Tin khắp nơi – 16/09/2020

Tin khắp nơi – 16/09/2020

Bầu cử 2020: Cập nhật kết quả thăm dò cuộc đua 48 ngày trước 3/11

Cử tri Mỹ sẽ quyết định vào ngày 3/11 liệu Donald Trump có được ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa hay không.
Vị tổng thống đảng Cộng hòa đang bị thách thức bởi ứng cử viên Joe Biden, đảng Dân chủ, người được biết đến nhiều nhất với tư cách là phó tổng thống của Barack Obama, nhưng đã tham gia chính trường Hoa Kỳ từ thập niên 1970.
Ngày bầu cử lừng lững đến gần, và các công ty thăm dò ý kiến đang ráo riết tìm cách đánh giá tâm trạng của quốc gia, bằng cách hỏi cử tri xem họ thích ứng cử viên nào hơn.
Chúng tôi theo dõi những cuộc thăm dò này, và cố gắng tìm ra những gì thăm dò ý kiến có thể và không thể cho chúng ta biết ai sẽ là người đắc cử.
Kết quả thăm dò toàn quốc hiện giờ ra sao?
Thăm dò quốc gia là một hướng dẫn tốt về mức độ được ủng hộ của một ứng cử viên trên toàn quốc, nhưng không nhất thiết là cách tốt để dự đoán kết quả cuộc bầu cử.
Ví dụ, năm 2016, Hillary Clinton dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc và giành được hơn Donald Trump gần ba triệu phiếu bầu, nhưng bà vẫn thất cử – bởi vì Hoa Kỳ sử dụng hệ thống cử tri đoàn. Vì vậy việc giành được nhiều phiếu phổ thông nhất không phải lúc nào cũng giúp ứng cử viên đắc cử.
Bỏ cảnh báo này qua một bên, trong gần như hầu hết năm nay, Joe Biden luôn dẫn trước Donald Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia. Tỷ lệ ủng hộ của ông dao động quanh mức 50% trong những tuần gần đây, và có lần dẫn đầu Donald Trump đến 10 điểm.
Ngược lại, vào năm 2016, các cuộc thăm dò không rõ ràng hơn nhiều và hai ứng cử viên Donald Trump chỉ cách nhau một vài phần trăm ở một số thời điểm khi ngày bầu cử gần đến.
Những tiểu bang nào sẽ quyết định cuộc bầu cử?
Như bà Clinton khám phá ra vào năm 2016, số phiếu ứng cử viên giành được ít quan trọng hơn việc giành những phiếu này ở đâu.
Hầu hết các tiểu bang gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng, có nghĩa là trên thực tế chỉ có một số tiểu bang mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây là những nơi diễn ra cuộc bầu cử quyết định ai thắng ai bại, và được biết đến như là những tiểu bang ”chiến địa”.
Theo hệ thống cử tri đoàn mà Hoa Kỳ dùng để bầu tổng thống, mỗi tiểu bang được cấp một số phiếu cử tri dựa trên dân số. Tổng cộng nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.
Như bản đồ trên cho thấy, một số tiểu bang ”chiến địa” có số phiếu đại cử tri đoàn hiều hơn những tiểu bang khác, vì vậy các ứng cử viên thường dành thời gian để vận động ở những nơi này nhiều hơn.
Ai đang dẫn đầu ở các tiểu bang ”chiến địa”?
Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò ở các tiểu bang ”chiến địa” có vẻ tốt cho Joe Biden, nhưng còn khá lâu mới đến ngày đi bầu, và mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt khi liên quan đến Donald Trump.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn đầu ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – ba tiểu bang công nghiệp mà đối thủ Đảng Cộng hòa của ông giành được với tỷ số hơn bà Clinton chỉ dưới 1% trong năm 2016.
Nhưng những tiểu bang chiến trường nơi ông Trump thắng lớn năm 2016 là nơi nhóm vận động tranh cử của ông lo lắng nhất. Tỷ lệ thắng của ông ở Iowa, Ohio và Texas ở vào khoảng từ 8-10% vào thời điểm đó, nhưng hiện tỷ lệ ủng hộ của Trump đang kề vai sát cánh với ông Biden trong cả tiểu bang kỳ bầu cử này.
Kết quả thăm dò này có thể giúp giải thích tại sao ông Trump quyết định thay thế người quản lý chiến dịch tái tranh cử vào tháng Bảy, và các lời bình thường xuyên của ông về “các cuộc thăm dò giả”.
Tuy nhiên, thị trường cá cược chắc chắn vẫn chưa hoàn toàn bỏ rơi ông Trump trong lúc này. Tỷ lệ cược mới nhất cho Trump cơ hội thắng là 50% vào ngày 3/11. Điều này cho thấy một số người nghĩ là tình hình sẽ thay đổi nhiều trong vài tuần tới.
Nhưng các nhà phân tích chính trị không mấy được thuyết phục về cơ hội tái đắc cử của ông Trump.
FiveThirtyEight, một trang web phân tích chính trị, nói rằng ông Biden được “yêu chuộng” để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trong khi The Economist nói rằng ông “có khả năng” đánh bại ông Trump.
Covid có ảnh hưởng đến con số của Trump?
Đại dịch virus corona là đề tài thống trị các tờ báo ở Mỹ kể từ đầu năm và phản ứng trước các hành động của Tổng thống Trump thì như được dự đoán, theo đường lối của đảng.
Cách tiếp cận virus corona của Trump được ủng hộ đến đỉnh điểm vào giữa tháng Ba, sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cung cấp 50 tỷ đôla cho các bang để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tại thời điểm này, 55% người Mỹ tán thành hành động của ông, theo dữ liệu từ Ipsos, công ty thăm dò ý kiến hàng đầu.
Nhưng bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho ông từ đảng Dân chủ đã biến mất sau đó, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục ủng hộ tổng thống của họ.
Đến tháng 7, dữ liệu cho thấy những người ủng hộ Trump đã bắt đầu đặt câu hỏi về phản ứng của ông trước đại dịch – nhưng có một sự tăng nhẹ vào cuối tháng 8.
Đại dịch virus corona này có khả năng chiếm ưu thế trong tâm trí cử tri và một mô hình hàng đầu do các chuyên gia tại Đại học Washington đưa ra dự đoán số người chết sẽ tăng lên khoảng 260.000 người vào ngày bầu cử.
Ông Trump có thể hy vọng Chiến dịch Warp Speed, sáng kiến vaccine của chính quyền ông, có thể tạo ra một “bất ngờ tháng 10″ – một sự kiện vào phút cuối có thể đảo ngược cuộc bầu cử.
Cố vấn khoa học chính của sáng kiến này nói rằng việc một loại vắc-xin có thể sẵn sàng được phân phối trước ngày 3 tháng 11 là “cực kỳ khó nhưng không phải là không thể”.
Có thể tin vào kết quả thăm dò?
Thật dễ dàng để bác bỏ kết quả các cuộc thăm dò và nói rằng thăm dò đã sai vào năm 2016, và đó là điều Tổng thống Trump thường xuyên làm. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.
Hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia năm 2016 đều cho thấy Hillary Clinton dẫn trước vài phần trăm, nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc thăm dò này sai, vì Hillary đã thực sự giành được nhiều hơn đối thủ ba triệu phiếu bầu.
Nhưng những cơ quan thăm dò ý kiến đã có một số vấn đề năm 2016 - đặc biệt là không đại diện được cho những cử tri không có bằng đại học – có nghĩa là lợi thế của ông Trump ở một số tiểu bang ”chiến địa” quan trọng đã không được phát hiện cho đến cuối cuộc đua. Hầu hết các cơ quan thăm dò ý kiến giờ đây đã điều chỉnh khiếm khuyết này.
Nhưng năm nay thậm chí còn có nhiều bất ổn hơn bình thường do đại dịch virus corona và ảnh hưởng của nó đối với cả nền kinh tế lẫn cách mọi người sẽ bỏ phiếu vào tháng 11, vì vậy tất cả kết quả các cuộc thăm dò nên được xem với một chút hoài nghi, đặc biệt là vì hiện giờ còn đang cách xa ngày bầu cử.

Bầu cử 2020: Liệu ”vấn đề Latino” của Biden

 có khiến ông thất cử?

Rất ít người trong giới quan sát chính trường Hoa Kỳ ngạc nhiên trước việc các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy khoảng cách cuộc chạy đua tổng thống đang gần lại ở Florida.
Tiểu bang chiến địa quan trọng này được cho là sẽ giải quyết các tranh chấp bầu cử đầy kịch tính, kết quả của sự phân cực chính trị cực đoan của tiểu bang.
Với phiếu bầu ở Florida thường được chia chính xác gần như làm đôi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, kết quả bầu cử có thể tùy vào mức độ ủng hộ một trong hai ứng cử viên trong nhiều nhóm cử tri đa dạng và rộng lớn của tiểu bang này.
Trong cuộc bầu cử 2020, ba trong số các nhóm cử tri này đang thu hút sự chú ý đặc biệt. Các mô hình bỏ phiếu giữa người Mỹ gốc Cuba, cử tri dân cao tuổi và cựu tù nhân có thể xác định ai sẽ thắng ở Florida, và có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định ai sẽ ở Nhà Trắng vào năm tới.
1. Trump được thêm ủng hộ của dân gốc Cuba ở Miami
Nhiều cư dân Miami, khu vực đô thị lớn nhất của Florida, gần đây sẽ thấy số quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha từ chiến dịch tranh cử của Joe Biden gia tăng, và thường xuyên hiển thị trên màn hình máy tính hoặc TV của họ.
Hàng loạt các quảng cáo của đảng Dân chủ là một phần của nỗ lực cuối cùng để giành phiếu bầu của người Tây Ban Nha trong khu vực này của tiểu bang. Nhưng đối với một số nhà quan sát, nỗ lực này có thể quá ít, quá muộn.
“Đây là điều mà đảng Dân chủ lẽ ra phải làm cách đây hàng tháng và nhiều năm, chứ không phải vài chục ngày trước cuộc bầu cử”, nhà thăm dò ý kiến Miami và chiến lược gia của đảng Dân chủ, Fernand Amandi nói với BBC.
Một cuộc khảo sát được công bố vào đầu tháng 9 bởi công ty của ông, Bendixen & Amandi, cho thấy chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đang tiến vào cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, chiếm khoảng 1/3 dân số của hạt Miami-Dade.
Theo cuộc thăm dò, 68% người Mỹ gốc Cuba ở Miami nói họ sẽ bỏ phiếu cho tổng thống và chỉ 30% nói sẽ bỏ phiếu cho Biden. Năm 2012, gần một nửa số phiếu của họ đã dành cho Barack Obama và năm 2016, 41% trong số họ đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton.
Các cuộc thăm dò tổng thể vẫn cho thấy lợi thế của Biden ở quận Miami-Dade. Cuộc khảo sát của Bendixen-Amandi cho thấy Biden đang dẫn trước Trump từ 55% đến 38%.
Nhưng Amandi chỉ ra rằng Biden không thể chỉ giành chiến thắng ở Miami mà cần phải thắng lớn. Tỷ lệ ủng hộ Biden hẹp ở đây có nghĩa là Trump sẽ chỉ cần một lợi thế nhỏ hơn ở vùng nông thôn và phía bắc áp đảo của đảng Cộng hòa để có được một chiến thắng chung cuộc ở Florida. Vì vậy, việc để lọt mất ngay cả một số phiếu bầu người Latinh ở Miami có thể trở thành một vấn đề lớn đối với Biden.
Một số người có thể ngạc nhiên trước sự ủng hộ Trump của người Latinh ở đây, đặc biệt là sau những tuyên bố gây tranh cãi của ông về người nhập cư Mexico không có giấy tờ. Trên thực tế, người Mỹ gốc Cuba đã có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa từ thập niên 1960, một điểm khác biệt so với đa phần người Mỹ gốc Tây Ban Nha chủ yếu nghiêng về đảng Dân chủ.
Trump cũng đã vận động mạnh mẽ ở khu vực này, thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mỹ gốc Cuba. Nhiều trong số những cử tri này có lịch sử gia đình được xác định là do họ trốn khỏi Cuba theo Cộng sản, đã bị thuyết phục bởi chiến dịch tranh cử của Trump mô tả đảng viên Dân chủ là những người cực đoan cánh tả.
Amandi nói với BBC: “Nỗi sợ hãi mà nhóm vận động tranh cử của Trump đang gây ra về chủ nghĩa xã hội và cáo buộc tất cả các đảng viên Dân chủ là gần như cộng sản, rõ ràng đang có tác động”.
Cộng đồng gần 5,8 triệu người gốc Tây Ban Nha của Florida đang trở nên đa dạng hơn. Đảng Dân chủ hy vọng rằng trong tương lai, một cộng đồng người Puerto Rico đang phát triển ở Orlando có thể chống lại pháo đài của Đảng Cộng hòa Cuba ở Miami.
Nhưng trong số hơn 1 triệu người Puerto Rico ở Florida, hầu hết là những người mới đến Hoa Kỳ, và nhiều người chẳng mấy trung thành với đảng nào, Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
2. Đại dịch có thể khiến cử tri lớn tuổi ủng hộ Biden
Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, gần 20% người Floridians trên 65 tuổi. Maine là tiểu bang duy nhất có nhiều người cao tuổi hơn theo tỷ lệ phần trăm tổng dân số.
Các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa thường vận động tranh cử ở những nơi như The Villages, một cộng đồng hưu trí giàu có, rộng lớn, gần Orlando, nơi họ theo truyền thống được chào đón nồng nhiệt.
Tuy nhiên, mùa hè năm nay, truyền thông địa phương đưa tin về những người ủng hộ Biden tổ chức các cuộc diễu hành bằng xe gôn để cạnh tranh với các sự kiện chiến dịch được tổ chức bởi các đối thủ Đảng Cộng hòa của họ ở The Villages.
Các cuộc thăm dò cho thấy đại dịch và cách chính quyền Trump đối phó với virus corona có thể làm xói mòn vị thế của đảng Cộng hòa trong lòng các cử tri lớn tuổi.
Một cuộc thăm dò của NBC/Marist được công bố ngày 8/9 cho thấy Biden dẫn Trump với tỷ lệ 49% trên 48% trong số những người cao niên ở Florida.
Phải so tỷ lệ trên với các cuộc thăm dò sau khi rời thùng phiếu năm 2016 khi Trump thắng nhóm tuổi này với tỷ lệ 57% trên 40% mới thấy sự thay đổi lớn.
3. Cựu tù nhân đi bầu lần đầu có thể giúp đảng Dân chủ
Hôm 11/9, một phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang khiến cho việc bỏ phiếu tháng 11 của nhiều người trong số 1,4 triệu cựu tù nhân ở Florida trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể.
Phán quyết tư pháp trên có tác động mạnh mẽ đến bầu cử ở tiểu bang này.
“Rất nhiều cựu tù nhân này là người Mỹ gốc Phi – khoảng 90% người Mỹ gốc Phi đăng ký với đảng Dân chủ và bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng Dân chủ”, Giáo sư Kathryn DePalo-Gould, một chuyên gia tại Đại học Quốc tế Florida của Miami, nói với BBC trong một phỏng vấn tháng Ba vừa qua.
Cho đến năm 2018, Florida là một trong số ít các tiểu bang áp dụng lệnh cấm cựu tù nhân bỏ phiếu suốt đời. Một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn tiểu bang vào năm đó đã đảo ngược lệnh cấm này.
Nhưng ngay sau đó, cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật bổ sung, yêu cầu rằng để được bỏ phiếu, cựu tù nhân trước tiên phải thanh toán tất cả các tiền phạt được áp đặt như một phần bản án, những món tiền có thể lên tới hàng nghìn đô la.
Bất chấp những thách thức pháp lý trước đó của các nhóm dân quyền, phán quyết của tòa phúc thẩm ngày 11/9 quyết định rằng biện pháp này sẽ vẫn được áp dụng.
Đảng Dân chủ hiện có thể lấy được phiếu bầu của nhiều cựu tù nhận, những người phải xoay sở để thanh toán các khoản tiền phạt của họ trước tháng 11, nhưng số người có thể bỏ phiếu này ít hơn nhiều so với số đảng Dân chủ mong đợi.

Mỹ trừng phạt một công ty Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Chính quyền Hoa Kỳ vào hôm qua, 15/09/2020 đã đưa vào danh sách đen một tập đoàn Trung Quốc đang tham gia xây dựng một sân bay, hải cảng và khu du lịch ở Cam Bốt. Lý do được Mỹ đưa ra là công trình này được xây dựng trên đất tịch thu của người dân và có nhiều báo cáo « đáng tin cậy » về việc công trình này có thể phục vụ cho quân đội Trung Quốc.
Trong một bản thông cáo, bộ Tài Chính Mỹ cho biết, thực thể bị trừng phạt là tập đoàn phát triển bất động sản Union Development Group (UDG), đang xây dựng khu du lịch phức hợp Dara Sakor ở tỉnh duyên hải Koh Kong, Cam Bốt, một dự án bao gồm một sân bay có phi đạo đủ sức đón nhận các loại phi cơ lớn nhất trên thế giới, cũng như một cảng nước sâu.
Tập đoàn Trung Quốc gọi đó là dự án phát triển khu vực lớn nhất trong sáng kiến “ Một vành đai một con đường” do Bắc Kinh khởi xướng, với tổng trị giá lên đến khoảng 3,8 tỷ đô la.
Trong thời gian qua, báo chí đã nêu khả năng các cơ sở tại khu du lịch này hoàn toàn có thể được dùng vào mục tiêu quân sự, cụ thể là phục vụ quân đội Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nêu bật sự kiện là đã có « những báo cáo đáng tin cậy » về việc Dara Sakor « có thể được dùng để tiếp nhận các phương tiện quân sự (Trung Quốc) ».
Theo ngoại trưởng Mỹ : « Nếu quả đúng là như vậy, thì điều đó sẽ đi ngược lại Hiến Pháp Cam Bốt và có thể đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tác hại đến chủ quyền Cam Bốt cũng như an ninh của các đồng minh Mỹ ».
Trong thông cáo, bộ Tài Chính Mỹ cũng tỏ ý quan ngại : « Sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc ở Cam Bốt có nguy cơ đe dọa ổn định khu vực, làm suy yếu triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp, (tác hại đến) an ninh và an toàn hàng hải, quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Theo Reuters, cả tập đoàn UDG lẫn chính phủ Cam Bốt và đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đều chưa bình luận về quyết định và cáo buộc của Mỹ. Tuy nhiên, trước đây, họ đã nhiều lần bác bỏ các thông tin từ truyền thông phương Tây cho rằng dự án Dara Sakor phục vụ mục đích quân sự.
Bộ Tài Chính Mỹ còn tố cáo việc UDC là một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc, nhưng đã từng đăng ký giả mạo thành một công ty Cam Bốt để chiếm dụng đất cho công trình.

Ngoại trưởng Mỹ vạch trần

dã tâm thống trị thế giới của Bắc Kinh

Vũ Dương
Hôm thứ Ba (15/9), tại Hội nghị truyền hình của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi đàm luận về quan hệ Mỹ-Trung đã vạch trần mục đích thật sự của cái gọi là “chấn hưng dân tộc” của Bắc Kinh, theo Thời báo Epochtimes.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ rằng mượn dùng chiêu bài “chấn hưng dân tộc”, kỳ thực đây là một sự dối trá. Mục đích thực sự của nó chính là dã tâm thống trị thế giới.
Chia sẻ trong Hội nghị truyền hình rằng, ông cho biết tham vọng bá quyền mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đạt được chính là phá hủy trật tự quốc tế vốn có hiện nay, mà trật tự quốc tế này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Mỹ mà còn cả những người yêu tự do trên toàn cầu.
“Những gì chúng tôi tìm kiếm là một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Đây sẽ là sức mạnh chủ đạo trong thế kỷ tới, hệ thống này không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ, mà còn có lợi cho những người yêu tự do trên khắp thế giới. Khi tôi nói về sự thèm khát quyền bá chủ thế giới của ĐCSTQ, đây chính là điều mà ĐCSTQ đang nhắm đến, đây chính là điều mà nó muốn phá hủy, và chúng ta nên nhớ những gì họ nói”, Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Ông Pompeo cũng nói rằng, mục tiêu “chấn hưng dân tộc” mà Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đề cập đến thực ra là “chủ nghĩa dân tộc lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm hệ tư tưởng cốt lõi”.
“Ông ta (Tập Cận Bình) tận sức vì điều này và đã bỏ ra rất nhiều nguồn lực để đạt được mục đích đó. Mô hình của nó (ĐCSTQ) là mô hình phát triển dung hợp giữa doanh nghiệp và quân đội một cách cao độ do nhà nước hỗ trợ. Tập Cận Bình đang làm điều này”.
ĐCSTQ đã sử dụng những lời nói dối của cái gọi là “chấn hưng dân tộc” để thực hiện hành vi cướp bóc. Gần đây, truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng công ty Zhenhua Data ở Thâm Quyến được quân đội ĐCSTQ hậu thuẫn đã thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người trên khắp thế giới, công ty này từng tuyên bố rằng họ có sứ mệnh giúp đỡ “chấn hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Ông Mike Pompeo cũng nói rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã thay đổi. “Quyết sách (đối với Trung Quốc) trong những năm 1970 là có ý nghĩa vào thời điểm đó. Giờ đây, đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà nói thì lại hoàn toàn vô nghĩa. Điều này không chỉ là vấn đề an ninh, mà là vấn đề về cách thức tăng trưởng kinh tế Mỹ cho đến duy trì việc làm, sự giàu có và thịnh vượng như thế nào”.
Ông Pompeo cũng nói rằng chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ “không chỉ là chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, mà là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ trong nhiều năm tới”.
Theo Lin Yan, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Mỹ tính bán nhiều loại vũ khí cho Đài Loan

Hoa Kỳ có kế hoạch bán nhiều loại vũ khí cho Đài Loan trong bối cảnh chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc, Reuters đưa tin, dẫn 4 nguồn.
Việc mua bán bảy loại vũ khí cùng lúc, trong đó có tên lửa hành trình và máy bay không người lái, khác so với trước đây, khi các thương vụ thường được tiến hành cách xa nhau nhằm giảm thiểu căng thẳng với Bắc Kinh.
Nhưng theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Trump có các bước đi mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong năm 2020, và vụ bán vũ khí mới nhất này có thể sẽ gây căng thẳng hơn nữa trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng tin Anh nói rằng mong muốn mua thêm vũ khí gia tăng sau khi Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng Giêng và coi việc tăng cường quốc phòng của Đài Loan là một ưu tiên hàng đầu.
Đài Loan là một vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc, theo Reuters, và Bắc Kinh nói rằng hòn đảo này là một tỉnh của mình, đồng thời lên án sự hậu thuẫn của chính quyền Trump dành cho Đài Bắc.
Tin cho hay, Washington muốn tạo ra một đối trọng quân sự với các lực lượng Trung Quốc, củng cố nỗ lực được Lầu Năm Góc gọi là “Pháo đài Đài Loan”.

Covid-19: Tổng thống Trump phủ nhận

 đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phủ nhận việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19, mặc dù thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm là có làm vậy.
Tại một sự kiện có quay phim truyền hình với các cử tri, ông Trump nói rằng ông đã “đề cao” để ứng phó.
Tuyên bố này mâu thuẫn với bình luận mà ông Trump đưa ra với nhà báo Bob Woodward hồi đầu năm, khi ông nói rằng ông đã giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của virus để tránh hoảng loạn.
Ông Trump cũng nhắc lại hôm thứ Ba rằng một loại vaccine có thể sẽ có “trong vòng vài tuần” bất chấp sự hoài nghi từ các chuyên gia y tế.
Chưa có vaccine nào được tiến hành xong thử nghiệm lâm sàng, khiến một số nhà khoa học lo sợ người ta đang đặt chính trị trên sức khỏe và sự an toàn và điều đó thúc đẩy việc sản xuất vaccine trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11.
Hơn 195.000 người tử vong với Covid-19 ở Mỹ kể từ đầu đại dịch, theo dữ liệu từ trường đại học Johns Hopkins.
Trong khi đó, tạp chí Scientific American hôm thứ Ba lần đầu tiên trong lịch sử 175 năm của mình đã ủng hộ một ứng cử viên tổng thống khi hậu thuẫn cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vào Nhà Trắng.
Tạp chí này nói ông Trump “bác bỏ bằng chứng và khoa học” và mô tả phản ứng của ông đối với đại dịch Covid-19 là “thiếu trung thực và vụng về”.
Ông Trump đã nói gì?
Tại cuộc họp ở tòa thị chính hôm thứ Ba do ABC News tổ chức ở Philadelphia, Pennsylvania, ông Trump được hỏi tại sao ông lại “hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch vốn được cho là gây hại nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số”.
Ông Trump trả lời: “Tôi đã không hạ thấp nó. Thực sự, bằng nhiều cách, tôi đã đề cao dịch bệnh về mặt hành động.”
“Hành động của tôi rất mạnh mẽ,” ông nói và dẫn chiếu tới lệnh cấm người từ Trung Quốc và châu Âu nhập cảnh vào Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.
Ông Trump nói: “Chúng ta đáng ra sẽ mất thêm hàng ngàn người nữa nếu tôi không đưa ra lệnh cấm. Chúng ta đã cứu rất nhiều mạng sống khi làm điều đó”.
Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với du khách nước ngoài từ Trung Quốc có hiệu lực vào đầu tháng Hai, trong khi lệnh cấm đối với du khách đến từ các nước châu Âu được đưa ra vào tháng Ba.
Tuy nhiên, ông Trump bị cáo buộc đã chậm triển khai các biện pháp ngăn chặn virus.
Một nhà dịch tễ học đã nói với New York Times vào tháng Hai rằng việc hạn chế du lịch đến và đi từ Trung Quốc là một phản ứng có màu sắc cảm xúc hoặc chính trị.
Michael Osterholm, nhà dịch tễ học và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói với báo này về cái gọi là “Mất bò mới lo làm chuồng”.
Trong tuyên bố hôm thứ Ba, Scientific American cho biết bất chấp những cảnh báo vào tháng Một và tháng Hai, ông Trump “không phát triển chiến lược quốc gia để cung cấp thiết bị phòng vệ, xét nghiệm virus corona hoặc hướng dẫn y tế rõ ràng.”
Ông Trump đã nói gì với Woodward?
Ông Woodward, đầu mối chính khai phá vụ bê bối Watergate năm 1972 và là một trong những nhà báo có uy tín nhất của Hoa Kỳ, đã phỏng vấn ông Trump 18 lần từ tháng 12 đến tháng 7.
Vào tháng Hai, ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ông Woodward rằng ông biết nhiều hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hơn những gì ông đã nói công khai.
Theo bản ghi âm cuộc gọi, tổng thống cho biết virus corona còn nguy hiểm hơn cả bệnh cúm.
“Nó phát tán trong không khí,” ông Trump nói trong băng. “Điều đó luôn khó khăn hơn khi đụng chạm vào. Người ta không cần phải chạm vào mọi thứ. Đúng không? Nhưng không khí, bạn chỉ hít thở không khí và đó là cách virus lây lan.
“Và vì vậy đó là một căn bệnh rất khó đối phó. Đó là một bệnh rất tinh vi.”
Cuối tháng Hai, ông Trump nói rằng virus “đang gần như được kiểm soát” và ca mắc bệnh sẽ sớm gần bằng không. Ông cũng công khai ám chỉ rằng bệnh cúm nguy hiểm hơn Covid-19.
Phát biểu ngày 10/3, ông Trump nói: “Cứ bình tĩnh. Mọi chuyện sẽ qua đi.”
Chín ngày sau, sau khi Nhà Trắng tuyên bố đại dịch là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tổng thống nói với ông Woodward: “Tôi luôn muốn giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Tôi vẫn muốn vậy, vì tôi không muốn tạo ra một sự hoảng loạn.”
Ông Trump nói điều gì khác ở Philadelphia?
Ông Trump, người đang tái tranh cử, đã lặp lại tuyên bố trước đó của mình rằng virus sẽ tự biến mất vì mọi người sẽ “phát triển … tâm lý cộng đồng”, kể như đề cập đến “khả năng miễn dịch cộng đồng” khi có đủ người hình thành được khả năng kháng bệnh để ngưng truyền nhiễm bệnh.
Ông cũng nghi ngờ về lời khuyên khoa học của chính quyền của ông về việc đeo khẩu trang.
“Khái niệm về chiếc khẩu trang là tốt, nhưng … bạn liên tục chạm vào nó. Bạn chạm vào mặt của mình. Bạn chạm vào những bát đĩa. Có những người không nghĩ rằng khẩu trang là tốt,” ông nói.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) khuyến khích nhiều việc sử dụng khẩu trang.
Ông Trump đã đưa ra những bình luận trái chiều về khẩu trang, một mặt chê bai là mất vệ sinh, mặt khác kêu gọi người Mỹ “thể hiện lòng yêu nước” bằng cách đeo khẩu trang.
Phiên Hỏi & Đáp với các cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai vào thứ Ba diễn ra khi cuộc chiến tranh cử tổng thống bước vào giai đoạn cuối cùng.
Đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump, Joe Biden, dự kiến sẽ tham gia một chương trình tương tự ở Pennsylvania sẽ phát sóng vào thứ Năm.
Pennsylvania được coi là bang rất quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Video cho thấy cảnh nữ cảnh sát bị thương

đang chật vật giúp đỡ cộng sự của mình

sau vụ nổ súng ở Compton

Tin từ Compton, California –Sau khi nghi can nổ súng phục kích hai cảnh sát quận Los Angeles ở thành phố Compton bỏ chạy, đoạn phim giám sát mới cho thấy một nữ cảnh sát trong sự việc đã phải vật lộn để giúp đỡ cộng sự của mình dù cô cũng đang bị thương tích chảy máu.
Hai cảnh sát, một người là nữ 31 tuổi và một nam 24 tuổi, đã bị bắn khi họ ngồi trong xe tuần tra gần ga tàu điện ngầm ở Compton vào tối thứ Bảy (12 tháng 9). Đoạn phim cho thấy một người đàn ông đi bộ đến xe của họ, chĩa một khẩu súng ngắn vào cửa sổ bên hành khách và bắn nhiều phát trước khi bỏ chạy.
Cả hai cảnh sát đều bị nhiều vết thương do đạn bắn và đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật trong tình trạng ổn định tại Trung tâm Y tế St. Francis ở Lynwood. Một tài khoản GoFundMe đã được một cảnh sát của sở hợp tác với nghiệp đoàn lao động lập ra để gây quỹ cho các cảnh sát bị thương.
Trang GoFundMe đã huy động được hơn 140,000 Mỹ kim trong 24 giờ đầu tiên. Phần thưởng cũng đang được treo cho bất kỳ ai bắt được nghi can nổ súng. Chính quyền quận đang đề nghị phần thưởng 100,000 Mỹ kim và cảnh sát trưởng Alex Villanueva cho biết hai nhà tài trợ khác cũng góp thêm 75,000 Mỹ kim. Cơ quan Giao thông Đô thị của quận cũng sẽ bổ sung 25,000 Mỹ kim vào phần thưởng.
Ông Villanueva cũng thách thức ngôi sao bóng rổ của đội Laker, LeBron James, người thường lên tiếng về các vấn đề công bằng xã hội và phong trào Black Lives Matter, tăng gấp đôi phần thưởng. Bất kỳ ai có thông tin đều được khuyến khích liên lạc với Cơ quan Hình sự Án mạng của sở cảnh sát theo số 323-890-5500. (BBT)

Thành phố Louisville thỏa thuận bồi thường

$12 triệu Mỹ kim

liên quan đến cái chết của cô Breonna Taylor

Thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky đã hoàn tất thỏa thuận bồi thường $12 triệu Mỹ Kim trong vụ kiện liên quan đến cái chết của cô Breonna Taylor, 26 tuổi, vào 6 tháng trước.
Vào thứ ba (ngày 15 tháng 9), Thành phố đã đồng ý bồi thường cho gia đình cô Taylor “$12 triệu mỹ kim.” Luật sư của gia đình cô Taylor, ông Sam Aguilar, cũng xác nhận với CNN về khoản tiền bồi thường này. Gia đình cô Taylor đã kiện thành phố sau khi các thành viên thuộc Sở Cảnh sát Metro Louisville phá cửa vào căn nhà của Taylor và bắn chết cô trong một cuộc điều tra về ma tuý vào ngày 13 tháng 3. Khi đó, các cảnh sát này có lệnh của tòa án. Thị trưởng Louisville Greg Fischer dự kiến sẽ công bố thỏa thuận đền bù vào tối thứ ba trong một cuộc họp báo chung với các luật sư của gia đình cô Taylor.
Một đánh giá của CNN về vụ nổ súng cho thấy cảnh sát tin rằng Taylor ở nhà một mình trong khi thực tế cô đang ở cùng bạn trai. Bạn trai của cô Taylor có quyền sở hữu súng hợp pháp. Tính toán sai lầm đó, cùng với quyết định tiếp tục một cuộc bố ráp có rủi ro cao trong những tình huống chưa rõ ràng đã dẫn đến cái chết của cô Taylor.
Theo Sở Cảnh sát Metro Louisville, bạn trai của Taylor cho biết khi nghe tiếng động từ phía cảnh sát, anh tưởng là có người đột nhập vào nhà và nổ súng khiến một cảnh sát bị thương. Sau đó khi cảnh sát bắn trả, cô Taylor đã trúng đạn và thiệt mạng. Một cảnh sát trong số họ, anh Brett Hankinson, đã bị sa thải vào cuối tháng 6 vì “cố ý và mù quáng” bắn 10 phát đạn vào căn nhà của nạn nhân. (BBT)

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ gởi trát tòa

đến nhà xuất bản sách

 của Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton

Vào hôm thứ Ba, tờ Wall Street Journal đưa tin, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra hình sự về việc liệu cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton có sử dụng  thông tin mật khi ông xuất bản một cuốn sách về thời gian ở Tòa Bạch Ốc hay không.
Theo Wall Street, các công tố viên liên bang đã gửi trát tòa của bồi thẩm đoàn vào thứ Hai, yêu cầu đại diện văn học của ông Bolton là  Javelin, và nhà xuất bản Simon & Schuster, đã in cuốn “Căn phòng nơi nó xảy ra: Hồi ký của Tòa Bạch Ốc”,  cung cấp tất cả các thư từ liên lạc với Bolton. Tờ báo cũng cho biết ông Bolton chưa nhận được trát tòa của bồi thẩm đoàn.
Chính quyền tổng thống Trump trước đó đã tìm kiếm một lệnh tòa để ngăn chặn ông Bolton xuất bản cuốn sách với lập luận rằng rằng cuốn sách chứa thông tin mật có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. (BBT)

Chính quyền Tổng Thống Trump có thể

chấm dứt tình trạng pháp lý tạm thời

của hàng trăm nghìn người di dân

Vào thứ hai (ngày 14 tháng 9), một tòa kháng án Hoa Kỳ đã phán quyết chính quyền Tổng thống Trump có thể chấm dứt các biện pháp bảo vệ nhân đạo của hàng trăm nghìn người từ El Salvador, Nicaragua, Haiti và Sudan đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Mặc dù phán quyết này chắc chắn sẽ được kháng cáo, và lệnh yêu cầu người di dân rời khỏi Hoa Kỳ vẫn chưa có hiệu lực, nhưng quyết định này đã khiến nhiều người tiến gần hơn đến việc mất tư cách pháp lý, bao gồm cả những gia đình đã ở Hoa Kỳ hàng chục năm và có con nhỏ là công dân nước này.
Tòa Kháng Án Vòng 9 của Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh sơ bộ cấm chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt tình trạng bảo vệ tạm thời, hoặc TPS, đối với người dân từ bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Lệnh này cũng áp dụng cho những người từ Honduras và Nepal.
Kể từ năm 1990, TPS đã cấp tình trạng pháp lý tạm thời cho hàng triệu người di dân, và họ có thể gia hạn TPS nhiều lần. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump quyết định chấm dứt TPS đối với một số quốc gia, nói rằng họ không có lý do chính đáng để tiếp tục nhận được sự bảo vệ ở Hoa Kỳ. Quyết định này đã được tạm hoãn trong khi Tổng thống Trump chuyển sang hạn chế các hình thức chính sách nhân đạo khác ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như tái định cư cho người tị nạn và cho phép người tầm trú tìm đến Hoa Kỳ.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán thuộc Tòa Kháng Án Vòng 9 ở Pasadena, California, đã bác bỏ các lập luận rằng chính quyền đã không tuân thủ các tiến trình thích hợp và cáo buộc rằng Tổng thống Trump và  các phụ tá muốn chấm dứt TPS vì lý do kỳ thị chủng tộc.
Thẩm phán Consuelo Callahan cho biết việc Tòa Bạch Ốc gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Bộ Nội An để chấm dứt TPS không không có động cơ chủng tộc và “không có gì bất thường.” (BBT)

Thương Mại :

Mỹ, Canada chấm dứt cuộc chiến về nhôm

Thanh Phương
Hôm qua, 15/09/2020, Washington thông báo quyết định bãi bỏ mức thuế quan 10% đánh vào nhôm của Canada xuất sang Mỹ. Ottawa đã hoan nghênh quyết định này và đã ngay lập tức từ bỏ việc ban hành các biện pháp trả đũa tương tự đối với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ.
Từ Québec, thông tín viên Pascale Guericolas tường trình
Sự sáng suốt đã thắng thế, đó là tuyên bố của bộ trưởng Tài Chính Canada. Hai tiếng đồng hồ trước khi bà Chrystia Freeland thông báo một loạt biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm nhôm sản xuất ở Hoa Kỳ như gậy đánh golf, cửa, hay xe đạp, chính quyền Mỹ đã thay đổi thái độ, sẽ không đánh thuế thêm vào nhôm thô do Canada sản xuất.
Phải nói là biện pháp đó đã khiến nhiều công ty bất bình, ngay cả tại Hoa Kỳ. Thật khó mà giải thích cho khách hàng là giá các máy giặt sẽ đắt hơn do Mỹ tăng thuế đánh vào nhôm của Canada.
Nhưng không phải là mọi chuyện sẽ đâu vào đó ngay lập tức : Các nhà sản xuất nhôm của Canada sẽ phải hạn chế lượng hàng bán sang Mỹ, nếu không sẽ bị trừng phạt. Đây là một sự đe dọa mà bộ trưởng Thương Mại Quốc tế của Canada không chấp nhận. Theo bà, Canada không hề ký thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc giảm khối lượng nhôm xuất sang Mỹ.

COVID tăng, Canada không loại trừ

khả năng đóng cửa lần nữa

Bộ trưởng Y tế Canada ngày 15/9 tuyên bố không loại trừ khả năng đóng cửa hoàn toàn một lần nữa nếu cần giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, nhưng cho biết thêm là chính phủ nay chuẩn bị sẵn sàng để xử lý virus so với đợt lây nhiễm đầu tiên.
Nhận xét của bà Patty Hajdu được đưa ra tiếp theo lời hứa của bà cuối ngày 14/9 là sẽ dùng “biện pháp chính xác, mạnh mẽ” để chặn đứng dịch bệnh bùng phát.
Ngày 14/9 Canada báo cáo có thêm 1.351 ca nhiễm, mức cao nhất hàng ngày kể từ 1/5, giữa lúc trường học mở cửa trở lại và các ca bệnh tăng có liên hệ đến việc tụ tập.
“Chúng ta thấy những con số gia tăng, nhưng đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế sẽ rất khó khăn cho đất nước. Không thể loại trừ chuyện này, vì…chúng ta sẽ bảo vệ sức khỏe ngưới dân Canada và chúng ta sẽ làm những việc cần làm,” bà Hajdu nói với các phóng viên ngày 15/9.
Bà Hajdu cho biết Canada đã “có những cải thiện đáng kể” trong hệ thống y tế và đã trang bị tốt hơn về trang cụ và tiếp liệu so với đợt lây nhiễm đầu năm nay.
“Việc này sẽ cho phép chúng ta xử lý giai đoạn kế tiếp,” bà nói.
“Tôi nghĩ việc đóng cửa rộng lớn một tỉnh hay một nước rất khó khăn. Khó khăn cho người dân Canada.”
“Do đó việc tôi làm hiện nay là nỗ lực và hỗ trợ biện pháp chính xác, mạnh mẽ,” Bộ trưởng Y tế Canada nhấn mạnh.
Các vùng lãnh thổ và tỉnh thành của Canada chịu trách nhiệm đưa ra những hạn chế y tế, dù Canada có thể sử dụng luật khẩn cấp để áp đặt đóng cửa trên toàn quốc nếu cần.

LHQ: Tổng thống Maduro

đứng sau các tội ác chống lại loài người

Lục Du
Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm thứ Tư (16/9) cho biết, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các bộ trưởng của ông này phải chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người.
Trong báo cáo đầu tiên, một nhóm các nhà điều tra của LHQ cho biết họ đã thu thập được những bằng chứng cho thấy các tổ chức nhà nước ở Venezuela, bao gồm cả Tổng thống Nicolas Maduro, đứng sau các tội ác quốc tế nghiêm trọng.
Bà Marta Valinas, người đứng đầu nhóm điều tra, cho biết nhóm của bà đã “tìm thấy cơ sở hợp lý để tin rằng chính quyền và lực lượng an ninh Venezuela lên kế hoạch và thực hiện các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng từ năm 2014”.
Các hành vi bị phát giác “bao gồm giết người tùy tiện và sử dụng có hệ thống việc tra tấn, cho đến các tội ác chống lại loài người”, bà Valinas nói. “Khác với những tội ác đơn lẻ, những tội ác này được điều phối và thực hiện theo các chính sách của nhà nước, với sự dung túng hoặc hỗ trợ trực tiếp từ các sĩ quan chỉ huy và các quan chức chính phủ cấp cao [của chính phủ Maduro]”.
Phái bộ điều tra của LHQ đã xem xét hơn 2.500 vụ việc diễn ra từ năm 2014 dẫn đến hơn 5.000 người tử vong trong khi “tiếp xúc” với lực lượng an ninh Venezuela, nhiều vụ trong số đó cho thấy an ninh giết người tùy tiện.
Báo cáo dài 411 trang viết rằng có “cơ sở hợp lý để tin rằng cả Tổng thống và Bộ trưởng Quyền lực Nhân dân về Quan hệ Nội vụ, Bộ trưởng Công lý, Hòa bình và Quốc phòng [của chính phủ Venezuela] đã ra lệnh hoặc tham gia vào các hành vi tội ác được ghi trong báo cáo này “.
Các nhà điều tra yêu cầu các nhà chức trách Venezuela phải ngay lập tức thực hiện “các cuộc điều tra độc lập, khách quan và minh bạch” đối với các vi phạm nhân quyền và đảm bảo các nạn nhân nhận được “sự khắc phục đầy đủ”.
Theo AFP

WTO nói Mỹ đánh thuế hàng TQ

là vi phạm luật thương mại toàn cầu

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết rằng việc Hoa Kỳ áp biểu thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018, mở đầu cho cuộc chiến thương mại, là “không phù hợp” với các quy định thương mại quốc tế.
WTO nói rằng Hoa Kỳ đã không cung cấp bằng chứng chứng minh điều nước này nói là Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ một cách không công bằng và có sự trợ giá của nhà nước, những lý do khiến việc áp thuế là thỏa đáng.
Giới chức Trung Quốc hoan nghênh phán quyết.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ nói phán quyết cho thấy WTO “hoàn toàn không phù hợp” cho chức năng đương đầu Trung Quốc.
Đại sứ Robert Lighthizer, nhà thương thuyết thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ “cần phải được quyền tự vệ trước các hành vi thương mại không công bằng”.
“Phúc trình này của ủy ban xác nhận điều mà chính quyền ông Trump đã nói từ bốn năm qua: WTO hoàn toàn không phù hợp trong việc chặn đứng các hoạt động công nghệ độc hại của Trung Quốc,” ông nói.
“Ủy ban không phản bác những bằng chứng dày dặn mà Hoa Kỳ đệ trình về tình trạng Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, nhưng quyết định của ủy ban cho thấy WTO không đưa ra được những biện pháp sửa chữa đối với hành vi sai trái đó.”
Thương chiến Mỹ-Trung
Trung Quốc đưa vụ việc ra trước WTO vào năm 2018, khi chính quyền ông Trump bắt đầu chuẩn bị cho việc áp biểu thuế lượt đầu tiên lên các mặt hàng mà về sau tính ra là có tổng giá trị trên 300 tỷ đô la Mỹ.
Trung Quốc khiếu nại về biểu thuế quan được áp dụng trong tháng Sáu và tháng Chín 2018, đánh trên lượng hàng hóa trị giá trên 200 tỷ đôla thương mại hàng năm.
Hoa Kỳ nói rằng biểu thuế này là để đáp trả tình trạng Trung Quốc đánh cắp công nghệ, trợ giá và có “các hành vi thương mại không công bằng” khác, và việc ra biểu thuế là hợp pháp, theo các quy định thương mại có từ thời thập niên 1970.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng các loại thuế này vi phạm quy định thương mại, bởi chúng cao hơn so với các cam kết mà Hoa Kỳ đã đưa ra và chỉ nhắm vào áp dụng đối với một quốc gia.
Ủy ban gồm các chuyên gia của WTO đồng ý với lập luận của Trung Quốc. Ủy ban này nói thêm rằng Hoa Kỳ đã không chứng minh được rằng việc áp thuế như vậy là thỏa đáng dựa trên cơ sở đạo đức, bởi nó không cho thấy các sản phẩm bị đánh thuế đã được hưởng lợi ra sao từ hoạt động thương mại không công bằng.
“Do vậy, Ủy ban thấy rằng Hoa Kỳ đã không chứng minh được rằng việc áp dụng các biện pháp đó là thỏa đáng,” Ủy ban nói.
‘Căng thẳng thương mại toàn cầu ở mức chưa từng thấy’
Ủy ban nói thêm rằng họ chỉ xem xét các biện pháp của Hoa Kỳ mà không xét tới sự trả đũa của Trung Quốc, là điểm mà Washington đã không khiếu nại lên WTO.
Ghi nhận rằng đây là “những căng thẳng thương mại toàn cầu ở mức chưa từng thấy”, ủy ban gồm ba người khuyến khích hai bên hợp tác để tìm giải pháp tháo gỡ tranh chấp.
Trong một tuyên bố ra hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Trung Quốc nói họ hy vọng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng phán quyết của WTO và có hành động thực tiễn nhằm duy trì thương mại song phương.
Chính quyền ông Trump, vốn lặp đi lặp lại lời chỉ trích WTO, có thể sẽ kháng cáo.
Tuy nhiên, vụ việc có thể rơi vào tình trạng tê liệt về pháp lý, bởi Washington đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán tòa thượng thẩm, khiến tòa không có đủ số thành viên tối thiểu để xem xét các đơn kiện.

Nhiều ‘hứa hẹn’ trong thử vắc xin

chống COVID-19; song không đủ vắc xin

để trở lại bình thường vào 2022

Pfizer, một trong những hãng tiên phong trong cuộc tìm kiếm vắc xin chống COVID-19, cho biết vắc xin thử nghiệm của họ tỏ ra an toàn và hãng dự kiến sẽ có dữ liệu vào tháng sau về khả năng bảo vệ con người trước virus corona, USA Today đưa tin.
Hôm 12/9, hãng nói họ đang mở rộng thử nghiệm từ 30.000 lên 44.000 người, bao gồm thanh thiếu niên, độ tuổi 16-18, cũng như những người mắc các bệnh như HIV và viêm gan A, B hoặc C.
Hôm 15/9, Tổng Giám đốc Điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết việc thử nghiệm được mở rộng vì vắc xin này dường như cực kỳ an toàn, và như vậy, sẽ không trì hoãn thời gian biểu của việc chế tạo hoàn chỉnh vắc xin, bản tin của USA Today cho hay.
Trong dữ liệu công bố hôm thứ 15/9, Pfizer cho thấy những người tham gia – cả người trẻ tuổi và người cao tuổi – chỉ phàn nàn về các tác dụng phụ nhỏ, chẳng hạn như đau đầu và đau cánh tay, vẫn USA Today tường thuật.
Pfizer đang phát triển vắc xin này, có tên là BNT162, trong một chương trình hợp tác với nhà phát triển vắc xin BioNTech của Đức.
Dự kiến sẽ có báo cáo tổng kết về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin để các cơ quan quản lý xem xét vào tháng tới, USA Today cho biết.
Vắc xin này phải có hiệu quả ít nhất ở mức 50% – tức là tính trung bình nó phải bảo vệ ít nhất một nửa số người được tiêm – mới được cơ quan cấp liên bang của Mỹ chấp thuận và được cung cấp cho công chúng.
Hãng Pfizer hiện đang sản xuất BNT162 tại ba nhà máy ở Hoa Kỳ cũng như ở Đức và Bỉ.
Hiện vẫn chưa rõ là khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ kéo dài bao lâu. Hãng đang chuẩn bị cho ba khả năng: mọi người sẽ cần tiêm vắc xin hàng năm như đối với bệnh cúm; hoặc họ sẽ cần vắc xin vài năm một lần, như với bệnh uốn ván; hoặc nó sẽ được tiêm một lần, như vắc xin bại liệt, USA Today trích lời tiến sĩ Mikael Dolsten, Giám đốc Khoa học của Pfizer, cho biết.
Kathrin Jansen, Phó Chủ tịch cấp cao của Pfizer kiêm Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Vắc xin, cho biết mặc dù Pfizer vẫn đang dồn sức và “rất hài lòng với ứng cử viên vắc xin hiện tại”, song hãng đã bắt tay vào nghiên cứu thế hệ thứ hai rồi.
Pfizer hy vọng sẽ thực hiện hai cải tiến đáng kể với thế hệ tiếp theo: loại bỏ việc cần phải giữ đông lạnh vắc xin và thay đổi công nghệ để chỉ cần một liều thay vì hai liều.
BNT162 sử dụng công nghệ gọi là RNA thông tin. RNA này đào tạo các tế bào của người để tạo ra một protein trên bề mặt của virus corona gây ra COVID-19. Một khi hệ miễn dịch học cách nhận ra loại protein này, nó sẽ tấn công khi nó gặp lại virus thực sự.
Bà Jansen nói bà hình dung rằng trong loại vắc xin thế hệ tiếp theo, có một RNA thông tin có thể tự khuếch đại. “Có thể là với cách tiếp cận như vậy, ta có lẽ sẽ chỉ cần một lần tiêm mà vẫn có cả hai tác dụng: vừa tạo ra khả năng kháng virus, vừa tăng cường khả năng đó lên nhiều lần”, bà nói.
Giữa lúc có tin tức hứa hẹn về vắc xin của Pfizer, South China Morning Post (SCMP) dẫn lời bà Soumya Swaminathan, Trưởng bộ phận khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra dự báo là từ nay cho đến năm 2022, sẽ không có đủ vắc xin chống COVID-19 để cuộc sống có thể trở lại bình thường.
Bà Swaminathan cho biết chương trình Covax của WHO, là cơ chế tổng hợp nguồn lực để giúp các quốc gia có mức thu nhập khác nhau có thể tiếp cận vắc xin một cách đồng đều, sẽ chỉ có thể huy động được khoảng vài trăm triệu liều vào giữa năm tới, nghĩa là mỗi nước trong số 170 quốc gia hoặc các nền kinh tế tham gia chương trình “sẽ nhận được một phần nào đó”, bản tin của SCMP viết.
Nhưng số lượng các liều vắc xin sẽ quá ít ỏi nên mọi người vẫn cần phải giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho đến khi sản lượng vắc xin tăng lên và đạt mục tiêu là 2 tỷ liều vào cuối năm 2021, SCMP cho hay.
“Mọi người đang hình dung là vào tháng 1/2021, ta có vắc xin cho toàn thế giới và mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại bình thường – nhưng mọi chuyện không hoạt động theo cách như vậy”, bà Swaminathan nói, theo trích dẫn của SCMP.
“Theo đánh giá lạc quan nhất của chúng tôi [về việc triển khai vắc xin], thì phải đến giữa năm 2021, vì đầu năm 2021 là thời điểm ta sẽ bắt đầu thấy kết quả của một số thử nghiệm đang diễn ra hiện nay”, bà nói.
Một dự báo còn thận trọng hơn được Adar Poonawalla, Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/9, đó là thế giới có thể sẽ phải đợi đến cuối năm 2024 để được tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa virus corona, theo tin của Fox Business.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times và được Fox Business trích lại, ông Poonawalla, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ, nói rằng ông hiểu là thế giới mong được thấy những điều lạc quan trong cuộc chiến chống lại virus, nhưng các công ty dược phẩm không có khả năng sản xuất vắc xin ở quy mô lớn theo yêu cầu.
Ông nói công ty của ông đã cam kết sản xuất một tỷ liều, nhưng ông cho rằng thế giới có thể cần 15 tỷ liều, theo tin của Fox Business.

Covid-19 : Ấn Độ đến ngưỡng 5 triệu ca

lây nhiễm, hạng nhì thế giới

Tú Anh
Đại dịch siêu vi corona chủng mới lây lan tại Ấn Độ với vận tốc kinh hoàng, vượt ngưỡng 5 triệu trường hợp tính đến thứ Tư 15/09/2020. Trong vòng 11 ngày, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới ghi nhận thêm một triệu ca Covid-19 .
Theo AFP, chỉ riêng trong ngày hôm qua có hơn 90.000 người Ấn bị lây nhiễm siêu vi và gần 1.300 người chết.
Theo một chủ doanh nghiệp ở NewDelhi, sở dĩ vận tốc truyền nhiễm gia tăng như thế là vì người dân quá mệt mỏi hoặc vì phải kiếm sống nên bất cần các biện pháp thận trọng ngừa dịch.
Với tổng cộng 5,02 triệu ca lây nhiễm, Ấn Độ từ nay chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 6,59 triệu. Theo các chuyên gia dịch tễ Ấn Độ, con số  thực tế còn cao hơn nhiều, ít nhất là 6,5 triệu.
Tai Mỹ, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri, tổng thống Donald Trump tiếp tục giữ thái độ lạc quan quá trớn, theo nhận xét của AFP. Ông tuyên bố là trong vòng một tháng nữa, tức là vào trung tuần tháng 10, sẽ có vac-xin chống corona nhưng theo ông, dịch bệnh sẽ tự biến mất. Cách đây một tháng, ông Trump dự báo vào đầu tháng 11 là có vac-xin .
Tại Pháp, hơn 80 trường học  và 2100 lớp phải đóng cửa vì đại dịch. Trong ngày 15/09/2020, Cơ quan Y tế công cộng ghi nhận 7852 ca mới trong một ngày. Số nạn nhân tử vong là 37 người.
Siêu vi lây lan nhanh trong giới trẻ, sinh viên, học sinh. Cụ thể, trường kỹ sư INSA ở Toulouse ghi nhận qua xét nghiệm 126 sinh viên dương tính với corona .
Một trong những hệ quả khác của đại dịch được Kiev và Minks báo động : hơn 1000 tín đồ Do Thái giáo, từ Mỹ, Anh, Pháp và Israel  đến Ouman, một thánh địa ở Ukraina để hành hương, bị kẹt ở biên giới Ukraina và Belarus. Hàng ngàn người khác đang tiếp tục kéo đến. Trong khi đó, Ba Lan hôm nay thông báo tạm  ngưng các chuyến bay đến  Pháp cho đến ngày 29/09/2020.

Covid-19 có thể trở thành bệnh theo mùa như cúm

Anh Vũ
Các nhà khoa học vừa mới công bố ghi nhận đáng lo ngại:  Miễn dịch cộng đồng có tạo được nhờ vac-xin thì cũng sẽ không ngăn được dịch trở lại đều đặn theo mùa.
Trong vòng vài tháng qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra gần 30 triệu ca nhiễm và 920 nghìn ca tử vong trên thế giới cùng những thiệt hại kinh tế, xã hội vô cùng lớn. Cuộc sống của cả nhân loại bị đảo lộn bởi các biện pháp phòng trừ dịch: phong tỏa, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang … Virus corona Sars-CoV-2 sẽ còn tiếp tục hoành hành như thế đến bao giờ, sau khi tìm ra được một loại vac-xin hay cách trị liệu kháng virus hiệu quả ? Có đáng lo lắng khi virus sẽ không bao giờ biến mất và cần phải làm quen với sự có mặt của nó ?
Trong khi đó, nhiều nước trước đây đã phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ nhất, giờ đang chuẩn bị hứng chịu làn sóng thứ 2 có thể xảy ra trong lúc các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa toàn bộ dân cư đã dần được dỡ bỏ để cho phép các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc.
Không chỉ vì « làn sóng dịch thứ nhất có thể sẽ còn kéo theo nhiều làn sóng khác trầm trọng hơn », mà còn vì virus « Sars-CoV-2 hoàn toàn có cơ hội để biến thành một loại virus theo mùa trở lại vào mùa đông hàng năm, giống như bệnh cúm », đó là nhận định của các nhà nghiên cứu y khoa của Đại học Mỹ tại Beyrouth và Trung tâm Nghiên cứu y- sinh Đại học Qatar, trong một nghiên cứu công bố hôm 15/09 trên tạp chí Frontiers. Nhiều nhà khoa học khác cũng đã có những dự báo tương tự trong các tháng gần đây.
Miễn dịch cộng đồng sẽ không thanh toán được virus corona. « Chúng ta nghĩ rằng Covid-19 sẽ gây ra nhiều làn sóng dịch cho đến khi trong dân cư có được miễn dịch cộng đồng, tức là theo cách tự nhiên nếu từ 60 đế 70% dân số thế giới bị nhiễm để phát triển được các kháng thể vô hiệu hóa virus hoặc theo cách nhân tạo tức là nhờ vac-xin được tiêm chủng cho tỷ lệ dân cư tương đương như vậy », Tiến sĩ Hassan Zaraket, thuộc Đại học Beyrouth giải thích với tuần báo l’Express.
Một khi đạt được miễn dịch cộng đồng rồi thì sao ? « Khi đó bệnh do Sars-CoV-2 gây ra có thể sẽ theo con đường giống như các virus gây bệnh hô hấp khác : Nó sẽ biến mất vào mùa hè, nhưng trở lại vào mùa đông, ít nhất trong các nước có khí hậu ôn đới », theo các tác giả của nghiên cứu nói trên.
Vì thế, nếu miễn dịch cộng đồng chặn được virus lây lan, nhưng trên tổng thể nó không đủ để loại trừ hoàn toàn virus. Mặt khác, virus duy nhất mà nhân loại đã thanh toán được đến giờ mới chỉ là virus gây bệnh sởi.
« Miễn dịch sản sinh khi bị nhiễm tất cả các chủng virus corona khác đều không tồn tại vĩnh viễn. Dù là hiếm nhưng đã có ít nhất hai ca tái nhiễm Covid-19 được ghi nhận cho đến giờ, Tiến sĩ Hassan Zaraket cho biết, ngoài ra chúng ta không tin chắc được mức độ hiệu quả của các loại vac-xin sắp tới cũng như khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu ». Cuối cùng, virus Sars CoV-2 được xem là vẫn tiến hóa, tích tụ khả năng biến thể, để có thể tránh được các kháng thể do vac-xin tạo ra và gây hiện tượng tái nhiễm.
Trỗi dậy vào mùa đông
Để xác định có hay không việc virus corona chủng mới sẽ trở thành loại virus theo mùa, các nhà khoa học đã xem xét hàng chục nghiên cứu về tính chất theo mùa của nhiều loại virus gây các bệnh đường hô hấp cũng như các nghiên cứu gần đây về tính ổn định và lây truyền của Sars-CoV-2.
Ghi nhận đầu tiên như đã biết : Virus gây bệnh hô hấp, trong đó có virus corona, nhìn chung hoạt động dữ dội hơn về mùa đông, đặc biệt ở các nước khí hậu ôn đới. Không khí mùa đông khô và lạnh là điều kiện thuận lợi để bị nhiễm virus qua đường hô hấp, bởi vì khi đó miễn dịch con người bị suy yếu, đồng thời tính ổn định của nhiều loại virus khác nhau tăng lên, giúp virus tồn tại lâu hơn trong không khí, trên bề mặt vật thể.
Trái lại, nhiệt độ cao có thể cản trở tính ổn định của virus, tăng khả năng tự vệ của cơ thể người cũng như có tác động đến cách sinh hoạt của dân chúng. Vào mùa hè, người ta vẫn sẽ thích ra ngoài hít khí trời hơn, như vậy sẽ giảm bớt nguy cơ nhiễm.
« Chúng ta biết là nhiều loại virus gây bệnh hô hấp vẫn theo sơ đồ mùa, đặc biệt trong các vùng khí hậu ôn đới », tiến sĩ Hadi Yassin thuộc đại học Qatar tại Doha đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh. « Chẳng hạn bệnh cúm hay nhiều chủng virus corona gây hắt hơi sổ mũi vẫn tập trung vào mùa đông ở các vùng khí hậu ôn đới và rải rác trong năm ở các vùng nhiệt đới nhưng hoạt động mạnh hơn vào mùa mưa. »
Theo các kết quả nghiên cứu, virus Sars-CoV-2 cũng không nằm ngoài quy luật này. «  Ngay cả các vùng nhiệt đới như Ấn Độ hay Brazil bị dịch nặng, nhưng, nhìn chung, virus vẫn lây lan mạnh hơn trong các vùng ôn đới. Điều này cho thấy các điều kiện lạnh và khô thuận lợi cho lây nhiễm Sars CoV-2 », các tác giả nghiên cứu trên nhận định.
Đặc tính mùa và miễn dịch
Điểm đáng chú ý của Covid-19 so với các virus gây bệnh hô hấp khác là tỷ lệ lây nhiễm. Chỉ số R0 cho biết số lượng trung bình ca bị lây từ một người bị nhiễm. Nếu chỉ số R0 dưới 0, tức là dịch không lây lan, trên 1 tức là lây lan. Một virus có chỉ số R0 thấp hơn 1 vào mùa hè và cao hơn 1 vào mùa đông, tức là virus đó có đặc tính theo mùa. Giờ đây, R0 của Sars-CoV-2 có thể ở trong khoảng từ 2 đến 3, trong khi của cúm mùa là 1,27.
Theo lý thuyết, thì R0 phải xuống dưới 1 vào mùa hè, nhưng đặc tính mùa này không giống với virus Sars CoV-2. Covid-19 vẫn tiếp tục tiếp tục lây lan trong mùa hè như đã thấy trên thế giới vừa qua.
Một khi đạt được miễn dịch cộng đồng, dù đó là theo cách tự nhiên hay nhân tạo, chỉ số R0 sẽ hạ theo tính toán lý thuyết. Các nhà khoa học khẳng định Coid-19 cuối cùng sẽ biến thành bệnh theo mùa, giống như các chủng virus corona khác.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng « đại dịch sẽ kết thúc trong vòng dưới 2 năm », viễn cảnh này dường như không có gì chắc chắn, nhất là khi vac-xin chưa có và cũng chưa có gì bảo đảm về hiệu quả. Các nhà khoa học khuyến cáo, công chúng không có sự lựa chọn nào khác là học cách sống chung với Sars-CoV-2 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa : Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên.
(Theo L’Express)

Diêm Lệ Mộng cung cấp chứng cứ đầu tiên

về nguồn gốc nhân tạo

của viêm phổi Vũ Hán (kèm nghiên cứu)

Tâm Thanh
Cô cũng kêu gọi thế giới điều tra quan hệ của Viện Y tế Quốc gia và phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Hiện nay, virus viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới. Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, một nhà virus học người Trung Quốc đào tị sang Hoa Kỳ đã mở tài khoản Twitter và đăng tải bài nghiên cứu khoa học đầu tiên dài 26 trang vào tối hôm 14/9. Nghiên cứu trực tiếp chỉ ra rằng virus viêm phổi Vũ Hán khác với bệnh truyền nhiễm tự nhiên từ người sang người. Tiến sĩ cũng kêu gọi thế giới điều tra dòng tiền giữa phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Hồ Bắc và Viện Y tế Quốc gia Trung Quốc (NIH).
Theo báo cáo của Tự Do Thời Báo (Liberty Times), Diêm Lệ Mộng đã đăng tải bài luận văn đầu tiên của mình vào tối ngày 14/9, nội dung nghiên cứu do cô và 3 nhà khoa học khác là đồng tác giả. Nội dung bài luận văn bao gồm: bộ gen, cấu trúc, bằng chứng y học và tài liệu lịch sử. Nghiên cứu cho rằng, virus SARS-CoV-2 là một sản phẩm của phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách sử dụng virus corona ZC45 và ZXC21 ở dơi làm mô hình để chế tạo.
Nghiên cứu đề cập rằng protein gai của virus corona mới (virus Vũ Hán) chứa một vị trí phân cắt Furin độc nhất, có thể được đưa vào bộ gen bằng các phương tiện nhân tạo.
Nghiên cứu đề cập rằng có những hồ sơ cho thấy Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) đã tham gia vào nghiên cứu giám sát virus corona trong hơn 10 năm và có số lượng mẫu virus corona lớn nhất trên thế giới. Thạch Chính Lệ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Viện virus học Vũ Hán đã hợp tác với Lý Phương (Li Fang), một nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Bài luận văn chỉ ra rằng, protein gai (spike protein) của virus Vũ Hán có một vị trí tích điện dương (gọi là vị trí đặc hiệu cắt Furin) nằm cách khu vực liên kết trên spike protein 10 nm. Vị trí này tạo ra liên kết chặt với các thụ thể mang điện tích âm của tế bào người, giúp cho virus xâm nhập và lây nhiễm vào cơ thể. Kể từ khi bùng phát đại dịch trong xã hội cho đến nay, virus đã xuất hiện khả năng đột biến. Loại virus này do Đại học Quân y thứ ba của Quân Giải phóng Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Quân y Nam Kinh lấy mẫu từ các virus corona ZC45 và ZXC21 ở dơi, độ tương đồng về trình tự gen cao tới 95%.
Nghiên cứu nói rằng, bộ gen của virus Vũ Hán là sản phẩm của thao tác gen (công nghệ chỉnh sửa gen) và đưa ra 4 kết luận:
Một là, virus ZC45 và ZXC21 được tạo ra bởi phòng thí nghiệm quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hai là, thông qua nghiên cứu trình tự bộ gen, virus có thể đã được chỉnh sửa gen để tăng cường độc tính và khả năng lây nhiễm, thậm chí nó có thể lây nhiễm một cách chính xác cho con người.
Thứ ba, các đặc điểm và triệu chứng của người nhiễm virus là chưa từng có.
Thứ tư là, nó có thể gây ra đại dịch toàn cầu, có sức tàn phá vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Hiện tại tài khoản Twitter của cô tên LiMengYAN119 đã bị đóng với lý do vi phạm các quy tắc của Twitter. Các thông tin nghiên cứu của cô có thể xem ở đây.
Bài viết cũng kêu gọi thế giới điều tra phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán cùng những người hợp tác, bao gồm cả người ở Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).
Theo một báo cáo của tạp chí Khoa học Hoa Kỳ (Science) vào ngày 12/6/2020, tác giả Jeffrey Mervis, viết trên chuyên mục chính sách khoa học rằng, cuộc điều tra đặc biệt do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thực hiện, cho thấy có 54 nhà khoa học đã bị cách chức hoặc từ chức vì che giấu về mối quan hệ tài chính của họ với các chính phủ nước ngoài. Trong 93% các vụ án, các quỹ bí mật đều đến từ cùng một tổ chức – ĐCSTQ.
Dữ liệu mới nhất do Jeffrey báo cáo được trích từ bài phát biểu của Michael Lauer, giám đốc nghiên cứu của NIH, chỉ ra rằng, phần lớn những người bị điều tra là đàn ông châu Á ở độ tuổi 50. Điều này không có gì là lạ, bởi vì trong chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài của ĐCSTQ, thì “những người này là mục tiêu của họ”. Trong số đó, khoảng 70% (133 nhà nghiên cứu) không báo cáo với NIH về các khoản tài trợ nghiên cứu nước ngoài mà họ nhận được, và 54% nhà nghiên cứu không tiết lộ việc họ tham gia “Kế hoạch nghìn nhân tài” của ĐCSTQ.
Ngoài ra, vào tháng 7 năm nay, ông Tôn, người đang tham gia nghiên cứu virus ở Toronto, Canada, đã từng đưa tin độc quyền cho Vision Times rằng, ĐCSTQ đang nghiên cứu và chế tạo virus.
Ông Tôn tiết lộ rằng, nhiều đồng nghiệp cũ của ông đang dạy các nhà khoa học của ĐCSTQ cách nghiên cứu và chế tạo virus. “Có một người tên là Frank Plummer đã đột ngột qua đời ở châu Phi. Ông làm việc trong phòng thí nghiệm P4 ở Canada, sau đó, toàn bộ nhóm của ông đã bị trục xuất khỏi Canada và nhóm đó hiện nay đã dừng hoạt động”.“Tôi đã đọc được tài liệu của ông ấy. Ông ấy từ lâu đã cùng với Viện Khoa học Trung Quốc, bao gồm cả Vũ Hán và Học viện Khoa học Quân sự chế tạo virus”, cô Diêm nói.
Tâm Thanh tổng hợp

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu

trình bày kế hoạch về kinh tế và khí hậu

Thanh Phương
Hôm nay, 16/09/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đọc bài diễn văn về tình trạng Liên Hiệp Châu Âu, trong đó bà trình kế hoạch về phục hồi kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Trước các nghị sĩ châu Âu, lãnh đạo cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu thông báo bà muốn nâng cao mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của khối này cho năm 2030. Mục tiêu mới sẽ là giảm đến 50%, so với mục tiêu hiện nay là giảm 40% lượng khí phát thải so với mức của năm 1990.
Mục tiêu nói trên nằm trong khuôn khổ dự án rộng lớn hơn, nhằm biến châu Âu thành lục địa đầu tiên trung hòa về khí CO2 vào năm 2050, tức là đạt đến sự cân bằng giữa lượng khí phát ra và lượng khí được hấp thụ.
Trước tình hình đại dịch Covid-19, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi thành lập một « Liên Hiệp Châu Âu về y tế ». Cho tới nay, y tế vẫn là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các nước thành viên Liên Hiệp, cho nên đã không có sự đồng nhất trong cách đối phó giữa các nước châu Âu.
Về Brexit, trong bối cảnh quan hệ giữa Bruxelles và Luân Đôn đang xấu đi, bà Ursula von der Leyen cảnh báo là thỏa thuận về việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, được ký vào tháng 1 năm nay, không thể được sửa đổi một cách đơn phương. Bà đưa ra lời cảnh báo này sau khi Quốc Hội Anh vừa thông qua một dự luật rút lại một số cam kết của Luân Đôn trong thỏa thuận nói trên, khiến cho viễn cảnh Brexit có trật tự càng thêm xa vời.
Trong bài diễn văn hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng đã cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ về mọi mưu toan « hù dọa » trong cuộc khủng hoảng với Hy Lạp. Căng thẳng giữa hai nước tại vùng Địa Trung Hải sẽ là hồ sơ chính của chương trình nghị sự cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 24 và 25/09/2020.
Về nhập cư, hồ sơ rất nhạy cảm trong Liên Hiệp Châu Âu, sau vụ cháy trại tị nạn Moria ở Hy Lạp, bà Ursula von der Leyen một lần nữa kêu gọi các nước châu Âu nên có hành động « trong tinh thần đoàn kết ».

Căng thẳng ở Địa Trung Hải : Nghị Viện Châu Âu

sẵn sàng gia tăng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Nghị Viện Châu Âu họp phiên họp toàn thể ngày hôm qua, 15/09/2020, tại Bruxelles, Bỉ, để thảo luận về tình hình ở phía đông Địa Trung Hải. Từ nhiều tuần qua, các hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng lãnh hải của Hy Lạp và Chypre đã làm gia tăng căng thẳng. Nghị Viện Châu Âu tỏ thái độ sẵn sàng đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Bruxelles, thông tín viên Joana Hostein gửi về bài tường trình :
Trong cuộc thảo luận sáng hôm qua, 15/09, nhiều nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi phải tính tới việc đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nghị sĩ Đức David McAllister, chủ tịch tiểu ban đối ngoại của nghị viện châu Âu nhấn mạnh : Chúng tôi lên án các hoạt động khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp và Chypre. Chúng ta cần phải công khai đề cập đến khả năng đưa ra thêm các trừng phạt nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số chính khách khác, như lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, thì lạc quan trước việc tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ quay về cảng. Sự hiện diện của con tàu này trong vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp là tâm điểm các căng thẳng giữa Ankara và Athens từ nhiều tuần qua. Tuy nhiên, bà Chrysoula Zacharopoulou, dân biểu Pháp, gốc Hy Lạp, lại tỏ ra thận trọng.
Bà nói : Từ lâu nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò mèo đuổi chuột với châu Âu, ví dụ như trong hồ sơ Syria, Libya, các hành động khoan thăm dò dầu khí bất hợp pháp…Cần phải chấm dứt thái độ mập mờ, không rõ ràng như vậy. Một số người nói cách nay hai hôm, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rút tất cả các tàu ra khỏi vủng lãnh hải của Hy Lạp. Liệu như vậy có đủ không ? Liệu có thể tin vào ông ta được không ?
Và để chấm dứt tình trạng không rõ ràng này, các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi ủng hộ Hy Lạp và Chypre, chống lại các đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là sẽ mối ưu tiên của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp vào các ngày 24 và 25 tháng Chín tới đây. 

Châu Âu đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ hai?

Đại Nghĩa
Các quốc gia trên khắp châu Âu đang chứng kiến ​​sự bùng phát trở lại các trường hợp mắc COVID-19 sau khi kìm hãm thành công đợt bùng phát vào đầu năm, theo Euro News,
Nhưng sự trở lại của virus corona mạnh đến mức nào và nó có tương đồng với số lượng ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận hồi đầu năm không?
Một số quốc gia – chẳng hạn như Albania, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Montenegro, Bắc Macedonia – đang chứng kiến ​​số ca mắc bệnh trong tháng 8 cao hơn so với đầu năm.
Bỉ, Ý và Anh – trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu – đang chứng kiến ​​chiều hướng gia tăng trở lại. Nhưng ít nhất cho đến nay, chưa có gì giống như tháng 3 và tháng 4. Trong ba quốc gia này, số liệu của Vương quốc Anh là đáng lo ngại nhất. Quốc gia này đã xác nhận 3.539 trường hợp vào hôm 12/9.
Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha có khả năng đang đối phó với làn sóng thứ hai rất đáng sợ và đã bắt đầu có hành động để kiềm chế dịch. Trong đó, Pháp đã công bố 10.561 ca nhiễm mới vào ngày 12/9, con số cao nhất từng được ghi nhận.
Nhưng một số trường hợp tăng đột biến có thể chỉ đơn giản là do thử nghiệm nhiều hơn – nhiều quốc gia không có khả năng thực hiện các thử nghiệm với số lượng lớn như vậy vào đầu năm.
Trong các quốc gia châu Âu, đáng lưu ý là trường hợp của Thụy Điển. Nước này không áp dụng phong tỏa, các hoạt động kinh tế xã hội nhìn chung vẫn diễn ra bình thường.
Quan điểm “miễn dịch cộng đồng” của Thụy Điển đã bị chỉ trích nặng nề trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 khi số ca dương tính và tử vong tại đây tăng cao. Nhưng từ tháng 7 đến nay, các con số này đột ngột giảm và hiện ổn định ở mức thấp, trong khi nhiều nước châu Âu đang tái bùng phát khi mở cửa trở lại.
Có thể nói, hiểu biết của thế giới về loại virus này còn khá hạn chế. Vậy nên cách thức ứng phó và diễn biến kết quả đang rất khác nhau ở các nơi trên toàn cầu.
Cho đến nay, Việt Nam và Đài Loan được coi là những nước thành công nhất trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, mặc dù ngay từ đầu là những nơi có nguy cơ cao nhất do lượng người qua lại Trung Quốc rất lớn.
Cho đến ngày 16/9, theo Worldometers, Đài Loan chỉ có 7 trường hợp tử vong trong số 499 ca dương tính, trong đó chỉ có hơn 50 ca nội địa. Theo tờ The Diplomat, trong 5 tháng liên tục tính đến ngày 12/9, Đài Loan không có ca dương tính nội địa. Kể từ đầu dịch, các hoạt động tại Đài Loan nhìn chung vẫn diễn ra bình thường mà chưa bị gián đoạn, kể kả việc đi học của học sinh các cấp.

