Quốc hội họp: các vị trí lãnh đạo cấp cao nào thay đổi? Ai sẽ thăng tiến?

 Dự kiến nội các của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc hội của ông Trần Thanh Mẫn sẽ có một số chức danh được kiện toàn

Chụp lại hình ảnh,Dự kiến chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc hội của ông Trần Thanh Mẫn sẽ có một số chức danh được bổ nhiệm

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội dự kiến bế mạc vào ngày 30/11, Trung ương Đảng đã cho ý kiến một số chức vụ cần bổ nhiệm trong chính phủ và Quốc hội. Ai sẽ thăng tiến?

Theo dự kiến, chương trình làm việc của Quốc hội ngày 27/11 có nội dung họp riêng để xem xét, quyết định về công tác nhân sự vào khoảng 17 giờ và tiếp tục được thực hiện trong ngày 28/11.

Trong hội nghị bất thường của Trung ương Đảng ngày 25/11, Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội kiện toàn một số chức danh bao gồm: bộ trưởng Tài chính; bộ trưởng Giao thông Vận tải; ủy viên Ủy ban Thường vụ, tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Như vậy, đây sẽ là những chức danh cần được kiện toàn và sẽ sớm được công bố.

Giai đoạn 2021-2026 chứng kiến nhiều sự biến động nhân sự trong hệ thống Đảng và Nhà nước với việc 28 ủy viên Trung ương (bao gồm 7 ủy viên Bộ Chính trị) mất chức.

Trong số các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng nói trên có tới hai chủ tịch nước (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng), một chủ tịch Quốc hội (Vương Đình Huệ), ba phó thủ tướng (Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái) mất chức do "vi phạm, khuyết điểm".

Những sự biến động này cho thấy Đảng đã mạnh tay trong việc xử lý các lãnh đạo cấp cao nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về tính ổn định chính trị của Việt Nam khi có quá nhiều quan chức phải rời cương vị giữa chừng.

Bộ trưởng tài chính

Nhiệm kỳ 2021-2026 có lẽ là giai đoạn biến động nhân sự nhiều nhất trên chính trường Việt Nam với việc Trung ương Đảng và Quốc họp phải triệu tập liên tiếp những hội nghị và kỳ họp bất thường để xem xét vấn đề nhân sự.

Trong đó, nổi bật nhất là cuộc họp xem xét có việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ngày 21/3) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ngày 2/5) cũng như thôi tư cách đại biểu Quốc hội của hai ông này.

Cuộc họp bất thường gần đây nhất của Quốc hội là vào ngày 26/8 với nội dung phê chuẩn, bổ nhiệm hàng loạt nhân sự, bao gồm: ba phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ trưởng Bộ Tư pháp, chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hiện nay, ông Hồ Đức Phớc - người được Quốc hội phê chuẩn làm phó thủ tướng ngày 26/8 - đang kiêm nhiệm cả chức bộ trưởng Tài chính.

Với việc Đảng giới thiệu nhân sự cho chức danh này và trước đó, Quốc hội cũng đã thông báo sẽ sớm phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mới vào chức vụ này, dự kiến chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có tân bộ trưởng Tài chính.

Theo luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội có thẩm quyền "phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người."

Như vậy, vị trí bộ trưởng Giao thông Vận tải và bộ trưởng Tài chính sẽ do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị và Quốc hội phê chuẩn thông qua.

Thực tế, theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng thì hai chức danh này đã được Đảng giới thiệu, chọn người. Các thủ tục tiếp theo của chính phủ và Quốc hội là nhằm cụ thể hóa quyết định của Đảng, đúng với nguyên tắc đảng lãnh đạo toàn diện.

Một điều đáng chú ý là chức bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng sẽ được sắp xếp lại, trong khi chức danh này đang do ông Nguyễn Văn Thắng nắm giữ.

Trong bối cảnh ông Thắng không vướng vào vi phạm, việc ông không tiếp tục làm bộ trưởng Giao thông Vận tải cho thấy khả năng cao ông sẽ chuyển sang làm bộ trưởng Tài chính thay cho Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính
Chụp lại hình ảnh,Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang kiêm nhiệm chức bộ trưởng Tài chính nhưng chức danh này sẽ được sắp xếp lại

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, quê quán Hà Nội. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 14 và là đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15.

Ông Thắng có bằng tiến sĩ tài chính lý thuyết tiền tệ của Học viện Tài chính, bằng thạc sĩ chuyên ngành tài chính-ngân hàng của Học viện Ngân hàng.

Trước khi làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, ông Thắng đã kinh qua nhiều chức vụ trong Ngân hàng VietinBank bao gồm chức tổng giám đốc (2011-2014) và sau đó là chủ tịch Hội đồng Quản trị (2014-2018).

Sau giai đoạn làm ở VietinBank, ông Thắng được luân chuyển, chỉ định làm phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tiếp đó, vào tháng 10/2020, ông Thắng được bầu làm bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Đại hội 13 vào đầu năm 2021, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến tháng 10/2022, ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Xét quá trình công tác và chuyên môn của ông Thắng có thể nếu ông được phê chuẩn làm bộ trưởng Tài chính là phù hợp với chuyên môn. Như vậy, dự kiến ông Thắng sẽ được miễn nhiệm vị trí bộ trưởng Giao thông Vận tải và sau đó được phê chuẩn làm bộ trưởng Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Nguồn hình ảnh,VGP

Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Giao thông Vận tải

Như thông báo của Trung ương Đảng, vị trí bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng sẽ được sắp xếp lại. Dự kiến, người được Đảng giới thiệu cho vị trí này sẽ là một bí thư tỉnh ủy, tương tự các trường hợp một số tân bộ trưởng thời gian gần đây.

Ví dụ, ông Nguyễn Hải Ninh được phê chuẩn làm bộ trưởng Tư pháp hồi 26/8 khi đang làm bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ông Đỗ Đức Duy cũng là bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trước khi làm bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Một ứng viên sáng giá cho chức vụ này là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh. Hai nguồn tin tiết lộ với BBC rằng ông Minh là người được Đảng giới thiệu cho Quốc hội phê chuẩn vị trí bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Ông Minh sinh năm 1967, quê ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ông có bằng tiến sĩ kỹ thuật và là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông kinh qua nhiều vị trí công tác ở Binh chủng Công binh, từ giảng viên Trường sĩ quan Công binh, đến lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, phó tham mưu trưởng Binh chủng, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, tư lệnh Binh chủng Công binh.

Từ tháng 5/2016, ông giữ chức phó tư lệnh Quân khu 1, sau đó là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 1, tư lệnh Quân khu 1.

Từ 10/2019 đến 9/2021, ông đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, mang hàm trung ướng.

Từ tháng 9/2021 tới nay, ông là bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Trong bài viết của báo Người Lao Động về nhân sự bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Giao thông vận tải, ở phần tin tức liên quan lại đính kèm bài viết về bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh.

Ai thay ông Bùi Văn Cường?

Sau khi thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước và bị kỷ luật cảnh cáo, sự nghiệp của ông Bùi Văn Cường, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng thư ký Quốc hội, cựu Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đã chấm dứt
Chụp lại hình ảnh,Sau khi thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước và bị kỷ luật cảnh cáo, sự nghiệp của ông Bùi Văn Cường, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng thư ký Quốc hội, cựu Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, đã chấm dứt

Trong hội nghị bất thường ngày 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Bùi Văn Cường thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 13. Trước đó ngày 15/11, ông Cường bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Hôm 25/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ tổng Thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Bùi Văn Cường.

Theo thống kê của BBC, tính luôn ông Bùi Văn Cường, đã có tới ít nhất 18 đại biểu Quốc hội thôi nhiệm trong khóa 15 này.

Thông báo của Bộ Chính trị cho thấy ông Bùi Văn Cường - ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Với việc ông Cường thôi các chức vụ của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp của ông xem như đã kết thúc.

Dự kiến, người thay ông Cường cũng sẽ là một bí thư tỉnh ủy. Trước khi ông Cường làm tổng thư ký Quốc hội, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội vào tháng 4/2021 thì ông là bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Chụp lại video,Đảng họp bất thường: Xử lý hàng loạt nhân vật cấp cao

Một số thông tin cho rằng ông Lê Quang Tùng, bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, sẽ được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm tổng thư ký Quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thay cho ông Bùi Văn Cường.

Tuy nhiên, BBC không thể kiểm chứng độc lập thông tin này.

Ông Lê Quang Tùng sinh năm 1971, quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 12, chính thức khóa 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông là kỹ sư cơ khí giao thông; nghiên cứu phát triển, kỹ nghệ công nghiệp sau đại học. Xét quá trình công tác, ông Tùng từng làm chuyên viên trong Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ông Tùng cũng từng là vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư luân chuyển về tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 7/2018, khi đang là phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông được thủ tướng bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Từ năm 2021 đến nay, ông làm ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đại biểu Quốc hội khóa 15.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?