Xung đột biển Đông phụ thuộc vào cuộc bầu cử…Ukraine
TTXVA
THEO HIỆU MINH
May 26, 2014
Nga đang chơi nước cờ tối trong địa chính trị
Cuộc chiến địa chính trị Đông Tây bắt nguồn từ Ukraine đã châm ngòi cho sự đối kháng giữa Nga và EU + Mỹ. Nga chiếm được Crimea, đang chia rẽ Ukraine, 40 ngàn quân áp sát biên giới, sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào.Cho dù chính quyền Kiev đang thẳng tay với những kẻ ly khai ở miền Đông, nhưng Putin chưa dám động binh, bởi ông ta hiểu sai lầm sẽ bị trả giá rất lớn.
Financial Times đưa tin, cấm vận của phương Tây có vẻ đã tác động lên nền kinh tế Nga, nhiều doanh nhân Nga đã sốc khi phương Tây bỏ cuộc hàng loạt làm ăn với Nga, đưa quốc gia này vào thời kỳ trì trệ và bắt đầu suy thoái. Dù có chuyến thăm của Putin tới Bắc Kinh cũng chẳng giúp gì, bởi Trung Quốc không thể là giải pháp lâu dài.
Tại hội nghị kinh tế thế giới vừa tổ chức tại St. Peterburg do Nga tài trợ, các đại gia lớn như Goldman Sachs, Pepsi Cola, và nhiều CEO nổi tiếng đều vắng bóng. Có người than “chẳng thấy chân dài lẩn quẩn ở hội nghị, một tín hiệu kinh tế Nga đang đi vào suy thoái”. Theo dự đoán tăng trưởng trong năm nay của Nga có thể về âm (-0,5%).
Putin cũng hiểu, người miền Đông Ukraine hoàn toàn không muốn nhập với Nga như những kẻ ly khai và bộ máy tuyên truyền một chiều của cái loa phường Moscow. Họ có thể cần tự trị, nhưng thành một tỉnh của Nga thì chắc chắn không, trừ vài kẻ cầm đầu được Nga nuôi làm chó săn.
Điện Kremlin quá hiểu điều đó. Gây ra một cuộc chiến xâm lược là tự sát, kết thúc luôn đế chế Nga mà Elsin từng mơ ước và Putin đang cố dựng lại.
Cũng theo Financial Times đánh giá, Putin ngửi thấy một tín hiệu khác từ Kiev. Đó là Petro Poroshenko, người mà Putin có thể nói chuyện được. Ông này từng là bộ trưởng bộ Ngoại giao thời Vikto Yushchenko năm 2004 trong cuộc cách mạng Cam và sau đó là bộ trượng bộ Kinh tế thời Yanukovych. Poroshenko đang dẫn đầu cuộc đua chức trong cuộc bầu cử tuần sau.
Lavrov đánh giá ông này không thuộc hàng phát xít, không chống Nga điên cuồng, là hy vọng của Putin. Chỉ cần một người mà cả hai phía Đông Tây có thể đối thoại, cùng có lợi, thì Ukraine sẽ thoát hiểm.
Lúc này nước Nga cần hai điều kiện quan trọng, Ukraine không gia nhập NATO, mô hình liên bang với quyền tự trị cao cho khu vực miền Đông phần lớn nói tiếng Nga. Ai là người giúp cho điều này trở thành hiện thực sau bầu cử nếu như không phải là Poroshenko.
Đó là lý do tại sao, ngay trước ngày bầu cử 25-5 tại Ukraine, Putin bỗng ra lệnh “rút quân” lần thứ N, cho dù quan sát vệ tinh cho biết, chưa có biến chuyển dưới mặt đất.
Putin tiếp tục phá hoại bầu cử thì đòn kinh tế của phương Tây sẽ mạnh hơn, gậm nhấm tâm hồn Nga cho tới khi họ thành những kẻ nát rượu trong thế giới phẳng. Người Việt ta từng hưởng qui chế embargo nên hiểu thế nào là cấm vận kinh tế.
Cho dù cuộc bầu cử xảy ra thuận buồm xuôi gió tại Kiev, vết thương Crimea, Olympic Sochi, Snowden… cũng cần thời gian để Đông Tây hòa thuận, khí đốt chảy về Tây, đô la về Nga, và nhân loại học được một bài sơ đẳng, hợp tác hai bên cùng có lợi vẫn hay hơn là dọa dẫm và tìm cách lấn chiếm.
Putin – Tập Cận Bình: Những kẻ dối trá hợp tác
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khủng vào thềm lục địa của Việt Nam đã chính thức chấm dứt “huyền thoại” 16 chữ vàng, 4 tốt mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã “dày công vun đắp”. Hai quốc gia từng là anh em, chung ý thức hệ, cùng mầu cờ đỏ, đang bên bờ vực thẳm của xung đột biển đảo bất cứ lúc nào.
