Tin Trong Nước – 29/5/21
Thêm 143 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế tối 29/5 ghi nhận 143 ca dương tính nCoV, trong đó 141 ca ghi nhận trong nước và 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam.
Như vậy trong ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận thêm 286 ca mắc mới, gồm 277 ca ghi nhận trong nước và 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
143 ca mới tối nay được ghi nhận từ số 6714-6856, trong đó 141 ca trong nước gồm tại Bắc Giang 67, TP HCM 29, Bắc Ninh 25, Hà Nội 7, Lạng Sơn 7, Hà Nam 3, Hải Dương 2 và Long An một.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 3785, ghi nhận ở 34 tỉnh thành. Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca ở Bắc Giang lên 1.994, Bắc Ninh 761, Hà Nội 364 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 91 ca, 50 ca ở Bệnh viện K), TP HCM 98, Lạng Sơn 62, Hải Dương 47, Hà Nam 43, Long An 2.
Người dân TP.HCM ùn ùn đi xét nghiệm COVID-19
VnExpress – Người dân tại một số quận huyện, công nhân ở trọ và khu công nghiệp được vận động lấy mẫu tầm soát COVID-19 trong cộng đồng sau khi thành phố bùng phát dịch.
Trưa 29/5, hơn 30 người ngồi hàng dài, cách nhau 2 m tại khuôn viên nhà thờ Tử Đình, phường 15, quận Gò Vấp, rộng chừng 100 m2 chờ xét nghiệm. 7 nhân viên y tế Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố lần lượt lấy mẫu và ghi chép thông tin cá nhân. Mỗi người lấy mẫu mất chừng 3 phút, hết nhóm này này đến nhóm khác. Công an phường được phân công đến từng khu phố vận động người dân tới lấy mẫu xét nghiệm theo khung giờ, không tập trung quá đông tại một thời điểm.
Bác sĩ Dương Anh Vũ, khoa Tai- Tai thần kinh cho biết, nhân viên Bệnh viện Tai Mũi Họng được Sở Y tế điều đột xuất đi công tác để đảm bảo việc lấy mẫu số lượng lớn. Trong hai giờ, khoảng 300 mẫu được lấy, cho vào thùng bảo quản, chuyển về trung tâm xét nghiệm. “Nhân viên y tế lấy mẫu gộp 5 người, nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính sẽ lấy mẫu đơn để xác định ca mắc”, bác sĩ Vũ nói và lý giải việc làm này nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm kết quả.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp Nguyễn Trung Hoà cho biết, việc dồn lực lấy mẫu xét nghiệm ở phường 15 bởi sau khi nơi đây phát hiện ca nhiễm, lực lượng y tế đã khoanh vùng lấy mẫu truy vết, trong đó có 5 mẫu gộp (gồm 25 người) xét nghiệm dương tính. 8 khu dân cư ở phường với khoảng 50.000 dân sẽ được lấy mẫu, mỗi nơi sẽ lấy 5.000-6.000 người. Tối qua, nhiều khu vực ở phường cũng tổ chức lấy mẫu xuyên đêm cho hàng nghìn người.
Sáng nay, nhiều người nhiều phường ở quận Bình Thạnh xếp hàng trước Trung tâm y tế quận (cơ sở 2), đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 24 chờ lấy mẫu. Người dân được bảo vệ hướng dẫn theo nhóm 5 người vào khu vực lấy mẫu, giãn cách khoảng cách tối thiểu 2 m.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, xét nghiệm ở quận chủ yếu tập trung vào công nhân, người lao động sống ở khu trọ. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế vì chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng có nhiều ca nhiễm nằm trong các khu nhà trọ, người từ nơi khác tới. “Chúng tôi đã lấy khoảng 2.000 mẫu mỗi ngày và còn thực hiện tầm soát trong một hai ngày tới”, ông Tâm nói.
Ở các khu công nghiệp – nơi tập trung đông công nhân, nguy cơ dịch bùng phát cũng được ngành y tế thành phố đẩy mạnh lấy mẫu tầm soát. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp các quận có nhiều khu công nghiệp, nhà máy như quận 7, Bình Tân, TP Thủ Đức… lấy mẫu. Việc xét nghiệm tập trung vào các nhà máy đông công nhân, lịch trình đi lại phức tạp. Đến nay, hơn 20.000 công nhân ở các khu công nghiệp thành phố được xét nghiệm.
TP HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân. Các khu công nghiệp là nơi được xem nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chỉ sau bệnh viện. Các đợt dịch trong nước từ trước đến nay đều bùng phát mạnh khi nhà máy ghi nhận ca nhiễm.
Đến trưa 29/5, trong đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, TP HCM ghi nhận 5 chuỗi lây nhiễm với tổng cộng 98 ca nhiễm và nghi nhiễm.
Bí thư Bắc Giang: ‘Tỉnh đã kịp giữ lại 60.000 công nhân’
VnExpress – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, địa phương này đã giữ lại được 60.000 công nhân từ 61 tỉnh, thành phố, nếu không sẽ thêm nhiều nơi ghi nhận dịch.
Thông tin được ông Dương Văn Thái nói tại cuộc họp Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ở đầu cầu Hà Nội, sáng 29/5.
Theo ông Thái, đây là kinh nghiệm trong công tác chống dịch tại Bắc Giang – nơi đang là điểm nóng nhất nước với 1.881 ca COVID-19, chiếm một nửa số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư của cả nước và dự báo số ca tiếp tục tăng.
“Quyết định dừng 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp phản đối vì cho rằng công ty chưa có ca bệnh. Nhưng để đảm bao an toàn, tỉnh quyết cho tạm dừng”, ông Thái nói và cho rằng bài học rút ra trước khi dừng khu công nghiệp phải phong toả các khu nhà trọ, lưu trú giữ chân công nhân.
“Không phong toả mà dừng sản xuất, công nhân sẽ trở về các địa phương”, ông Thái nói và cho biết trong tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang có trên 60% là công nhân đến từ các địa phương khác.
Tính đến nay, Bắc Giang đã giãn cách 8/10 huyện và thành phố theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng. Một số địa phương nguy cơ lớn nâng hơn mức Chỉ thị 16. Với năng lực mỗi ngày lấy 20.000 mẫu xét nghiệm, đến nay địa phương đã lấy được 750.000 mẫu. Tỉnh có 282 khu vực cách ly công suất 24.000 người; hiện đã sử dụng 174 khu với hơn 15.000 người.
Nóng: Truy vết 1.500 người liên quan ca nghi mắc COVID-19 ở TP.HCM
Nld – Theo Người Lao Động đưa tin ca nghi mắc COVID-19 này có liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội Phục Hưng, đang làm việc tại tòa nhà ở quận 1 TP.HCM và số người tiếp xúc, liên quan lên đến cả ngàn người.
Chiều 29/5, Sở Y tế TP.HCM cho hay đã cùng cơ quan chức năng làm việc với ban quản lý tòa nhà 65 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1 sau khi có thông tin 1 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 là nhân viên của tòa nhà này.
Qua điều tra sơ bộ, nữ bệnh nhân (28 tuổi), hiện đang ở trọ tại phường 16, quận Gò Vấp, là nhân viên phòng hậu mãi đóng tại tòa nhà 65 Nguyễn Du, quận 1. Sở Y tế TP.HCM làm việc với ban quản lý tòa nhà 65 Nguyễn Du, quận 1
Bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt nên đi khám và được xác định là nghi nhiễm Covid-19. Lực lượng y tế đã xác định 171 trường hợp F1 tiếp xúc gần. Số tiếp xúc F2 được xác định là 1.329 người. Trước số lượng lớn người tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp triển khai truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các tiếp xúc F1, F2 đang cư ngụ trên địa bàn các quận huyện.
Thanh niên 18 tuổi “bỏ chạy” khi chuẩn bị xét nghiệm COVID-19: ‘Tôi đi rút tiền’
Tuoitre – Liên quan vụ việc nam thanh niên tự ra về, khi nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, sáng 29/5, bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng, chủ tịch phường 7, quận Phú Nhuận – cho biết, đã đến nhà người này để làm rõ sự việc.
Nam thanh niên này được xác định là P.Q.T. (18 tuổi, trú trên đường Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận). , T. giải thích với cơ quan chức năng là chiều 28-5, do có biểu hiện hạ đường huyết nên tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám.
“Khi các bác sĩ nói khai báo các triệu chứng, T. làm theo và có khai mất vị giác, được đề nghị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Nhưng do không đủ tiền nên T. cùng anh trai chạy về nhà lấy tiền thêm. Sau khi khám và xét nghiệm, bệnh viện cho về trong đêm”.
Theo bà Đăng, để “chắc chắn”, đơn vị đã phun khử khuẩn khu vực nhà T. ở. Hiện sức khỏe T. đang bình thường. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, T. cho biết, đã quay lại bệnh viện làm xét nghiệm trong đêm, và giải thích là “đi rút tiền”.
Trước đó, vào lúc 22h ngày 28/5, T. đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khai có triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng muốn ngất và mất mùi. Bác sĩ khai thác kỹ tiền sử dịch tễ, xác định các triệu chứng nghi ngờ COVID-19 nên chuyển T. đến phòng cách ly tạm.
T. được hướng dẫn các thủ tục khám bệnh dành cho người nghi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên sau đó T. tự về lúc 22h30.
Bệnh viện đã nhờ sự hỗ trợ của công an phường 7, khoảng 15 phút sau T. quay lại, được đưa vào quy trình khám sàng lọc COVID-19. Qua kiểm tra, bác sĩ cho rằng T. không có dấu hiệu mất mùi và không có các triệu chứng nghi ngờ COVID-19, nên đã cho xuất viện.
Đến tòa nhận bản án, tên trộm ‘quen tay’ lẻn vào phòng thư ký cuỗm tiền
Vietnamnet – Chiều 28/5, Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Anh Trung (28 tuổi, ngụ xã An Thái Trung) để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, Trung bị Tòa án nhân dân huyện Cái Bè tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành bản án. Khoảng 8h30 cùng ngày, Trung đến Tòa án nhân dân huyện Cái Bè để gặp chị Nguyễn Thị Kim Luông (28 tuổi), thư kí của tòa để nhận bản án.
Tại tòa, Trung lẻn vào phòng làm việc của chị Luông để tìm tài sản trộm cắp. Trung đã lấy trộm 410.000 đồng và 2 tờ USD mệnh giá 1 USD và 2 USD.
Khi Trung cầm số tài sản trên tay chuẩn bị đi ra khỏi phòng thì bị anh Lê Xuân Hòa (38 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước), cán bộ của Công an tỉnh Bình Phước đến tòa án liên hệ công tác giữ lại. Tại cơ quan công an, Trung đã thừa nhận trộm tiền của chị Luông.
Trung có 2 tiền án về tội “trộm cắp tài sản” và ” tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Ngày 14/8/2018, Trung bị Tòa án nhân dân huyện Cái Bè tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về 2 tội danh trên.
Ngày 26/1/2019, Trung chấp hành xong án phạt. Ngày 20/4/2021,Trung tiếp tục bị tòa xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
“Tay vịn” và khách hát karaoke tháo chạy khi có đoàn kiểm tra
Nld – Sáng 29/5, cơ quan chức năng TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang hoàn tất hồ sơ để xử lý một quán karaoke bất chấp lệnh cấm vẫn mở cửa đón khách giữa dịch bệnh Covid-19 phức tạp.
Trước đó, khuya 28/5, từ nguồn tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra quán karaoke Hoa Sữa 3 (số 201 đường Y Moan.Êñuôl, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).
Tại thời điểm này, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều người trong quán và một số khách hát, nhân viên phục vụ “tay vịn” chui qua cửa thoát hiểm phía sau để bỏ trốn.
Làm việc với cơ quan chức năng, quản lý quán karaoke này khai nhận khoảng 23 giờ cùng ngày, quán có mở cửa đón 6 khách chia làm 2 phòng để phục vụ hát Karaoke. Bên cạnh đó, người này đã gọi 5 cô gái bên ngoài tới phục vụ khách.
Sau khi phát hiện lực lượng chức năng, người này báo cho mọi người hát nghỉ, đồng thời mở cửa thoát hiểm bên trong phòng karaoke để khách cùng các cô gái thoát ra ngoài. Người phụ nữ quản lý này cũng cho biết trước đó đã ký cam kết dừng hoạt động quán karaoke để phòng, chống dịch Covid-19.
Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3 ca mắc Covid -19. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Quán bar/pub, vũ trường, massage, cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp, bida, karaoke, điểm hát cho nhau nghe…
Xăng dầu, nguyên vật liệu khiến lạm phát tăng 2,9% trong tháng 5
Tuoitre – Chỉ số CPI (lạm phát) tháng 5/2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Nguyên nhân lạm phát tăng, theo Tổng cục Thống kê, do giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng.
Trong tháng 5, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, 3 nhóm giảm giá so với tháng 4 năm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét