Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Quốc hội chính thức 'bật đèn xanh'

 Minh họa đường sắt

Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết tán thành chủ trương triển khai siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được thông qua vào chiều 30/11 với tỷ lệ ủng hộ 92,48%.

Cụ thể, có 443/454 đại biểu có mặt tán thành; 7 người không tán thành; 4 người không biểu quyết.

Trước đó, vào ngày 11/11, ông Nguyễn Văn Thắng khi đương chức Bộ trưởng Giao thông vận tải đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính ký tờ trình của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Theo đó, toàn tuyến đường sắt dài 1.541 km, gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, vận chuyển hành khách, có tốc độ thiết kế 350 km/h, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về tiến độ đường sắt, nghị quyết có nội dung yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt này vào năm 2035.

"Các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ, do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi Dự án, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho Dự án," báo Chính phủ dẫn lời ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày về dự án trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết.

Như vậy, sau 14 năm, dự án đầy tham vọng này đã được thông qua sau khi bị bác vào năm 2010.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, người trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu dự án này khi còn lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đã "xúc động" khi dự án được thông qua, theo báo Giao thông vào ngày thứ Bảy 30/11.

"Hơn 18 năm nghiên cứu, với rất nhiều những nỗ lực của các thế hệ Lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đến giờ phút này khi chủ trương đầu tư Dự án đã chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua, thực sự tôi đang rất xúc động và cũng rất tự hào", ông nguyễn Văn Thắng trả lời báo Giao thông.

Ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua Luật Dữ liệu, Luật Điện lực sửa đổi trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Trước đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo Luật Dữ liệu mà Bộ Công an Việt Nam xây dựng.

Thông qua dù còn nhiều điều chưa rõ ràng

Sau 4 lần làm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, kéo dài gần 20 năm, lần này dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và Ủy ban kinh tế của Quốc hội thẩm định, trước khi đến tay các đại biểu Quốc hội thảo luận và được trình cho Quốc hội bấm nút.

Có thể thấy không có nhiều lập luận phản biện đối với một “siêu dự án” như vậy từ các đại biểu Quốc hội, cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí: quyết làm!

Như vậy, chủ trương triển khai một siêu dự án, vốn đã tiêu tốn nhiều bút mực, cuối cùng đã được thông qua, nhằm hiện thực hóa một viễn cảnh tươi đẹp "ăn sáng ở Sài Gòn, ăn trưa ở Hà Nội".

Với quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", như tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, guồng máy truyền thông chính thức và phi chính thức của nhà nước đã chạy hết tốc lực để quảng bá cho dự án.

Thời điểm thông qua dự án này cũng đáng chú ý: Hồ sơ dự án được thực hiện trong thời gian ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức bộ trưởng Giao thông vận tải; Quốc hội bấm nút thông qua chỉ hai ngày sau khi bộ này có tân bộ trưởng là ông Trần Hồng Minh.

Chụp lại video,Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Trước lúc Quốc hội bấm nút

Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện quyết tâm làm đường sắt theo phương châm: “Nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhiều chuyên gia trả lời BBC News Tiếng Việt đã đưa ra các đánh giá thận trọng hơn.

Trả lời BBC vào ngày thứ Năm 18/11, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt Khu vực 1, nhấn mạnh đến yếu tố con người cho dự án này:

"Theo tôi, cần cân nhắc nhất là vấn đề con người. Nếu bấm thông qua rồi không có ai thực hiện thì lại vỡ trận."

Ông cho Trần Quốc Việt cho rằng Việt Nam hiện không có con người hiểu biết kỹ càng về đường sắt cao tốc.

"Hãy thử hỏi Tổng cục Đường sắt có ai biết đường sắt cao tốc chưa. Tôi nghĩ vấn đề quyết định là phải chuẩn bị con người, chuẩn bị trước chục năm, chứ không phải bụp phát đưa người lên làm, thực hiện. Ví dụ có đề xuất này thì trước 5 năm phải cho người ta đi học nước này, nước kia, đến sờ tận tay... Tôi nghĩ thông qua ngay bây giờ là hơi vội vàng," ông nói thêm.

Trong các trao đổi của BBC News Tiếng Việt với các chuyên gia, vận tốc khai thác là một vấn đề quan trọng và còn nhiều tranh cãi.

Vào ngày 24/11/2023, một lá thư được 17 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam ký tên đã được gửi tới Chính phủ.

Nhóm tác giả lá thư, đứng đầu là GS-TS Lã Ngọc Khuê, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã đề nghị "không lựa chọn kịch bản 350 km/h, chạy tàu hỗn hợp" mà lựa chọn xây "tuyến đường sắt khổ đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm điện khí hóa, tải trọng trục 25 tấn, khai thác hỗn hợp vừa chở hàng, vừa chở khách, với tốc độ thiết kế 250 km/h, tốc độ vận hành 225 km/h".

Từ Việt Nam, Giáo sư Đặng Đình Đào, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 18/10 rằng:

"Tôi nghĩ phương án đường sắt tốc độ cao 250 km/giờ, vừa chở hàng, vừa chở khách là hợp lý, vừa cho phép giảm được tổng mức đầu tư của dự án theo phương án của Bộ Giao thông vận tải 350 km/giờ."

Trong khi đó, một chuyên gia đường sắt giấu tên từ Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt về một khía cạnh khác mà Việt Nam phải tính đến trong thời gian tới sau khi dự án được phê duyệt:

"Một đại biểu từ TP HCM đã cảnh báo hiện cả nước có 22 sân bay, trong đó 15 sân bay quốc nội, 7 sân bay quốc tế. Vì vậy cần đánh giá kỹ việc làm dự án đường sắt ảnh hưởng như thế nào đến hàng không, điều mà trong báo cáo tư vấn không đề cập đến."

"Thay vì lạc quan, cần đối mặt thách thức như vốn đầu tư, lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn thận từ mọi cấp độ. Bởi tổng mức đầu tư dự án lên đến 67 tỉ đô la Mỹ, là khoản chi phí lớn chưa từng có trong lịch sử đầu tư hạ tầng Việt Nam. Điểm băn khoăn nữa là cách làm sao cho hiệu quả. Kinh nghiệm làm các dự án lớn vướng mắc giải ngân, đội vốn, tiêu cực, mất cán bộ, điển hình nhất là các dự án BOT, đến tầm bộ trưởng Giao thông vận tải còn bị kỷ luật."

Quy mô tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam



Đi qua  20 tỉnh, thành phố  


Tổng chiều dài khoảng  1.541 km  


Đường đôi,  khổ 1.435 mm  


  23 ga  hành khách và  5 ga  hàng hóa


Cự ly trung bình của ga từ  50 -  70 km  


Tổng mức đầu tư hơn  67 tỷ USD  


Bố trí vốn trong khoảng  12 năm 

Khoảng  5,6 tỷ USD  trong một năm

Ga chính gồm Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm


Dự kiến khởi công cuối  năm 2027,   hoàn thành  năm 2035  


Tốc độ thiết kế  350 km/h  


Suất đầu tư khoảng  43,7 triệu USD/km  



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?