Từ Thượng đỉnh Mỹ-Triều nghĩ về vị thế Việt Nam
Tác giả: VietnamFinance & TGVN p/v Lê Hồng Hiệp
– Ông đánh giá thế nào về khả năng cải thiện mối quan hệ Mỹ – Triều sau Hội nghị lần này? Liệu sẽ có được một bước ngoặt thật sự cho vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn thế giới hiện nay?
Quan hệ Mỹ – Triều đang có những tiến triển suốt hơn một năm vừa qua do cả hai bên đều có nhu cầu thực sự trong việc cải thiện quan hệ song phương. Đối với Triều Tiên, quan hệ tốt hơn với Mỹ sẽ giúp nước này thoát khỏi trình trạng bị bao vây, cô lập, mở đường cho việc có quan hệ thương mại, tài chính với các nước trên thế giới cũng như các thể chế tài chính quốc tế, giúp họ cải cách và phát triển đất nước, giữ vững thể chế chính trị.
Đối với Mỹ, hóa giải được vấn đề Triều Tiên sẽ giúp đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đồng minh, giúp Mỹ có thể tập trung nguồn lực vào các ưu tiên an ninh và đối ngoại lớn hơn, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc.
Chính vì vậy, hội nghị Mỹ – Triều lần này là một cơ hội thuận lợi để hai bên đạt được những tiến triển tích cực trong đàm phán song phương. Tuy nhiên, mặc dù lạc quan nhưng chúng ta cần nhận thấy rằng không dễ để có được sự đột phá nhanh chóng, nhất là về vấn đề giải trừ hạt nhân của Triều Tiên, do quan điểm hai bên vẫn còn khá nhiều khác biệt.
– Theo ông, liệu các bên đàm phán có thể đưa tới thỏa thuận giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên?
Cho tới gần đây Mỹ muốn Triều Tiên tiến hành phá hủy chương trình hạt nhân của họ một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược trước khi được dỡ bỏ các lệnh cấm vận, trong khi Triều Tiên muốn một lộ trình có đi có lại, với mỗi bước đi của mình trong việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân được đáp lại với những biện pháp tương ứng của Hoa Kỳ nhằm đáp ứng các nguyện vọng của Triều Tiên. Ngoài ra, khái niệm “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng.
Chính vì vậy, tôi cho rằng tại cuộc họp lần này, hai bên sẽ cố gắng có những tiến bộ nhất định, nhưng chắc chắn một thỏa thuận nhằm giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên là điều chưa thể xảy ra ngay lúc này. Trước mắt, hai bên có thể muốn đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn cho khái niệm “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên, hay đặt ra một số bước đi cụ thể để cải thiện quan hệ song phương, như thiết lập văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước chẳng hạn.
– Theo ông, Trung Quốc có được xem là “đối tác vô hình” tại cuộc đàm phán lần này? Vai trò của Trung Quốc như thế nào trong mối quan hệ Mỹ – Triều nói chung và tại Hội nghị này nói riêng?
Trung Quốc từ lâu là đồng minh chiến lược của Triều Tiên, và Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế. Về an ninh, Trung Quốc vừa lo ngại về việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, vừa sợ rằng nếu Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, mở cửa kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc, thì Triều Tiên sẽ trở nên độc lập, thậm chí trở nên gần gũi với Hoa Kỳ. Như vậy, Trung Quốc sẽ giảm ảnh hưởng tại Triều Tiên, và thậm chí nếu về lâu dài bán đảo Triều Tiên thống nhất thì có thể trở thành một thách thức an ninh đối với nước này.
Chính vì vậy, mặc dù về mặt chính thức thì Trung Quốc ủng hộ đàm phán Mỹ – Triều, nhưng về mặt thực dụng thì chắc chắn suy nghĩ, tính toán của họ phức tạp hơn. Có thể họ muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng không muốn Triều Tiên đi quá nhanh trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Đặc biệt, họ sẽ không muốn có một bán đảo Triều Tiên thống nhất mà ở đó quân đội Mỹ đồn trú ngay cạnh biên giới với mình.
– Việt Nam từ lâu đã đưa ra thông điệp “là thành viên tích cực, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” nhưng có ý kiến cho rằng, đó chỉ là chủ trương của phía Việt Nam. Thế nhưng qua một loạt các hoạt động, đóng góp rất chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam gần đây vào công việc chung của không chỉ khu vực mà cả thế giới, mà cụ thể lần này là địa điểm được chọn để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 đã minh chứng vai trò của Việt Nam, sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Ông bình luận gì về điều này?
Những sự kiện như thế này có ý nghĩa gấp nhiều lần những khẩu hiệu, các văn kiện… Nó là hành động thực tiễn, và nó xuất phát từ sự lựa chọn của hai bên Mỹ – Triều, thể hiện sự thừa nhận của hai bên đối với vai trò và vị thế của Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, vai trò của một quốc gia không đến từ nỗ lực tuyên truyền của một quốc gia, mà đến từ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế dành cho vai trò của quốc gia đó.
Vì vậy, sự kiện lần này là một dịp ý nghĩa để Việt Nam xác tín với cộng đồng quốc tế về nguyện vọng của mình nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thế giới, vừa thể hiện vai trò đó một cách thực tế mà không cần quá nhiều sự tuyên truyền phô trương. Điều quan trọng là Việt Nam cần làm gì tiếp theo để tiếp tục duy trì được uy tín và vai trò đó trong tương lai.
– Việt Nam nên tận dụng cơ hội này như thế nào trong việc xây dựng hình ảnh của mình như là một điểm đến của hòa bình quốc tế. Theo ông, Việt Nam sẽ hưởng lợi ra sao khi thành nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai?
Với việc được chọn là nơi tổ chức hội nghị lần này, Việt Nam thể hiện là một quốc gia có uy tín và vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, đồng thời đây cũng là một dịp quan trọng để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước thanh bình, tươi đẹp, năng động và hiếu khách tới cộng đồng quốc tế, qua đó thu hút thêm khách du lịch và dòng vốn đầu tư.
Trong hội nghị, Việt Nam cần tận dụng cơ hội bằng cách đưa các các clip quảng bá du lịch, đầu tư lên các kênh truyền thông quốc tế, vừa phối hợp với hai bên, đặc biệt là Triều Tiên, để đưa vào chương trình hội nghị hay chuyến thăm song phương của ông Kim Jong-un các hoạt động có lợi cho hình ảnh Việt Nam, ví dụ như việc ông Kim tới thăm các danh lam thắng cảnh, các nhà máy, khu công nghiệp, hay các dự án cơ sở hạ tầng tiêu biểu thể hiện sự đổi mới năng động của Việt Nam. Những hoạt động như vậy sẽ giúp tối đa hóa lợi ích mà chúng ta thu được từ sự kiện này.
– Một số nhà bình luận đã hàm ý về các khái niệm “Ngoại giao Trung gian” hay “Ngoại giao Hòa giải” ở Việt Nam khi vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và thế giới. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
Hiện vẫn còn quá sớm để nói về mục tiêu đó, bởi đây mới là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một sự kiện như vậy. Nhưng thực hiện vai trò “ngoại giao hòa giải” hay “ngoại giao trung gian” không phải là một điều quá xa vời đối với Việt Nam, nếu xét lịch sử của Việt Nam, hay những nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới của Việt Nam trong thời gian gần đây như tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ hay việc tổ chức hội nghị Mỹ – Triều lần này. Nhưng chúng ta cần tránh chỉ hô khẩu hiệu mà phải có những sáng kiến, sáng tạo trong cách làm, để hướng tới mục tiêu đó.
– Ông từng nhắc đến khái niệm “cường quốc hạng trung”, theo ông, các sự kiện như thế này sẽ có lợi cho Việt Nam thế nào trong dài hạn và sau Hội nghị, chúng ta cần tiếp tục làm gì để tiếp tục nâng cao vị thế và hình ảnh của mình?
Đúng vậy, sự kiện này là một ví dụ tiêu biểu cho chính sách ngoại giao năng động, tích cực của Việt Nam, thể hiện rõ nét một trong những vai trò của một “cường quốc hạng trung” mà Việt Nam đang hướng tới, đó là đóng góp vào kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho thế giới.
Về lâu dài, để hướng tới mục tiêu “cường quốc hạng trung”, ngoài việc tiếp tục đổi mới, phát triển nội lực, về đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vai trò quốc tế của mình bằng cách đóng góp phù hợp với nguồn lực của mình cho các mục tiêu quốc tế.
Ví dụ, dựa vào dư âm từ sự kiện này, Việt Nam nên cân nhắc chủ động vận động để trở thành nơi tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên có xung đột trong khu vực cũng như trên thế giới. Hoặc trước mắt, đàm phán Mỹ – Triều chắc chắn sẽ còn nhiều vòng khác nữa, Việt Nam cũng có thể đề nghị hai bên tiếp tục tổ chức một số hội nghị tiếp theo ở Việt Nam khi phù hợp.
Nhận xét
Đăng nhận xét