Đọc báo Pháp – 25/02/2019
Mạng 5G : Hồi chuông thức tỉnh châu Âu
Mạng di động 5G đang được lên kế hoạch triển khai, nhưng vẫn còn nhiều điều người ta chưa chắc chắn. Hiện giờ, khó có thể dự báo các dịch vụ nào sẽ phát triển trên mạng di động 5G, cũng không thể dự báo những doanh nghiệp nào sẽ có bước nhảy vọt từ công nghệ tương lai này.
Cũng rất khó để khẳng định là người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để các nhà mạng thu được nhiều lợi nhuận từ các khoản đầu tư khổng lồ. Trong bài xã luận « Sự thức tỉnh về điện thoại di động », báo kinh tế Les Echos nhận định cho dù danh sách những điều chúng ta hiện chưa nắm rõ về mạng 5G còn dài, nhưng ít nhất có hai điều đã chắc chắn.
Thứ nhất, châu Âu không thể tránh cuộc Cách mạng 5G. Khi phần còn lại của thế giới tăng tốc, nếu châu Âu vẫn giữ nguyên tốc độ như hiện nay thì sẽ thua. Điều thứ hai còn khủng khiếp hơn : trong cuộc đua về 5G hiện đang thu hút mọi sự chú ý, nhất là với Hội nghị di động thế giới MWC ở Barcelona, châu Âu ngay từ giờ đã chỉ đứng ở hạng hai.
Về phương diện thương mại, điểm cốt lõi của thị trường 5G nằm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nhờ sự tăng trưởng cả về dân số, kinh tế và sự đầu tư của Nhà Nước vào hạ tầng cơ sở. Xét về công nghiệp, được hưởng lợi nhiều nhất là tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc.
Theo Les Echos, nếu châu Âu không muốn tụt lại phía sau, không muốn mang danh « châu lục già cỗi », thì các nước châu Âu phải thức tỉnh về mạng di động. Châu Âu phải tự chủ trong một số lĩnh vực thì mới có thể làm chủ vận mệnh của mình. Châu Âu không thể chỉ là một thị trường, châu Âu phải có các nhà quán quân chế tạo và xuất khẩu các công nghệ của Liên hiệp, bởi vì nhóm Gafa của Mỹ gồm các tập đoàn công nghệ khổng lồ Google, Apple, Facebook và Amazon đã thắng trong ván bàn gần đây nhất về cách mạng công nghệ số, còn các tập đoàn Trung Quốc đang tiến gần đến chiến thắng trong cuộc chiến về ắc quy xe hơi chạy điện và mạng di động 5G.
Liệu Liên Âu đã thua trong cuộc chiến kinh tế và công nghệ ? Chắc chắn châu Âu đã bị muộn, nhưng chưa phải phải là quá trễ để lựa chọn các trận đấu và quyết định trên mặt trận nào sẽ chơi lá bài về sự ưu đãi mang tính quốc gia, mức độ bảo hộ và ủng hộ của chính quyền đối với các sáng kiến của giới tư nhân. Les Echos kết luận Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ưu đãi cho các tập đoàn hàng đầu của họ, châu Âu đôi khi cũng cần có đủ dũng khí để làm điều đó và thậm chí là đòi quyền làm điều đó.
Giáo hoàng : Bảo vệ trẻ nhỏ
trước những con sói háu đói
Trong bài xã luận « Bảo vệ trẻ em », báo Công Giáo La Croix nhận định, phát biểu kết thúc hội nghị giám mục toàn thế giới bài trừ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội, Giáo hoàng Phanxicô hôm qua đã khiến công luận thất vọng vì không đề xuất được những giải pháp cụ thể, cho dù người đứng đầu Tòa thánh đã khẳng định lại là ngài mong muốn « bảo vệ các em nhỏ trước những con sói háu đói ».
Không giảm nhẹ trách nhiệm của các thầy tu đã có những hành vi đê hèn, Giáo hoàng nhấn mạnh đang đứng trước « một vấn đề mang tính toàn cầu » và nạn lạm dụng trẻ em đang diễn ra dưới nhiều hình thức : bắt trẻ em đi lính hoặc bán dâm, để trẻ em đói ăn, bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, biến các em thành nô lệ, bắt các bé gái phá thai …
Theo Giáo hoàng, tai tiếng ấu dâm trong Giáo hội cũng là dịp để thức tỉnh công luận về nạn ngược đãi hàng triệu trẻ em khắp nơi trên thế giới. Người đứng đầu Tòa thánh còn nhắc đến cuộc chiến chống phim ảnh khiêu dâm trẻ em đang lan tràn trên các mạng xã hội và ngành du lịch tình dục. Không một xã hội nào có thể tự cho là mình không phải đấu tranh chống các tệ nạn nói trên, những tệ nạn cần triệt phá với một quyết tâm rất lớn. La Croix kết luận, Giáo hội cũng cần quyết tâm để làm trong sạch nội bộ.
Pháp : Bài Do Thái càng chống càng tăng
Tại Pháp, một trong những vấn đề thời sự nổi cộm trong những ngày gần đây là nạn bài Do Thái. Ngày 19/02/2019, theo lời kêu gọi của khoảng 20 chính đảng, nhiều cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái đã được tổ chức. Tuy nhiên, điều trớ trêu là « Từ cuộc tuần hành ngày 19/02, các hành vi bài Do Thái lại gia tăng », với nhiều lời chửi rủa, đe dọa … và điều gây chấn động nhất, theo trợ lý thị trưởng Paris, Emmanuel Grégoire, là « nỗi cay độc trong các câu nói và sự lựa chọn các nơi mang tính biểu tượng » rất cao để thể hiện hành vi bài Do Thái, với mục đích làm tổn thương sâu sắc cộng đồng người Do Thái tại Pháp.
Báo Le Monde trích dẫn chủ tịch Văn phòng Quốc gia Chống nạn bài Do Thái, Sammy Ghozlan, theo đó có một nghịch lý là « Nhà nước càng quan tâm đến người Do Thái và càng lo lắng cho họ, thì càng khiến nhiều người tức giận và một số người đã khiến người Do Thái phải trả giá ».
Nhà chính trị học Jean-Yves Camus cho rằng nói tới hành vi bài Do Thái sẽ kích thích những người có ý đồ xấu, nhưng không đề cập đến vấn nạn này thì không thể « đánh động » công luận và nâng cao hiểu biết của người dân. Ông Camus cũng giải thích một lý do khiến làn sóng mới bài Do Thái dâng cao : những người vi phạm có cảm giác là « họ sẽ không bị pháp luật trừng trị ».
Ông Frédéric Poitier, một quan chức tham gia chiến dịch liên ngành đấu tranh chống kỳ thị, bài Do Thái và thù hằn người đồng tính, chuyển giới thì lo ngại là đang có sự « cạnh tranh giữa các hành thức bài Do Thái khác nhau », như để khẳng định thế nào mới « thực sự là bài Do Thái ».
Pháp : Việc sử dụng hóa chất
trong nông nghiệp không giảm
Cũng tại Pháp, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, báo Le Monde đi tìm câu trả lời cho câu hỏi « Tại sao việc sử dụng hóa chất không giảm ? », cho dù nhiều năm qua nhà chức trách Pháp luôn hứa giảm hóa chất sử dụng trong ngành nông nghiệp.
Theo các nhà kinh tế Cécile Aubert và Eric Giraud-Héraud, việc sử dụng các hóa chất như thuốc trừ sâu, diệt cỏ và diệt nấm chỉ tốn ít chi phí mà lại hiệu quả, đảm bảo năng suất mùa vụ, sản lượng cho các nhà nông. Chẳng hạn, nghề trồng nho chế biến rượu sử dụng tới 20% thuốc trừ sâu tại Pháp, cho dù diện tích đất trồng nho chỉ chiếm 3% diện tích trồng trọt của cả nước. Chi phí cho việc xử lý bằng hóa chất chỉ chiếm 5% giá thành một chai rượu. Trong điều kiện như vậy, các nhà trồng nho, sản xuất rượu vang vẫn tiếp tục muốn sử dụng nhiều hóa chất để đảm bảo sản lượng nho.
