Tin Biển Đông – 28/06/2020
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc không được coi Biển Đông là ‘đế chế’ của mình – Hải Lam
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 28/6 viết trên Twitter rằng Mỹ phản đối Trung Quốc coi Biển Đông là của riêng mình, đồng thời ủng hộ ASEAN giải quyết tranh chấp trên biển theo luật quốc tế.
“Mỹ hoan nghênh lập trường của các lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Chúng ta sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này”, ông Mike Pompeo viết.
Cũng trong bài đăng của mình, ông Mike Pompeo dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” được các nhà lãnh đạo trong khu vực thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích trên Biển Đông, trong đó có việc nước này ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận hành chính “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm bắt cá, nạo vét và xây dựng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, điều tàu khảo sát theo dõi tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Giới quan sát cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang lợi dụng dịch Covid-19 để bành trướng Biển Đông. Mới đây, Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc tính lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển chiến lược này.
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo ngày 2/6 viết trên Twitter rằng Mỹ đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để “phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Mỹ cũng đề nghị Liên Hợp Quốc chuyển thư này tới tất cả các nước thành viên.
Biển Đông: Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN,
đả kích ý đồ độc chiếm của Trung Quốc
Trọng Nghĩa
Hoa Kỳ ngày hôm qua, 27/06/2020, là một trong những cường quốc đầu tiên đã lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về Biển Đông, vừa được tái khẳng định nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ngày 22/06 vừa qua, dưới quyền chủ trì của Việt Nam.
Trong một tin nhắn Twitter gởi đi khuya hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết là “Hoa Kỳ hoan nghênh việc các lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế“, trong đó có UNCLOS (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982).
Ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại cho rằng “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông thuộc phạm vi đế chế hàng hải của họ”, đồng thời cho biết thêm là Mỹ sẽ “sớm lên tiếng nhiều hơn về chủ đề này”.
Điểm đáng chú ý là trong tin nhắn của mình, ông Pompeo đã đính kèm bản Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN mang tên “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, đã được thông qua nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 36.
Theo ghi nhận của CNN, trong Bản Tuyên Bố Chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng ở Biển Đông, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và các bên không được “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Bản Tuyên Bố của chủ tịch ASEAN còn nêu bật thái độ quan ngại “về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông” và xem Công Ước UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền chính đáng trên các vùng biển.
Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố về Biển Đông của khối ASEAN lần này là một trong những nhận định cứng rắn nhất của khối đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông trên cơ sở lịch sử.
Trả lời hãng AP, ba nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên cho rằng toàn khối rõ ràng là đã có lập trường cứng rắn đáng kể trong việc khẳng định nhu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế ở Biển Đông. Theo giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích nổi tiếng về Biển Đông, tuyên bố của ASEAN mang ý nghĩa là một động thái bác bỏ các cơ sở mà Bắc Kinh dựa vào để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong lời lẽ của ASEAN đối với Trung Quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét