Việt Nam ‘thắng lớn’ nhờ thương chiến Mỹ-Trung, tăng 6 hạng xuất cảng vào Hoa Kỳ

Sunday, May 16, 2021 7:33 AM //  ,  , 

Theo Nguoi-viet 


Trụ sở công ty Intel của Mỹ tại Quận 9, Sài Gòn. (Hình minh hoạ: Duy Luân/Tinhte.vn) 

WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam là quốc gia “thắng lớn” trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong thời gian qua, chỉ từ 2018 đến 2021, quốc gia Đông Nam Á này tăng sáu hạng trong số các quốc gia xuất cảng vào Hoa Kỳ nhiều nhất, theo nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) hôm 12 Tháng Năm.


Cựu Tổng Thống Donald Trump mở cuộc chiến áp thuế hàng nhập cảng từ Trung Quốc nhằm mục đích làm cho hàng hóa “made in China” đắt hơn, để gây áp lực các công ty Mỹ không tiếp tục nhập cảng từ quốc gia đông dân nhất thế giới này nữa.


Tuy nhiên, kế hoạch này, nhằm đem việc làm trở về Hoa Kỳ – gọi là “Re-shoring of manufacturing” – không thành công vì các công ty Mỹ chuyển hướng đầu tư và đặt hàng từ những quốc gia Á Châu khác.


Trong số này, Việt Nam hưởng lợi nhất khi từ hạng 12, hồi năm 2018, nhảy lên hạng sáu trong tính đến Tháng Ba, 2021 (link: www.census.gov/foreign-trade/statistics/highlights/toppartners.html) ở bảng xếp hạng các quốc gia xuất cảng hàng hóa vào nước Mỹ.


Năm nước đứng đầu danh sách này, và trên Việt Nam, là Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật, và Đức, theo thứ tự.


“Nếu mục đích là giảm hàng nhập cảng từ Trung Quốc, thì việc áp thuế thành công,” nhận định của ông Craig Allen, chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Mỹ-Trung (US-China Business Council), đại diện các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc.


“Còn cho rằng mục đích là đem việc làm trở lại Mỹ, thì tôi hoàn toàn không thấy bằng chứng nào cả. Tuy nhiên, nếu nói rằng mục đích là làm gia tăng nhập cảng từ các quốc gia Á Châu khác, hay cụ thể là Việt Nam, thì kế hoạch áp thuế hoàn toàn thành công,” ông Allen kết luận.


Thiết bị bán dẫn là ví dụ rõ ràng nhất về mặt hàng được nhắm vào trong cuộc chiến áp thuế, giảm sút rõ rệt trong số lượng hàng Trung Quốc xuất cảng vào Mỹ, nhưng lại tăng mạnh trong số hàng Việt Nam, Đài Loan, và Malaysia xuất cảng vào Hoa Kỳ.


Các mặt hàng như thiết bị truyền thông và linh kiện máy tính của Trung Quốc đều bị áp thuế, và mức xuất cảng vào Mỹ giảm khoảng $15 tỷ cho mỗi loại, tính từ cao điểm vào năm 2018.


Kết quả này khiến Mỹ thất thu khoản thuế đánh vào các sản phẩm này khoảng $10 tỷ.


Thống kê của WSJ cho thấy, từ Tháng Ba, 2020 đến Tháng Ba năm nay, Mỹ chỉ thu $66 tỷ tiền thuế nhập cảng hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ thu $76 tỷ trong thời gian từ Tháng Ba, 2019, đến Tháng Ba, 2020.


Sau đại dịch COVID-19, số lượng các mặt hàng, không nằm trong danh sách bị áp thuế, từ Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, càng lúc càng gia tăng trong những tháng gần đây.


Tuy nhiên, tổng trị giá hàng nhập cảng từ Trung Quốc tính trong vòng 12 tháng chấm dứt vào ngày 31 Tháng Ba là $472 tỷ, một mức sụt giảm rõ rệt so với cao điểm $539 tỷ hồi năm 2018.


Những con số vừa kể cho thấy một sự tác động bất lợi đối với hàng hóa của Trung Quốc qua việc áp thuế, nhưng lại không đem kết quả tích cực ngược lại cho kỹ nghệ sản xuất, hay việc làm, tại Mỹ.


Bởi vì, bên thiệt hại đầu tiên, không ai khác hơn, lại là chính các công ty Mỹ phải trả khoản tiền áp thuế khi nhập cảng hàng từ Trung Quốc.


Vì thế, khi càng nhập hàng Trung Quốc càng bị áp thuế, các công ty Mỹ quay sang nhập hàng của Việt Nam, Malaysia, và Mexico.


Nhà báo Josh Zumbrun, chuyên về quan hệ kinh tế đối ngoại của WSJ, nhận định: “Chuyện áp thuế chỉ đẩy nhanh hơn khuynh hướng rút ra khỏi Trung Quốc. Thí dụ, các công ty nhập cảng Mỹ, rút ra khỏi Trung Quốc, chuyển sang đầu tư và đặt hàng từ Việt Nam ngay từ trước khi ông Trump khơi mào thương chiến.”


Khuynh hướng tư bản rút khỏi Trung Quốc đã bắt đầu hình thành từ vài năm trước đây, khi giá nhân công tại quốc gia đông dân nhất thế giới này bắt đầu tăng. 


“Nhiều chỗ khác vẫn là nơi sản xuất hàng hoá với chi phí rẻ hơn nhiều so với ở Mỹ. Đó là những nơi thu hút giới đầu tư,” Tiến Sĩ Chad Bown, cố vấn kinh tế World Bank, nhận xét.


Việt Nam, từ vị trí hạng 12 nhảy lên hạng sáu trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất cảng hàng hóa vào Mỹ cho thấy giới tư bản chọn nơi này đầu tư, đúng vào thời điểm cuộc thương chiến Mỹ-Trung khởi phát. (MPL) [đ.d.]


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?