Bác sĩ cạo trọc đầu trước khi chi viện Bắc Giang
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
VNExpress
Chủ nhật, 30/5/2021, 00:03 (GMT+7)
Bác sĩ Đặng Minh Hiệu, 28 tuổi, khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. cắt tóc húi cua gọn ghẽ trước khi đến điểm nóng Bắc Giang chống dịch.
Hiệu cười tươi suốt quá trình húi tóc ngay trước khi lên đường tối 29/5. Anh nói mình không tiếc, vì tóc có thể mọc lại, quan trọng nhất là anh sẽ tác nghiệp dễ dàng hơn trong bộ đồ bảo hộ.
Bác sĩ cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, anh cùng các đồng nghiệp luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng đi ngay khi có lệnh. "Mình chưa lập gia đình, trẻ khoẻ nên đi bao lâu cũng được", anh nói. Thông tin về tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang ngày càng phức tạp, càng khiến bác sĩ trẻ nóng ruột.
"Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để được cống hiến, đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho người dân", bác sĩ Hiệu nói.
Cùng đi với anh đợt này có bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, 34 tuổi, khoa Chấn thương chỉnh hình và dược sĩ Trương Văn Đạt, 33 tuổi, Bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược TP HCM. Họ được chọn trong danh sách hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã tình nguyện đăng ký lên tuyến đầu chống dịch trước đó.
Hôm qua, khi dược sĩ Đạt gọi điện "rủ" đi Bắc Giang, anh Hiệu và chị Nguyệt Anh đã đồng ý ngay. Điều duy nhất bác sĩ Hiệu lo lắng là các thầy trong ban giám đốc bệnh viện không đồng ý cho đi, vì "mình còn trẻ quá, chưa có nhiều kinh nghiệm".
Khi đã chắc chắn đã được đi Bắc Giang, Hiệu lại đấu tranh tâm lý hàng giờ, có nên thông báo với gia đình hay không. Anh biết người thân có thể sẽ ngăn cản.
Hiệu kể, ban đầu, anh định giấu, "để ra đến nơi rồi tính", sau cảm thấy như vậy là không phải với gia đình, nên hít một hơi sâu rồi gọi điện cho chị gái, nhờ chuyển lời tới ba mẹ. Người chị vừa khóc vừa mắng em trai, "em đi lỡ có mệnh hệ gì thì ai báo hiếu cha mẹ?".
Bác sĩ Hiếu nghe chị một hồi, rồi giãi bày "nếu ai cũng ở nhà thì lấy ai đi chống dịch. Cuộc chiến này không còn của riêng nơi nào nữa". Anh nói đã được tiêm vaccine, lại có kinh nghiệm chống dịch tại bệnh viện, hứa với gia đình sẽ trở về an toàn. Cuối cùng, ba mẹ đồng ý để anh lên đường.
Trước chuyến đi chưa định ngày về, Hiệu cho biết thứ lớn nhất anh mang theo là niềm lạc quan. Anh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống mắc Covid-19 để có biện pháp xử lý.
"Cả ngàn chiến sĩ chống dịch ngoài đó, tôi cũng chỉ là một phần nhỏ thôi", anh chia sẻ, thêm rằng đây là cơ hội quý để tăng kinh nghiệm điều trị, phòng chống dịch bệnh.
Nhìn mái đầu húi cua của Hiệu, Phó giáo sư Lê Minh Khôi, trưởng phòng Khoa học Đào tạo bệnh viện, chia sẻ: "Có những con người lúc bình thường không hoa mỹ, không đao to búa lớn, đã đứng lên trong những thời khắc nguy nan như thế này. Hơn ngàn lời nói!".
Thư Anh
Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét