Nhiều hãng truyền thông Mỹ 'quay xe' vì ông Trump - https://bacaytruc.com
Nguồn: Viet BF | Ngày đăng : 2024-11-28 |
Nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng sang một cách tiếp cận có phần trung lập và hoà nhã hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Sau nhiều năm chỉ trích ông Donald Trump, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử, cặp đôi dẫn chương trình buổi sáng của MSNBC là Joe Scarborough và Mika Brzezinski đã có chuyến thăm đến tư gia Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử hồi giữa tháng 11.
Sau chiến thắng áp đảo của chính trị gia gốc New York trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Scarborough và bà Brzezinski nói với khán giả rằng họ đang cố gắng điều chỉnh lại cách trò chuyện với tổng thống đắc cử.
"Tôi và Joe nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi", bà Brzenzinski nói với khán giả hôm 18/11 (giờ địa phương). "Chuyện đó sẽ bắt đầu từ việc nói chuyện với Donald Trump chứ không chỉ đơn thuần là nói chuyện về ông ấy nữa".
Động thái này lập tức vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Chưa đầy 24 giờ sau, lượt xem của MSNBC giảm tới 38%, theo thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Nielsen.
Tuy nhiên, sự thay đổi thái độ của ông Scarborough và bà Brzezinski chỉ là một chỉ dấu cho thấy ngành truyền thông Mỹ đang cân nhắc hiệu chỉnh cách tiếp cận đối với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Guardian nhận định.
Tương lai bất định
Trong quá trình tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích giới truyền thông và gọi họ là "kẻ thù của nhân dân". Các đồng minh của tổng thống đắc cử cũng chỉ trích các hãng tin tức và một số nhà phê bình chính trị.
Họ đồng thời khởi động chiến dịch pháp lý trị giá hàng tỷ USD chống lại một loạt công ty truyền thông với cáo buộc thiên vị khi đưa tin. Đơn cử, ông Trump cho rằng CBS đã biên tập sai lệch nội dung một buổi phỏng vấn với bà Kamala Harris.
Theo Puck News, sở dĩ cặp đôi dẫn chương trình của MSNBC đến thăm tư gia của tổng thống đắc cử ở Florida là bởi ông Scarborough "lo ngại" bản thân sẽ bị nhắm đến bởi Bộ Tư pháp khi ông Trump nhậm chức.
"Nguyên nhân không nằm ở tỷ lệ đánh giá của khán giả hay công ty chủ quản", Puck News dẫn một nguồn thạo tin cho biết. "Vấn đề nằm ở nỗi sợ bị trả đũa và điều tra".
MSNBC không phải đơn vị duy nhất rơi vào tình huống khó khăn này. Giới truyền thông Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm nỗi bất an về những động thái trong tương lai của ông Trump và lợi ích của giới chủ các hãng truyền thông bị ảnh hưởng.
Các "ông lớn" đồng loạt thay đổi thái độ
Washington Post đã hứng chịu nhiều luồng chỉ trích và mất 250.000 độc giả trả phí sau khi tờ này từ chối lên tiếng ủng hộ bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong cuộc bầu cử năm nay.
Cùng thời điểm Washington Post trở thành tâm điểm của sự tranh cãi, tờ Los Angeles Times cũng khiến nội bộ toà soạn trở nên hoài nghi và thất vọng khi huỷ bỏ tuyên bố ủng hộ bà Harris, vốn là một quyết định đến từ ban thư ký của đơn vị này, theo Guardian.
Tỷ phú Patrick Soon-Shiong, chủ sở hữu Los Angeles Times, nói rằng động thái nói trên nhằm hướng tới việc duy trì sự trung lập. Tuy nhiên, con gái của ông là nhà hoạt động Nika Soon-Shiong nói rằng quyết định gây tranh cãi này xuất phát từ việc bà Harris thường xuyên ủng hộ Israel trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.Sau nhiều năm hoạt động với lập trường có xu hướng thiên tả dưới thời Jeff Zucker, hãng tin CNN gần đây cũng bắt đầu điều chỉnh cách tiếp cận trong việc sử dụng ngôn ngữ trong các bản tin, theo Guardian.
Cụ thể, khi đưa tin về những người diễu hành với cờ chữ vạn ở Columbus, Ohio, CNN đã không khẳng định nhóm người này thuộc phe nào trên quang phổ chính trị như cách họ đã từng đưa tin trong quá khứ.
"Một nhóm tân phát xít diễu hành qua Columbus, vẫy cờ chữ vạn và che mặt", nhà báo Dana Bash của CNN nói. "Chúng tôi không rõ nhóm này đến từ phe nào. Ý tôi là, thông thường thì những người tân phát xít đến từ phe cực hữu".
Phần đưa tin này của bà Bash lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều và thậm chí là châm chọc vì nỗ lực "gắng gượng" thể hiện sự trung lập của CNN. Một số người tại New York Times cũng bắt đầu sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ngay sau cuộc bầu cử, nhà báo David Brooks đã lên tiếng rằng ông Trump là một "người đem đến sự hỗn loạn chứ không phải chủ nghĩa phát xít".
"Trong hỗn loạn, tồn tại cơ hội cho một xã hội mới và cách phản ứng mới trước chủ nghĩa Trump", ông Brooks nói thêm.
Giới quan sát cho rằng những chỉ dấu hiện tại báo hiệu một thời kỳ khó đoán trong tương lai khi nước Mỹ nằm dưới sự lãnh đạo của một tổng thống có cách tiếp cận cứng rắn với giới truyền thông và không ngại chia sẻ về những quan điểm thiên hữu của bản thân, theo Guardian.
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét