Covid-19: Vaccine Trung Quốc về Việt Nam sẽ được tiêm cho ai?

 BBC

Việt Nam nhận bàn giao hàng viện trợ vaccine Vero Cell của Sinopharm.

NGUỒN HÌNH ẢNH,SUCKHOEDOISONG.VN

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam nhận bàn giao hàng viện trợ vaccine Vero Cell của Sinopharm.

500.000 liều vaccine vero cell của Sinopharm, Trung Quốc đã về đến Việt Nam.

Nửa triệu liều vaccine này được mô tả là “hàng viện trợ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam”.

Chính phủ Việt Nam hôm 20/6 thông báo “dự kiến lô vaccine này ưu tiên sẽ tiêm cho 3 nhóm”:

“Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới,” theo Cổng thông tin Chính phủ.

Ngày 19/6, Bộ Y tế Việt Nam đưa tin Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm) “là doanh nghiệp nhà nước và là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất tại Trung Quốc“.

Bản tin nói Sinopharm có 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức “viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp”.

“Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng.

“Ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V”.

Được biết Sinopharm đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1993, xây dựng doanh nghiệp sản xuất liên doanh vào năm 2003.

Tiêm vaccine là một giải pháp chiến lược chống Covid-19 ở cộng đồng, theo giới chuyên gia

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tiêm vaccine là một giải pháp chiến lược chống Covid-19 ở cộng đồng, theo giới chuyên gia

Trong khi đó các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm mà trái lại đang tăng.

Tổng số ca nhiễm trong cộng đồng trên toàn quốc tính từ khi có dịch từ đầu năm 2020 tới tối ngày Chủ nhật 20/6 là 9.944 ca. và có 66 ca tử vong liên quan tới Covid.

Cuối tuần qua tại TP.HCM đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho một số nhóm được ưu tiên gồm công an, quân đội, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Vaccine được dùng trong đợt tiêm này thuộc lô gần 1 triệu liều do Nhật Bản tặng.

Chính quyền TP.HCM vào chiều tối 19/6 họp báo sẽ ngưng hoạt động của các “chợ tự phát” và hướng dẫn các chợ truyền thống giãn cách để đảm bảo an toàn.

Tại họp báo, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây lần đầu tiên vượt qua 3 con số.

“Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây lần đầu tiên vượt qua 3 con số.

“Dự báo trong tuần tới sẽ còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, đòi hỏi các ngành các cấp phải tập trung phòng chống dịch trong tuần cao điểm,” ông Lương nói.

Xáo trộn trong sinh hoạt và cuộc sống tại TP HCM được trao đổi nhiều trên mạng xã hội trong những ngày qua, đặc biệt sau khi nhà chức trách quyết định cấm taxi, xe công nghệ, các tuyến xe buýt, xe liên tỉnh.

Nhiều hàng quán ăn tại các những nơi như Hà Nội, Tp HCM phải bán mang về trong những ngày qua.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều hàng quán ăn tại các những nơi như Hà Nội, Tp HCM phải bán mang về trong những ngày qua.

'Thua Lào kém Capuchia'

Trong khi đó báo Asia Times có bài mô tả Việt Nam từng là một trong các nước phản ứng nhanh nhất thì nay lại chậm nhất trong cách tìm lối thoát khỏi đại dịch.

“Việt Nam hiện được xếp là một trong những quốc gia có thành tích kém nhất ở Đông Nam Á về chiến dịch tiêm chủng, cho đến nay mới tiêm được 1,6 triệu liều vaccine.

“Lào, quốc gia nghèo thứ hai trong khu vực, đã tiêm phòng đầy đủ cho 5,6% dân số. Campuchia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bằng khoảng 10% của Việt Nam, đã tiêm phòng đầy đủ cho 15,7% dân số của mình, là mức tốt nhất trong khu vực sau Singapore”.

“Theo phân tích của Asia Times, nếu Việt Nam muốn tiêm chủng đầy đủ cho 50% dân số với 2 liều vaccie trong thời gian 6 tháng thì sẽ cần tiêm khoảng 533.000 liều mỗi ngày. Điều đó rõ ràng không xảy ra vào lúc này,” tác giả David Hutt viết trong bài đăng ngày 18/6. “Việt Nam là nước Đông Nam Á cuối cùng phê duyệt vaccine Sinopharm trong bối cảnh vội vàng vào ngày 3/6”.

Tác giả cho rằng cũng không thể đổ lỗi cho tân Thủ tướng Phạm Minh Chính (người chưa từng ngồi ghế phó thủ tướng trước khi nhậm chức) bởi ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn ở vị trí thủ tướng cho đến tháng Tư và lãnh đạo bộ máy chính phủ vốn không làm được việc mua vaccine đủ sớm.

Nhà báo David Hutt dẫn chiếu tới một bài báo của Giáo sư Zachary Abuza từ National War College, Washington, DC phỏng đoán rằng một phần của việc Việt Nam không lo mua vaccine sớm là “do muốn tự phát triển vaccine nội địa”.

Nanogen, một trong 4 vaccine nội địa đang trong giai đoạn thử nghiệm, được nghiên cứu và phát triển với Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng.

"Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn mặc dù có cú vấp gây sửng sốt," GS Abuza viết. "Nhưng đối với một chế độ đã sử dụng đại dịch để củng cố tính chính danh của mình, đợt bùng phát dịch mới và việc triển khai vaccine còn yếu kém đã làm hoen ố uy tín của họ."

Chụp lại video,

Covid-19: Tiêm loại vaccine nào thì tốt?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?