Bầu cử Mỹ 2024: Donald Trump sẽ là tổng thống tiếp theo
TRỰC TIẾP
Bầu cử Mỹ 2024: Donald Trump sẽ là tổng thống tiếp theo
Cựu Tổng thống Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại cử tri để thắng cử. Ông đã đăng đàn tuyên bố “chiến thắng vang dội” trước đám đông người ủng hộ. Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đã có một kết cục chấn động.
Tóm tắt
- Ông Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ và sẽ có một cuộc tái xuất lịch sử tại Nhà Trắng.
- Ông Trump nói với đám đông cổ vũ ở Florida: “Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một sự ủy nhiệm chưa từng có.”
- Trong bảy bang chiến trường quan trọng, Trump đã giành chiến thắng ở Bắc Carolina, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin và đang dẫn trước ở Michigan, Nevada và Arizona.
- Kamala Harris vẫn chưa nhận thua hay phát biểu trước người ủng hộ – những người ủng hộ bà rời khỏi buổi theo dõi kết quả từ sớm, trước khi kết quả cuối cùng được công bố.
- Đảng Cộng hòa đã giành lại Thượng viện từ Đảng Dân chủ sau khi lật ngược một loạt ghế.
Trực tiếp
Harris chưa thừa nhận thất bại, nhưng đó là điều bình thường
Tất cả các hãng tin lớn, bao gồm cả BBC, đều đưa tin ông Donald Trump thắng cuộc.
Công chúng đã nghe ông Trump tuyên bố chiến thắng, nhưng chưa nghe gì từ bà Harris và bà vẫn chưa thừa nhận thất bại.
Điều đó là bình thường và đã từng xảy ra trong quá khứ. Phải đến buổi chiều sau cuộc bầu cử, công chúng mới nghe từ ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton khi bà thua ông Trump năm 2016.
Bà Harris dự kiến sẽ phát biểu trước những người ủng hộ tại Đại học Howard, trường cũ của bà, vào khoảng sáng ngày 7/11 giờ Việt Nam. Bà cũng dự kiến sẽ thừa nhận thất bại.
Kamala Harris sẽ gọi điện cho Trump để thừa nhận thất bại, theo NBC News
Bà Kamala Harris dự kiến sẽ gọi điện cho ông Donald Trump vào thứ Tư 6/11 để thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, NBC News đưa tin, dẫn lời của hai trợ lý của bà Harris.
Tổng thống Joe Biden cũng có kế hoạch gọi điện cho ông Trump và sẽ phát biểu công khai về kết quả bầu cử, NBC News đưa tin, trích dẫn lời một quan chức Nhà Trắng.
Các nguồn tin của Reuters cho hay bà Harris sẽ có bài phát biểu chấp nhận thua cuộc khoảng 18 giờ ET ngày thứ Tư 6/11 theo giờ Mỹ, tức 6 giờ sáng ngày thứ Năm 7/11 theo giờ Việt Nam.
'Người Mỹ cần chấp nhận kết quả, dù muốn hay không'
Phản hồi trước chiến thắng của ông Trump, cựu nữ dân biểu Đảng Cộng hòa Liz Cheney cho rằng "hệ thống dân chủ đã hoạt động".
Bà Cheney đã ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris và là một trong những người chỉ trích ông Trump thẳng thắn nhất. Tuần trước, trong một sự kiện, ông Trump đã công khai gọi bà là "kẻ ngu ngốc" và "kẻ hiếu chiến cực tả".
Sau đó, bà Cheney đáp trả bằng cách nói rằng: "Đây là cách những kẻ độc tài phá hủy các quốc gia tự do."
Sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng, cựu nữ dân biểu đã đăng trên mạng xã hội X:
"Tất cả người Mỹ đều phải chấp nhận kết quả bầu cử, bất kể chúng ta có thích hay không."
"Công dân trên khắp đất nước này, tòa án của chúng ta, những người làm báo và những người phục vụ trong chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương của chúng ta phải là những người bảo vệ nền dân chủ."
Liệu ông Trump sẽ đánh thuế hàng hóa từ khắp thế giới hay không?Faisal Islam, biên tập viên kinh tế
Thế giới đang ra sức tìm hiểu xem Trump nghiêm túc đến mức nào trong việc đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu của thế giới vào nước Mỹ, từ cả bạn và thù.
Không chỉ các quốc gia riêng lẻ, như Trung Quốc, hay các lĩnh vực, như máy giặt, mà còn là mọi thứ từ khắp mọi nơi.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa áp thuế từ mọi hướng để đạt được tất cả mục tiêu ngoại giao, từ kiềm chế Trung Quốc, đến bảo vệ vai trò của đồng đô la Mỹ và ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp.
Ông Trump từng nói thuế quan là “từ ngữ đẹp nhất trong từ điển".
Ông Trump định sử dụng thuế quan như một vũ khí, một đòn bẩy. Một số tổ chức, như Liên minh châu Âu (EU), đã lên danh sách các hành động trả đũa phủ đầu Mỹ, sau các quan ngại rằng họ không coi trọng những lời đe dọa như vậy từ Trump trong nhiệm kỳ lần đầu.
Điều này cũng đặt ra những câu hỏi lớn cho Vương quốc Anh về việc nên định vị mình ở đâu nếu có một cuộc thương chiến xuyên Đại Tây Dương.
Chọn phe, hay cố gắng trở thành người gìn giữ hòa bình?
Góc nhìn từ Lebanon: Trump hay Harris cũng như nhau
Trước kỳ bầu cử, có rất nhiều sự bất mãn ở Lebanon, và thực tế là khắp Trung Đông, về chính sách của Tổng thống Biden đối với Gaza.
Nhiều người nói rằng ông Biden đã tiếp tay cho vụ giết hại hơn 40.000 người Palestine khi cuộc chiến của Israel chống lại Hamas vẫn tiếp diễn ở đó.
Nhiều người cho rằng Mỹ tiếp tục ủng hộ Israel bằng vũ khí và bom vốn được sử dụng ở Gaza và bây giờ là để chống lại Hezbollah ở Lebanon.
"Chúng tôi thực sự không quan tâm. Cả [Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ, Kamala Harris] đều có cùng chính sách," Sanaa El Banji, một dược sĩ, nói với BBC.
"Họ ủng hộ Israel và họ không quan tâm đến chiến tranh và tình hình ở Lebanon. Họ luôn ủng hộ chính sách của Israel. Trump thì hung hăng hơn, thẳng thắn hơn và minh bạch hơn những người khác."
Wafa Karameh, một công chức đã nghỉ hưu, nói:
"Hai người [Trump và Harris] đều như nhau nhưng hy vọng với Trump, mọi thứ sẽ tốt hơn những gì đã xảy ra trong bốn năm qua."
Trong khi đó, Omar Baalbahi, một kỹ sư, nói:
"Tất cả những gì chúng tôi hy vọng là ông ấy sẽ mang lại hòa bình cho khu vực này. Chúng tôi đang cầu nguyện. Ông ấy là người nói được làm được."
Hugo Bachega, Phóng viên chuyên về Trung Đông
Gia đình Donald Trump
Trước khi tham gia chính trường, Donald Trump đã xây dựng một đế chế với khối tài sản thừa kế hàng triệu đô la, một thương hiệu và rất nhiều bất động sản đắt tiền.
Trong hình bên dưới là Barron Trump, 18 tuổi, con duy nhất của bà Melania Trump với Trump.
Chúng tôi có bài viết về gia đình Trump ở đây.
Ông Hun Sen: 'Mỹ vẫn tụt hậu về giới'
Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã phân tích lý do ông Donald Trump chiến thắng trong bài viết được đăng trên Facebook chính thức vào hôm nay 6/11.
"Chiến thắng của Trump có nhiều lý do, nhưng theo quan sát của tôi, có 3 điểm khiến ông nhận được phiếu bầu từ người dân:
Lý do thứ nhất, đó là xã hội Mỹ chưa sẵn sàng để đưa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, mặc dù nước Mỹ là cha đẻ của nền dân chủ về giới. Điểm này cho thấy nước Mỹ đang tụt hậu xét về khía cạnh nữ làm lãnh đạo so với châu Á, như tại các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Lý do thứ hai, đối thủ của Donald Trump là phụ nữ. Lần đầu tiên vào năm 2016, Donald Trump đã đánh bại bà Hillary Clinton. Năm 2024 này, Donald Trump đang cạnh tranh với một người phụ nữ khác là bà Harris và thành công.
Lý do thứ ba, trước thềm cuộc bầu cử, ông Donald Trump đã phát đi một thông điệp tới người Mỹ và trên toàn thế giới về việc yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh, gọi là "người theo chủ nghĩa hòa bình" Thông điệp của Trump đã thành công, vì vậy chiến thắng của Trump cho thấy người Mỹ yêu hòa bình hơn là có một cuộc chiến tranh toàn diện ở Ukraine và Israel.
Hai nhiệm kỳ không liên tiếp nhau
Như vậy tổng thống thứ 45 của nước Mỹ - Donald Trump - cũng sẽ là tổng thống thứ 47 của nước này.
Trước ông Trump, chỉ có một người tái đắc cử theo cách như vậy. Đó là ông Grover Cleveland - tổng thống Mỹ thứ 22 và 24.
Ông Cleveland thắng cử vào các năm 1884 và 1892. Năm 1888, dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng lại thua số phiếu đại cử tri so với đối thủ phe Cộng hòa Benjamin Harrison - tổng thống thứ 23 của Mỹ.
Elon Musk có thể hưởng lợi gì khi Donald Trump làm tổng thống?
Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể là một minh chứng cho chiến thắng của một trong những người ủng hộ ông rõ ràng nhất, tỷ phú công nghệ Elon Musk.
Elon Musk đã ủng hộ Đảng Cộng hòa ngay sau vụ ám sát hụt Trump tại thành phố Butler, bang Pennsylvania vào tháng 7.
Sau khi đổ tiền bạc vào chiến dịch tranh cử của ông Trump, Elon Musk có thể hưởng lợi từ việc Trump tái đắc cử.
Tổng thống đắc cử đã nói rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ mời ông Musk vào chính quyền của mình để loại bỏ sự lãng phí của chính phủ.
Ông Musk đã gọi nỗ lực tiềm năng này là "Bộ Hiệu quả Chính phủ" hay DOGE, tên của một meme và tiền điện tử mà CEO của Tesla đã phổ biến.
Doanh nhân này cũng có thể hưởng lợi từ nhiệm kỳ tổng thống của Trump qua việc sở hữu SpaceX, công ty đã thống trị lĩnh vực kinh doanh đưa vệ tinh của chính phủ lên vũ trụ.
Ông Musk đã lên tiếng chỉ trích các đối thủ, bao gồm Tập đoàn Boeing, về cấu trúc hợp đồng với chính phủ, mà theo ông cho là không khuyến khích hoàn thành các dự án đúng ngân sách và đúng thời hạn.
SpaceX cũng đã chuyển sang chế tạo vệ tinh do thám ngay khi Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ dường như chuẩn bị đổ hàng tỷ đô la đầu tư.
Hãng sản xuất xe điện Tesla của Musk có thể thu được lợi nhuận từ một chính quyền mà Trump định nghĩa là có "gánh nặng về mặt quản lý thấp nhất".
Ông Trump cũng cam kết giảm thuế cho các tập đoàn và giới nhà giàu. Đó là một lời hứa khác mà Musk kỳ vọng tổng thống thứ 47 của nước Mỹ sẽ biến thành hành động.
Sự khó lường sắp quay trở lại
Ông Donald Trump thích nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh, nhưng ông sắp thừa hưởng hai cuộc xung đột lớn đã không xảy ra khi ông còn tại nhiệm: cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine và cuộc chiến của Israel ở Trung Đông.
Sau đó là Triều Tiên với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân được đẩy nhanh, và khả năng là việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan - một đồng minh của Mỹ - đang hiện hữu.
Thật khó để dự đoán chính quyền Trump 2.0 sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào, đặc biệt là khi không có bàn tay vững chắc của các vị tướng cẩn trọng và giàu kinh nghiệm mà ông có trong nhiệm kỳ trước.
Thật kỳ lạ, chính sự khó lường ấy đôi khi lại là một lợi thế vì điều đó khiến đối thủ phải đoán già đoán non.
Liệu nó có thúc đẩy ông Putin tiến tới một thỏa thuận về Ukraine không? Liệu nó có đưa ông Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán không? Liệu nó có ngăn cản Bắc Kinh cố gắng chiếm Đài Loan không? Liệu nó có buộc Iran phải kiềm chế lực lượng dân quân của mình để ngăn chặn một cuộc tấn công của Israel do Mỹ hậu thuẫn vào các cơ sở hạt nhân của nước này không?
Sự khó lường, đặc điểm thường thấy trong nhiệm kỳ trước đó của ông Trump, sắp quay trở lại.
Frank Gardner, Phóng viên An ninh
Phản ứng của các ngôi sao ủng hộ bà Harris
Những nghệ sĩ hàng đầu ủng hộ bà Kamala Harris như Taylor Swift, Billie Eilish, Beyoncé, Oprah Winfrey, Harrison Ford... hiện vẫn im lặng, trong khi một số người như nữ rapper Cardi B hay diễn viên Lili Reinhart thì lên tiếng chỉ trích việc ông Trump trở lại Nhà Trắng và những người bầu cho ông.
Các chính sách trọng tâm của ông Trump
Kinh tế: Ông Trump hứa sẽ "chấm dứt lạm phát và giúp nước Mỹ dễ sống trở lại". Ông nói sẽ thực hiện điều này bằng cách mở rộng sản xuất năng lượng của Mỹ và triển khai hoạt động khoan dầu ở các khu vực như Bắc Cực để giảm chi phí năng lượng.
Thuế: Ông đã đề xuất một số khoản cắt giảm thuế trị giá hàng ngàn tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả việc gia hạn các khoản cắt giảm mà ông đã ban hành vào năm 2017, chủ yếu có lợi cho những người giàu có. Ông Trump nói mình sẽ trả tiền cho các khoản cắt giảm thông qua tăng trưởng cao hơn và thuế quan đối với hàng nhập khẩu.
Nhập cư: Ông Trump đã vận động tranh cử rất nhiều về vấn đề này, hứa sẽ đóng cửa biên giới Mỹ bằng cách hoàn thành việc xây dựng bức tường mà ông đã hứa sẽ xây dựng giữa Mỹ và Mexico trong nhiệm kỳ tổng thống trước. Ông cũng khẳng định sẽ ban hành lệnh trục xuất hàng loạt quy mô lớn nhất lịch sử Mỹ đối với những người nhập cư không có giấy tờ.
Khí hậu: Trước đây, ông đã hủy bỏ hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm cả việc hạn chế lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy điện và phương tiện giao thông, cũng như các biện pháp bảo vệ đường thủy liên bang. Ông một lần nữa tuyên bố sẽ cắt giảm các quy định và cũng đã tấn công vào xe điện, thề sẽ lật ngược nỗ lực chuyển sang sử dụng ô tô sạch hơn của chính quyền Biden.
Phá thai: Ông Trump đã phải vật lộn để tìm ra một thông điệp nhất quán về phá thai, nhưng đã chỉ ra rằng đó là vấn đề quyền của tiểu bang. Ba thẩm phán Tòa án Tối cao mà ông bổ nhiệm lần trước đã đóng vai trò quan trọng trong việc lật ngược phán quyết Roe v Wade.
‘Cơ hội tái thiết lập quan hệ Nga-Mỹ’
Đã xuất hiện những cơ hội mới để Nga và Mỹ thiết lập lại quan hệ, ông Kirill Dmitriev, giám đốc quỹ đầu tư quốc gia Nga, nói vào ngày 6/11 sau khi ông Donald Trump có buổi phát biểu tại Florida.
Ông là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới ở Nga, thường xuyên tới thăm và tư vấn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Dmitriev nói rằng phe ông Trump đã có được chiếc ghế tổng thống và Thượng viện “mặc cho chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn nhắm trực tiếp vào họ”.
“Chiến thắng thuyết phục của họ cho thấy rằng người dân Mỹ bình thường đã mệt mỏi với những lời dối trá chưa từng thấy, sự bất tài và ác ý của chính quyền Biden,” ông Dmitriev nói.
“Việc này [chiến thắng của ông Trump] mở ra những cơ hội mới để tái thiết lập quan hệ giữa Nga và Mỹ,” ông nói thêm.
Đồng đô la sẽ ra sao?
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump được cho là sẽ củng cố đồng đô la Mỹ, khi các nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách của ông sẽ dẫn đến cả lạm phát lẫn sự tăng trưởng sẽ cao hơn so với việc Đảng Dân chủ nắm quyền.
Điều đó có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang sẽ cần duy trì lãi suất cao để ngăn nền kinh tế quá nóng và việc này sẽ có lợi cho đồng đô la Mỹ.
Đồng thời, kế hoạch áp thuế của ông Trump đối với thương mại, buộc các đồng minh châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho quốc phòng và sự nghi ngờ đối với các thể chế đa phương có khả năng làm giảm tăng trưởng ở những nơi khác trên thế giới, thúc đẩy sức hấp dẫn của đồng đô la Mỹ.
Các nhà phân tích của công ty tài chính Citi kỳ vọng đồng đô la Mỹ sẽ tăng 3% sau chiến thắng của Trump.
Đế chế gia đình Trump
Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mụcAnthony Zurcher, Phóng viên Bắc Mỹ
Donald Trump lại một lần nữa chiến thắng.
Tám năm sau chiến thắng bất ngờ trước bà Hillary Clinton và bốn năm sau khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, cựu tổng thống sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Chiến thắng của ông Trump là sự trở lại đáng chú ý của một người đàn ông đã rời khỏi chức tổng thống trong bối cảnh cuộc bạo loạn ngày 6/1 cùng danh tiếng dường như đã vụn vỡ.
Sau khi bị một số đảng viên Dân chủ và thậm chí người Đảng Cộng hòa lên án gay gắt, ông Trump đã bắt đầu hành trình dài bốn năm đưa ông trở lại đỉnh cao quyền lực.
Ông Donald Trump đôi khi mất tập trung và gay gắt trong các bài phát biểu lúc vận động tranh cử, nhưng ông đã có một đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu.
Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng người Mỹ tin tưởng ông Trump về hai vấn đề hàng đầu của trong cuộc bầu cử đó là nhập cư và kinh tế và chiến dịch tranh cử của ông Trump không ngừng nhấn mạnh thông điệp về hai chủ đề này.
Trung Quốc nói gì?
"Chính sách của chúng tôi đối với Hoa Kỳ là nhất quán," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời khi được hỏi việc ông Trump trở lại Phòng Bầu dục sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và xử lý quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi," bà Mao nói thêm.
Tuy vậy, các nhà quan sát lại cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh.
Họ cũng dự đoán sẽ có những diễn ngôn gay gắt hơn và có thể là các mức thuế quan nặng nề từ ông Trump, mặc dù một số người cho rằng chính sách đối ngoại cô lập của ông có thể tạo ra một khoảng trống để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
“Bắc Kinh đã dự đoán cuộc đua sẽ rất sít sao trong cuộc bầu cử Mỹ.
“Mặc dù chiến thắng của ông Trump không phải là điều Trung Quốc mong muốn và [có thể] gây ra lo ngại, nhưng kết quả này không quá bất ngờ,” ông Triệu Thông, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.
Những phát biểu đặc sắc của ông Trump
Chỉ còn bốn phiếu đại cử tri nữa là ông Trump giành chiến thắng. Ông đã có bài phát biểu trước đám đông reo hò tại trụ sở chiến dịch của mình ở Florida.
Dưới đây là một số phát biểu nổi bật của ông Trump:
"Đây là một phong trào mà chưa ai chứng kiến trước đây, và thẳng thắn mà nói, tôi tin rằng đây là phong trào chính trị vĩ đại nhất mọi thời đại. Chưa từng có điều gì giống như vậy ở đất nước này, và có lẽ còn vượt xa hơn thế nữa. Và bây giờ, nó sẽ đạt tới một tầm quan trọng mới, bởi vì chúng ta sẽ giúp hàn gắn đất nước của mình."
“Đêm nay, chúng ta đã làm nên lịch sử vì một lý do, và lý do đó chính là chúng ta đã vượt qua những trở ngại mà không ai nghĩ là có thể, và bây giờ rõ ràng chúng ta đã đạt được điều phi thường nhất trong chính trị. Và hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra. Thật điên rồ, phải không?"
"Đây thực sự sẽ là thời đại hoàng kim của nước Mỹ."
"Đây là một chiến thắng vĩ đại cho người dân Mỹ cho phép chúng ta làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Bên cạnh việc đã giành chiến thắng ở các bang dao động như Bắc Carolina, tôi yêu cả những bang này, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin. Chúng ta hiện đang dẫn đầu ở Michigan, Arizona, Nevada và Alaska, điều này sẽ giúp chúng ta có ít nhất 315 phiếu đại cử tri."
"Chúng ta cũng đã thắng cả số phiếu phổ thông. Điều đó thật tuyệt vời, đầy ý nghĩa… việc giành được phiếu phổ thông rất đẹp, rất đẹp. Tôi sẽ nói với quý vị, đó là một cảm giác yêu thương ngập tràn.”
"Tôi hy vọng một ngày nào đó quý vị sẽ nhìn lại và nói rằng đó là một trong những khoảnh khắc thực sự trọng đại trong cuộc đời mình khi đã bỏ phiếu cho nhóm những nhân vật này, không chỉ tổng thống mà còn là nhóm những con người vĩ đại này."
“Nước Mỹ đã trao cho chúng ta sự ủy thác mạnh mẽ chưa từng có. Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện – tuyệt vời – và các cuộc đua vào Thượng viện ở Montana, Nevada, Texas, Ohio, Michigan, Wisconsin, và bang Pennsylvania - thắng lợi đều thuộc về phong trào MAGA.”
"Ngày này sẽ mãi được nhớ đến là ngày người dân Mỹ giành lại quyền kiểm soát đất nước của mình."
"Giống như những gì tôi đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chúng ta có một nhiệm kỳ đầu thật huy hoàng, tôi sẽ điều hành bằng một khẩu hiệu giản đơn: hứa được, làm được.”
Ông Trump thắng ở bang Wisconsin, sẽ trở thành tổng thống Mỹ
Ông Trump đã chiến thắng tại bang Wisconsin, giành được 276 số phiếu đại cử tri, hơn con số 270 cần thiết, để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Thêm nhiều lãnh đạo châu Âu chúc mừng ông Trump
Hàng loạt nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức ở châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte,.. đã đăng lời chúc mừng ông Donald Trump trên mạng xã hội X.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói:
"Tôi nồng nhiệt chúc mừng ông Donald J. Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống Trump một lần nữa để thúc đẩy chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ.
"Hãy cùng nhau làm việc trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương để tiếp tục mang lại lợi ích cho công dân của chúng ta. Hàng triệu việc làm và hàng tỷ đô la trong thương mại và đầu tư ở mỗi bên bờ Đại Tây Dương phụ thuộc vào sự năng động và ổn định của mối quan hệ kinh tế giữa chúng ta."
Nhận xét
Đăng nhận xét