Điều đó đang xảy ra với Ukraine – Nga, cùng mầu cờ đỏ, cùng chiến hào chống tư bản và phát xít, từng là anh em, nay cắn nhau như chó với mèo.
Nói tóm lại, Nga và Trung là hai cường quốc có độ tin cậy gần bằng không. Xung đột giữa bốn quốc gia là xung đột của thế hệ cộng sản cuối cùng, tự triệt tiêu lẫn nhau.
Có sợ Nga Trung hợp tác với nhau chống phương Tây và Mỹ không? Hoàn toàn không, bởi họ là hai kẻ nói dối tầm cỡ quốc tế. Đã nói dối thì không thể lâu dài.
Putin từng nói không có lính Nga ở Crimea, nhưng vụ chiếm Crimea đã diễn ra như thế nào, không cần viết lại. Ông ta từng nói không lấy lại Crimea, nhưng hai tuần sau đó, thì chuyện gì đã xảy ra. Rồi hứa rút quân khỏi biên giới Ukraine nhiều lần, nhưng chưa bao giờ ông làm.
Tập Cận Bình và Bắc Kinh mồm 16 chữ vàng, 4 tốt với Việt Nam, lấy đại cục làm trọng, cuối cùng thì đưa giàn khoan tới biển Đông.
Putin đến Bắc Kinh với hy vọng bán dầu và khí đốt cho quốc gia đang đói nhiên liệu. Ngoài ra, vũ khí Nga cũng là thứ mà Putin đang bán cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Nếu xảy ra chiến tranh càng tốt, vì cả hai không thể mua vũ khí Mỹ.
Bắc Kinh thừa hiểu là cuộc chiến với Việt Nam sẽ có giá thế nào. Cứ nhìn Nga là hiểu rõ. Sự cô lập về ngoại giao và kinh tế sẽ giúp cho con hổ thật này biết thế nào là những kẻ dạy thú phương Tây. Trong một thế giới đã hội nhập sâu, các quốc gia phụ thuộc vào nhau, Trung Quốc đứng một mình sẽ kết thúc như Bắc Triều Tiên.
Nga và Trung từng là đồng minh của Việt Nam trong cuộc chiến ý thức hệ, ảnh hưởng domino ở Châu Á, chống lại đế quốc Mỹ. Mao Trạch Đông hứa sẽ đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng, Liên Xô viện trợ vũ khí thừa từ thế chiến thứ 2 để đương đầu với vũ khí hiện đại nhất của Mỹ. Việt Nam muốn thống nhất, cần cả Mỹ, Trung, Xô.
Việt Nam bị Trung Quốc dạy cho bài học năm 1979, Liên Xô đứng im xem hai anh em choảng nhau. Lần này, Trung Quốc đang uy hiếp Việt Nam, Nga bắt tay với Bắc Kinh làm đối tác chiến lược. Việt Nam thành kẻ thủ của cả hai ông anh.
Vĩ thanh
Nếu cuộc bầu cử tại Ukraine thuận buồn xuôi gió, người mới lên cân bằng được quyền lợi giữa đông và tây, thì cuộc chiến Ukraỉne – Nga sẽ được tháo ngòi. Putin sẽ quay lại con bài dầu khí đối trọng với phương Tây, hai bên cùng có lợi.Nga sẽ thôi dùng Trung Quốc trong chiến lược chống phương Tây, bởi họ quá hiểu, Trung Quốc mạnh lên, sẽ đòi lãnh thổ, như đã từng xảy ra ở đảo Trần Bảo những năm cuối 1960 và hiện đang hành xử với Việt Nam.
Thế giới quay lại câu chuyện giữa 4 siêu cường: Nga, Trung, Mỹ và EU. Việt – Trung tiếp tục 16 chữ vàng và 4 tốt, đường dây nóng lại nhai nhải về…đại cục. Dân ta từ từ tiến lên CNXH vào thế kỷ 22.
PS. Khi bài này lên trang, có tin cho hay, Putin sẽ công nhận kết quả bầu cử tại Ukraine. Có lẽ tay KGB đã ngửi thấy mùi hợp tác. Dù thế nào chăng nữa, nếu cuộc chiến tranh Ukraine và Nga được tháo ngòi, thì nhân loại cũng thở phào. Thay vì đối đầu, Putin quay lại hợp tác cũng là một bài học tốt cho Tập Cận Bình.
THEO HIỆU MINH
Nhận xét
Đăng nhận xét