Các ông tướng và xu hướng 'mạnh tay'
Nguyễn Giang
Theo BBC
Cập nhật: 12:30 GMT - thứ ba, 27 tháng 5, 2014
Một ông tướng chiếm quyền thủ tướng thời bình
hóa ra là chuyện thật dễ, chỉ trong vòng vài phút.
“Chính phủ không giải tán hả? Vậy thì từ phút này, tôi nắm
quyền.”Tuần trước, hôm 22/5, Tướng Prayuth Chan-ocha nói đúng một câu như thế sau khi vị bộ trưởng tư pháp từ chối không chịu giải thể nội các.
Họ gồm hàng chục các nhân vật chính trị Thái Lan bị triệu tập đến Câu lạc bộ Quân đội ở Bangkok để “giải quyết khủng hoảng” sau Thiết quân luật.
Chỉ trong một phút, nhiều bộ trưởng, lãnh tụ đảng phái Thái Lan bỗng trở thành ‘cựu’ và khi họ còn bận chụp hình bản thân ‘selfie’ để chia sẻ trên mạng, ông tướng 60 tuổi không quên ra lệnh:
“Tất cả ngồi yên."
Và thế là chính thức tất cả các vị khách bị bắt.
Sau vài ngày, có cả thẩy 150 nhân vật chính trị, chủ bút các đài báo, nhóm vận động ở Thái Lan bị bắt hoặc phải trình diện với quân đội.
Cho đến nay, một số đã được thả về, gồm cả cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, một số khác đi trốn.
Nhưng tin hôm 27/5 nói cựu bộ trưởng giáo dục, ông Chaturon Chaisaeng đã bị bắt ngay sau khi đến Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Bangkok để trả lời phỏng vấn báo chí, gồm cả BBC, ngay trong tòa nhà Maneeya Center.
Bỗng chốc, với truyền thông quốc tế và khu vực, Thái Lan có một chính quyền quân phiệt (military junta) và một nhà độc tài.
So với nước láng giềng Myanmar thì Thái Lan từng được coi là một tấm gương về chuyển đổi dân chủ hóa, xã hội dân chủ và tự do báo chí.
Nay, trớ trêu thay, sau khi một số ông tướng của Myanmar gồm cả ông Thein Sein bỏ quân phục để mặc đồ dân sự và tham gia cuộc chuyển đổi thể chế, các ông tướng Thái Lan lại quay lại nắm quyền.
"Sau khi ông Putin đoạt được Crimea, có vẻ như một ngưỡng tâm lý quan trọng đã bị vượt qua "
Một số nhà phân tích trong vùng nói cuộc đảo chính mới nhất ở Thái Lan phải mất ít nhất 1-2 năm nữa mới “giải quyết” xong những cạnh tranh quyền lực giai cấp và phe phái, nếu thực sự phe quân sự có đưa ra được giải pháp gì khả dĩ.
Chưa kể nếu Quốc vương Bhumibol Adulyadej (86 tuổi) băng hà thì cuộc tranh chấp quyền lực sau khi ngai vàng có người kế vị sẽ còn đặt ra những câu hỏi tiếp về tương lai Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ nhì trong ASEAN.
Quân đội Thái Lan đã làm đảo chính nhiều lần và lần này cũng chưa chắc đã đưa ra được giải pháp gì lâu dài cho đất nước, như đánh giá của một chuyên gia luật hiến pháp ở nước này, Khemthong Bấm Tonsakulrungruang.
Dân tộc chủ nghĩa đang lên
Nhưng tạm để sang một bên các diễn biến còn rất khó lường ở riêng Thái Lan, xu hướng chung tại châu Á thời gian qua có vẻ là thiên về những giải pháp mang tính quân sự hoặc bán quân sự.Trên truyền thông, ta thấy sự hiện diện của các tướng lĩnh, đô đốc, từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia ngày càng đều đặn hơn.
Tin tức về các cuộc diễn tập quân sự lớn nhỏ, các chuyến thăm của không quân, hải quân cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Ngay cả ở các nơi không nói chuyện bằng súng ống hay dùng 'đối ngoại quốc phòng' thì xu hướng đòi giải pháp mạnh, cực đoan, hoặc thiên hữu như ở châu Âu cũng đang khá phổ biến.
Và sau khi ông Putin dùng biện pháp quân sự và bán quân sự đoạt được Crimea, có vẻ như một ngưỡng tâm lý quan trọng đã bị vượt qua và người ta đua nhau 'nói mạnh, làm mạnh'.
Tại Pháp, Anh, Đức, Hungary, Hy Lạp, các đảng cực đoan đều thêm nhiều phiếu trong kỳ bầu cử Bấm Nghị viện châu Âu tuần này.
Dù lên bằng lá phiếu hay bằng ngọn súng, chính trị gia Âu hay Á đều phát ngôn ít nhiều mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Bảo vệ “người nói tiếng Nga” ngoài biên giới của mình nay trở thành chính sách của Điện Kremlin tại vùng thuộc Liên Xô cũ.\
Ở Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất châu Á cũng vừa đem lại chiến thắng vang dội cho đảng Ấn Giáo dân tộc chủ nghĩa (BJP) và đưa ông Narendra Modi lên cầm quyền.
Khi còn là thống đốc bang Gurajat, ông Modi bị cáo buộc đã ‘thờ ơ’ để các đám đông Ấn Giáo (Hindu) giết cả nghìn người Hồi Giáo trong bạo động sắc tộc.
Phát biểu của ông Modi rằng ‘Ấn Độ là trên hết’ dù nói về một quốc gia cũng vang vọng không xa lời bà Marine Le Pen từ Mặt trận Dân tộc Pháp rằng “Nước Pháp của người Pháp, vì người Pháp”.
Chủ nghĩa dân tộc cũng không vắng bóng trong nghị trình của đảng cầm quyền hiện nay ở Nhật Bản, và cũng là chủ đề ‘nóng’ trong tranh chấp Trung – Việt về biển đảo hiện nay.
Thái độ dân tộc chủ nghĩa hiện đang là một yếu tố phá vỡ những gì hai đảng cộng sản Trung - Việt từng thỏa thuận với nhau, cho thấy ý thức hệ đó không còn là thành tố kết dính chính trị xuyên quốc gia.
Chưa kể hiện có nhiều khả năng ai nắm được 'ngọn cờ dân tộc' sẽ tập hợp được lực lượng chính trị trong thời gian từ nay tới Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016.
Liên kết vùng bị thách thức
"Ai nắm được 'ngọn cờ dân tộc' sẽ tập hợp được lực lượng chính trị trong thời gian từ nay tới Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam"
Tại châu Âu, lãnh đạo các đảng đang cầm quyền như Thủ tướng Anh David Cameron hay Tổng thống Pháp Francois Hollande đều đang tuyên bố xem xét lại cơ chế EU để đáp ứng sự hoài nghi của cử tri về “quyền lực từ Brussels”.
Tại ASEAN, chính biến tại Thái Lan đặt câu hỏi nghị trình lập Khu vực Tự do kinh tế 2015 (AFTA) sẽ đi về đâu.
Xung khắc biển đảo giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và gần đây nhất là Indonesia (vụ đường chín đoạn vẽ cả đảo của Indonesia) có vẻ như không tạo điều kiện tốt cho tương lai dự án tự do mậu dịch ASEAN- Trung Quốc 2015.
Malaysia – nước làm chủ tịch ASEAN năm tới – vẫn tin tưởng quan hệ với Trung Quốc sẽ tiến triển tốt đẹp, nhưng uy tín của bản thân giới lãnh đạo Malaysia cũng sứt mẻ ít nhiều sau vụ MH370.
Việc lèo lái ASEAN sẽ thêm khó khăn, nhất là sau khi sự không đồng nhất về đối ngoại chung khiến Philippines đã ký một hiệp ước quân sự riêng với Hoa Kỳ, với lý do phải lo “giữ nhà” vì tiếng nói chung không có tác dụng gì với Trung Quốc.
Dù ai thắng cử thì lãnh đạo mới của Indonesia cũng phải có thời gian, ít nhất là 1-2 năm để định hình chính sách đối ngoại.
Trở lại bán đảo Đông Dương, Tướng Bấm Prayuth, người đáng ra sẽ về hưu vào tháng 9 năm nay, đã làm chỉ huy bộ binh trong lực lượng 'Hổ miền Đông', nơi Thái Lan và Campuchia có tranh chấp lãnh thổ.
Điều này hẳn không giúp cho chính quyền quân sự Thái hàn gắn với Phnom Penh nhất là khi vừa có tin cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đang muốn “lập chính phủ lưu vong đóng tại Campuchia”, theo một luật sư đại diện cho ông Thaksin.
Vì thế, trong 2-3 năm tới, tình hình chung ở Đông Nam Á sẽ còn nhiều ẩn số và là lúc các nước đều phải hoạch định lại chính sách đối ngoại với mục tiêu thế nào chưa rõ.
Trước mắt, các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Nga và Ấn Độ sẽ tiếp tục can dự hoặc ‘được mời tham gia’ vào các hồ sơ khu vực vào lúc tinh thần dân tộc vẫn cứ ngày một lên cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét