ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 15/5


TT Trump sắp tổ chức các cuộc vận động trong tháng tới


>

Cựu Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ tổ chức ít nhất 2 cuộc vận động vào tháng 6 và 1 cuộc vận động vào ngày 3/7 tới.

Cụ thể, một cố vấn của cựu Tổng thống đã nói với tờ The Daily Mail rằng:

 

“Tổng thống đang khao khát trở lại con đường xưa và chúng tôi đang nhận được rất nhiều lời đề nghị và lời mời từ các ứng cử viên [khác nhau], với nhiều mục đích chính trị trong các lĩnh vực khác nhau”.

Được biết, các cuộc vận động sắp tới được cho là sẽ “mang hình thức tương tự như các cuộc vận động [đã được tổ chức] ở các sân bay [vào năm ngoái], vốn [là các cuộc vận động] thống lĩnh trong những tháng kết thúc chiến dịch bầu cử hồi năm ngoái”.

Sự trở lại các cuộc vận động của ông Trump diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng hòa vừa mới phế truất Dân biểu Liz Cheney khỏi vị trí Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và hiện có nhiều khả năng là Dân biểu đảng Cộng hòa tiểu bang New York – bà Elise Stefanik – sẽ được chọn là người thay thế cho vai trò lãnh đạo của bà Liz Cheney.

Trước khi có cuộc bỏ phiếu phế truất Dân biểu Liz Cheney, ông Trump đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi Đảng Cộng hòa thay thế “kẻ hiếu chiến” Liz Cheney bằng Dân biểu “tài năng” Elise Stefanik.

 

Tuy nhiên, việc lật đổ bà Liz Cheney đã không diễn ra trong lặng lẽ, khi bà xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông vào hôm thứ Năm (ngày 13/5 theo giờ Mỹ) để công kích ông Trump. Bà tuyên bố rằng:

 

“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng, cựu Tổng thống sẽ không bao giờ có thể tiến lại gần Phòng Bầu dục. Chúng ta đã thấy ông ta nguy hiểm như thế nào khi tiếp tục kích động bằng ngôn từ của mình”.

Về phần mình, Dân biểu Elise Stefanik cho biết vào hôm thứ Hai rằng, bà sẽ tranh cử ghế Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Theo bà, Đảng Cộng hòa cần “phải có một tiếng nói thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo của chúng ta”.

Dân biểu Stefanik: Người Mỹ đang ‘đau khổ dưới các chính sách cấp tiến cực tả’ của Joe Biden và Nancy Pelosi

 
 

Tân Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, bà Elise Stefanik, người mới đắc cử thay cho dân biểu Liz Cheney, cho biết các chính sách của chính quyền Biden đang làm tổn thương nước Mỹ, Breibart cho hay.

Trong một tuyên bố mới, bà Stefanik cho biết: “Người dân Mỹ đang phải chịu đựng những chính sách xã hội chủ nghĩa cực tả của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Chỉ trong hơn 100 ngày, chúng ta gặp khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng biên giới và khủng hoảng an ninh quốc gia. Khủng hoảng kinh tế: chúng tôi thấy báo cáo việc làm tồi tệ nhất trong hơn 20 năm”.

Về cuộc khủng hoảng biên giới, bà cho biết đây không chỉ là cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và an ninh quê hương, đây còn là cuộc khủng hoảng nhân đạo. Bà Stefanik nói: “Chúng tôi thấy những con số lịch sử liên quan đến buôn bán người ở biên giới; khi liên quan đến buôn bán ma túy qua biên giới”.

Về cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Dân biểu Stefanik nói: “Chúng ta đang chứng kiến đồng minh mạnh nhất của mình, Israel, đang bị tấn công, và chúng ta đã thấy Joe Biden và Nancy Pelosi không đứng lên ủng hộ Israel và ưu tiên tiếp cận các đối thủ như Trung Quốc và Iran”.

Theo bà Stefanik: Đảng Cộng hoà sẽ quyết chiến đấu chống lại chương trình nghị sự cực tả có tính hủy diệt  nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden và Nancy Pelosi.

Lầu Năm Góc rút 120 đội quân của Mỹ khỏi Israel


>

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đang rút 120 đội quân khỏi Israel, trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Jerusalem và các nhóm được xác định là khủng bố ở dải Gaza.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên rằng, các nhân viên Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ và Bộ Chỉ huy Châu Âu của Hoa Kỳ đã bay trên một máy bay quân sự C-17 từ Israel và đến Căn cứ Không quân Ramstein của Đức vào ngày 13/5.

 

Thư ký Kirby nói: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định rút lại những cá nhân này để phối hợp với các đối tác Israel của chúng ta". Bà bổ sung rằng, các nhân viên quân sự này “đã ở Israel cho một sự kiện lập kế hoạch định kỳ” trước khi chiến sự leo thang. Nữ thư ký cho biết, động thái này được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa.

Israel đã thực hiện một số cuộc không kích vào các mục tiêu ở dải Gaza trong những ngày gần đây, bao gồm cả việc đánh vào các tòa nhà được cho là đang bị nhóm Hamas cai trị dải Gaza chiếm đóng. Từ năm 1997, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định nhóm này là một nhóm khủng bố. Các cuộc không kích diễn ra để đáp trả Hamas và các nhóm khác bắn đã rocket vào Israel.

Quân đội Israel cũng xác nhận đã thiết lập sự hiện diện của mình dọc theo biên giới với Dải Gaza, và Không quân Israel đã ném bom mạng lưới đường hầm ngầm mà Hamas sử dụng vào cuối ngày 13/5, theo một tuyên bố với Jerusalem Post từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Trong vụ đánh bom đường hầm, Israel đã huy động 160 máy bay cũng như xe tăng và pháo bắn từ bên ngoài Dải Gaza, phát ngôn viên quân đội Israel là Trung tá Jonathan Conricus cho biết. Tên lửa Palestine đã tấn công vào miền nam Israel ngay sau đó.

Trao đổi với các phóng viên nước ngoài về mạng lưới này, Trung tá Conricus nói: "Những gì chúng tôi nhắm mục tiêu là một hệ thống đường hầm phức tạp kéo dài bên dưới Gaza, chủ yếu ở phía bắc nhưng không giới hạn, và là một mạng lưới mà các đặc vụ của Hamas sử dụng để di chuyển, để ẩn nấp".

Tại Hoa Kỳ, các nhóm cánh tả và một số thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã cố gắng gây áp lực lên chính quyền ông Biden để lên án Israel. Tuy nhiên, Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (California), Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer (New York), và rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã tuyên bố, Israel có quyền tự vệ.

Trao đổi với các phóng viên trong tuần này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, các cuộc tấn công từ Hamas vào các khu dân cư không phải là hành động tự vệ, dù ông ấy chắc chắn đã nhắc lại điều đó, nhưng cũng nhắc lại sự cần thiết phải di chuyển để giảm leo thang tình hình trên thực tế”.

Một số nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi đình chiến ngay lập tức.

Sinh viên Đại học Harvard yêu cầu nhà trường lên án Israel 'Sử dụng vũ lực quá mức' 


>

Sinh viên tại Đại học Harvard đã cáo buộc Israel "áp bức có hệ thống và thanh lọc sắc tộc", đồng thời yêu cầu trường đại học Harvard lên án cái gọi là "sử dụng vũ lực quá mức" của Israel và thoái vốn khỏi các công ty làm ăn với Israel, Breibart News đưa tin.

“Sự leo thang bạo lực hiện nay đối với người Palestine ở Palestine và ở Israel là sự tiếp nối sau nhiều năm áp bức có hệ thống và thanh lọc sắc tộc của Nhà nước Israel", sinh viên Harvard và các tổ chức sinh viên tuyên bố trong bản kiến nghị của họ, thu hút được hàng trăm chữ ký của sinh viên.

 

Bản kiến nghị của các sinh viên nhằm phản ứng việc Israel tiến hành các cuộc không kích đáp trả nhằm vào những kẻ khủng bố Palestine sau khi những kẻ khủng bố này phóng hàng trăm quả tên lửa vào Israel từ Gaza.

Bản kiến nghị tiếp tục kêu gọi trường đại học thoái vốn khỏi tất cả các công ty có liên quan đến cái gọi là “doanh nghiệp định cư bất hợp pháp của Israel”, thúc đẩy quan điểm ủng hộ phong trào BDS [tẩy chay, thoái vốn, trừng phạt] chống Israel của Palestine.

