Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật cam kết cùng sát cánh đối phó với Trung Quốc

 RFI

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) họp báo với thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, 16/04/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) họp báo với thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, 16/04/2021. REUTERS - TOM BRENNER

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên thăm Washington từ khi ông Biden nhậm chức, hôm 16/04/2021, đã cam kết « cùng nhau đối phó với các thách thức » từ Trung Quốc.

Tổng thống Biden tuyên bố : « Chúng tôi kiên quyết cùng chung sức đối phó với các thách thức do Trung Quốc đặt ra như vấn đề Biển Hoa Đông, Biển Đông, Bắc Triều Tiên ». Ông nhắc lại rằng các chế độ dân chủ sẽ chiến thắng độc tài. Về phần mình, thủ tướng Nhật Bản nêu ra một liên minh dựa trên « tự do, dân chủ và nhân quyền ». Ông Suga khẳng định hai nước đồng minh phản đối « mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực trên Biển Đông và Biển Hoa Đông ».

AFP lưu ý, việc chọn lựa khách mời đầu tiên là nhà lãnh đạo Nhật Bản, tiếp đó vào tháng Năm sẽ đến lượt tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho thấy Joe Biden dành ưu tiên cho các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, chủ yếu tại châu Á, đấu trường sắp tới với đối thủ chiến lược số một của Washington.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến tình trạng căng thẳng đang tăng lên đối với Đài Loan, tố cáo các hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, và bàn về chiến lược đối phó với Bắc Triều Tiên. Trong thông cáo chung, đôi bên nhấn mạnh « tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », cổ vũ cho một giải pháp ôn hòa.

Cho dù phát biểu một cách chừng mực, đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật đưa ra tuyên bố chung với tổng thống Mỹ về Đài Loan, kể từ khi hai đồng minh công nhận Bắc Kinh thay chỗ Đài Bắc trong thập niên 70. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm nay 17/04 cho biết « vô cùng bất mãn » trước lời bình luận « đụng chạm đến lợi ích căn bản của Trung Quốc », chỉ trích « nỗ lực chia rẽ tại Châu Á-Thái Bình Dương » thông qua khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Một viên chức cao cấp của chính quyền Biden nhận xét, việc rút quân khỏi Afghanistan như tổng thống tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng nhằm giúp Hoa Kỳ có thể tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Biden còn tiếp tục chính sách gây áp lực lên Hoa Vi (Huawei) của ông Trump. Mỹ sẽ dành 2,5 tỉ đô la và Nhật 2 tỉ để đầu tư phát triển « các mạng lưới 5G khả tín ». Vấn đề giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2030 cũng được nhắc đến trong thông cáo chung. Tuy nhiên, Nhật không tham gia cùng Mỹ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Theo ông Michael Green, cựu cố vấn châu Á của tổng thống George W. Bush, Tokyo tránh trực tiếp đối đầu với đối tác thương mại quan trọng, nhưng cũng theo các đường hướng của Mỹ, dù thận trọng hơn.

Mỹ ủng hộ Nhật Bản duy trì Thế vận hội 

Tổng thống Joe Biden ủng hộ quyết tâm của thủ tướng Yoshihide Suga trong việc tổ chức Thế vận hội và Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật) ở Tokyo, biểu tượng của sự đoàn kết thế giới. Ông Suga cho biết Nhật lắng nghe và học hỏi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia, nỗ lực tối đa để tổ chức một Thế vận hội an toàn.

Còn chưa đầy 100 ngày trước kỳ Thế vận hội Tokyo (23/07-08/08), đã bị hoãn lại một năm do đại dịch, Nhật Bản đang phải đối mặt với đợt dịch virus corona thứ tư. Hôm thứ Năm 15/04, trong hai ngày liên tiếp có trên 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khiến chính quyền phải tái lập các biện pháp hạn chế ở nhiều nơi, kể cả thủ đô Tokyo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện