VN nên khoan dung chính trị để có nguyên khí quốc gia?

Luật sư Ngô Ngọc Trai

  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Artwork of Zhurong robot and lander

NGUỒN HÌNH ẢNH,CNSA

Chụp lại hình ảnh,

Tàu thăm dò Chúc Dung hạ cánh lên bề mặt sao Hỏa

Hôm 15/5, tàu thám hiểm của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống Sao Hỏa trong một sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ.

Năm ngoái tàu của Trung Quốc cũng đã đáp xuống Mặt Trăng.

Ngày 30/04: Hãy chung tay để lịch sử không bị đánh mất 


Vừa tuần trước dư luận thế giới ồn ã vì một động cơ tên lửa của Trung Quốc rơi trở lại Trái Đất sau khi phóng lên vũ trụ một trạm nghiên cứu không gian.

Giới khoa học thế giới lo ngại việc động cơ tên lửa rơi trở lại có thể gây nguy hiểm, nhưng sự ồn ã đó chỉ là chỉ dấu quảng bá cho sự trỗi dậy của ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc mà thôi.

Như thế Trung Quốc hiện đang đạt được những bước tiến bộ vượt bậc trong thám hiểm không gian, cạnh tranh với Mỹ trong công nghệ khoa học vũ trụ.

Tương ứng với sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ tiên tiến đó Trung Quốc còn có một ngành quân sự to lớn.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Việt Nam nằm trong vùng chịu sự ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, Việt Nam cũng đạt được những lợi ích từ thị trường Trung Quốc, với những nguyên liệu đầu vào cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu.

Trung Quốc cũng nhập khẩu hàng nông sản hay bán hàng tiêu dùng giá rẻ cho Việt Nam, cùng với đó là một giới trung lưu giàu có đông đảo sẵn sàng cho du lịch mua sắm và tiêu sài.

Nhưng Trung Quốc cũng chặn dòng sông Mekong bởi vô số con đập thủy điện.

Họ đưa nước từ miền nam lên miền bắc của Trung Quốc để tưới cho những vùng sa mạc khô cằn để mở rộng diện tích trồng cây trái.

Việc ngăn dòng đã làm cạn kiệt nước Mekong, khiến cho đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, vốn lâu nay là nơi thụ hưởng cuối dòng, bị cạn đáy, khiến nơi này mất đi nguồn nước phù sa màu mỡ đem về cá tôm nuôi sống cây trồng vật nuôi, khiến cho hàng triệu dân bị ảnh hưởng phải chuyển đổi sinh kế.

Chụp lại video,

Sông Cửu Long sạt lở, gây tác hại nghiêm trọng

Ở biển thì Trung Quốc cấm đánh bắt cá định kỳ, nhiều phạm vi họ tự cho là vùng biển của họ khiến tàu cá Việt Nam không thể đánh bắt, làm ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu dân ven biển.

Việt Nam cũng không thể khai thác nguồn nguyên liệu hóa thạch dầu khí đem lại lợi ích cho nền kinh tế.

Như thế, trong quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam vừa được lợi ích nhưng cũng vừa chịu thiệt hại. Những phạm vi kinh tế dân sinh khác nhau chịu ảnh hưởng với số lượng lên đến hàng chục triệu con người.

Từ thực tế đó đòi hỏi Việt Nam, cả ở cấp chính phủ lẫn giới trí thức chính trị, cần nhìn nhận rõ những yếu tố thực tế để có một cái nhìn đa diện đúng đắn về Trung Quốc, ngõ hầu tìm ra được những giải pháp tháo gỡ cho những thách thức.

Khi giới trí thức chính trị cùng nhau tạo ra một môi trường luận bàn công khai có chiều sâu chất lượng, có kiến thức trách nhiệm, điều đó sẽ nâng cao mặt bằng kiến thức hiểu biết, từ đó tạo ra một bầu không khí trách nhiệm quốc gia, đó sẽ là một dạng nguyên khí nội tại bảo hộ cho quốc gia dân tộc.

Ảnh chụp ở Hà Nội

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Khoan dung chính trị

Để tạo ra một bầu không khí trách nhiệm quốc gia, nhà nước nên có chủ trương hành động khoan dung chính trị.

Để làm việc đó có thể bắt đầu bằng cách trả tự do cho phạm nhân chính trị, ví như trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Nguyên là giám đốc một công ty tin học ở TP HCM có văn phòng đại diện tại Singapore và Mỹ, năm 2009, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Là một người có nhiều kiến thức hiểu biết về kinh doanh, ông Thức bị cho là đã có nhiều bài viết chỉ trích đường lối chính sách phát triển kinh tế lúc bấy giờ.

Nhìn một cách khoan dung thì bản chất việc làm của ông Thức chỉ là sự thực hành quyền tự do luận bàn chính trị cũng như biểu đạt quan điểm về đường lối phát triển quốc gia, điều mà Việt Nam hiện nay cần khuyết khích, ngõ hầu thông qua đó mà hy vọng góp nhặt được những sáng kiến giúp ích cho quốc gia dân tộc trước một Trung Quốc đầy thách thức.

Nếu như ở nước ngoài thì hành vi của ông Thức sẽ không bị cho là tội phạm. Một doanh nhân ở Mỹ tha hồ mà phê phán chỉ trích chính sách kinh tế của tổng thống, sẽ chẳng mấy ai quan tâm và dĩ nhiên những phát biểu ý kiến sẽ không bị cho là tội phạm.

Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức, dân chủ

NGUỒN HÌNH ẢNH,OC-OPENGLOBE

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Huỳnh Duy Thức (trài) chịu án tù 16 năm với tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'

Nhưng ở Việt Nam thì đó lại là một thực tế thiệt thòi mà ông Thức phải gánh chịu.

Trong cùng vụ án có ba người khác bị xử lý hình sự, mọi người chịu mức án từ 4 năm, 5 năm, 7 năm.

Nhưng không hiểu sao ông Thức lại bị thành kiến, phân biệt đối xử thế nào mà bị tuyên tới 16 năm tù giam, một mức án rất thiếu sự khoan dung và hết sức nặng nề.

Nguyên khí quốc gia

Việc trả tự do cho một phạm nhân như Trần Huỳnh Duy Thức sẽ là một cách để gây dựng lòng khoan dung chính trị, vừa là một việc làm củng cố nền pháp quyền quốc gia.

Năm 2015, Quốc hội Việt Nam ban hành Bộ luật Hình sự mới đã sửa đổi tội danh về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Luật mới đã bóc tách phân biệt hành vi phạm tội đơn thuần và những hành vi ở dạng chuẩn bị, theo đó những hành vi chuẩn bị chỉ chịu hình phạt dưới 05 năm tù.

Trong khi hành vi của ông Thức thuộc dạng chuẩn bị áp theo luật mới thì có cơ sở để được tự do.

Trong tội danh về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân yếu tố cấu thành tội cơ bản là có hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền.

Ông Thức không tham gia vào tổ chức nào và cũng không thành lập một tổ chức nào ngoài một nhóm được gọi là Nhóm nghiên cứu Chấn.

Cơ quan tố tụng khi đó áp nhóm này vào diện tổ chức và quy cho phạm tội.

Nhóm này gồm có 5 người, số lượng là quá ít ỏi khi so với một tổ chức nhằm lật đổ chính quyền, trong đó có ông Thức và 4 nhân viên công ty mà vì tính chất ít nghiêm trọng nên mấy người phụ nữ kia đã không bị xử lý hình sự.

Nhóm cũng không có điều lệ tổ chức, không có phân công phân cấp trên dưới, không mang tên gọi của tổ chức.

Về bản chất đó chỉ là cơ cấu sinh hoạt chính trị của một doanh nhân nghiên cứu, cùng lắm đó chỉ là tiền thân của một tổ chức trong tương lai mà thôi.

Bởi vậy hành vi của ông Thức đủ điều kiện để được xét áp dụng theo điều luật mới, mức án dưới 5 năm, trong khi ông Thức chịu án 16 năm và đã thụ án được chục năm, như thế xét theo việc thực thi pháp luật thì cần trả tự do ngay cho ông Thức.

Vậy nhưng mặc dù đã gửi đi nhiều đơn thư ông Thức vẫn không được tự do, hiện đang thụ án năm thứ 12 của bản án 16 năm.

Đến nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang phát triển như vũ bão, những việc nghiên cứu luận bàn chính trị cần được khoan dung tự do, để tạo lập nguyên khí quốc gia nhằm tìm phương kế phát triển cho quốc gia dân tộc.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?