Pháp: Tranh luận về phát triển Xanh

trong kế hoạch chấn hưng 100 tỷ euro

Trọng Thành
Ngày 03/09/2020, Paris công bố kế hoạch chấn hưng 100 tỉ euro, trong đó 30 tỉ cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, thân thiện môi trường. Nhiều người cho đây là bước tiến ngoạn mục đầu tiên hướng sang kinh tế Xanh – con đường duy nhất giúp xã hội con người không phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên vượt tầm kiểm soát. Những người phản bác chỉ ra nhiều mâu thuẫn, lệch lạc và khiếm khuyết của kế hoạch. RFI giới thiệu các ý kiến đa chiều về chủ đề này. 
Trước đại dịch Covid-19, việc chuyển đổi mô hình kinh tế – xã hội đã bắt đầu được xúc tiến. Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu. Covid-19 ập đến gây khó cho kế hoạch. Các quốc gia lâm nạn trước hết phải tìm cách phục hồi nền kinh tế, đang rơi vào suy thoái chưa từng có. Thế nhưng, trong cái khó ló cái khôn.
Đại dịch Covid-19 càng cho thấy đòi hỏi phải thay đổi cấp bách mô hình kinh tế – xã hội. Thảm họa y tế do virus corona đã phơi bày những giới hạn của mô hình xã hội hiện nay, vốn dựa chủ yếu vào việc tiêu thụ các sản phẩm có được từ việc khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên. Lối sống này khiến các hệ
đa dạng sinh thái bị tàn phá trên quy mô lớn, với tốc độ nhanh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của các virus nguy hiểm, như virus gây bệnh Covid-19.
«  Bước tiến khổng lồ »  hướng sang kinh tế Xanh
Phục hồi kinh tế đi liền với chuyển đổi mô hình kinh tế là thách thức kép mà hầu hết các quốc gia phát triển phải đối mặt. Kế hoạch chấn hưng trị giá 100 tỉ euro, để đưa kinh tế Pháp « trở lại mức trước khủng hoảng trong vòng 2 năm nữa », « ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực hứa hẹn nhất ». Sinh thái – Môi trường là một trong ba trọng tâm của kế hoạch (hai trọng tâm khác là cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng cường đoàn kết xã hội). Theo thông cáo báo chí của chính phủ, 30 tỉ euro sẽ được đầu tư để « thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sinh thái, khiến kinh tế Pháp bền vững hơn, tiết kiệm hơn trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 ».
« Định hướng chiến lược » này sẽ được thực thi qua các lĩnh vực chính như: cải tạo nơi ở để tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ việc từ bỏ năng lượng hóa thạch trong công nghiệp, hỗ trợ các cá nhân mua phương tiện vận chuyển « sạch », phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi nông nghiệp, phát triển các công nghệ xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn – rút ngắn khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.
Đối với bộ trưởng Môi Trường Barbara Pompili, đây là một « bước tiến khổng lồ », cho phép nước Pháp hướng đến « nền kinh tế của tương lai ».  Nghị sĩ Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường, Y tế và An toàn thực phẩm của Nghị Viện Châu Âu, ca ngợi đây là « một đầu tư cho môi trường lớn chưa từng có ». Khoản đầu tư 30 tỉ euro cho phép nước Pháp « lần đầu tiên » đi đúng lộ trình thực hiện mục tiêu về Khí hậu. Theo chủ tịch Ủy ban Môi trường Nghị Viện Châu Âu, chính phủ Pháp đã có « một kế hoạch chấn hưng thực sự mang tính sinh thái ».
Bà Valérie Masson-Delmotte, nhà cổ khí hậu học (paléoclimatologie), một lãnh đạo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), nhấn mạnh là « lần đầu tiên » vấn đề khí hậu được đề cập « một cách hệ thống », « khí hậu và đa dạng sinh học được đặt vào trọng tâm của chiến lược kinh tế ». Chuyên gia Valérie Masson-Delmotte cũng là thành viên của Hội đồng Cấp cao về Khí hậu (Haut Conseil du Climat – HCC), cơ quan tư vấn độc lập do tổng thống lập ra từ cuối năm 2018, có trách nhiệm đánh giá chính sách khí hậu của chính phủ (1).
Ý kiến chỉ trích : Dự án không hướng đến mô hình kinh tế mới !
Những ý kiến phản bác dự án « chấn hưng » cũng hết sức nghiêm khắc. Trả lời đài France Culture, chính trị gia Cécile Duflot, cựu lãnh đạo đảng Xanh, tổng giám đốc quỹ Oxfam Pháp, nhận định:
« Chủ đề thực sự chính là vấn đề mô hình phát triển, của giai đoạn sau đại dịch, về bài học cần phải rút ra từ cuộc đại khủng hoảng mà chúng ta vẫn còn chưa ra khỏi, cuộc khủng hoảng Covid. Trong dự án này, có nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có nhiều điểm tích cực, ít nhất về mặt tuyên bố, ví dụ như trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng với nhà ở. Tuy nhiên, bên cạnh đó là việc giảm thuế sản xuất một cách đơn phương, hoàn toàn không đi kèm theo các điều kiện về mặt môi trường. Cùng lúc đó, lại có các quyết định của chính phủ hoàn toàn không hướng về mục tiêu chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xanh. 
Vấn đề thực sự ở đây là tính nhất quán của chính sách. Nếu chúng ta muốn thực sự trả lời được các thách thức, đặc biệt là thách thức về môi trường và cuộc chiến chống bất công xã hội, thì chúng ta cần đặt các thách thức đó vào trung tâm của chiến lược hành động, và đưa kế hoạch chấn hưng đi theo hướng này, với tư cách là một kế hoạch chấn hưng Xanh thực sự, như một con đường đi đến một mô hình khác. Nhưng đây lại không phải là sự lựa chọn của chính phủ ».
Mạng lưới các hiệp hội môi trường Réseau Action Climat cũng lên tiếng chỉ trích dự án của chính phủ. Bà Meike Fink, một thành viên ban lãnh đạo Réseau Action Climat, nhận xét : « dự án chấn hưng này một lần nữa cho thấy thái độ nước đôi của chính phủ về mục tiêu chuyển sang nền kinh tế Xanh : có một vài bước tiến, nhưng bên cạnh đó là nhiều bước lùi… chính sách này sẽ không cho phép nước Pháp đạt được các cam kết về khí hậu ». Mạng Réseau Action Climat kêu gọi các nghị sĩ Pháp nỗ lực đóng góp « nâng cao tham vọng và tính nhất quán của chương trình chấn hưng, và giúp cho dự án ngân sách nước Pháp năm 2021 trở nên xanh hơn và công bằng hơn ».
Chính phủ làm gì đảng Xanh cũng không hài lòng !
Trước các chỉ trích của đảng Xanh và nhiều nhà hoạt động môi trường, trả lời phỏng vấn đài France Info, bà Emmanuelle Wargon, bộ trưởng phụ trách Nhà Ở, lên tiếng :
« Trước hết tôi muốn được trả lời là các nhà đối lập thuộc các đảng phái môi trường không bao giờ thoả mãn, có nghĩa là bất kể chúng tôi làm gì thì như vậy cũng là không đủ cho môi trường, không bao giờ là đủ mạnh, đủ tốt cả. Trong kế hoạch này, chúng tôi dự trù chi ra 30 tỉ euro, trong đó có 7 tỉ cho nhà ở. Chúng tôi đã tăng gấp ba, bốn lần dự kiến ngân sách đã có. Nhưng họ nói, điều này là tốt, nhưng mà … Đúng đây là một dự án cần phải được đầu tư lâu dài, chúng ta còn chưa có luật về ngân sách năm 2023 và 2024… Bởi từ đây đến đó, còn có các kỳ bầu cử nữa. Tất nhiên là công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh sẽ cần phải được tiếp tục, nhưng trước mắt chúng ta cần ngay lập tức có được các việc làm, có việc làm ngay trong những nghề nghiệp liên quan đến cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, trong lĩnh vực xây dựng, và rõ ràng là chính phủ đã hành động kịp thời ».
 «  Chấn hưng theo kiểu truyền thống », nhưng đã chú ý nhiều đến môi trường  
Dự án chấn hưng kinh tế 100 tỉ đô la, vừa có mục tiêu phục hồi kinh tế trong thời gian sớm nhất, lại hướng về mục tiêu chuyển đổi dài hạn, trong đó phần dành cho sinh thái chiếm khoảng một phần ba, là một dự án rộng lớn và phức tạp, cần được đánh giá cụ thể từng khoản mục và từ nhiều phía khách nhau.
Chính trị gia Corinne Lepage, một cựu bộ trưởng Môi Trường, một mặt khen ngợi những điểm tích cực đáng kể trong dự án chấn hưng « không thể phủ nhận » (như khối lượng đầu tư lớn chưa từng thấy cho sinh thái, tính hệ thống của dự án…), mặt khác khẳng định, nhìn về tổng thể toàn bộ dự án 100 tỉ euro, không thể coi đây là một dự án thuần túy hướng đến chuyển đổi sinh thái, vì có sự mâu thuẫn trong hướng đầu tư : có những khoản đầu tư cho chuyển đổi sinh thái, nhưng bên cạnh đó, lại có nhiều khoản đầu tư cho mô hình kinh tế truyền thống (trong vế đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp), tức đi ngược lại với mục tiêu chuyển đổi sinh thái. Nhà môi trường Corinne Lepage nghiêng về phía ra cho rằng, đây là một dự án chấn hưng theo kiểu truyền thống, nhưng với một khoản đầu tư lớn cho môi trường.
Vừa làm, vừa chỉnh : Điểm khởi đầu cho một tiến trình dài hơi
Kinh tế gia Alain Grandjean, một thành viên của Hội đồng Cấp cao về Khí hậu (HCC) thì khen ngợi việc « một phần trong kế hoạch 100 tỉ euro được định hướng đúng », nhưng mặt khác tỏ ra rất dè dặt về triển vọng tương lai của công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Ông cho biết nỗi lo ngại lớn nhất của ông là chương trình « chấn hưng Xanh » chỉ có hiệu lực trong 2 năm, trong lúc để chuyển đổi được toàn bộ nền kinh tế, cần phải có các nỗ lực tài chính ở quy mô tương tự liên tục ít nhất trong vòng 15 năm.
Kinh tế gia Alain Grandjean lưu ý đến nhiều điểm, có thể giúp cho dự án chấn hưng Xanh không đi chệch hướng. Cụ thể là cần « minh bạch » trong các khâu thẩm định, « cần kiểm soát khoảng cách giữa điều được tuyên bố và cái làm được trên thực tế » để tránh việc đánh trống, bỏ dùi. Thành viên Hội đồng Cấp cao về Khí hậu – HCC (1) cũng cảnh báo « ảnh hưởng của các nhóm lobby sẽ rất lớn ».
Chính trị gia Matthieu Orphelin, chủ tịch nhóm Sinh thái – Dân chủ – Đoàn kết trong Quốc Hội, nhóm dân biểu tách khỏi đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, cũng hoài nghi về khâu kiểm tra thực hiện, khi hiện tại chính phủ « chưa cho biết rõ các tiêu chuẩn thẩm định được xây dựng như thế nào, và tổ chức độc lập nào sẽ thực hiện việc đánh giá » (Le Point, 06/09/2020).
Theo nhiều chuyên gia, bản thân phần chấn hưng Xanh trong dự án chấn hưng kinh tế chung cũng cần được bổ sung, điều chỉnh. Hội đồng Phân tích Kinh tế (Conseil d’analyse économique – CAE), một cơ quan chuyên trách tư vấn cho thủ tướng, ngày 10/09/2020, ra một thông báo đề nghị chính phủ tài trợ cho « một số dự án mới trong khuôn khổ của kế hoạch chấn hưng » để đẩy mạnh việc bảo vệ đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào việc bảo vệ môi trường. CAE đặc biệt khuyến cáo « chuyển một phần đáng kể các tài trợ cho nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất tuân thủ các đòi hỏi bảo vệ môi trường, xóa bỏ các trợ cấp cho các hoạt động có hại cho đa dạng sinh học, như bỏ việc miễn giảm thuế xăng dầu đối với tàu đánh cá » (La Croix, 10/09/2020).
Quỹ Thiên nhiên Thế giới chi nhánh tại Pháp (WWF France) hoan nghênh phần chấn hưng Xanh trong kế hoạch 100 tỉ euro là « một bước ngoặt trong nhiệm kỳ 5 năm » của chính quyền Macron, hướng sang mô hình kinh tế Xanh, cũng lưu ý là « để chuyển đi từ một dự án chấn hưng mang tính khởi động đến một kế hoạch chuyển hóa toàn bộ mô hình kinh tế, chính phủ cần có các biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt trong việc thay đổi mô hình nông nghiệp », « chống lại việc nhập khẩu các sản phẩm do phá rừng », « phát triển các không gian thiên nhiên bảo tồn ».
WWF France cũng là tổ chức đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu vấn đề chấn hưng Xanh và khả năng tạo việc làm mới. Theo báo cáo của WWF (« Monde d’après : l’emploi au cœur d’une relance verte »), một kế hoạch chấn hưng ngả mạnh sang hướng bảo vệ môi trường sẽ cho phép tạo thêm đến một triệu việc làm mới trong vòng hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống (dự án hiện nay của chính phủ hướng đến mục tiêu 160 nghìn chỗ làm mới trong năm tới  2021).
Nhìn chung, nhiều chuyên gia đánh giá phần dành cho sinh thái trong dự án chấn hưng 100 tỉ euro của chính phủ Pháp là một bước ngoặt lớn trong chính sách kinh tế của nước Pháp, đây là một điểm khởi đầu tốt cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, nhưng công cuộc này đòi hỏi nỗ lực dài hơi nhiều thập niên. Điều quan trọng trước mắt là phải có cơ chế đánh giá và giám sát khâu thực hiện và những mảng trống cần bổ khuyết, lệch lạc cần điều chỉnh.
Ghi chú
1- Đầu tháng 7/2020, trong lúc chính phủ Pháp đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch chấn hưng, HCC – cơ quan thẩm định độc lập về chính sách khí hậu của chính phủ, – đã ra một báo cáo dài 160 trang, mang tựa đề « Redresser le cap, relancer la transition », chỉ trích mạnh mẽ chính sách môi trường của chính phủ, yêu cầu điều chỉnh để tái khởi động công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.

Pháp duyệt nhanh đơn nhập tịch

cho người nước ngoài giúp chống COVID

Pháp sẽ thưởng cho các nhân viên y tế người nước ngoài và những nhân viên ở tuyến đầu khác xuất sắc trong cuộc chiến chống COVID-19 bằng cách cứu xét nhanh chóng đơn xin của những người này muốn trở thành công dân Pháp.
Chỉ thị tuần này của Bộ Nội vụ, được AP trích dẫn, ra lệnh cho các giới chức ưu tiên cho những đơn xin nhập tịch của người nước ngoài nào “tích cực tham gia vào những nỗ lực quốc gia, dấn thân và can đảm” chống lại đại dịch đã giết gần 31.000 người tại Pháp.
Chỉ thị nói người nước ngoài hội đủ những điều kiện vừa kể có thể nhập tịch chỉ sau hai năm cư trú tại Pháp, thay vì tối thiểu thông thường là ít nhất 5 năm, vì “những công tác quan trọng” họ làm. Chỉ thị đặc biệt đề cập đến các nhân viên y tế.
Ngày 15/9, Pháp loan báo thêm 7.852 ca nhiễm COVID và 37 người chết, nâng tổng số các ca tử vong lên 30.999.
Một trường kỹ sư hàng đầu của Pháp ngày 15/9 loan báo đóng cửa các lớp học trực tiếp và chuyển tất cả sang học trên mạng vì một vụ bùng phát COVID-19 rộng lớn, một động thái chỉ diễn ra hai tuần sau khi các lớp học tái tục.
Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia tại thành phố Toulouse ở phía tây nam cho hay có 127 sinh viên xét nghiệm dương tính và 327 người khác đang chờ kết quả xét nghiệm đã có những triệu chứng hay có thể đã có những tiếp xúc.

Erdogan dùng chiến lược Biển Đông

của Bắc Kinh tại Địa Trung Hải

Tú Anh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan muốn gì khi tranh giành với Hy Lạp vùng biển Địa Trung Hải thuộc chủ quyền của Hy Lạp, theo hiệp định được cả hai bên chấp nhận từ năm 1923 ? Theo giới phân tích, Ankara đang sử dụng một chiến lược nguy hiểm : Nếu châu Âu nhượng bộ « vài km » thì cả Địa Trung Hải và Balkan sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề là NATO và Liên Hiệp Châu Âu đều bất lực khiến cho Pháp và Hy Lạp lên tuyến đầu.
Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, sau hơn một tháng hoạt động áp sát một hòn đảo của Hy Lạp trong vùng phía đông Địa Trung Hải đã trở về căn cứ Antalya hôm 12/09 để « bảo trì ». Bảo trì, lấy thêm nhiên liệu, lương thực để trở lại chứ không phải tạo cơ may cho một phương án ngoại giao như báo chí thân chính phủ giải thích lúc đầu. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Xavusoglu khẳng định : “Ankara không nhượng bộ ở đông Địa Trung Hải”.
Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên tranh chấp chủ quyền biển đảo với Hy Lạp và Chypre đã làm tình hình Địa Trung Hải  căng thẳng tột độ. Cảm thấy bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm lấn với ý đồ bành trướng, Hy Lạp quyết định canh tân quân đội, thông báo mua 18 chiếc đấu cơ đa năng của Pháp, bốn tuần dương hạm, tên lửa chống tăng, ngư lôi và tuyển mộ thêm 15.000 binh sĩ.
Xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ- Hy Lạp leo thang từ đầu tháng 9 khi hai bên cùng mở cuộc tâp trận phô trương sức mạnh hù dọa nhau. Ngoài chuyện biểu dương lực lượng, quân đội hai bên còn tập trung bố trí chung quanh hòn đảo Kastellorizo, của Hy Lạp, nhưng nằm cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ có 2 km.
Erdogan muốn làm như Trung Quốc ở Biển Đông
Theo  cựu đại sứ Pháp Michel Foucher, chuyên gia địa lý học, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là chà đạp mọi hiệp định quốc tế để làm thay đổi nguyên trạng. Vào năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đồng ý ký hiệp định Lausanne, phân chia chủ quyền trên biển Aegea ( vùng đông của Địa Trung Hải ). Athens đau đớn di tản 2 triệu dân ở Tiểu Á về lục địa đổi lại, Ankara công nhận chủ quyền của Hy Lạp trên các đảo ở biển Aegea.
Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm có hệ thống chủ quyền biển đảo của Hy Lạp cũng như của Chypre, « giống hệt » như Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng duyên hải Biển Đông. Theo Hardien Desuin, nhà phân tích chính trị quốc tế thuộc Viện Pont-Neuf, nếu Pháp và các đồng minh ở Địa Trung Hải không phản ứng ngay bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự xưng là « người canh gác an ninh biển » cho thế giới. Chính trong vai trò « canh gác biên giới trên bộ » mà Ankara làm căng với châu Âu đánh đổi hàng chục tỷ đô la để « chận di dân ».
Di dân cũng là vũ khí để tổng thống Erdogan mang ra dọa đích danh tổng thống Pháp « đừng khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ » khi bị Paris kêu gọi chấm dứt các « hành động không thể chấp nhận được » ở Địa Trung Hải.
Theo Hardien Desuin, trao tự do và quyền lưu thông trên biển cho Erdogan, một nhà độc tài  theo chủ nghĩa  dân tộc và Hồi giáo cực đoan là « gửi trứng cho ác ».
Nếu để Erdogan lấn được một ít, ông ta sẽ lấy luôn cả Địa Trung Hải và Balkan.
NATO và Liên Hiệp Châu Âu đều vô kế khả thi.
Washington, qua tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi hai bên xuống thang. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã quen thế đi dây giữa Mỹ và Nga để thủ lợi riêng. Trong Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và các thành viên bên bờ Địa Trung Hải như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đe dọa dùng biện pháp trừng phạt nhưng  không thể trông cậy vào nước Đức bởi vì Berlin sợ Ankara đánh lá bài mở cửa biên giới.
Điều duy nhất có thể hy vọng là nội tình Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm cho Erdogan giảm bớt tham vọng bá quyền. Với bản tính mị dân, Erdogan sử dụng chiêu bài tái lập đế chế Ottoman, can thiệp vào Syria và Libya mở rộng ảnh hưởng hầu đánh lạc hướng công luận trước những thất bại kinh tế và chính trị. Sau 20 năm nắm quyền, Erdogan gặp khó khăn khắp mọi mặt : khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá, đảng Hồi Giáo mất các thành phố lớn. Cựu thủ tướng Ahmet Davutoglu, từ một cố vấn trung thành, nay biến thành một đối thủ đáng gờm của Erdogan.

H&M cắt quan hệ với nhà cung cấp Trung Quốc

vì lo ngại ‘lao động cưỡng bức’

Hải Lam
Hãng thời trang Thụy Điển H&M hôm thứ Ba (15/9) cho biết họ đã chấm dứt quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì lo ngại sử dụng “lao động cưỡng bức” từ nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
AFP cho biết, tập đoàn thời trang hùng mạnh này nêu rõ rằng họ không làm ăn với bất cứ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn lấy nguồn cung bông từ Tân Cương, nơi trồng bông lớn nhất Trung Quốc.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) được công bố hồi tháng 3 cáo buộc H&M là một trong những đơn vị hưởng lợi từ chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức thông qua mối quan hệ của họ với nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở An Huy.
Tuy nhiên, H&M cho biết trong một tuyên bố rằng họ chưa bao giờ có mối quan hệ với nhà máy ở An Huy, cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương. H&M chỉ thừa nhận họ có “mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với một nhà máy” ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, thuộc sở hữu của công ty thời trang Huafu Fashion của đại lục.
“Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng lao động cưỡng bức ở nhà máy Thượng Ngu, nhưng chúng tôi vẫn ra quyết định như vậy. Cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức, chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với Huafu Fashion ở tất cả các cơ sở địa phương hay tỉnh trong thời gian 12 tháng”.
H&M cũng cho biết họ đã mở cuộc điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc làm ăn cùng hãng này tại Trung Quốc nhằm đảm bảo không có tình trạng lao động cưỡng bức.
Áp lực quốc tế đang gia tăng lên ĐCSTQ vì các chính sách của Bắc Kinh ở khu vực Tân Cương. Hôm 14/9, Liên minh châu Âu đã thúc ép chính quyền Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập của họ đến Tân Cương, đồng thời ràng buộc vấn đề nhân quyền với các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong tương lai với Bắc Kinh.
Các nhóm nhân quyền cho biết hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo chính trị, nơi Bắc Kinh tuyên bố là các trung tâm đào tạo nghề, cung cấp các chương trình giáo dục để giúp nhóm dân số này thoát khỏi nghèo đói và xóa bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã lên án các chính sách của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ. Hơn 130 nhà lập pháp Anh Quốc hôm 8/9 đã ký vào một bức thư gửi tới Đại sứ Trung Quốc tại Anh để lên án cách hành xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tổng thống Trump hồi tháng 6 đã ký ban hành luật trừng phạt các quan chức tham gia đàn áp nhóm người này.
Fox News đưa tin, chính phủ Mỹ hôm thứ Hai (14/9) đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Trung Quốc, gồm bông, hàng may mặc và các sản phẩm làm từ tóc, vì lo ngại chúng được sản xuất bằng “lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ”.

Nga bỏ cuộc thi tân trang lăng Lenin

Hội Kiến trúc Liên bang Nga vừa tuyên bố phải bỏ cuộc thi tân trang lại Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ vì phản đối mạnh.
Theo tờ Moscow Times, hôm thứ Hai vừa qua, cuộc thi đã bị hủy chỉ sau khi mở ra 24 giờ.
Đảng Cộng sản Nga, qua lời lãnh đạo đảng, dân biểu viện Duma Gennady Zyuganov, nói cuộc thi là “trò gây rối mồ mả Lenin”, nhà cách mạng Bolshevik đã lập ra Liên Xô.
Cuộc thi của Hội Kiến trúc Nga mời công chúng đóng góp sáng kiến tân trang, sửa lại mặt tiền Lăng Lenin một khi thi hài của ông được đem đi.
Kể từ ngày mất của Lenin vào năm 1924, xác ướp của ông được gìn giữ và trở thành biểu tượng của chế độ cộng sản ‘sống mãi’ thời Liên Xô.
Tác phẩm của Stalin ‘sẽ sống mãi’?
Sau khi Liên Xô giải tán đã có những lời kêu gọi đưa Lenin đi hỏa táng hoặc chôn cất ở một nghĩa trang.
Những ý kiến ủng hộ cho phương án này nói việc ướp xác Lenin là sáng kiến của Stalin, và hoàn toàn trái với tinh thần cộng sản cũng như giá trị truyền thống của Chính Thống giáo.
Theo Georgy Manaev viết trên trang Russia Beyond, chuyên về lịch sử Nga thì “Lăng Lenin là tác phẩm của Stalin”.
Trong di chúc, Vladimir Lenin (Ulyanov), muốn được chôn cạnh mộ mẹ ông.
Vợ ông, bà Nadezhda Krupskaya kịch liệt phản đối việc đem thi hài Lenin ra trưng bày nhưng Stalin không nghe.
Nhà độc tài đã ‘giành một chỗ’ ở Lăng Lenin sau khi qua đời năm 1953 và mặt tiền của Lăng được khắc thêm tên Stalin dưới tên Lenin.
Đến năm 1961, nhiều nhà hoạt động cộng sản Liên Xô công khai đòi đưa Stalin ra khỏi lăng và Ban lãnh đạo đã đồng ý đem Stalin ra và chôn vào trong tường Điện Kremlin.
Tuy thế, việc đưa Lenin ra khỏi lăng đến nay vẫn gặp sự phản đối của những người lưu luyến Liên Xô cũ, dù nước Nga nay đã chính thức đem Chúa Trời và Chính Thống giáo trở lại hiến pháp.
Theo tờ Moscow Times, người ta sẽ phải “đợi chừng nào thế hệ sùng bái Lenin chết hết đi” thì mới có thể trở lại kế hoạch đưa ông ra khỏi Lăng.

Navalny, đối thủ của Putin, dự định trở về Nga

Chính khách đối lập Nga Navalny chia sẻ một bức ảnh chụp từ giường bệnh của ông tại một bệnh viện ở Đức hôm 15/9. Trong ảnh, ông ngồi trên giường bệnh với gia đình xung quanh, và cho biết giờ ông đã thở được một mình sau khi bị đầu độc vào tháng trước.
Tấm ảnh là chứng cớ rõ ràng nhất cho thấy ông Navalny đang hồi phục sức khỏe tốt đẹp từ khi ông lâm bệnh nặng tại Siberia hôm 20/8. Ngay sau khi tấm ảnh được tải lên, nữ phát ngôn viên của ông Navalny xác nhận rằng ông đã có kế hoạch trở về Nga.
Kèm theo tấm ảnh, ông Navalny gửi vài dòng chia sẻ với những người theo dõi ông trên Instagram.
“Chào mọi người, đây là Navalny. Tôi nhớ tất cả các bạn. Bây giờ thì tôi vẫn chưa làm gì được, nhưng hôm qua tôi đã thở được cả ngày mà không cần máy. Hoàn toàn tự thở một mình.”
Ông Navalny, đối thủ chính trị hàng đầu của Tổng thống Putin, đột ngột lâm bệnh nặng ở Siberia hồi tháng trước và sau đó được không vận tới Berlin. Đức nói các cuộc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tại 3 quốc gia khác nhau đã cùng đi tới kết luận rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng độc chất thần kinh Novichok, và các chính quyền Tây phương yêu cầu Nga phải giải thích vụ việc.
Moscow gọi những cáo buộc đó là ‘vô căn cứ’. Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov lặp lại hôm 15/9 rằng Moscow vẫn mở ngỏ khả năng làm rõ điều gì đã xảy đến với ông Navalny, nhưng họ cần tiếp cận thông tin về trường hợp của ông từ Đức.
Ông Peskov nói Moscow không hiểu tại sao các phòng thí nghiệm của Pháp và Thụy điển có thể xét nghiệm các mẫu y tế của ông Navalny, trong khi nước Nga không được quyền tiếp cận tương tự?
Trường hợp ông Navalny càng làm tăng thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, mà mối quan hệ vốn đã tuột dốc xuống mức thấp nhất kể từ khi Moscow sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014, và tìm cách đầu độc một gián điệp nhị trùng bằng cùng độc chất thần kinh Novichok ở Anh vào năm 2018.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được kêu gọi phải trừng phạt Nga bằng cách đình chỉ dự án Nord Stream 2, một dự án sắp hoàn tất để xây cất đường ống dẫn dầu để truyền khí đốt từ Nga sang Đức.
Báo New York Times hôm 15/9 dẫn lời một giới chức an ninh Đức nói rằng ông Navalny đã nói chuyện với một công tố viên Đức về âm mưu giết hại ông, và cho biết ông dự định sẽ trở về Nga ngay sau khi ông hồi phục.
Xác nhận tin này, nữ phát ngôn viên của ông Navalny, Kira Yarmysh, viết trên Twitter: “Không một giải pháp nào khác được xét tới.”
Người phát ngôn của điện Kremlin, ông Peskov, nói sớm hơn trong ngày thứ Ba:
“Bất cứ công dân Nga nào cũng được tự do rời khỏi nước Nga hoặc trở về nước Nga. Nếu công dân của Liên bang Nga hồi phục sức khỏe của ông, thì lẽ dĩ nhiên, mọi người đều vui mừng về chuyện đó.”

Israël và hai quốc gia Ả Rập

ký kết thỏa thuận lịch sử tại Nhà Trắng

Trọng Nghĩa
Trong một buổi lễ long trọng tại Nhà Trắng (Washington D.C, Hoa Kỳ), vào hôm qua 15/09/2020, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou đã ký với ngoại trưởng hai nước Bahrain và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thỏa thuận được đánh giá là lịch sử, nội dung công nhận quốc gia Do Thái.
Thỏa thuận này đã được đúc kết dưới sự bảo trợ của tổng thống Mỹ Donald Trump, và trong buổi lễ, ba lãnh đạo kể trên cùng với tổng thống Mỹ cũng đã ký một bản thông cáo chung.
Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ, Loubna Anaki, cho biết thêm chi tiết:
Buổi lễ ký kết được tổ chức rất trọng thể, với sân cỏ lớn của Nhà Trắng được trang hoàng bằng quốc kỳ 3 quốc gia khách mời cùng với cờ Mỹ.
Ông Donald Trump tự khen là đã thành công trong việc thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận. Ông nói đến đến một thời khắc tuyệt vời cho thế giới và quan trọng cho hòa bình.
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahraïn chính thức trở thành những nước Ả Rập thứ 3 và thứ 4 ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Thủ tướng Benyamin Netanyahu tuyên bố là môt thời đại mới đã bắt đầu và nói bằng tiếng Ả Rập : « Ước mong hòa bình đến với quý vị », một thông điệp mà ông gởi đến tất cả các quốc gia « đi theo cùng con đường vì hòa bình trong khu vực ».
Theo ông Trump, những cuộc đàm phán khác theo chiều hướng này cũng đang được thực hiện và tiến triển tốt, với từ 5 đến 6 nước Ả Rập khác đang rất sẵn sàng ký những thỏa thuận tương tự..
Cho dù rất hoan nghênh vai trò của chính quyền Mỹ trong các thỏa thuận này, ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrain đã nhấn mạnh rằng đây chỉ là một bước đầu tiến đến hòa bình trong vùng, mà hòa bình này chỉ có thể bền vững với giải pháp 2 Nhà nước Israel và Palestine.
Israël đã cam kết đình chỉ việc thôn tính lãnh thổ Palestine, nhưng người ta chưa biết rõ chi tiết những thỏa thuận đã ký kết.
Các thỏa thuận vừa ký tại Mỹ đã bị Palestine lên án. Trong một thông cáo công bố tối hôm qua, tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố: « Sẽ không có hòa bình, an ninh hay ổn định, cho bất kỳ nước nào trong vùng nếu không chấm dứt việc chiếm đóng (lãnh thổ) và tôn trọng các quyền của dân tộc Palesstine ».

Bộ Trưởng của Bahrain cho biết thỏa thuận Israel

giúp bảo vệ lợi ích quốc gia trước sự đe dọa của Iran

Tin từ DUBAI – Vào hôm thứ Hai (14/9), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bahrain cho biết rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ bảo vệ lợi ích của Bahrain và củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, giữa mối đe dọa liên tục từ Iran.
Vào hôm thứ Sáu (11/9), Bahrain cho biết họ sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, theo bước UAE, quốc gia tuyên bố sẽ làm điều tương tự cách đây một tháng, trong những hành động được thực hiện một phần do nỗ sợ chung về Iran. Quốc gia nhỏ ở Vịnh Bahrain, nơi đóng quân của Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ, do gia đình Al Khalifa theo Hồi giáo Sunni cai trị.
Chính phủ thường cáo buộc Iran, do một lãnh đạo Hồi giáo Shi’ite cầm quyền, đang tìm cách lật đổ Bahrain. Bahrain phải gánh chịu tình trạng bất ổn liên tục kể từ sau cuộc nổi dậy thất bại vào năm 2011. Quôc gia này cũng đang nỗ lực để làm giảm thâm hụt ngân sách của họ. Manama được cứu trợ vào năm 2018 với gói viện trợ 10 tỷ mỹ kim từ các nước láng giềng giàu có ở vùng Vịnh để tránh tình trạng khủng hoảng tín dụng.
Các bộ trưởng quốc phòng Bahrain và Israel tổ chức cuộc điện đàm công khai đầu tiên vào hôm thứ Hai, và một cặp bộ trưởng khác thảo luận riêng về các khả năng thương mại giữa hai quốc gia. (BBT)

Yoshihide Suga đắc cử Thủ tướng Nhật Bản,

kế nhiệm Shinzo Abe

Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Yoshihide Suga làm tân Thủ tướng của nước này, sau khi ông Shinzo Abe từ chức.
Sau khi được bầu làm Chủ tịch đảng lãnh đạo của đảng cầm quyền vào đầu tuần này, cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư đã xác nhận vị trí mới của cựu Chánh văn phòng Nội các.
Ông được coi là đồng minh thân cận của ông Abe và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của người tiền nhiệm.
Vào tháng trước, ông Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức với lý do sức khỏe.
Trước đó, hôm thứ Tư, ông Abe đã tổ chức cuộc họp nội các cuối cùng và nói với các phóng viên rằng ông tự hào về những thành tựu của mình trong gần 8 năm cầm quyền.
Ông Suga sau đó dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn thủ tướng tại Hạ viện Nhật Bản, nhận được 314 trong tổng số 462 phiếu bầu.
Với việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ của ông đứng đầu nắm đa số ghế tại quốc hội, ông Suga chắc chắn sẽ được chọn làm thủ tướng.
Cùng với nội các mới của mình, ông sẽ sớm được Nhật hoàng làm lễ theo nghi thức tại Hoàng cung.
Thách thức phía trước
Là một chính trị gia kỳ cựu và là thành viên nội các lâu năm, ông Sugar cầm quyền vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đang phải vật lộn với đại dịch virus corona đã gây ra sự sụt giảm kinh tế lớn nhất ở mức kỷ lục, sau nhiều năm kinh tế đình trệ.
Đất nước này cũng đang đối mặt với vấn đề xã hội già hóa nhanh chóng, với gần một phần ba dân số trên 65 tuổi.
Ông Suga đã giữ chức Chánh văn phòng Nội các, vai trò cao cấp nhất trong chính phủ, sau Thủ tướng, trong nhiều năm.
Ông đã hứa sẽ tiếp tục thực hiện phần lớn chương trình nghị sự của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả chương trình cải cách kinh tế có tên Abenomics.
“Việc bổ nhiệm ông Suga đảm bảo tính liên tục ở tất cả các sáng kiến chính sách lớn do Shinzo Abe đề ra,” Yuki Tatsumi, giám đốc chương trình Nhật Bản của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, nói với BBC.
“Cách ông ấy điều hành với tư cách là bộ mặt của chính phủ Nhật Bản sẽ là bài kiểm tra lớn nhất đối với ông,” bà cảnh báo.
“Trong khi năng lực của ông ấy với tư cách là cánh tay phải của ông Abe và Chánh văn phòng Nội các của mình đã được chứng minh, năng lực của ông như một nhà lãnh đạo đất nước nhìn chung vẫn chưa được kiểm chứng, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Cách mà ông Suga có thể chuyển từ vị trí người ủng hộ sang vị trí nhân vật chính sẽ quyết định quá trình chuyển đổi lãnh đạo có thể được xoay sở tốt tới đâu. “
Ông Yoshihide Suga là ai?
Là con trai một nông dân trồng dâu tây, ông Suga là một chính trị gia kỳ cựu xuất thân từ gia đình khiêm tốn – điều khiến ông khác biệt với phần lớn giới tinh hoa chính trị của Nhật Bản.
Chính trị gia 71 tuổi vươn lên chậm trong hàng ngũ chính trị. Ban đầu, ông làm thư ký cho một nhà lập pháp LDP trước khi dấn thân vào sự nghiệp chính trị của riêng mình, từ bầu cử hội đồng thành phố đến trở thành thành viên của Diet, tức Hạ Viện vào năm 1996.
Năm 2005, ông trở thành Chánh văn phòng nội các dưới thời Junichiro Koizumi và có thêm ảnh hưởng trong nội các Abe sau đó.
Là cánh tay phải của ông Abe, ông nổi tiếng là người làm việc hiệu quả và thực tế. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abe ủng hộ mạnh mẽ đồng minh của mình cho vị trí lãnh đạo.
Một trong những lần xuất hiện nổi bật nhất của ông trong thời gian gần đây là lần công bố Niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa) trong quá trình chuyển tiếp từ Nhật Hoàng Akihito thoái vị sang Thái tử Naruhito hồi năm 2019.
Tuy nhiên, khi ông tiếp quản giữa nhiệm kỳ, nhiều nhà quan sát dự đoán ông sẽ chỉ phục vụ hết nhiệm kỳ còn lại đến cuối năm sau.
Khi ông giành chiến thắng áp đảo tại LPD vào thứ Hai, ông chỉ cần sự hỗ trợ từ chính đảng của mình.
Tuy nhiên, trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, ông sẽ phải đối mặt với cử tri đoàn và chính trị gia ít tiếng tăm này có thể không phải là lựa chọn đầu tiên của LDP, giới quan sát nhận định.

Nhật Bản: Yoshihide Suga

chính thức được bầu làm thủ tướng

Trọng Nghĩa
Đúng như dự kiến, vào hôm nay, 16/09/2020, ông Yoshihide Suga, 71 tuổi, phó tướng trung thành của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được Nghị Viện Nhật Bản bầu làm tân thủ tướng thay thế ông Abe đã từ chức vì lý do sức khỏe.
Theo kết quả được cộng bố, tại Hạ Viện Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, đã nhận được 314 phiếu tín nhiệm trên số 462 phiếu hợp lệ. Đây là kết quả được chờ đợi vì lẽ đảng cầm quyền Dân Chủ Tự Do của ông Suga cùng với đồng minh là đảng nhỏ Komeito nắm đa số vững chắc trong định chế lập pháp này, và trong cuộc bỏ phiếu hôm nay thì chỉ cần đa số quá bán là được bầu.
Tại Thượng Viện, ông Suga cũng được tín nhiệm với 142 phiếu thuận trên tổng số 240 phiếu.
Ngay sau khi được bầu, tân thủ tướng Nhật đã công bố thành phần nội các mới, với rất nhiều bộ trưởng trong chính phủ tiền nhiệm được giữ lại.
Đó là trường hợp của ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và bộ trưởng Tài chính Aso Taro. Cả hai vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò của mình, trong khi nguyên bộ trưởng Y Tế Motonobu Kato thì được đề bạt giữ chức vụ chánh văn phòng nội các, vị trí của ông Suga trước đây.
Đáng chú ý là sự kiện em trai của cựu thủ tướng Abe, ông Nobuo Kishi, lần đầu tiên được cử vào nội các và sẽ đảm nhiệm vai trò bộ trưởng Quốc Phòng. Tổng cộng trong nội các mới chỉ có hai phụ nữ.
Thành phần nội các mới này phản ánh đúng cam kết của ông Suga là tiếp tục đường lối người tiền nhiệm đã điều hành nước Nhật liên tục từ cuối năm 2012.

Trung Quốc hết lợi thế, nhiều công ty Đài Loan

quay về quốc đảo đầu tư

Lục Du
Taiwan News cho hay, vì Trung Quốc gặp khó trong cuộc thương chiến với Mỹ nên các công ty Đài Loan đã rời Đại lục quay về kinh doanh tại quê nhà với khoản đầu tư lên tới 1.890 nghìn tỷ Đài tệ (64 tỷ USD) và tạo ra hơn 90.000 việc làm trong vòng chưa đầy hai năm qua.
Trong bài phát biểu với tiêu đề “Hướng tới thời kỳ hậu đại dịch, những thách thức và cơ hội kinh tế của Đài Loan” trước các thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 9/9 , Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan, Vương Mỹ Hoa, nói rằng nhà sản xuất máy tính Quanta Computer Inc. là một ví dụ điển hình về một trong số những công ty Đài Loan từ Trung Quốc quay trở về đầu tư tại quê nhà.
Ông Vương cho biết sau khi chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về lại Đài Loan, chi phí trên mỗi sản phẩm của Quanta Computer Inc. chỉ tăng 1 Đài tệ.
Ông Vương Kiện Toàn, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (CHIER), nói với FTV News rằng trước đây Trung Quốc cho sử dụng đất miễn phí và chiết khấu phí tiện ích để thu hút các nhà sản xuất Đài Loan, nhưng những ưu đãi đặc biệt này đã dần mất đi. Ông Vương Kiện Toàn nhận định khi Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ thì “công xưởng của thế giới” không còn được hưởng lợi thế về chi phí như trước đây.
Theo ông Vương Kiện Toàn, ở Đại lục chi phí nhân công tăng chóng mặt cùng với mức lương hàng tháng tăng gần 2.000 nhân dân tệ từ năm 2018 đến 2019 đã khiến thời kỳ “hoàng kim” của các công ty Đài Loan ở Trung Quốc đi vào tàn lụi.
Vị Phó chủ tịch của CHIER cho biết thêm, nhiều công ty Đài Loan đã sở hữu đất riêng ở hòn đảo trong khi họ lại phải trả giá thuê đất ngày càng cao ở Trung Quốc. Các chi phí tiện ích khác ở Trung Quốc cũng đang tăng lên, còn những điều này ở Đài Loan lại đang ở mức “rẻ nhất châu Á”.
Kể từ tháng 1/2019, chính phủ Đài Loan đã đưa ra một số ưu đãi nhằm thu hút các công ty Đài Loan quay trở lại đầu tư ở quê nhà với các dịch vụ tùy chọn, ưu đãi thuế và các chính sách nhằm giảm bớt “năm sự thiếu hụt” – “đất đai, điện, nước, lao động và nhân tài”.

Hong Kong chống chọi Covid-19

trong không gian chật hẹp

Chermaine Lee
Khi Hong Kong cố gắng kìm hãm làn sóng Covid-19 thứ ba bằng cách cấm thực khách ngồi ăn tại chỗ ở nhà hàng, giới chức đã nhanh chóng gặp phải vấn đề.
Một số người chả có nơi nào khác để ngồi ăn. Các bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy người lao động ngoài trời sử dụng thời gian nghỉ ngơi của họ để ăn trong công viên dưới cái nắng nóng gay gắt hoặc trong nhà vệ sinh công cộng khi trời mưa lớn.
Tuy quyết định này đã bị hủy bỏ ngay trong vòng 48 giờ, nhưng nó đã làm nổi bật sự khan hiếm không gian công cộng ở thành phố 7,5 triệu dân này.
Người Hy Lạp cổ đại đã coi quảng trường thành phố, mà trong tiếng Hy Lạp là agora là trung tâm của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, còn người La Mã thì dùng những nơi giống thể, gọi là forum, để phục vụ chức năng tương tự, nhưng việc cung cấp không gian công cộng trong các thành phố hiện đại đã trở nên phức tạp hơn.
Chỉ có không gian thôi là chưa đủ mà không gian ấy còn phải dễ tiếp cận, thuận tiện và có lẽ quan trọng nhất là phải thể hiện sự thịnh tình. Đại dịch Covid -19 cùng với các chính sách phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội đã góp phần nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề này.
Ở Hong Kong, không gian xanh công cộng thực sự chiếm tới 40% tổng diện tích lãnh thổ, một tỷ lệ lớn so với London và New York.
Nhưng xem xét kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng trong khi hầu hết dân cư sống tập trung ở một phần tư diện tích đất của thành phố, thì các công viên lớn nhất lại nằm ở những khu vực vắng vẻ hơn nhiều.
Theo Carine Lai, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Civic Exchange ở Hong Kong, người dân phải mất trung bình cả tiếng đồng hồ để có thể đi từ nhà đến được công viên rộng lớn ở ngoại ô.
So với các thành phố khác, không gian công cộng nội đô của Hong Kong – không gian giải trí ngoài trời mà công chúng có thể đến – quá là chật hẹp.
Mỗi người dân chỉ có vẻn vẹn 2,7 mét vuông, lớn hơn một chút so với một chiếc quan tài hoặc buồng vệ sinh, trong khi Singapore, nơi có diện tích lãnh thổ chỉ bằng một nửa Hong Kong tỷ lệ này là 7,4 mét vuông, theo nghiên cứu năm 2017 của Civic Exchange.
New York, khét tiếng là nơi giá đất đắt đỏ, có trên 10 mét vuông không gian công cộng nơi đô thị tính trung bình cho mỗi người.
Hendrik Tieben, giám đốc chương trình thiết kế đô thị tại Đại học Trung Văn Hong Kong, cho biết các công viên đô thị của Hong Kong cũng không phải lúc nào cũng thân thiện.
“Bạn bị cấm đoán nhiều thứ trong các công viên đô thị, như không được ngồi trên bãi cỏ, không được ăn trong công viên, v.v…”, ông nói thêm. “Mọi người hầu như không bao giờ được phép chạm vào thảm thực vật trong công viên.”
Ông nói rằng ngay cả khi có một đài phun nước ở nơi công cộng thì nó cũng thường được thiết kế ghiêng một bên nên mọi người khó mà ngồi thoải mái được.
Cứ quanh quẩn trong nhà suốt ngày quả điều không hề dễ chịu đối với nhiều người Hong Kong, vốn đã phải sống trong những căn hộ chật hẹp do giá bất động sản đắt đỏ.
Giao dịch mua bán nhà ở, trung bình giá đứng ở mức 2.091 đô la/ bộ vuông (khoảng 0,09 mét vuông), cao gấp bốn lần so với New York (khoảng 526 đô la) và gấp đôi Singapore (khoảng 1.063 đô la), theo dữ liệu thống kê của CBRE từ Anh, hãng chuyên nghiên cứu tư vấn quản lý nhà ở dân dụng.
Theo số liệu của chính phủ thì một hộ gia đình trung bình chỉ có diện tích ở khoảng 15 mét vuông (161,5 bộ vuông) cho một người, thậm chí nếu ở các căn hộ chia nhỏ hơn thì con số này giảm chỉ còn có 5,3 mét vuông/ người (khoảng 56,5 bộ vuông).
Ưu tiên đất đai
Một phần của vấn đề là do lịch sử để lại. Cụ thể trường hợp của Hong Kong, bà Lai nói rằng chính quyền thuộc địa Anh không khuyến khích tạo ra không gian mở cho công chúng hồi Thế kỷ 19 vì thu nhập của chính quyền lệ thuộc nặng nề vào việc bán đất, mà nhờ đó mới duy trì được thuế thấp.
“Hồi đó, thuật ngữ ‘không gian mở’ chỉ đơn giản có nghĩa là yêu cầu chủ sở hữu bất động sản để lại phần đất chưa xây dựng ở phía sau nhà dành cho các chức năng vệ sinh, thông gió và phòng chống dịch bệnh,” bà nói. “Đó không phải là không gian mở công cộng theo cách hiểu của chúng ta ngày nay.”
Chính phủ Anh mãi cho đến cuối Thế kỷ 20 mới đưa khái niệm hiện đại về không gian mở công cộng vào quy hoạch đô thị, bà Lai cho biết.
Mặc dù vậy, đến nay tình hình vẫn không được cải thiện đáng kể vì Hong Kong đã dựa vào cách tiếp cận tự do kinh tế để quản lý các nhà phát triển địa ốc tư nhân.
Được mệnh danh “thiên đường mua sắm”, Hong Kong có rất nhiều loại trung tâm thương mại khác nhau, là sản phẩm ăn theo của chiến lược phát triển dựa vào du lịch của thành phố.
Theo Tieben, trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào thời thập niên 1980, các chính sách đã được đưa ra để tái cân bằng nhu cầu không gian công cộng của người dân với lợi ích thương mại của các nhà phát triển địa ốc. Các chính sách này tập trung vào sự xuất hiện các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân (POP).
Mục đích của POP – vốn cũng đã được áp dụng từ lâu ở London và New York – là tạo ưu đãi cho các nhà phát triển địa ốc. Để đổi lấy việc được phép né các quy định quy hoạch xây dựng thì họ phải chừa một số khoảng không gian thuộc phần đất của họ cho công chúng sử dụng.
Tuy nhiên, POP đã bị chỉ trích nặng nề ở Hong Kong, New York và London sau khi các cuộc điều tra phát hiện ra rằng mặc dù về kỹ thuật thì tuy là không gian mở cho công chúng, nhưng trên thực tế những nơi đó lại thiếu một số tiện ích nhất định khiến người dân không mấy ai muốn sử dụng.
Chẳng hạn như ở Hong Kong, một số thứ như ghế băng chẳng hạn là rất hiếm thấy trong các không gian có mái che thuộc sở hữu tư nhân như trung tâm thương mại. Muốn có chỗ ngồi thì trước tiên bạn phải mua sắm thứ gì đó cái đã.
“Chúng tôi phải đi qua vô số cửa hàng để đến được thang cuốn, chúng tôi chỉ có thể dùng thức ăn do các nhà hàng bên trong tòa nhà cung cấp, chúng tôi được khuyến khích tiêu dùng và chúng tôi không được ngồi trên sàn hoặc nói to trong các trung tâm thương mại,” một sinh viên địa phương tên là Claire Lo viết trong nghiên cứu tại Đại học Lĩnh Nam Hong Kong về những mặt trái của thiết kế đô thị nơi đây.
Không gian công cộng và chất lượng đời sống
Kể từ khi có Covid-19, không gian công cộng đô thị thậm chí còn trở nên quan trọng hơn, bởi nhiều người coi đó như lối thoát vô cùng cần thiết, giúp họ bứt khỏi sự gò bó trong nhà, ra ngoài đi dạo mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội.
Các thành phố trên khắp thế giới cũng đang đấu tranh để có thêm nơi thư giãn cho dân chúng; Thủ đô Vilnius của Lithuania đã cho phép các quán bar và quán cà phê sử dụng thêm không gian công cộng để khách hàng có khoảng giãn cách xã hội cần thiết; chính quyền San Francisco đã cấm xe cơ giới vào một số con đường để dành cho người dân chạy bộ, đạp xe và đi dạo an toàn; còn các nghĩa trang ở Mỹ hiện đang chứng kiến lượng khách viếng thăm tăng đột biến, khi người ta kết hợp việc thăm viếng với việc ra nơi có không gian ngoài trời.
Không gian đô thị không phải là thứ chỉ để trang trí. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sống ở thành phố có nguy cơ trầm cảm cao hơn 40% và nguy cơ lo lắng cao hơn 20% so với nông thôn. Nói một cách đơn giản thì không gian công cộng rất tốt cho sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của bạn.
“Đây có thể là thách thức đối với một thành phố đông đúc như Hong Kong, nơi không gian công cộng rất hạn chế,” Tiến sĩ Layla McCay, giám đốc Trung tâm Thiết kế Đô thị và Sức khỏe Tâm thần, nói. “Đặc biệt là khi mọi người được yêu cầu chỉ loanh quanh gần nhà, tránh dùng các phương tiện giao thông công cộng để giảm nguy cơ lây lan virus, bởi như vậy là làm giảm khả năng họ đến được với không gian cây xanh cũng như môi trường biển của Hong Kong.”
Bà mẹ đơn thân Linda Chan sống cùng con gái ba tuổi và con trai bảy tuổi trong một căn hộ nhỏ chưa đầy 100 bộ vuông (hơn 9 mét vuông một chút) tại một trong những khu vực đông đúc nhất của thành phố.
Trong làn sóng bùng phát virus corona đầu tiên và thứ hai, họ vẫn tiếp tục đi dã ngoại vào những ngày cuối tuần nhưng kể từ đợt thứ ba, các quy định hạn chế trở nên nghiêm ngặt hơn và hiện họ phải ở yên trong nhà.
“Bọn nhỏ luôn muốn được ra ngoài vì trong căn hộ đâu có không gian cho chúng chơi,” Chan nói. “Việc đi chơi công viên mỗi tuần một lần đến giờ không còn được phép nữa. Chúng nó buồn lắm…. Chúng trở nên cau có hơn. Tôi thì rất hay nổi giận.”
Tieben mong muốn có nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa các quan chức thành phố và các hội nhóm địa phương để biến những khu vực chưa được sử dụng hiệu quả của Hong Kong thành không gian công cộng, giống như những gì đã được làm ở New York hồi 2007.
Là một phần trong kế hoạch của thành phố cho tương lai, chương trình New York City Plaza nhằm cung cấp cho người dân New York không gian mở đảm bảo chất lượng trong phạm vi 10 phút đi bộ.”Bạn muốn có một không gian công cộng, nơi mọi người có thể lui tới và là nơi làm tăng sức mạnh cộng đồng,” ông nói.
Chính quyền Hong Kong đã đạt được một số tiến bộ trong những năm qua, bao gồm cả việc xây dựng các lối đi dạo ven biển.
Bộ Giải trí và Dịch vụ Văn hóa, chịu trách nhiệm quản lý các công viên công cộng của thành phố, đã tăng số lượng vườn đi dạo dành cho thú cưng từ 19 khu vào năm 2010 lên 45 khu vào năm 2019. Người phát ngôn cho biết thêm rằng họ hiện cung cấp 50 bãi cỏ đa năng cho mục đích công cộng, tăng từ 39 trong năm 2010 đến 51 vào năm 2018.
Người phát ngôn cho biết: “Công chúng được hoan nghênh sử dụng những khu vực bãi cỏ này cho các hoạt động khác nhau như dã ngoại, chơi trò chơi hoặc đơn giản là nằm đọc sách dưới ánh nắng mặt trời.”
Sở quy hoạch của thành phố cũng đã công bố kế hoạch tăng diện tích không gian công cộng trên đầu người tối thiểu từ 2 mét vuông lên 2,5 mét vuông vào năm 2030.
Điều này sẽ cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân ở những khu vực đông đúc nhất, tuy nhiên mức này vẫn còn thấp so với mức 3-3,5 mét vuông một người theo tiêu chuẩn bà Lai khuyến nghị, là mức vẫn còn thấp tới mức khiến Hong Kong vẫn xếp hàng sau các thành phố lớn của châu Á như Tokyo, Seoul, Thượng Hải và Singapore.
Bà Lai tin rằng Hong Kong sẽ cần đặt tham vọng cao hơn, đặc biệt là sau khi đã có được những bài học rút ra từ đại dịch. “Không nên bắt mọi người phải quen với việc thiếu thốn gian công cộng,” bà nói.
Vào lúc các thành phố trên khắp thế giới đang còn tìm kiếm những phương cách an toàn, đảm bảo giãn cách xã hội để tập thể dục, giao tiếp, làm việc và vui chơi, chúng ta nhận ra rằng những không gian này quan trọng hơn bao giờ hết.
Sự hiện diện của những không gian công cộng tiện nghi này tại trung tâm thành phố không chỉ là thẩm mỹ mà còn làm nên linh hồn của khu vực. Đó còn là tính cộng đồng, sự đoàn kết cùng tham gia và kết nối giao lưu giữa người với người.
Có lẽ người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có ý tưởng hoàn toàn đúng đắn từ thuở xa xưa?
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Hong Kong phản đối

Mỹ yêu cầu dán nhãn mác ‘Made in China’

Chính quyền Hong Kong đã chính thức phản đối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc phải dán nhãn mác “Made in China” [Sản xuất tại Trung Quốc] lên các hàng hóa xuất khẩu từ đặc khu này, Reuters đưa tin hôm 16/9, dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Edward Yau.
Bước đi công bố tháng trước của Washington tiếp sau việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hong Kong, dẫn tới quyết định của Washington, chấm dứt việc đối xử đặc biệt dành cho Hong Kong.
Theo Reuters, ông Yau nói rằng động thái của Hoa Kỳ “trái với các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và vi phạm quyền của chúng tôi trong vai trò một khu vực hải quan riêng biệt”.
“Chúng tôi là một thành viên độc lập của WTO”, ông Yau nói tiếp.
Theo Reuters, hôm 15/9, Tổ chức Thương mại Thế giới nói rằng Hoa Kỳ đã vi phạm các luật lệ thương mại toàn cầu khi áp thuế nhiều tỷ đôla với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Sự thất bại trong “ngoại giao chiến lang”

của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Nguyễn Trường
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của cả thế giới.
Trung Quốc đã phải đối mặt với một thách thức kép: xử lý cuộc khủng hoảng y tế và hình ảnh quốc gia là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng. Sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc vào các mạng lưới trao đổi thương mại và con người đã thực sự biến một cuộc khủng hoảng vốn mang tính nội bộ trở thành một vấn đề quốc tế. Trung Quốc đã nhanh chóng có phản ứng ngoại giao trên cả ba mặt trận. Thứ nhất, Trung Quốc rõ ràng đã cố gắng tác động đến các quyết định và lịch trình công bố của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nhằm trì hoãn việc tiết lộ về đại dịch, cho phép họ xử lý cuộc khủng hoảng trong nội bộ. Sau đó, Trung Quốc lao vào thực hiện chính sách “ngoại giao khẩu trang” thông qua các khoản viện trợ có mục tiêu trong thời gian đầu, nhằm khôi phục hình ảnh của Trung Quốc ở các nước thụ hưởng. Cuối cùng, Trung Quốc đã chú trọng đến những phương tiện gắn liền với lĩnh vực y tế, trong đại công trình các Con đường tơ lụa mới, nhằm tỏ ra là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực y tế vào thời điểm khủng hoảng. Tuy nhiên, nỗ lực viết lại câu chuyện về cuộc khủng hoảng y tế của các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho là đáng thất vọng.
Cho dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm gì thì phương thức “ngoại giao Chiến Lang” chỉ mang lại thảm họa cho lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ có nhiều bạn thân thực sự trên thế giới, và trong vòng chưa đầy một năm qua, các “chiến binh sói” của nước này đã làm tan biến bất kỳ sự tin tưởng nào mà Bắc Kinh có thể có được với tư cách là một đối tác thương mại, đầu tư và nghiên cứu trên khắp thế giới: Ở một nước Mỹ bị chia rẽ, hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ đã có một chính sách nhất quán chống Trung Quốc. Hành vi xấu xa của Bắc Kinh đã tạo nên sự đồng thuận trong Liên minh châu Âu (EU) và Anh, gắn kết ASEAN vì một mục tiêu chung mạnh mẽ hơn và khơi dậy quyết tâm của Australia trong việc thực hiện chính sách “Bước Tiến Thái Bình Dương” và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Có thể nêu ra 3 yếu tố chính đang định hình tư duy chiến lược của ông Tập Cận Bình. Hiểu được những yếu tố này sẽ giúp các nước xác định các phản ứng chính sách và dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo.
Yếu tố đầu tiên là việc hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng tập trung vào một người, đó là ông Tập Cận Bình. Thông qua các cuộc thanh trừng thường xuyên trong đảng và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kể từ năm 2012, ông Tập Cận Bình đã loại bỏ các đối thủ chính trị, trở thành tổng tư lệnh quân đội và là người ra các quyết sách trên mọi lĩnh vực, từ Biển Đông cho đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và ứng phó với đại dịch COVID-19. Có những nguy hiểm rõ ràng trong cách tiếp cận như vậy. Liệu có nhân vật cấp cao nào trong ĐCSTQ sẽ hoặc có thể tiếp cận ông Tập Cận Bình để nói với ông rằng chiến thuật “Chiến Lang” đang làm tổn hại tới lợi ích toàn cầu của ĐCSTQ hay không? Chắc chắn những người có ý kiến phê bình nội bộ như vậy sẽ bị loại khỏi bất kỳ vị trí nào. Bản năng chính trị của ông Tập Cận Bình được rèn giũa nhờ kinh nghiệm của chính ông khi thấy cha mình – ông Tập Trung Hưng, một nhân vật anh hùng trong lịch sử ban đầu của ĐCSTQ – bị bức hại và bỏ tù trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960. Bản thân ông Tập Cận Bình đã bị đày tới một vùng nông thôn hẻo lánh vào thời điểm đó. Ngoài tấm gương của người cha, sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng chịu tác động sâu sắc của hệ tư tưởng Mác-Lenin. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã đưa “chủ nghĩa độc tài” vào thế giới trí tuệ nhân tạo và giám sát toàn diện của thế kỷ 21. Khi bắt tay vào quá trình tập trung mọi quyền lực cho bản thân, thật khó để thấy ông Tập Cận Bình bằng cách nào có thể thoát khỏi lộ trình hành động hiện tại. Điều này có nghĩa là cách tiếp cận quyết đoán và không khoan nhượng của Trung Quốc trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì chừng nào ông Tập Cận Bình vẫn còn nắm quyền.
Yếu tố thứ hai định hình cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình là củng cố vị thế của ĐCSTQ ở trong nước. Điều này quan trọng hơn nhiều so với cách thế giới bên ngoài phản ứng như thế nào đối với các hành động của Bắc Kinh. Điều này giúp giải thích tại sao Trung Quốc thực sự không quan tâm đến các phản ứng tiêu cực của quốc tế đối với việc quân sự hóa Biển Đông; hủy bỏ Tuyên bố chung Trung-Anh về Hong Kong; hoặc các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, Tây Tạng và các nơi khác. Điều quan trọng nhất đối với ĐCSTQ là người dân Trung Quốc nhìn nhận hành động của ĐCSTQ như thế nào? Những luận điệu ngày càng gay gắt của Bắc Kinh về việc đánh bại chủ nghĩa “ly khai” ở Đài Loan, bằng cách sử dụng vũ lực quân sự nếu cần thiết, có thể bị thế giới coi là gây mất ổn định an ninh châu Á, nhưng ở bên trong Trung Quốc, họ lại có thể nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Vào thời điểm ĐCSTQ bị chỉ trích ở trong nước vì quản lý yếu kém trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 và không mang lại tăng trưởng kinh tế để đạt được mức sống tốt hơn, việc khơi dậy tình cảm dân tộc sẽ giúp củng cố quyền kiểm soát của Đảng. Bắc Kinh nhận thức được rằng chẳng có thế lực nào ngoài Mỹ có thể ảnh hưởng đến nội bộ Trung Quốc. Những gì Mỹ làm có ý nghĩa sâu sắc đối với Trung Quốc, đặc biệt là vì có lẽ trong 5-10 năm tới, Mỹ vẫn giữ được cán cân quyền lực quân sự. Phần lớn hành vi quốc tế của Trung Quốc được định hình bởi các phán đoán về cách Mỹ sẽ phản ứng. Trong vấn đề Biển Đông, một khi Bắc Kinh thấy rõ rằng chính quyền Mỹ không tích cực phản đối việc xây dựng đảo của họ, thì sự phản đối của Đông Nam Á, Australia và các nước khác là không quan trọng.
Yếu tố thứ ba khiến Trung Quốc chuyển sang cách tiếp cận “Chiến Lang” là ông Tập Cận Bình đã kết luận rằng các hành vi cưỡng ép sẽ mang lại hiệu quả. Các hành động mà Trung Quốc đang tìm cách trừng phạt hoặc răn đe bao gồm: hợp tác với Đài Loan theo những cách không được Bắc Kinh chấp thuận, tổ chức các cuộc gặp với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, ngăn chặn công nghệ 5G của Huawei và kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Trong nhiều trường hợp, và đặc biệt là trong những trường hợp khi Bắc Kinh đe dọa giới doanh nghiệp, thực tế là các biện pháp cưỡng ép đã phát huy tác dụng. Bài học mà Bắc Kinh rút ra cho mình là khả năng tiếp cận nền kinh tế của nước này là một đòn bẩy mạnh mẽ đối với các quốc gia cũng như doanh nghiệp và các đe dọa hạn chế khả năng tiếp
cận thị trường Trung Quốc thực sự có thể buộc các bên liên quan phải thay đổi hành vi có lợi cho Trung Quốc.
Đông Nam Á và Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm chiến tranh và xung đột nên hòa bình và ổn định là nhu cầu sống còn để phát triển. Hơn lúc nào hết, hiện nay Việt Nam luôn muốn có mối quan hệ thật tốt, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở 5 nguyên tắc của Hiến chương LHQ nhưng với tham vọng của Trung Quốc khi tiến về phương Nam, Trung Quốc đã 3 lần đe doạ khiến Việt Nam phải rút các giàn thăm dò và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào các năm 2017, 2018 và hồi giữa năm 2020.
Chính vì vậy, bài học cho Việt Nam và tất cả các quốc gia khác là việc nhượng bộ các hành vi “Chiến Lang” của Bắc Kinh sẽ chỉ khuyến khích thêm các hành vi ép buộc khác. Cách tiếp cận quyết đoán hiện nay của Bắc Kinh khiến các quốc gia khó có thể đi theo một lộ trình hành động khác mà trái với mong muốn của Trung Quốc. Cách tiếp cận này của Bắc Kinh sẽ còn tiếp diễn chừng nào ông Tập Cận Bình vẫn tại vị.
Đối với Việt Nam, biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc duy nhất hiện nay là giảm sự phụ thuộc cả về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc.
Nếu hơn 30 năm trước đây lợi ích lớn nhất của Mỹ là kiềm chế Liên Xô và sau đó là Nga, thì bây giờ việc ngăn Trung Quốc trở thành đối thủ soán ngôi số 1 của Mỹ là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Quan hệ Mỹ – Trung về bản chất là đối trọng với nhau nhưng đối tác vẫn không bị cả hai phía triệt tiêu dù trong trước mắt chưa có tín hiệu nào cho thấy có sự nhượng bộ và nếu có thì thời gian phải tính bằng thập niên. Điều cực kỳ quan trọng là cho dù ai lên nắm quyền tổng thống Mỹ sau tháng 11/2020, Mỹ cũng sẽ phải đặt ra các ranh giới đỏ rõ ràng hơn đối với hành vi của Trung Quốc đối với Đài Loan và an ninh châu Á. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các kế hoạch kinh tế và quân sự của riêng mình, đặc biệt là tăng cường năng lực quốc phòng răn đe, đủ sức tấn công để làm tổn hại đối với bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào muốn xâm lược biển đảo của Việt Nam.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ngày tàn của “Vành đai và Con đường”

“Vành đai Con đường” đang suy tàn
Cho đến nay, xét về mọi mặt, từ vốn tài trợ, hoạt động song phương, tầm quan trọng về chính trị, thì sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đang suy yếu, và điều đó không chỉ vì đại dịch COVID-19.
Cuối tháng 7/2020, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức một cuộc họp để vạch ra các ưu tiên kinh tế của nước này cho thời gian còn lại của năm 2020 – một nhiệm vụ cấp bách hơn bình thường trước những tổn thất kinh tế vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng quan tâm hơn cả những nội dung được Bộ Chính trị thảo luận lại chính là nội dung bị bỏ sót: BRI.
BRI được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 và đã trở thành nền tảng cho chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc, thậm chí còn được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2017. Trong một cuộc họp với mục đích được xác định là phân tích và nghiên cứu các xu hướng kinh tế và công tác kinh tế hiện nay, việc BRI không được đề cập đến là điều đáng nói. Như phóng viên Thời báo tài chính Tom Hancock đã đăng trên Twitter, đây là lần đầu tiên một cuộc họp của Bộ Chính trị không đề cập đến BRI kể từ khi dự án này được công khai vào năm 2013.
Khoảng thời điểm đó, một báo cáo của Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) dựa trên cơ sở dữ liệu Theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc (CGIT) cho thấy trong thời gian từ tháng 1-7/2020, Trung Quốc chỉ đầu tư 23,45 tỷ USD cho các quốc gia tham gia sáng kiến BRI, một sự giảm sút đáng kể so với mức 106 tỷ USD trong cả năm 2019.
Theo một thước đo khác, Chỉ số “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của hãng truyền thông Caixin, cũng cho thấy tình trạng rơi tự do của BRI trong bối cảnh COVID-19. Chỉ số này đánh giá sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước tham gia sáng kiến này – trên 100 điểm là tăng trưởng và dưới 100 điểm là suy giảm. Tháng 4/2019, chỉ số OBOR ở mức cao – 110,8 điểm; một năm sau, chỉ số này giảm xuống còn 59,1 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được áp dụng năm 2016.
Tất nhiên, đại dịch COVID-19 giúp giải thích cho triển vọng mù mịt của BRI. Sau khi áp dụng các biện pháp phong tỏa khiến kinh tế rơi vào khủng hoảng, các nước trên thế giới đang chuyển sang hướng nội. Tại một buổi họp báo vào tháng 6/2020, Vương Tiểu Long, Vụ trưởng Vụ kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết 20% các dự án BRI chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, 30%-40% chịu ảnh hưởng một phần và 40% hầu như không bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, trước khi đại dịch bùng phát, đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của BRI. Theo chỉ số OBOR của Caixin, BRI bắt đầu suy giảm ở mức độ đáng chú ý từ tháng 11/2019 – nhiều tháng trước khi COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Mức độ hợp tác trong khuôn khổ BRI bắt đầu giảm từ tháng 11/2019.
Dữ liệu CGIT của AEI cho thấy sự suy giảm bắt đầu còn sớm hơn. Báo cáo của AEI từ tháng 1/2020 cho thấy mức độ đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trên toàn thế giới trong năm 2019 giảm. Trên thực tế, theo GCIT, đầu tư của Trung Quốc cho BRI đạt đỉnh vào năm 2015, ở mức 127,24 tỷ USD. Chỉ số OBOR của Caixin về hợp tác song phương đạt đỉnh năm 2016, sau đó lúc tăng lúc giảm nhưng xu hướng chung là giảm.
Điều kỳ lạ là số lượng các quốc gia tham gia BRI vẫn tăng. Trang mạng chính thức của Chính phủ Trung Quốc về BRI (www.yidaiyilu.gov.cn) đăng tải danh sách 138 quốc gia (không tính Trung Quốc) tham gia BRI tính đến thời điểm tháng 8/2020, tăng đáng kể so với con số 65 quốc gia tham gia khi Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh năm 2017. Mặc dù số lượng các quốc gia đăng ký tham gia tăng lên, nhưng lợi ích mà Trung Quốc mang đến – số tiền đầu tư tính bằng USD – đang giảm. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận của mỗi nước tham gia sẽ ít hơn nhiều.
Vì đâu nên nỗi?
Đầu tiên, như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bị suy giảm, làm chậm lại quá trình đầu tư cho BRI. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 4.000 tỷ USD vào năm 2014, và hiện nay đã ổn định ở mức khoảng 3.000 tỷ USD. Mặc dù đó vẫn là một khoản tiền lớn, nhưng điều đó có nghĩa là đầu tư ra nước ngoài đã giảm 25%.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là sự suy giảm của cả nền kinh tế Trung Quốc. Trước tình trạng kinh tế giảm sút, Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ mối lo ngại về khả năng tài chính. Đại dịch COVID-19 chỉ khiến xu hướng đó gia tăng. Trong Báo cáo công tác chính phủ năm 2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo rằng chính quyền các cấp phải thực sự thắt lưng buộc bụng. Ông cũng cho biết rằng chính phủ cam kết giảm 50% chi tiêu ngân sách đối với những hạng mục không cần thiết và không bắt buộc.
Đó là dấu hiệu chẳng lành đối với BRI. Như giáo sư Deborah Brautigam và nghiên cứu viên Yufan Huang tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao John Hopkins đã lưu ý trong một bài phân tích gần đây trên tạp chí The Diplomat, 94% các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho các quốc gia thu nhập thấp (vốn là nguyên nhân khiến số lượng các nước tham gia BRI tăng lên) đến từ các bên cho vay chính thức của Trung Quốc, như các cơ quan tài chính trực thuộc chính phủ và các ngân hàng phát triển. Trước những khó khăn trước mắt và yêu cầu thắt lưng buộc bụng, các nguồn tài trợ chính thức có khả năng sẽ cạn kiệt với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn.
Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng nợ do COVID-19 gây ra ở các nước đang phát triển. Hầu hết các dự án BRI của Trung Quốc đòi hỏi các nước sở tại – thường là các nước thu nhập thấp – phải vay mượn để xây dựng cơ sở hạ tầng, và điều này là bất lợi. Đại dịch và cuộc khủng hoảng khả năng thanh toán mà nó gây ra khiến Trung Quốc không thể tiếp tục cấp vốn cho các siêu dự án ở các nước nghèo mà có thể phải chật vật để trả nợ. Theo phân tích của Deborah Brautigam và Yufan Huang, tính đến năm 2018, các quốc gia thu nhập thấp nợ Trung Quốc 104 tỷ USD; hiện nhiều quốc gia trong số này đang tìm cách giảm nợ trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc lo lắng về khả năng tài chính của chính họ.
Điều này có ý nghĩa gì đối với BRI? Rõ ràng dự án này sẽ không sớm biến mất. Đó sẽ là thảm họa chính trị, và sẽ xảy ra ngay sau khi Điều lệ ĐCSTQ được cập nhật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được Tập Cận Bình ưu ái. Tuy nhiên, BRI đang thay đổi, và có thể rất khác so với thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2015-2016. Kỷ nguyên của siêu dự án đang đến hồi kết, nhường chỗ cho những dự án nhỏ hơn được cho là mang lại nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn. Đáng chú ý, những dự án này sẽ được các công ty tư nhân tài trợ, khi Chính phủ Trung Quốc tìm kiếm các nguồn tài chính khác cho BRI.
Viện doanh nghiệp Mỹ đã chỉ ra sự thay đổi này như một lời cảnh báo trong báo cáo của họ về sự suy giảm của BRI năm 2019. Báo cáo này lưu ý rằng, cơ sở dữ liệu CGIT chỉ tính đến các khoản đầu tư từ 100 triệu USD trở lên và bỏ qua các dự án nhỏ hơn. Do đó, tình trạng suy giảm đầu tư trong khuôn khổ BRI, như AEI nêu ra, chỉ tập trung ở các thỏa thuận lớn, được báo giới chú ý. Với những thỏa thuận nhỏ hơn trong năm 2019, Viện doanh nghiệp Mỹ thừa nhận sự suy giảm tổng lượng trong đầu tư có thể không lớn như đã thấy theo số liệu Theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc.
Một lần nữa, xu hướng chuyển sang các dự án BRI nhỏ hơn sử dụng nguồn vốn tư nhân đã xuất hiện trước đại dịch COVID-19. Năm 2017, tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý của báo giới khi thông báo việc phân bổ hơn 110 tỷ USD cho các quỹ của chính phủ để hỗ trợ các dự án BRI. Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tiếp theo năm 2019, Tập Cận Bình lại nhấn mạnh rằng các thỏa thuận trị giá 64 tỷ USD đã được ký kết. Theo đó, sự chuyển dịch đã diễn ra theo hướng cắt giảm chi tiêu chính phủ và gia tăng số lượng thỏa thuận kinh doanh của các công ty Trung Quốc (kể cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước).
Báo cáo công tác chính phủ năm 2019 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau theo đuổi BRI, kể là với bên thứ 3 – ám chỉ rằng Trung Quốc không còn ưu tiên tài trợ 100% cho mọi dự án trong khuôn khổ BRI. Lý Khắc Cường cũng cam kết rằng khi triển khai BRI, Bắc Kinh sẽ tôn trọng các nguyên tắc thị trường và coi các doanh nghiệp là bên tham gia chủ đạo. Nói cách khác, không còn những dự án lớn mà hầu như không có ý nghĩa kinh tế.
Trong Báo cáo công tác chính phủ năm 2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã làm rõ hơn những điểm này, hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ nguyên tắc thị trường và tạo cơ hội hoạt động cho các doanh nghiệp với tư cách là bên tham gia chủ đạo vào việc phát triển BRI. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư ra nước ngoài.
Trung Quốc coi giai đoạn mới này trong quá trình thực hiện BRI là giai đoạn tập trung vào chất lượng. Đó là một phần trong phản ứng trước những chỉ trích rằng các dự án BRI của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn quốc tế, về cả chất lượng và sự ổn định tài chính. Tuy nhiên sự thay đổi đó cũng là cần thiết để duy trì BRI vì lợi ích của chính Trung Quốc trong tình hình kinh tế luôn thay đổi.
Tác động tới Việt Nam
Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, có cả biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Đồng thời Việt Nam cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng và tác động từ Trung Quốc. Mô hình thể chế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mô hình của Trung Quốc. Cả hai nước đều là chế độ độc đảng do đảng Cộng sản cai trị. Từ lâu, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là quốc gia “trong vòng ảnh hưởng” của họ. Vì vậy, dưới sức ép của Trung Quốc, Việt Nam cũng là quốc gia tham gia rất sớm vào BRI.
Trong BRI, Việt Nam nằm trong “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Nhưng trớ trêu thay, Việt Nam lại là quốc gia đang chịu nhiều áp lực trong âm mưu thôn tính biển đảo của Trung Quốc. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc Trung Quốc đe doạ và xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra sao. Chính vì vậy, tranh chấp trên Biển Đông cũng là một lực cản đáng kể đối với việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó dẫn đến những hạn chế hợp tác thực hiện BRI.
Ngoài ra, nhiều vấn đề còn tồn tại và tác động không xấu trong thực tiễn triển khai BRI, như thâm hụt thương mại, ảnh hưởng về môi trường, xã hội của các dự án cơ sở hạ tầng, vấn đề nợ công. Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia và người dân lo ngại về các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc BRI mang đến những tác động xấu. Trong đó phải kể đến rất nhiều dự án của Việt Nam như tuyến đường sắt Cát linh – Hà Đông, nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy Thép Thái Nguyên giai đoạn 2…
Với việc BRI đang “suy tàn” và chính phủ Trung Quốc điều chỉnh lại theo hướng mới, chắc chắc Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc hướng tới. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị các phương án tốt nhất để đối mặt với vấn đề này từ Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Người trong cuộc: Cựu giáo sư trường Đảng

dự đoán viễn cảnh ĐCSTQ rớt đài

Vũ Dương
“Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung”, cựu giáo sư trường Đảng, bà Thái Hà cho hay.
Làn sóng chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng lan rộng cả trong lẫn ngoài thể chế . Thái Hà, cựu giáo sư đã nghỉ hưu của trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, gần đây đã chỉ trích ĐCSTQ duy trì một hệ thống toàn trị dựa trên bạo lực, dối trá và quản chế nghiêm ngặt, nó không thua kém chủ nghĩa phát xít của Adolf Hitler. Bà cũng phân tích 3 cách thức dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ, cách thức
có khả năng nhất là áp lực nội bộ quá lớn, cuối cùng gánh nặng lớn quá không chịu được khiến nó đột nhiên sụp đổ, theo The Epoch Times.
Ngày 9/9, một đoạn ghi âm của bà Thái Hà đã được truyền rộng trên mạng. Trong đoạn ghi âm, bà Thái Hà đã phân tích chi tiết tình thế của ĐCSTQ cũng như tình cảnh trong nước Trung Quốc hiện nay, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn cục diện hiện tại, 90 triệu dân mà không cách nào tóm gọn được 1 người (Tập Cận Bình), kỳ thực chính là do bản chất của cái chế độ này quyết định.
Bà nói rằng, trên thực tế bản chất của chế độ này kể từ sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, cho đến Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của ĐCSTQ vào năm 1955, trên cơ bản nó chính là một chế độ kinh tế kế hoạch, hay kinh tế bao cấp. Thực chất, đó là một hệ thống tập trung quyền lực theo chế độ Stalin và xem tất cả người dân Trung Quốc đều là nô lệ của nó.
Tại sao tất cả mọi người trong đảng hiện giờ đều không dám manh động, đầu tiên, bà Thái cho biết đó không chỉ là vấn đề lo lắng cho an nguy cá nhân, mà bởi nó đã trói chặt tất cả mọi người lại với nhau, và dùng đến phương thức liên đới tới người thân họ hàng để tiến hành uy hiếp.
“Đó là một chế độ tà ác cùng cực. Bản chất tàn bạo của chế độ này ít nhất cũng không thua kém chủ nghĩa phát xít của Hitler”, bà Thái Hà cho hay.
Công nghệ giám sát kỹ thuật cao đang được áp dụng hiện nay khiến bất cứ ai hễ động đến nó sẽ bị phát hiện ngay.”Kỳ thực, sự thống trị của nó chính là được duy trì dựa trên bạo lực và khủng bố”, bà Thái nhìn nhận.
Bà nói, thứ hai là nó phong tỏa sự thật, phong tỏa tin tức, bóp méo thông tin và dựa vào dối trá lừa gạt để duy trì sự thống trị.
Thứ ba là ĐCSTQ độc quyền tất cả các nguồn lực sâu xa. Ngay cả khi một ai đó ở ngoài thể chế, với tư cách là một nhà doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đó được tự do về tài chính, có được không gian cá nhân rộng rãi và có thể độc lập về kinh tế, nhưng chỉ cần ĐCSTQ tùy tiện định cho họ một tội danh nào đó, thì nó có thể bắt nhốt cá nhân đó ngay.
“Nghĩa là nó độc chiếm tất cả mọi nguồn lực và bóp nghẹt cổ họng của tất cả mọi người”, khiến họ không thể sống nếu không có nó, bà Thái Hà cho hay.
Trong đoạn ghi âm, bà Thái Hà cũng phân tích ba cách thức có thể khiến ĐCSTQ rốt cục sẽ sụp đổ.
Thứ nhất, ĐCSTQ sẽ được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài, các chế độ độc tài như Hitler và Gaddafi đều được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài.
Thứ hai là việc dựa vào cải cách nội bộ đảng, như cải cách nội bộ của Gorbachev đã mang đến sự thay đổi của cả chế độ, sự thay đổi này chính là từ bỏ chế độ, từ bỏ đảng chính trị và đưa toàn bộ xã hội chuyển tiếp một cách hòa bình. Nếu được vậy, thì dù sẽ có rất nhiều mâu thuẫn sẽ không bị mất đi và vẫn tiếp diễn, nhưng điều cơ bản nhất là an toàn của mọi người có thể được đảm bảo.
Hiện không một ai ở Trung Quốc có thể được coi là an toàn, chỉ là ĐCSTQ chưa động đến họ mà thôi, một khi nó muốn bắt ai, người đó sẽ bị bắt chỉ trong vài phút. Vậy nên, mọi người đều không có cảm giác an toàn. Xã hội Trung Quốc hiện giờ là không có giới hạn, ĐCSTQ làm việc gì cũng đều không có giới hạn.
Thứ ba là bởi chế độ này thống trị dựa trên khủng bố và bạo lực, nó không ngừng tạo ra các mâu thuẫn bên trong, cuối cùng dưới áp lực cao độ theo dây chuyền từ trên xuống, mọi người đều không chịu đựng thêm nữa, và nó sẽ sụp đổ từ bên trong.
“Chính là nói cuối cùng nó cũng sụp đổ. Sự sụp đổ này là một sự kiện diễn ra một cách ngẫu nhiên. Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung. Có tình huống như vậy hay không? Tôi cảm thấy rất có khả năng”, bà Thái Hà nói.
Cựu giáo sư trường Đảng nhấn mạnh thêm rằng khả năng hai giả định đầu tiên xảy ra là rất nhỏ. Bởi trong xã hội văn minh hiện nay, muốn thế giới bên ngoài tiêu diệt ĐCSTQ điều đó dường như không khả thi. Cách thức thứ hai, tình thế hiện nay là lực lượng cải cách trong đảng không dám manh động, bởi Tập hiện đang nắm giữ nòng súng và con dao đồ tể trong tay, vậy nên mọi người chẳng thể làm gì được.
Ông Nhậm Chí Cường, trùm địa ốc nổi tiếng Trung Quốc và là “thế hệ đỏ thứ hai”, đã dám nói lên sự thật, chưa đến chục ngày sau thì ông ấy đã biến mất. Vì vậy, lực lượng cải cách trong đảng đang ẩn náu, đều không thể hành động. Mọi người ai ai cũng muốn thay đổi, nhưng không ai có thể xoay chuyển được cục diện, chỉ đợi nó tự sụp đổ, đợi bản thân ông Tập Cận Bình không chống đỡ thêm được nữa, từ đó mất kiểm soát.
Nhưng bà Thái Hà tin rằng kiểu sụp đổ thứ ba có khả năng cao nhất. Bởi bây giờ chính phủ trong nước đã không có tiền, Tập Cận Bình muốn dùng tiền kỹ thuật số, điều này có thể giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của việc in tiền mặt, nhưng tiền in sẽ dẫn đến lạm phát, thất nghiệp và nạn đói trên quy mô lớn ở Trung Quốc, “rồi ba cỗ xe ngựa (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt “, bà Thái Hà cho hay.
Đây là bản thu âm thứ hai của bà Thái Hà. Trong một đoạn ghi âm được phát hành vào đầu tháng 6 năm nay, bà Thái từng chỉ trích ĐCSTQ là “thây ma chính trị” và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình là “trùm băng đảng xã hội đen”. Thể chế ĐCSTQ này đã không có lối thoát, dẫu có cải cách thế nào cũng vô dụng, vậy nên cách duy nhất chính là phải vứt bỏ nó.
Ngày 17/8, bà Thái Hà đã bị trường Đảng Trung ương ĐCSTQ khai trừ khỏi đảng tịch và hủy bỏ lương hưu của bà.
Ngày 7/9, bà Thái Hà đã đăng dòng trạng thái trên Twitter rằng tài khoản ngân hàng của bà ở Trung Quốc đã bị khóa, ĐCSTQ không chỉ cắt lương hưu của bà, mà ngay đến tiền gửi ngân hàng của bà cũng không rút được. Bà lên án rằng: “Mọi người sẽ không bao giờ tưởng tượng được ĐCSTQ tà ác đến mức nào”.
Theo Zhang Dun, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Nội tình Trung Quốc:

Quan chức trong tù chỉ huy quan chức đương nhiệm,

xuất hiện làn sóng chống ĐCSTQ

Hương Thảo
Vài ngày trước, Lý Truyền Lương, cựu phó thị trưởng thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, trả lời một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vision Times rằng, ông từng là một mắt xích trong thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cảm giác bị khủng bố tư tưởng rất lớn, làm quan chức là một nghề nghiệp nguy hiểm.
Với trải nghiệm cá nhân, ông đã mô tả quá trình chuyển biến tư tưởng của mình, từ việc dần bất tín nhiệm vào ĐCSTQ, cho đến từ bỏ mọi ảo tưởng, rồi đến kiên định phản đối nó. Ông Lý nói với các phóng viên rằng, ông muốn đứng lên để nhiều người Trung Quốc khác cũng đứng lên. Ông nhận định rằng hiện nay làn sóng chống ĐCSTQ ở Hoa lục đang dâng cao, và muốn chia sẻ với những người anh em Hoa kiều, đặc biệt là những người trẻ tuổi, rằng từ thế giới tự do ở nước ngoài, ông hy vọng mọi người đều có thể học tập được các giá trị phổ quát và suy nghĩ nghiêm túc về điều gì là đúng, điều gì là sai.
Quan chức trong tù chỉ huy quan chức đương nhiệm
Lý Truyền Lương nói về các trường hợp tham nhũng điển hình và các vụ việc khác liên quan đến Bí thư Thành ủy Kê Tây, Hứa Triệu Quân. Ông nói rằng những vụ việc như thế này khá phổ biến ở Trung Quốc. Cuối cùng Hứa Triệu Quân bị bắt vì tham nhũng, nhưng việc truy tố quá qua loa. “Cuối cùng cũng xử lý ông ta, nhẹ nhẹ nhàng nhàng nói ông ta có tài sản bất minh hơn 10 triệu tệ, thực ra gia đình ông ta có mấy tỷ tệ. Nên tôi cảm thấy đây là phương diện đáng sợ nhất của ĐCSTQ. Ông ta đã bị xử lý [trước pháp luật], nhưng kể cả trong ngục, ông ta vẫn có thể chỉ huy những quan chức đương nhiệm bên ngoài. Thật đáng sợ!”.
Bị truy sát
Khi được hỏi về những sự tình gặp phải khi chống tiêu cực, ông Lý Truyền Lương cho biết:
“Những người điều tra ông ta, Bí thư Hứa Triệu Quân, đều là học trò của chính ông ta, trên ông ta còn có ô dù là quan chức cấp cao hơn. Ví dụ như cựu Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Vương Hiến Khôi đã bảo hộ ông ta. Ví dụ như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm. Đều là ô dù bảo hộ, nên việc này chỉ cần có một hình phạt là coi như xong. Chúng tôi đã báo cáo hơn một chục sự việc, và tất cả đều được báo cáo lên cấp trên cẩn thận theo quy trình, nhưng cuối cùng, mặc dù ông ta có vấn đề và đã bị điều tra, nhưng tất cả chỉ như ‘nước đổ lá khoai’.
Những người tố cáo, và những người cung cấp bằng chứng cho chúng tôi lần lượt bị bắt. Đến lượt chúng tôi bị trả thù, hiện giờ [quan đương chức] đều là đệ tử và con cháu của ông ta. Dư Uy, con trai ông ta là cựu đội trưởng cảnh sát hình sự. Đó là ‘dĩ hắc đả hắc’ (dùng tội phạm để đánh tội phạm), rặt một loại
xã hội đen như vậy. Hắn thường mang theo một khẩu súng. Chúng tôi ở trong nước mỗi ngày đều lo sợ hắn thuê người giết chúng tôi”.
Từ mất lòng tin cho đến phản đối triệt để, vứt bỏ ảo tưởng về ĐCSTQ
Phóng viên (PV): Ông vừa nói đã báo cáo vụ tham nhũng với bí thư thành ủy địa phương, mong cấp trên điều tra. Vậy tại sao ông nghĩ rằng chiếc ô của ông ta sẽ không đụng đến ông? Ông vẫn đặt hy vọng vào hệ thống này?
Lý Truyền Lương: “Tôi không có hy vọng gì cả, đó là các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích cấp trên và cấp dưới cấu kết với nhau. Bởi vì sự cấu kết này hiện tại đã được chứng thực, ông ta vẫn đang chỉ huy [từ trong tù]. Bây giờ không phải là những người tố cáo ông ta bị trả thù hết sao? Tôi có hai lý do [để vẫn tiến tới], một là dựa trên ý nghĩa của công lý, [người tố cáo ông ta] là con trai của một thợ mỏ, tôi cảm thấy không thể tha thứ được, cảm thấy không thể bỏ qua sự việc này được. Một số người đã thuyết phục tôi, hà tất phải làm việc này? Một người khác đã bắt đầu bị ông ta tấn công và đe dọa. Nhưng tôi không biết được, không thể nói trước được chuyện gì, hiện tại Dư Uy vẫn đang tiếp tục hoành hành, bạn nghĩ tôi nên làm thế nào?
Tôi chỉ có thể càng ngày càng không thể tin vào cái đảng này hơn nữa, và triệt để phản đối nó. Tôi chỉ có thể từ bỏ tất cả mọi ảo tưởng về nó”.
Có rất nhiều người đấu tranh cho tự do ở đại lục
PV: Ông vừa nói xung quanh ông có nhiều người cũng có quan điểm như ông. Vậy trong môi trường của ông, có mấy người vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng [ĐCSTQ], có mấy người muốn tự do và công bằng như ông? Hãy cho tôi biết một tỷ lệ?
Lý Truyền Lương: “Có nhiều người đang đấu tranh cho tự do hơn, có nhiều người. Người không tự nguyện, không có cách nào với họ. Họ thuộc nhóm lợi ích đó, nhóm thuần túy độc quyền, thối rữa, nhưng đó chỉ là nhóm nhỏ. Có ai không nghĩ tới việc thể hiện những giá trị cá nhân và làm điều gì đó đâu? Tôi chỉ là người dám nói ra, nhiều người không dám nói.
Thay vì bị đảng (ĐCSTQ) làm cho sợ chết khiếp, tốt hơn hết là hãy đứng lên”
Hy vọng nhiều người hơn từ Trung Quốc đại lục có thể đứng lên
PV: Trong phát biểu của ông vừa rồi, ông có nói rằng vì lợi ích của thế hệ sau, nhiều người cho rằng cần gửi con em mình ra hải ngoại trong môi trường tự do, là vì trách nhiệm với thế hệ sau. Tại sao ông lại chọn công khai tuyên bố để đương đầu với một loại hình thức áp lực lớn hơn?
Lý Truyền Lương: “Bạn đang nói về mặt bản chất. Một là như những gì tôi đã nói trước đó, không còn cách nào khác. Tại sao lại không còn cách nào? Câu đó của tôi có ý tứ gì? Những người đồng đội, người thân, bạn bè của tôi, họ lần lượt bị đánh hạ, mà tôi không lên tiếng, không kêu gọi giúp đỡ, thì ai sẽ lên tiếng để kêu gọi [người Hoa]?
Thứ hai, đó là tính cách của tôi, nhiều người nói tôi không thích hợp làm chính trị, đó là vì tính khí có vấn đề, chính là bởi vì những phát biểu của tôi mà gây ra trạng thái này, nhưng hiện tại tôi vẫn phải kiên định tính cách của mình.
Thứ ba, tôi cũng là một người mắc bệnh ung thư, tôi đã gần 60 tuổi, không biết còn sống bao nhiêu năm nữa, tôi có thể làm được gì? Nói trắng ra, tôi bị nó [ĐCSTQ] làm cho sợ chết khiếp. Bị nó hại chết, hay bị chết vì bệnh tật, chẳng có gì khác biệt. Vì vậy, tôi mới nói, tôi có thể nói một chút, để người dân thế giới, đặc biệt là người dân Trung Quốc đại lục biết sự thật, có thể kêu gọi nhiều người đứng lên. Tôi biết tiếng nói của mình ở đâu, rất nhỏ bé, nhưng tôi chỉ nghĩ, hệ thống hiện tại ở Trung Quốc đã mục nát, đó là một hệ thống chuyên chế thối nát. Liệu nó có thể đạt được dân chủ và tự do trong tương lai, một đất nước thực sự dưới nền pháp quyền cho thế hệ sau của tôi và thế hệ tiếp theo của họ? Vậy tại sao tôi lại ủng hộ Hồng Kông và tham gia vào các hoạt động Cách mạng của thời đại? Tôi nghĩ Hồng Kông là một cửa sổ tốt ra thế giới cho Trung Quốc. Tại sao tôi nên làm điều này? Đây là triết lý thực sự của tôi”.
Ủng hộ, tán thành và đồng tình với người Hồng Kông
PV: Ông ra hải ngoại vào tháng 8 năm nay, phong trào “Phản tống Trung” ở Hồng Kông bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái. Tin tức ông nghe được ở Trung Quốc có giống với những gì ông thấy ở nước ngoài không? Mọi người xung quanh nghĩ gì về tinh thần của người Hồng Kông?
Lý Truyền Lương: “Tin tức trong nước đều là phản diện, rặt những thứ như bạo động và Hồng Kông đòi độc lập. Nhưng nếu hiểu rõ chân tướng, các vị đều biết đó là yêu cầu dân chủ, không yêu cầu gì khác ngoài yêu cầu các vị thực hiện Tuyên bố chung Trung Anh, thi hành Luật Đặc khu Hồng Kông, không ai nói đòi độc lập cho Hồng Kông.
Vì sao tôi lại nói vì thế hệ trẻ, đó đều là những người trẻ, những đứa trẻ, tôi ủng hộ họ rất nhiều, tán thành họ, đồng tình với họ và tôi nghĩ họ không quá đáng, Hồng Kông không đòi điều gì quá đáng.
Tôi nghĩ là thương mại toàn cầu trong tương lai, Hồng Kông nên đóng vai trò như một cánh cửa cải cách và mở ra thế giới của Trung Quốc, người Hồng Kông rất giỏi, nên bảo vệ thân phận đặc biệt của nó. Và tôi nghĩ nó nên được phát huy, dần dần sử dụng thể chế, cơ chế, chế độ của nó, để lãnh đạo các thành phố duyên hải Trung Quốc, thậm chí thành kinh tế Great Bay (vịnh lớn), điều đó là tốt mà. Các vị nói xem, bằng cách làm như bây giờ, nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của Hồng Kông đã bị hủy bỏ, cửa cánh cửa ra thế giới của Trung Quốc không còn nữa. Tại sao chúng ta phải làm điều này? Đằng sau điều này, các vị chỉ vì một chế độ độc tài, vì để bảo hộ chống lại sự sụp đổ của một chế độ độc tài thối nát. Điều đó là không cần thiết. Vì vậy, ý kiến ​​của tôi rất đơn giản, chỉ nhìn thấy vậy mà thôi”.
Hoa kiều ở hải ngoại nên nghiêm túc suy nghĩ về điều gì là đúng, điều gì là sai
PV: Ông là người nằm bên trong thể chế đó, bây giờ ông bước ra để công khai đối đầu với sự chuyên chế của ĐCSTQ. Tuy nhiên, một số Hoa kiều, chẳng hạn như thế hệ sau mà ông vừa đề cập, du học sinh, không biết có phải do ý thức dân tộc hay không, và họ cho rằng không thể nói rằng ĐCSTQ là xấu. Vào tháng 7, Hoa Kỳ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, một số độc giả và bạn bè Hoa kiều đã ngừng mua tờ báo vì họ cho rằng Hoa Kỳ đang bắt nạt Trung Quốc. Ông muốn nói gì với những người bạn Hoa kiều của chúng ta?
Lý Truyền Lương: “Tôi nghĩ họ không hiểu sự thật, và họ đã bị tẩy não rất nghiêm trọng. Tất nhiên, các bạn trẻ, tôi không nói quá, vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc là vấn đề giáo dục. Công bằng mà nói, mỗi người đều có tham vọng và hoài bão riêng.
Thứ hai, họ đều có người thân ở Trung Quốc, đều thông qua nhiều phương thức khác nhau mà yêu cầu họ, họ cũng không dám làm. Bây giờ cũng vậy, một số người phản đối, và tất nhiên một số người đồng ý. Điều này là bình thường.
Tôi muốn nói với họ rằng các bạn trẻ, đặc biệt là ở hải ngoại, hãy tự mình phân tích và suy xét, sử dụng khối óc của mình, tìm hiểu sâu hơn về giá trị phổ quát, sau đó nghiêm túc suy nghĩ chính xác về cái gì sai, cái gì đúng. Đặc biệt là các bạn du học sinh trẻ đến từ Trung Quốc đại lục, nên nghĩ về tương lai của chính mình, nên nhìn nhận thực tế chính mình. Đích thân mình đang được trải nghiệm một quốc gia dân chủ, một quốc gia tự do và một quốc gia có nền pháp chế,… nhưng tôi muốn nói rằng họ vẫn còn rất non nớt”.
Sự đàn áp càng làm ĐCSTQ đi tới kết thúc nhanh hơn
PV: Ông từng là thành viên của thể chế, ở cương vị phó thị trưởng ông không quản lý được việc này, hầu như mỗi một người trong thể chế đều bất lực? Bây giờ, kể cả chính quyền trung ương, các mệnh lệnh của chính phủ không thể xuất ra khỏi Trung Nam Hải, và các cơ quan cấp trên không có biện pháp nào. Mọi người trong thể chế đều có chức vụ, tại sao người người đều bất lực?
Lý Truyền Lương: “Bây giờ bạn đang nói về một lý do thực sự. Không phải là sự điều hành chính quyền của ĐCSTQ, mà là chế độ, chính sách và sách lược đều phải thay đổi. Nếu nó tiếp tục, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể vượt qua [khủng hoàng] và nền kinh tế sẽ kết thúc. Nói thẳng ra, từ trên xuống dưới đều ở trạng thái này, chúng ta phải làm sao? Vì vậy, bây giờ hải ngoại đều đang kêu gọi, và mới xuất hiện rất nhiều người kêu gọi ĐCSTQ, bản thân nó đã nhìn thấy là không ổn, phải nói ra, nhưng vì ‘vị ty ngôn khinh’ (vị trí thấp kém tiếng nói không có trọng lượng), không khởi được tác dụng gì, mà nói xong thì là phải chuyển thành quyết sách thế nào, nhưng nó không biết làm thế nào, nó chỉ biết đàn áp và uy hiếp. Nếu nó đi xa hơn, nó sẽ càng ngày càng đi đến kết thúc, càng ngày càng đi đến diệt vong”.
Cải cách là không khả thi
PV: Hoa lục và Đài Loan đồng tông đồng chủng, Đài Loan đã thành công khi đi theo con đường dân chủ, đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua được cộng đồng quốc tế hết sức khen ngợi, còn Hoa lục thì ngược lại. Ông đã từng là người trong thể chế ĐCSTQ, ông nghĩ mình nên đi theo con đường cải cách hay con đường dân chủ hóa triệt để?
Lý Truyền Lương: “Tôi cho rằng [Trung Quốc] cần phải triệt để tiến tới nền dân chủ, pháp chế. Cải cách ư? Hôm nay cải qua cải lại, ngày mai cải lại cải qua, cuối cùng thì sự cai trị độc tài là không thể được, mà phải dựa vào pháp quyền, phải thúc đẩy tự do, và phải thúc đẩy dân chủ. Chỉ bằng cách này, đất nước Trung Quốc mới có thể phát triển trong tương lai”.
Trào lưu chống lại ĐCSTQ trong nước gia tăng
PV: Ông có cảm thấy chống ĐCSTQ đang là xu hướng hiện nay không?
Lý Truyền Lương: “Dòng hải lưu ngầm đang sắp nổi thành sóng lớn. ‘Dòng hải lưu’ ngầm mà tôi đang nói đến là trào lưu chống lại ĐCSTQ ở đại lục”.
Theo Xing Yanan, Vision Times
Hương Thảo biên dịch

Hiệu trưởng tự tử phản đối việc Trung Quốc ra lệnh

hủy bỏ dạy chữ Mông Cổ, học sinh khóc thương cô

Vũ Dương
Hiệu trưởng trường tiểu học Mông Cổ ở thành phố Erenhot, Nội Mông, đã tự tử tại nhà vào chiều 13/9 nhằm phản đối chính quyền Trung Quốc cưỡng chế hủy bỏ dạy chữ Mông Cổ.
Theo thông tin từ trang Soundofhope, bà hiệu trưởng vừa từ chức sau khi chính quyền Trung Quốc buộc các trường học Mông Cổ ở Nội Mông phải hủy bỏ việc dạy ngôn ngữ Mông Cổ, thay vào đó các trường ở đây phải dạy học bằng tiếng Hán. Đây là một vụ tự tử thương tâm khác sau cái chết của cô Surnaa, 33 tuổi, viên chức người Mông Cổ của chi bộ ĐCSTQ ở khu vực tây nam Nội Mông. Cô đã nhảy xuống từ tòa nhà chung cư của mình tự tử vào sáng 4/9 nhằm phản đối việc xóa bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bi kịch nối tiếp bi kịch.
Trước việc chính quyền Trung Quốc buộc hủy bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ ở Nội Mông đã khiến hàng chục nghìn học sinh và phụ huynh ở nhiều nơi ở khu vực này đứng lên biểu tình và nghỉ học, và đây là sự việc được xem là hiếm thấy. Họ đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp một cách thô bạo. Đã có 5 vụ tự tử chỉ trong vòng hai tuần.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của nữ hiệu trưởng và lên án chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng xót xa cho hành động của bà.
Theo Hao Yan, Soundofhope,
Vũ Dương biên dịch

Trung Quốc ‘thị uy’,

phóng tên lửa qua bầu trời Đài Loan

Quý Khải
Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan báo rằng nước này đã bắn một quả tên lửa Long March “bay qua bầu trời Đảo Đài Loan, Trung Quốc”.
Theo một bài đăng trên trang China 航天 (Không quân Trung Quốc) của mạng xã hội Weibo hôm thứ Hai (14/9), Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức vụ phóng tên lửa thứ hai trên biển vào khoảng 9h20 sáng hôm nay (15/9). Trang này tuyên bố rằng một quả tên lửa Long March-11 HY2 sẽ khai hỏa tại Hoàng Hải mang theo chín vệ tinh viễn thám dòng Jilin-1 Gaofen-03 vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời dài 535 km.
Bài đăng cho biết tên lửa sẽ sử dụng phương pháp “một mũi tên mang chín ngôi sao” khi tên lửa “bay qua bầu trời đảo Đài Loan, Trung Quốc”. Thông báo cũng bao hàm một bản đồ mô phỏng quỹ đạo tên lửa, cho thấy tên lửa phóng từ một vị trí ở Hoàng Hải và bay thẳng về phía nam qua trung tâm Đài Loan trước khi đi qua Kênh đào Ba Sĩ, bay qua Philippines, rồi qua Biển Đông, bang Sabah của Malaysia, tiếp đến là Kalimantan của Indonesia rồi đến Đông Java.
Kể từ mùa hè năm ngoái, một công trình trên biển ở biển Hoàng Hải đã trở thành một bệ phóng các vệ tinh thương mại và nhỏ của Trung Quốc, kết hợp với các bãi phóng trên bộ của họ ở Tửu Tuyền, Tây Xương, Thái Nguyên và Văn Xương. Bệ phóng trên biển đã có lần phóng thành công đầu tiên vào ngày 5/6 năm ngoái.
Thời điểm đó, Trung Quốc không nói rõ tên lửa sẽ đi qua những quốc gia nào. Do đó, so sánh tương quan thông báo hôm thứ Hai rõ ràng là một tuyên bố khiêu khích nhắm vào Đài Loan, tờ Taiwan News bình luận.
Phương pháp được gọi là “một mũi tên mang chín ngôi sao” đề cập đến khả năng mang theo một số vệ tinh hoặc nhiều đầu đạn của Long March trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Với vụ phóng tên lửa này, Trung Quốc đang phô diễn những tiến bộ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và sức mạnh quân sự của mình.
Cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu hôm nay vừa đưa tin chính quyền ĐCSTQ vừa tiến hành một nhiệm vụ phóng tên lửa Long March-11 từ biển tại biển Hoàng Hải ngoài khơi tỉnh Sơn Đông. Tờ báo này cho biết trong trường hợp này, tên lửa được phóng từ một tàu tên là Debo-3.
Theo tờ China News của chính quyền Bắc Kinh, tên lửa được phóng lúc 9:32 sáng, giờ Bắc Kinh (8:32 giờ Việt Nam). Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận khác của của ĐCSTQ – đã khen ngợi vụ phóng này là “vụ phóng không gian thương mại trên biển đầu tiên của Trung Quốc”.
Phản ứng trước vụ việc, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố:
“Trước những diễn biến liên quan, các đơn vị tình báo, giám sát và trinh sát chung của quân đội đã tiến hành đánh giá đầy đủ tình hình và đưa ra các biện pháp thích hợp”.
Theo Taiwan News
Quý Khải biên dịch

Chiến tranh sắp bùng nổ? Quân đội Trung – Ấn

nằm trong tầm bắn của nhau

Tâm Thanh
Lực lượng vũ trang của cả hai bên đều đã nằm trong tầm bắn của nhau.
Theo nguồn tin truyền thông Ấn Độ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã huy động hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và pháo tới khu vực hẻm Spangul, ở bờ nam hồ Pangong Tso, phía đông Ladakh – khu vực tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Ngày 13/9, tờ Liberty Times dẫn thông tin từ India Asia News Agency (Hãng thông tấn xã Châu Á Ấn Độ) cho biết, Ấn Độ phát hiện ĐCSTQ đã củng cố tuyến đầu tại biên giới bằng cách huy động lực lượng dân quân bao gồm các thành viên câu lạc bộ chiến đấu địa phương, những người leo núi và võ sĩ.
Nhằm đáp trả lực lượng từ phía Trung Quốc, quân đội Ấn Độ cũng đã triển khai vũ khí tương tự ở Hẻm Spangul. Hiện tại, lực lượng hai nước đã nằm trong tầm bắn của nhau.
Theo nguồn tin dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết, Ấn Độ hiện đang duy trì trạng thái “báo động cao nhất”.
“Một cầu chì nhỏ có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, một quan chức khác cho hay.
Nguồn tin nội bộ cho hay, do phía Ấn Độ chiếm đóng ở cứ điểm vùng cao nên có lợi thế về địa hình, có thể dễ dàng quan sát từ trên cao và thấy được trận địa của quân đội Trung Quốc.
Kể từ tháng 5, quân đội Trung Quốc đã đóng quân trên sườn của tuyến đường nhánh thứ 4, cách tuyến đường nhánh thứ 8 8 km về phía tây, mà Ấn Độ cho biết là khu vực đánh dấu đường kiểm soát thực tế (LAC).
Theo Indian Express dẫn nguồn tin từ quân đội Ấn Độ, Trung Quốc đã tập trung khoảng 2.000 binh sĩ ở vùng thượng du của sườn núi vào tối ngày 8/8. Theo quan sát của quân đội Ấn Độ, lực lượng quân Trung Quốc ở tuyến đường nhánh số 4,  phía bắc hồ Pangong Tso gần đây đã gia tăng đáng kể, và họ đang có ý định tiến xa hơn về phía tây của tuyến đường nhánh số 4.
Quân đội Ấn Độ tin rằng, các dự tính và hành động của ĐCSTQ là nhằm ý đồ chiếm đoạt cứ điểm có ưu thế về chiến lược mà quân đội Ấn Độ đã lấy được vào ngày 29 và 30/8 từ bờ nam Hồ Pangong Tso đến đèo Rechin và đèo Rezang La.
Phía quân đội Ấn Độ đã tuyên bố: Nếu quân đội Trung Quốc có các hành động khiêu khích, quân đội Ấn Độ sẽ đáp trả.
Theo Vân Thiên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch

Đi đến đâu bị phản đối đến đó,

Vương Nghị lại bị dân Mông Cổ đuổi về nước

Vũ Dương
Những người biểu tình tham gia một cuộc tuần hành phản đối những thay đổi của Trung Quốc đối với chương trình giảng dạy ở trường học, loại bỏ tiếng Mông Cổ khỏi các môn học chính ở Nội Mông. Cuộc biểu tình diễn ra ở Ulaanbaatar, Mông Cổ ngày 1/9/2020. (Ảnh: Reuters / B. Rentsendorj).
Hôm qua (ngày 15/9), hàng trăm người dân ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, đã xuống đường kháng nghị phản đối chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị, lên án chính sách “diệt chủng văn hóa Nội Mông” của Bắc Kinh.
Nhóm người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Sukhbaatar trước Cung điện Chính phủ Mông Cổ hô vang khẩu hiệu: “Bảo vệ tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”, “Vương Nghị cút đi!”, theo RTI.
Theo đề án của Bắc Kinh, bắt đầu từ mùa thu này, Nội Mông sẽ sử dụng sách giáo khoa thống nhất của Trung Quốc cho lớp đầu tiên của trường tiểu học và trung học cơ sở. Năm 2021, lớp đầu tiên của trường tiểu học và trường trung học cơ sở sẽ sử dụng sách giáo khoa môn “Đạo đức và Pháp trị” thống nhất. Lớp đầu tiên của trung học cơ sở năm 2022 sẽ sử dụng sách giáo khoa môn “Lịch sử” thống nhất, và tất cả các môn học sẽ dùng ngôn ngữ chung của quốc gia, cũng chính là tiếng Hán để giảng dạy.
Bắc Kinh tuyên bố rằng mục đích của chính sách này là thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc và khẳng định rằng vẫn còn chỗ cho việc giảng dạy tiếng Mông Cổ ở các môn học khác.
Tuy nhiên, chính sách này vẫn làm dấy lên các cuộc biểu tình và bỏ học hiếm hoi của người dân Mông Cổ, đồng thời các nhóm nhân quyền cũng cáo buộc Bắc Kinh đang cố xóa sổ văn hóa dân tộc Mông Cổ một cách có chủ đích.
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ tại Hoa Kỳ (Southern Mongolian Human Rights Information Center) hôm thứ Hai (14/9) đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc biến Nội Mông Cổ thành một “xã hội cảnh sát”, nói rằng phía cảnh sát đã giam giữ từ 4.000 đến 5.000 người, ít nhất 9 người trong cuộc biểu tình kéo dài ba tuần.
Chính phủ Mông Cổ cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận liên quan.
Khaliun Sukhbaatar, người tham gia cuộc biểu tình nói với Reuters: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi phải lên tiếng. Nếu chính phủ của chúng tôi lấy lý do quan hệ quốc tế và ổn định kinh tế để giữ im lặng, tộc người Mông Cổ chính là đang bị xóa sổ từng người một, con cháu Mông Cổ sẽ không tồn tại nữa”.
Nền kinh tế Mông Cổ phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ viện trợ 700 triệu Nhân dân tệ (khoảng 10,32 triệu đô-la Mỹ) cho Mông Cổ trong chuyến thăm kéo dài hai ngày lần này của Vương Nghị.
Theo Wu Ningkang, rti.tw
Vũ Dương biên dịch

Lào: Nạn nhân mới nhất rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc

Mai Vân
Vay nợ đầm đìa của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có một tuyến đường sắt cao tốc thiết yếu cho mạng lưới Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, Lào sắp phải nhượng phần lớn quyền kiểm soát hệ thống điện quốc gia của mình cho Bắc Kinh để trả nợ đã đến ngày đáo hạn.
Trong bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 14/09/2020, chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á Bertil Lintner đã không ngần ngại cho rằng Lào là nạn nhân mới nhất của bẫy nợ Trung Quốc.
Theo những thông tin gần đây nhất, dự trữ ngoại hối của Lào đã rơi xuống mức dưới 1 tỷ đô la, thấp hơn tổng số các khoản nợ phải chi trả hàng năm, đẩy nước này vào tình trạng sắp bị vỡ nợ. Theo thông tin báo chí, bộ Tài Chính Lào đã yêu cầu chủ nợ số một là Trung Quốc cấu trúc lại các khoản nợ để tránh bị phá sản.
Tháng 8 vừa qua, hãng thẩm định tài chính Mỹ Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm của Lào xuống đến mức rủi ro cực cao, từ B3 xuống Caa2, đồng thời hạ thấp đánh giá về Lào xuống mức “tiêu cực” do “căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng”.
Lào đã vay mượn rất nhiều để đầu tư vào việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mêkông và vào một tuyến đường xe lửa cao tốc trị giá 6 tỷ đô la, một trục chính trong Con Đường Tơ Lụa Mới, nhằm nối liền Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc, với các quốc gia Đông Nam Á trên lục địa.
Khoản 60% chi phí cho tuyến đường này là tiền vay mượn từ Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc. Số tiền còn lại là do một công ty Nhà nước Lào liên doanh với 3 công ty Nhà nước Trung Quốc đảm trách, với công ty Lào chỉ nắm 30% phần hùn.
Để chi cho dự án này, chính phủ Lào đã bỏ ra 250 triệu đô la lấy từ ngân sách quốc gia, và vay thêm 480 triệu đô la của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc.
Thế nhưng chính phủ Lào hiện nay có dấu hiệu không thể gánh vác nổi việc trả khoản vay nói trên và đang tìm cách bán tài sản quốc gia để không bị coi là vỡ nợ.
Nhượng mạng lưới điện quốc gia cho Trung Quốc để trả nợ
Ngày 04/09, hãng tin Reuters cho biết là Vientiane đang chuẩn bị nhượng lại cho công ty China Southern Power Grid (CSG) của Trung Quốc quyền kiểm soát phần lớn hệ thống điện quốc gia. Công ty này có trụ sở tại Quảng Châu.
Tân Hoa Xã đưa tin từ Vientiane, ngày 02/09, cho rằng thỏa thuận đó “đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Lào và Trung Quốc trong ngành điện/năng lượng. Tân Hoa Xã còn trích dẫn bộ trưởng bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào Khammany Inthirath, cho rằng CSG với “kinh nghiệm, công nghệ và nhân sự … sẽ mang lại một triển vọng mới cho ngành công nghiệp năng lượng Lào”.
Phía Trung Quốc như vậy đã xem việc Lào nhượng màng lưới điện quốc gia của mình cho Trung Quốc là một công cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhưng đối với tác giả Bertil Lintner, điều đó lại có nghĩa là Trung Quốc sẽ gia tăng được thế lực trong khu vực. Phần lớn điện do Lào sản xuất hiện nay là để xuất khẩu, không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Việc Trung Quốc nắm được ngành điện lực của Lào có nghĩa là Bắc Kinh gián tiếp có được đòn bảy thương mại và chiến lược để gây sức ép với hai nước láng giềng này.
Điều oái ăm được tác giả ghi nhận là Lào đã vay nợ của Trung Quốc đển mức không trả nổi, phải gán tài sản của minh để trả nợ, nhưng cho một công trình như tuyến đường sắt cao tốc, chủ yếu là có lợi cho Trung Quốc, trong lúc bản thân người dân Lào không mấy được hưởng.
Đối với Bertil Lintner, việc Trung Quốc tiếp quản ngành điện của Lào thay cho việc trả nợ là ví dụ điển hình để các nước khác trong khu vực thấy rõ nguy cơ bị sập vào bẫy nợ của Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Một vài nước trong vùng cũng yếu như Lào, sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại áp lực của Trung Quốc để bảo vệ nền độc lập về tài chính và kinh tế của mình.

Thủ tướng Thái Lan hứa duy trì hòa bình

trong cuộc biểu tình chống chính phủ

Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 15/9 cam kết sẽ bảo đảm cuộc biểu tình lớn chống chính phủ của ông vào cuối tuần này sẽ diễn ra trong hòa bình, nhưng ông bày tỏ quan ngại rằng những người ngoài có thể kích động bất ổn.
Ông Chan-ocha nói ông đã hạ lệnh cho cảnh sát tránh xung đột với những người biểu tình dự tính sẽ tuần hành tới các văn phòng chính phủ vào ngày thứ Bảy sắp tới. Ông kêu gọi những người biểu tình hãy tuân thủ luật pháp và tránh hỗn loạn.
Các cuộc tuần hành diễn ra hầu như hàng ngày từ trung tuần tháng 7 năm nay, đòi lật đổ ông Chan-ocha và thay đổi hiến pháp. Phe đối lập tin hiến pháp hiện hành giúp duy trì ông trong chức vụ quyền lực sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái mà lãnh đạo tập đoàn quân sự khẳng định là công bằng.
“Chính phủ sẽ bảo đảm sự an toàn của dân chúng,” ông Prayuth nói với các nhà báo, ông kêu gọi công chúng hãy trở thành “tai mắt” và tránh gây hỗn loạn.
Giới lãnh đạo biểu tình trông đợi hàng chục ngàn người sẽ tham gia cuộc biểu tình tuần hành tới tòa nhà chính phủ, để tăng thêm sức ép đối với chính phủ được quân đội hậu thuẫn của Thủ tướng Chan-ocha, đòi phải giải tán quốc hội.
Các cuộc biểu tình, về phần lớn đều ôn hòa, đã gợi lại tình trạng bất ổn của cách đây hơn 1 thập niên khi diễn ra bất ổn và các cuộc tuần hành dẫn tới cuộc đảo chính năm 2014 do ông Prayuth lãnh đạo để lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Cuộc tuần hành sắp tới đánh dấu kỷ niệm một cuộc đảo chính khác vào năm 2006, lật đổ anh trai của bà Yingluck, là Thủ tướng Thaksin Shi nawat.
Các lãnh đạo biểu tình đã nói rằng cuộc tuần hành vào ngày thứ Bảy tới sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về việc cải cách chế độ quân chủ, vốn là một đề tài cấm kỵ cho tới hồi gần đây.
Bộ Nội vụ Thái Lan đã gửi một bức thư tới các viện trưởng viện đại học để yêu cầu họ bảo sinh viên hãy ngưng đưa ra những đòi hỏi đó, mà Bộ cảnh báo có thể dẫn tới bạo động, như các cuộc biểu tình năm 1976 và năm 1992, khi các lực lượng an ninh giết chết hàng chục người biểu tình.

Ấn Độ đưa hàng tấn hàng tiếp tế đến biên giới

đang tranh chấp với Trung Cộng trước mùa Đông

Tin từ LEH, Ấn Độ – Từ việc bố trí những chiếc xe mule đến máy bay vận tải cỡ lớn, quân đội Ấn Độ kích hoạt toàn bộ mạng lưới hậu cần của họ để vận chuyển hàng nghìn binh sĩ và đồ tiếp liệu cho một mùa đông khắc nghiệt dọc theo biên giới Himalaya đang bị tranh chấp gay gắt với Trung Cộng.
Các viên chức cho biết trong những tháng gần đây, một trong những cuộc tập trận hậu cần quân sự lớn nhất của Ấn Độ trong nhiều năm đưa một lượng lớn đạn dược, thiết bị, nhiên liệu, hàng tiếp tế mùa đông và lương thực đến Ladakh, khu vực giáp với Tây Tạng mà Ấn Độ quản trị như một lãnh thổ liên minh.
Hành động này được kích động bởi một cuộc xung đột ở biên giới với Trung Cộng trên sa mạc tuyết ở Ladakh bắt đầu vào tháng 5 và biến thành cuộc giao tranh tay đôi vào tháng 6.
20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Cộng gánh chịu một con số thương vong không được tiết lộ. Cả hai quốc gia đang đàm phán để giải quyết cuộc đối đầu, nhưng không bên nào lùi bước. Quân đội Ấn Độ hiện sẵn sàng để tiếp tục bố trí binh sĩ dọc theo biên giới nguy hiểm ở vùng cao trong suốt mùa đông.
Đông Ladakh, nơi xảy ra vụ nổ, thường có 20,000-30,000 binh sĩ. Nhưng một viên chức quân sự cho biết việc bố trí tăng hơn gấp đôi do tình hình căng thẳng. Viên chức này từ chối cung cấp dữ kiện chính xác. Các viên chức cho biết nhiệt độ ở Ladakh có thể xuống dưới mức đóng băng, và các binh sĩ thường được bố trí ở độ cao hơn 15,000 feet, nơi khan hiếm oxygen (BBT)

Ấn Độ: Quân đội Trung Quốc đặt mạng

cáp quang liên lạc tại các điểm nóng biên giới

Tâm Thanh
Gần đây, hai quan chức Ấn Độ tiết lộ rằng, quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt mạng cáp quang tại các điểm nóng biên giới ở Tây Himalaya giáp ranh Ấn Độ, khiến giới chức Ấn Độ nâng cao cảnh giác.
Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, những mạng cáp quang này đã được phát hiện ra ở phía Nam của hồ Pangong Tso, Ladakh, Himalaya, nó có thể là đường dây cung cấp phương thức liên lạc an toàn cho quân tiền tuyến với các căn cứ hậu phương của Trung Quốc.
Quan chức Ấn Độ đầu tiên cung cấp thông tin cho biết, phía Ấn Độ lo lắng nhất chính là việc Trung Quốc hạ đặt mạng cáp quang. Và thông tin chính xác cho thấy, quân đội ĐCSTQ đã đặt mạng cáp quang với tốc độ nhanh ở phía nam hồ Pangong Tso.
Quan chức này cũng nói rằng, các nhà chức trách đã cảnh giác với những hoạt động này sau khi quan sát thấy những đường cát bất thường xuất hiện ở sa mạc phía nam hồ Pangong Tso trên ảnh chụp vệ tinh. Các đường dây này được các chuyên gia Ấn Độ nhận định là đường dây mạng thường được bố trí trong chiến hào (hầm trú ẩn). Điều này cũng đã được các cơ quan tình báo nước ngoài xác nhận.
Quan chức thứ hai của Ấn Độ cung cấp thông tin cho biết thêm rằng, vào đầu tháng trước, các cơ quan tình báo Ấn Độ đã chú ý thấy đường dây mạng tương tự xuất hiện ở phía bắc hồ Pangong Tso.
Một cựu quan chức tình báo quân sự Ấn Độ khác chỉ ra rằng, việc sử dụng bộ đàm để liên lạc có thể bị truy xét ra, còn truyền tin bằng mạng cáp quang sẽ tương đối an toàn, ảnh và tài liệu có thể được truyền đi một cách nhanh chóng.
Được biết, khi hỏi Bộ Ngoại giao ĐCSTQ về vấn đề này, các quan chức quốc phòng có liên quan đến việc đặt mạng cáp quang ở biên giới Trung-Ấn đều không đưa ra bất kỳ phản hồi nào, theo Reuters.
Ngoại trưởng Ấn Độ Su Subrahmanyam Jaishankar (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp nhau tại Moscow, ở giữa là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ảnh: Reuters).
Hiện tại, hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc cùng với chiến xa và phi cơ đang đứng đối nhau dọc theo bờ nam của hồ Pangong Tso ở Ladakh, dãy Himalaya. Ngay cả sau khi hai Ngoại trưởng gặp nhau tại Moscow vào tuần trước để đạt được thỏa thuận 5 điểm, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không có dấu hiệu rút quân, tình hình “vẫn căng thẳng như trước”.
Theo Vân Thiên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch
Có thể bạn quan tâm:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?