“Chúng tôi kêu gọi trường đại học của mình chấm dứt sự đồng lõa với các chính sách phân biệt chủng tộc và chiếm đóng của Israel bằng cách loại bỏ các khoản đầu tư vào các công ty có liên quan đến doanh nghiệp định cư bất hợp pháp của Israel cho đến khi quyền bình đẳng được đảm bảo cho tất cả công dân ở Israel và Palestine”, bản kiến nghị viết.

Phong trào BDS tìm cách tiêu diệt một cách có hệ thống nhà nước Do Thái duy nhất trên thế giới thông qua các phương tiện tài chính, bằng cách tẩy chay các công ty làm ăn với Israel.

Bản kiến nghị cũng kêu gọi các sinh viên kêu gọi Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ “Yêu cầu chấm dứt việc Israel buộc người Palestine phải dời khỏi Đông Jerusalem”.

Bản kiến nghị do Hội đồng hương Palestine tại Trường Harvard Kennedy, Ủy ban Đoàn kết Palestine của Đại học Harvard, Sáng kiến Y tế Palestine của Harvard tại Trường Y Harvard, Sinh viên Trường Thần học Harvard vì Quyền của người Palestine, và Tổ chức Sinh viên Trung Đông và Bắc Phi tại Trường Thiết kế Sau đại học Harvard.

Tương tự, Hội sinh viên của Đại học Michigan đã phản ứng trước phản ứng của Israel đối với những kẻ khủng bố vào đầu tuần này bằng cách tuyên bố, Nhà nước Do Thái duy nhất trên thế giới đang tham gia vào việc “thanh lọc sắc tộc”.

Sophia Witt, Phó chủ tịch phong trào Sinh viên Ủng hộ Đất nước Israel đã phản ứng lại tuyên bố “thanh lọc sắc tộc”, nói với Breitbart News rằng “sự phỉ báng dòng máu" là “một mánh lới quảng cáo bị lạm dụng vì lợi ích chính trị” và “hoàn toàn là bài Do Thái”.

Bà Witt nói: “Từ quan điểm nhân khẩu học trong khu vực, kể từ khi Israel tiến vào các khu vực Bờ Tây của Judea và Samaria, và vào Gaza năm 1967, dân số Palestine-Ả Rập đã tăng từ 954.898 lên 4.654.421. "Điều này cho thấy sự gia tăng 387% dân số Palestine-Ả Rập kể từ năm 1967.

 

Truyền hình CNN và MSNBC không đưa tin Israel bị Hamas không kích tối ngày 12/5


>

Hai kênh truyền hình CNN và MSNBC cho biết, họ đã không đưa tin về cuộc không kích Israel của Hamas trong chương trình đêm thứ Tư ngày 12/5, theo Breibart News.

Breibart News đưa tin, điều hành viên truyền thông phe bảo thủ Steve Krakauer đã tweet, “Giờ vàng của tin tức truyền hình cáp (8-11 giờ tối) là khung thời gian của thị trường. Câu chuyện quan trọng nhất trên thế giới lúc này là những gì đang xảy ra ở Israel”.

 

Ông đặt câu hỏi về việc Israel đã được nhắc đến vào khung giờ vàng tối ngày 12/5 bao nhiêu lần theo TV Eyes và đưa ra câu trả lời: Fox News: 9 CNN: 0 MSNBC: 0. "Thật thảm bại”, ông nói.

Các kênh truyền thông dòng chính dường như không thoải mái khi đưa tin về những câu chuyện không có lợi cho Đảng Dân chủ. Ví dụ: ABC, NBC, CBS, CNN và MSNBC đã bỏ qua các cáo buộc về hành vi lạm dụng tình dục từ người tố cáo thứ sáu của Thống đốc Andrew Cuomo vào ngày 9/3.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Twitter đã khóa tài khoản của New York Post trong nhiều ngày sau khi tài khoản này bị nền tảng này kiểm duyệt về việc tiết lộ nhiều mối liên hệ giữa gia đình Biden và tập đoàn năng lượng khổng lồ Burisma của Ukraine.

Các phương tiện truyền thông dòng chính vẫn tập trung vào Donald Trump thay vì cho phép các cá nhân nghe sự thật. Khó có thể định lượng được lý do khiến giới truyền thông tập trung vào ông Trump. Nhưng kết quả bầu cử tổng thống năm 2016 thu hút sự chú ý của giới truyền thông đã được giải thích bằng dòng tiêu đề của BBC: “Donald Trump: Cách truyền thông tạo ra tổng thống”, trong đó mô tả “bằng chứng về sự thất bại của báo chí”.

Trong khi đó, Breitbart News đưa tin, CNN Business, được gọi là CNNMoney đang bị AT&T’s WarnerMedia điều tra nội bộ về việc đối xử không công bằng với các nhân viên nữ trong môi trường làm việc.

CNN cũng được cho là đã cố gắng truyền bá nghiên cứu của các nhà chính trị ở Alaska chống lại Kelly Tshibaka vào tháng Tư, người ủng hộ chính quyền Trump và phản đối Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski vốn kêu gọi TT Trump từ chức sau vụ xâm nhập Điện Capitol ngày 6/1.

Theo đánh gần đây, xếp hạng của CNN ‘rớt thê thảm’ kể từ khi ông Trump rời Nhà Trắng. Mạng tự do CNN đã dành nhiều năm để tấn công cựu Tổng thống Donald Trump và đã phát triển mạnh trong những ngày cuối cùng của cựu Tổng thống tại Nhà Trắng, tăng đột biến sau bầu cử nhưng xu thế này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, trước khi bị "chảy máu khán giả".

Trong ba tuần đầu năm 2021, CNN có trung bình 2,2 triệu người xem. Kể từ khi ông Biden nhậm chức, CNN trung bình chỉ còn một triệu người xem, giảm đáng kinh ngạc 54%, theo Fox News.

Từ ngày 28/12/2020  đến Ngày nhậm chức của ông Biden, trung bình CNN có 3,1 triệu người xem trong khoảng khung giờ vàng từ 8 giờ tối đến 11 giờ tối. Kể từ Ngày nhậm chức của ông Biden, khung giờ vàng của CNN chỉ còn 1,4 triệu người xem, giảm 55% ở mức độ trung bình, và giảm 63% ở mức tuổi 25-54, .

Tương tự CNN, xếp hạng của MSNBC, một đồng nghiệp chống Trump của CNN cũng sụt giảm đáng kể. Tổng lượng người xem trong ngày của truyền hình MSNBC đã giảm 34% trong khi các chương trình khung giờ vàng giảm 30 %, theo The Western Journal.

Hoa hậu Myanmar đến Mỹ với thông điệp gửi tới thế giới

 
Hoa hậu hoàn vũ Myanmar Ma Thuzar Went Lewin 
 

Theo New York Times, Hoa hậu hoàn vũ Myanmar Ma Thuzar Went Lewin đã đến tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, trong tuần này để tham gia cuộc thi Hoa Hậu Thế giới. Tại cuộc thi này cô đã truyền đi thông điệp lên án cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar và kêu gọi thế giới giúp đỡ người dân nước cô.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trước khi rời Myanmar để tham gia cuộc thi rằng, Lewin nói: “Họ đang giết người của chúng tôi như những con vật. “Nhân loại ở đâu? Làm ơn giúp chúng tôi. Chúng tôi bất lực ở đây ”.

Trong một khoảnh khắc ấn tượng vào thứ Năm (13/5) trong phần trình diễn thời trang, cô Lewin bước đến phía trước sân khấu cùng với một biểu ngữ có nội dung “Cầu nguyện cho Myanmar”. Phần thi chung kết sẽ diễn ra vào Chủ nhật.

Trong những tuần đầu tiên của phong trào biểu tình phản đối đảo chính, cô Lewin, 22 tuổi, đã tham gia các cuộc tuần hành cùng người dân, giương cao các biểu ngữ có khẩu hiệu như “Chúng tôi không muốn một chính phủ quân sự” và kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân sự của đất nước.

Lewin đã tặng những chai nước cho những người biểu tình ở Yangon, và quyên góp tiền tiết kiệm của mình cho những gia đình có người thân thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Cô cũng bày tỏ sự phản đối của mình với hội đồng quân sự trên Facebook, và đăng lên nền tảng mạng xã hội này những bức ảnh đen trắng thể hiện rằng cô đang bị bịt mắt, bịt miệng và bị trói tay.

Lewin cho biết các cuộc tấn công của chính quyền quân sự đã khiến người dân Myanmar sống trong sợ hãi.

Cô cho biết: “Những người lính tuần tra thành phố mỗi ngày và đôi khi lập rào chắn để chặn những người đến. Trong một số trường hợp, họ bắn mà không do dự. Chúng tôi sợ những người lính của chúng tôi. Bất cứ khi nào chúng tôi nhìn thấy một người trong họ, tất cả những gì chúng tôi cảm thấy là tức giận và sợ hãi”.

Cảnh sát Hong Kong phong tỏa tài sản 500 triệu đô la Hong Kong của ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh)


>

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các nhà chức trách Hong Kong mới đây đã tiến hành phong tỏa khối tài sản trị giá gần 500 triệu đô la Hong Kong của ông trùm truyền thông Jimmy Lai (hay còn được gọi là Lê Trí Anh). Được biết, đây là lần đầu tiên các nhà chức trách sử dụng quyền lực mới theo luật an ninh quốc gia mà chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt lên Hong Kong.

Cụ thể, Chính phủ Hong Kong đã ban hành một tuyên bố vào tối hôm qua (thứ Sáu ngày 14 tháng 5), thông báo rằng, Bộ trưởng an ninh đã ra lệnh phong tỏa cổ phần của ông Jimmy Lai trong công ty truyền thông Next Digital, cùng với khối tài sản trong tài khoản ngân hàng địa phương của 3 công ty mà ông Lai đang sở hữu.

 

Các nguồn tin chính phủ nói với tờ SCMP rằng, tài sản bị đóng băng của ông Lai bao gồm tất cả 70% cổ phần của ông trong Next Digital cũng như cổ phần của ông trong 3 công ty khác. Dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của Next Digital là 490,3 triệu đô la Hong Kong, thì 70% cổ phần của ông Lai có trị giá tương đương 343 triệu đô la Hong Kong.

Luật an ninh quốc gia đã được chính quyền Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào hồi tháng 6 năm ngoái để nghiêm cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố chính quyền và cấu kết với các lực lượng nước ngoài. Luật mới này trao cho chính quyền nhiều quyền lực hơn để chống lại các cuộc biểu tình chống chính phủ của người dân, điển hình như cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trước đó.

Điều 43 của luật an ninh quốc gia cũng cho phép cảnh sát được quyền phong tỏa tài sản đã được sử dụng hoặc dự định sử dụng vào một hành vi vi phạm an ninh quốc gia. Các viên chức cũng có thể thu giữ tiền mặt và bất kỳ tài sản nào khác liên quan đến hành vi phạm tội đã thực hiện.

Ông Jimmy Lai là người sáng lập tờ Apple Daily ở Hong Kong, ông là một nhà phê bình lớn tiếng đối với chính quyền Bắc Kinh và là người ủng hộ hàng đầu cho các cuộc biểu tình hồi năm 2019 ở Hong Kong. Ông Lai đã bị bắt vào tháng 8 năm ngoái vì bị cáo buộc nghi ngờ thông đồng với thế lực nước ngoài.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, ông Lai đã bị buộc tội gian lận trong việc sử dụng không gian văn phòng của công ty mình, và đến cuối tháng 12, ông còn bị buộc thêm tội thông đồng. Ông đã bị giam 20 ngày trước khi được tại ngoại. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh, quyết định cho phép ông Lai tại ngoại sau đó đã bị đảo ngược.

Vào tháng 4 vừa qua, ông Lai đã bị tuyên án 14 tháng tù giam vì vai trò của ông trong 2 cuộc biểu tình trong giai đoạn bất ổn xã hội ở Hong Kong. Ngoài ra, ông còn đang phải đối mặt với một phiên tòa khác liên quan đến lễ tưởng niệm sự kiện Thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Luật sư hình sự Albert Luk Wai-hung cho biết, dòng tiền của công ty Next Digital có thể bị ảnh hưởng bởi việc đóng băng tài sản của ông Lai. Công ty có thể gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và hoàn trả các khoản vay. Ông Luk nói:

“Nếu công ty không thể trả lại bất kỳ khoản vay nào, các chủ nợ của họ có thể tìm cách làm cho công ty ngừng hoạt động.”

Tuy vậy, theo ông Luk, những người ủng hộ vẫn có thể bơm tiền vào để công ty có thể tiếp tục hoạt động.

Về phía Next Digital, giám đốc điều hành của công ty là ông Cheung Kim-hung đã nói với SCMP rằng:

 

“Công ty đang hoạt động bình thường về tài chính. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục cho xuất bản vào ngày mai”.

Truyền thông Pháp: Dữ liệu dân số đi ngược lại với ‘giấc mơ’ của ông Tập Cận Bình

 
 

Chính phủ Trung Quốc ngày 11/5 đã công bố kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7, trong đó, tổng dân số nước này là 1,411 tỷ, có 253,38 triệu người từ 0-14 tuổi, chiếm 17,95%, dân số từ 60 tuổi trở lên là 264,02 triệu người, chiếm 18,70%.

Tuy nhiên giới quan sát đã đặt câu hỏi về sự thiếu nhất quán và sơ hở trong dữ liệu thống kê, và số lượng ca sinh và tử vong cũng đang gây tranh cãi. Đặc biệt là dưới trận dịch năm ngoái, dân số lại đột ngột tăng 1,5 lần so với năm 2019, theo NTDTV.

Dịch Phú Hiền, một chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ, nói rằng đây là báo cáo điều tra dân số tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông kết luận, dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm vào năm 2018, và đến năm 2020, dân số Trung Quốc có khả năng không vượt quá 1,28 tỷ người.

Dân số già đi ngược lại tham vọng bá chủ toàn cầu của Tập Cận Bình

Theo báo cáo của phóng viên Bruyette “Express Weekly” của Pháp, mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với người dân Trung Quốc về “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước”, nhưng sự già hoá dân số Trung Quốc lại đi ngược lại với giấc mơ dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình.

Phóng viên Bruyette còn cho rằng đối với Trung Quốc, dân số đông là một chiêu bài có trọng lượng. Khi muốn gây áp lực lên các đối tác kinh tế của mình, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu, họ sẽ không ngần ngại nhấn mạnh tiềm năng to lớn của thị trường nội địa.

Và khi đối mặt với Ấn Độ, đối thủ lớn nhất ở châu Á, họ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì họ là quốc gia đông dân nhất. Tuy nhiên, theo dự báo của Liên hợp quốc, vào năm 2030, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt quá dân số Trung Quốc.

Mối quan tâm của Bắc Kinh được cho là chủ yếu về kinh tế: sự già hoá dân số của Trung Quốc sẽ làm thất bại kế hoạch thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Trong 40 năm qua, sự tăng trưởng của ĐCSTQ chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế khổng lồ, một lực lượng lao động giá rẻ. 

Nghiên cứu: Dân số Trung Quốc chỉ là 732 triệu người vào năm 2100

Tuy nhiên, dân số Trung Quốc đang giảm dần qua từng năm. Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi The Lancet vào tháng 9 năm 2020, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 732 triệu người vào năm 2100.

Theo công ty tư vấn chuyên nghiệp “Capital Economics” của London, con số này có thể giảm 0,5% mỗi năm vào năm 2030, điều này sẽ có tác động tương tự đến GDP. Nó cũng khiến chính phủ Trung Quốc khó đạt được mục tiêu đuổi kịp Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Và rất khó đánh giá tác động của điều này đối với địa vị toàn cầu của ĐCSTQ.

Báo cáo của Pháp cho rằng sự sụt giảm dân số cũng có thể gây ra một tác động nhức nhối khác. Goodman, cố vấn châu Á của Viện Montaigne, đã nói một cách đầy ẩn ý rằng “Trung Quốc không thể tiếp tục là công xưởng của thế giới một cách vô thời hạn”. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có còn khả năng tăng năng suất và thâm nhập thị trường cao cấp khi tài sản của người dân lao động giảm xuống hay không.

Trong các giải pháp được Bắc Kinh công bố, các phương án đã được đề xuất để kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng đồng thời cũng phải xử lý hậu quả của dân số già. Báo cáo cho biết từ năm 2010 đến năm 2020, số người trên 65 tuổi đã tăng từ 8,87% lên 13,5%, đây là một quả bom hẹn giờ thực sự. Điều này gây ra mối đe dọa đối với hệ thống hưu trí của Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một văn bản vào giữa tháng 4, thừa nhận rằng tình hình dân số Trung Quốc sẽ đảo ngược, và tốc độ giảm dân số sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng.

Các chuyên gia của Trung Quốc đề nghị rằng cần khởi xướng một chính sách để khuyến khích tỷ lệ sinh. Đổng Vũ Chính Giám đốc Cục Phát triển Dân số của Đại học Quảng Châu, Trung Quốc nhấn mạnh với một phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc rằng nếu không có biện pháp nào được thực hiện, số người sinh ra ở Trung Quốc thậm chí sẽ giảm xuống dưới ngưỡng vài triệu người so với năm tới. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?