Trường VN dạy tiếng Hàn, Đức khi tiếng Anh còn chưa tới đâu?

  • Michael Nguyễn
  • Gửi tới BBC từ Singapore
Korean alphabet
Chụp lại hình ảnh,

Tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12 ở các trường theo hệ 10 năm thí điểm, theo một quyết định mới của Bộ Giáo dục (hình minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có quyết định ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Môn tiếng Hàn và tiếng Đức được coi là ngoại ngữ 1, được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.

Quyết định này làm dấy lên nhiều quan ngại không những từ phía học sinh, phụ huynh học sinh trong nước về việc hiện đã có 7 ngoại ngữ được đưa vào trường học làm "ngoại ngữ 1"- tức ngoại ngữ bắt buộc, ảnh hưởng tới việc tập trung nguồn lực giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học sinh.

Một nhà báo có uy tín của tờ Lao Động còn có ý kiến về việc bắt buộc ngoại ngữ nào cũng là "mũi nhọn" dẫn đến việc chả có cái gì là mũi nhọn, và lưu ý chất lượng tệ hại trong kỳ thi tốt nghiệm trung học phổ thông năm 2020, điểm trung bình môn ngoại ngữ tiếng Anh là 4,577 và số điểm nhiều nhất là 3 và 4.

Với bài viết này, tôi chia sẻ những quan ngại nói trên và thấy nên giới thiệu về kinh nghiệm chọn ngoại ngữ để giảng dạy và sử dụng như một lingua franca trong một quốc gia ASEAN vốn có điểm xuất phát gần gũi với Việt Nam.

Children going to school in Singapore
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chọn chọn tiếng Malay là quốc ngữ và tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính mặc dù hơn 70% công dân Singapore có gốc Hoa

Từ Singapura đến Singapore

Quốc gia nào hát quốc ca bằng tiếng Malay mà lại có tới hơn 70% công dân là người gốc Hoa, phần còn lại là người gốc Malay, Ấn Độ...? Quốc gia nào từng là thuộc địa, lạc hậu, nhưng nay đã phát triển thịnh vượng vượt qua mẫu quốc cả về thu nhập bình quân GDP, lẫn giao thông vận tải, giáo dục, y tế, tài chính, công nghệ sinh học?

Bí quyết nào đã gắn kết các sắc tộc lại trong một quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc mà không để xảy ra các xung đột sắc tộc? Và bí quyết nào đã giúp đưa một quốc gia từ địa vị thế giới thứ 3 đến thế giới thứ nhất trong vòng có một thế hệ?

Bí quyết này không gì khác ngoài việc chọn và sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính của quốc gia, làm ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường, sử dụng trong bộ máy hành chính, trong giao tiếp thường ngày và các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Hai người góp phần vào việc biến quốc gia/hòn đảo có tên Singapura (tiếng Malay) trở thành Singapore mà không phải là 新加坡 (Tân Gia Ba - tiếng Hoa) được biết đến như ngày nay. Đó là ngài Stamford Raffles (1781-1926), một quan chức người Anh, người tìm ra và xây dựng nó từ một làng chài nghèo khó, và thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1923-2015) người tiếp nối và giữ cho tiếng Anh ở lại đảo quốc, rồi quyết định phổ thông hóa tiếng Anh.

Yale-NUS campus
Chụp lại hình ảnh,

Các trường đại học của Singapore đều giảng dạy bằng tiếng Anh, chứ không phải tiếng Hoa hay các ngoại ngữ khác

Ngay từ từ khi mới giành được độc lập (1965), phản ứng với đề nghị và sức ép của các ông chủ, của lãnh đạo cộng đồng người Hoa chiếm hơn 75% dân số đòi dùng tiếng Hoa làm quốc ngữ, ông Lý trả lời dứt khoát: "Các ngài muốn vậy, hãy bước qua xác tôi." (You will have to fight me first, then do so over my dead body).

Đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của một nhóm đa số sắc tộc, người lãnh đạo Singapore chọn tiếng Malay là quốc ngữ (national language) và tiếng Anh, ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới lúc đó chứ không phải tiếng Hoa, là ngôn ngữ hành chính của đảo quốc này.

Quyết định lớn thứ hai của ông Lý là việc yêu cầu Đại học NanYang (đại học tiếng Hoa lớn nhất Singapore và lớn nhất bên ngoài Trung Quốc lục địa khi đó) phải chuyển sang giảng dạy các môn bằng tiếng Anh, rồi sáp nhập với Đại học Singapore thành Đại học Quốc gia.

Lý do ông Lý đưa ra là chỉ có thông thạo tiếng Anh, chứ không phải tiếng Hoa hay các ngoại ngữ khác mới giúp thanh niên và sinh viên Singapore có nhiều cơ hội kiếm việc làm, tham gia vào các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Anh, Châu Âu, học hỏi những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó mà giúp cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Quyết định này của ông vấp phải sự phản đối của nhiều người dân, doanh nghiệp gốc Hoa muốn duy trì điều họ gọi là "bản sắc dân tộc", làm đảng Hành động Nhân dân của ông bị ảnh hưởng trong cuộc bầu cử sau đó. Ông Lý đã hành động không đúng trên cương vị một chính trị gia "not politically correct" với đảng và chính uy tín cá nhân ông tại lúc đó, nhưng đúng đắn với lợi ích lâu dài của quốc gia.

Học ngoại ngữ ở trường Singapore

Bộ Giáo dục Singapore chủ trương không bắt buộc đào tạo ngoại ngữ một cách đại trà cho toàn bộ học sinh nước này. Đến tận năm 1978, Bộ giáo dục mới cho học thêm tiếng Pháp và tiếng Nhật. Năm 1979 thêm tiếng Đức. Năm 2008 có thêm tiếng Arab và tiếng Indonesia. Năm 2014, thêm tiếng Tây Ban Nha. Tổng cộng có 7 ngoại ngữ thứ 3 (third language) được giảng dạy ở hệ thống giáo dục phổ thông Singapore.

Đáng chú ý là chỉ 10% số học sinh xuất sắc nhất mỗi khóa tốt nghiệp hàng năm được học ngoại ngữ thứ 3. Trong số 10% này lại phân bổ ai được học thứ tiếng gì, căn cứ vào kết quả tốt nghiệp và học tập của học sinh đó.

Học sinh phổ thông Singapore không học ngoại ngữ tại trường lớp của mình, mà được bố trí đi học tại Trung tâm ngoại ngữ của Bộ giáo dục, nơi tập trung đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đáp ứng các điều kiện tốt nhất và chất lượng cao cho công tác giảng dạy và học tập.

University students in HN
Chụp lại hình ảnh,

Có nên mở rộng việc đào tạo thêm nhiều ngoại ngữ trong khi trình độ tiếng Anh của học sinh còn chưa cao? (Hình minh họa)

Chúng ta có thể học được gì từ Singapore?

Vì những bước ngoặt của lịch sử, nhiều thế hệ học sinh của Việt Nam trước đây được chuyển học ngoại ngữ 1 từ tiếng Trung, sang tiếng Nga, rồi bây giờ là tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Mỗi lần thay đổi ngoại ngữ 1, là một sự xáo trộn và lãng phí nguồn lực, nguồn tài nguyên trong giáo dục và nếp tư duy của học sinh.

Có lẽ chúng ta nên thực hiện việc tập trung đào tạo ngoại ngữ như Singapore. Tập trung số ngoại ngữ phổ cập trong nhà trường. Không nên mở rộng nhiều ngoại ngữ và việc bắt đầu học sớm các ngoại ngữ đó ngay tại các lớp cấp 1.

Ông cha chúng ta đã đấu tranh hàng ngàn năm với nhiều kẻ xâm lược ngoại bang để được nói tiếng Việt. "Tiếng ta còn, nước ta còn". Việt Nam chưa thể cùng lúc có tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và một ngôn ngữ hành chính khác như Singapore đã làm, vì các lý do chính trị, xã hội. Chúng ta không cần lý do phải dùng một ngoại ngữ để đoàn kết hơn 60 dân tộc anh em như Singapore cần tiếng Anh để gắn kết các sắc dân.

Nhưng chúng ta cần xác lập, cần tập trung các nguồn lực: Giáo viên, tài liệu, sách giáo khoa.. để đầu tư vào một ngoại ngữ lớn cho con em chúng ta ở Việt Nam, để chúng có điều kiện dài hạn và tốt nhất cho việc học, việc tìm hiểu, lĩnh hội tri thức để hội nhập nhanh hơn, sâu rộng hơn vào thế giới bên ngoài.

Có lẽ nên xây dựng tại mỗi địa bàn có nhiều trường, một tỉnh hay thành phố một Trung Tâm Ngoại ngữ của Bộ giáo dục, như Singapore đã làm, để tập trung nguồn lực dạy và học.

Việc đưa thêm ngoại ngữ để học sinh lựa chọn có thể là một mục tiêu lớn sau này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng dạy, về dự báo, khảo sát thị trường lao động và nhu cầu người học.

Có lẽ khi nào chúng ta thấy những điểm 8, điểm 9 hay điểm 10 xuất hiện nhiều hơn trong các kỳ thi tiếng Anh khối THPT, lúc đó mới là thời điểm chúng ta bổ sung thêm môn ngoại ngữ mới trong nhà trường phổ thông?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Michael Nguyễn, hiện đã sống tại Singapore được 20 năm. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?