Nhiều nhà nông, sau vài năm chuyển đổi sang nông nghiệp sạch, cuối cùng đành quay trở lại với hóa chất vì các chi phí chuyển đổi quá cao : các loại giống phải có sức chống chọi cao hơn nên có giá cao hơn, phải sử dụng công nghệ trồng trọt mới, giá nhân công cũng cao hơn …
Ngoài ra, nông nghiệp sạch cũng có rủi ro mất mùa rất cao. Trong khi đó, số tiền bảo hiểm, hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp nhà nông mất mùa lại không phân biệt nông nghiệp sạch và nông nghiệp truyền thống. Chẳng hạn, vào năm 2017, nhiều trang trại trồng nho chế biến rượu mất tới 80% sản lượng thu hoạch nho sạch. Đối với một số nhà sản xuất lớn, mất mát đó có thể được bù đắp vào các năm khác, nhưng đối với một số nhà sản xuất nhỏ, điều này có nghĩa họ phải ngưng sản xuất.
Trang nhất các báo Pháp
Báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy chạy tít « Nỗi tức giận của người dân Algéri nhắm vào Bouteflika », vị tổng thống 81 tuổi đã cầm quyền suốt 20 năm. Hôm thứ Sáu 22/02/2019, hàng ngàn người dân đã tuần hành ôn hòa ở thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn trên cả nước, để phản đối ông Bouteflika nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ năm.
Về thời sự nước Pháp, báo Libération chơi chữ cuộc « Đua xe đạp vòng nước Pháp (Tour de France) về thảo luận toàn quốc » : phóng viên báo Libération đã có 10 ngày đi từ Wasquehal đến Carcassonne, từ làng mạc đến thành phố lớn, từ những giao lộ đến phòng họp tại các tòa đô chính … để lắng nghe ý kiến người dân.
Báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến « Thất nghiệp : mối nguy về chi phí bồi thường cho các công chức ». Trong khuôn khổ cuộc cải cách để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, chính phủ Pháp có thể sẽ giảm tiền trợ cấp thất nghiệp cho những công chức được hưởng mức lương cao nhất.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, báo Le Figaro chạy tựa trang nhất « Bầu cử châu Âu : Emmanuel Macron lên tuyến đầu ». Theo kết quả khảo sát đầu tiên do Harris Interactive-Epoka thực hiện cho các đài TF1, RTL, LCI và báo Le Figaro, đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Pháp Macron hiện đang dẫn đầu về ý định bỏ phiếu của cử tri (22%), vượt trên đảng cực hữu RN của bà Marine Le Pen (19-20%) và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (12%).
Trong khi đó, báo công giáo La Croix giật tít lớn « Giáo Hội đối đầu với nạn lạm dụng tình dục : Cú giật nảy người ». Theo La Croix, lời chia sẻ của các nạn nhân giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các giám mục từ khắp thế giới về tham dự Hội nghị giám mục toàn thế giới trong vòng bốn ngày và đã kết thúc vào ngày hôm qua.
Tin đọc nhanh
(AP) – Chủ tịch nước Việt Nam viếng thăm Cam Bốt.
Ông Nguyễn Phú Trọng, người còn là tổng bí thư đảng CS Việt Nam đã từ Lào qua Cam Bốt ngày 25/02/201, trong một chuyến công du 2 ngày hầu thắt chắt quan hệ song phương. Chuyến đi thăm láng giềng của ông Trọng diễn ra trong lúc Việt Nam đón thượng đỉnh Trump- Kim. Theo giới quan sát, Việt Nam muốn chứng tỏ tầm quan trọng của quan hệ với hai láng giềng này.
(AFP) – Biệt kích Bangladesh bắn chết một người bị tình nghi là không tặc.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Biman Bangladesh từ Dacca đi Dubai hôm 24/02/2019 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Chittagong (miền nam) sau khi một nhân viên phi hành bị nghi can 25 tuổi bắt giữ làm con tin. Biệt kích sau đó đã tràn vào máy bay, nghi can bị bắn trọng thương và sau đó đã chết vì thương tích quá nặng. 134 hành khách và 14 nhân viên phi hành đoàn đều vô sự.
(AFP) – Hàng ngàn người Rumani biểu tình chống cải tổ Tư Pháp.
Họ đã xuống đường hôm 24/02/2019 tại Bucarest để “bảo vệ ngành Tư Pháp” bị họ cho là đang bị các cải tổ đe dọa. Trước trụ sở chính quyền, người biểu tình hô to: “Công lý, chứ không phải là tham nhũng”; “Hãy bãi bỏ các sắc lệnh”. Nguyên nhân biểu tình xuất phát từ việc chính quyền thông qua một sắc lệnh khẩn cấp vào hôm thứ 19/02, thay đổi việc đề cử thẩm phán
(AFP) – 55% người Pháp muốn phong trào Áo Vàng kết thúc.
Kết quả thăm dò của viện Odoxa, được công bố ngày 25/02/2019, cho thấy đây là lần đầu tiên đa số người Pháp muốn Áo Vàng thôi biểu tình từ khi phong trào bắt đầu vào trung tuần tháng 11/2018. Vào khi ấy, người ủng hộ Áo Vàng lên đến 66%. Vào cuối tháng Giêng phong trào vẫn còn 51% người ủng hộ. Uy tín của tổng thống Pháp được 32% người đánh giá tốt, tăng 2 điểm so với tháng trước.
(AFP) – Moldova : Đảng Xã Hội thân Nga về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội.
Theo kết quả công bố ngày 25/02/2019, đảng Xã Hội của tổng thống thân Nga đã về đầu với 31,4% phiếu bầu, trong lúc liên minh thân Châu Âu, ACUM, giành được 26% và đảng Dân Chủ của nhà tỷ phú Vlad Plahotniuc được 24% phiếu. Tuy nhiên, theo giới quan sát do không có đa số tuyệt đối rõ ràng, Moldova sẽ bước vào một thời kỳ bất ổn định chính trị.
(AFP) – Belarus : Phạt tiền một tổng biên tập.
Viện Công tố Belarus hôm nay, 25/02/2019, đề nghị phạt tiền tổng biên tập của trang thông tin độc lập ở nước này, tut.by. Bà Marina Zolotova đã bị bắt vào tháng 8 năm ngoái cùng với khoảng một chục nhà báo khác trong cuộc điều tra về việc sử dụng trái phép các dịch vụ của hãng thông tấn BelTA. Tổ chức phóng viên không biên giới đã tố cáo phiên xử bà Zolotova là một hành động hù dọa báo chí độc lập ở Belarus.
(Reuters) – Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) trao 280 phần tử thánh chiến cho Irak.
Theo nguồn tin quân đội Irak ngày 24/02/2019, còn có 20 quân thánh chiến nước ngoài, trong đó có 14 công dân Pháp, cũng đã được giao lại cho Irak. Theo thông cáo của quân đội Irak, thì lực lượng FDS đã bắt giữ được một số lượng lớn quân thánh chiến đủ quốc tịch và trong đó hơn 500 quân là người Irak.
(AFP) – Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập sẽ có phi hành gia đầu tiên.
Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập hôm nay, 25/02/2019, thông báo là phi hành gia đầu tiên của vương quốc vùng Vịnh này sẽ bay lên không gian ngày 25/09 để làm việc tại Trạm Không gian Quốc tế. Hai phi hành gia đã được tuyển lựa từ hơn 4000 ứng viên. Tháng 5 tới, một trong hai phi công này sẽ được chọn để bay trên phi thuyền Soyouz của Nga đến trạm không gian quốc tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét