‘Anh đã lừa em… anh xin lỗi vì điều đó’: Chính trị gia người Anh chết hai lần
Khi quần áo của ông John Stonehouse được tìm thấy chất thành đống trên bãi biển Miami vào ngày 20/11/1974, nhiều người đinh ninh vị nghị sĩ Anh đã bị chết đuối khi đi bơi – cho đến khi ông này xuất hiện khỏe mạnh ở Úc trong đêm Giáng sinh.
BBC In History tìm hiểu câu chuyện lạ hơn cả hư cấu này về người đàn ông chết hai lần.
Khi ấp ủ kế hoạch biến mất trên cõi đời này, John Stonehouse đang gặp nhiều rắc rối.
Sự nghiệp chính trị trắc trở, các thương vụ làm ăn mờ ám khiến ông đứng bên bờ vực phá sản, lại còn bị gán cho mác điệp viên cộng sản, rồi bị cáo buộc dan díu với cô thư ký.
Mượn ý tưởng từ cuốn tiểu thuyết của Frederick Forsyth có nhan đề “The Day of the Jackal” (Tạm dịch: Ngày của Jackal), ông Stonehouse đã ăn cắp danh tính của hai người đàn ông đã chết.
Vào tháng 11/1974, trong một chuyến công tác tới Miami, ông biến mất, rồi sau đó bắt một chiếc máy bay bay khác tới Úc.
Thủ đoạn này của ông chỉ kéo dài được hơn một tháng.
Nhà quý tộc người Anh Lord Lucan, một kẻ đào tẩu nổi tiếng khác cũng biến mất vào khoảng thời gian này, chính là người đã vô tình khiến ông Stonehouse bị phát giác tại Úc.
Ông Stonehouse giải thích sao về hành động của mình?
Vào tháng 1/1975, ông khẳng định với BBC rằng khi đó ông đang có “một chuyến đi khảo sát, không chỉ về mặt địa lý mà còn về bản chất bên trong của một sinh vật chính trị.”
Đối với công chúng Anh vào những năm cuối của thập niên 60, Stonehouse ắt hẳn rất giống một người thành công trên mọi bình diện.
Ông Stonehouse giữ chức Bộ trưởng Bưu chính khi mới 43 tuổi, có một người vợ xinh đẹp và ba đứa con, được nhắc tới sẽ là một thủ tướng Đảng Lao động tương lai.
Ông là người giám sát việc phát hành tem hạng nhất và hạng nhì, nhưng đối với sự nghiệp chính trị thì chức vụ đó cũng đã đạt ngưỡng.
Rắc rối bắt đầu vận vào ông vào năm 1969 khi một kẻ đào tẩu khỏi quốc gia cộng sản Tiệp Khắc tuyên bố rằng nước này đã chiêu mộ Stonehouse làm gián điệp.
Vị nghị sĩ khẳng định mình vô tội và kêu oan với Thủ tướng Harold Wilson. Thủ tướng tin lời ông.
Dù những lời cáo buộc như vậy xuất hiện đầy rẫy vào thời Chiến tranh Lạnh, uy tín của ông Stonehouse vẫn bị tổn hại.
Khi Đảng Lao động thua cuộc tổng tuyển cử năm 1970, Stone không còn chỗ trong hàng ngũ lãnh đạo phe đối lập.
Vỡ mộng, ông quyết định dành nhiều tâm huyết hơn vào việc kinh doanh ở London – chủ yếu là xuất khẩu các dịch vụ ông đã phát triển được nhờ những mối quan hệ quốc tế.
Vào năm 1971, cuộc đấu tranh giành độc lập của Bangladesh từ Pakistan tiếp thêm nhiệt huyết cho Stonehouse.
Ông Stonehouse trở nên gắn bó với sự nghiệp giải phóng của người Bengali, trở thành một nhân vật quen thuộc và thân tình tới mức khi chiến tranh kết thúc, ông được cấp quyền công dân của quốc gia mới như một cách bày tỏ sự tôn vinh.
Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu.
Ông được nhờ thành lập ngân hàng Tín thác Anh - Bangladesh nhằm cung cấp dịch vụ cho người Bengali ở Anh.
Nhưng sau đó, một tờ tuần san chủ nhật đã chỉ trích cách hoạt động của ngân hàng này, và điều này đã thu hút sự chú ý của các điều tra viên thuộc Lực lượng Chống Lừa đảo và Bộ Thương mại và Công nghiệp ở London.
Chịu điều tiếng dư luận rồi lại bị chất vấn từ lực lượng chức trách buộc nhiều nhà bảo trợ của ngân hàng sợ hãi và rời đi, khiến ông Stonehouse rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề và nghĩ rằng mình đang mất dần sự tôn trọng của những nghị sĩ đồng nghiệp.
Ông lên kế hoạch chạy trốn khỏi tất cả.
Đầu tiên, ông làm giả hộ chiếu, lấy tên là Joseph Arthur Markham, một thợ đúc kim loại vừa qua đời trong khu vực bầu cử của mình - Walsall ở West Midlands.
Ông đổi danh tính mới này thành một chuyên gia xuất khẩu thường xuyên chu du thế giới và có tài khoản ngân hàng ở London, Thụy Sĩ và Melbourne (Úc).
Sau đó, ông Stonehouse tạo ra một danh tính khác với cái tên Donald Clive Mildoon, người cũng vừa qua đời ở Walsall.
Để có kinh phí trang trải cho cuộc sống mới này, Stonehouse đã chuyển một lượng lớn tiền mặt đang làm ăn sang một loạt tài khoản ngân hàng.
‘Nhân cách phân ly'
Vào ngày 20/11/1974, ông Stonehouse dường như đã biến mất khi đang đi bơi biển ở Miami, Florida.
Ngoài đống quần áo trên bãi biển, không còn bất kỳ tung tích nào khác của người đàn ông 49 tuổi này.
Ông bị đại dương cuốn đi? Hay bị sát hại và nhét xác vào trong một tấm bê tông ở gần biển Miami? Hay bị bắt cóc?
Vợ ông, bà Barbara, không chút mảy may nghi ngờ tin rằng ông đã gặp một tai nạn thảm khốc.
Bà đã nói với BBC News: “Tôi nghe được những đồn đại lạ tai và chẳng giống với tính cách của chồng tôi chút nào. Mấy điều đó chẳng đáng để đáp lại hoặc nghĩ tới.
“Đối với tôi, ông ấy đã bị chết đuối. Tất cả bằng chứng hiện có đều dẫn tới kết luận rằng ông ấy đã bị chết đuối.”
Ở London, cảnh sát lại cảm thấy có mối hoài nghi của mình.
Sheila Buckley, cô thư ký đồng thời là người tình 28 tuổi của ông Stonehouse, dù liên tục khẳng định với bạn bè rằng ông đã chết, nhưng cô mới là người biết chuyện: một số tư trang của cô đã được đóng gói trong một cái hòm và chuyển tới Úc một tháng trước đó, cô cũng nhận những cuộc điện thoại xuyên đại dương từ ông và đã gửi những lá thư có mã hóa qua một trong hai tài khoản ngân hàng ở Úc của ông.
Cuối cùng, chính việc sở hữu hai tài khoản ngân hàng với hai cái tên khác nhau, Markham và Mildoon, đã khiến cảnh sát Melbourne lần ra dấu vết của ông.
Lúc bấy giờ, cảnh sát đang truy lùng nhà quý tộc mất tích nổi tiếng Lord Lucan, người trùng hợp là cũng biến mất vào ngày 8/11 sau khi giết chết người bảo mẫu của con mình.
Ban đầu, cảnh sát nghĩ rằng người đàn ông lịch lãm bị bắt gặp tới ký những tấm séc mờ ám là ông Lucan.
Trong khi sự biến mất của ông Lucan khiến cảnh sát vò đầu bứt tai suốt 50 năm, bí mật của ông Stonehouse bị lộ sau chỉ hơn một tháng.
Vào đêm Giáng Sinh, ông Stonehouse buộc phải thú nhận danh tính thật của mình.
Sau đó, tại trụ sở cảnh sát Melbourne, ông hỏi liệu có thể gọi điện cho vợ mình ở Anh không.
Lúc đó, ông không biết cuộc trò chuyện với vợ lúc ông tiết lộ sự thật đã bị ghi âm lại.
Ông nói: "Chào em yêu. Chà, họ phát hiện ra danh tính giả của anh ở đây rồi. Những chuyện này thì em cần hiểu là do anh lừa dối em. Anh xin lỗi về chuyện đó, nhưng ở khía cạnh nào đó, anh cũng vui vì mọi thứ đã kết thúc."
Ông Stonehouse bị giam tại một trại tạm giam trong vài ngày trước khi gia đình ông, và sau đó là bạn gái của ông, tới Úc thăm.
Một tháng sau khi xuất hiện lại, ông đã tham gia một cuộc phỏng vấn với phóng viên người Úc Bob Friend của BBC.
Ông đổ cho nguyên nhân dẫn tới hành động của mình là “nhân cách phân ly, rằng nhân cách mới đã mở ra một lối thoát cho nhân cách cũ vốn đang gặp rất nhiều căng thẳng và áp lực.”
Khi được hỏi sao ông nỡ để vợ và gia đình phải trải qua nỗi đau như vậy, ông đáp:
“Tôi cố - bằng cách biến mất – giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn… bằng cách mang bớt đi những gánh nặng mà nhân cách cũ của tôi đã mang tới cho họ.”
Khi ấy, ông Stonehouse vẫn giữ chức nghị sĩ, nhưng khi có những lời đề nghị ông ngưng nhận lương khi ở cách khu vực bầu cử hơn 19.000 km, thì ông khước từ.
Ông nói: “Rất nhiều nghị sĩ đi ra nước ngoài và đi khảo sát. Tôi cũng đi khảo sát, không chỉ về địa lý mà còn về bản chất bên trong của một sinh vật chính trị. Chuyến đi có thể rất kỳ thú, và ôi chao, tôi nghĩ nó hoàn toàn chính đáng với mức lương nghị sĩ nếu tôi có thể áp dụng trải nghiệm mình có được.”
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ một nghị sĩ, như bất kỳ ai từ bất kỳ ngành nghề nào, phải được châm chước trong lúc đang gặp vấn đề sức khỏe.”
Chỉ chết hai lần
Trong vòng bảy tháng, ông Stonehouse tìm cách ở lại Úc, nhưng cuối cùng đã bị trục xuất và bị lực lượng cảnh sát Scotland Yard áp giải về Anh.
Vào tháng 8/1976, sau phiên tòa 68 ngày đằng đẵng liên quan tới việc kinh doanh thất bại, ông Stonehouse lĩnh án tù bảy năm với các tội danh ăn cắp, gian lận và lừa đảo.
Sau ba năm chịu án, ông bị ngừng tim ba lần, trải qua một cuộc phẫu thuật tim hở và được ra tù tiếp tục quá trình hồi phục.
Vợ ông ly hôn ông vào năm 1978, và ba năm sau, ông kết hôn với Buckley, cô thư ký cũ của mình.
Ông qua đời lần thứ hai vào năm 1988 - và lần này là thật. Người đàn ông 62 tuổi đã qua đời ba tuần trước lịch hẹn xuất hiện trên một chương trình truyền hình về người mất tích.
Vậy còn những cáo buộc gián điệp đã làm tổn hại đến sự nghiệp chính trị của ông ấy thì sao?
Trong cuộc phỏng vấn với BBC sau khi xuất hiện lại, ông cho rằng ý tưởng cho rằng mình là điệp viên cho Tiệp Khắc thật “lố bịch”.
Tới tận bây giờ, con gái Julia của ông vẫn phủ nhận tất cả cáo buộc việc ông tuồn thông tin cho các thế lực nước ngoài và cô đã viết một cuốn sách vào năm 2021 để bảo vệ thanh danh cho ông.
Giáo sư lịch sử Christopher Andrew từ Đại học Cambridge là một trong số ít những người từng được xem tài liệu của MI5 (Cơ quan tình báo nội địa Anh) về ông Stonehouse.
Một tài liệu lịch sử MI5 do ông Andrew viết, đã được tình báo Anh phê duyệt và xuất bản vào năm 2009, kết luận rằng đúng là ông Stonehouse đã làm gián điệp cho Tiệp Khắc.
Vào năm 2012, Giáo sư Andrew nói với BBC:
“Bằng chứng thực sự mang tính quyết định xuất hiện vào giữa thập niên 90 khi cơ quan tình báo Tiệp Khắc, sau khi trở thành đồng minh [của Anh], công khai một số hồ sơ của ông Stonehouse.
“Họ khá thất vọng với chất lượng thông tin mà ông ấy tuồn ra được trong tư cách là một bộ trưởng. Vì vậy, trong danh sách dài những nạn nhân mà John Stonehouse đã lừa, có lẽ chúng ta có thể bổ sung thêm cơ quan tình báo Tiệp Khắc.”
Nhận xét
Đăng nhận xét