Áp thêm 25% thuế nhập khẩu ô tô, TT Mỹ mưu tính điều gì? - https://www.rfi.fr/

 ĐIỂM BÁO

Ai được hưởng lợi sau đòn thuế quan của tổng thống Mỹ? Liệu quyết định này có thực sự là một tính toán sai lầm như nhiều kinh tế gia vẫn nhận định? Châu Âu liệu có thể tự bảo đảm an ninh cho Ukraina mà không cần có Hoa Kỳ? Nợ công tiếp tục đạt mức kỷ lục, Pháp có thể tái vũ trang? Đây là các câu hỏi lớn được báo chí Pháp số ra hôm nay 28/03/2025, quan tâm.  

Trucks are parked at the Ford Hermosillo Stamping and Assembly Plant following U.S. President Donald Trump's announcement of a 25% tariff on imported cars and light trucks starting next week, in Hermo
Bãi xe tại nhà máy Ford Hermosillo, tại Hermosillo, Sonora, Mêhicô, ngày 26/03/2025. REUTERS - Santiago Fontes
Quảng cáo

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài giải thích chi tiết về quyết định tăng thuế xe hơi thêm 25% của ông Trump. Trong bài viết mang tên “Bảy câu hỏi về cơn địa chấn trong lĩnh vực xe hơi toàn cầu”, Les Echos phân tích rằng những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ sẽ là những nước bị tổn thương nghiêm trọng nhất bởi đòn thuế quan. Nếu mức thuế 25% được duy trì lâu dài, ngành công nghiệp ô tô của các quốc gia láng giềng lớn phía bắc và phía nam sẽ bị tàn phá. 

Vậy ngược lại, ai sẽ là bên thắng cuộc trước đòn thuế quan này? Tờ báo nhận định Tesla sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì họ sản xuất các kiểu xe ngay trên đất Mỹ. Đứng trước câu hỏi rằng liệu quyết định này có phải để giúp hãng xe của Elon Musk cạnh tranh tốt hơn, tổng thống Trump đã giải thích khi công bố biện pháp gây sốc vào tối thứ Tư rằng Musk “chưa bao giờ yêu cầu tôi bất kỳ đặc quyền nào cho các hoạt động của mình”. Tuy nhiên hai tuần trước, Donald Trump đã “long trọng” mua một chiếc Tesla để hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà sản xuất này. 

Ngoài ra, tập đoàn Ford cũng có thể hưởng lợi từ quyết định này. Họ sản xuất 80% các mẫu xe của mình tại Mỹ, bao gồm cả mẫu xe bán tải nổi bật F-150. Cuối cùng, một số thương hiệu xa xỉ sẽ có thể đối mặt với cú sốc này tốt hơn những thương hiệu khác nhờ vào tính đàn hồi mạnh mẽ của giá cả. Ferrari đã thông báo vào thứ Năm rằng họ sẽ tăng giá tới 10% đối với một số kiểu xe của mình bán tại thị trường Mỹ.

Đứng trước tình hình hiện nay, liệu các tập đoàn xe hơi có nên tính đến việc chuyển dịch sản xuất sang đất Mỹ? Đó là một trong những mục tiêu mà Donald Trump đã công khai: thuế quan phải đóng góp vào việc tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các biện pháp thuế quan này cần phải được áp dụng trong dài hạn, kể cả sau khi đã hết nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống Trump. Đầu tư vào một nhà máy mới, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thêm hoặc điều chỉnh một dây chuyền lắp ráp ô tô, đều cần có thời gian. Do vậy việc các doanh nghiệp xe hơi chịu đầu tư vào Mỹ chưa chắc đã có thể thành hiện thực trong một sớm một chiều. 

Tăng thuế quan, có chắc là tính toán sai lầm của tổng thống Mỹ ? 

Hơn nữa các biện pháp thuế quan này của tổng thống còn có thể khiến lạm phát tăng cao, bòn rút hầu bao của dân Mỹ. Vậy phải chăng đây là một tính toán sai lầm của Donald Trump? Tờ Libération dẫn phân tích của ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng để tìm ra động cơ thật sự đằng sau các quyết định thuế quan của Trump, cần phải tự hỏi liệu ông có một chương trình nghị sự nhằm thống trị thương mại, tài chính (với các loại tiền ảo), và địa chính trị hay không. Ông Lamy nhận định Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về kinh tế, công nghệ, và chiến lược, nhưng để duy trì vị trí này, quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên của nền kinh tế tương lai là rất quan trọng, bao gồm nước, khoáng sản và đất hiếm. 

Trái ngược với điện, nước có thể lưu trữ được, nhưng việc vận chuyển lại rất khó khăn, điều này đòi hỏi phải kiểm soát nguồn tài nguyên, và đây là lý do tại sao câu chuyện về Canada cần được xem xét nghiêm túc. Tương tự, Groenland có tiềm năng tài nguyên phong phú còn Ukraina sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào. Tóm lại, những biện pháp mạnh của tổng thống Mỹ có thể nhằm giúp Washington chiếm lợi thế trong các cuộc thương thảo về nhiều vấn đề khác. Cựu tổng giám đốc WTO kết luận ông Trump có nhiều cộng sự và họ hẳn đã suy tính về quyết định này từ lâu. 

Trước tình hình đó, châu Âu nên làm gì? Ông Lamy cho rằng Liên Âu (EU) nên để cho Mỹ thấy bản thân sẵn sàng đàm phán với một “con dao” trong tay. Vì khác với Canada, Mêhicô hay Vương quốc Anh, châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế để đáp trả các đòn thuế quan của Trump một cách hiệu quả. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với châu Âu thấp hơn nhiều so với những gì mà người đứng đầu Nhà Trắng đã nói: thực tế, con số đó chỉ là 50 tỷ đô la nếu tính cả dịch vụ, thay vì 300 tỷ đô la như ông đã đề cập. 

Châu Âu và Ukraina tay trong tay 

Về thời sự châu Âu, La Croix chạy tựa “Châu Âu muốn tăng ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán về Ukraina”. Nhật báo Công giáo cho biết 31 quốc gia, bao gồm các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh, Canada, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc, đã tề tựu hôm thứ Năm, 27/03 tại Paris, và quyết định thành lập một “liên minh vì hòa bình vững chắc ở Ukraina”. Không được mời đến tham dự các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn dắt ở Ả Rập Xê Út, châu Âu đang cân nhắc việc triển khai một lực lượng đến Ukraina mà không cần sự đồng thuận của Matxcơva cũng như sự hỗ trợ từ Washington. 

Tuy nhiên, theo tờ Le Figaro trong bài “Dẫn đầu bởi cặp đôi Pháp-Anh, các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho nền "hòa bình" mà Trump muốn áp đặt ở Ukraina”, dù họp bàn mà không có Hoa Kỳ, châu Âu và Ukraina vẫn đang cố gắng để thuyết phục nguyên thủ Mỹ. Tờ báo nhận định cuộc họp mới của “liên minh tình nguyện vì Ukraina” là một cách để châu Âu chứng tỏ cho Mỹ thấy sự nghiêm túc và quyết tâm chính trị mới của mình, khi cuối cùng EU cũng quyết định tự đảm nhận trách nhiệm an ninh của mình. Châu Âu, dù đã mất niềm tin vào đồng minh cũ, nhưng vẫn cố gắng thuyết phục Donald Trump duy trì “mạng lưới an ninh” ở Ukraina cho tới khi quân đội châu Âu được củng cố. Về phần Ukraina, Kiev cũng cố gắng giữ vai trò “học sinh ngoan” và chấp nhận các đề xuất ngừng bắn của Mỹ, để chứng minh với Donald Trump rằng chính Vladimir Putin, chứ không phải Volodymyr Zelensky, là người từ chối hòa bình. 

 Pháp : Tái vũ trang trong bối cảnh nợ công tăng vọt 

Về thời sự nước Pháp, nhật báo Le Monde, Les Echos và Le Figaro đều có bài viết về tình trạng nợ công tăng cao. Trong bài “Pháp và những kỷ lục mới về nợ công”, Le Monde thống kê trong suốt bốn thập niên qua, nợ công của Pháp đã tăng từ 100 tỷ euro vào năm 1981, vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2003, và rồi đạt 3.000 tỷ vào năm 2023. Và mới đây nhất, theo số do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Insee) công bố hôm qua, thì mức nợ công của Pháp đã tăng thêm 203 tỷ euro chỉ trong năm 2024, nâng tổng số nợ lên thành 3.305 tỷ euro. Đây là mức tăng nợ kỷ lục khi mà Pháp thậm chí còn đang không trong thời đại dịch hay chiến tranh. 

Theo Le Monde, nguyên nhân dẫn đến những kỷ lục này có thể gói gọn trong một từ : thâm hụt. Vào năm 2024, chênh lệch thu chi ngân sách công của Pháp đã tăng lên 5,8% GDP, trong khi dự báo ban đầu là sẽ giảm xuống còn 4,4%. Đây là một sự sai lệch đáng kể, khiến Nhà nước phải vay thêm nợ. Tờ Les Echos giải thích thêm rằng phần lớn chi tiêu của chính phủ là dành cho phúc lợi xã hội, chiếm 60%, trong đó riêng quỹ lương hưu đã chiếm tới 40%. Trong khi đó, Le Figaro dẫn lời các dân biểu, cho thấy đây là dịp để các bên chỉ trích lẫn nhau. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Eric Coquerel, thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất thì đổ lỗi cho “sự đui mù của chính phủ” khi đã trao “những món quà thuế suất cho giới siêu giàu”. Trong khi đó dân biểu Mathieu Lefèvre theo phe Macon, thì cho rằng đây là “sai sót nghiêm trọng” của các cơ quan trong bộ Tài Chính, chứ chẳng liên quan gì đến chính trị. 

Đứng trước các kỷ lục không ngừng bị đạp đổ, Le Monde đặt câu hỏi : Liệu việc tái vũ trang châu Âu sẽ có tác động thế nào đến tình hình nợ công của Pháp ? Trước mối đe dọa từ Nga và sự bỏ rơi của Mỹ, ngân sách quốc phòng của Pháp sẽ cần tăng từ 2% lên 3-4, hoặc thậm chí là 5% GDP, như tổng thống Emmanuel Macron đã từng đề cập. Do đó, việc giảm thâm hụt của Nhà nước và giảm nợ công sẽ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, việc các quốc gia châu Âu tái vũ trang cũng khiến lãi suất cho vay tăng đột ngột. Nếu như trong những năm 2010, lãi suất chỉ từ 0% đến 1%, thì hiện nay chúng dao động quanh mức 3,5%. Và rồi theo dự báo, tới năm 2029, ngân sách mà Pháp dành để chi trả cho lãi suất vay sẽ có thể lên tới 112 tỷ euro, vượt xa ngân sách dành cho giáo dục. 

Tuyệt vọng, người dân Gaza biểu tình chống Hamas 

Về tình hình Trung Cận Đông, nhật báo Le Monde chạy tựa về phong trào bài Hamas ở Gaza. Trong bài “Khởi đầu phong trào chống Hamas ở Gaza”, Le Monde cho biết cuộc biểu tình bắt đầu một cách tự phát tại một trung tâm tiếp nhận người di cư vào chiều ngày 25/03, ở miền bắc Gaza, trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục ra lệnh di tản. Người dân hô vang khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt các cuộc tàn sát và chiến tranh. Dần dần, những tiếng hô này chuyển sang kêu gọi chống lại Hamas: “Hamas cút đi !” hay “Hamas là kẻ khủng bố!”. 

Phía Israel cũng nhanh chóng tranh thủ dịp này. Trong đoạn video phát đi hôm thứ Tư, bộ trưởng Quốc Phòng Israel, ông Israel Katz đã khuyên người dân ở Gaza “nên yêu cầu Hamas rút lui và thả ngay lập tức tất cả các con tin Israel” đồng thời đe dọa sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự mới. 

Ông Khalil Shaheen, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Palestine, nhận định rằng “sau một năm rưỡi chịu cảnh diệt chủng, việc người dân giận dữ cũng là điều dễ hiểu”. Trong dải đất chật hẹp, nỗi tuyệt vọng đã bao trùm. Các quốc gia châu Âu thì giữ im lặng, Israel ngày càng tung hoành khi được Mỹ ủng hộ hoàn toàn trong việc tiến hành trục xuất ngườiPalestine ra khỏi lãnh thổ của họ.

Trong khi đó tờ Le Figaro thì quan tâm đến tình hình ở Syria, sau khi chính phủ mới được thành lập. Trong bài “Các nghị sĩ kêu gọi thận trọng trong việc viện trợ cho Syria”, tờ báo nhận định những cuộc tàn sát người Alaouite ba tháng sau sự sụp đổ của Bachar al-Assad, đã gây ra cú sốc cho Bruxelles và khiến giới lập pháp châu Âu phải cảnh giác. Nếu như trước đó, nhiều nước phương Tây đồng loạt chúc mừng Syria “bước sang trang sử mới” sau khi chế độ độc tài Assad sụp đổ, thì giờ họ bắt đầu ngần ngại khi thấy một số cộng đồng ở Syria vẫn chìm trong bạo lực và buộc phải di cư, đặc biệt là nhóm người Alaouite, những người theo dòng Hồi Giáo Shia, khác với hệ phái Sunni của chính quyền mới. Hơn nữa, Bachar Al Assad xuất thân từ sắc tộc này nên người Alaouite bị xem là “cận vệ” của chế độ cũ. Các tổ chức phi chính phủ đã lên án gần 1.500 người chết ở khu vực phía Tây của đất nước, trong đó phần lớn là dân thường. 

Trước đó, hôm 17/03, châu Âu đã cam kết khoản tài trợ dành cho Syria có thể lên tới 5,8 tỷ euro, trong đó có 4,2 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 1,6 tỷ euro dưới dạng cho vay. Tuy nhiên, Bruxelles cũng cho biết sẽ có các “điều kiện kèm theo” và đảm bảo kiểm chứng việc thực hiện các điều kiện đó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Tin thế giới - BBC

Tin Việt Nam - BBC