Tại sao lãnh đạo Kim Jong Un muốn đàm phán với TT Donald Trump Hoa Kỳ?
Source: Người Việt Ngày Nay
Author: Linh Vũ
Posted on: 2018-04-29
Author: Linh Vũ
Posted on: 2018-04-29
T ổng thống Donald Trump đã đồng ý gặp gỡ lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Một cuộc gặp gỡ chưa từng có giữa hai quốc gia mà gần đây đã đe dọa lẫn nhau. Theo như phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Bà Sarah Sanders cho biết là Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể sẽ diễn ra vào tháng 5, nhưng địa điểm và thời gian chưa xác định. Có lẽ nhiều người ở Hoa Kỳ và khắp thế giới đang theo dõi một khúc quanh chính trị bất ngờ mà không ai có thể dự đoán trước. Dĩ nhiên là các đài truyền hình báo chí, các nhà bình luận lẫn các phân tích gia đã viết và nói rất nhiều về đề tài sôi nổi này. Mỗi người đều có nhận định khác nhau, có thể đúng, có thể sai hay vẫn còn trong sự hoài nghi và nhiều dự đoán khác.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump với lời tuyên bố sẽ cam kết “phi hạt nhân hóa”? Đây là trường hợp khá bất ngờ, cho nên có người cho là một cơ hội kỳ diệu hay là bước đường chính trị táo bạo. Như vậy lý do thật sự nào mà nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra lời đề nghị một cách đột đó? Trong vài tháng trước đây TT Trump và Kim đã có những lời qua tiếng lại nghe rất nặng nề có khi vượt qua cả ngôn ngữ ngoại giao như Kim là “little rock man /tên lửa nhỏ” Trump là “a dotard/ là người già, là người rối loạn tâm thần” hay những lời thách thức sẽ tấn công nhau và lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất để chống lại Bắc Triều Tiên.v.v.
Đây là một bước đột phá chính trị ngoài dự đoán, nếu thật sự có thể mang Bắc Triều Tiên trở lại lâu dài trên sân khấu Quốc tế đó là một điều tốt đẹp. Và nếu cuộc đàm phán giữa TT Trump và lãnh đạo Kim thành công, thì đó là một chiến thắng ngoại giao lịch sử của TT Trump. Nhưng đây vẫn còn là một canh bạc khó đoán trước. Phái đoàn Nam Triều Tiên đã nói rằng. Lãnh đạo của TT Hoa Kỳ và áp lực của chính phủ Trump đối với Bắc Triêu Tiên “đã đưa chúng tôi vào thời điểm này”. Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì sự việc bắt đầu từ Thế Vận Hội khi có lời mời phái đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận hội mùa đông Hàn Quốc. Sự kiện này đã trở thành mấu chốt cho các loạt đàm phán ngoại giao được chuẩn bị kỹ lưỡng ở địa điểm Panmunjom Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ), cho các cuộc họp giữa Bắc Hàn và Nam Hàn trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Đồng thời sự tiếp xúc giữa người là em của lãnh đạo Kim, là Kim Jo-Jong đã gặp TT thống Nam Hàn Moon Jae-in với bầu không khí thân thiện và cởi mở nhất. Và sau đó đáp lại bằng chuyến viếng thăm của phái đoàn Nam Hàn đến Bình Nhưỡng. Cuộc đàm phán giữa đôi bên vẫn âm thầm tiếp tục cho đến khi phái đoàn Nam Hàn đến Tòa Bạch Ốc gặp TT Donald Trump vào thứ năm vừa qua để tuyên bố những điều mà lãnh đạo Kim Jong Un mong muốn đàm phán với TT Donald Trump. Lãnh đạo Kim “bày tỏ sự háo hức của mình để gặp TT Trump càng sớm càng tốt.”…
Thật ra việc đàm phán này không phải là lần đầu tiên, mà đã có từ thời của cựu TT Bill Clinton 1997-2001 đã từng gặp cố lãnh đạo Kim Jong il vào tháng 10 năm 2000. Cựu TT Jimmy Carter gặp Kim Sung il năm 1994, sau cuộc viếng thăm khoảng 3 tuần lễ thì Kim sung il qua đời. Hay cựu TT Hàn Quốc ông Kim Dae Jung đã gặp cố Lãnh đạo Kim Jong il vào năm 2000 sau 50 năm phân chia lãnh thổ. Hay Thống đốc New Mexico Bill Richardson và Ngoại Trưởng Madeleine Albright đã đến thăm Triều Tiên trong nhiệm vụ ngoại giao khác nhau và đã gặp cố lãnh đạo Kim Jong il năm 2000. Thời cựu TT Bill Clinton cũng có những giới chức trong chính phủ ông đã gặp Kim Jong il năm 2009 về vụ việc hai phóng viên Mỹ bị bắt giữ, hay cuộc gặp gỡ của đại diện 6 bên gồm: Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhận Bản và Hoa Kỳ.v.v. Thật ra đã có nhiều lần gặp gỡ của các giới chức cao và lãnh đạo Bắc Hàn nhưng kết quả vẫn là chỗ bế tắc.
Hôm nay, sau lời tuyên bố của Phát ngôn Viên Tòa Bạch Ốc và bài diễn văn ngắn của phái đoàn Nam Hàn ông Chung Eui-Jong cho biết, sẽ có cuộc gặp gỡ giữa TT Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim trong tháng 5 tới. Sau đó, dư luận ủng hộ và hoài nghi đã bắt đầu tràn ngập trên truyền hình và báo chí. Sau đây chúng tôi nêu lên một số ý kiến của các lãnh tụ và các chính khách như sau:
-Nga và Trung Quốc là thành viên 6 bên đã bày tỏ sự hoan nghênh tích cực này.
-Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe nói với các phóng viên là sẽ hợp tác cùng với Hoa Kỳ 100% và ông sẽ gặp Tổng Thống Nam Hàn vào tháng 4.
-Bộ Trưởng ngoại giao Nga ông Sergli Lavrov cho rằng cuộc gặp gỡ giữa TT Trump và Kim Jong Un là bước đi đúng hướng và là cách nối lại tiến trình ngoại giao. Và “cần thiết để bình thường hóa tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.”
-Giáo sư Đại học Takushoku ông Takahashi Kawakami cho biết có 3 kịch bản sẽ xảy ra. Thứ nhất là đồng ý phi hạt nhân hóa, thứ hai là đóng băng hạt nhân, thứ ba là tiếp tục bắn thử hỏa tiên.
– Thomas Jonter, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Stockholm cho rằng không nên hy vọng quá nhiều, mặc dù có cơ hội để đối thoại.
-Chuyên gia phân tích của cơ quan CIA ông Fred Fleitz thì cho rằng cuộc đàm phán này sẽ chia cách Mỹ với các đối tác, hai là họ tìm kiếm thêm thời gian để tiếp tục chương trình hạt nhân và ba là lợi dụng sự việc này hầu nối lỏng các biện pháp trừng phạt.
-Ông Geng Shuang phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là sự phát triển này là điểm tích cực và can đảm chính trị. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn duy trì lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
-Bộ Trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho biết chính phủ của bà rất hoan nghênh với bất kỳ cuộc đối thoại nào với Bắc Triều Tiên.
-Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với các phóng viên ở Ethiopia vào thứ năm rằng. Chúng tôi cần nhiều thời gian để đàm phán, phải rõ ràng và thực tế về điều này. Ông nói thêm là thái độ của Kim đã thay đổi “một cách khá kịch tính” gây nhiều ngạc nhiên.
-Một số nhà lãnh đạo của GOP đã ủng hộ quyết định của TT Trump để chấp nhận lời mời của lãnh đạo Kim.
– Mogherini cho biết EU hoan nghênh sự chấp nhận lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un và Liên minh châu Âu cho rằng đây là “sự phát triển tích cực” một nỗ lực để có được việc phi hạt nhân hoá hoàn toàn.
– Tổng thống Nam Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã tuyên bố rằng đó sẽ là “cột mốc lịch sử” phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và “thực sự theo đúng hướng”.
Ngoài ra còn có nhiều Dân biểu và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã nói về vấn đề này như: Thượng nghị sĩ Lindsey Graham R-South Carolina, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Ed Royce R-California, Thượng nghị sĩ Ed Markey D-Mass, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, tất cả đều có những ý kiến khác nhau như. Tổng thống Trump sẽ sử dụng quân đội nếu cần…, chương trình trừng phạt đã thực hiện bắt đầu có hiệu quả…, hay những biện pháp chế tài đang có tác động…, hay chiến lược “áp lực tối đa” của T T. Trump nhằm buộc ông Kim phải vào bàn đàm phán.v.v. và v.v. Hầu như những ý kiến và suy nghĩ đều cho là cuộc gặp gỡ là điều tốt đẹp và nhiều hy vọng.
Tuy nhiên cũng có nhiều giả thuyết được đặt ra là cuộc đàm phán này có thể có những nội dung như:
1-Ngăn chận các cuộc thử hạt nhân và hỏa tiển
2-Xóa bỏ và tháo gỡ các cơ sở hạt nhân
3-Cho phép phái đoàn Liên Hiệp Quốc kiểm tra các cơ sở hạt nhân
4-Tiết lộ các thông tin có liên quan về vũ khí hạt nhân.v.v.
Tóm lại, những điều này có thể được đưa ra để thảo luận nhưng chưa chắc các điều kiện đó được Bắc Triều Tiên chấp thuận hoàn toàn có lẽ vì những lý do sau đây.
*- Kim Jong Un đã tiếp tục thử hỏa tiển đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và thiết bị vũ khí hạt nhân bất chấp đe dọa trừng phạt của Hoa Kỳ và các Quốc gia trên thế giới. Liệu Kim Jong Un có dễ dàng từ bỏ không? Điều này chúng ta đã thấy. Từ năm 2012, nước này đã phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian. Vào tháng 4 năm 2015, một vị tướng hàng đầu Hoa Kỳ cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên có thể phát triển các hỏa tiển đầu đạn hạt nhân có khả năng tiếp cận đến bờ biển phía tây nước Mỹ. Vào ngày 5 tháng 1 năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư. Triều Tiên cũng đã thử thành công phóng một hỏa tiển đạn đạo từ tàu ngầm. Tháng 9 năm 2016, Kim Jong Un đã giám sát cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm có sức công phá mạnh hơn từ trước đến nay. Dựa vào một số ước tính, vụ nổ đó đã mạnh hơn quả bom ném xuống Hiroshima. Các cuộc thử nghiệm này là dấu hiệu cam kết vững chắc của Kim Jong Un đối với việc tiếp tục vũ khí hạt nhân để bảo vệ quốc gia ông và ngăn chặn những cuộc tấn công của nước ngoài, tạo uy tín và duy trì quyền lực của mình. Cho nên việc từ bỏ hẳn chương trình vũ khí hạt nhân là một điều rất khó xảy ra.
*-Vì Kin Jong Un tiến hành kế hoạch hạt nhân là mục đích để loại bỏ và răn đe những đối thủ của ông hiện nay.
*-Kinh nghiệm nhìn thấy từ Saddam Hussein và Muammar Qadhafi, cho nên ông không thể mạo hiểm để từ bỏ các chương trình hạt nhân. Vũ khí hạt nhân là khả năng tự vệ nếu có sự can thiệp từ nước ngoài. Cho nên việc từ bỏ hẵn vũ khí hạt nhân là một điều rất khó xảy ra.
Tại sao lại Kim Jong Un không thể từ bỏ 100% kế hoạch vũ khí hạt nhân?
1- Kim Jong Un có thể đưa ra kế hoạch đóng băng vũ khí hạt nhân tạm thời để cứu vãn tình hình kinh tế quá tồi tệ hiện nay để chế độ không bị lung lay. Ông cũng hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ không bắt đầu một cuộc chiến tranh để chấm dứt chương trình hạt nhân của ông, vì nếu xảy ra đó là một cuộc chiến khốc liệt của đôi bên và các đồng minh của Hoa Kỳ. Nếu Bắc Hàn không bắt đầu cuộc chiến trước thì Hoa Kỳ và các nước đồng minh không thể nào có lý do để tấn công Bắc Hàn, lúc đó Trung Quốc và Nga có thể nhảy vô can thiệp. Cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cho biết là bất cứ giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên đều “bi thảm với một quy mô không thể tin nổi”.
2-Kim Jong Un đã nắm giữ quyền lực tuyệt đối, ông tin vào bản chất thần thánh của ông nội, ông cha của ông cho nên chuyện từ bỏ quyền lực là một điều khó xảy ra. Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-53 phong trào tuyên truyền chống Mỹ mỗi ngày mỗi lớn rộng hơn đã phát triển sâu rộng trong dân chúng. Hoa Kỳ là kẻ thù địch nhằm phá huỷ đất nước của họ. Dù là đàm phán thế nào thì điều kiện tiên quyết là Kim Jong Un không thể từ bỏ quyền lực của ông. Trong đầu ông đã có hình ảnh thảm bại của chế độ Saddam Hussein ở Irac và chế độ (Muammar) Gaddafi ở Libya không thể thoát khỏi số phận của sự tàn phá sau khi bị tước đoạt các cơ sở phát triển hạt nhân của họ và từ bỏ các chương trình hạt nhân theo ý
của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc. 3- Ông Kim Jong Un cũng rút kinh nghiệm từ Trung Đông và những can thiệp quân sự từ bên ngoài, chủ yếu là do Hoa Kỳ lãnh đạo. Mục đích dùng việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân làm chủ đề để tiến đến việc thay đổi chế độ. Cho nên, việc này Kim Jong Un đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào bàn đàm phán.
4-Có thể Kim Jong Un cần đàm phán với Hoa Kỳ vì có những điều kiện mang đến lợi ích cho Bắc Triều Tiên, có thể Kim sẽ chấm dứt chương trình khai triển vũ khí hạt nhân với một cách nào đó nhưng vẫn giữ lại được sức mạnh không làm nguy hại đến Quốc gia ông. Hay một điều kiện nào đó để đối lại là quân đội Hoa Kỳ phải rời khỏi bán đảo Triều Tiên, chấm dứt các lệnh trừng phạt chính trị lẫn kinh tế và tạo điều kiện để Bắc Hàn có cơ hội phát triển kinh tế.
5-Theo như ông John Nilsson-Wright, một nhà nghiên cứu cấp cao của Chatham House ở London nói với CNBC vào tháng 7 là Bắc Triều Tiên đang lừa gạt TT Trump. Điều này cũng có thể xảy ra. Với chế độ Cộng Sản thì việc nói dối, lừa đão hay nói một đàng làm một nẽo không có gì đáng ngạc nhiên. Bắc Triều Tiên đã nhiều lần không giữ lời hứa ngừng phát triển chương trình hạt nhân với phái đoàn 6 bên và cộng đồng thế giới. Cho nên việc đàm phán này có thể là một miếng mồi nhử trên bàn để kéo dài thời gian của Bắc Triều Tiên.
Tóm lại, chúng tôi trở lại câu hỏi tại sao lãnh đạo Kim Jong Un đột ngột mong muốn được đàm phán với TT Donald Trump? Sau đây có thể là những lý do hiện nay tại Triều Tiên có thể đưa ông Kim đến việc phải đàm phán.
-Hiện nay Kim Jong Un cảm thấy chương trình phát triển hạt nhân của ông đủ bảo đảm sức mạnh để ngồi vào bàn đàm phán. Cũng như đủ điều kiện có thể tự bảo vệ đất nước mình không bị tấn công. Cho nên, điều kiện đóng băng vũ khí hạt nhân có thể là một thảo thuận của Bắc Hàn.
-Hay có thể chương trình hạt nhân quá tốn kém lên hàng tỷ trong khi đất nước quá nghèo người dân không có ăn. Theo báo chí cho biết là chính phủ Bình Nhưỡng đã chi khoản 1.3 tỷ (billion) để chế tạo và bắn hỏa tiển (rocket launches). Hiện nay Bắc Hàn có khoảng 60 chục loại vũ khí hạt nhân khác nhau hoặc ít hơn, nếu so với Hoa Kỳ có khoảng 6.800 vũ khí hạt nhân thì Bắc Hàn còn quá ít. Nhưng Bắc Hàn đã chi phí cho mỗi đầu đạn khoảng giữa 18 triệu đến 53 triệu Mỹ kim, nếu số tiền này dùng mua thực phẩm thì có thể cứu đói cho người dân được vài năm. Hơn nữa hỏa tiển liên lục địa của Bắc Hàn sẽ bị hệ thống phòng thủ hiện đại của Hoa Kỳ bắn rơi trước khi vào đến lãnh thổ Hoa Kỳ. Kể từ năm 2013, Mỹ đã có kế hoạch triển khai 44 hệ thống đánh chặn hỏa tiển tầm xa ở Alaska, California và Nam Hàn vào cuối năm 2017. Cho nên sự đe dọa của Bắc Hàn xem như không còn hiệu quả nữa. Hay có thể Hoa Kỳ sẽ phá hủy hoàn toàn Triều Tiên nếu chiến tranh xảy ra. Đây chính là lý do khiến Bình Nhưỡng từ bỏ ý định tấn công Mỹ và ngồi vào bàn đàm phán.
-Mặc dù chế độ đàn áp của ông đã thành công trong nhiều năm qua, nhưng sự lo sợ dân chúng nỗi dậy và quân đội có thể đứng lên chống lại chế độ. Điều này không thể lường trước được. Ông là cấp lãnh đạo còn quá trẻ và nhất là không có kinh nghiệm về quân đội. Cho nên việc đàm phán có thể là lá bài để ổn định tình hình trong nước, kéo dài thời gian để chống đỡ nền kinh tế đang trên đường suy sụp hiện nay vì ảnh hưởng lệnh trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ và các nước trên thế giới áp đặt.
-Hiện nay hơn 6 triệu người Triều Tiên đang cần Thực phẩm và một phần ba trẻ em được xem như bị suy dinh dưỡng hoặc suy thoái. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 33%. Bắc Hàn là một nước nghèo nhất ở Châu Á với nền kinh tế trị giá khoảng 40 tỷ USD. Số thu nhập cao nhất khoảng $100 đô la mỗi tháng và bây giờ mức trung bình đã giảm xuống còn $50 đô la/tháng. Cũng vì thế mà việc bạo động thực phẩm xuất hiện rất phổ biến hiện nay trên khắp đất nước miền Bắc. Hầu hết người lao động chỉ kiếm được từ 2 đến 3 đô la mỗi tháng. Theo như tình hình hiện nay thì một phần ba thu nhập của Bắc Hàn được dành cho quân đội.
Việc thiếu thực phẩm trầm trọng là tình trạng nan giải hiện nay tại Bắc Hàn. Cho nên Kim Jong Un đã lập ra kế hoạch nuôi thỏ ăn thịt thay vì người ăn cỏ để sống như nạn đói năm 1990.
-Một phần không kém quan trọng khác là Bắc Hàn không có quyền chăm sóc sức khỏe, nhiều bệnh nhân đã bị bệnh viện từ chối không cho nhập viện, trừ khi họ chịu chi trả giá thuốc cao và vài thủ tục khác. Trường hợp này không khác mấy như ở VN. Một mặt bệnh dịch đã lan rộng nhiều nơi, chất methamphetamine được bán ra cho dân chúng dùng làm thuốc giảm đau và hiện nay tình trạng người dân bị nghiện ngập bởi chất này rất nhiều. Có khoảng 80% người sử dụng và 40% người đã bị nghiện.
-Ngân quỹ mỗi ngày mỗi thâm thủng vì Bắc Triều Tiên chi phí quá nhiều cho Quốc phòng. Năm 2001 đã chi hơn 5 tỷ đô la chiếm khoảng 30% GDP của cả nước. Bắc Triều Tiên cũng là một quốc gia tham nhũng nhất thế giới, riêng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có hơn 5-6 tỷ USD trong những tài khoản bí mật ở các ngân hàng Châu Âu. Những lý do này làm cho con đường lãnh đạo của Kim Jong Un càng đi sâu vào bế tắc.
-Tuổi trẻ là tiền đồ của đất nước, nhưng hiện nay tuổi trẻ Bắc Hàn không còn cơ hội phát triển, mỗi ngày đến trường học các em buộc phải mang theo bàn và ghế khi đến trường học. Có một vài trường các em phải làm việc khó nhọc để sản xuất. Như vậy tương lai đất nước sẽ ra sao? Nguyên nhân nghèo đói là do đã đổ tiền quá nhiều vào các chương trình hạt nhân và quân đội. Đó có thể là một trong những lý do buộc ông phải dừng lại chính sách ngông cuồng của mình.
-Trữ lượng khoáng sản của Bắc Hàn có khoảng 6 Trillion USD, mặc dù đầu tư nước ngoài đang chậm lại vì một số lý do. Trong năm 2010, đã có khoảng 1,4 tỷ USD đầu tư của nước ngoài. Nhưng sau nhiều năm bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế nên việc đầu tư nước ngoài giảm đi rất nhiều vì sợ có sự rủi ro nếu có chiến tranh xảy ra. Nên việc ngồi vào bàn đàm phán cũng là một trong những giải pháp tốt nhất mà Kim Jong Un nên chọn vào thời điểm này.
-Quân đội Bắc Hàn khoảng 1,2 triệu gắp đôi Nam Hàn, đây là số người lao động không công chỉ được lãnh lương hàng tháng từ chính phủ cũng là những người mà trong lòng họ luôn phẩn uất. Họ là những người Không có tài sản cá nhân tất cả đều trực thuộc của chính phủ. Lãnh đạo Kim Jong Un luôn lo lắng về điều này.
-Một vấn nạn khác, là những người Bắc Hàn đang tìm cách ra nước ngoài tị nạn, một số bị bắt đã nhốt trong các trại giam và có rất nhiều người đã chết. Hiện giờ ước tính có khoảng 80.000 đến 120.000 đang bị giam giữ và khổ sai lao động. Đây là một gánh nặng mà chính quyền Kim Jong Un phải giải quyết trong khi nạn đói đang xảy ra trên khắp đất nước.
Tóm lại chế độ cộng sản Bắc Hàn đang trong tình trạng đói kém hiện nay, nhất là các vùng nông thôn mỗi ngày thêm tổi tệ hơn, đến mức có một số người đã ăn thịt đồng loại. Đồng thời các vấn nạn càng ngày càng không giải quyết được. Chính vì thế chính quyền Kim Jong Un cảm thấy không an toàn. Cuộc sống của ông chỉ có mục đích là bảo vệ chế độ và quyền lực, nhưng hai thứ đó không phải là thứ tuyệt đối không thay đổi. Cho nên, để giải quyết tình trạng cấp bách hiện nay, Kim đã phong tỏa mọi thông tin, phim ảnh, âm nhạc, internet.v.v. Để người dân không thể biết được thế giới bên ngoài với cuộc sống khác hơn, sung túc hơn, tự do dân chủ hơn. Cho nên, tất cả đều phải kiểm soát và cấm đoán. Một Quốc gia nghèo đói, Kim không thể cai trị mãi được, chế độ cần phải làm một cái gì đó cho người dân tốt hơn, chứ không thể dùng lưỡi lê, họng súng để cai trị người dân. Cho nên có thể Kim Jong Un phải tìm ra một lựa chọn. Việc đàm phán với Hoa Kỳ và các Quốc gia trên thế giới sẽ có nhiều cơ hội mang lại tốt đẹp hơn cho đất nước. Mặc khác có thể bảo đảm quyền lực và chính quyền của ông có hy vọng tiếp tục lâu dài. Hy vọng cuộc đàm phán này nếu không hỷ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân thì ít ra cũng “đóng băng vũ khí hạt nhân” có thể giúp cho bán đảo Triều Tiên và các Quốc gia trong vùng được ổn định phần nào.
Và biết đâu có một thuyết phục nào đó làm nhà lãnh đạo trẻ này tự hỏi. Tại sao Nam Bắc lại phải sống giữa bãi mìn và dân tộc phải sống trước lằn tên mũi đạn? Nếu Ông ta đã suy nghĩ được về điều đó, thì việc chấp nhận đàm phán với TT Trump để hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân sẽ là một kỳ tích cho đất nước Hàn Quốc. Hay chỉ thỏa thuận “đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân” cũng là phước may của một dân tộc Hàn.
Nhận xét
Đăng nhận xét