Thái Lan cam kết với Liên Hiệp Quốc không đóng cửa với dân tị nạn Miến Điện

 RFI

Ảnh minh họa : Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O Cha lúc phát biểu nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 23/09/2019.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O Cha lúc phát biểu nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 23/09/2019. AP - Jason DeCrow

Thủ tướng Thái Lan cam kết với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc sẽ không cưỡng bức người Miến Điện, chạy sang Thái Lan lánh nạn, trở về nước.

Theo hãng tin AP, hôm qua, 14/05/2021, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O Cha, trong cuộc gặp với đặc phái viên LHQ về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, đã đưa ra hứa hẹn nói trên. Văn phòng thủ tướng Thái Lan ra thông báo cho biết đặc phái viên Liên Hiệp Quốc hy vọng Thái Lan sẽ giúp tìm ra được các phương thức làm việc với tập đoàn quân sự Miến Điện, nhằm thúc đẩy tháo gỡ khủng hoảng.

Thủ tướng Thái Lan nói với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc là Bangkok đang theo dõi sát tình hình tại vùng biên giới với Miến Điện, và đã chuẩn bị sẵn một số địa điểm để làm nơi tạm trú cho người tị nạn, cung cấp dược phẩm. Theo thông báo của văn phòng chính phủ Thái Lan, thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho bà Schraner Burgener biết là chính phủ Thái Lan sẵn sàng lắng nghe và trao đổi thông tin về Miến Điện. Hiện không có bình luận nào ngay lập tức từ phía đặc phái viên LHQ.

Trước đó, có nhiều hoài nghi về khả năng chính quyền Thái Lan sẽ có các biện pháp cứng rắn với người tị nạn chạy trốn đàn áp của chính quyền quân sự Miến Điện, sau vụ ba nhà báo cùng hai nhà đấu tranh Miến Điện bị bắt tại Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, hôm Chủ Nhật 09/05. Năm công dân Miến Điện bị cáo buộc tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Thái Lan.

Quân đội Miến Điện đang chiến đấu với các đội quân du kích thuộc nhiều sắc tộc thiểu số ở các vùng biên giới, đang tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn từ chính quyền trung ương. Nhiều nhóm vũ trang hỗ trợ những người đấu tranh chống đảo chính, đòi khôi phục chính quyền dân sự.

Tháng trước, hàng nghìn dân từ bang Karen, miền đông Miến Điện, đã chạy sang Thái Lan sau các cuộc không kích của không quân Miến Điện vào vùng đất do sắc tộc Karen kiểm soát. Các quan chức Thái Lan cho biết dân tị nạn đã tự nguyện trở về Miến Điện ít ngày sau đó. Các nhân viên phụ trách tị nạn cho biết hầu hết những người tị nạn trốn trong rừng và không trở về nhà của họ. Ước tính gần 50.000 người đã phải sơ tán kể từ đầu năm, do các giao tranh ở một số vùng đất của người Karen.

Từ thứ Năm, 13/05/2021, chính quyền quân sự Miến Điện ra lệnh thiết quân luật tại thị trấn Mindat ở bang Chin, phía tây Miến Điện, giáp với Ấn Độ. Khu vực hẻo lánh này là một trong những nơi có nhiều hoạt động vũ trang chống lại lực lượng an ninh.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, một cựu chỉ huy quân đội, cũng lên nắm quyền bằng cách lật đổ một chính phủ dân cử, được cho là có mối quan hệ thân thiết với người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.

Đặc phái viên LHQ Schraner Burgener, có mặt tại Thái Lan kể từ tháng Tư, cho biết có kế hoạch ở lại khu vực trong những tuần tới, để tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ việc thực hiện « Đồng thuận 5 điểm » về khủng hoảng Myanmar, mà các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được tại một cuộc hội nghị đặc biệt ở Jakarta, Indonesia, ngày 24/04/2021.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?