Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?


Tác Giả : Peter D. FeaverNguồnNghiên Cứu Quôc TếNgày đăng : 2024-11-14
Dưới đây là phân tích sơ bộ về nội dung và hậu quả của chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Trump thứ hai.
Một con tê giác xám” – thuật ngữ dùng để một sự gián đoạn có thể dự đoán và đã được dự đoán từ lâu nhưng vẫn gây sốc khi nó xảy ra – đã đâm sầm vào chính sách đối ngoại Mỹ: Donald Trump vừa mới giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Dù các cuộc thăm dò dự đoán bầu cử sẽ rất căng thẳng, nhưng kết quả cuối cùng lại quá rõ ràng, và dù chúng ta không biết chính xác trật tự mới sẽ như thế nào, chúng ta biết Trump sẽ đứng đầu trật tự đó.
Chiến thắng của Trump năm 2016 là một bất ngờ lớn hơn nhiều, và phần lớn cuộc tranh luận trong những tuần sau Ngày Bầu cử năm ấy đã xoay quanh các câu hỏi như ông sẽ điều hành đất nước như thế nào và liệu ông sẽ thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới nhiều đến đâu. Do tính cách khó đoán, phong cách thất thường, và tư duy thiếu mạch lạc của Trump, một số câu hỏi tương tự vẫn còn bỏ ngỏ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có nhiều thông tin hơn sau bốn năm theo dõi ông ở vị trí lãnh đạo, thêm bốn năm nữa để phân tích thời gian tại nhiệm của ông, và một năm chứng kiến chiến dịch tranh cử thứ ba của ông vào Nhà Trắng. Với các dữ liệu đó, có thể đưa ra một số dự đoán về những gì Trump sẽ cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều chưa biết là phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng như thế nào và kết quả cuối cùng sẽ ra sao.
Có hai điểm rất rõ ràng. Thứ nhất, như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (và như trong tất cả các chính quyền tổng thống), nhân sự sẽ định hình chính sách, và các phe phái khác nhau sẽ tranh giành ảnh hưởng – một số phe có ý tưởng cấp tiến về việc chuyển đổi nhà nước hành chính và chính sách đối ngoại của Mỹ, những phe khác có quan điểm truyền thống hơn. Tuy nhiên, lần này, các phe phái cực đoan hơn sẽ chiếm ưu thế và họ sẽ tận dụng lợi thế của mình để làm tê liệt những tiếng nói ôn hòa, làm suy yếu hàng ngũ các chuyên gia dân sự và quân sự mà họ cho là “nhà nước ngầm,” và có lẽ sẽ sử dụng đòn bẩy của chính phủ để truy đuổi những người phản đối và chỉ trích Trump.
Thứ hai, bản chất cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump – chủ nghĩa giao dịch trần trụi – vẫn không thay đổi. Nhưng bối cảnh để ông thực hiện hình thức thỏa thuận kỳ quặc của mình đã thay đổi đáng kể: thế giới ngày nay là một nơi nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Luận điệu chính trong chiến dịch của Trump đã mô tả thế giới theo kiểu tận thế, đồng thời gọi ông và đội ngũ là những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn, những người hiểu rõ mối nguy hiểm. Nhưng những gì họ đề xuất lại là chủ nghĩa “hiện thực kỳ diệu:” một loạt những lời khoe khoang kỳ quặc và những phương thuốc dân gian hời hợt không phản ánh sự thấu hiểu thực sự về các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Việc Trump có bảo vệ được lợi ích của nước Mỹ trong môi trường phức tạp này hay không phụ thuộc vào việc ông và đội ngũ của mình có nhanh chóng loại bỏ bức họa tranh cử phù phiếm đã thuyết phục được hơn một nửa cử tri, và thay vào đó, thực sự đối mặt với thế giới như nó vốn có.
NHÂN SỰ LÀ CHÍNH TRỊ
Nhiệm vụ đầu tiên mà Trump phải đối mặt sẽ là quá trình chuyển giao chính thức. Ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, đây cũng là một quá trình nhiêu khê khó thực hiện, và có thể lần này nó sẽ diễn ra không suôn sẻ. Trump đã thể hiện sự xem nhẹ quá trình này, và để tránh phải tuân theo những ràng buộc đạo đức nghiêm ngặt, cho đến nay ông đã từ chối hợp tác với Tổng cục Dịch vụ Hành chính, cơ quan cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép một chính phủ đang chờ đợi kế nhiệm thu thập thông tin cần thiết để sẵn sàng làm việc ngay ngày đầu tiên. Tuy nhiên, việc thiếu vắng quá trình chuyển giao truyền thống có lẽ sẽ không làm chậm tốc độ của chính quyền mới, vì họ đã chuyển giao hầu hết công việc cho Dự án 2025 khét tiếng của Quỹ Heritage và một dự án chuyển giao ít được biết đến hơn của Viện America First. Công việc do những người thực sự tin tưởng MAGA thực hiện trong các dự án đó có hậu quả lớn hơn nhiều và là minh chứng rõ hơn cho những gì chính quyền Trump sắp tới sẽ làm, so với bất kỳ nỗ lực chuyển giao danh nghĩa nào do cựu nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard và Robert F. Kennedy, Jr. đồng lãnh đạo.
Quá trình chuyển đổi sẽ còn ít có ý nghĩa hơn nữa nếu đội ngũ của Trump thực hiện kế hoạch để hủy bỏ việc kiểm tra lý lịch của FBI, và thay vào đó, để tổng thống cấp giấy xác nhận lý lịch an ninh chỉ dựa trên việc thẩm tra trong nội bộ chiến dịch, cho phép Trump đảm bảo rằng các lựa chọn nhân sự ưa thích của mình sẽ không bị cản đường bởi những bí mật trong quá khứ của họ. Một bước đi cực đoan như vậy có thể sẽ hợp pháp, nhưng chỉ là sau khi Trump nhậm chức. Trong khi chờ đợi, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm sẽ bị hạn chế khả năng phối hợp với đội ngũ của Trump theo cách truyền thống vì các nhân viên của Trump không có giấy phép an ninh.
Điều này sẽ càng quan trọng nếu Trump quyết định đưa một số nhân vật bên lề hiện đang thống trị vòng tròn thân cận của ông vào các vị trí cấp cao. Ngay cả khi Trump không thực hiện những ý tưởng điên rồ nhất mà ông từng đưa ra khi tranh cử – chẳng hạn, ngôi sao bóng bầu dục đã nghỉ hưu và ứng viên Thượng nghị sĩ thất bại năm 2022 Herschel Walker sẽ không phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa – ông vẫn có thể đưa những cá nhân như vị tướng đã nghỉ hưu Michael Flynn hoặc Steve Bannon vào các vị trí an ninh quốc gia, những người mà hành động vi phạm pháp luật đáng lẽ phải ngăn cản họ phục vụ trong bộ máy an ninh quốc gia. Dù bằng cách nào, ông cũng sẽ xây dựng một đội ngũ quyết tâm thực hiện chính những âm mưu mà các nhân vật ít cấp tiến hơn đã từng thuyết phục Trump không theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ví dụ, sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã muốn ra lệnh rút quân vội vàng khỏi Afghanistan trong những tuần cuối cùng với tư cách là tổng tư lệnh quân đội: cùng loại rút lui thảm khốc mà Tổng thống Joe Biden đã cho phép nửa năm sau đó. Nhưng khi một số người trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông chỉ ra những rủi ro của động thái này, Trump đã nhượng bộ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, những người được ông bổ nhiệm vào các vị trí chính trị an ninh quốc gia có thể được xếp vào một trong ba loại. Loại đầu tiên và có lẽ là loại lớn nhất bao gồm những người có chuyên môn thực sự, những người vẫn có thể nhận được các vị trí trong một chính quyền Cộng hòa bình thường, dù có thể sẽ thấp hơn một vài cấp so với những vị trí mà họ đã đảm nhiệm trong chính quyền của Trump. Họ đã cố gắng thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống tốt nhất có thể bất chấp bối cảnh hỗn loạn, và hầu hết những điều tốt đẹp đã xảy ra đều có thể được ghi nhận là nhờ họ: chẳng hạn, nỗ lực hiện thực hóa luận điệu “xoay trục sang châu Á” của cựu Tổng thống Barack Obama thành các quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hầu hết đã diễn ra dưới thời Trump và tiếp tục phát triển theo hướng tương tự dưới thời Biden, được thúc đẩy bởi các chiến lược gia có cùng chí hướng.
Loại thứ hai là một nhóm nhỏ hơn nhưng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều, bao gồm các quan chức cấp cao kỳ cựu, những người có quan điểm cố định về hướng đi của chính sách an ninh quốc gia và tin rằng họ có thể tạo ra những kết quả đó bất chấp chủ nghĩa giao dịch thái quá của Trump bằng cách nhấn mạnh rằng những chính sách thay thế sẽ báo hiệu sự yếu kém. Nhóm này bao gồm H. R. McMaster và John Bolton, những người từng là cố vấn an ninh quốc gia thứ hai và thứ ba của Trump. Trong hồi ký của mình, họ đã chỉ ra những gì họ cho là thành tựu chính sách thực sự: McMaster đã khiến Trump đồng ý tăng quân đến Afghanistan năm 2017 và Bolton đã khiến Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018. Nhưng McMaster, Bolton, và mọi nhân vật cấp cao khác áp dụng cách tiếp cận đó đều đã rời khỏi chính quyền sau khi nhận ra rằng Trump sẽ luôn tìm cách thoát khỏi dây cương và làm suy yếu bất kỳ chính sách tốt đẹp nào mà họ nghĩ rằng họ có thể đạt được. Ngay cả một số người đã làm việc đến tận ngày nhậm chức của Biden vào năm 2021 cũng nói riêng với tôi những đánh giá vô cùng thẳng thắn, xác nhận rằng Trump là người liều lĩnh và chắc chắn không phải một người thành thạo về an ninh quốc gia, bất kể những gì họ đã nói trước công chúng.
Loại thứ ba là một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm những người thực sự tin tưởng MAGA và các tác nhân gây hỗn loạn đang tìm cách thực hiện ý thích của Trump mà không có bất kỳ lời giải thích hay quan tâm nào đến hậu quả. Họ có quan điểm hạn hẹp về lòng trung thành, tin rằng ông chủ nên nhận được những gì ông ta yêu cầu và không cần phải nghe về những hậu quả không mong muốn của những động thái đó kẻo ông ta thay đổi ý định khi đã nắm rõ sự thật. Ví dụ, những nỗ lực mạo hiểm nhằm rút lui khỏi Afghanistan và các cam kết khác của NATO trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên của Trump chính là do các nhân viên cấp dưới dàn dựng, những người được giao phụ trách nhiệm vụ sau khi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã rời đi, hoặc những người tìm cách ngăn cản Trump được tư vấn đầy đủ về những gì các chỉ thị của ông thực sự sẽ mang lại.
Trong chính quyền Trump sắp tới, vẫn sẽ có những đảng viên Cộng hòa truyền thống muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp có một không hai trong đời và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kể cả hy sinh bản thân, nếu họ vô tình làm trái ý Trump. Không nên chê bai sự phục vụ của họ, vì nếu không có họ, Trump sẽ không thể trở thành tổng thống tốt nhất có thể. Vẫn sẽ có những nhà tư tưởng nghĩ rằng họ biết chiến lược nào là đúng và rằng họ có thể dẫn dắt Trump làm những gì họ cho là đúng – chẳng hạn như bỏ mặc Ukraine dưới bàn tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi củng cố sự răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc, một cách tiếp cận nghe có vẻ thông minh trong một hội thảo học thuật hoặc một bài xã luận trên báo, nhưng nhiều khả năng sẽ không hiệu quả trong đời thực. Và nhờ Quỹ Heritage và Viện America First, rất nhiều tác nhân gây hỗn loạn sẽ khiến việc phá hủy hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại – vốn đã bảo vệ lợi ích của Mỹ suốt 80 năm qua – trở thành một đặc điểm, chứ không phải là một lỗi của Trump 2.0. Sự khác biệt là lần này, nhóm thứ ba sẽ lớn hơn và có ảnh hưởng hơn lần trước.
Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những người giám sát hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại: quân đội và các viên chức dân sự, vốn chiếm phần lớn trong số những người được giao nhiệm vụ giám sát chương trình nghị sự của bất kỳ tổng thống nào. Trump và đội ngũ của ông đã nói rõ rằng họ ưu tiên lòng trung thành hơn hết thảy. Và họ có thể có những bài kiểm tra lòng trung thành đơn giản nhất: hỏi bất kỳ cá nhân nào ở vị trí có thẩm quyền xem cuộc bầu cử năm 2020 có bị đánh cắp, hay cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 có phải là hành động nổi loạn hay không. Như người bạn đồng hành của Trump là J.D. Vance đã chứng minh, Trump chỉ chấp nhận một cách duy nhất để trả lời những câu hỏi đó.
Một bài kiểm tra như vậy cũng cho phép Trump chính trị hóa các cấp bậc cao hơn trong quân đội và các cơ quan tình báo bằng cách chỉ thăng chức cho những cá nhân mà ông tin là “thuộc về đội của ông.” Các thành viên của cơ quan công quyền sẽ có công việc được bảo đảm hơn và tránh được áp lực chính trị, trừ phi nhóm Trump quyết theo đuổi kế hoạch phân loại lại hàng nghìn viên chức chuyên nghiệp thành những người được bổ nhiệm chính trị theo ý muốn của tổng thống, theo đó khiến họ tương đối dễ bị cách chức vì lý do chính trị.
Quân đội và lĩnh vực dân sự khó có thể thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể gây ra một cuộc thanh trừng như vậy, chứ chưa nói đến việc biện minh cho điều đó. Họ hiểu rằng họ không phải là “phe đối lập trung thành” – một vai trò dành riêng cho đảng thiểu số trong Quốc hội và những người giám sát trong giới truyền thông và giới bình luận chính sách. Theo lời tuyên thệ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của họ, những viên chức chuyên nghiệp trong bộ máy an ninh quốc gia sẽ phải chuẩn bị để giúp Trump hết sức có thể.
Nhưng Trump có thể quyết định rằng ông sẽ đạt được sự hợp tác hoặc khuất phục mà ông muốn chỉ đơn giản bằng cách để mối đe dọa thanh trừng lơ lửng trong không trung – và ông sẽ đúng. Chí ít thì ông có lẽ sẽ sa thải một số nhân vật cấp cao, như lời khuyên của Voltaire là loại bỏ một vài tướng lĩnh Pháp để gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng những người khác. Câu hỏi đặt ra là liệu các quan chức cấp cao có tuân theo các thông lệ tốt nhất về quan hệ dân sự-quân sự và đưa ra lời khuyên thẳng thắn cho Trump và những người được ông bổ nhiệm chính trị cấp cao ngay cả khi lời khuyên đó là không được mong muốn hay không. Nếu họ làm vậy, họ có thể giúp ông trở thành vị tổng tư lệnh giỏi nhất mà ông có khả năng trở thành. Nếu họ không làm vậy, việc họ bị thanh trừng hay giữ nguyên vị trí có thể không quan trọng, vì dù thế nào thì họ cũng không làm việc hiệu quả.
ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ
Cử tri Mỹ đã đưa ra lựa chọn của họ, và bộ máy chính quyền ở Washington giờ đây sẽ thích nghi với Trump theo cách này hay cách khác. Nhưng còn phần còn lại của thế giới thì sao? Hầu hết các đồng minh của Mỹ đều lo sợ về chiến thắng của Trump, tin rằng đó sẽ là một chiếc đinh quyết định đóng vào cỗ quan tài của vị thế lãnh đạo toàn cầu truyền thống của Mỹ. Có rất nhiều điều để chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ kể từ Thế chiến II, và các đồng minh của Mỹ chưa bao giờ chán việc đưa ra những lời phàn nàn của họ. Nhưng họ cũng hiểu rằng, đối với họ, thời kỳ hậu chiến tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đó, thời kỳ mà Washington trốn tránh trách nhiệm của mình – và hàng triệu người đã phải trả cái giá đắt nhất vì điều đó.
Khi cử tri Mỹ chọn Trump lần đầu tiên, các đồng minh của Mỹ đã phản ứng bằng nhiều chiến lược phòng bị nước đôi khác nhau. Lần này, họ đang ở thế yếu hơn nhiều do những thách thức nội bộ của chính họ và những mối đe dọa từ Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các đồng minh của Mỹ sẽ cố gắng o bế và xoa dịu Trump và, trong phạm vi luật pháp của họ cho phép, sẽ cung cấp cho ông những lời hứa và những khoản bù đắp đã chứng minh là cách tốt nhất để có được các điều khoản có lợi dưới thời Trump 1.0. Cách tiếp cận giao dịch ngắn hạn của Trump có thể sẽ tạo ra một hình ảnh phản chiếu trong số các đồng minh, những người sẽ tìm cách đạt được những gì họ có thể và tránh hứa hẹn bất cứ điều gì để đổi lại – một hình thức ngoại giao mà trong trường hợp tốt nhất sẽ tạo ra sự hợp tác giả tạo, và trong trường hợp tệ nhất, sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ngược lại, đối với các đối thủ của Mỹ, sự trở lại của Trump sẽ mang đến nhiều cơ hội. Trump đã hứa sẽ cố gắng buộc Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga, củng cố lợi ích của Putin từ cuộc xâm lược. Không giống những lời hứa tranh cử khác của ông, lời hứa này có thể tin được, vì Trump đang được vây quanh bởi các cố vấn chống Ukraine và ủng hộ Putin. Kế hoạch của ông cho Ukraine cũng có khả năng được triển khai vì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi đặc quyền của tổng thống. Câu hỏi duy nhất là liệu Putin có chấp nhận đầu hàng một phần trong khi ngầm hiểu rằng ông luôn có thể chiếm phần còn lại của lãnh thổ Ukraine sau khi Trump áp đặt thành công “tính trung lập” lên Kyiv, hay liệu Putin sẽ cho rằng Trump chỉ nói dối và yêu cầu đầu hàng hoàn toàn ngay lập tức.
Lợi ích cho Trung Quốc không rõ ràng như vậy, vì một số cố vấn chủ chốt của Trump đã đắm mình trong chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu khi nghĩ rằng Mỹ có thể hy sinh lợi ích ở châu Âu trong khi bằng cách nào đó có thể củng cố khả năng răn đe chống lại sự săn mồi của Trung Quốc ở Đông Á. Những bước đi ban đầu mà chính quyền Trump mới thực hiện ở châu Á có lẽ sẽ có phần diều hâu. Ví dụ, nếu Trump có thể áp dụng mức thuế quan cao mà ông đề xuất đánh vào hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải chịu một số tổn thương, dù tổn thương đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ lớn hơn và ngay lập tức hơn. Và Trump có thể sẽ tìm cách thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á để báo hiệu sự chấm dứt của những gì ông mô tả là điểm yếu của Biden.
Nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc liệu thuế quan có thể thay đổi đáng kể các chính sách của Trung Quốc, hoặc liệu các hành động diều hâu phô trương sẽ chuyển thành sự củng cố quân sự bền vững ở Châu Á hay không. Trước hết, Trump đã áp đặt một số điều kiện nhất định đối với việc bảo vệ Đài Loan, yêu cầu Đài Bắc tăng gấp bốn lần chi tiêu quốc phòng để đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Chiến lược kỳ quặc này có thể sụp đổ vì những mâu thuẫn của chính nó, và có khả năng quan hệ đối tác Trung-Nga sẽ nhận ra triển vọng rút lui của Mỹ ở cả hai đấu trường lớn.
Trong suốt chiến dịch, Trump và Vance tự nhận mình là những người yêu chuộng hòa bình trong khi chế giễu đối thủ của họ, Phó Tổng thống Kamala Harris, và các đồng minh của bà là những kẻ hiếu chiến. Stephen Miller, một trong những cố vấn trung thành nhất của Trump, đã vẽ ra một bức tranh sống động về lựa chọn này. “Điều này không có gì phức tạp,” ông đăng trên nền tảng mạng xã hội X. “Nếu bạn bỏ phiếu cho Kamala, Liz Cheney sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Chúng ta sẽ xâm lược một chục quốc gia. Những cậu trai ở Michigan sẽ được tuyển dụng để chiến đấu với những cậu trai ở Trung Đông. Hàng triệu người sẽ chết. Chúng ta xâm lược Nga. Chúng ta xâm lược các quốc gia ở Châu Á. Thế chiến thứ III. Mùa đông hạt nhân.”
Bức chân dung ngụ ý rằng Trump là một chú chim bồ câu thận trọng này hẳn sẽ gây sốc cho bất kỳ ai nhớ đến những lời đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là sẽ trút “lửa và thịnh nộ” lên Triều Tiên hay vụ ám sát mạo hiểm một vị tướng hàng đầu của Iran. Chủ nghĩa cô lập nguyên chất trong thông điệp vận động tranh cử của ông có thể trở thành một chiếc áo trói tay làm tê liệt chính sách đối ngoại của chính quyền Trump vào thời điểm quan trọng. Nhưng Trump nổi tiếng là người luôn thoát khỏi xiềng xích và chống lại việc bị kìm kẹp. Như McMaster mô tả trong hồi ký của mình, các trợ lý khôn ngoan của Trump sẽ lợi dụng điều này để làm lợi cho họ, bằng cách nói rằng bất cứ điều gì họ muốn tổng thống làm là điều mà kẻ thù của ông nói rằng ông không thể làm. Mưu đồ đó sẽ có hiệu quả theo những cách hạn chế trong một thời gian ngắn, nhưng đến một lúc nào đó, Trump chắc chắn sẽ chuyển sang một hướng hoàn toàn khác. Lần này, sự bốc đồng đó có thể sẽ cản trở, thay vì trao quyền, cho các phe phái cực đoan hơn trong nhóm của ông.
Trump đã giành được cơ hội quyết định chính sách an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ nắm giữ quyền lực ấn tượng được thể hiện ở những người hiện đang chờ đợi để làm việc cho ông. Đội ngũ của Trump có đủ sự tự tin. Thế giới sẽ sớm biết liệu họ có đủ trí tuệ hay không.
Peter D. Feaver là Giáo sư Khoa học Chính trị và Chính sách Công tại Đại học Duke và là tác giả của cuốn sách “Thanks for Your Service: The Causes and Consequences of Public Confidence in the U.S. Military.” Từ năm 2005 đến năm 2007, ông giữ chức Cố vấn Đặc biệt về Kế hoạch Chiến lược và Cải cách Thể chế trong đội ngũ nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN