Tổng Bí thư Tô Lâm 'dọn dẹp' bộ máy như thế nào?

Tổng Bí thư Tô Lâm đang hướng tới việc sắp xếp lại nhiều di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng

Nguồn hình ảnh,VGP/BBC

Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Tô Lâm đang hướng tới việc sắp xếp lại nhiều di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng

Sau khi lên làm tổng bí thư, ông Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm làm tinh gọn bộ máy vốn đang rất cồng kềnh, chồng chéo của Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể sống bằng tiền thuế.

Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là tinh giản bộ máy.

Hội nghị có cái tên rất dài: Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương Đảng khóa 13; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Liên quan tới vấn đề tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gồm 29 thành viên do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.

Tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã thông báo về trọng tâm triển khai Nghị quyết 18. Theo đó, phương án tinh gọn bao gồm việc giải thể hoạt động một số ban Đảng, sáp nhập các bộ và giảm ủy ban, cơ quan Quốc hội.

Ông cũng cho biết báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến trung tuần tháng 3/2025 xem xét, thông qua.

Thay đổi bộ máy như thế nào?

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết phương án chung sẽ nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.

Cùng với đó là nghiên cứu việc sáp nhập, giải thể một số cơ quan của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Mục đích của việc này là nhằm giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm tầng nấc trung gian…

Cụ thể, về mặt ban Đảng, có một vài đề xuất thay đổi gồm:

  • Sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương
  • Kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.
  • Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.
  • Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho tái lập nhiều ban đảng, qua đó tập trung quyền lực vào đảng. Nhà báo Trương Huy San từng viết trên Facebook cá nhân rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị". Có thể thấy, dù mới nhậm chức nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đang có các bước đi nhằm sắp xếp lại một số di sản của người tiền nhiệm.

Về bộ máy Chính phủ, dự kiến có tương đối nhiều sự thay đổi, gồm:

  • Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính.
  • Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
  • Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
  • Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường..., chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.
  • Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan liên quan.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ; ngoài ra còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ (như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...). Với sự sắp xếp trên, Chính phủ Việt Nam sẽ giảm được 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc giảm các bộ và các cơ quan này thì sẽ dẫn tới sự thay đổi nhân lực như thế nào.

Liên quan tới Quốc hội, ông Hưng cho hay phương án nghiên cứu đề xuất gồm:

  • Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách.
  • Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
  • Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
  • Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
  • Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
  • Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, cũng sẽ nghiên cứu tinh gọn mô hình tổng thư ký, phó tổng thư ký và ban thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số cơ quan truyền thông, ngôn luận của nhà nước và Đảng sẽ được sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động. Ví dụ, có khả năng sẽ chấm dứt hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, chuyển chức năng nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số đảng bộ sẽ được thành lập, gồm Đảng bộ Chính phủ (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ), Đảng bộ Quốc hội (sau khi kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội) và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau khi kết thúc hoạt động của đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc).

Công tác cán bộ

Phát biểu kết thúc hội nghị nói trên, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh sự cấp bách của việc tinh gọn bộ máy. "Không thể chậm trễ hơn nữa," ông nói.

Ngoài việc sáp nhập bộ máy chính quyền kể trên, ông Tô Lâm cho biết Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết).

Việc tuyển công chức cũng được tạm dừng từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của trung ương, theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Quay lại việc tinh gọn bộ máy chính quyền kể trên, có thể nói nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch phác thảo mà ông Lê Minh Hưng trình bày, sẽ có nhiều thay đổi lớn về nhân sự, đặc biệt trong các tổ chức bị sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động.

Liên quan tới vấn đề nhân sự, ông Tô Lâm nhấn mạnh tới những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội, gồm: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...

Trước đây và cả trong phát biểu lần này, ông Tô Lâm nói rằng việc tinh gọn bộ máy sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức. Do vậy, ông nhận định rằng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Dù vậy, ông cho rằng vẫn phải làm, "phải chịu đau để phẫu thuật khối u".

Trong một bài viết vào tháng 11, báo Tuổi Trẻ đã trích lời PGS-TS Võ Văn Sen, cựu Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng việc tinh gọn bộ máy có thể giúp giảm 1/3 lượng người đang hưởng lương từ ngân sách, trong đó có những chức danh hưởng lương nhưng không thực sự cần thiết.

Ông Sen cũng đề xuất phương án kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, giảm tối đa chức danh chuyên trách trong hệ thống.

PGS-TS Lê Minh Thông, cựu Trợ lý chủ tịch Quốc hội, cho rằng cần xây dựng và thực hiện phương nhất thể hóa các chức danh đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương theo hướng: người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp.

Báo Thanh Niên dẫn ông Thông đánh giá rằng cần "mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm."

Về việc lựa chọn nhân sự, ông Thông cho rằng cần thay đổi phương thức bầu cử trong Đảng để Đại hội Đảng có thể bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy (thay vì chỉ bầu ra Ban Chấp hành như hiện tại) trên cơ sở cạnh tranh có số dư và bầu trực tiếp cơ quan kiểm tra của Đảng. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?