòa Séc còn đi thăm Đài Loan, trong khi nước này là thành viên nhóm 17+1, công thức được Trung Quốc lập ra năm 2012 tập hợp các nước Trung và Đông Âu (trong đó có 12 nước là thành viên EU), và là đầu cầu thâm nhập châu Âu của Bắc Kinh.
Thật ra sự hung hăng của Trung Quốc đã có từ rất lâu, ít nhất về thương mại và công nghệ. Không có ông Donald Trump, có lẽ EU vẫn luôn nhút nhát trước Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ đã đánh thức phương Tây khi khởi động cuộc thương chiến, cáo buộc rất đúng là Trung Quốc không tôn trọng luật lệ quốc tế, chắp thêm đôi cánh cho châu Âu.
Từ 2017, EU liên tục tăng cường chống phá giá, trợ giá của Trung Quốc, giám sát đầu tư, chuyển giao công nghệ, đòi hỏi mở cửa thị trường tương xứng…Đặc biệt việc Bắc Kinh giấu diếm đại dịch corona đã gây tác hại lâu dài : suy thoái trầm trọng nhất trong thời bình kể từ ba thế kỷ qua. EU bị yếu đi trong lúc phải tự vệ hết mình trước một Trung Quốc ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do mình gây ra.
Cơ hội cuối cùng cho quan hệ EU-Trung Quốc
Tương tự, Les Echos cho rằng thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoài nghi ngày càng lớn trước Bắc Kinh. Gió đã đổi chiều.
Châu Âu quyết không ký hiệp ước đầu tư đã thương lượng từ bảy năm qua với Trung Quốc, một khi không có được những bảo đảm từ đối tác nay chỉ gây ngờ vực. Vương Nghị lấy « đa phương » ra để thuyết phục, cố làm dịu đi hình ảnh của Trung Quốc trong vòng công du, nhưng không thoát được những chất vấn về Hồng Kông, Tân Cương… Theo một nguồn tin ngoại giao ở Bruxelles, « Làn sóng Trung Quốc trước đây đe dọa gây chia rẽ EU, đang bị đẩy lùi ».
Đang căng thẳng với Mỹ, Bắc Kinh cổ tỏ ra hòa dịu, hy vọng tránh được việc châu Âu xích lại gần với Hoa Kỳ. Theo nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này là cơ hội cuối cùng cho quan hệ đôi bên, trước cuộc bầu cử Mỹ mà nếu ông Joe Biden chiến thắng sẽ mở đường cho việc củng cố mối liên hệ Mỹ-Châu Âu.
Ngược lại theo tác giả Dominique Moisi trên Les Echos, trước Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự chọn lựa của EU không dễ dàng. Cho dù ông Biden có trở thành tổng thống Mỹ đi nữa, Hoa Kỳ cũng sẽ không tiếp tục là người bảo trợ an ninh cho châu Âu – Washington đã mỏi mệt trước những cam kết quốc tế.
Những liên minh mới thành hình
Về mặt địa chính trị, tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro ghi nhận hiện tượng tập trung lại thành những nhóm khép kín trên thế giới, mà tác giả gọi là « quần đảo hóa », trên các lãnh vực kỹ thuật số, thương mại, kỹ nghệ, tài chính, ý thức hệ.
Đối mặt với sự thù địch trước tham vọng đế quốc của Trung Quốc, Tập Cận Bình đành phải tập trung cho thị trường nội địa trong kế hoạch 5 năm sắp tới, giảm lệ thuộc với bên ngoài, đặc biệt trước sự tấn công nhiều mặt của Mỹ.
Không chỉ có lưỡng cực Mỹ-Trung, mà tại châu Á, Ấn Độ xích gần với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand để tránh bị Trung Quốc bao vây. Ở Trung Đông, hình thành trục Israel-Ai Cập-Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các nước Hồi giáo Ả Rập, đối lập với các nước Hồi giáo không Ả Rập gồm Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia. Tại châu Âu, hố sâu ngăn cách càng rộng hơn giữa các nước Bắc-Nam về mặt kinh tế, Đông và Tây Âu về các giá trị tinh thần.
Theo Dominique Moisi, EU cần hiểu rằng Bắc Kinh cố tình chia rẽ châu Âu để kiểm soát và thống trị trong tương lai. Cố thủ tướng Israel, bà Golda Meir từng nói : « Hãy mạnh mẽ lên, người ta chỉ tôn trọng kẻ mạnh ! ». Liệu châu Âu có làm được hay không ?

Tin tổng hợp
(Reuters) – Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nghỉ hưu. 
Ngoại trưởng Mike Pompeo trong một thông điệp Twitter ngày 14/09/2020 “cảm ơn” đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh Tery Branstad, 73 tuổi, sau ba năm đảm nhận nhiệm vụ. Ông Pompeo không giải thích lý do cách chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Theo nhiều nguồn tin thông thạo, đại sứ Branstad chuẩn bị rời khỏi Bắc Kinh trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 03/11/2020. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ -Trung liên tục gia tăng.
(AFP) – Hồng Kông tuyên bố “không can thiệp” vào vụ Trung Quốc bắt giữ 12 công dân.
Đây là những người bị bắt giữ khi tìm cách chạy sang Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên Twitter ngày 14/09/2020 gọi nhóm 12 người Hồng Kông nói trên là những “kẻ ly khai”và xác nhận những người này đang bị bắt giữ tại Thâm Quyến trong lúc tìm đường “tẩu thoát”.
(ABC.Net) – Trung Quốc đánh cắp dữ liệu cá nhân của 2,4 triệu người. 
Truyền thông Úc ngày 14/09/2020 tiết lộ tập đoàn Zhenhua Data trụ sở đặt tại Thâm Quyến đánh cắp dữ liệu của 2,4 triệu người. Trong số này có 35.000 công dân Úc cùng một số chính khách hàng đầu của Anh. Zhenhua Data thu thập thông tín từ các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram và kể cả TikTok của các nạn nhân. Quân Đội và Đảng Cộng Sản Trung Quốc là hai trong số những khách hàng của tập đoàn nói trên.
(SCMP) – Manila bật đèn xanh cho một công ty Trung Quốc xây dựng hệ thống viễn thông cho quân đội Philippines. 
Theo tiết lộ của báo SCMP ngày 14/09/2020 cho dù mới là thỏa thuận ban đầu, tập đoàn Dito Telecommunity của Philippines đồng ý hợp tác với China Telecom lắp đặt các trạm viễn thông trong một số các căn cứ quân sự của quốc gia Đông Nam Á này.  Quyết định này gây chú ý do Trung Quốc và Philippines cùng có tranh chấp ở  Biển Đông.
(AFP) - Các phòng thí nghiệm độc lập Pháp và Thụy Điển xác nhận Navalny bị đầu độc bằng Novitchok. 
Hôm nay, 14/09/2020, chính phủ Đức thông báo hai phòng thí nghiệm độc lập của Pháp và Thụy Điển đã xác nhận nhà hoạt động đối lập Nga, Alexei Navalny hiện đang điều trị tại một bệnh viên ở Berlin, đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh loại Novitchok. Trước đó hôm 03/09, một phòng thí nghiệm của quân đôi Đức cũng đã kết luận, nhà đối lập Nga đã bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh cực mạnh. Tuy nhiên Matxcơva đã phản bác. Tổng thống Nga Vladimir Putin những cáo buộc trên là không có cơ sở.

Điểm tin thế giới sáng 14/9:

Tik Tok không bán thuật toán cho Mỹ;

Bắc Kinh nói Mỹ là ‘kẻ hủy diệt hòa bình thế giới’

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với Điểm tin thế giới của DKN. Sáng nay, thứ Hai (14/9), chuyên mục của chúng tôi có những tin sau:
Tik Tok không bán thuật toán cho Mỹ
ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau ứng dụng chia sẻ video phổ biến trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào, SCMP dẫn nguồn thạo tin cho hay.
“Công ty [ByteDance] sẽ không giao mã nguồn cho bất kỳ người mua nào ở Mỹ, nhưng nhóm công nghệ của TikTok ở Mỹ có thể phát triển một thuật toán mới”, nguồn tin nói với SCMP. Nguồn tin giấu tên cho biết thêm, ByteDance đã thông báo cho giới chức Hoa Kỳ và các nhà thầu tiềm năng về quyết định này của họ.
Nguồn tin nhận định, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối điều kiện này của ByteDance, thì TikTok sẽ phải biến mất khỏi thị trường Mỹ sau thời hạn thoái vốn vào thứ Ba (15/9).
Theo Epoch Times, các thuật toán mà Tik Tok phát triển thiên vị các video ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cụ thể, những video như vậy sẽ được Tik Tok ưu tiên giới thiệu tới người xem và có cơ hội lớn trở thành các video “hot”.
Trước khi thương vụ Tik Tok diễn ra, ngày 28/8, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học & Công nghệ Trung Quốc đã đồng công bố “Danh sách các công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc” bản sửa đổi quyết định không bán các thuật toán kiểu như của Tik Tok.
Bắc Kinh nói Mỹ là ‘kẻ hủy diệt hòa bình thế giới’
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gọi Mỹ là “kẻ hủy diệt hòa bình thế giới” khi đáp trả một báo cáo quan trọng về quân đội Trung Quốc (PLA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Báo cáo này nói rằng PLA đang được xây dựng để “thay đổi” trật tự thế giới, theo Fox News.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Đại tá Ngô Khiêm, gọi báo cáo ngày 2/9 của Lầu Năm Góc là một “sự xuyên tạc trắng trợn” mục tiêu của Bắc Kinh và mối quan hệ giữa PLA và 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
Ông Ngô nói hôm Chủ nhật (13/9) rằng “Nhiều bằng chứng cho thấy chính Hoa Kỳ mới là kẻ gây ra bất ổn khu vực, kẻ vi phạm trật tự quốc tế và kẻ hủy diệt hòa bình thế giới”.
Báo cáo hơn 150 trang của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Nghị viện đã đánh giá khả năng kỹ thuật và tham vọng của PLA. Báo cáo cũng phân tích chiến lược của Trung Quốc đối với Đài Loan, một đồng minh của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và có thể dùng vũ lực thôn tính nếu cần thiết.
Belarus: Người dân tiếp tục biểu tình chống Lukashenko
The Guardian cho hay, hơn 100.000 người đã tập trung trước dinh thự Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, ở thủ đô Minsk hôm Chủ nhật (13/9) để tiếp tục yêu cầu ông từ chức. Bên cạnh đó các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra khắp Belarus, xóa tan các nỗ lực của ông Lukashenko nhằm chặn phong trào phản đối mình.
Không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào chống Tổng thống Lukashenko suy giảm. Thay vào đó, những người biểu tình đã xuống đường với số lượng lớn vào tuần thứ năm liên tiếp, bất chấp sự hiện diện của cảnh sát chống bạo động, những người đã phong tỏa trung tâm thành phố bằng các phương tiện quân sự.
Ông Lukashenko sẽ tới Nga để gặp đồng minh thân cận là Tổng thống Vladimir Putin vào thứ Hai tại khu nghỉ mát Sochi. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ cuộc bầu cử tổng thống Belarus bị nghi ngờ gian lận diễn ra vào ngày 9/8.
Ông Lukashenko gặp ông Putin được cho là chủ yếu để bàn về các biện pháp nhằm đối phó với các cuộc biểu tình ở Belarus.
Cameroon: Đánh bom liều chết, 5 người thiệt mạng
Một kẻ đánh bom liều chết đã giết chết 5 người ở một ngôi làng nằm tại cực bắc Cameroon, gần biên giới với Nigeria, nơi các nhóm Hồi giáo thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công, các quan chức địa phương cho biết hôm Chủ nhật (13/9), theo AFP.
“Những kẻ khủng bố” đã tấn công làng Zeleved vào tối thứ Sáu, một nhân viên an ninh địa phương, yêu cầu giấu tên, nói với AFP.
Năm người dân địa phương thiệt mạng có độ tuổi từ 10 đến 70, bao gồm cả trưởng làng. Những kẻ tấn công được cho là thuộc nhóm khủng bố Boko Haram hoặc nhóm tàn quân của nhà nước Hồi giáo IS.
Trước đó 6 tuần tại khu vực này cũng đã xảy ra một cuộc tấn công. Hai kẻ đánh bom liều chết trẻ tuổi đã giết chết 18 người và làm bị thương 15 người khác.
Tổng thống Trump ký lệnh mới nhằm hạ giá thuốc
Tổng thống Trump hôm Chủ nhật (13/9) nói rằng ông đã ký một lệnh hành pháp mới nhằm giảm giá thuốc ở Hoa Kỳ bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa giá thuốc trong nước với giá thuốc trên thế giới, theo Reuters.
“Lệnh Tối huệ quốc của tôi sẽ đảm bảo rằng Quốc gia của chúng ta nhận được mức giá thấp tương tự như giá mà Big Pharma cung cấp cho các quốc gia khác. Thời kỳ tự do hóa toàn cầu trong đó Mỹ chịu thiệt đã qua”, ông Trump nói trong một bài đăng trên Twitter.
Vào tháng Bảy, Tổng thống Trump đã ký bốn lệnh hành pháp được thiết kế để giảm chi phí thuốc cho người Mỹ nhằm thực hiện cam kết cắt giảm giá thuốc trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng Mười một.

Điểm tin thế giới chiều 14/9:

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc sắp rời chức vụ;

35.000 người Úc bị Trung Quốc theo dõi

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (14/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc sắp rời chức vụ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad sắp nghỉ hưu và rời Bắc Kinh vào đầu tháng tới, theo Reuters.
“Tôi cảm ơn Đại sứ Terry Branstad vì hơn ba năm phục vụ người dân Mỹ với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ông Pompeo cho biết trong một bài đăng trên Twitter.
“Đại sứ Branstad đã góp phần tái cân bằng quan hệ Mỹ – Trung Quốc theo chiều hướng mang lại kết quả, có đi có lại và công bằng”, ông bổ sung.
35.000 người Úc bị Trung Quốc theo dõi
Hàng chục nghìn người Úc – bao gồm những người nổi tiếng, chính trị gia và nhà báo – đã bị một công ty có liên kết với mạng lưới tình báo quân đội Trung Quốc thu thập dữ liệu, theo news.com.au.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc thu thập luồng thông tin khổng lồ này đang được sử dụng như một công cụ “chiến tranh tâm lý” để thao túng dư luận Úc. Cơ sở dữ liệu được công bố trong đêm sau khi bị rò rỉ cho một giảng viên ở Mỹ cho thấy 2,4 triệu người dân trên khắp thế giới đã bị nhắm mục tiêu – trong đó có 35.000 người dân Úc.
Dữ liệu được thu thập bởi công ty Dữ liệu Zhenhua, và có lẽ sẽ được chuyển cho cơ quan tình báo Trung Quốc – Bộ An ninh quốc gia.
Đài Loan là ‘sự lên án sống động về ĐCSTQ’
Trước câu hỏi của giới truyền thông Mỹ về việc tại sao Trung Quốc gần đây lại tăng cường xâm nhập mạnh mẽ vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một học giả Canada nói rằng chế độ chuyên quyền đang cố gắng “làm xói mòn khối gắn kết quốc gia” và sự tồn tại của Đài Loan là một “lời lên án sống động đối với ĐCSTQ”, theo Taiwan News.
Máy bay chiến đấu và tàu chiến Trung Quốc đã xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan khoảng 40 lần từ ngày 9 đến ngày 10/9. Trong cuộc họp báo ngày 10/9, Thiếu tướng Yang Ching-se đã trình bày một sơ đồ các cuộc tập trận của PLA tại ADIZ phía tây nam Đài Loan và chỉ ra rằng một số máy bay chiến đấu đã xâm nhập khu vực trong vòng bán kính 90 hải lý (166 km) xung quanh quốc đảo.
Dự án chất bán dẫn tham vọng của Trung Quốc tạm ngừng
Một dự án chất bán dẫn đầy tham vọng ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 20 tỷ USD và đội ngũ quản lý gồm các cựu giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã bị đình trệ trong bối cảnh không thể thu hút thêm nhà đầu tư, theo Taiwan News.
Ra mắt vào năm 2017, công ty Vật liệu bán dẫn Hoằng Tâm Vũ Hán (Wuhan Hongxin Semiconductor – HSMC) đã thu hút nhiều kỹ sư và quản lý cấp cao của TSMC bằng cách đưa ra các ưu đãi tài chính lớn, cao gấp 2,5 lần tổng gói lương và thưởng hàng năm của TSMC. Techbang đưa tin, công ty Trung Quốc đã tìm cách tuyển dụng các kỹ sư TSMC quen thuộc với 7 quy trình sản xuất nanomet (nm) kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, CEO của Hoằng Tâm, Chiang Shang-yi, vốn là cựu CEO của TSMC đang dự tính từ bỏ dự án từ tháng Sáu, nhưng sau đó công ty bác bỏ thông tin này là tin đồn. Công ty đang phải đối mặt với những khó khăn khi việc mua sắm thiết bị tiên tiến của Mỹ để sản xuất chip ngày càng trở nên chật vật hơn trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung.
Hồng Kông tuyên bố không can thiệp việc Trung Quốc bắt 12 cư dân
Chính quyền Hồng Kông đã nhanh chóng từ chối can thiệp vụ bắt giữ 12 cư dân thành phố này đang tìm cách chạy trốn đến Đài Loan bằng đường biển, bất chấp lời cầu xin hỗ trợ từ các gia đình các nạn nhân. Chính quyền Hồng Kông nói rằng đây là vấn đề của phía đại lục, theo Reuters.
Trong một tuyên bố cuối hôm Chủ nhật (13/9) được đài truyền hình công cộng RTHK trích dẫn, chính quyền Hồng Kông cho biết họ đã nhận được các yêu cầu trợ giúp từ gia đình 12 cư dân bị cơ quan thực thi pháp luật đại lục giam giữ hồi tháng trước vì tội nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc đại lục sau khi cố gắng trốn sang Đài Loan vì Bắc Kinh áp luật an ninh mới. Trung Quốc hôm 13/9 đã dán nhãn cho nhóm này là “những kẻ ly khai”.
Phòng thí nghiệm Pháp, Thụy Điển xác nhận ông Navalny nhiễm độc Novichok
Chính phủ Đức hôm thứ Hai (14/9) cho biết, thêm 2 phòng thí nghiệm đã xác nhận độc lập rằng chính trị gia đối lập điện Kremlin Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh kiểu Liên Xô Novichok (còn được gọi là “lính mới”) và yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích cho việc này.
Các phòng thí nghiệm đặc biệt ở Thụy Điển và Pháp đã xác nhận kết quả ban đầu từ Đức, phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tự giải thích về việc này. Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác châu Âu để tiến hành các bước tiếp theo”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Seibert.
Giữa đại dịch, quan chức Trung Quốc trục lợi từ nguồn cung hàng y tế
Jiang Pengyong, cháu trai của một quan chức cấp cao Trung Quốc, đang công bố câu chuyện của mình về việc anh từng tham gia kế hoạch mua thiết bị bảo hộ cá nhân từ nước ngoài và bán chúng cho chính quyền Trung Quốc, theo The Epoch Times.
Ban đầu Jiang đồng ý với kế hoạch này vì cho rằng mình đang góp phần làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia. Jiang đã mua các vật tư y tế thông qua một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thâm Quyến, Shenzhen Jipingyong Tech Company. Công ty có văn phòng tại Hàn Quốc và Jiang làm việc ở đó.
Huang Zhongnan, người môi giới của anh này tại Trung Quốc, bảo Jiang rằng vật tư y tế sẽ được quyên tặng cho các nhân viên y tế tuyến đầu hoặc những công dân bình thường cần đến để chống lại sự lây lan của COVID-19.
Nhưng Huang sau đó tiết lộ rằng các nguồn cung y tế đã được giao cho các quan chức trong chính phủ và các tổ chức khác nhau. Những người này đã bán lại chúng để kiếm lời chứ không dùng trong công tác chống dịch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện