Đọc báo Pháp – 26/10/2020

 Đọc báo Pháp – 26/10/2020

Dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở thành trụ cột

của cơ chế quốc tế đa phương

Trọng Thành

Chính sách đối ngoại của Mỹ có thay đổi triệt để hay không, nếu Joe Biden đắc cử tổng thống. Đảng Cộng Sản Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch 5 năm mới, siết chặt kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ kích động hận thù tôn giáo và gây chia rẽ trong xã hội Pháp bị lên án. Trên đây là các chủ đề lớn của báo chí Pháp số ra đầu tuần, thứ Hai 26/10/2020.

Tranh cử Mỹ 8 ngày lúc bỏ phiếu chính thức tiếp tục là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp.Trang nhất Le Monde giới thiệu hồ sơ « Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi ». Điểm được Le Monde nêu bật là ứng cử viên Joe Biden sẽ cam kết « đưa nước Mỹ trở lại với các công việc chung của thế giới, đặc biệt  là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu », đoạn tuyệt với 4 năm ngoại giao co cụm, chống cơ chế đa phương của Donald Trump, phục hồi quan hệ giữa các nền dân chủ phương Tây.

Tuy nhiên, bài phân tích của nhà báo Gilles Paris, trên Le Monde, cũng nhấn mạnh là con đường khẳng định vị trí trụ cột của nước Mỹ trong cơ chế đa phương sẽ không dễ dàng.

Nhà báo Gilles Paris nhắc lại hành trình của chính trị gia Biden, từ khi đắc cử thượng nghị sĩ bang Delaware, vào lúc 30 tuổi, cho đến khi được chọn làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama, một phần quan trọng nhờ ở vốn hiểu biết về ngoại giao và quan hệ quốc tế dày dặn. Nhà báo Gilles Paris đối chiếu phát biểu của ứng cử viên Joe Biden trên tạp chí Foreign Affairs hồi đầu năm với quan điểm của ứng cử viên Biden trong các cuộc tranh luận sơ bộ trong nội bộ đảng Dân Chủ, cùng một số thay đổi mới đây, để rút ra một số nét chung xuyên suốt trong chính sách đối ngoại tương lai của ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ.

Nối lại với truyền thống đối ngoại của lưỡng đảng

Về mặt chính thức, nếu đắc cử, ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể gần 4 năm dưới thời Donald Trump.Đó là tiếp tục « đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể, như trước khi Donald Trump lên nắm quyền ».

Việc tái lập quan hệ với đồng minh truyền thống là « tâm điểm » trong chính sách đối ngoại của người có thể trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Trở lại với hiệp định khí hậu hay cổ vũ cho nhân quyền, đặc biệt với việc mở cửa trở lại cho người tị nạn vào Mỹ (vốn bị giảm 10 lần trong nhiệm kỳ Donald Trump). Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức « một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ », quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế « độc tài, phản tự do ».

Cảnh giác trước hoài niệm về một thời vàng son

Tuy nhiên, nhà báo Le Monde dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia, nêu bật các trở ngại.Phát biểu trên Wall Street Journal, nhà địa chính trị học Walter Russel Mead phê phán « tâm thế hoài niệm » về thời vàng son của nước Mỹ xưa kia, vốn dựa trên những nền tảng hiện không còn nữa, như một « nền kinh tế thị trường có quy củ, một giai tầng trung lưu lớn mạnh khiến cả thế giới phải thèm muốn hay một chính quyền đáp ứng quan tâm của cử tri Dân Chủ… ». Hoài niệm dễ dẫn đến ảo tưởng.

Nếu đắc cử, thách thức hàng đầu với Joe Biden là phải thuyết phục được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ. Điều này đặc biệt khó, trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng nghiêm trọng, « từ Covid, đến kinh tế, phân cực chính trị, mất niềm tin vào các định chế », như ghi nhận của nhà ngoại giao kỳ cựu Aaron David Miller. Chưa kể đến bộ máy ngoại giao, vốn là công cụ cho phép thực thi mục tiêu khẳng định quyền lực mềm của nước Mỹ, đã suy yếu nghiêm trọng dưới thời Donald Trump. Việc nhiều nhân sự xuất sắc rời khỏi bộ này để lại các hậu quả lâu dài cho nước Mỹ. Nhà ngoại giao Aaron David Miller kêu gọi ông Biden, nếu đắc cử, hãy chọn thái độ « chừng mực » và « thực tế ». Bên cạnh các mục tiêu dễ đạt, như thỏa thuận khí hậu, niềm tin với các đồng minh truyền thống, thượng đỉnh thế giới vì dân chủ, rất nhiều điều khác là khó hơn nhiều, do thiếu phương tiện.

Với Trung Quốc, Le Monde chú ý đến một số khác biệt đáng kể giữa Joe Biden và Donald Trump. Kể từ đầu năm đến nay, ông Biden coi Bắc Kinh là « đối thủ cạnh tranh đáng gờm », chứ không phải « địch thủ ». Joe Biden cũng sẽ không chọn chính sách « lên án hệ thống » đảng Cộng Sản Trung Quốc như ngoại trưởng Mỹ đang làm.

Ngược lại, với các vấn đề cụ thể như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, siết chặt kiểm soát Hồng Kông, lập trường lên án của Joe Biden được đánh giá « ổn định hơn » tổng thống mãn nhiệm. Khác với Donald Trump, ông Biden vừa cổ vũ cho một mặt trận chung của đồng minh và đối tác chống lại các hành động lấn lướt, xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng cũng sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân hay an ninh y tế toàn cầu.

Joe Biden: Trước hết là thắng lợi về « phong cách »

Cũng về chủ đề này, Les Echos có bài bình luận : « Nước Mỹ của Biden sẽ ra sao ? ». Tương tự như Le Monde, Les Echos chú ý đến các thách thức với ứng viên đảng Dân Chủ, nếu đắc cử. Tác giả bài viết, nhà bình luận Dominique Moisi, cho rằng thay đổi chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nếu Biden chiến thắng, trước hết sẽ là về « phong cách ».

Thắng lợi của ứng viên Dân Chủ sẽ là chiến thắng của một nước Mỹ nối lại với cơ chế đa phương, với truyền thống ủng hộ các giá trị dân chủ, với văn hóa tôn trọng, ngược hẳn lại với tính cách « đầy bất định » của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, lối hành xử « phi đạo lý », « thái độ thô tục ». Khả năng Donald Trump tái đắc cử, dù nhỏ, nhưng nếu trở thành hiện thực sẽ là « sự cổ vũ cho các thế lực thách thức hệ thống dân chủ, từ các phong trào dân túy cho đến các chế độ độc đoán ».

Tập Cận Bình « bỏ phiếu » cho Donald Trump

Les Échos hôm nay dành nhiều bài về chủ đề Trung Quốc. Bài bình luận ngắn, mang tựa đề « Tập Cận Bình », nhấn mạnh đến quyền lực gia tăng của lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã diễn ra trước nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đặc biệt trở nên rõ rệt trong thời gian ông Trump nắm quyền.

Từ Biển Đông cho đến biên giới Ấn – Trung, Bắc Kinh hành xử ngày càng táo tợn. Les Echos mỉa mai : « có lập luận nào tốt hơn để chống lại nền dân chủ tự do là chính sự bất tài của tổng thống Mỹ ».

Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng nắm chặt kinh tế tư nhân

Đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm nay, để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới. Bài « Tại Trung Quốc, đảng Cộng Sản ngày càng điều khiển chặt chẽ nền kinh tế » trên Les Echos đặc biệt chú ý đến việc chính quyền Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân, chiếm đến hơn 60% GDP và 80% việc làm.

Hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị trực tiếp : « Hãy trung thành với Đảng, và đừng quên là nhờ ai mà quý vị trở nên giầu có ! ». Một thông báo được đưa ra giữa tháng 9, yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân tham gia « Mặt Trận Thống Nhất », một tổ chức quần chúng của đảng Cộng Sản. Các chủ doanh nghiệp phải học tập « tư tưởng Tập Cận Bình ». Các cán bộ trẻ của khu vực tư nhân sẽ được đào tạo để học tập « các giá trị truyền thống » và thái độ phục tùng Đảng. Tính cho đến cuối năm 2018, hơn 90% doanh nghiệp tư nhân có một chi bộ Đảng. Việc phát triển cơ sở đảng trong kinh tế tư nhân tiếp diễn từ đó đến nay.

Trung Quốc, kẻ « đại thắng » trong đại dịch Covid

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro có bài « Khi Bắc Kinh dẫn đầu cuộc đua ». Bài viết nhấn mạnh đến lợi thế của Trung Quốc hiện nay, được coi là « bên đại thắng » trong dịch Covid-19, đại dịch xuất phát từ chính Trung Quốc rồi tràn ra khắp nơi từ đầu năm, khiến một bộ phận lớn nhân loại hiện nay đang tiếp tục điêu đứng. Tăng trưởng của Trung Quốc được coi là vững chắc, với 1,9% GDP năm nay, trong lúc Mỹ và khu vực đồng euro rơi vào suy thoái lịch sử. Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, chiếm khoảng 25% trong tổng số hàng hóa của 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhờ ở nhu cầu trang thiết bị y tế tăng vọt với đại dịch, nhu cầu về máy tính, điện thoại gia tăng trong thời gian phong tỏa, hay các nhu cầu từ các chính sách chấn hưng hậu Covid.

Theo Le Figaro, trong vòng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hóa sâu sắc về mô hình, với điều mà Le Figaro gọi là « chủ nghĩa tư bản toàn trị ». Bắc Kinh đang cố gắng chứng tỏ là « chủ nghĩa tư bản toàn trị » này có hiệu quả hơn « nền dân chủ » trong việc kiểm soát các khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, và kể cả chiến lược chuyển sang nền kinh tế Xanh.

Bắc Kinh gặt hái nhiều thành công với đại dịch Covid, nhưng đại dịch này cũng cho thấy tính tương phản sâu sắc giữa một quốc gia đang vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao công nghệ và cách vận hành xã hội cổ lỗ trên nhiều phương diện. Theo Le Figaro, hiện tại Trung Quốc đang chiếm ưu thế khá rõ, nhưng chưa phải đã giành thắng lợi.

Thổ Nhĩ Kỳ huy động Hồi Giáo cực đoan chống nước Pháp 

Le Figaro hôm nay tập trung vào chủ đề quan hệ Paris – Ankara, với tựa trang nhất : « Erdogan huy động Hồi Giáo cực đoan chống lại nước Pháp ». Nước Pháp đang đối mặt với nguy cơ khủng bố nội địa gia tăng, do các thế lực Hồi giáo cực đoan. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại sau vụ kẻ khủng bố gốc Tchetchenia cắt cổ một thầy giáo. Thái độ mập mờ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về vụ khủng bố này, rồi những lời lẽ thô bạo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khuyên đồng nhiệm Pháp « đi khám sức khỏe tâm thần », buộc Paris phải triệu hồi đại sứ. Theo Le Figaro, đằng sau hành xử của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là mưu toan của chính quyền Erdogan nhằm kích động các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp nơi chống lại nước Pháp, nhằm làm sống lại quá khứ đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài xã luận « Chính sách hạ nhục » của Le Figaro giải thích : tại sao lại là nước Pháp ? Bởi nước Pháp chính là quốc gia đã lên án các hành động ngang ngược  của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, Libya, đông Địa Trung Hải và giờ đây là tại vùng Thượng Karabakh. Theo Le Figaro, giống như các lãnh đạo độc tài đang mất uy tín, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây ra các khủng hoảng mới để đánh lạc hướng công luận về các thất bại trong kinh tế hay chính trị.

Vẫn chủ đề này, La Croix, với tựa đề « Cuộc chiến tranh giành công luận », nhắc đến việc bộ Ngoại Giao Pháp phải lên tiếng về việc nhiều phương tiện truyền thông tại các quốc gia theo Hồi giáo, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đã bóp méo các thông điệp của tổng thống Pháp. Khi dẫn lại các diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron, đã cố tình loại bỏ sự khác biệt giữa Hồi giáo cực đoan và Hồi giáo, khiến công chúng lầm tưởng là tổng thống Pháp chống lại đạo Hồi. Việc bóp méo thông tin như vậy không những làm tổn hại đến hình ảnh của nước Pháp ở nước ngoài, mà các tuyên truyền xuyên tạc như vậy được phổ biến tại Pháp có thể tạo thành các mầm mống « gây chia rẽ người Pháp với người Pháp ».

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201026-d%C3%B9-biden-th%E1%BA%AFng-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-d%E1%BB%85-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-tr%E1%BB%A5-c%E1%BB%99t-c%E1%BB%A7a-c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-%C4%91a-ph%C6%B0%C6%A1ng

Tin tổng hợp

(Reuters) – Hà Nội trục xuất một công dân Mỹ gốc Việt bị án tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam. 

Ông Michael Nguyễn, sinh năm 1964 tại Việt Nam và sống ở Hoa Kỳ từ nhỏ, bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2018 tại Việt Nam và bị kết án 12 năm tù, đã được thả và đã về đến California. Gia đình ông đã xác nhận vào hôm nay, 26/10/2020; là ông Michael Nguyễn đã về đến nhà hôm thứ Năm tuần trước. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trong một thông báo, đã xác nhận việc ông Michael Nguyễn rời Việt Nam vào ngày 21 tháng 10. Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện chưa có bình luận.

(AFP) – Canada: Giám đốc tài chánh Hoa Vi lại ra tòa để phản đối việc bà bị giam giữ.

 Bà Mạnh Vãn Châu trở lại tòa án Vancouver hôm nay 26/10/2020 để tố cáo các điều kiện bắt giữ bà vào cuối năm 2018 và yêu cầu dừng các thủ tục dẫn độ qua Mỹ nhắm vào bà. Luật sư của bà Mạnh Vãn Châu một lần nữa sẽ cố gắng thuyết phục thẩm phán rằng quyền của thân chủ của họ đã bị vi phạm, sau khi bà bị Hải Quan Canada thẩm vấn trong ba giờ đồng hồ mà không được thông báo về các tội danh nhắm vào bà. Các luật sư cũng tố cáo việc thu giữ các thiết bị điện tử của bà, bao gồm cả điện thoại và máy tính xách tay, vốn đã được chuyển cho cơ quan FBI của Hoa Kỳ. Theo họ, hành động của nhà chức trách Canada đã vi phạm Hiến Chương về Quyền và Tự Do của Canada.

( AFP ) – Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan : Trung Quốc ban hành trừng phạt. 

Hôm nay, 26/10/2020, Trung Quốc thông báo các trừng phạt đối với những công ty, những cá nhân và những thực thể của Mỹ có liên quan đến dự án bán các vũ khí trị giá tổng cộng 1,5 tỷ euro cho Đài Loan. Các biện pháp trừng phạt này đặc biệt nhắm đến các tập đoàn vũ khí Lockheed Martin, Raytheon và nhánh quốc phòng của tập đoàn Boeing. Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho việc giao các tên lửa và những thiết bị quân sự khác cho Đài Bắc. 

( AFP ) – Thượng Viện Mỹ phê chuẩn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. 

Hôm nay, 26/10/2020, trên nguyên tắc Thượng Viện Mỹ sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện theo đề nghị của tổng thống Donald Trump. Phe Dân Chủ vẫn yêu cầu dời việc bổ nhiệm thẩm phán Barrett cho đến sau bầu cử tổng thống, nhưng họ không có phương tiện nào để ngăn chận. Như vậy là 8 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đã củng cố thêm xu hướng bảo thủ trong định chế có vai trò rất quan trọng tại Hoa Kỳ và qua đó thỏa mãn đòi hỏi của các cử tri của ông.

( AFP ) – Covid-19 : Melbourne dỡ bỏ phong tỏa. 

Hôm nay, 26/10/2020, chính quyền thông báo là lệnh phong tỏa tại thành phố Melbourne, được ban hành cách đây 3 tháng để ngăn chận làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, sẽ được dỡ bỏ kể từ đêm thứ Ba, bởi vì trong 24 giờ qua đã không có ca nhiễm nào mới được ghi nhận tại bang Victoria, mà Melbourne là thủ phủ. Như vậy là người dân Melbourne  sẽ không còn buộc phải ở trong nhà, các cửa hàng, nhà hàng sẽ được phép nhận khách trở lại.

(AFP) – Covid-19 : hơn 1,15 triệu người thiệt mạng trên thế giới. 

Riêng tại Hoa Kỳ trong ngày 25/10/2020 đã có thêm hơn 83.000 ca lây nhiễm mới. Chánh văn phòng phủ tổng thống Mỹ, Mark Meadows trên đài truyền hình CNN cho biết Washington không « kiểm soát đại dịch mà taahp trung vào việc chế tạo vac-xin, thuốc men cùng nhiều phương tiện khác để giảm nhẹ » căn bệnh mới mẻ đối với ngành y khoa này. Bên đảng Dân Chủ đối lập lên án chính quyền Trump « đầu hàng » trước virus corona.

( AFP ) – Vụ đe dọa tàu dầu ngoài khơi Anh Quốc: 7 nghi can bị bắt. 

Tối qua, 25/10/2020, quân đội Anh Quốc đã bắt giữ 7 nghi can khi tiến hành chiến dịch giành lại quyền kiểm soát một tàu dầu ở ngoài khơi đảo Wight, miền nam nước Anh. Thủy thủ đoàn của tàu dầu đã bị một nhóm hành khách đi lậu trên tàu uy hiếp trong suốt 10 tiếng đồng hồ. Chiếc tàu này đi từ Lagos, thủ đô kinh tế của Nigeria, để đến cảng Southampton của Anh Quốc

(AFP) – Chilê sang trang thời đại Pinochet. 

Theo kết quả gần như toàn bộ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/10/2020, hơn 78 % cử tri Chilê muốn có một bản Hiến Pháp mới thay thế cho bản Hiến Pháp hiện hành có từ thời nhà độc tại Augusto Pinochet (1973-1990). Đây là đòi hỏi chính của phong trào phản kháng Chilê từ tháng 10/2019. Ngoài ra cử chi Chilê cũng mong muốn bản Hiến Pháp mới sẽ do một cơ chế do dân bầu ra soạn thảo. Bước kế tiếp, đến năm 2022 chính quyền Santiago sẽ lại tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp mới.

(AFP) – 2050 Nhật Bản sẽ đạt ngưỡng trung hòa về khí thải. 

Thủ tướng Yoshihide Suga  ngày 26/10/2020 thông báo Nhật Bản tiếp tục giảm lượng khí thải carbon nhằm đạt đến mục tiêu « zero » trong 3 thập niên nữa. Giới trong ngành xem đây là một mục tiêu « đầy tham vọng ». Để đạt được mục tiêu này, Tokyo đánh cược vào những phát minh mới, đứng đầu là năng lượng mặt trời và công nghệ cao. Tới nay, Nhật Bản thường xuyên bị chỉ trích xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện trên lãnh thổ quốc gia và hải ngoại, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.

(AFP) –Liên hoan phim Cannes thu nhỏ. 

Bị hủy vào tháng 5 vừa qua vì đại dịch Covid-19, festival phim quốc tế Cannes dự trù một phiên bản mini được mở ra trong ba ngày từ 27 đến 29/10/2020. Ban tổ chức cho công chiếu 4 tác phẩm trong số 56 bộ phim đã được chọn. Hai bộ phim Pháp được vinh dự khai mạc và kết thúc mùa liên hoan đặc biệt năm nay. Hai tác phẩm ngoại quốc còn lại được ra mắt công chúng gồm True Mothers của nữ đạo diễn Nhật Bản Naomi Kawwase và Beginning của nhà làm phim người Gruzia, Dea Kulumbegshivili.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201026-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 26/10:

Ông Trump lo đảng Cộng hòa ‘có thể mất Thượng viện’;

Chủ tịch tập đoàn Samsung qua đời ở tuổi 78

Quý Khải

Mục lục bài viết          

Ông Trump lo đảng Cộng hòa ‘có thể mất Thượng viện’

Chủ tịch tập đoàn Samsung qua đời ở tuổi 78

Philippines sơ tán gần 1.800 người để tránh bão Molave

Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp chống virus Vũ Hán

Con trai Trump úp mở ra tranh cử tổng thống năm 2024

Thủ tướng Bulgaria dương tính với virus Vũ Hán

Người biểu tình Thái Lan tuyên bố sẽ yêu cầu Đức điều tra vua Thái đang định cư tại đây

Mục Điểm tin thế giới sáng Thứ hai (26/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ông Trump lo đảng Cộng hòa ‘có thể mất Thượng viện’

Tổng thống Trump chia sẻ lo ngại về viễn cảnh đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện vào năm tới. Ông cũng cho biết ông không thể ủng hộ một số ứng viên trong đảng, theo Newsweek.

Trao đổi với tờ Washington Post, một người giấu tên tham dự buổi gây quỹ tư nhân tại Nashville Marriott ở bang Tennessee cho biết ông Trump từng thừa nhận với các nhà tài trợ vào hôm 22/10 rằng “Có thể tiếp tục nắm quyền kiểm soát thượng viện sẽ là điều rất khó”.

Ông Trump tuyên bố:

“Có một vài thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa mà tôi thực sự không thể tin tưởng. Tôi chỉ là không thể làm điều đó. Tôi không thể và sẽ không giúp một vài người trong số họ”.

Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định rằng đảng Cộng hòa “sẽ lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện”.

Chủ tịch tập đoàn Samsung qua đời ở tuổi 78

Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc hôm qua (25/10) đã thông báo về sự ra đi của chủ tịch Lee Kun Hee sau một thời gian dài nằm liệt giường vì bị đột quỵ hồi năm 2014, theo New York Times.

Ông Lee Kun Hee nắm quyền lãnh đạo Tập đoàn Samsung vào năm 1987, sau cái chết của cha ông và cũng là người sáng lập tập đoàn, Lee Byung Chul. Thời điểm đó, nhiều người chỉ biết đến thương hiệu này với tư cách là nhà sản xuất tivi và lò vi sóng giá rẻ.

Tuy nhiên, nhờ đường lối đột phá của ông Lee, Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực chíp nhớ vào những năm 1990.

Năm 2005, ông được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông Lee cũng là người giàu nhất Hàn Quốc hiện nay với tài sản ròng ước tính là 20,7 tỷ USD.

Ông Lee Kun Hee được nhiều người nhớ đến với câu nói: “Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của bạn!”.

Philippines sơ tán gần 1.800 người để tránh bão Molave

Philippines đã sơ tán gần 1.800 người và ngừng việc đi lại trên biển, trong bối cảnh bão Molave dự kiến mang theo mưa lớn sẽ đổ vào khu vực Bicol và Calabarzon ở phía Nam đảo Luzon của nước này trong ngày 25/10, theo Reuters.

Tại các tỉnh thuộc vùng Bicol, tổng cộng 532 gia đình, với gần 1.800 người, đã phải sơ tán tới các nơi trú ẩn tạm thời.

Bão Molave (bão số 9) hình thành sau cơn bão Saude(bão số 8), vốn gây ra lũ lụt trên diện rộng ở phía Đông Nam thủ đô Manila vào tuần trước.

Sau khi vượt qua Philippines, dự báo, bão Molave sẽ tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông.

Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp chống virus Vũ Hán

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez hôm Chủ nhật đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần hai. Theo đó nước này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch viêm phổi Vũ Hán, theo HuffPost.

Thủ tướng Sánchez cho biết lệnh giới nghiêm sẽ áp dụng từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng trên toàn quốc, ngoại trừ Quần đảo Canary.

Sau cuộc họp với Nội các, vị thủ tướng cho hay:

“Thực tế là châu Âu và Tây Ban Nha đang phải vật lộn trong làn sóng đại dịch thứ hai”.

Nhà lãnh đạo xứ sở bò tót cho biết thêm rằng ông sẽ yêu cầu Quốc hội nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp trong suốt sáu tháng, kéo dài tới tận tháng Năm năm sau.

Con trai Trump úp mở ra tranh cử tổng thống năm 2024

Hôm 24/10, trên trang Instagram, Donald Trump Junior, con trai cả Tổng thống Trump đã đăng bức ảnh chụp cá nhân đứng trước một tấm băng rôn lớn ghi dòng chữ “Don Jr 2024”, làm dấy lên đồn đoán về khả năng anh sẽ tranh cử tổng thống sau 4 năm nữa, theo New York Post.

Anh viết:

“Đây là tấm băng-rôn tôi đã tình cờ nhìn thấy tại Phiên đấu giá Gia súc Fallon ở bang Nevada. Điều này sẽ khiến những gã theo phái tự do phải đứng ngồi không yên đây. Tôi muốn gửi lời cảm ơn cho bất kỳ ai vì lời khen tặng này… nhưng trước hết hãy cùng vượt qua năm 2020 với một chiến thắng vang dội trước đã !!!! ”.

Mặc dù gần gũi với cha mình, nhưng Trump Junior không đảm nhiệm vai trò chính thức nào trong Nhà Trắng và anh chủ yếu hoạt động như một người đại diện bên ngoài, thu hút thêm người hâm mộ cho cha anh trên mạng xã hội và kháng lại các đối thủ của ông.

Thủ tướng Bulgaria dương tính với virus Vũ Hán

Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov hôm Chủ nhật cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán và sẽ ở nhà điều trị trong thời gian này, theo khuyến cáo của các bác sĩ, theo Reuters.

Văn phòng thông tấn chính phủ Bulgari cho biết trước đó ông Borissov vẫn làm việc bình thường và vẫn liên lạc thường xuyên với các bộ trưởng trong chính phủ.

Tổng thống Borissov và ba bộ trưởng trong nội các đã tự cách ly vào cuối ngày thứ Sáu sau khi tiếp xúc với một thứ trưởng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

Các cơ quan y tế đã cho phép ông Borissov ngừng cách ly vào cuối ngày thứ Bảy sau khi có hai lần kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng sau đó ở lần xét nghiệm thứ ba hôm Chủ nhật vừa rồi ông lại có kết quả dương tính.

Người biểu tình Thái Lan tuyên bố sẽ yêu cầu Đức điều tra vua Thái đang định cư tại đây

Đông đảo người biểu tình Thái Lan hôm Chủ nhật cho biết họ sẽ kiến ​​nghị Đức điều tra việc Vua Maha Vajiralongkorn sử dụng quyền lực của mình khi đang cư trú tại quốc gia châu Âu này. Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Bangkok, theo Reuters.

Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật là màn đối đầu lớn đầu tiên của người biểu tình kể từ khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phớt lờ thời hạn chót để từ chức mà người biểu tình đưa ra cho ông và kể từ khi ông chấm dứt tình trạng khẩn cấp hôm 15/10 vốn đã phản tác dụng khi khơi mào các cuộc biểu tình thậm chí còn lớn hơn.

Một cuộc tuần hành được lên kế hoạch tới đại sứ quán Đức ở thủ đô Bangkok hôm nay trong bối cảnh người biểu tình kêu gọi hạn chế quyền lực nhà vua Thái. Nhà vua Thái đã dành phần lớn thời gian sinh sống ở Đức trong năm nay.

Trong một tuyên bố, những người biểu tình cho biết họ sẽ gửi một lá thư tới đại sứ quán để hỏi xem liệu nhà vua có vi phạm luật pháp của Đức khi sử dụng quyền lực trị vì của mình tại lãnh thổ Đức hay không. Đây cũng là điều mà chính phủ Đức đã tuyên bố là không thể chấp nhận được.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-26-10-ong-trump-lo-dang-cong-hoa-co-the-mat-thuong-vien-chu-tich-tap-doan-samsung-qua-doi-o-tuoi-78.html

Điểm tin thế giới tối 26/10:

Giới chóp bu Trung Quốc họp kín bàn

kế hoạch kinh tế; Bắc Kinh cảnh giác

khi Putin bóng gióvề liên minh quân sự Nga – Trung

Triệu Hằng

Mục lục bài viết          

Giới chóp bu Trung Quốc họp kín bàn kế hoạch kinh tế

Bắc Kinh cảnh giác khi Putin bóng gió về liên minh quân sự Nga – Trung

Hunter Biden đã tham gia vào “nỗ lực của Trung Quốc để thâu tóm công nghệ phương Tây”

Nhà vua Malaysia bác bỏ yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Muhyiddin

Máy bay không người lái của Trung Quốc gặp tai nạn tại triển lãm hàng không

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (26/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Giới chóp bu Trung Quốc họp kín bàn kế hoạch kinh tế

Nikkei Asian đưa tin, khoảng 200 thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của đất nước đang tập trung tại Bắc Kinh cho phiên họp toàn thể lần thứ năm của đảng. Cuộc họp kín sẽ kéo dài 4 ngày bắt đầu từ thứ Hai (26/10) để thảo luận về các chiến lược phát triển kinh tế và xã hội dài hạn.

Trọng tâm thảo luận sẽ là kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc và mục tiêu trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về đổi mới công nghệ và các lĩnh vực kinh tế khác vào năm 2035. Cuộc họp toàn thể diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, bị làm trầm trọng hơn bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán và leo thang căng thẳng với Hoa Kỳ.

Kế hoạch chi tiết 2021 – 2025 sẽ đánh dấu bộ chính sách đầu tiên nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 15 năm tới. Trong những tuần gần đây, các quan chức đã bàn luận về khái niệm phát triển “tuần hoàn kép” do ông Tập khởi xướng hồi tháng Năm.

Bắc Kinh cảnh giác khi Putin bóng gió về liên minh quân sự Nga – Trung

SCMP đưa tin, Bắc Kinh thận trọng hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về một liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga đưa ra đề xuất như vậy kể từ khi hiệp ước giữa Stalin và Mao Trạch Đông sụp đổ.

Hôm 23/10, Putin đã được hỏi về khả năng có một liên minh như vậy trong cuộc họp của diễn đàn Câu lạc bộ thảo luận Valdai có trụ sở tại Nga, ông trả lời rằng: “Chúng tôi luôn tin rằng quan hệ của chúng tôi đã đạt đến mức độ hợp tác và tin tưởng, vậy điều đó là không cần thiết, nhưng chắc chắc có thể hình

dung, trên lý thuyết”. Một số nhà quan sát Trung Quốc lưu ý rằng ý tưởng này rất khó xảy ra, mặc dù việc nói về nó cũng có thể được coi là một dấu hiệu thiện chí.

Các bình luận được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng xấu đi và được đưa ra cùng ngày Tập Cận Bình có bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Trung Quốc chống Mỹ viện Triều.

Hunter Biden đã tham gia vào “nỗ lực của Trung Quốc để thâu tóm công nghệ phương Tây”

Cộng tác viên cấp cao của Breitbart News, Peter Schweizer cho biết trên chương trình “Sunday Morning Futures” phát sóng hôm Chủ nhật của Fox News Channel rằng, Hunter Biden, con trai của Joe Biden đã cùng góp phần vào nỗ lực của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ phương Tây, Breitbart News đưa tin.

Bartiromo, người dẫn chương trình của Fox News, đã hỏi Schweizer: “có phải các công ty Trung Quốc muốn có sức ảnh hưởng của Joe Biden để có thể được chấp thuận mua lại các công ty ở Hoa Kỳ. Và những gì mà Donald Trump đã và đang cố gắng làm là chấm dứt việc Trung Quốc xâm nhập vào Hoa Kỳ, mua lại thung lũng Silicon và ép buộc chuyển giao công nghệ, để giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc có chỗ dựa trên công nghệ Mỹ”.

Schweizer trả lời: “Bạn nói chính xác, và đây là một phần quan trọng của câu chuyện bị bỏ lỡ. Đây không chỉ là câu chuyện về Hunter Biden và gia tộc trở nên giàu có. Đó là về việc Hunter Biden cùng góp phần vào nỗ lực của Trung Quốc để thâu tóm công nghệ phương Tây. Cụ thể, chẳng hạn, có một công ty tên là Henniges bên rìa Michigan, sản xuất các công nghệ lưỡng dụng ứng dụng trong cả quân sự và dân sự, và đó là công nghệ chống rung. Công ty có nguồn vốn đầu tư Trung Quốc của Hunter Biden đã hợp tác với AVIC, là nhà thầu quân sự lớn nhất ở Trung Quốc và họ cùng nhau mua lại Henniges. Rõ ràng là nó ứng dụng trong quân sự”.

Nhà vua Malaysia bác bỏ yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Muhyiddin

Theo Reuters, quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đã từ chối hôm Chủ nhật (26/10) yêu cầu của Thủ tướng Minister Muhyiddin Yassin ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán, nói rằng ông không thấy cần thiết.

Sự từ chối của nhà vua là một trở ngại lớn đối với ông Muhyiddin, người đang đối mặt với thách thức lãnh đạo từ thủ lĩnh phe đối lập Anwar Ibrahim và đấu đá nội bộ trong liên minh cầm quyền của ông. Các nhà phê bình đã lên án đề xuất của ông về quy định khẩn cấp, cho rằng đó là một nỗ lực để duy trì quyền lực vì nó sẽ giúp ông tránh được một cuộc thách thức tiềm năng trong quốc hội.

“Tại thời điểm này, Hoàng thượng không cần ban bố tình trạng khẩn cấp ở đất nước hoặc bất kỳ vùng nào của đất nước Malaysia”, cung điện cho biết trong một tuyên bố.

Máy bay không người lái của Trung Quốc gặp tai nạn tại triển lãm hàng không

Taiwan News đưa tin, video xuất hiện hôm Chủ nhật (25/10) cho thấy một thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất bất ngờ lao xuống đất và rơi xuống ngay trước mặt khán giả trong một buổi trình diễn ở triển lãm hàng không.

Hôm thứ Bảy (24/10), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc và Chính quyền nhân dân tỉnh Chiết Giang đã tổ chức một cuộc triển lãm hàng không gọi là “Cuộc thi sáng tạo phương tiện bay không người lái quốc tế” ở Hàng Châu, Trung Quốc. Trong sự kiện này, một chiếc trực thăng không người lái “Predator” được phát triển bởi Công ty TNHH Phát triển Trực thăng tầng thấp Sao Hàng Châu và được ca ngợi là một trong những “người đi trước” trong phát triển ngành công nghiệp máy bay không người lái của Trung Quốc đã bất ngờ gặp tai nạn thảm khốc.

Vào Chủ nhật, một cư dân mạng Trung Quốc đã đăng đoạn phim quay lại toàn bộ chuyến bay xấu số của chiếc máy bay không người lái này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-26-10-gioi-chop-bu-trung-quoc-hop-kin-ban-ke-hoach-kinh-te-bac-kinh-canh-giac-khi-putin-bong-gio-ve-lien-minh-quan-su-nga-trung.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?